Thursday, September 24, 2009

NGUYỄN ĐẠT THỊNH * GIÁO DỤC

Sức nặng của kiến thứcNguyễn Ðạt Thịnh

Ðể trả lời bài chỉ trích của hai giáo sư Harvard, Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson,ông Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Việt Cộng nói, “Quần chúng là một dãy số không. Nhưng sức mạnh của dãy số ấy được nhân lên bao nhiêu lần, tùy thuộc vào con số đứng trước các con số đó là bao nhiêu.”

Bài chỉ trích của Harvard nhận xét, “Việt Nam không có một trường đại học nào được công nhận là có giá trị; không một trường Việt Nam nào có tên trong bất cứ danh sách nào liệt kê các trường đại học hàng đầu ở châu Á.”

Là phụ tá giám đốc của “Chương trình Việt Nam” --một chương trình của trường John F. Kennedy School of Government nhằm giúp đỡ nhà nước Việt Cộng xây dựng nền đại học-- ông Wilkinson biết rất rõ về tình hình đào tạo trí thức và chuyên viên của nhà nước Việt Cộng.

Bài viết của ông và ông Vallely nêu lên tình trạng tụt hậu khiếp đảm của Việt Cộng, so sánh với những quốc gia lân cận. Ông nói những nước Đông Nam Á khác, đều có thể tự hào, ít nhất về một vài cơ sở đại học nổi tiếng, trong lúc các trường đại học Việt Nam vẫn không hội nhập được vào khối kiến thức quốc tế.
Hai ông này nêu lên một góc cạnh của sinh hoạt kiến thức quốc tế qua việc bài viết của những giáo sư đại học của mỗi nước được đăng trên các tạp chí khoa học trong năm 2007, để hình dung chỗ đứng thấp nhất của trí thức Việt Nam.

Bài viết được xuất bản
trên các tạp chí khoa học năm 2007
Cơ sở
Quốc gia
Số bài
viết
Đại học tổng hợp Quốc gia Seoul
Nam Hàn
5.060
Đại học tổng hợp Quốc gia Singapore
Singapore
3.598
Đại học tổng hợp Bắc Kinh
Trung Quốc
3.219
Đại học tổng hợp Phúc Đan
Trung Quốc
2.343
Đại học tổng hợp Mahidol
Thái Lan
950
Đại học tổng hợp Chulalongkorn
Thái Lan
822
Đại học tổng hợp Malaya
Malaysia
504
Đại học tổng hợp Philippines
Philippines
220
Đại học Quốc gia Việt Nam (Hà Nội và Sài Gòn)
Việt Nam
52
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Việt Nam
44
Nguồn: Science Citation Index Expanded, Thomson Reuters

Tổng cộng chúng ta có 96 bài viết được phổ biến trên các cơ quan trí thức thế giới, không bằng một nửa Phi Luật Tân, quốc gia đứng gần chót trên bảng so sánh, và không bằng 1/52 Nam Hàn, quốc gia đứng đầu với 5060 bài viết.
Bài viết của một giáo sư được thế giới quan tâm tối thiểu phải có hai điều kiện: một là đề tài lựa chọn phải đủ quan trọng, và hai là tầm mức suy luận phải đủ chính xác, đủ uyên bác. Tôi thèm được đọc 96 bài viết này để tìm chút hãnh diện về phẩm, dù Việt Nam đứng hạng bét về số lượng.
Bài viết chỉ là một trong nhiều tiêu mốc đánh giá tầm mức trí thức của một dân tộc; một tiêu mốc khác, thực tế hơn, là chỉ số sáng tạo

Chỉ số sáng tạo
Quốc gia
Số bằng sáng chế
được cấp năm 2006

Hàn Quốc

102.633
Trung Quốc
26.292
Singapore
995
Thailand
158
Malaysia
147
Philippines
76
Việt Nam
0
Nguồn: World Intellectual Property Organization, 2008 Statistical Review.

Chỉ trong một năm người Nam Hàn có 102,633 bằng sáng chế trong lúc Việt Nam chúng ta không có một sáng kiến nào xứng đáng để tác giả xin bằng sáng chế giữ độc quyền.
Nhận định của hai giáo sư Harvard cho là tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng giáo dục đại học Việt Nam không thể phóng đại hơn được, vì thực tế đã quá bi đát.
“Chúng tôi tin rằng nếu không có một sự cải cách khẩn cấp và cải cách từ căn bản hệ thống giáo dục đại học và cao đẳng, Việt Nam sẽ không đáp ứng đúng mức tiềm năng to lớn của mình,” bài nhận định viết.

Câu trả lời của ông Nguyễn Minh Thuyết đúng: ông nói một triệu bạc không đáng gì cả nếu không có con số 1 đứng đầu 6 con số không; đúng vì ông xác nhận là cả 3, 4 ông bình vôi ngồi tại Hà Nội cộng với bộ chính trị của đảng Việt Cộng cũng chỉ là những con số không to tướng, nếu xét về giá trị trí thức.
Mới tuần trước, ông Nguyễn thiện Nhân, bộ truởng giáo dục của Việt Cộng, còn khen tình hình giáo dục có tiến bộ, và nhờ tiến bộ đó ông tự cho phép mình ngủ thêm mỗi ngày một tiếng đồng hồ (điều chính miệng ông ta khoe khoang).

Ðể giải quyết cuộc khủng hoảng giáo dục khiếp đảm này, Harvard viết, “Chúng tôi đi đến kết luận bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới về mặt thể chế như một thành tố cần thiết của một quá trình cải cách hiệu quả.”
Hai giáo sư này không còn đứng ngoài địa hạt chính trị như thái độ dè dặt thường thấy trong giới trí thức nữa. Họ không ra miệng khuyến cáo việc giải thể cộng sản, nhưng họ đặt chúng ta trước sự lựa chọn: hoặc đổi mới thể chế hoặc chấp nhận những trường đại học học đại.

Bên cạnh bài nhận xét về cuộc khủng hoảng đại học tại Việt Nam do Harvard phổ biến, một nhà văn Việt Nam, ông Tạ Duy Anh, nhận xét về cuộc khủng hoảng này trên toàn bộ nền giáo dục tại Việt Nam hiện nay.
So sánh thành quả giáo dục của chế độ cộng sản trong nước và của những chế độ tự do bên ngoài, ông Anh nhận xét về một du sinh, “… tại sao khi học sinh của mình ra nước ngoài, vẫn là em ấy, nhưng khi trở về, tất cả những hành vi đều khác, văn minh hơn hẳn và cái phản ứng trước xã hội cũng khác. Nó vừa tự tin vừa không kiêu ngạo.”
Nó khác những đứa trẻ tàn nhẫn, lạnh lùng mà ông mô tả như thành quả của nền giáo dục hiện nay. Khác chỉ vì được giáo dục cách khác.

Ông Thuyết mượn một câu danh ngôn ngoại quốc để mô tả quần chúng Việt Nam là một đám những con số không, nhưng thật ra những người đứng trong hàng ngũ quần chúng bị ông Thuyết miệt thị, như ông Anh, cô Lê Thị Công Nhân, Linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Lê Công Ðịnh, và rất nhiều người khác là những con số từ 1 đến 9. Nếu họ thay bộ tam xên Mạnh-Dũng-Triết để đứng đằng trước con số 100 triệu người Việt Nam, thì sức mạnh trí thức của Việt Nam sẽ từ 100,000,000 đến 900,000,000.
Xuống đi thôi, những con số không đứng đằng trước đang làm dân tộc Việt Nam tụt hậu.
Nguyễn Ðạt Thịnh


No comments: