Sunday, April 25, 2010

HOÀNG HẢI THỦY * NGUYỄN NGỌC LOAN



LTS.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan là một chiến sĩ quốc gia anh dũng. Ông là một võ tướng cho nên có những hành động ngang tàng. Người Mỹ cũng như dư luận quốc tế đã phê phán việc ông bắn một tên Việt cộng. Người Mỹ nhân đạo ư? Sự thật đa số dân chúng trên thế giới bị bưng bít về những hành vi của cộng sản mà họ chỉ thấy những điều không đẹp của xã hội miền Nam. Dẫu sao, tướng Loan đã giết một kẻ địch đang lúc xảy ra một trận chiến nguy kịch trong khi Việt Cộng giết Trúc Khê, Khái Hưng, Huỳnh giáo chủ, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm , các nông dân trong CCRD, và nhân dân thành phố Huế trong mậu thân là những người dân không tấc sắt? Họ có biết không và lên tiếng cho nhũng nạn nhân này với tư cách những nhà bình luận công bằng?

Trước 1965, mấy ai lên tiếng về viêc Stalin giết nhân dân Liên Xô và đảng viên cộng sản, nhất là việc Stalin giết cả nhà và các đồng chí của Trotsky, và sau khi Mao chết, những ai đã lên tiếng kết án Mao giết hàng triệu nhân dân Trung Quốc! Sau 1975, cộng sản Việt Nam đã giết công khai hoặc âm thầm các sĩ quan VNCH, nhưng không thấy ai lên tiếng kết án cộng sản dã man.Như vậy có công bằng không? Không những thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan thiệt thòi mà cả miền Nam ta cũng bị đối xử bất công.

Trong khi một số tướng tá, văn nghệ sĩ và nhà tu hành chạy theo cộng sản, thì gương mặt Nguyễn Ngọc Loan trở thành một khuôn mặt sáng ngời, có nhiều điểm đáng khen ngơi.




Ông Sáu Lèo Nguyễn Ngọc Loan

Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn tại trận tên Việt Cộng ác ôn từng giết nhiều người trong trận Việt Cộng đánh vào Sài Gòn Tết Mậu Thân.



Hình được trích trong quyển NAM: A Photographic History của 2 tác giả Leo J. Daugherty và Gregory Louis Mattson. Đây là lời dưới hình bằng tiếng Mỹ:
The head of South Vietnam’s National Police, Brigadier General Nguyen Ngoc Loan, executed a capture Viet Cong officer in a Saigon street. Loan had just learned that the Viet Cong had killed a fellow police officer and his completed family. Captured on film and in this photograph, this horrifyng image shocked public opinion in the United States, bringing the atrocities of the war home to them to become a matter of public interest. This image, taken by AP photographer Eddie Adams, earned the photographer a Pulitzer Prize in 1969.

Phỏng dịch: Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia Vịêt Nam, xử tử một tên Việt Cộng bị bắt trong một đường phố ở Sài Gòn. Tướng Nguyễn Ngọc Loan vừa mới biết tên Việt Cộng đã giết một sĩ quan cảnh sát và giết tất cả vợ con ông sĩ quan. Được ghi lên phim, và trên bức hình này, hình ảnh ghê rợn trong hình làm công luận Hoa Kỳ xúc động, bức hình cho dân Mỹ thấy cảnh tàn ác của chiến tranh và làm họ chú ý đến cuộc chiến Việt Nam. Bức hình do Eddie Adams, Phóng viên Nhiếp Ảnh của AP (Associated Press) chụp, đã làm cho Eddie Adams được Giải Pulitzer năm 1969.
Trang 574, Tập Ảnh NAM, in bức hình thứ hai của Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Trong hình, trước mặt ông Tướng là bà Nguyễn Ngọc Loan. Đây là lời tiếng Mỹ đăng dưới hình:
The former South Vietnamese National Police Chief Nguyen Ngoc Loan with his wife in the burger, pizza, and Vietnamese restaurant he managed in Burke, Washington after escaping Vietnam. Honest Vietnamese officials and soldiers settling in the U.S. were often forced to take quite menials jobs as unlike others, they were innocent of corruption and therefore had no money waiting in overseas accounts.

Phỏng dịch: Ông Nguyễn Ngọc Loan, Cựu Tổng Giám Đốc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam, với bà vợ ông trong một tiệm burger, pizza và hàng ăn Việt Nam ông bà mở ở thị trấn Burke, gần Washington D.C. Những viên chức và quân nhân Việt Nam lương thiện định cư ở Hoa Kỳ thường phải làm những công việc tay chân không như một số người Việt khác. Những người Việt lương thiện ấy không tham nhũng, không thối nát nên họ không có tiền để sẵn trong những trương mục ngân hàng ở nước ngoài.
———-
Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tưởng niệm Tử Sĩ Trận MẬU THÂN
DALLAS, Texas — “Almighty Father, we are gathered here today to celebrate and honor the brave warriors who served in Vietnam and who fought to bring us victory during The Tet Offensive. Bless all who served or who died to protect our nation and its values, founded on the bedrock of Thy Word. Bless and reward their spouses, widows and children.,”


Đó là lời cầu nguyện của Mục sư – Cựu Chiến Binh Marcus Evans tại Bệnh viện VA North Texas Health Care System của Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ tại thành phố Dallas, Texas trưa Ngày Mồng Ba Tết Bính Tuất, tức Thứ Ba 31 Tháng Giêng năm 2006, để vinh danh chiến công của các Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa trong trận chiến Tết Mậu Thân. Mục sư xin Đấng Toàn Năng ban phúc lành cho những chiến binh còn sống, cho những người vợ, những quả phụ và con cháu của những chiến binh đã hy sinh trong trận đánh xẩy ra 38 năm trước.
Tôi, một người Việt mất nước sống buồn ở xứ người, đọc bài báo tưởng niệm, vinh danh các Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Việt Nam với niềm ngậm ngùi và kiêu hãnh.



Ngậm ngùi vì 38 năm sau trận đánh những chiến binh mới được vinh danh, kiêu hãnh vì trong đời tôi, tôi được thấy ngày người thế giới sáng mắt, sáng lòng, nhìn thấy sự thật là Quân Đội Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, và Quân Đội Hoa Kỳ, “đã không thua” trong Chiến Tranh Việt Nam, những hy sinh máu xương của những chiến binh Việt, Mỹ trên đất nước Việt Nam không phải là vô ích. Vì những hy sinh ấy Chủ nghĩa Cộng Sản bị tiêu vong, mãi mãi tiêu vong, ngàn ngàn triệu triệu kiếp không bao giờ bọn đảng viên cộng sản còn có thể làm người thế giới đau khổ, đọa đầy. Trận Chiến Tranh Việt Nam góp một phần sức công phá làm cho cái gọi là Liên Xô Thành Trì Vô Sản Quốc Tế của bọn Nga Cộng sụp đổ tan tành, làm cho nhân dân các nước Đông Âu có thể vùng lên đập phá những gông cùm cộng sản, làm cho những tượng đồng, tượng đá, tượng gỗ, tượng xi-mo Lê-nin, Sịt-ta-lin bị kéo đổ, hạ xuống, cưa đầu, kéo ra cho nằm ở bãi rác.


Trong những đêm cuối năm, ở xứ người Kỳ Hoa Đất Trích, tôi đọc những bài viết về Trận Tết Mậu Thân và những người dự trận đánh ấy.
Mời quí vị đọc bài viết về Cố Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, đăng trong:
CON ONG. Bán Nguyệt San ấn hành ở Houston, Texas. Số 179. Tháng 2, 2006. Bài “Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa.” Người viết Cao Hồng Lê.
Sáng Mồng 2 Tết Mậu Thân, Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu họp, Tướng Nguyễn Ngọc Loan thuyết trình về tình hình chiến sự, Tướng Nguyễn Cao Kỳ, bay trực thăng, tới họp..

Sau Tướng NN Loan là phần thuyết trình của Đaị Tá Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Đại Tá nói tới một tin mà ở Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu nhiều người đã nghe nói. Đó là tin Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp Binh của ta ở Gò Vấp bị địch tấn công, quân ta phản công mạnh nên bọn VC đã phải tháo lui. Kho Đạn Gò Vấp bị một tiểu đoàn đặc công VC đánh vào. Đúng lúc bọn VC kéo vào Kho Đạn thì vị sĩ quan Trực Kho Đạn cho phát động hệ thống phá hoại. Kho đạn nổ tung, cả một tiểu đoàn đặc công VC chết tan xác. Ông Trung Úy Quân Cụ Trực Kho Đạn, người cho Kho Đạn phát nổ, bị sức ép của hàng ngàn tấn đạn làm cho miệng, mũi, tai trào máu, khó lòng sống sót, dù ông được tải thương về ngay Tổng Y Viện Cộng Hòa cứu cấp. Nghe nói đến đây, tự nhiên Tướng Loan tỏ vẻ khác lạ, ông đứng lên, nói:
- Ê! Kỳ! Cho “moa” mượn trực thăng “moa” bay xuống Gò Vấp. Muời phút “moa” về liền!
Không đợi Tướng Kỳ trả lời, Tướng Loan đi ngay ra khỏi phòng. Đaị Tá Trưởng Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu, chạy theo, nói với:
- Thiếu Tuớng! Cho tôi gửi một người theo ông.

Ông Đại Tá đưa cho tôi cái máy Truyền Tin HT1, máy to, nặng nhưng cách xử dụng cũng giống như cái hand phone bây giờ. Ông nói với tôi:
- “Toa” chịu khó đi theo ông Sáu Lèo, coi tình hình ở đó ra sao, có gì gọi về cho “moa” biết ngay.
Chuyện được sai đi cấp kỳ như vậy đối với tôi đã quá quen. Ông Đại tá là niên trưởng Võ Bị của tôi, tôi đã làm việc dưới quyền ông lâu ngày rồi, tôi cầm ngay cái máy truyền tin, chạy theo Tướng Loan ra phi cơ trực thăng. Chỉ 2 phút sau trực thăng đáp xuống sân Kho Đạn Gò Vấp. Ở đó một Đaị Đội Dù đã tái chiếm từ hôm qua. Đạn trong kho đã nổ hết. Xác bọn VC tan tành thành những mảnh thịt xương vụn, súng AK gẫy còng queo, rải rác khắp nơi.


Sau khi xem Kho Đạn, Tướng Loan đi sang Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp cạnh đó. Trụ sở Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp không bị tổn hại gì nhiều, ngoài một lổ hổng lớn do đạn SKZ phá, nhưng VC không vào được trong Trụ sở vì Binh sĩ Thiết Giáp tập trung hoả lực bắn vào bít lỗ trống gọi là “Đột Phá Khẩu của VC”. Các đơn vị xe tăng đều đi đánh giặc xa cả, bao nhiêu lực lượng binh sĩ ở căn cứ đều tập trung bảo vệ Bộ Chỉ Huy, thành ra việc phòng thủ Traị Gia Binh Thiết Giáp ở ngay bên cạnh Bộ Chỉ Huy không được vững mạnh, bọn VC đã xông vào Trại Gia Binh, bắn giết một số vợ con binh sĩ ta.


Một Trung Úy Thiết Giáp đưa Tướng NN Loan vào Trại Gia Binh để ông Tướng thấy cảnh vợ con binh sĩ ta bị VC sát hại. Sau khi đến thăm một số nhà binh sĩ có người bị VC giết, nhiều xác người chưa được mang đi, còn quàn tại chỗ, Tướng Loan nói ông có người bạn cùng khóa là Đại Tá Tuấn, Binh Chủng Thiết Giáp, đã giải ngũ nhưng không có nhà riêng ở ngoài thành phố, nên cả gia đình vẫn ở trong Trại Gia Binh này. Ông bảo ông Trung Úy Thiết Giáp đưa ông tới nhà Đại Tá Tuấn. Tôi đi theo đến một hầm trú ẩn. Hầm này vốn là cái xác của chiếc xe M113 đã phế thải, Đại Tá Tuấn xin về đặt bên cạnh nhà, đắp thêm bao cát bên ngoài, cho vợ con ông làm hầm tránh pháo kích của bọn VC.


Khi mở cửa hầm ra thì… tôi rởn tóc gáy trước cảnh tôi nhìn thấy: Cả gia đình Đại Tá Tuấn vẫn còn nằm trong hầm. Máu ngập cao cả chục phân tây, kín cả cái sàn xe thiết vận xa phế thải. Trong vũng máu là 8 xác chết, đủ cả đàn ông, đàn bà, trẻ con, người nào cũng bị chém đầu lìa khỏi cổ. Cả đến đứa cháu ngoại, mới 3 tuổi của Đại tá Tuấn về ăn Tết với ông Ngoại cũng bị VC chặt đầu.
Tướng NN Loan đứng nhìn thảm cảnh. Ông lặng người, không nói được lời nào! Rồi ông đứng nghiêm, giơ tay chào vĩnh biệt gia đình Đại Tá Tuấn.


Trên trực thăng bay trở về Bộ Tổng Tham Mưu, Tướng Loan, mặt tái xám, hai mắt ông đỏ ngầu. Ông chỉ nói một câu mà, đến nay gần 40 năm, tôi còn nhớ:
- Đ.. Cụ thằng nào từ nay bắt được Việt Cộng còn cho nó làm tù binh.
Về đến Bộ Tổng Tham Mưu, Tướng Loan không vào Trung Tâm Hành Quân, ông lên xe jeep đi ngay đến chỗ có VC. Phần tôi, tôi vào phòng báo cáo với các vị đang họp những gì tôi thấy ở Kho Đạn Gò Vấp và ở Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp. Còn xúc động vì những hình ảnh ghê rợn, thảm khốc nên tôi nói lập cà lập cập, không rõ ràng chút nào. Đaị Tá C, Trưởng Ban 2 của Trung Tâm Hành Quân hỏi tôi có chụp được tấm hình nào không? Khi biết tôi không đem theo máy ảnh, ông cho nhân viên của ông đi Gò Vấp chụp hình ngay.


Không biết những tấm hình đó bây giờ ở đâu? Nếu có những tấm hình đó bây giờ thì đó là những chứng tích chứng tỏ sự bạo tàn ghê rợn của bọn cán binh CS khi chúng vào được một trại gia binh của Quân Đội ta ở Sài Gòn trong trận Tết Mậu Thân.
Hai ngày sau, khi Lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến đánh phá một hang ổ của VC ở trong chùa Ấn Quang, bắt sống được ở đây tên Thượng tá VC chỉ huy cánh quân đánh vào Kho Đạn Gò Vấp. Sau khi hỏi cung sơ qua, binh sĩ ta trói tay nó, dẫn giải về traị tù binh. Đọc đường tên VC đó gặp Tướng Loan. Và cái gì đã xảy ra thì cả thế giới đều biết do người phóng viên nhiếp ảnh Mỹ chụp được tấm hình giật gân Tướng NN Loan dí súng vào đầu tên VC mặt hung ác, ngu đần, bận áo sơ-mi ca-rô. Nhờ tấm hình này mà người phóng viên Mỹ nổi danh. Cũng vì cái hình này mà Tướng Loan đã bị một số người Mỹ chụp cho cái mũ “Killer”. (.. .. .. )
Khi là Tổng Giám Đốc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, là cái chỗ “Ho ra Bạc, Khạc ra Tiền”, Tướng NN Loan không bị báo chí thời đó, và ngay cả bây giờ, cho tên vào Băng Tham Nhũng Đệ Nhị Cộng Hòa. Việc ông xử tử tại trận tên VC, như ông nói: “Tôi làm nhiệm vụ của tôi..” thì đúng quá còn gì nữa. Nghe nói quí vị thân nhân của Tướng NN Loan đã phải chịu nhiều khổ tâm vì người ta xét đoán lầm ông Tướng qua bức hình ông xử tử tên VC trong trận Tết Mậu Thân. Xin quí vị thân nhân của Tướng Nguyễn Ngọc Loan coi bài tưởng niệm này là “Một Vòng Hoa Muộn, Một Nén Hương Thêm” cầu chúc anh hồn Cố Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan yên nghỉ nơi miền an lạc; xin Bà Quả Phụ Nguyễn Ngọc Loan nhận cho sự kính trọng Cố Thiếu Tướng của tôi, một tên lính bại trận mà không chết, và sự phân ưu muộn màng của tôi với quí gia đình.
Cao Hồng Lê
*

(Trích trong cuốn CHIẾN SỬ QLVNCH)

Còn nhớ trong những ngày lửa binh Mậu Thân đợt 1 và đợt 2 ở vùng Sài Gòn - Gia Định -Chợ Lớn, có một vị tướng dáng vóc nhỏ bé trong chiếc áo giáp đen sạm khói súng, đã xông xáo giữa những làn đạn chằng chịt đỏ lửa, trong tiếng AK và tiếng B40 nổ rền trời. Ông ôm cây súng M16 đứng xổng lưng trên tuyến đầu, chiến đấu và bắn về phía quân địch như bất cứ một người chiến sĩ khinh binh dũng cảm nào của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Vị Tướng mà đã đi vào huyền thoại quân lực và chiến sử Việt Nam, chính là Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, Chỉ Huy Trưởng Tình Báo và An Ninh Quân Đội, cựu Tư Lệnh Phó Không Quân QLVNCH.

Cuộc đời của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan là cả một tấm gương sáng. Là một phi công ưu tú của quân chủng Không Quân, người đã có hàng ngàn giờ bay trên nhiều loại phi cơ oanh tạc chiến đấu, sự dũng cảm phi thường của ông đã đưa ông lên đến chức vụ cao tột Tư Lệnh Phó Không Quân Việt Nam Cộng Hòa trong những năm 1960 sau cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Chính là người đã dẫn đầu những phi đoàn Bắc phạt A1 Skyraider nằm trong khuôn khổ chiến dịch "Mũi Tên Lửa " (Flamming Dart) ngày 11.2.1965, dũng mãnh lao xuyên qua những làn đạn phòng không kinh khủng của giặc bắn phá hang ổ địch và những địa điểm tàng trữ các phương tiện chiến tranh mà từ đó Hà Nội trang bị cho binh đội của họ tràn qua vĩ tuyến 17 tàn sát đồng bào miền Nam. Trong những giây phút lơ lửng giữa sự sống và cái chết trên bầu trời miền Bắc, những chiếc A1 do Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan chỉ huy đã đánh những chùm bom chính xác rải lên đầu bọn cuồng khấu. Để cho chúng biết rằng, dù những chiếc A1 bay chậm và lỗi thời, không thể nào địch nổi những chiếc MIG 17, 19, 21 phản lực cơ tối tân mà Nga Sô và Trung Cộng đã viện trợ cho Không Quân Bắc Việt, những người trai anh dũng của Việt Nam Cộng Hòa vẫn quyết tâm chiến đấu cho sự sống còn của dân tộc. Trong một phi vụ vượt vĩ tuyến, có một lần Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đã phải đau xót nhìn chiếc phi cơ của anh hùng Thiếu Tá Phạm Phú Quốc trúng đạn giặc và nổ bùng thành một chiếc hoa lửa đỏ giữa bầu trời xanh thẳm.

Sau những chiến công lừng lẫy trên bầu trời miền Bắc và sau khi chiến dịch "Mũi Tên Lửa" chấm dứt, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan được vinh thăng Chuẩn Tướng và được điều động về làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương và Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia cùng lèo lái con thuyền quốc gia kể từ ngày 19.6.1965, sau khi đã gạt bỏ được Đại Tướng Nguyễn Khánh ra khỏi chức vụ Thủ Tướng Chính Phủ, vì những yếu kém và bất lực của ông này. Ngày 19.6 từ đó được chọn là "Ngày Quân Lực", biểu trưng của ngày mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tái lập trật tự và điều hành guồng máy quốc gia. Trong những năm đó, Chuẩn Tướng Loan được sự tín nhiệm của Thiếu Tướng Kỳ, đã là một vị tướng hết sức mẫn cán, ông thẳng tay bố ráp và truy lùng bọn cộng sản nằm vùng, bọn tình báo địch xâm nhập đô thành.

Cảnh Sát Quốc Gia của ta trong thời kỳ đó đã hốt được nhiều mẻ lớn. Là một vị tướng năng nổ, ông đã được chính phủ cử ra Trung cùng một số tướng lãnh tài năng khác bình định vụ biến động Phật giáo trong năm 1966. Ngoài Vùng I tình hình vô cùng rối ren với sự khuấy động của Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, sự bất tuân phục của ông này vì sự tranh giành quyền lực với chính phủ trung ương, và sự quá khích của những thành phần Phật giáo. Có đến một trung đoàn quân đội ngoài Vùng I tham gia phe ly khai. Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, với sự giúp sức của các cấp quân sự thuộc binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp, đã nhanh chóng bình định được tình thế, với một sự thiệt hại về nhân mạng và vật chất ở mức tối thiểu ngoài sự mong đợi của chính phủ trung ương. Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi được cho đi Hoa Kỳ. Cơn sóng gió tưởng chừng có thể làm ngửa nghiêng đất nước và mối hiểm họa binh đội cộng sản lăm le tràn xuống nuốt lấy Việt Nam Cộng Hòa đã được những viên tướng tài giỏi nhất của Việt Nam Cộng Hòa san bằng. Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan được vinh thăng Thiếu Tướng.

Với quyền lực to lớn, với ánh hào quang và những phương tiện vật chất dồi dào ấy, đáng lẽ ông phải vun vén cho riêng cá nhân mình một cái gì đó. Nhưng kỳ diệu và đáng kính phục biết ngần nào, cuộc sống của người bình dị và đơn sơ quá, người không có tài sản gì đáng giá. Ở giữa một xã hội vật chất phù phiếm và đua tranh, chung quanh ông đầy dẫy những tấm gương tham nhũng của những yếu nhân tai to mặt bự, với những cảnh ăn chơi xa hoa trụy lạc thâu đêm suốt sáng, thì tấm gương thanh liêm của người cùng với một số hiếm hoi các tướng lãnh khác giống như những viên ngọc quí nằm trong mớ tro củi bẩn thỉu. Ông không lấy của công làm của tư, không có biệt thự riêng, chỉ ở nhà của chính phủ cấp cho, một chiếc xe Jeep, một chiếc áo giáp, một cây súng và một trái tim dành cho nước non.

Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan sinh ngày 11.12.1930 tại Huế, khi vào lính ông được gửi đi học Khóa 1 Trường Võ Khoa Thủ Đức. Tốt nghiệp Thủ Đức, tân sĩ quan Nguyễn Ngọc Loan về phục vụ trong Lực Lượng Xung Kích Việt-Pháp năm 1952. Nhưng đến năm sau ông lại được gửi đi thụ huấn khóa phi công tại Trường Không Quân Salon De Provence tại Pháp và trở thành người phi công lái khu trục cơ đầu tiên của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa kể từ năm 1956. Khoảng đầu những năm 1960 ông nhận nhiệm vụ làm Chỉ Huy Trưởng Phi Đoàn 2 Quân Sát đóng tại Nha Trang. Bốn năm sau, Đại Tá tân thăng Nguyễn Ngọc Loan được tín nhiệm chức vụ cao quí tột bậc quân chủng, Tư Lệnh Phó Không Quân VNCH. Bắt đầu từ năm 1965, Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan được điều về làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia kiêm Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội, Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo. Một thời gian sau ông được vinh thăng Thiếu Tướng.

Một trong những câu chuyện vẫn còn được những thuộc cấp kể cho nhau nghe về lòng độ lượng và thương yêu thuộc cấp của Thiếu Tướng Loan. Một đám cận vệ của "Anh Sáu"(chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia và Cảnh Sát Dã Chiến kính trọng và mến thương gọi Tướng Loan, dĩ nhiên là gọi sau lưng. Đứng nghiêm trình diện trước mặt người dù không có tội gì cũng đã thấy muốn...vãi đái trong quần, ở đó mà anh Sáu với lại anh Năm) đang ngồi binh xập xám ở phòng ngoài của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, Tướng Loan đang nằm lim dim nghỉ trên một cái sofa ở phòng trong. Bọn "nhỏ" mê mẩn sát phạt nhau hung quá không nhận ra "Anh Sáu" đã thức giấc lúc nào và đang nhẹ nhàng như một con báo lướt ra khỏi cửa phòng. Người đứng nhìn đám đàn em thân thiết, tủm tỉm cười và nghĩ ra một trò chơi nhỏ mà sẽ làm cho mấy thằng em lên ruột lên gan chút chơi. Con người kinh khủng đó cũng có khiếu khôi hài lạnh quá đi. Ông lẳng lặng biến mất ra khỏi Tổng Nha CSQG, leo lên chiếc Jeep cùng tài xế nhấn ga dọt mất. Mãi một lúc sau, có một anh lính tình cờ nhìn vào bên trong, chiếc sofa trống trơn, Tướng Loan đã biến mất. Đám cận vệ nhốn nháo, mặt mũi xanh mét như tàu lá chuối vứt bài tứ tung la hoảng :" Ổng đi mất tiêu rồi! ". Cả bọn hối hả quơ súng ống chạy túa ra như bị ma rượt. Thiếu Tướng Loan dũng cảm trên chiến trường, nhưng cũng rất dồi dào tình yêu thương thuộc cấp. Khi thuộc cấp lầm lỗi, ông không trừng trị họ bằng những phương cách thô bạo, mà ông chỉ làm cho họ cảm phục quyết định và tự thấy xấu hổ trước vị chỉ huy của mình, từ đó họ sẽ sửa chữa và làm những công việc tốt đẹp để chuộc lỗi.

-- Ke Si Bac Ha (ke_si_bac_ha@yahoo.com), September 21, 2004


1 comment:

Unknown said...

giay in ma vachvui lòng liên hệ cho chúng tôi để được tư vấn
mực in mã vạchnên mua ở địa chỉ nào mới được giá tốt
muc in ma vachdành cho máy in mã vạch
máy quét mã vạchgiá rẻ nhất tại tphcm
may quet ma vachgiá rẻ nhất tại hà nội
máy in thẻ nhựalà gì ?
may in the nhuavà cách sử dụng như thế nao
máy in hoá đơncho siu thị
may in hoa doncho các cữa hàng
phần mềm quản lýbán hàng bán ở đâu
phan mem quan lygiá rẻ nhất tphcm