Saturday, April 17, 2010

HAI RẠCH DỪA * BẮT CÁ TÔM

 Ruộng lúa vùng Cửu Long

Bắt cá tôm ở đồng bằng sông Cửu Long.



 Câu Tôm:

Nếu câu tép dành cho bọn trẻ con chúng tôi vui vẻ, thì câu tôm là công việc nghiêm chỉnh của người lớn, kiếm tiền nuôi sống gia đình. Cậu Ba lối xóm tôi là hay đi câu nhất trong xóm. Ban ngày cậu làm ruộng làm vườn như bao người khác. Chiều chiều, sau khi cơm nước xong, cậu sửa soạn đồ nghề đi câu. Trước hết cậu đào thêm vài con trùng hổ, kiểm lại cây vợt, cây cần câu, coi lại chiếc xuồng, chỉnh lại cái bánh lái, cây dầm, cây sào, cái rộng tôm. Lúc nào cậu cũng có một hũ trùng để sẵn, trong đó có nhiều con trùng lớn mà dân quê gọi là trùng hổ. 


 

Trùng hổ lớn bằng ngón tay, thân mình đen bóng, khác xa các loại trùng cơm và trùng đất mà anh em chúng tôi hay làm mồi câu. Cần câu tôm của người lớn cũng không có lưỡi câu, thay vào đó là một vòng dây kẽm đường kính khoảng 1 tấc, luồn vào thân vài con trùng hổ cho thật đầy. Câu tôm cần một cái vợt lưới mỏng manh, đường kính khoảng 1 mét, cán dài một mét rưỡi.
Người đi câu bơi một mình trên chiếc xuồng nhỏ, nhưng họ không ngồi phía sau bơi lái như hầu hết những người bơi xuồng miền Tây khác, mà họ ngồi phía trước móc cho xuồng đi tới . Vì thế họ cần một cái bánh lái nhỏ phía sau cho xuồng không lủi . Kè kè bên hông xuồng là một cái rộng tôm hình trụ dài khoảng 1,2 mét, có nắp mở phía trên. Một cây sào tầm vông dài hơn 5 mét để dọc theo chiều dài chiếc xuồng. 

Cậu Ba mang đồ nghề xuống xuồng, đem theo cái nóp ngủ đêm, chỉnh lại bánh lái, móc tà tà dọc theo bờ sông. Ðến đầu đống chà nhà tôi, cậu Ba dùng cây sào tầm vông cắm xuồng lại. Cậu ngồi xếp bằng trên xuồng, mang cây vợt để sát vào mình bên tay phải, đáy vợt nằm dưới mặt nước, cầm cần câu bên tay trái, chỉnh lại vị thế chiếc xuồng sao cho cậu có thể xử dụng cây vợt thoải mái không vướng chà, vướng cỏ, vướng lục bình… 

 

Sửa soạn xong, cậu Ba nhẹ nhàng thả vòng mồi trùng cho gần đụng đất. Cậu dùng ngọn cần câu quất “chủm chủm” trên mặt nước vài cái gọi tôm lại. Ngồi một lúc, cái cần câu động đậy, cục mồi bị kéo xuống và bắt đầu quay vòng vòng. Cậu Ba nhẹ nhàng, chậm rãi dỡ cái cần câu lên. Tay phải cậu nghiêng cây vợt hạ xuống và vớt từ dưới con tôm lên. Hai tay cậu một dỡ lên, một hạ xuống, nhẹ nhàng ăn khớp nhau.

Con tôm gặp mồi trùng, nó đeo dính. Khi lên gần tới mặt nước, con tôm bỏ mồi, búng mạnh thoát thân và lọt vào cái vợt. Cậu Ba dỡ cái cần câu cao cho khỏi cây vợt, bỏ xuống nước lại, nhịp “chủm chủm” vài cái cho con tôm mới. Xong cậu mới từ từ kéo vợt lên coi. Một con tôm càng đang búng chành chạch. Chà, ngon quá ! Cậu Ba khéo léo tóm con tôm, nghiêng mình bỏ vào cái rộng đan bằng trúc phía sau. Sửa lại vị trí cái vợt, chỉnh lại thế ngồi, cậu Ba kiên nhẫn chờ đợi… 



 
Tôm càng ướp lạnh đang được bày bán ngoài chợ

Khi câu tôm người ta nhắm bắt những con tôm lớn, như con lớn nhất trong hình.
Bắt được vài con tôm, cậu biết rằng lượng tôm đã thưa, cậu Ba nhổ sào bơi đi nơi khác. Cậu vừa móc xuồng, vừa ca nghêu ngao vài câu vọng cổ. Tối tối, nước lớn, sáng trăng, đoạn sông nhà tôi tấp nập những chiếc xuồng câu tôm. Tiếng hát tiếng hò vang dậy cả xóm. Lúc đó chưa có karaoke, thanh niên hay ca lúc họ đi câu tôm. Công việc nhẹ nhàng, tâm hồn thanh thản, trăng nước hữu tình, nên anh nào cũng trổ tài ca hát cho vui. Nào là vọng cổ, nào là tân nhạc, nào là tân cổ giao duyên…
Câu được một đỗi nước cạn, tôm ít ăn, cậu Ba chun vào cái nóp ngủ một giấc, chờ con nước sáng câu thêm một chập nữa. Nóp là một cái túi ngủ đan bằng cọng bàng, giống như một cái đệm bàng mà người quê dùng phơi lúa, gấp lại làm 2, khâu ba mặt chừa một mặt cho người ta chui vào. Tôi có ngủ thử một lần, thấy khó chịu chớ không thoải mái như cái sleeping bag của Mỹ. Nhưng vì dưới quê không có phương tiện gì khác nên người dân quê đành phải chịu.
Tôi không được dịp đi câu tôm, nhưng đứa em thứ 6 của tôi được đi câu rất nhiều . Em tôi kể rằng trong rạch dừa có một đoạn sông cạnh nghĩa địa, có nhiều mồ mả. Ít ai lại đó câu vì nghe đồn khúc sông đó có ma. Có lần em tới câu thử thì được rất nhiều tôm vì ít ai câu. Từ đó, tối nào em tôi cũng dạo qua khúc sông đó và trúng khá bộn. Tôm bỏ trong rộng, để chỗ nước trong nên không chết. Hàng ngày có một xuồng thu mua đi dọc theo xóm cân tôm đem đi Sài gòn bán. Thịt tôm càng ngon, cứ 10-15 con thì được một kí lô, bán rất có giá. Người dân nghèo, ít khi ăn tôm họ câu, họ để dành bán lấy tiền. Câu một đêm, có thể kiếm được tương đương hay hơn một ngày đi phát cỏ mướn.

Ðặt lờ cá sặc:

- Có cá anh Hai ơi.
Thằng em thứ 7 kêu tôi. Tôi và em đi song song ra lộ xe, đi dọc theo mé lộ. Thằng Lủ, con Lan và mấy đứa nhỏ trong xóm tranh nhau bắt cá, la chí chóe. Anh em tôi tò mò đi lại xem.
- Con nầy của tao, mầy lại đằng kia đi.
- Vậy thì con kia của tui, anh đừng dành đó nghe.
- Ha ha, dính một con nữa !
À thì ra tụi nó đang xúc cá sặc bướm. Ðứa cầm cái rổ rách, đứa cầm cái thau nhôm, đứa cầm cái lon. Mấy con sặc bướm đang bơi nhanh trong lạch nước lẫn trong mấy cọng cỏ, cọng rơm.Trời mới tạnh mưa, cơn mưa lớn đầu mùa, đường còn ướt. Cái mương dài, dọc theo quốc lộ bị ngập, nước trong mương theo một lạch nước nhỏ chảy ra sông. Mấy con cá sặc theo dòng nước bơi ra sông lớn. Nước trong lạch cao chừng 3 tấc, chảy nhanh nên tụi nhỏ rất khó bắt được cá. Chúng cố lùa từng con cá vào trong hốc đá rồi chận lại bắt, nên mổi đứa chỉ được 2-3 con. Anh em tôi đứng nhìn một lúc. Tôi kêu em tôi về nhà trọ đem cái lờ mới đan ra đặt theo lạch nước, phía sau mấy đứa nhỏ.

Hình ảnh cá sặc bướm.
Mèn ơi, trúng mối rồi bà con ơi ! Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ chúng tôi trút lờ mấy lần được hơn 200 con cá sặc bướm. Sau khi chia cho thằng Tà Lũ một mớ, tôi đem cá về rộng đầy một cái bồn rửa chén. Chúng tôi chưa bao giờ bắt được nhiều cá sặc như vầy. Kho ăn được một bữa thì đã ngán vì cá sặc bướm không phải là loại cá ngon. Muối xả chiên lên thì cũng chỉ ăn được vài con nửa. Tôi bèm bằm chúng ra, đem quết với hành, tiêu, tỏi làm chả cá. Ðem chiên chả lên, thôi thì nó thành ngon quá xá.


Cá sặc có 2 loại: cá sặc bướm và cá sặc rằn . Cá sặc bướm mình dẹp, màu xám, hình dáng như cái cánh của 1 con bướm lớn, bằng 3 ngón tay, thịt bở không ngon mà lại có nhiều xương. Vì thế cá sặc bướm chỉ là thức ăn của nhà nghèo. Người nghèo thường kho hay muối nướng ăn đỡ . Có điều lạ là tuy rẻ tiền, cá sặc bướm mà đem cắt đầu làm mắm sặc thì rất ngon. Mắm cá sặc dùng để ăn sống hay đem kho mắm đều ngon không còn chỗ chê. Trước khi ăn sống người ta xé con mắm sặc ra làm đôi, đâm tỏi, ới trộn với chanh đường vào mắm cá sặc. Ðể chừng một giờ cho thấm, tô mắm sống được đem ra ăn với cơm, dưa leo, rau thơm thì ăn quên thôi. Có người cũng ăn bắp luộc với mắm cá sặc. Cạp một miếng bắp, lấy 2 ngón tay nhón một miếng mắm sặc bỏ vào miệng nhai ngồn ngoàm. Ăn xong hớp một hớp nước trà, thiệt là sảng khoái vô cùng.


Cá sặc rằn thì hình dáng cũng giống con sặc bướm nhưng màu đậm hơn và lớn bằng bàn tay. Trên lưng lại có vài cái sọc rằn màu đậm, vì thế người ta gọi là cá sặc rằn. Cá sặc rằn sống trong những đìa, những ruộng nước sâu, người ta bắt bằng cách giăng lưới. Cũng như cá sặc bướm, cá sặc rằn ăn tươi bằng cách kho hay nấu canh thì không ngon, nhưng đem muối phơi khô, thành khô sặc rằn thì ngon hết chỗ chê. Khô sặc rằn đem nướng lửa than, xé ra trộn gỏi với dưa leo, xoài tượng, rau răm thì ngon không thể tả hết được !

Hình ảnh cá sặc rằn

Ðể bắt cá sặc bướm, người ta dùng cái lờ. Cái lờ và cái lọp có họ hàng với nhau, nhưng có nhiều điểm khác biệt. Trong khi cái lọp đan bằng những cọng tre chuốt tròn như chiếc đũa thì cái lờ đan bằng những cọng trúc chuốt mỏng, mảnh mai. Lọp hình ốm mà dài, lờ thì mập và ngắn hơn. Lờ là những cái lồng tre hình trụ đường kính chừng 4 tấc, dài cũng khoảng 4 tấc. Lọp dùng dây kẽm bện những cọng tre lại với nhau thì lờ chỉ dùng cọng trúc đan với nhau thành hình vuông mắt cáo, không dùng dây kẽm. Hai đầu lờ là 2 tấm vỉ hình tròn có hai cái hom làm cửa cho cá vào. Vì con cá sặc mình mõng, nó có thể chui lọt qua các khe lọp, người ta đan lờ với những ô vuông mới giử con cá sặc được.

Hình ảnh lờ tôm trên một chiếc ghe đang đậu . Lờ cá sặt cũng đan tương tự nhưng hơi nhỏ hơn .
Trong khi lọp được đặt chỗ nước sâu bắt tôm tép hoặc cá lớn, thì lờ phần lớn chỉ được đặt chỗ nước cạn và chủ yếu để bắt cá sặc bướm. Vì thế trên lưng của lờ nhiều khi người ta không đan kín mà chừa trống để dễ trút lờ ra bắt cá. Người đặt lờ lựa những khoảng đất gần mé ruộng, nước ngập đến ống quyển, tức là chừng 3 tấc nước. Những nơi đó thường có nước đọng, cỏ mọc lưa thưa lẫn với vài bụi môn ngứa.

Các con cá sặc hay lựa nơi nầy, nhả từng cụm bọt lớn để đẻ trứng vào các cụm bọt khí đó. Cá sặc có 2 cái râu thật dài phía dưới bụng, bơi lội rất thong dong, đẹp đẽ. Vạch cỏ ra, đặt vài cái lờ rồi đi vô nhà làm công việc khác. Vài con cá sặc tò mò, thấy cái lờ là lạ, có nhiều ô vuông bằng tre, tìm cách chui vào qua 2 cái hom ở hai đầu và bị kẹt trong đó. Cá sặc rất thoải mái, nhởn nhơ bơi lội bên trong, như được dọn vào nhà mới. Các con khác bên ngoài thấy vậy cũng tìm cách chui vào càng lúc càng nhiều. Chừng 1-2 giờ chủ lờ xách thùng ra đổ lờ, đặt lờ lại rồi vô nhà chờ đợi. Nhiều lần đi đổ lờ, tôi thấy cá sặc đã nhả bọt bên trong cái lờ như đang xây nhà, xây tổ. Thiệt là loại cá vô tư lự !

Có bận tôi được chú Tư, người Phụng Hiệp, Cần Thơ chỉ cho chúng tôi cách đan lờ. Sẳn dịp về quê, em tôi về quê mang mấy cây trúc qua Cần Thơ. Tôi và em tôi dùng một cây trúc, chẻ ra từng thanh dẹp, nhỏ. Dùng mác chuốt cho bóng, anh em tôi đan thành tấm vỉ mắt cáo chừng 2 phân vuông. Tấm vỉ bề ngang 4 tấc, bề dài 1 mét 2. Cuộn tấm vỉ lại thành hình trụ chừa 1 khe nhỏ trên lưng để đổ lờ. Xong đan 2 tấm vỉ tròn vừa với 2 đầu. Chuốt nhiều cọng trúc dài độ 1 tấc đan thành 2 cái hom lờ, gắn vào 2 tấm vỉ tròn, làm cửa cho cá sặc chạy vào là xong. 

Tuy là cái lờ đầu tay nhưng chúng tôi đan khá đẹp. Ðang còn ngắm nghía chưa biết đem lờ đặt nơi đâu thì trời đổ cơn mưa thật lớn. Cơn mưa đầu mùa ở đất Cần Thơ gạo trắng nước trong, là vựa lúa của miền Nam. Vô tình đi dạo gặp mấy đứa nhỏ xúc cá sặc, nên anh em tôi đem cái lờ mới ra thử và trúng mối lớn. Chủ lờ thường có 4-5 cái, chưa thấy ai chỉ có 1 cái lờ độc nhất như anh em tôi.

Tát hầm:

- Ráng lên, chút nữa tới rồi .
Tôi khuyến khích em tôi . Hai anh em tôi đang hì hục khiêng cái máy đuôi tôm từ trong nhà ra sau vườn tát hầm. Đến cái mương dài sau nhà. Chúng tôi bắt máy, đặt ống lùa. Máy được đặt trên một cây ngang chắc chắn. Sau khi cắm cây đài bằng tre tầm vông giữ máy vững vàng, tôi giựt máy chạy. Nước thổi aò ạt qua ống lùa chảy ra sông. Để em tôi canh chừng máy, tôi lại tiếp ba tôi kéo lục bình dưới mương thảy lên bờ.

Cha con tôi đang tát hầm bắt cá ăn Tết. Ba tôi đã chừa cái hầm nhiều cá nầy từ mấy tháng nay. Vào những năm từ 1968 tới 1975, máy đuôi tôm của Mỹ hiệu Kohler 4 mã lực thông dụng ở miền Nam. Gần như nhà nào trong xóm tôi cũng có một cái để đẩy xuồng ghe, để kéo nước lên ruộng lúa hay để tát hầm. Nhà tôi cũng có một cái. Khi chạy ghe, máy đẩy nước từ trước ra sau, đẩy ghe đi tới.
Khi kéo nước phải thay cái cánh quạt ngược rồi lắp thêm một ống lùa hình trụ phía ngoài cây láp máy. Nước được kéo ngược từ phía sau phun ra trước gần phía đầu máy. Ðặt máy chắc chắn trên bờ mương, thòng cái đuôi xuống nước rồi giựt cho máy chạy, nước mương bị kéo từ trong xả ra ngoài sông rạch. Phải giữ máy khá chắc, nếu không lực kéo nước sẽ làm máy rớt xuống mương, hư hỏng. Gần Tết nhà nào cũng chừa một hai hầm tát cá ăn Tết.


Trước kia cha con tôi hay tát hầm bằng gàu tre . Gàu đan bằng tre vót mỏng, hình như cái bánh ú, miệng gàu phía đầu lớn của cái bánh ú . Bốn cọng dây xé từ bẹ dừa tươi, cột hai bên. Hai cọng cột trên miệng gọi là dây miệng, hai cọng cột phía dứới gọi là dây đáy . Khi bỏ gàu xuống nước, người ta thả chùng hai sợi dây miệng để múc nước vào . Xong hai người cùng giựt dây miệng lên về phía mình muốn tát nước ra . Khi miệng gàu ra tới bên ngoài thì cả hai người hơi chùng dây miệng, giựt sợi dây đáy cho nước bị hất ra ngoài . Hai người đứng hai bên miệng hầm thả gàu múc nước, kéo gàu, giựt dây đuôi đổ nước.
Tất cả các động tác nầy phải làm đều đặn và ăn khớp với nhau . Nếu một người giựt mạnh quá, hay một người giựt yếu quá, gàu có thể đi lệch, múc nước không đầy hoặc tát ra không đúng chỗ. Người tát gàu cũng phải thủ thế, thỉnh thoảng dây dừa bị đứt thì mất thăng bằng cả hai có thể té . Phía bên bị đứt thì chúi tới, té xuống hầm . Phía bên kia thì té ngửa ra sau . Khi anh em tôi mới học tát gàu, vì còn nhỏ và yếu, chưa đủ sức kéo gàu nước đầy, chúng tôi hay bị chúi nhũi, té xuống hầm . Tát được một chút thì đã thở hồng hộc.
Tôi đã đọc được hai câu thơ tả cảnh tát nước thật thơ mộng:
“Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi ?”
Sao mà cô nào đó, tát nước nghe có vẻ nhẹ nhàng, như trong mơ, như chỉ là đùa giỡn múc trăng đổ đi . Còn tôi sao mà khổ quá, kéo gàu muốn gãy lưng mà cứ một chút lại té, chúi đầu xuống nước thế nầy ?

Tát nước bằng gàu.
Tuy nhiên, tát được vài hầm dần dần chúng tôi có kinh nghiệm, không cần dùng sức nhiều, tát khoan thai, thong thả hơn, mà nước vẫn tuôn ào ào . Với hầm cỡ nầy, ngang 2 mét, dài 50 mét, sâu 1mét, hai người khỏe mạnh tát liên tiếp 3-4 giờ mới xong. Với một máy đuôi tôm 4 mã lực lùa nước chưa đến nửa giờ.
Nước gần cạn, những con cá lóc, cá trê bắt đầu chúi xuống sình lẩn tránh. Chúng tôi xuống mò bắt chúng bỏ vào thùng. Phải cẩn thận với những con cá trê trắng vì nếu bị gai chúng chích đau nhức hàng ngày mới hết. Đôi khi chúng tôi cũng bắt luôn mấy con ốc đắng, ốc lác vào luộc ăn. Vừa bắt xong, chúng tôi xả nước trong vào hầm để các con cá con khỏi chết. Được hơn nửa thùng thiếc cá, đủ cho gia đình chúng tôi ăn Tết vui vẻ vài ngày.
Có lần cận Tết, tôi khoảng 15 tuổi, đang ở chơi nhà bạn thân của tôi . Sáng ra, chúng tôi tát hầm bắt cá trê . Tát đến khi hầm cạn nước, tôi chộp được một con cá trê trắng. Nó tự vệ quay mình, dùng ngạnh hông đâm lút vào tay tôi . Vài phút sau, nọc cá làm tôi đau nhức quá, không chịu nổi nên đi tắm bỏ cuộc vui, ngồì khóc thút thít. Bạn tôi, mình mẩy đầy bùn sình, rót cho tôi đầy một ly rượu đế thứ thiệt và nói rằng uống rượu một chút sẽ hết nhức . Tôi không biết uống rượu, nhưng tưởng thiệt, ráng nốc cạn ly. Một lúc sau tôi say bí tỉ, ngủ như chết, tới tối mới thức dậy thì đã đỡ đau nhức nhiều . Ðói bụng quá, sẵn nồi cháo cá đang nóng, tôi cùng gia đình bạn húp bậy vài tô thì tỉnh hẳn. Tôi hay kể cho bạn bè, thân nhân tôi nghe về kỹ niệm “rượu đế trị nọc cá trê” nầy.



Cũng tại nhà nầy tôi có kỹ niệm với bác Ba là ba của bạn tôi. Phía trước nhà bạn tôi là một con sông nhỏ, bề ngang chỉ độ 20 mét. Nhưng tới con nước thấp, lòng sông cạn gần tới đáy, chỉ còn một lạch nước nhỏ bề ngay độ chừng 2 mét. Bác Ba rủ tôi đi tát bắt cá bống. Ðợi khi nước xuống thấp nhất, lựa chỗ có địa thế chúng tôi móc sình dưới đáy sông đấp đập hai đầu, tạo thành một cái mương dài độ 15 mét. Xong hai bác cháu dùng thùng thiếc tát nước ra cho cạn. Phải làm cho nhanh vì chúng tôi đang đấp đập một dòng nước đang chảy, nước sẽ dâng cao và phá đập. Vừa tát cạn xong còn thở hổn hển, chúng tôi đã thấy nhiều con cá bống đang động đậy . Lọai cá bống trong xanh to bằng ngón tay cái. Chúng tôi nhanh chóng tóm được chừng 30 con cá bống. Trưa hôm đó tôi và cả nhà bạn tôi được ăn một bửa cơm ngon lành với cá bống kho tiêu.

Hai em nhỏ dùng thùng và rổ tác nước để bắt cá.
Ba tôi hay kể rằng khi người còn nhỏ, tát đìa trong ruộng được hàng trăm ký cá là thường. Ðìa là một cái hầm lớn mỗi cạnh chừng 10 mét, sâu 1mét rưỡi, làm chỗ cho cá trú ngụ, sau mùa nước nổi. Ðìa được đào giữa một thửa ruộng thật lớn. Mùa nước nổi cá tràn lên đồng kiếm ăn. Khi nước rút đi, những con cá trắng bơi trở ra sông, nhưng những con cá đen, như cá lóc, cá rô, cá trê, lươn, rắn... tìm những ao, đìa, mương vườn làm chỗ trú ngụ.Tát đìa cần những nông dân lực lưỡng dùng hai gàu tre tát hàng ngày mới xong. Chủ đìa hay tát đìa vào tháng cận Tết, đem cá lóc, cá trê về rộng trong những cái lu to, ăn suốt cả tháng Tết. Ba tôi cũng kể khi tát đìa xong, ông Nội tôi ra lịnh bỏ lại đìa hai con cá lóc to mập, làm giống sinh sản cho mùa sau.

Kéo Lết:

Chú Ðang trong xóm đang chèo xuồng dưới sông ngang qua bến nhà tôi . Chú Ðang ở xóm dưới, tức là ở phía hạ nguồn so với nhà tôi. Nhà chú có một miếng vườn trái cây nhỏ. Chú dáng người cao lớn, khỏe mạnh. Chú đứng thẳng người, dùng hai mái chèo dài, chèo thong thả theo đúng điệu bộ của người dân miền Tây sông rạch. Nhưng có điều khác biệt là chiếc xuồng chèo của chú chẳng đi tới đâu, nó cứ rì rì ra đó, phía sau là một sợi dây thừng dài, kéo xuồng chú lại . Chú Ðang rất thích tôi, mà tôi cũng thích chú . Nhìn thấy tôi, chú hỏi:
- Mầy đi học mới dìa hả Cu ?
- Dạ, chú làm gì vậy chú Ðang ?
- Tao kéo lết, kiếm cá bán.
- Ðược nhiều không chú ?
- Tạm tạm thôi, kiếm chút đỉnh tiền chợ, nuôi vợ con .
- Chú kéo được cá gì vậy ?
- Ối, con gì vô dính con đó mầy ơi ! Cá lưỡi trâu, cá lá tre, tép bạc, cá phèn, cá lăng là nhiều nhất …


Hai chiếc ghe lết đang đậu bên bờ . Chú ý phía sau có 2 cái lết bằng lưới, có 1 cây tre làm khung.
Chú vẫn cứ chèo, còn tôi cứ đi chầm chậm dọc theo bờ sông mà trò chuyện với chú. Con đường dọc theo bờ sông có nhiều cây bần, nhiều đám lục bình, bông xanh tươi lắc lư theo sóng gió rất đẹp. Gió mát rười rượi. Chèo được một đỗi, chú ngừng lại kéo sợi dây thừng phía sau chiếc xuồng lên. Chiếc xuồng đi ngược lại chừng 20 mét rồi ngừng lại, chú từ từ dùng sức mạnh kéo cái lết lên. Lết là một cái lưới to hình nón, miệng rộng chừng 5m đường kính, dài chừng 6 mét, phía sau cùng là một cái túi đựng cá. Miệng lết được giữ cho bung ra bằng 1 cây tầm vông dài chừng 4 mét. Cây tầm vông đóng vai một thanh ngang, căng miệng lết ra, cột vào phía trên của miệng lết. Hai đầu cây tầm vông có 2 miếng xi măng tròn, đường kính độ 3-4 tấc. Hai miếng xi măng nặng để giử chìm cây tầm vông xuống đáy sông và giữ cho cây tầm vông cách đáy sông chừng 2 tấc.

Ngày nay người ta kéo lưới bằng ghe có gắn máy đuôi tôm. Các ông lết hay gắn thêm điện vào lết. Điện lấy từ bình ắc quy đặt trên ghe. Dòng điện 12 Volt từ bình ắc quy được qua mạch tăng áp lên vài trăm Volt làm cho cá tôm tê liệt không đủ sức bơi thoát ra khỏi cái lết. Làm như vậy bắt cá nhiều hơn, nhưng chỉ vài năm là môi sinh bị tiêu diệt. Cá tôm dưới sông biến mất, không còn đủ để nuôi người dân như xưa. Nhà cầm quyền cần có những biện pháp thích ứng để ngăn chận tình trạng tiêu diệt môi sinh nầy.
Sợi dây thừng cột vào thanh ngang của miệng lết, tức là cây tầm vông nói trên. Phía dưới của miệng lết cột chì, cào sát đáy sông. Như vậy khi chiếc xuồng của chú Ðang đi tới kéo theo cái lết, những con cá tôm sống sát đáy sông trong vòng 4 mét có nhiều cơ hội chui vào trong lết và đi lọt vào cái túi phía sau cùng . Chú Ðang kéo cái lết lên, giũ cái lết cho cá rớt vào phía sau, phía cái túi . Chú mở dây cột miệng túi, đổ cá ra một cái thau . Tôi thấy có mấy con tép bạc, mấy con cá phèn, vài con cá lưỡi trâu . Chú nhìn tôi cười rồi thả lết tiếp tục chèo đi nữa . Thỉnh thoảng mẹ tôi kêu chú Ðang lại, mua một mớ cá kho tiêu, kho hành. Hoặc đôi khi tôi cũng thấy thím Ðang bưng thau cá ra chợ bán. Người kéo lết như chú Ðang khó mà làm giàu, nhưng đây là nghề phụ, kiếm thêm thu nhập cho miếng vườn ít ỏi.

Hai vợ chồng người thợ chài chuẩn bị đem cá đi bán, đổi lấy gạo, vải, mắm, muối ...



Hai Rạch DừaHai Rạch Dừa
Nguồn: http://www.vietlist.us

No comments: