Nguyen Quang Duy
Tình Đồng Hương qua " Phiên Tòa Lịch Sử: Thành Viên Kiện Chủ Tịch Cộng Đồng".
Nguyễn Quang Duy
Vài ngày nữa là 35 năm ngày miền Nam lọt vào tay quân đội cộng sản Bắc Việt (Việt cộng). Ngày mà các trại tù lớn nhỏ dựng lên khắp Việt Nam . Ngày mà tòan dân Việt mất đi điều cao quý nhất Tự Do. Cũng là ngày mà những đòan người bằng mọi cách bỏ nước ra đi tìm lại hai chữ Tự Do.
Trong những đòan người ra đi hàng triệu người đã là các thuyền nhân bất đắc dĩ. Họ đã buộc phải ra đi vì không thể sống được dưới chế độ cộng sản Việt Nam . Những thuyền nhân còn sống sót khó mà quên được chuyến hãi hành đầy gian truân trên biển cả phó thác ơn Trời.
Con thuyền nhỏ mong manh vật lộn giữa sóng gió ba đào chỉ cố tìm hai chữ tự do. Trong con thuyền những tâm hồn bé nhỏ bám bíu hy vọng sống, chia sẻ nhau lời cầu nguyện hướng đến bến bờ tự do. Những thuyền nhân nhỏ bé này chia sẻ nhau từng giọt nước, từng mẩu bánh, miếng đường, ... từng lời kinh cầu nguyện. Rồi chia sẻ từng giây phút khi được vớt, được lên bờ, được nhập trại và được thấy lại màu cờ. Màu vàng của sự sống của tự do.
Cũng tương tự những bộ nhân, những người với đôi chân nhỏ bé vượt núi băng rừng đổi mạng sống cũng chỉ để tìm hai chữ tự do.
Nếu độc giả may mắn định cư do gia đình bảo lãnh hay vì một lý do gì khác, đa số các bạn cũng chỉ vì muốn được tự do. Nếu bạn trong số những người này hay sinh ra rồi lớn lên ở hải ngọai xin hãy hỏi gia đình hay những người thân về tình đồng hương của những người rời nước ra đi trên những con tàu nhỏ bé hay trong những đòan người vượt suối băng rừng.
Cộng Đồng Người Việt Tự Do của chúng ta được thành hình từ những người đi tìm tự do. Chúng ta luôn luôn hãnh diện vì yêu tự do mà phải bỏ nước ra đi và gắn bó với nhau. Nếu không có sự gắn bó và đòan kết này thì cộng đồng của chúng ta đã không dám xác định là một cộng đồng chống cộng. Người cộng sản đã chiếm miền Bắc sau 10 năm, miền Nam sau 20 năm. Nhưng trong 35 năm qua, sau mỗi lần bị tấn công đánh phá, cộng đồng của chúng ta lại từng bước trưởng thành.
Khi đến Úc, người Viết đựơc may mắn định cư tại đảo Tasmania . Tại đây số người Việt ít nên rất gắn bó thương yêu nhau như trong một mái gia đình. Chúng tôi vẫn quay quần bên nhau kể nhau nghe những kinh nghiệm trong chuyến vượt biên tìm tự do. Vì sinh kế chúng tôi đã về Melbourne sinh sống, nhờ phiên tòa người viết được gặp lại nhiều anh chị, như chị Huân, chị Thành, anh chị Nhân Chi, chị Thủy, anh Thịnh, chị Tình ... Các anh chị đã liên tục hầu tòa hay tích cực ủng hộ cộng đồng. Qua đó gợi ý người viết viết bài này. Bài viết này nhớ đến tình đồng hương trên con tàu nhỏ nhoi vượt sóng gió bão bùng để so sánh với tình đồng hương chung quanh phiên tòa lịch sử, thân gởi đến độc giả xa gần quan tâm đến cộng đồng tại Úc châu.
Sự Việc Ngòai Ý Muốn
Cũng như một lần đã phải đành đọan bỏ nước ra đi, việc ra tòa là một việc ngoài ý muốn của hầu hết mọi người. Ông Nguyễn Thế Phong như một thuyền trưởng chưa một lần ra biển. Phải đối đầu với sóng cả ba đào, là thuyền trưởng ông đã phải giữ vững tinh thần của cả con tầu. Chính ông Phong đã thú nhận trong gia đình anh em cũng có người xao xuyến tinh thần. Vì trách nhiệm ông đã cố gắng nắm chắc tay lái để con tầu qua cơn sóng gió. Trước khi phiên tòa chấm dứt, ngày 20-3-2010 trong bữa cơm gây quỹ pháp lý, ông Phong đã nói trứơc đồng hương : "Dù kết quả vụ kiện thế nào, Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn tại Úc Châu vẫn phải là một cộng đồng chống cộng." Đa số đồng hương nhiệt thành ủng hộ cá nhân ông Phong vì ông là một người chống cộng tích cực nhiệt thành và có hiệu quả.
Trong dịp này, ông Phong cũng cám ơn hiền thê của ông, A Ngóe (tên thật là Nguyễn thị Nguyệt còn A Ngóe là cái tên thân thiện ông vẫn gọi bà) trong cơn bão táp bà đã động viên ông như sau: "Người ta thưa thì mình ra hầu tòa, còn nếu thua thì mình ra đường ở". Cũng như khi bỏ nước ra đi được thì sống tự do, không được thì chết hay vào tù cộng sản bỏ cửa bỏ nhà.
Trong thời gian qua, thực sự sóng gió đã đến với từng gia đình những thành viên tích cực trong cộng đồng. Có gia đình vợ chồng bất hòa. Có gia đình mặc dù cả hai ủng hộ nhưng mức độ tin tưởng vào công lý lại khác nhau. Có lẽ vì hiểu ra điều này trong buổi gây quỹ người đấu giá được bức tranh (do Họa sỹ Hùng Thắng vẽ tặng), sau đó đã chính thức thân tặng bức tranh cho A Ngóe hiền thê ông Nguyễn thế Phong. Trong lúc ấy việc đóng góp quỹ pháp lý đã là quý, nghĩa cử cao đẹp để hổ trợ tinh thần một phụ nữ có đấng phu quân phục vụ cộng đồng đang gặp họan nạn, còn quý hơn thế nữa.
Nói chi đến hai người, mỗi người quan tâm mỗi lúc có suy nghĩ khác tùy theo tin tức nhận được. Tin tức thì đến từ báo chí, mà báo chí thì như một vị cho biết:"có tờ báo còn đưa tin thất thiệt, thậm chí có nhà báo còn bẻ cong ngòi bút trình bày sai lạc dữ kiện tại tòa hầu đánh lạc hướng dư luận và tạo bất lợi cho công việc hổ trợ pháp lý cho Cộng đồng." Theo người viết một cách công bằng cũng có nhiều cơ quan truyền thông khá khách quan. Tuy nhiên do cộng đồng là một cộng đồng nhỏ các cơ quan truyền thông cũng nhỏ không có người trực tiếp tham dự phiên tòa.
Riêng diễn đàn Ly Hương có người dự suốt 10 ngày tòa và tường trình từng ngày. Người viết có nhận một cú điện thọai từ phương xa than phiền về sự chậm trễ đưa tin của tường thuật viên bất đắc dĩ này. Thế mới biết sự quan tâm của những người ở phương xa. Đóng góp của Ly Hương thật lớn. Đây cũng là một bài học, nhữnh thành viên tích cực trong cộng đồng cần phải quan tâm hơn đến việc thông tin và tự huấn luyện để có khả năng tự thông tin trong môi trường thông tin tòan cầu hiện nay.
Đôi lời về trạng sư bên nguyên đơn
Sau bài trứơc có độc gỉa góp ý người viết đã viết quá ít về trạng sư bên ông Võ Ngọc Anh. lần này người viết xin bổ túc nhận xét cá nhân. Ngày thứ sáu 19-3-2010, Trạng sư hai bên trình bày đến bồi thẩm đòan để thuyết phục qúy vị này mang lẽ phải về cho thân chủ. Trạng sư phía nguyên đơn đã đặt vấn đề, tại sao chỉ vì một cú điện thọai cho tin không chính xác mà thân chủ của ông đã phải trải nhiều sóng gió, gồm một cuộc họp bất thường, rồi được thông cáo đến báo chí đến cộng đồng Việt Nam, ... một việc làm nhỏ như vậy có đáng để ông Nguyễn thế Phong làm lớn chuyện như vậy hay không ? Lý lẽ của Trạng sư nguyên đơn đã có thể thuyết phục bà chánh án và 6 vị bồi thẩm viên vì họ hòan tòan xa lạ với văn hóa với chính trị của cộng đồng chúng ta và quyết định đúng sai hòan tòan khác với suy nghĩ của chúng ta.
Xét thế Trạng sư của phía nguyên đơn cũng rất tài giỏi và quyền biến. Tuy nhiên theo quan sát của người viết ông dường như chưa được sửa sọan đủ để có thể đấu trí trong phiên tòa.
Vì thế ngay khi các bồi thẩm viên rời phiên tòa, Trạng sư Cộng đồng đã đánh ván bài cuối nói với bà Chánh án rằng theo Bộ luật mới, bồi thẩm viên phán quyết phải hòan tòan dựa trên suy nghĩ của một người Úc bình thường. Nghĩa là nếu có ai đó cho rằng họ là cộng sản thì cũng chỉ là những nói xấu nhau, mỉa mai (slander) nhau không phải là phỉ báng mạ lỵ. Mà nói xấu nhau là chuyện xảy ra hằng ngày trong cuộc sống. Ông đưa cho bà Chánh án một bản sao Bộ luật mới này. Bà Chánh án cám ơn và thú nhận bà chưa biết điều luật mới này. Trạng sư bên nguyên đơn cũng thú nhận ông phải dành cuối tuần để xem lại điều luật này.
Không biết bên nguyên đơn nghĩ sao khi đưa ra một hình ảnh bạo động trong các cuộc biểu tình. Nguyên đơn lại diễn tả nhiều thành viên rất bạo động, ông cho rằng tại các quốc gia khác đã có người gặp vấn đề khi bị khép là Việt Cộng, đến nỗi ông phải mất ăn mất ngủ, trốn từ nhà này sang nhà khác khi bị khép là Việt cộng. Và bị đơn Nguyễn Thế Phong có khả năng một lời kêu gọi sẽ có 3 ngàn người xuất hiện biểu tình (không cần biết đúng sai). Nếu bạn đọc là chánh án hay 6 vị bồi thẩm viên người Úc, tin những lời nói trên là sự thật, quý vị có thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Nguyễn Thế Phong không tìm thấy lẽ phải và công lý. Đây là một điểm yếu nhất trong phiên tòa "gậy ông đập lưng ông" thế nhưng nó lại là câu chuyện chính của nguyên cáo thế mới chết. Người viết không tin rằng có trạng sư nào có khả năng hóa gỉai thế cờ này.
Những Ánh Mắt Rực Lời Cầu Nguyện
Người viết vẫn nhớ, sau 10 ngày, đói khát mất ăn mất ngủ, các anh chị em cùng chuyến vựơt biên chỉ còn những đôi mắt rực sáng niềm tin vào sự sống. Nhiều anh chị dự phiên tòa cũng có đôi mắt ấy đôi mắt của rực lời cầu nguyện và niềm tin vào công lý. Nhiều cô bác anh chị làm sao có thể hiểu được Anh ngữ dùng tại tòa, có thể hiểu được cách đấu trí giữa hai bên, có thể nói để luật sư và trạng sư cộng đồng hiểu. Chính những ánh mắt với niềm tin vào lẽ phải vào công lý. Ít nhất chính những đôi mắt ấy đã ảnh hưởng không ít đến tinh thần của luật sư của Trạng sư bên Cộng đồng. Chính Trạng sư tiến sỹ Matt Collins đã xác nhận rằng ông đã rất thích thú và ngạc nhiên khi được nhận lãnh và thực hiện vai trò của ông là bảo vệ công lý cho một cộng đồng tỵ nạn Việt cộng. Như vậy những đôi mắt không lời ấy đã đóng góp không ít đến kết qủa kết quả cuối cùng của phiên tòa.
Mười Ngày Ngồi Tòa
Người viết không dự đủ 10 phiên tòa và có lẽ khả năng diễn tả tình đồng hương không bằng anh Nguyễn Nhân , người viết đã được may mắn phỏng vấn xin giới thiệu đến bạn đọc:
Q. Thưa anh Nhân, anh và chị đã dự đủ 10 ngày tòa, anh có thể cho biết cảm tình mà đồng bào đã dành cho nhau trong suốt ngày qua ?
Có những biến cố như vậy thì mới thấy rõ sự gắn bó và tấm chân tình của đồng hương. Trong suốt 10 ngày tại Toà Trung Thẩm, tình đồng hương đã là cái nét đặc thù và nổi bật nhất của vụ kiện.
Trước nhất là đã có nhiều đồng hương ở khá xa, đã phải rời khỏi nhà thật sớm, đón xe lửa, xe "tram", xe buýt qua nhiều chặng đường để đến cho kịp giờ các phiên toà. Có những người đã bỏ cả công ăn việc làm, lấy ngày nghỉ để đến dự. Rồi có những người vào giờ ăn trưa (tuy ngắn ngủi) cũng ráng ghé vào để thăm hỏi diễn biến của vụ kiện. Cảm động nhất là đã có các vị cao niên, các vị đang mang nhiều thứ bệnh trong người, đi đứng khó khăn, khả năng hiểu biết Anh văn rất khiêm nhường nhưng vẫn có mặt đều đặn trong suốt 10 phiên toà không vắng mặt một ngày nào. Có những đồng hương trước đây chưa bao giờ gặp mặt nhưng nay lại trở nên gần gủi, thân thiết, tụm ba tụm bảy trò chuyện, cười nói, bàn tán xôn xao như quen biết nhau tự bao giờ.
Rồi đến giờ ăn trưa, chẳng có mấy ai đi ra ngoài mà vẫn cứ ngồi lại với nhau "có mắm ăn mắm, có muối ăn muối" chia sẻ cho nhau từng mẫu bánh, miếng khoai, nắm xôi, ly nước, ... ôi thật là tình nghĩa đậm đà làm sao! Vào những ngày cuối của vụ kiện, đồng hương lại càng khăn khít nhau hơn khi sự lo lắng hiện rõ lên trên nét mặt, trong tiếng thở dài, và họ đã an ủi lẫn nhau, nhắc nhở cho nhau là hãy cầu nguyện ơn trên!
Tình đồng hương và sự đoàn kết của Cộng Đồng Người Việt đã làm cho quan toà phải ngưỡng phục – vị Thẩm Phán đã phải 2 lần có lời ngợi khen đồng hương như là những người tham dự phiên toà gương mẫu, riêng vị Trạng Sư bên bị cáo (qua 10 ngày quan sát) cũng đã có nhận xét rằng Cộng Đồng của chúng ta là một Cộng Đồng vửng mạnh và đoàn kết.
Và nổi bật nhất là sau khi phiên toà cuối kết thúc với một kết quả mong đợi, thì đồng hương đã tay bắt mặt mừng, ôm chầm lấy nhau với đôi mắt đỏ hoe, hai hàng nước mắt chảy dài trong nổi mừng vui chung như của chính họ chứ không phải của riêng ai.
Có tìm đến với đồng hương, sống với đồng hương thì mới cảm nhận được sự mến thương ngọt ngào, đâm đà của tình đồng hương.
Lễ Tạ Tổ
Ngay khi biết được kết qủa phiên tòa, bà con bàn với nhau mời gọi những người đã có lòng quan tâm đến sự sống còn của cộng đồng cuối tuần gặp nhau tại Đền Thờ Quốc Tổ trước để làm một lễ Tạ Tổ, đồng thời cùng nhau chia sẻ những khó khăn mà cộng đồng đã và đang phải đương đầu. Mỗi người mang một món ăn đến trước cúng Tổ sau chia nhau thừa lộc. Ngày 27/3/2010, gần trăm người tham dự vui mừng như vừa đặt chân đến đảo. Mọi người trao đổi, chia sẻ nhau từ chua cay đến ngọt bùi trong cơn họan nạn vừa trải qua.
Sau khi ông Nguyễn văn Bon chủ tịch Cộng Đồng làm lễ Tạ Tổ và lễ Chào Quốc Kỳ. Ông Nguyễn thế Phong đã tuyên bố buổi lễ như sau: "Con kính dâng kết quả của ngày hôm nay như một lời tạ ơn lên Quốc Tổ, Hồn Thiêng Sông Núi, anh linh của các bậc anh hùng liệt nữ, của các chiến sỹ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, các nạn nhân hy sinh trên đường tìm tự do và cho các nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Con cũng xin cám ơn tất cả mọi người đã đứng bên con suốt những ngày tháng gian truân và thử thách vừa qua để xác tín rằng công lý luôn thuộc về sự thật và lẽ phải. Con rất vui mừng vì công lý đã làm sáng tỏ vấn đề, nhưng lại rất buồn vì cộng đồng đã phải ra tòa với những tốn kém không cần thiết. Nhưng lại rất hãnh diện vì nhìn thấy sức mạnh và sự đòan kết của cộng đồng trong việc hổ trợ và vững tin vào chánh nghĩa của cộng đồng. Qua sự việc con cũng vững tin rằng các anh chị em trẻ đã, đang và sẽ dấn thân làm việc thiện nguyện trong cộng đồng và tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền cho quê hương Việt Nam có quyền tin tưởng rằng: đồng bào và cộng đồng sẽ không bao giờ bỏ rơi họ khi họ phục vụ và đại diện cho cộng đồng theo đúng tinh thần và tôn chỉ của Bản Nội Quy Cộng Đồng".
Cờ vàng ba sọc nở khắp Đền thờ
Trước khi chương trình Tạ Tổ chấm dứt, bà Bé Hà xin phép được gởi đến mỗi người tham dự một dây khóat cổ trang trí cờ vàng ba sọc đỏ. Người viết chợt nghĩ như sau những ngày lênh đênh trên biển cả được thấy lại màu cờ biết mình được sống và được sống tự do. Việc làm của bà Bé Hà thật hết sức ý nghĩa trong nỗ lực phát huy cờ vàng.
Tôi nghe vài anh chị rủ nhau trong lần hầu tòa tới tất cả sẽ sử dụng giây khóat cổ này xuyên suốt phiên tòa.
Vài cuộc phỏng vấn
Vì thời gian không cho phép, người viết chỉ mới thực hiện cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Thế Phong, trong thời gian tới người viết sẽ tiếp tục phỏng vấn những đồng hương đã quan tâm hay tham dự phiên tòa để có được một bức tranh tổng hợp hơn về tình Đồng Hương. Xin phổ biến cùng độc giả cảm tưởng của ông Nguyễn Thế Phong, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu, Trưởng ban tổ chức Đền Thờ Quốc Tổ
Q. Tại sao lại làm lễ Tạ Tổ sau vụ kiện thưa anh? Nó có ý nghĩa gì đặc biệt trong chuyện này?
Thưa anh, chánh nghĩa quốc gia được gói ghém và tiêu biểu trong tinh thần nhân bản của Quốc Tổ Hùng Vương, cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại là biểu trưng của tinh thần nhân bản ấy. Chúng ta có còn ngày hôm nay cũng nhờ vì chúng ta biết chúng ta là ai, từ đâu đến và nhờ ai mà có chúng ta, những người tiếp tục giữ vững chánh nghĩa quốc gia, được thở hít không khí tự do này. Ðó là sự hy sinh ngàn đời của cha ông, tổ tiên để lại, bao nhiêu cái chết của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, hàng triệu đồng bào đã hy sinh trên đường vượt thoát chế độ CS phi nhân và hàng trăm ngàn những chiến sĩ đồng minh, trong đó có hơn 500 chiến binh Úc Ðại Lợi đã bỏ mình tại Việt Nam cho lý tưởng Tự Do và biết bao nhiêu những nhà tranh đấu đã nằm xuống và hy sinh cho sự tự do ấy.
Chính vì thế việc đại diện ra toà để bảo vệ quyền tự do, công lý và sự thật của cộng đồng người Việt tại Úc, chúng tôi thiết nghĩ cũng là đại diện cho chánh nghĩa, cho danh dự, cho sự trong sáng của anh linh ngàn đời của hồn thiêng sông núi và của mọi vị anh hùng liệt nữ và các chiến sĩ đã nằm xuống mà cộng đồng là cơ chế đại diện. Chúng tôi vì thế đã cầu xin và phó thác mọi sự cho Quốc Tổ, cho Hồn Thiêng Sông Núi trước, trong khi và trong lúc chờ phán quyết của Toà Án. Chúng tôi luôn tin tưởng vào sự linh thiêng của các ngài. Hôm nay đây, công lý, lẽ phải và sự thật đã được ứng nghiệm. Chúng ta có bổn phận tạ ơn các ngài và vì sự hộ trì và linh ứng của Quốc Tổ của những người đã hy sinh cho lý tưởng tự do. Ðể chứng minh điều này, tôi xin được tường thuật lại sự nhiệm mầu của quý ngài như sau:
Lúc chúng tôi nhận được trát toà từ phía nguyên đơn đưa chúng tôi ra toà Trung Thẩm Victoria . Quả thật với anh, chúng tôi không hề biết ai để mà nhờ vả hoặc biết tìm đâu ra một văn phòng hay một vị luật sư nào để biện hộ cho Cộng Ðồng. Trong suy nghĩ của chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng để tìm được một công ty luật đặc biệt về kiện tụng và mạ lỵ, chắc chúng ta phải tìm kiếm tại City chứ khó lòng mà tìm thấy tại những vùng như: Footscray, Springvale hay Broadmeadows. Nhưng làm sao biết được ai là trạng sự giỏi và chuyên nghiệp mới là vấn đề khó khăn. Chúng tôi và mọi người chỉ còn biết đến cầu xin Quốc Tổ, anh linh của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh Úc Ðại Lợi soi sáng dẫn đường cho.
Rất may nhờ chị Bé Hà đã trình bày vụ kiện với ông John Filmer, Chủ tịch ủy ban Tượng Ðài Chiến Sĩ Úc-Việt Dandenong. Chỉ một tuần sau đó, ông đã tìm đến hỏi thăm tôi về vụ kiện và ngỏ ý muốn giúp đỡ vì ông có quen biết một vị luật sự giỏi. Chúng tôi hỏi ông vị luật sư ấy ở đâu. Ông trả lời ở tại Noble Park . Quả thật chúng tôi cũng hơi nghi ngờ và thất vọng vì e ngại rằng vị luật sư này không giỏi hoặc không rành về lãnh vực này. Nhưng vì vị nễ ông John, một phái đoàn Cộng Ðồng gồm 3 người đã đến gặp vị luật sư này đó là Luật sư Bernard Moore thuộc công ty luật Bochard and Moore tại Noble Park.
Sau khi gặp Luật sư Bernard Moore chúng tôi mới biết ông trước đây cũng là một Trạng Sư hành nghề trong lãnh vực kiện tụng và mạ lỵ. Nay ông bỏ lãnh vực này và tập trung làm Trạng Sư về luật hình sự mà thôi. Ông cho biết trước kia ông là một Trạng sư rất thành công và có tiếng trong lãnh vực kiện tụng và mạ lỵ. Ông thắng rất nhiều vụ kiện cho đến khi ông gặp một vị Trạng sư mà ông phải thua và ngưỡng mộ một cách tuyệt đối tài nghệ của vị này. Vị này cũng kính nể khả năng ông qua những vụ kiện tại toà nên họ trở thành bạn thân và ông Bernard Moore quyết định chỉ tập trung vào lãnh vực Hình sự (Criminal Law). Vị trạng sự ấy chính là Trạng sư Tiến Sĩ Matthew Collins tác giả của nhiều sách giáo khoa về kiện tụng và mạ lỵ hiện được đang dùng để giảng dạy tại các trường đại học nổi tiếng như Havard, Oxford v.v…
Chúng tôi tin rằng anh linh của Quốc Tổ và của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và Úc Ðại Lợi mà cộng đồng chúng ta đã xây dựng tượng đài tại Dandenong và đang được thờ phụng tại Ðền Thờ Quốc Tổ đã linh ứng và hướng dẫn và qua ông John Filmer cộng đồng của chúng ta đã được đúng người xứng đáng.
Kết quả là những ai có được diễm phúc chứng kiến phong cách và tài năng của hai vị Trạng và Luật sư của cộng đồng chúng ta tại toà Trung Thẩm, phải công nhận rằng khả năng và kiến thức chuyên môn của họ đã làm cho mọi người từ vị Chánh án, Lục sự và ngay cả Trạng sư của nguyên đơn phải kính nể.
Cá nhân chúng tôi luôn tin rằng cộng đồng của chúng ta đã và đang làm việc có chánh nghĩa và chánh nghĩa ấy đã được Quốc Tổ, các vị Anh Hùng Liệt Nữ ngàn đời, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh bảo vệ, do đó các ngài đã giúp hộ trì cho lẽ phải được thành công tại toà án của nước Úc nơi mà người Việt tỵ nạn đã liều chết tìm sự công bằng và tự do thật sự thưa anh.
Q. Cảm nghĩ của anh về tình cảm mà đồng bào đã dành cho anh?
Thưa anh, trước những nghĩa cử đầy thương mến và chăm sóc lo lắng của mọi người đã dành cho tôi và gia đình, những lời thăm hỏi, những lời cầu nguyện, những chai nước ngọt, từng miếng bánh mì, miếng xôi, từng lời dặn dò và chúc sức khoẻ một cách vô cùng chân tình của các bác, các anh các chị trong cộng đồng trong suốt những ngày trước khi, trong khi và sau khi ra toà, tôi cảm thấy mình là một người có hạnh phúc nhất trần gian này, mặc dù đang ở trong tâm trạng vô cùng căng thẳng, âu lo về tương lai của cộng đồng. Tôi cảm nhận được rằng những tình cảm này không phải chính là dành cho cá nhân tôi mà là tình cảm đồng bào dành cho cộng đồng và những ai đang dấn thân làm việc cộng đồng nói chung mà tôi là người đã đóng vai trò ấy thưa anh.
Tấm lòng lo âu đến việc chung ấy của quý bác, quý đồng hương cũng khiến cho tôi vô cùng khích lệ và tin tưởng rằng nó sẽ là một thông điệp thật mạnh mẽ gởi đến cho qúy anh chị em trẻ đã, đang và sẽ làm việc cộng đồng rằng họ sẽ luôn được đồng bào hổ trợ và nâng đỡ.
Một ý kiến cho bài viết trước ( Việt Luận 27/3/2010 trang 51)
Ngay khi báo Việt Luận đăng bài "Phiên Tòa Lịch Sử: Thành Viên Kiện Chủ Tịch Cộng Đồng" một độc gỉa Việt Luận đã trực tiếp đóng góp người viết. Chị cho rằng người viết đã viết như sau là không đúng "Người Việt tại Úc châu khi bị người khác gán ghép là Việt cộng hay cộng sản thì đúng là một sự phỉ bang, một sự mạ lỵ không thể chấp nhận được." Chị góp ý như sau: "Đối với đại đa số người Việt trên tòan thế giới, Việt cộng là xấu sa, ghê tởm, bội phản, lừa đảo, ... là tà gian. Khi ai đó bị coi là Việt cộng là một điếm nhục gia phong, đời ông, đời cha, đời con cũng khó mà rửa sạch." Người viết xin nhận góp ý của chị và chia sẻ đến bạn đọc xa gần.
Phiên tòa sắp tới
Cũng như các người tỵ nạn khi nhập trại chúng ta lại còn phải trải qua một số thủ tục nhẹ nhàng hơn trước khi được chọn định cư. Tương tự như thế Cộng Đồng sẽ lại phải ra một phiên tòa khác do ba ông Võ ngọc Anh, Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Như Long đồng đứng đơn kiện “cáo buộc rằng Ban Chấp Hành CÐNVTD-VIC do ông Nguyễn Thế Phong làm chủ tịch đã tham lũng công quỹ của cộng đồng.”
Như người viết đã nhận xét việc tài chánh đều có sổ sách và báo cáo đến Chính Phủ, báo cáo trong các Đại Hội Thường Niên Cộng Đồng đến mọi đồng hương. Cũng theo nội quy mọi chi tiêu trên $500 Úc kim cần có chữ ký của ông chủ tịch Hội Đồng Tư Vấn Giám Sát, nay chính ông lại đứng về phía những người thưa kiện để đưa Cộng đồng ra hầu tòa. Ông đã là nhân chứng trong phiên tòa trước thế nhưng những lời chứng của ông không đáng tin cậy để có thể sử dụng phán xét vụ kiện nói trên.
Ngay khi vấn đề được đưa lên báo chí, một ban Kiểm tra Tài Chính đã được các tổ chức trong Cộng Đồng đề cử để xem lại sổ sách kế tóan. Kết quả không tìm thấy điều gì sai sót.
Ngày 12-2-2010, việc cáo buộc CDNVTD-VIC “tham lũng” tiền công qũy của cộng đồng đã không đựơc tòa sơ thẩm xét xử. Tòa cho rằng đây chỉ là tranh chấp nội bộ không thuộc phận sự của tòa án. Tòa quyết định đưa sự vụ xuống Trung Tâm Giải Quyết Các Tranh Chấp ( Dispute Center ) để hai bên tìm cách hòa giải vấn đề. Việc hòa giải đã không xong.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài 2VNR, ông chủ tịch Nguyễn văn Bon cho biết phía Cộng đồng đã đưa ra tất cả hồ sơ sổ sách kế tóan nhưng phía đứng đơn đòi Cộng đồng phải làm lại kiểm tóan hàng chục năm về trước. Theo ông Bon đây là đòi hỏi không thể chấp nhận được vì hằng năm Cộng đồng đã có kiểm tóan độc lập.
Hơn thế nữa trong mọi phiên họp với bên nguyên đơn, cũng như trong buổi họp ở Trung Tâm Giải Quyết các Tranh Chấp, lụât sư Cộng đồng đã nói là hồ sơ tài chánh kế tóan của Cộng đồng lúc nào cũng sẵn có để cho bên nguyên đơn nghiên cứu. Trước phiên tòa ngày 12-2-2010, bên nguyên đơn đã gởi một kế tóan viên đến xem xét và nghiên cứu các hồ sơ này. Nếu bên nguyên đơn muốn thực hiện kiểm tóan lại những hồ sơ tài chánh này thì họ cứ tiến hành, tuy nhiên chi phí kiểm tóan phải do bên nguyên đơn trả. Điều này cũng là một nguyên tắc căn bản liên quan đến việc kiểm tra kế tóan, thí dụ như Sở Thuế Vụ Úc Đại Lợi, khi họ thanh tra một công ty nào và nếu muốn kiểm tra lại hồ sơ kế tóan của công ty này, thì họ phải chịu trách nhiệm mọi chi phí nếu họ muốn mời một kế tóan viên độc lập kiểm tra lại những hồ sơ kế tóan này.
Trong phiên họp Cộng đồng ngày 13-3-2010, bà Bé Hà chủ tịch Hội Tương Trợ Người Đông Dương Springvale (Springvale Indo-Chinese Mutual Assistance Association 'SICMAA') đã xác nhận việc chuyển ngân từ ngân sách Cộng Đồng sang SICMAA là hòan tòan hợp pháp và tuân theo thủ tục đòi hỏi của chương trình Phát Triển Cộng Đồng. Cũng trong phiên họp này ông Châu Xuân Hùng đã xác nhận là tài trợ cho chương trình Phát Triển Cộng Đồng này do Ban Chấp Hành Cộng đồng nhiệm kỳ 2003-05 và SICMAA cùng đứng đơn xin tài trợ này. Cũng cần biết ông Châu Xuân Hùng đã là chủ tịch Cộng Đồng nhiệm kỳ 2003-05. Trong buổi họp thường niên của SICMAA tổ chức vào tháng 11 năm 2005, cựu dân biểu vùng Footscray ông Bruce Mildenhall đã long trọng tuyên bố là Chính Phủ tiểu bang Victoria đã chấp nhận tài trợ cho CĐNVTD tại Victoria và SICMAA một ngân khỏan là $522,000 cho dự án 5 năm Phát Triển Cộng Đồng tại hai vùng miền Tây và miền Đông Nam Melbourne, Cả hai tổ chức này đều đã mướn nhân viên để thực hiện các kế họach liên quan đến Phát Triển Cộng Đồng. Cứ mỗi 3 tháng một lần, Cộng đồng phải làm báo cáo tài chánh để tường trình lên các cơ quan chính phủ Victoria và sau đó cơ quan liên hệ mới chuyển tiền vào ngân khỏan của Cộng đồng. Sau đó tiền được chuyển ngân cho SICMAA theo đúng như hợp đồng quy định việc SICMAA mướn nhân viên làm việc cho chương trình này.
Trên báo Việt Luận ngày 19-3-2010, trang 41, Ông Lý Ngọc Cương đã tha thiết kêu gọi nhóm nguyên đơn như sau: "Cuối cùng, tôi xin quỳ hai gối, mọp đầu sát đất, bái ba lạy dài, kính xin những vị có hiềm khích cá nhân với ông Nguyễn thế Phong, hãy vì đại nghĩa mà quên đi thù xưa để cùng nhau bảo vệ lý tưởng của Người Việt Quốc Gia, phát huy chánh nghĩa của người Việt tỵ nạn, góp phần giải thể chế độ cộng sản, quang phục quê hương". Cũng cần biết lẽ ra ông Cương đã là một nhân chứng của ông Võ Ngọc Anh trong phiên tòa trước. Nhưng do một việc làm sai của luật sư phía ông Anh, ông Cương đã phát hiện ra và xin bà Chánh án cho phép được miễn làm chứng cho ông Anh. Người viết không tham dự ngày tòa ông Cương được miễn làm chứng nên sẽ tường trình đến độc giả chi tiết khi bản chuyển âm (transcript) của vụ kiện được công khai hóa đến công chúng.
Vụ kiện sắp tới ba ông đã kiện Cộng đồng trong một thời gian dài (2001-2008), hồ sơ sổ sách kế tóan lại liên quan đến các năm về trước, liên quan đến nhiều ban chấp hành. Vừa rồi người viết đã hỏi cô Nguyễn thị Phượng Vỹ, phó chủ tịch CĐNVTD tại Victoria , và được cô cho biết: "các ông ấy kiện thì mình ra hầu tòa còn mọi việc liên quan đến tài chánh Cộng đồng thì rất minh bạch, anh nói với bà con đừng lo lắng gì cả."
Do vụ kiện sắp tới không còn là một vụ kiện cá nhân ông Nguyễn thế Phong, mà là một vụ kiện Cộng đồng thế nên bà con tại Victoria đang sửa sọan ra hầu tòa một lần nữa. Nếu ba nguyên đơn không thay đổi ý kiến người viết sẽ tham gia các buổi hầu tòa, phỏng vấn các đồng hương tham dự để độc giả có được một cái nhìn tổng quát hơn về cảm tưởng của đồng hương tại Victoria về hai phiên tòa lịch sử: thành viên kiện chủ tịch cộng đồng.
Vì đây là một sự kiện lịch sử của CĐNVTD tại Úc châu nói riêng, tại hải ngọai nói chung, trong thời gian tới người viết sẽ tìm chừng 10 vị để phỏng vấn 10 đề tài để có được 10 góc cạnh khác nhau. Người viết kêu gọi sự cộng tác của quý đồng hương để có thể hòan tất bài viết tới. Xin liên lạc Nguyễn Quang Duy (duyact@yahoo.com.au) hay điện thọai 0411148525.
Mừng Chúa Phục Sinh
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
31/3/2010
Ðôi nét về Ông NGUYỄN THẾ PHONG, cựu Chủ tịch BCH CÐNVTD Tiểu bang Victoria (Úc), đương kim Chủ tịch BCH CÐNVTD Liên bang Úc
Ông Nguyễn Thế Phong sanh năm 1961, vượt biên qua đến đảo Terempah, quần đảo Anambas (Indonesia) đầu năm 1979, sau được chuyển qua trại Kuku (đảo Jemayah) rồi đảo Galang. Ở trại 7 tháng, đến cuối năm ông được định cư tại Úc, thành phố Adelaide, tiểu bang Nam Úc. Một tháng sau ông đi tu theo phái dòng Tên, đến năm 1984 ra đời theo học tại Ðại học Melbourne, tốt nghiệp Ðại học Văn khoa. Sau khi ra trường ông làm thiện nguyện cho nhà thờ Vincent Liêm ở Flemington, sau đó làm Giám đốc điều hảnh văn phòng xã hội của hiệp hội Tương trợ người Ðông Dương Springvale (SICMAA) cho đến ngày nay. Ông tham gia công tác cộng đồng từ năm 1984 khi còn là sinh viên, từ các chức vụ trong tổ chức sinh viên đến nhiều chức vụ khác nhau trong một số tổ chức trong cộng đồng người Việt ở Victoria trong suốt 25 năm nay. Năm 1999 ông Nguyễn Thế Phong tham gia tranh cử và đắc cử chức vụ Chủ tịch BCH CÐNVTD tiểu bang Victoria, hiện nay ông đang giữ chức vụ Chủ tịch BCH CÐNVTD Úc châu.
Ðiểm nổi bật ở ông Phong là tư tưởng và hành động chống Cộng rất rõ nét. Trong sinh hoạt cộng đồng, ông là người có tài hùng biện. Ở các buổi biểu tình, không khí sẽ nhộn nhịp hẳn khi ông Phong cầm micro và cất cao giọng kêu gọi. Ông có thể nói nhiều tiếng đồng hồ trong tất cả các buổi biểu tình, lưu loát ở cả hai ngôn ngữ Việt và Anh và có thể thức trắng đêm để chuẩn bị kỹ lưỡng cho bài nói chuyện, dù chỉ nói chuyện một lần, cho ngày hôm sau.
Ðiểm mà tôi ghi nhận ở ông, và rất nhiều người đồng ý, ông chính là linh hồn của nhiều hoạt động chống Cộng tại Victoria và ở Úc, và là khắc tinh của các hoạt động hậu thuẫn cho Cộng Sản VN tại Victoria và tại Úc. Cũng chính vì thế mà nhà cầm quyền CSVN và tay sai của họ ở khắp mọi nơi, cùng với thế lực nhà nước và thế lực tiền rừng bạc biển của họ, họ sẽ đánh phá ông, cùng những cá nhân và các đoàn thể chống Cộng khác cho đến khi tất cả đều khánh kiệt từ tinh thần đến vật chất và không còn chống Cộng nữa.
Thưa quý đồng hương, tất cả chúng ta, không ai toàn diện, vì vậy vào từng thời điểm, ai cũng bộc lộ những ưu và khuyết điểm cá nhân. Tuy nhiên nếu chúng ta chỉ chĩa mũi dùi vào khuyết điểm của người bạn đồng hành, bỏ qua mục tiêu trước mắt, làm ngơ trước ưu điểm của bạn đồng hành, tha thứ khuyết điểm của mình, tụ năm tụ bảy đánh vào khuyết điểm của người bạn đồng hành cho đến khi người bạn của mình gục ngã, hành động ấy phàm phu cũng còn thấy không đúng huống gì những bậc trí nhân! Và như vậy sao có thể gọi là đoàn kết?
[Tỵ Nạn Việt Nam] giới thiệu đến quý đọc giả bài viết dưới đây của ông Nguyễn Thế Phong. Ông viết xong bài này trước khi ra hầu toà vài hôm, sau chuyến hành trình thầm lặng đến thăm Galang mấy ngày. Ông có gửi tôi xem, và tôi đã xin phép ông được phổ biến để chia xẻ cùng quý đồng hương tỵ nạn khắp năm châu.
Chúng tôi đã về Galang cả chục lần, và đã hướng dẫn gần 500 lượt người đi ngang qua và đã chứng kiến cái nghèo của người dân địa phương tại khu vực Galang và những đảo chung quanh. Tuy nhiên chưa ai trong chúng tôi, có cách hành xử giống như ông Phong, có lẽ vì chúng tôi còn quá ưu tư đến di tích, tìm kiếm và bảo tồn di tích, chỉ nhìn cái quá khứ và cái tương lai mà quên cái thực tại trước mắt. Ông đã trở về, bỏ tiền túi, đơn phương Ðền Ơn Ðáp Nghĩa và giúp đỡ người dân địa phương.
Một cái máy điện toán, một cái máy phát điện cho trường học, dụng cụ dạy và học cho thầy cô và học sinh, và nhiều thứ nữa, tất cả đều không cần rất nhiều tiền. Tất cả đều nằm trong khả năng của từng gia đình người Việt hải ngoại chúng ta. Tuy nhiên có cái nhìn và hành xử trong tinh thần "ăn trái nhớ kẻ trồng cây" như ông Nguyễn Thế Phong không phải mọi người đều có thể nghĩ tới!
Ðây là sự thật 100%.
Ðây không phải đóng kịch cũng hoàn toàn không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng vu vơ.
Chúng tôi cũng không có ý tôn vinh cá nhân.
Chúng tôi chỉ biết ông Phong về vùng Galang để thăm viếng. Tôi nghĩ là ông đi giải khuây để bớt căng thẳng.
Chúng tôi chỉ đơn thuần đưa ra một góc cạnh về một con người, một cá nhân. Trong khi một con người là tổng hợp của nhiều góc cạnh, là tổng thể của nhiều đơn vị cá biệt, nếu tách riêng những đơn vị cá biệt ấy, thì mỗi đơn vị chỉ là một cái gì đó bầy nhầy máu thịt chứ không phải là một con người.
Trong hoàn cảnh lịch sử ngày hôm nay, mỗi người chúng ta, nếu không làm được nhiều để góp công vào nỗ lực xây dựng một Việt Nam tự do, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ thì cũng xin đừng làm một hành động gì khiến cho những nỗ lực ấy phải thui chột đi. Nếu không, chính chúng ta lại góp công góp sức vào công trình kiến tạo 1.000 nô lệ lần thứ nhì cho lịch sử dân tộc. Trong hành động, vào một thời điểm nào đó, một hoàn cảnh nào đó, chúng ta sẽ phải lộ ra khuyết điểm, vì tất cả chúng ta đều là những cá nhân bất toàn, khi ấy chúng ta nên hành động sao cho có lợi cho công cuộc đấu tranh chung và không có lợi cho Cộng Sản, một lực lượng với tiền rừng bạc biển và nhân lực 3 triệu người ngày đêm đang tìm cách đánh gục tinh thần đấu tranh ở hải ngoại của chúng ta để biến chúng ta thành những nô lệ mới, những con bò sữa, sau khi đã làm chủ tình thế khống chế 87 triệu người trong nước một cách hoàn toàn trong suốt 35 năm nay.
Xin lấy ý bỏ lời và hãy đoàn kết, thương yêu bảo vệ đồng đội của mình vì sự nghiệp chung.
Trần Ðông
TRỞ LẠI GALANG
MỘT CHUYẾN ÐI THẦM LẶNG HẠNH PHÚC VÀ NHIỀU Ý NGHĨA…
Melbourne (Úc châu) – Tháng 10 năm 2009, tôi là một thành viên trong phái đoàn đi thăm Galang do Văn Khố Thuyền Nhân VN tổ chức để trao thỉnh nguyện thư của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới và Úc châu yêu cầu chính phủ Indonesia tiếp tục duy trì di tích lịch sử của trại tỵ nạn Galang sau khi nhà cầm quyền CSVN yêu cầu chính phủ Indonesia dẹp bỏ trại tỵ nạn này. Gia đình tôi và vợ của tôi đều là người tỵ nạn tại Galang. Sau 30 năm trở lại chốn cũ, tôi vô cùng xúc động với nhiều tâm trạng và suy nghĩ ngổn ngang thầm kín. Ðối với tôi chuyến đi này là một lời nhắn gởi, một sự lay động đánh thức tôi dậy và chất vấn tôi rằng: hơn 30 năm rồi kể từ ngày rời đảo tỵ nạn này tôi đã làm được một nghĩa cử gì cụ thể để tỏ lòng cám ơn những người dân Indonesia tại đảo Galang nhỏ bé này chưa? Vẫn biết rằng thức ăn và nhà cửa trại tỵ nạn tại Tarempa, KuKu và Galang mà gia đình tôi đã tạm trú là do Cao Ủy Tỵ Nạn cung cấp, nhưng nếu chính phủ và người dân Indonesia đã có cùng một thái độ đẩy người tỵ nạn ra biển như chính phủ Malaysia đã làm đối với chiếc thuyền tỵ nạn với 1100 sanh mạng của chính gia đình tôi thì việc gì đã xảy ra cho con tàu và 1100 người trên tàu? Tôi tự hỏi.
Trở về lại Úc tôi tự hứa với lòng mình và 550 anh linh của 550 ngôi mộ của những người Việt tỵ nạn bỏ mình tại đảo Galang là tôi sẽ làm một cái gì đó để bày tỏ lòng tri ân của gia đình tôi và của tôi đối với người dân của đảo Galang vì trên chuyến xe đi tham quan Galang vào tháng 10 năm 2009, tôi đã nghe một câu nói vô cùng chua xót của người hướng dẫn viên Indonesia là “Mặc đầu đã có hàng trăm ngàn người Việt tỵ nạn tạm trú tại đây (Galang) nhưng cho đến nay chỉ có người Ðài Loan đóng góp cho Galang qua việc trùng tu và xây cất những ngôi chùa tại đây mà thôi. Nhưng it ra thì người dân Galang cũng được hưỡng nhờ chút ít vì có công ăn việc làm”. Câu nói của ông làm tôi đau nhói, xấu hổ và buồn vô hạn vì tôi là một trong số hàng trăm ngàn người Việt tỵ nạn ấy.
Tôi quyết định làm một cuộc hành trình cá nhân thầm lặng của riêng tôi và gia đình để tạ lỗi với đất nước và người dân ân nhân đã cưu mang gia đình tôi và đồng bào tỵ nạn của tôi. Tôi tự nhủ phải làm ngay để tránh cho lòng mình khỏi kiếm cớ trì hoãn rồi không làm gì cả. Với khả năng và tài chánh hạn hẹp của gia đình tôi, đây là một công việc vô vàn khó khăn. May mắn thay một số bạn bè thân thương nhất của gia đình đã giúp tôi thực hiện ước nguyện này bằng cách đóng góp tài chánh cho những món quà mà tôi sẽ thay mặt họ hiến tặng cho người dân Indonesia tại Galang. Riêng tôi thì đi cắt cỏ thuê và dành dụm để trang trải cho phần vé máy bay và nơi cư ngụ của chuyến đi.
Tôi đến Batam, Indonesia vào ngày sáng ngày 22-2-2010 và được ông Edi và vợ là Nora người Indonesia đón tại bến phà và đưa tôi bằng chính xe của ông bà trực chỉ Galang. Trên đường đi tới Galang chúng tôi “pick up” anh Abu, một người Indonesia trẻ đã lớn lên cùng với người Việt tỵ nạn Galang từ lúc thành lập trại cho đến ngày trại đóng cửa nên anh nói tiếng Việt rất rành. Tôi muốn đến thăm ngôi trường tiểu học Galang để chào hỏi, thưa chuyện cùng quý thầy cô và tìm hiểu tận chổ những nhu cầu của trường này và các em học sinh.
Tôi vô cùng xúc động trước cảnh thiếu thốn của nhà trường: với 123 em học sinh tiểu học, 14 em nhà trẻ (Kindergarten) và 14 thầy cô giáo viên, nhà trường chỉ có 1 máy computer cũ (khoảng thập niên 80), trường không có máy printer, không có máy photocopy hay máy chữ bằng điện nào cả. Cả trường cũng không có được một cái quạt máy mặc dù trời và phòng học cực kỳ nóng bức. Tôi nhìn lên tường thấy có một cái hộp cứu thương “First Aid” nhưng không có gì ngoại trừ một lọ thuốc đỏ nhỏ. Mỗi lớp học có một bảng trắng (whiteboard) nhưng đã quá cũ và ngã mầu đen rất khó để có thể đọc được chữ. Riêng lớp nhà trẻ (kindergarten) thì hầu như trống rỗng và thiếu hẳn những hình ảnh trang hoàng, đồ chơi hay bút chì màu cho các em. Phòng của quý thầy cô thì có đuợc một bình nước nhỏ, bình nước được bọc vải để giử cho nuớc khỏi bị nóng thế thôi….Nói chung, trường tiểu học Galang, nơi người dân ân nhân của tôi sống chỉ có thế.
Tôi dành trọn ngày hôm sau 23-2 ở Batam để mua sắm quà tặng cho trường tiểu học Galang và các em thiếu niên tại Galang. Ông bà Edi và anh Abu dành trọn thì giờ cho tôi. Họ vui sướng và cảm động khoe cho hết mọi người mà họ gặp, đặc biệt là những người chủ shop và nhân viên bán hàng rằng đây là một người Việt tỵ nạn tại Galang trở lại để giúp các em học sinh và trường học tại Galang. Một số chủ shop vui vẽ giảm giá một cách đặc biệt cho tôi. Lòng tôi nôn nao, vui sướng và hãnh diện vô biên với danh xưng “Người Tỵ Nạn Việt Nam”. Anh Abu tình nguyện ở lại với tôi tại Batam để làm thông dịch cho tôi mặc dù vợ anh đang có bầu 5 tháng với đứa con đầu lòng rất cần sự có mặt của anh ở nhà. Ông bà Edi thì đóng cửa văn phòng du lịch vô cùng đông khách của họ và dùng xe nhà để đưa tôi đi mua sắm. Ông Edi không ngớt cười vui và lặp đi lặp lại câu nói: “Mr….., you do not realize how big the thing you are doing today. It’s going to be very loud…very loud. It will change everything…everything people have thought of your people before this Mr…. It’s will be very loud”
Tối ngày 23-2, tôi nhờ anh Abu giúp tôi soạn một vài lời cảm tưởng và cám ơn bằng tiếng Indonesia. Anh Abu không biết viết tiếng Indonesia hay tiếng Anh nên tôi nói tiếng Việt rồi anh nói lại bằng tiếng Indonesia để cho tôi phiên âm thể theo những gì tai tôi nghe được. Thế rồi gần khuya chúng tôi cũng xong bài phát biểu, anh Abu cẩn thận yêu cầu tôi đọc đi đọc lại để anh sửa cho hoàn chỉnh vì anh không biết đọc. Ngày hôm sau trước khi lên đường đi Galang anh đi khoe cùng khắp những quán ăn chung quanh quán trọ chúng tôi ở và bắt tôi đọc cho họ nghe bài diễn văn bằng tiếng Indonesia mà nội dung nói lên lòng tri ân của người Việt tỵ nạn đối với đất nuớc và người dân Indonesia, đặc biệt là người dân Galang. Mặt anh hồn nhiên, rạng rỡ, và vui sướng như một đứa bé khiến tôi cũng lây lất hãnh diện.
Vì chúng tôi mua nhiều đồ hơn dự tính nên ông bà Edi phải thuê một chiếc xe minibus để chở chúng tôi và quà tặng. Trên đường đi, chưa đến Galang, chúng tôi đã được người thân của anh Abu cho biết là cả làng Galang đã bàn tán, thao thức và chờ đợi suốt 2 ngày qua, đặc biệt là các em bé lớp Kindergarten. Ðêm qua, nhiều em không ngủ vì nóng lòng muốn biết lớp của các em sẽ có những gì.
Hôm nay, các em học sinh và thầy cô giáo mặc đồng phục đặc biệt và phụ huynh của các em cũng quanh quẩn bên ngoài trường học để theo dõi. Một số em học sinh đang quét dọn sân trường lần cuối để đón “phái đoàn” khi xe chúng tôi đến nơi. Thầy hiệu phó cùng quý thầy cô tươi cười đón phái đoàn của chúng tôi gồm có ông bà Edi, anh Abu và tôi. Các em học sinh thì nói “Salamat Pagi” (Good Morning) với những nét mặt thật rạng rỡ.
Với sự giúp đỡ và thông dịch của ông Edi, những món quà nhỏ bé của chúng tôi được mở ra trước sự chứng kiến của các thầy cô và các em: một máy computer hiệu Compac, một máy printer màu bao gồm cả scanner và photocopy hiệu Canon, 2 bảng trắng lớn, 1300 cuốn tập, 1300 cây viết mực và 1300 cây viết chì, máy gọt viết chì, bút màu, đồ chơi, posters học tiếng Anh cho các em Kinder, một trái banh soccer, một trái banh bóng chuyền và 2 trái banh đá cầu (đặc biệt của Indonesia), thuốc, băng và vật dụng cứu thương cho hộp First Aid của nhà trường và riêng cho quý thầy cô thì có một máy làm nước lạnh và nước nóng (water dispenser).
Tôi đã ngỏ vài lời cám ơn bằng tiếng Indonesia mà anh Abu đã giúp tôi soạn đêm hôm trước. Quý thầy cô và các em học sinh có vẽ vô cùng thích thú về điều này. Tôi hy vọng mình đã không phát âm trật hay nói điều chi thất lễ. Một nghĩa cử thật tự nhiên của các em học sinh kế đó đã làm tôi muốn bật khóc vì từng em, từng em một dùng hai tay của mình chắp lấy tay của tôi, miệng nói “thank you” rồi nâng tay của tôi đụng vào trán của mình. Không bút mực nào có thể tả xiết cảm xúc của tôi lúc bấy giờ. Ðúng ra tôi phải là người làm cử chỉ đó đối với quý thầy cô và các em vì tôi và hàng trăm ngàn người Việt tỵ nạn còn sống đến ngày hôm nay là do ơn cứu sống của đất nước Indonesia. Những quà tặng cám ơn nhỏ bé vô giá trị này làm sao sánh được ơn cứu mạng mà đồng bào tôi đã đón nhận! Tôi sẽ suốt đời không bao giờ quên giây phút thiêng liêng ấy của một người tỵ nạn.
Rời trường tiểu học với các em học sinh và quý thầy cô đứng tiển đưa và một số em chạy theo xe vẫy chào và nói cám ơn, chúng tôi ghé nhà của anh Abu để thăm hỏi cám ơn vợ của anh và dùng cơm trưa tại đó. Trước đó tôi cũng tặng cho các em thiếu niên của làng Galang một trái banh soccer, một lưới bóng chuyền và một banh bóng chuyền. Sau buổi cơm trưa, tôi nhờ anh Abu đưa tôi đi thăm và tặng một số tiền mặt nho nhỏ cho 10 người cao niên goá bụa và đơn chiếc trong làng, trong đó có một cụ bà đã trên 100 tuổi.
Sẵn trên đường đi bộ thăm những cụ già nghèo và neo đơn, Anh Abu đưa tôi vào thăm 2 trường trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp Galang. Một sự việc bất ngờ xảy ra tại sân trường trung học đệ nhất cấp Galang đã làm tôi bàng hoàng và choáng váng. Ðó là khi tôi và anh Abu vào sân trường và tôi định vào xem một lớp học thì có 4, 5 em học sinh nữ hỏi Abu tôi là ai. Abu nói tôi là một người tỵ nạn VN trước đây ở Galang. Một em nhìn tôi với cặp mắt không mấy thiện cảm và thốt lên một câu nói bằng tiếng Việt: “ÐI VỀ ÐI!!” những em còn lại nhìn em đó rồi cùng loạt lặp lại “Ði về đi” vừa nói các em vừa cười như thể nhạo báng. Tôi nghe nhói trong tim. Có lẽ các em đã chứng kiến những phái đoàn người tỵ nạn VN đến tham quan Galang nhưng chưa có làm gì cụ thể để giúp họ trong lúc nghèo túng như họ đã giúp người Việt tỵ nạn trong cơn thập tử nhất sanh mười mấy năm trước đây, vì vậy các em trở nên có ác cảm với người Việt tỵ nạn chăng? Liền khi ấy tôi cũng cảm nghiệm được nhiều hơn nữa tầm quan trọng và ý nghĩa của những gì mà chúng tôi (những người bạn của tôi ở Melbourne và tôi) đã làm tại trường tiểu học Galang chỉ cách đó mới hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Tôi hy vọng rằng thái độ của các em và người dân Galang sẽ thay đổi một khi các em biết tôi đến Galang để làm gì.
Tiếp xúc với quý thầy cô của hai trường trung học, tôi khám phá ra một sự thật đau lòng, đó là cả làng Galang này ban ngày không có điện. Ðiện chỉ được công ty điện cung cấp từ 6 giờ tối đến 12 giờ khuya mà thôi. Nhà ai muốn có điện ban ngày phải chạy bằng máy điện. Trường trung học đệ nhị cấp có 10 máy computer cũ (thập niên 80) nhưng chỉ để chưng vì không có điện. Trường trung học đệ nhất cấp cũng có một máy computer cũ nhưng cũng không xài vì không có điện. Khi tôi xin phép được coi qua máy phát điện của nhà trường thì thầy hiệu trưởng sai một em học sinh đem máy phát điện vào phòng cho tôi coi luôn vì máy nhỏ quá. Công suất chỉ có 2 Amperes! Nay thì tôi hiểu ra tại sao không trường nào có máy quạt cả vì có cũng không dùng được vì máy điện quá nhỏ và yếu. Tôi được biết là máy phát điện của cả ba trường đều giống nhau: chỉ có 2 Amps!!
Thế thì làm sao trường tiểu học có thể sử dụng máy computer, scanner, photocopier và printer mà tôi vừa tặng? Có lẽ thỉnh thoảng tắt hết mọi thứ để chỉ xài máy computer hay chỉ chưng bày để cho các em học sinh nhìn thấy mà lên tinh thần rằng trường các em cũng có máy computer hiện đại chăng?
Tôi dành ngày hôm sau để tìm hiểu giá cả của một máy phát điện khả dĩ cung cấp đủ điện cho ít nhất hai trường trung học tại Galang có điện để sử dụng máy computer mà quạt máy hay cả đến những máy lọc nước mà chúng tôi vừa mới tặng cho trường tiểu học và trung học đệ nhất cấp. Với sự giúp đỡ của Edi, tôi đã tìm thấy một tiệm cung cấp máy phát điện tại Batam. Máy phát điện chạy bằng dầu diesel với công suất 45 Amps đủ cung cấp cho cả 2 trường trung học sử dụng trị giá $1200 Úc kim. Tôi ước gì mình có số tiền lúc ấy! Nhưng tôi tin chắc chắn với nỗ lực của các vị mạnh thường quân tại Úc hai trường trung học với hơn 200 học sinh tại Galang sẽ sử dụng được máy computer, mặc dầu cũ, lần đầu tiên của họ!
Tôi rời Indonesia với tâm trạng tiếc nuối là mình không có khả năng cho được cái mà Galang cần nhất đó là máy phát điện cho nhà trường, nhưng cũng vô cùng vui sướng đã làm được một việc quan trọng đó là cám ơn và tạ lỗi đối với người dân Galang ân nhân cho chính bản thân tôi và gia đình của tôi. Xin cám ơn các anh chị thân thương, những người đã đóng góp của ít lòng nhiều tại Melbourne cho các em học sinh tại Galang và giúp cho tôi thực hiện được chuyến đi đầy ý nghĩa này. Xin Ơn Trên, Hồn Thiêng Sông Núi và Hương Linh của các đồng bào bỏ mình trên đảo tỵ nạn Galang và các trại tỵ nạn khác trả công bội hậu cho quý anh chị và gia đình.
Trân trọng kính chào và cám ơn quý anh chị.
(Người bạn đồng hành mà quí anh chị đóng góp đã biết là ai).
Nguyễn Thế Phong
No comments:
Post a Comment