Friday, April 16, 2010

PHẠM GI. ĐẠI * NHÀ TÙ CỘNG SẢN

*


Lời Tác Giả

Nhân kỷ niệm ngày 30 tháng Tư năm nay, Cơn Gió Heo May sẽ đưa chúng ta trở lại một nhà tù nổi tiếng tại miền Bắc - trại Ba Sao Nam Hà - và một mối tình nhẹ như làn gió thoảng trong một buổi chiều cuối Thu; cùng với sự đổi thay mầu nhiệm về cách đối xử của dân chúng miền Bắc với các tù nhân chính trị chế độ cũ.


Cơn Gió Heo May

Hồi Ký: Phạm G. Đại Lúc còn sinh sống tại miền Nam nhất là tại Sàigòn thì ít khi nào chúng ta thấy được cái khí hậu mát lạnh của mùa Thu hay cái giá rét của mùa Đông bởi Sàigòn chỉ có hai mùa mưa nắng. Những khi nào có dịp lên Đà Lạt thì chúng ta mới hưởng được cái không khí mát mẻ của xứ sương mù, tuy nhiên gió heo may hay nắng hanh vàng của những chiều cuối Thu vẫn còn là một thực tế xa lạ đối với người Sàigòn và người dân miền Nam. Phải chờ một năm sau khi Sàigòn đã sụp đổ thì chúng tôi mới biết được những gì mà trước đây chỉ đọc trong tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn về cái nóng đến kinh người của mùa Hè và cái giá lạnh đến hãi hùng của mùa Đông miền Bắc.



Bên cạnh cái mùa Thu thật đẹp thật thơ mộng như trong tranh vẽ với lá vàng rơi rơi lác đác, là hình ảnh mờ ảo của ngọn gió heo may hiu hiu thổi cho lá vàng bay bay trong một vùng không gian một mầu xám với những tia nắng yếu ớt còn sót lại trên những ngọn cây. Đối với các nhạc sỹ, các nhà văn và thi sĩ thì đó là chất liệu cho nguồn cảm hứng để sáng tác, nhưng với những người tù thì đó là lúc mà tâm hồn họ như khép lại và chợt quay về với quá khứ, một quá khứ êm đềm yêu dấu và sâu kín của một Sàigòn nay đã không còn nữa. Một mùa Thu, tôi cũng không còn nhớ chính xác là năm nào, chỉ còn nhớ vào khoảng năm thứ mười một trên vùng đất Bắc lưu đầy tại trại Ba Sao Nam Hà - mà một cơn gió heo may như một lá cây sắc cạnh đã cứa vào lòng tôi một kỷ niệm khó phai mờ.


Lúc đó tôi được đưa về đội văn nghệ cũng toàn là anh em tù nhân chính trị chế độ cũ để làm những công tác tạp dịch cho trại. Kể ra thì cũng được một chút an nhàn và lao động cũng bớt căng thẳng hơn các đội khác. Lao động thì chẳng thiếu thứ gì, từ khuân vác dọn dẹp các kho hàng, làm sạch cỏ và trang trí cho doanh trại, hay cân đo đong đếm các bao bột mì, xong việc thì mặt mũi tên nào cũng phủ đầy bột trắng xoá như Tây. Nhưng hai việc mang nhiều ý nghĩa nhất vẫn là đi an táng các anh em đã nằm xuống và ra Phủ Lý lãnh các gói bưu phẩm mà gia đình từ trong Nam gửi ra, những gói bưu phẩm với thuốc men vật dụng thực phẩm khô là nguồn tiếp tế của gia đình đã cứu sống nhiều mạng người.



Về nghĩa vụ an táng thì những tù nhân hình sự họ tự lo về phía của họ, chúng tôi chỉ có bổn phận với những anh em tù chính trị chế độ cũ mà thôi. Mỗi lần như thế thì phía hình sự họ giúp cho việc khuân vác và chúng tôi chỉ mang các cuốc chim để bửa đá và xẻng để xúc đất, và đi theo họ với hai cán bộ của trại hướng dẫn vào trong thung - là vùng đồi và đất bằng có thể trồng trọt được và bao quanh bởi các dẫy núi cao - để đào đất chôn cất trên ngọn đồi nghĩa trang của trại là xong. Những nấm mồ tuy đơn sơ nhưng được đắp cao và vun rất kỹ vì sợ bò hay thú rừng ra đào bới. Mỗi lầ xong việc, chúng tôi đều kín đáo cầu nguyện cho các bạn mình đã nằm xuống bây giờ được an giấc nghìn thu, các bạn sẽ không còn bị đầy ải về cả thể xác lẫn tinh thần, mỗi sáng sẽ không còn phải nghe tiếng kẻng trại đánh thức dậy cho một ngày lao động mới "vinh quang", và sẽ không còn phải kéo dài lê thê cuộc sống tù tội không biết đến bao giờ. Các bạn đã trả xong cái nợ với Tổ Quốc khi mà đất nước miền Nam đã tiêu tan và đang chìm đắm trong đau thương. Có một lần khi đang cuốc đất lên trên ngọn đồi đó thì tôi đã trông thấy một cảnh tượng nói lên sức phi thường của con người.


Tụi tôi đều dừng tay cuốc tay xẻng lại và nhìn sang ngọn núi bên cạnh. Phải gọi là ngọn núi mới đúng vì nó cao ước chừng cũng hơn năm trăm thước và dốc thoai thoải, trên ngọn núi đó một bóng người nhỏ như một cây kim nhưng chúng tôi nhận ra được là một người phụ nữ chít khăn mỏ quạ trong chiếc áo dài mầu sậm và đang gồng gánh một gánh hàng gì đó leo dốc từ bên kia quả núi và từ từ hiện lên ở đỉnh núi nổi bật trên nền trời xanh thẳm và từ từ gánh gánh hàng đó xuống núi phía bên này có lẽ trên đường ra chợ. Tôi thật là khâm phục người phụ nữ đó, vì với chúng tôi dù chỉ đi hai tay không cũng chưa chắc đã leo nổi cái dốc núi bên kia để lại leo xuống cái dốc bên này trên một ngọn núi cao như vậy.

Một lúc sau thì bóng người phụ nữ đó từ từ biến mất sau rừng cây trên dốc núi một cách âm thầm nhưng đã để lại trong tôi một cảm nghĩ phi thường về sức chịu đựng dẻo dai và tài giỏi của con người mà đó lại là một người chân yếu tay mềm để vượt qua trở ngại của thiên nhiên. Sau này thì tôi mới biết là mình lầm to vì trong cái xã hội chủ nghĩa luôn hô to khẩu hiệu tại mọi nơi ở miền Bắc để đề cao người phụ nữ thì chính là cái xã hội mà người đàn bà đã phải gồng gánh những công việc cực nhọc nhất thay cho đàn ông trong mọi ngành nghề. Người phụ nữ miền Bắc đã được rèn luyện từ lâu rồi để chu toàn công việc "Ba Đảm Đang" nghĩa là ôm lấy hết các việc nhà và việc ngoài đời để cho Đảng và Nhà Nước trưng thu hết các phái đàn ông và thanh niên rồi gửi họ vào miền Nam "giải phóng" và "chống Mỹ cứu nước". Nhìn hình ảnh người phụ nữ vượt núi đó, câu ca dao ngày xưa - "đường đi không khó vì ngăn sông cách núi" - quả là đúng.


Trong những năm cuối còn ở tại trại Ba Sao, một điều may mắn là sự đối xử của trại và khu gia binh của họ với anh em chúng tôi cũng đã hoàn toàn khác hẳn, không còn nhìn nhau hằn học như quân thù nữa như lúc mới ra miền Bắc, mà rất thông cảm và còn đôi phần kính trọng. Tất cả đều do chúng tôi đã nhận oán mà trả lại ơn bằng cách cứu giúp thuốc men khi con cái họ đau ốm, cho họ ít tiền hay quà cáp trên đường về quê nghỉ phép. Những lúc họ rảnh rỗi thường hay thích vào trong trại chơi hút điếu thuốc lào ba số tám của miền Nam, uống ly cà phê hay chung trà móc câu là loại trà nụ và tâm sự đủ chuyện gia đình, cơ quan cho chúng tôi nghe; và thường cười nói rằng ra khỏi cổng trại này là họ phải kín đáo không dám truyện trò như trong này đâu.


Có những lần lao động gần khu vực nhà bếp của cơ quan, tôi rất ngạc nhiên khi có nhiều chị nuôi trong bếp kể cả vài cán bộ nữ thường hay ra hỏi thăm xem chúng tôi lao động có mệt không và tỏ vẻ thương cảm. Có những cán binh nói rằng buổi sáng họ không có khẩu phần ăn như các cấp trên của họ và bụng đói nhưng vẫn gánh được hàng trăm gánh nước và nhìn cấp trên của họ đang đứng trong mát ăn quả chuối với cặp mắt hận thù. Từ đó tôi lại càng thấy rõ hơn là dân chúng và các cấp dưới cũng chỉ là nạn nhân của một bộ máy tuyên truyền không lồ của Đảng và Nhà Nước họ mà thôi.


Trại Ba Sao Nam Hà nằm sâu vào bên trong những vùng núi non trùng điệp của dẫy núi đá vôi và chỉ liên lạc với thế giới bên ngoài bằng một con đường đất đá độc đạo chạy ngoằn ngoèo bọc quanh chân núi ra tới thị xã Phủ Lý. Con đường này đi ngang qua khu thăm nuôi, qua những khu gia binh và một ít nhà dân còn toàn là cảnh đường mòn và núi rừng. Có những chỗ nó xuống dốc rất nguy hiểm và những nơi leo dốc tới bốn mươi lăm độ là những thử thách gay go cho những chuyến vận chuyển hàng từ Bưu Điện thị xã về trại. Chuyến đi ra từ trại thì rất là nhàn nhã vì đi xuống dốc từ vùng đồi núi ra đồng bằng nhưng chuyến tải hàng về mới là cả một vấn đề vì phải đẩy lên dốc những xe đầy những bưu kiện quà tiếp tế của gia đình. Có một con dốc dựng đứng lên tới bốn mươi lăm độ nhìn lên cũng đủ thấy ớn lạnh, đi bộ lên cái dốc đó là đủ mệt rồi chứ đừng nói đến phải đẩy một cái xe chất đầy hàng nặng khoảng vài tạ gạo. Bao giờ lên được tới nửa con dốc là anh em chúng tôi phải lấy các cục đá chèn lại hai bánh xe để nghỉ ngơi lấy sức đẩy nữa.

Tôi vốn sức khoẻ kém cho nên chỉ khi nào thiếu ngươì thì anh đội trưởng mới cho đi theo và mỗi chuyến chở hàng về là cả một công trình và mạo hiểm vì phải tìm cách dấu tiền mặt và phải dấu cả một đống thư từ anh em nhờ chuyển ra khu thăm nuôi. Những lần tên trực trại vẫy tay cho đi qua là trong bụng mừng thầm, còn hắn kêu đứng laị khám xét trước khi cho xuất trại thì rất dễ vào nhà kỷ luật. Mỗi lần đi ngang qua khu thăm nuôi và biết có gia đình một người bạn đang ở đó thì chúng tôi lấy cớ xin vào xin thuốc lá để ném vội đống thư cho thân nhân bạn mình nhờ về Sàigòn gửi hộ và đem ra mấy điếu ba số năm để ém miệng hai tên cán binh đi áp tải vì chúng đều rất mê thuốc lá ngoại. Phương tiện để vận chuyển chỉ là những chiếc xe "cải tiến", họ gọi là cải tiến và có vẻ hãnh diện về chiếc xe hai bánh và hai càng này lắm, nhưng cải tiến nghiã là trước kia thì bò kéo còn bây giờ là ... người kéo.


Nó chỉ có khác một điểm là hai bánh xe gỗ có ổ bi ở giữa và một lốp xe bằng cao su cho chạy êm hơn chút thôi. Khi ra đến thị xã và đi ngang một trụ sở, nhìn lên khẩu hiệu đắp trên tường bên ngoài văn phòng chúng tôi nhìn nhau bấm bụng nhịn cười vì hàng chữ "Không có gì qúy hơn Độc Lập Tự Do" không rõ vì năm tháng hay kẻ nào chơi xỏ đã rơi mất ba chữ ở giữa thành ra "Không có...Độc Lập Tự Do". Mang tiếng là thị xã thật sự ra chỉ là một tỉnh lỵ nhỏ và nghèo nàn, toàn những đường đất ngoại trừ con đường chính là trải nhựa, lèo tèo độ chục hàng quán, và các hiệu bán phở hay cơm. Một cái chợ chồm hổm được tụ họp trên bãi đất trống của một nhóm bốn năm chục các bà bên cạnh là các thúng và mẹt với đủ thứ rau cải trái cây địa phương và vài sạp bán thịt cá.

Tuy vậy với chúng tôi cái chợ này là điều cực kỳ cần thiết mỗi lần ra lấy hàng để mua những thứ mà trong trại không có. Riết rồi các bà bán hàng cũng quen mặt tụi tôi và mỗi lần thấy lại kêu lên: "các anh ấy trong trại đến rồi kìa", và bao giờ cũng dành cho bọn tôi những bó rau thật tươi những miếng thịt ngon và giá hạ hơn. Biết dân chúng còn nhiều thiếu thốn nên anh em chúng tôi bảo nhau đem cho họ ít thuốc men như thuốc ho, aspirin, lọ dầu, cái quần, cái áo, v.v., và không ngờ những món quà nho nhỏ đó đã làm cho cả khu chợ chồm hổm đó đón tiếp chúng tôi như thượng khách.

Một anh trong nhóm đã được giao nhiệm vụ chiêu đãi hai tên cán binh để bọn tôi được ít thời gian đi mua vội vã những món hàng mà anh em trong trại nhờ mua dùm hay ngồi nhâm nhi chung trà nóng. Tôi thường chọn một cái quán hơi khuất sau tàng cây đa vì bà chủ quán là người Hà Nội trước kia và bà thường dành cho anh em chúng tôi một cảm tình đặc biệt. Bà cũng có một cô cháu gái rất xinh xắn và đảm đang tên là cô Thái mà vài anh em trẻ tuổi trong đội của tôi cũng tỏ vẻ săn đón như đỡ lấy giỏ hàng hay dựng lại dùm chiếc xe đạp mỗi khi cô lấy hàng về tới quán.


Những lúc ấy tôi thấy bà cười rất tươi và nói là chúng tôi có phong thái lịch lãm của người Châu Âu chứ đàn ông con trai ở đây họ chỉ đứng trơ mắt ra mà nhìn thôi. Bấy giờ tôi mới thấy được cái nhọc nhằn vất vả và chịu đựng của người phụ nữ trong cái gọi là xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc, và tại sao họ cứ hô hào bình đẳng nam nữ ngõ hầu xô đẩy người phụ nữ vào những công việc nặng nhọc phải gánh vác thay cho phái nam. Quán hàng với mái tranh hai gian, gian trong làm phòng ngủ và gian ngoài làm hàng quán với lỏng chỏng dăm ba lọ thủy tinh đựng vài cái bánh, kẹo lạc, phong thuốc lào, vài gói thuốc lá Sapa, vài nải chuối hay ít lạc rang và ấm trà, vậy mà nuôi sống được cả một gia đình hai bác cháu.


Tôi thường ít khi được đi theo toán ra Bưu điện cho nên lần nào gập tôi bà chủ quán cũng hỏi là sao kỳ rồi lấy hàng không thấy anh, và em Thái nó hỏi thăm anh đó trưóc cặp mắt vừa thán phục vừa ngạc nhiên của thằng bạn thân tôi nhưng thật tình mà nói thì tôi cũng như nó đâu có thì giờ nào mà nói chuyện riêng với cô hàng quán này bao giờ. Có thể qua những lần nói chuyện bên chung trà nóng tại quán hàng, bà đã cô cháu có nụ cười rất xinh kia đã dành cho tôi cảm tình nhiều hơn chăng tôi cũng không biết nữa. Có một lần vì tôi không có nhiều nhu cầu mua các thứ ở chợ nên ngồi chơi tại quán lâu hơn trong lúc các bạn tôi đã vù biến mất thì bà chủ quán hỏi tôi đủ thứ chuyện và mời tôi Chủ Nhật lại chơi và ăn cơm gia đình. Tôi vừa mừng lại vừa buồn cười trong bụng.


Mừng vì thái độ của người dân tại thị xã này với những người tù chính trị chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi từ xa lánh dè bỉu lúc ban đầu đến có thiện cảm và trân trọng vì nhìn thấy chúng tôi không phải là thứ ăn gan người và bán nước như bộ máy tuyên truyền nhà nước họ vẫn rêu rao. Buồn cười là vì những năm sau này chúng tôi được gia đình tiếp tế nên ăn mặc có phần tươm tất hơn trong các bộ "xi-vin" chứ không còn phải mặc quần áo tù nữa, bởi vậy bà chủ quán quên mất thân phận tù tội mất tự do của chúng tôi đang trong bốn bức tường mà mời ra dùng cơm ngày Chủ Nhật. Lúc đó, cô cháu đứng ngay sau lưng bà và lấy tay giật giật lưng áo của bà ra hiệu đừng nói nữa nhưng bà thì cứ hỏi tôi hết câu này đến câu khác.


Trên chiếc quầy tôi thấy có một bình bông hoa Hải Đường thật đẹp và tươi chắc mới hái ngoài sau vườn, và bất ngờ bà rút một cành hoa ra đưa cho tôi: -Anh vào nói chuyện với em nó một chút rồi hãy về. Sự việc xẩy ra quá nhanh ngoài dự tính của tôi nhưng đến nước này thì không lùi được nữa, tôi bèn cầm nhánh Hải Đường bước vào phía sau quầy đưa cho Thái cành hoa: -Anh về nhe Thái. Rồi chào bà chủ quán và chạy nhanh ra phía chợ để nhập vào toán ra Bưu Điện lãnh hàng về cho kịp. Bẵng đi một thời gian tôi không có dịp được ra thị xã lấy quà tại Bưu Điện nữa và cũng quên dần đi bà chủ quán tốt bụng thì một buổi chiều tên bạn thân chạy vào buồng nói với tôi rằng tay cán binh gác cổng muốn gập. Tôi cứ đinh ninh rằng hắn hoặc là xin thuốc lá, cà phê hay là học thêm một hai câu Anh Văn vì lúc đó có nhiều cán binh vào trại xin học Anh Văn với mấy anh bạn tôi nhưng ra đến cái cổng sắt và nhìn ra vọng gác bên ngoài thì tim tôi chợt đập mạnh khi thấy Thái đứng đó tự bao giờ.


Nàng nhìn tôi sững sờ và tôi chưa biết phải làm sao thì nàng chạy lại bên ngoài cánh cửa song sắt và thì thầm: -Em có xin phép vào thăm anh nhưng họ không cho. Sao không thấy anh ra lấy hàng Bưu Điện nữa? và nàng dúi vào tay tôi gói trà, thứ mà tôi vẫn thích uống tại quán của nàng. -Anh cứ lấy đi, tay gác cổng nó quen bác em không sao đâu. Tôi đứng lặng người mấy giây đồng hồ nhìn gói trà nằm ép trong tay tôi và tay nàng và cặp mắt nhìn như cầu khẩn của nàng rồi trả lại gói trà: -Anh rất cám ơn Thái, tấm lòng của em không bao giờ anh quên được nhất là trong hoàn cảnh này. Nhờ gia đình tụi anh dạo này cũng không còn thiếu thốn nhiều nữa. Em hãy về đi và cám ơn bác dùm anh vì thân phận của anh không biết ngày nào ra được. Tôi vội quay mặt đi không dám nhìn vào cặp mắt hoe đỏ của nàng cho tới khi bóng dáng nhỏ bé của nàng khuất dần sau hàng cây dẫn ra con đường độc đạo.


Trời đang vào cuối Thu se se lạnh và những chiếc lá vàng đang rơi nhè nhẹ trong gió đàng sau cái bóng mờ dần đi của Thái. Tôi thấy hai vai nàng hơi rung lên không biết vì sương chiều đang xuống dần hay nàng đang khóc thương cho những chàng trai miền Nam đang sa cơ trong trại giam miền Bắc? Một cơn gió heo may tự đâu thổi đến từ phiá hàng cây ngoài lộ lùa vào cổng trại thổi qua tóc tôi mát lạnh y như là Thái còn muốn nói với tôi điều gì nữa đây mà giây phút ngắn ngủi gập nhau vừa qua như giấc chiêm bao đã không thổ lộ hết được? Hai tay nắm lấy song sắt của cánh cổng trại giam đến tê dại đi thì tôi mới trở về hiện thực và bước vào buồng với đầu óc còn đang quay cuồng. Thằng bạn thân chạy lại hỏi tôi đủ thứ, tôi nhìn bạn mình thật lâu rồi chỉ nói được một câu cám ơn ngắn ngủi, nhưng tự trong đáy lòng thì tôi muốn nói với nó rằng giá mà nó đừng gọi tôi ra gập Thái thì tốt hơn để cho lòng tôi không bị xúc động mãnh liệt như bây giờ.


Tối hôm đó tôi lại thêm một đêm mất ngủ và ngồi uống trà với mấy thằng bạn thân mà tâm hồn tựa như ở nơi đâu. Từ đó về sau tôi không còn có dịp ra Phủ Lý nữa để có dịp cám ơn bà chủ quán tốt bụng với cô cháu gái dễ thương và nụ cười thật xinh. Năm sau, khi lên chuyến xe lửa xuôi về miền Nam, tôi gập lại tên cán binh trực vọng gác chiều hôm đó áp tải đi theo tầu và biết rằng Thái đã lập gia đình với một anh tài xế xe vận tải nhưng không có hạnh phúc. Anh ta nói rằng anh cũng thương cô ta rất nhiều nhưng bà bác nhất định không bao giờ gả cô cháu cho gia đình công an hay bộ đội và nói rằng hình như Thái thương một người nào đó nhưng không có duyên phận với nhau. Tôi có biết nhiều trường hợp của một số bạn tù cùng trại cũng có những mối tình rất là thơ mộng với những cô thôn nữ quanh vùng khi gập gỡ nhau trong những lúc đốn củi trên rừng - nhưng dễ có mấy ai thấy được cơn gió heo may nào đã làm lòng ta tan nát?

Viết xong Tháng Tư năm 2010 Và riêng tặng cho một người con gái tên Thái ngày xưa ấy
Phạm G. Đại

*

No comments: