Sunday, April 25, 2010

LAM VI DAO * BIDONG

Những Kỷ Niệm Bidong

by Lamvi Dao.

“Đã có nhiều lần thức dậy trong đêm khuya, những ngày mưa lớn nhỏ, hoặc là những ngày nắng chói chang, tôi muốn gào thét lên: Pulau Bidong. Tôi muốn kêu tên Pulau Bidong thật to và mãi mãi. Tôi muốn kêu tên những người bạn cũ: Hân ơi, Trang ơi, Nhật ơi, Đạt ơi, các bạn đâu rồi? Tôi muốn cầm lại cái xô nước Supply, cái chén, cái muỗng, uống một gụm suối mát. Và tôi muốn quay lại với những hình bóng xưa, những âm thanh năm nào, cảnh vật xưa: hàng dừa, mái tôn, hạt cát. Tôi mong đợi ngày đó sẽ đặt chân lên cầu Jetty, ôm Bidong vào lòng, và sẽ nói “Bidong, anh đã về đây.”
Tuy tôi không phải là người cuối cùng rời khỏi Bidong nhưng trong lòng lúc nào cũng hướng về hòn đảo dấu yêu này qua những năm tháng lớn lên ở Mỹ. Vâng, không khác gì các bạn, trong lòng tôi có rất nhiều kỷ niệm khó mà quên được suốt thời gian “vacation” ở Bidong. Những kỷ niệm đó cứ lẩn quẩn đâu đây mặc dầu tôi đã xa Bidong vào một buổi sáng ngày nào. Có nhiều khi nhắm mắt, tôi cứ tưởng là mình vẫn còn ở Bidong. Gió thổi những lá dừa xào xạc.
Bidong, tuy xa nhưng anh vẫn nhớTội nghiệp em đêm khóc một mìnhKhông bến không tàu như ngày xưa đóChỉ có gió mưa, nắng cháy da người.(Lâmvi 2003, USA)

Vì để tiếp tục hành trình về “miền đất Freedom”, chúng ta đã tạm giã từ Bidong qua những ngày đầu sống xa quê hương, những ngày lênh đênh trên biển cả. Có người chỉ sống 1 hoặc 2 tháng với Bidong, nhưng cũng có người đã từng sống hơn 5 năm trên hòn đảo này. Nhưng chỉ cần một ngày ở với Bidong, chúng ta đã có biết bao ký ức với hòn đảo và với những đồng bào cùng chung số phận.
…Bidong giờ này ra sao rồi? Em có phải đang sống với những cây dừa cao vời vợi, với những ngôi mộ thiếu người chăm sóc, và những cái giếng đầu ngỏ longhouse hôm nào. Chắc em đã thiếu hẳng đi những âm thanh quen thuộc vào những buổi sáng và những cảnh chiếc tàu cập bến sau 4, 5 ngày lênh đênh trên biển Thái Bình Dương…từ Việt Nam..Bidong, tôi nhớ em nhiều lắm!Lâmvi,
Khi hồi tượng lại những cảnh Bidong, tôi cảm thấy mình như là cậu bé 14-15 tuổi của ngày nào trên một hòn đảo hoang dại. Cậu bé đó đã có những chuỗi ngày vui vẻ nhất trong đời suốt gần 3 năm “nằm chung với rệp, muỗi và chuột”. Tuy sống trong một hoàn cảnh rất là eo hẹp so với hiện tại, cậu ta ngày nào cũng vui vẻ với đời sống Bidong: xếp hàng lấy nước Supply, xếp hàng ở Khối Tiếp Liệu, học Anh ngữ, tham gia Thiếu Nhi Thánh Thể, đá banh, tắm biển, tắm suối, lên núi đốn củi, ăn mì gói …
Đối với cậu ta, những chuỗi ngày này là thời gian thoải mái và cũng là thời gian quí báu nhất của một đời người vì cậu đã nghe, nhìn và học hỏi những gì mà “15 năm sống trên nước Mỹ cũng không bằng 3 năm sống trên đảo”. Một cuộc sống có một không hai trên thế gian này đã dạy cậu ta những bài học đời xứng đáng.Sáng ăn mì gói, trưa có mẹ nấu cơm, chiều thì ra biển đá banh, câu cá, săn mựt, tới tối thì cùng các bạn tụ hợp ngoài biển cát mà tâm sự táng dóc. Hồi đó thật là vui đấy! Đời sống vô tư không lo âu chuyện gì cả. Nếu có đói bụng trước khi đi ngủ, một hay hai gói mì sẽ làm cậu ta thấy sảng khoái vô cùng. Còn nếu mà có đường thì hết chổ chê luôn, chúng ta sẽ có một nồi chè đậu xanh vừa thổi vừa ăn.

Cuộc sống hằng ngày của cậu bé ở đảo Bidong cứ như thế, cho đến khi có những chuyến tàu rời đảo mà lòng cậu thấy bâng khuâng, bịnh rịnh. Cậu bé chia tay từng thằng bạn, cô bạn được định cư nước thứ ba tại cầu Jetty và nhiều lần cậu bé ấy đã nhủ thầm “Không biết khi nào chúng mình sẽ gặp lại nhau, khi nào đây?”.
“Ngày mai em đi,biển nhớ tên em gọi vềgọi hồn liễu rũ lê thêgọi bờ cát trắng hoang vu…”
Tomorrow as you leave,the sea misses and recalls your name to return…Calling of your soul like a trailing willowCalling the white-sand bank in the wilderness(Bển Nhớ – Trịnh Công Sơn)
Thằng Đạt đi Na Uy, con Nhật đi Hoà Lan, con Hà đi Thụy Sĩ, thằng Hân, con Trang thì đi Mỹ. Còn thằng Sáu mập? bị trả về Việt Nam cùng với bố nó. Cứ như thế mà bạn bè cậu ta ở đâu cũng có trên trái đất này. Sáu mập, giờ này mày ra sao?
Và một ngày kia, cậu bé đó cũng phải giã từ Bidong: lòng buồn biết bao. Định mệnh của những người ở lại vẫn còn đỏ đen sau ngày đóng cửa đảo. Ngôi nhà thờ kia đã dạy cậu ta biết bao điều chân lý. Tiếng chuông chùa vẫn còn vang bên tai.À, nhớ ra rồi, khi đêm về, chuột bò đầy đường, con nào con nấy bự như con mèo vậy. Nếu có mèo trên đảo, chắc là các chú mèo không sống được bao lâu với bầy chuột “đảo”, chỉ có cách là chạy lên núi làm mưa làm gió với các chú chuột rừng mà thôi. Nhưng mà ai bảo có nhiều chuột là xấu đâu. Nhờ vì vậy mà gia đình cậu ta có thêm sữa, mì gói, đậu xanh và đường.
Các bạn có biết không, khi đêm về mọi người đang trong giấc ngũ, cậu bé đó cùng với chú Nam, trở thành những tay thiện xạ cao thủ mà chuột thấy là hoảng sợ chạy toán loạn. Cháu một cây súng, chú một cây súng, hai chú cháu đã bắn hạ từng con chuột trong khi chúng còn đang phân vân tự hỏi “hai thằng không ngũ, mà đang làm chi vậy?”. Chỉ cần hai giây thôi: 1 giây, 2 giây, mũi tên xuyên qua mình những chú chuột. Có chạy cũng bằng thừa thôi, vì mũi tên đã được buột giây, thế là chú cháu kéo mũi tên lại và lại có một chiến lợi phẩm nữa để đem đi đổi lấy đồ ăn.
Cũng vì vậy mà có một lần chú Nam bắn hụt một con chuột, mũi tên đâm lủng cái nồi cơm của một người nào đó ở chung longhouse. Qua ngày sau, chú Nam hì hụt lấp lại cái nồi đó cho người ta. Cậu bé đó cũng đâu chịu thua, Có lần, cậu ta bắng lủng cái thùng nước của người nào đó trong khu thanh nữ (Women Zone). Hên là các bà đang ngũ say, nên cậu ta âm thầm rút mũi tên ra, lẻn về nhà, mặc kệ cái thùng nước lủng ấy. Thật là xấu hổ!
*

Tháng ngày trên Pulau BidongTúy BạchƯớc mơ đến đảo Pulau Bidong an toàn như một giấc chiêm bao được thành sự thật. Có biết bao người ra đi nhưng chưa bao giờ đến, mất biệt tăm hơi. Tôi không thể diễn tả hết cảm xúc của mình về những gì đã xảy ra trong hành trình vượt biển gian nguy này. Ðôi khi, nhìn ra biển khơi, sóng vỗ rì rào không ngừng nghỉ. Tôi thiết nghĩ, hơi thở con người ta lúc nào cũng phải điều hòa theo nhịp đập của con tim. Sóng biển sẽ không bao giờ ngừng chuyển động. Hơi thở loài người khi ngưng đập nghĩa là ta phải từ giã cõi đời này. Biển mà không dồn dập thôi thúc bởi những lượn sóng muôn trùng thì không còn được gọi là biển mênh mông nữa, mà là con sông hiền hòa phẳng lặng.Bầu trời vẫn trong xanh lồng trong những đám mây bàng bạc lững lờ trôi trên đỉnh đầu. Rất đẹp và nên thơ. Khi lênh đênh trên biển cả bao la, tôi chẳng thấy lòng mình mơ mộng chút nào hết. Có lẽ lúc đó, đầu óc hoang mang lo sợ của tôi không có thời giờ để ngắm nghía bâng quơ mà chỉ thấy cái chết và sự sợ hãi đeo đuổi bám sát theo mình như đang hù dọa sẽ đem tôi nạp mạng cho vua Thủy Tề.Giờ đây, ngồi trên bãi cát vàng mịn màng của đảo Bidong, tâm trạng của tôi thật sự thanh thản như đang bay bổng trên thiên thai vì vừa được sống lại từ cõi chết.Tôi được cho về ở chung nhà với bốn trẻ nhỏ sẽ đi định cư nước Pháp, trong khu B, nơi có màn ảnh chiếu phim giải trí trên đảo. Khu B nằm gần văn phòng Task Force của lính Mã Lai. Từ đây chỉ cần vài bước thì ra tới chợ, rất tiện lợi. Ba ngày đầu đặt chân lên đảo tôi bị say đất chỉ muốn nôn ói, đi đứng chao đảo lật nhào vì bị chóng mặt, đầu óc cứ quay cuồng như vòng tròn xoay ba trăm sáu mươi độ.Những ngày bồng bềnh trên biển thì ói ra tới mật xanh mật vàng vì say sóng. Ðó là phản ứng bất ngờ khi người vừa từ đất liền yên bình, bây giờ lại nằm ở vị thế ngã nghiêng chồng chành. Khi đặt chân lên bờ thì trạng thái trái ngược lại, được gọi là bị say đất. Tôi nằm mẹp suốt ba ngày liền, không đi đứng gì được vì đất trời múa may trước mặt mình. Bọn trẻ chung nhà thấu hiểu nỗi khổ này vì chúng cũng đã trải qua tâm trạng dập dùi như tôi khi vừa đặt chân lên đảo lúc xưa. Bé gái khoảng mười lăm tuổi đã nấu cơm cho tôi ăn lót dạ, nhưng tôi nào có ăn được gì đâu. Cơn chóng mặt hoành hành như chong chóng quay vù vù trước ngọn gió bão giông. Tôi chỉ cố nằm nhắm mắt thiêm thiếp ngủ cho qua khỏi ba ngày điên đảo. Cái bụng của tôi cũng không biết đói là gì. Có lẽ, bao tử cũng còn co thắt lại y như những ngày đói rã rời trên biển.Mọi người vừa nhập đảo phải lo thủ tục xin đi định cư nên thời gian sáng chiều đều bận rộn ở văn phòng cao ủy. Nơi đó có phái đoàn Cao Ủy làm việc để biết rõ nguyện vọng và tình trạng của mỗi người.Ba ngày bay bổng lơ lững trên mây đã qua, mọi người trên ghe bắt đầu ra văn phòng cao ủy tị nạn xúc tiến thủ tục đi định cư. Thời gian sàn lọc để được vào Mỹ là khó nhất, có người phải chờ vài năm để được đi theo diện “ hốt rác “ vì không nằm trong diện ưu tiên của Mỹ. Những người có gia đình thì chính phủ Úc cho định cư nhanh hơn. Canada xét duyệt khó khăn vì bệnh trạng phải được kiểm tra rất kỹ lưỡng. Chụp hình phổi là điều tiên quyết phải có và phổi phải thật tốt, không dấu vết gì mới được Canada chấp nhận đinh cư vì xứ quá lạnh rất nguy hiểm cho người có phổi bị yếu.Trên đảo Bidong có bệnh viện Sick Bay do chính phủ New Zealand đài thọ, bỏ tiền ra xây cất. Hội Hồng thập Tự của New Zealand cũng đề cử một người ở lại coi sóc Sick Bay . Người phụ trách thường trực để giải quyết mọi vấn đề của Sick Bay là một y tá người Tân Tây Lan. Y tá này cũng la nữ tu có trách nhiệm trông coi Sick Bay với nhiệm kỳ là hai năm.Ban ngày, mỗi khi văn phòng đảo loan tin trên loa phóng thanh có ghe đang tiến vô bờ thì mọi người trong tất cả các khu đều đổ xô, túa tràn ra văn phòng trại để kiếm tìm người thân. Bãi biển ồn ào nhộn nhịp khi có ghe nhập đảo. Ðêm trôi qua êm đềm, bóng tối bao trùm tĩnh mịt, cánh gió rượt đuổi nhau không mệt mõi trên đảo. Cảm giác không khí Saigon còn ràn rụa trong tôi nhưng giây phút này nó đã thật sự xa tầm tay và không thể vói tới được nữa. Vầng trăng trên vòm trời đen trong, lấp lánh những vì sao rơi rụng sẽ là chứng nhân thầm lặng - giã từ Quê Mẹ.Trên đảo, đá đồi chập chùng rất khó đi đi lại lại nên ai ở đâu thì nằm yên trong nhà. Những cây dừa cao chót ngót, cong vẹo uốn mình theo cơn gió biển dạt dào. Thân cây ốm nhỏ khẳng khiu như không đứng vững với đêm thâu, lắc lư chao đảo làm rơi rụng những trái dừa tội nghiệp khi sức bám víu quá yếu ớt, đành buông xuôi xuống đất.Thỉnh thoảng nghe tiếng động ... rầm rầm . Sáng ra mới biết trái dừa buồn thỉu buồn thiu thả mình vô lối. Nếu vô tình trúng ngay đầu người nào thì có thể chết ... dể dàng.Ông bà mình có câu: “ Trời kêu ai nấy dạ ”!Có những đêm khuya vắng lặng, ngoài tiếng sóng vỗ rì rào và tiếng rít tru tréo của gió biển, loa phóng thanh loan tin inh ỏi: “Có ghe cập bến, xin mời các bạn trong văn phòng trại lên làm việc”. Sáng sớm mọi người lại đổ xô, túa ra văn phòng trại để dọ tìm tên người quen vừa đến đêm qua. Danh sách tên họ quê quán, nơi ghe phát xuất được dán trên vách để mọi người biết được tin tức nóng hổi.Thường thường Cao ủy tị nạn từ Kuala Lumpur theo tàu Blue Dark vào đảo, đem theo danh sách định cư và được phóng thanh vào mổi buổi sáng thứ bảy .– Chú ý ... chú ý!– Danh sách rời đảo - danh sách rời đảo.- Mỹ.- Úc.- Canada. v.v...Buổi sáng những ngày có người rời đảo, văn phòng trại đều cho phát thanh trên loa thật lớn bài nhạc “Biển nhớ “ thật buồn nghe não nuột chia ly. Người ra đi định cư, mừng vui khôn tả. Người ở lại buồn nhớ ray rức người ra đi. Nỗi buồn này đôi khi cũng là cái buồn cho chính thân phận bấp bênh của mình chưa được quốc gia nào đón nhận cho đi định cư. Tôi cũng chứng kiến một số người nằm ù lì trên đảo bốn hay năm năm mà vẫn chưa được bất cứ một quốc gia thứ ba nào chấp nhận. Họ khao khát ngày rời đảo như người du mục trên sa mạc luôn mãi kiếm tìm ốc đảo để xin được hớp vài giọt nước mát ngọt ngào trong cơn đói khát gần như gục ngã vì đuối sức.Thời gian trên đảo cũng có nhiều chuyện vui buồn xảy ra trước mắt mình. Có những chuyện thật linh thiêng xảy ra giữa lòng đại dương sâu thẳm. Có lẽ, huyền bí này chỉ được giải thích bằng tâm linh mà khi nghe xong mình phải công nhận có linh hồn. Không thể chối cãi là trên thế gian trần tục này vẫn có những oan hồn vất vưỡng cho ta những báo mộng lành để tránh nguy hiểm trên đoạn đường hải hành sắp đến.Một chiếc ghe xuất phát từ Nha Trang ra khơi được ba ngày thì gặp bão lớn. Sóng biển cao chất ngất vài chục thước, rơi xuống phủ ngập đầu, đánh đổ vào chiếc ghe mong manh không chút thương tâm. Mỗi khi sóng chuyển động quay cuồng, ghe bị hốt theo lên đỉnh đầu con sóng rồi lại bị vùi dập chìm sâu dưới đáy tận cùng của con sóng đang giận dữ hung hăng. Giây phút đó ghe nằm sâu trong lòng đại dương. Văng vẳng bên tai, mọi người trên ghe đều nghe tiếng khóc lóc rên rỉ lạnh quá , than thở ai oán ... cứu mạng .... và cũng có những tiếng hát hò ... ầu ơ ru con ngủ!Âm thanh đó đến từ đâu khi chung quanh chỉ là sóng xoay xoáy cuồng điên giữa lòng biển sâu thăm thẳm ?.!Tất cả đều là những oan hồn ở cõi âm bên kia thế giới!!Sau khi vượt thoát được cơn thập tử nhất sinh, tôi lúc nào cũng nghĩ mình đã được những đấng thiêng liêng cứu mạng cho sống lại một lần nữa. Cuộc đời rất ư là ý nghĩa đối với tôi bây giờ. Những buổi chiều mỏi mắt nhìn ra biển khơi, khúc phim hãi hùng dần dần quay lại từng chi tiết thương đau. Những con sóng bạc đầu to lớn, đập mạnh vào bờ gào thét rồi tự mình tan rã thụt lùi ra đại dương lạnh ngắt, buồn cho thân phận bọt bèo tạm bợ.Ầm ầm tiếng sóng bâng khuâng đưa tôi trở về thực tại và trước mắt là vùng trời sáng ngời sắc hồng đang vẽ vời những con đường hoa mộng, lót thảm cỏ thơm, sắp sửa trồng xuống những thân cây đời bôn ba vạn nẻo. Cây sẽ đâm chồi xanh lá , tàng xoe tròn gom bóng mát, sum suê cành nhánh chằng chịt đan vào nhau vươn lên ngàn tia hy vọng, đơm kết nụ hoa yêu đời, nở sanh trái ngọt ngào hun đút những hạt giống tốt tươi. Trăm ngàn cây đời bé tí, nhỏ nhắn xinh xắn thông minh được gieo trồng trên phần đất nhiều hứa hẹn và rất phì nhiêu. Trên mặt đất chan hòa màu mỡ, những cây đời bé con này sẽ vươn cao với thân hình ươm tròn sức sống.Lớp trẻ với bao kỳ vọng của cha mẹ sẽ sừng sững đứng vững giữa trời xứ lạ, không sợ một sức ép khổ đau nào mà Cha Mẹ mình phải trải qua và gánh chịu trên bước đường gian nguy đi tìm mạch sống !!Ngày rời đảo, tôi thật vui mừng nhưng lòng có chút bùi ngùi với hòn đảo cô quạnh nằm lạc loài chơ vơ như đứa con trôi dạt bị bỏ rơi của dãy đất liền chắc nịt phồn hoa trong kia . Như hiểu được cùng một tâm trạng bị bỏ rơi này, hòn đảo Pulau Bidong hiền từ nhân ái đã mở cửa lòng ôm trọn những thân phận tha hương với đôi chân liêu xiêu lạc lỏng giữa trời bến lạ. Nhiều đêm dài tá túc trong những căn nhà đơn sơ giản dị nhưng trong lòng mọi thuyền nhân vẫn trào dâng một niềm diễm phúc trời ban cho - Chúng ta vẫn còn đây !!!Ngày rời đảo đã đến!Tôi đang chờ xuống tàu Blue Dark để đi về Kuala Lumpur .Văng vẳng bên tai tôi một bảng nhạc nghe thân quen. Tôi đứng trên cầu Jetty chờ đợi , bài “ Biển nhớ “ sao buồn quá, có lẽ rất thích hợp trong hoàn cảnh bịn rịn này cũng như để vẫy tay chào biệt vùng đất tạm dung đã nuôi sống những thân cây khô héo gần như úa tàn vì mỏi mòn kiệt sức. Những thân xác gầy gò khô cằn, có khi chỉ còn là những bộ xương biết đi đã được vun tưới và tắm ướt bằng những dòng nước mát ngọt ngào diệu kỳ trên đảo Bidong, dần dần được hồi sinh theo nhịp thở thời gian. Những sợi nước hy vọng tuôn chảy trong từng tế bào, mạch máu người tha hương làm xanh mát kiếp nhân sinh vừa được cứu sống, tồn tại sau bao bão giông của phong ba cuộc đời .Ngoảnh nhìn lại hành trình vượt biển đã trải qua, tất cả thuyền nhân có cùng tâm trạng ly hương đều phải tri ân trời cao biển lớn đã bao dung mở rộng vòng tay thiêng liêng để che chở cho chúng ta được sống sót sau lần thập tử nhất sinh.Xin chào biệt Pulau Bidong!Xin cám ơn những hạt cát vàng dễ thương trên đảo đã cho đôi chân lạc bước dẫm lên để tôi cảm nhận được cái mịn màng tuyệt diệu, cái yên bình thanh thản.Rung cảm này tuy vô hình trừu tượng nhưng tôi đã phải trả giá bằng cả tánh mạng của mình trên biển ... để đi tìm.Pulau Bidong là ngưỡng thiên đàng mà tôi phải đi qua để có thể bước vào cuộc đời mới.Một trang sách mới được lật qua.Ðó là khung trời Tự Do.Sẽ nhớ mãi hết kiếp này!!Ngày mai em đibiển nhớ tên em gọi vềgọi hồn liễu rũ lê thêgọi bờ cát trắng đêm khuyaNgày mai em điđồi núi nghiêng nghiêng đợi chờsỏi đá trông em từng giờnghe buồn nhịp chân bơ vơNgày mai em đibiển nhớ em quay về nguồngọi trùng dương gió ngập hồnbàn tay chắn gió mưa sangNgày mai em đithành phố mắt đêm đèn mờhồn lẻ nghiêng vai gọi buồnnghe ngoài biển động buồn hơnHôm nào em vềbàn tay buông lối ngỏđàn lên cung phím chờsầu lên đây hoang vuNgày mai em đibiển nhớ tên em gọi vềtriều sương ướt đẫm cơn mêtrời cao níu bước sơn khêNgày mai em đicồn đá rêu phong rủ buồnđèn phố nghe mưa tủi hờnnghe ngoài trời giăng mây tuônNgày mai em đibiển có bâng khuâng gọi thầmngày mưa tháng nắng còn buồnbàn tay nghe ngóng tin sangNgày mai em đithành phố mắt đêm đèn vàngnửa bóng xuân qua ngập ngừngnghe trời gió lộng mà thương.Túy BạchFountain Valley - Nam CaliforniaViết cho tháng 4 - 2009
Copyright © 2008


Posted by sontrung at 6:59 PM 0 comments
Labels:

No comments: