Nàng Tố của Vũ Hoàng Chương |
|
VŨ HOÀNG CHƯƠNG (1916-1976)
“Tố của Hoàng ơi Tố của Hoàng” (thơ Vũ Hoàng Chương)
Đáng lẽ là một lời vào đề, xin thay bằng một thắc mắc: chính người viết không biết nên định thể loại cho bài này như thế nào. Kể về các lớp quá khứ chồng chất lên nhau không theo thứ tự thời gian, thường là ký — hồi ký, thuật sự, tự thuật... Ký nào cũng bao hàm sự kiện tác giả tôn trọng sự thật tối đa có thể được. Bài này không đạt được điều ấy vì người viết kể lại khá nhiều những gì được nghe từ một bà mẹ kể lại cho cô con gái là vợ của người viết, cô gái nghe xong bèn suy diễn đôi ba điều trước khi kể lai cho chồng, chưa kể óc tưởng tượng, chủ quan của người viết tự động điền khuyết, tìm hiểu hoặc tô điểm thêm những chỗ khuyết trong bức tranh của quá khứ ráp nối. Như vậy giống truyện quá, nhưng vẫn không là truyện bình thường, vì nhiều nhân vật mang tên giả, lại là có thực ngoài đời. Hay là gọi luôn là truyện (chuyện) ký chăng... Thôi, xin để vấn đề đó lại cho các chuyên gia văn học. Bây giờ vào đề thôi.
Nàng Tố là ai Ngày xưa, chuyện xẩy ra từ đầu thế kỷ 20, nhưng thế tạm đủ để gọi là ngày xưa được rồi, bởi vì một hai thế hệ bây giờ qua đi, là kể như lâu rồi, không như thời gian chậm rì rì của các cụ... Vậy thì trong cõi tạm là ngày xưa ấy có một ông cự phú làm giàu nhờ buôn bán thóc lúa vùng châu thổ sông Hồng, ở trong một dinh cơ đường Bến Thóc thành phố Nam Định. Ông lấy nhiều vợ vì Việt Nam thời đó theo chế độ đa thê, bà vợ đầu sinh ba cô con gái, cô út nổi tiếng xinh đẹp nhất thành phố, sau này trở thành nàng Tố của Vũ Hoàng Chương. Nói về các người con gái nổi tiếng trong văn chương, bảo rằng các nàng đẹp là dư thừa, vì xấu xí, thiếu nhan sắc không gây được sóng gió hào hứng ở đâu, cho ai cả — trừ những trường hợp hãn hữu như Chung Vô Diệm. Ở cùng đường Bến Thóc có một chàng bạch diện thư sinh — tôi không dùng sáo ngữ đâu vì chàng này có bộ mặt trắng thật sự, trắng đến nỗi như có thêm sắc xanh lợt — tên là Vũ Hoàng Chương con một ông tri huyện, gia tư cũng khá, vào loại bậc trung. Tôi không bịa chút nào về cái “bạch diện” của chàng ấy đâu vì đã từng là học trò môn Văn lớp đệ nhị (lớp 11) của nhà giáo Vũ Hoàng Chương. Bản thân người viết cũng là một nhà giáo dạy Văn xuyên nhiều chế độ, nhưng khả năng tả người thì loàng xoàng thôi, nên nhường mục tả ông thầy thi sĩ không giống ai này cho nhà văn Song Thao, cũng từng là học trò cũ của Vũ Hoàng Chương: Áo sơ mi màu mỡ gà. Quần nâu với hai đường li thẳng tắp. Giày da nâu bóng loáng, mũ phớt màu nâu nhạt. Và một chiếc cà vạt màu nâu hồng có điểm những nụ hoa nhỏ xíu màu hồng nhạt. Mầu sắc từ trên xuống dưới ăn khớp với nhau một cách rất nghệ thuật. Như một bức hoạ. Chưa hết. Một chiếc kẹp cà vạt mạ vàng cùng với cặp nút măng sét làm cho bộ quần áo thêm phần “vương giả”. Không phải chỉ trong buổi học “ra mắt” học sinh thầy Chương của chúng tôi mới diện như vậy. Trong suốt năm học, lúc nào thầy cũng chải chuốt một cách lạ thường. Những ngày nóng bức nhất cũng không làm chiếc cà vạt rời khỏi cổ thầy. Những ngày se lạnh chỉ thêm dịp cho thầy đóng nguyên một bộ đồ lớn loại sang. Người thầy mỏng lét. Bộ ngực lép kẹp được chúng tôi gọi là ngực Omega... Nước da trắng xanh cùng với khuôn mặt gầy gò, ngoài rất nhiều vết nhăn quanh miệng và quanh hai khoé mắt... chúng tôi không tìm thấy ở thầy những dấu hiệu của một người ghiền. Cặp môi không thâm... người không toả ra mùi khét lẹt, dáng điệu không so bại, quần áo không lếch thếch dơ dáy... (Song Thao, “Thầy Chương”, Thế Kỷ 21, số 213, tháng 1 năm 07, tr. 37) Chàng thư sinh mặt trắng tả trên đây với nàng Tố xinh đẹp không xa lạ gì với nhau vì, chưa đến nỗi là hàng xóm sát vách, đôi trẻ ở khá gần nhau, và vào cái thời “nam nữ thụ thụ bất thân” (có vị đã dịch là: trai gái trao cái gì cho nhau không được trao liền tay; nhưng đó là chuyện bên Tàu, còn các cụ nam nữ bên ta chạm chân tay nhau một chút trong giao thiệp hàng ngày, không là vấn đề), nàng Tố chàng Vũ thiếu gì dip nhin thấy nhau tỏ tường. Khi nàng đến tuổi dậy thì, chàng Vũ cũng lấy được bằng Tú tài. Thời đó, đầu thế kỷ 20, bằng cấp ấy bảo đảm dư nuôi vợ con thoải mái, kể cả vợ lẽ con thêm. Chàng Vũ liền trầu cau đi hỏi nàng Tố bé con nhưng nhan sắc, cỡ 15, 16 tuổi. Bất ngờ ông bố nàng từ chối. Bà chị S kể lại có lẽ lý do tài chính: ông bố chê nhà trai hơi nghèo. Thực ra có lẽ ông đang chờ một mai mối được hơn chàng bạch diện thư sinh họ Vũ: đó là con trai dòng họ Trần, một họ lớn nhiều khoa bảng trong tỉnh. Chàng này vừa tốt nghiệp Polytechnique ở Pháp về, ngoại hình khác hẳn chàng Vũ, khoẻ manh, nét mặt rất đàn ông. Vũ manh dẻ bao nhiêu, Trần vạm vỡ khoẻ mạnh bấy nhiêu. Khỏi phải nói thêm cũng biết ông bố thuận gả cô con gái cưng cho họ Trần. Đoàn xe rước dâu đông tới 30 xe hơi, theo tiêu chuẩn hồi đó, là “thứ nhất Bắc kỳ, thứ nhì Đông dương”. Đoàn xe để lại trên vỉa hè đâu đó xác pháo tươi hồng và vài chàng thất tình vì người đẹp đã đi lấy chồng, trong đó có chàng Vũ. Nhưng khác với mọi chàng, chàng Vũ biết làm thơ từ nhỏ, bây giờ sự thất tình, như một chất xúc tác kỳ diệu, làm chàng trở thành một thi sĩ lớn của Việt Nam. Dĩ nhiên đề tài quan trọng nhất thời kỳ đầu là mối thất tình vì nàng Tố. Ông than ông tiếc ông gọi tên nàng ầm ầm náo nhiệt trong thơ, thí dụ như trong bài “Tháng sáu mười hai”. Mười hai tháng sáu là ngày nàng lên xe hoa về nhà chồng, “Tố của Hoàng ơi Tố của Hoàng, Tố của Hoàng nay Tố của ai...” Cần chú giải ngay là Tố không phải là tên thực của nàng, nhũ danh của nàng bắt đầu cũng bằng chữ T nên chàng Vũ phóng tác ra tên Tố, tha hồ réo gọi, khỏi lo bị kiện hay ông chồng to khoẻ đến gõ cửa nhà hỏi thăm sức khoẻ... Cứ việc than thở: “Ta đợi em từ ba mươi năm, Uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm...”
Chàng họ Trần (tên tạm gọi là Tú) và nàng (cứ kêu bằng tên văn chương là Tố, để khỏi làm phiền lòng con cháu ở quốc nội hay hải ngoại) đã mở đầu cuộc sống chung tốt đẹp. Chàng tuy đỗ kỹ sư nhưng về một ngành chưa phát triển ở Việt Nam, nên chàng xuất chính và nhờ có căn bản quân sự trong học trình trước kia, chàng được người Pháp tin dùng, được bổ nhiệm, lúc làm quan châu vùng thượng du, lúc làm tỉnh trưởng Hải Dương, có lúc làm Phó Thủ Hiến Bắc Việt. Hoạn lộ có thể nói là hanh thông và cô bé con xinh đẹp mười bảy tuổi xuất xứ Bến Thóc Nam Định cứ thế làm phu nhân liên tục. Trong khi đó chàng Vũ thất tình sâu đậm, bỏ cả học Đại học Hà Nội, gia nhập ngành Hoả xa, xin một nhiệm sở xa nhất phía bắc là Lào Cay. Là thi sĩ thất tình, ở nơi biên giới ấy chàng làm rất nhiều thơ về nàng Tố và nỗi niềm thất tình của mình, những bài thơ đưa chàng đến chỗ danh tiếng. Nhưng phiền một nỗi nơi biên cương ấy nằm trên một trục lộ chuyển thuốc phiện từ Tam giác vàng vào Đông dương thuộc Pháp, chưa kể nguồn sản xuất từ ngàn xưa trên các cao nguyên lớn nhỏ của Bắc Việt. Và hồi đó không hề có lệnh cấm hút thuốc phiện ở Việt Nam. Nằm cạnh ngọn đèn dầu lạc hít làn khói xanh vào phổi, nghe thân thể nhẹ dần như đi mây về gió, thi hứng văn hứng dâng lên tràn đầy. Một người thường còn dễ nghiện thuốc phiện, nữa là thi sĩ thất tình Vũ Hoàng Chương, chưa kể một side effect khá hấp dẫn khác, là thuốc phiện làm trì hoãn việc xuất tinh trong thời kỳ mới hút. Vậy Vũ Hoàng Chương trở thành người nghiện lúc nào không hay. Không như hít, chích cocaine hiện nay khoảng 5 năm là chết, nghiện thuốc phiện chỉ gầy đi dần dần, sợ nước sợ tắm, quần áo dơ dáy hôi hám... nằm nhiều quá một bên nên lâu dần dễ bẹp một bên tai nên dễ có biệt danh “dân làng bẹp”. Bởi thế những người nghiện có nghề nghiệp ngoài xã hội, khi ra ngoài thường thay quần áo mới, đẹp... đúng như nhà văn Song Thao đã miêu tả tác phong của “thầy Chương”. Sau một thời kỳ nghiện ngập bệ rạc, trở về Hà Nội, gặp lại bà S. chị của nàng Tố, Vũ Hoàng Chương than: “Thân tôi ra thế này, tại Tố hết!” Nghe kể lại, cô cháu sau này thành vợ người viết, đã “hứ” một tiếng phản đối: “Đàn ông nghiện ngập là tại chính họ, đừng có đổ tại đàn bà!” Ở bên ta các cụ xưa thường có câu “miệng đàn bà con trẻ lắm lúc cũng thiêng”. Ở bên Tàu chưa lâu lắm có một ông Lỗ Tấn nào đó có viết cả một bài văn đả kích cái thói đổ tại đàn bà về chính trị của các vị tiên hiền tiên liệt, bên Tàu tất nhiên. Nhà Hạ nhà Thương Chu mất, tại các nàng Muội Hỉ, Đát kỷ, Bao Tự... Rồi các nàng Tây Thi, Dương Quí Phi, các bà hậu này hậu nọ, Lữ Hậu, Vũ Hậu, Từ Hi Thái Hậu... thành tích cũng khá lắm. Theo Lỗ Tấn, một triều đại một vương triều khi đã suy, phạm nhiều sai lầm đối nội đối ngoại, nên mới sập tiệm, lại không muốn nhận lỗi, không chịu tự phê, hậu duệ mới kiếm một nữ nhân mà đổ tại... Vũ Hoàng Chương đã thành danh, cuộc đời của ông, các thi phẩm, các vở kịch đã viết, đã đóng hay dàn dựng, đều thuộc văn học, được các nhà biên khảo tìm hiểu và ghi chú. Người viết bài này trở lại cuộc đời khiếm tốn nàng Tố. Mặc dù lấy chồng giàu có bằng cấp quan chức, cuộc sống thầm kín của hai vợ chồng cũng có trục trặc, như những cặp vợ chồng khác và hơn các cặp vợ chồng khác. Không biết ông chồng Trần tạm gọi tên là Tú ấy có tính bạo dâm hay không, một lần bà chị S. dẫn con gái lại thăm, cô em Tố vạch cho coi một vết thương do đầu thuốc lá cháy đỏ dí vào... Chưa hết, còn chuyện con cái. Không biết thời kỳ làm quan ở thượng du, ông Tú Trần có lợi dụng quyền lực áp bức, gây ân oán giang hồ với con gái địa phương hay không, mà bà vợ trẻ cứ đêm trước nằm mơ thấy người đàn bà xoã tóc giành con với mình, thì đêm sau đứa con mới sinh chết. Cứ như thế tới bốn đứa con đầu. Riêng đứa thứ tư, Tố kể với chị là “em giằng co với con mụ xoã tóc, không cho đụng tới đứa nhỏ. Vậy mà hôm sau bồng con ngồi xe đò, gặp một tai nạn nhỏ, cả xe không ai làm sao, mỗi con em bồng trên tay lại va vào thành ghế chết.” Vụ đánh lộn với người đàn bà xoã tóc trong mơ không cứu kịp được đứa con mới sinh, nhưng kể từ đó Tố tiếp tục sinh con trai con gái bình thường. Sự kiện này gợi nhớ tới phim ma quái Ring II vừa trình chiếu khắp thế giới: người mẹ trẻ trong phim quay theo một phim ma Nhật, do tài tử xinh đẹp Naomi Watt đóng, đã phải liều mạng nắm lấy hai tay ma tóc dài, theo nó về tận hang ổ ở đáy giếng để đánh lộn, đạp ma xuống giếng rồi đậy nắp lại, mới cứu được đứa con đã bị ma nhập. Nhưng tới đây chưa hết sự trù ẻo của gia đình cô Tố vì đứa con trai đầu gửi gia đình bà S. nuôi hộ cho dễ học, không biết có cảm tình quá mức với cô em họ xinh xắn mới lớn (sau này là vợ người viết) hay không, nhưng cả hai gia đình cùng đồng ý “con ai người đó nuôi”, trả chàng thiếu niên về với bố mẹ. Được ít lâu, sau một buổi cãi lộn với bố, “chàng” tự tử chết. Đọc đến đây không nên ngạc nhiên về sự trù ẻo thư phù gì mà ghê thế, vì có như thế đã thấm vào đâu với sự trù ẻo, curse, của giòng họ Kennedy. Không biết cụ cố Kennedy khi xưa tạo sự giầu có, có chà đạp, gây đau khổ cho ai không mà sau này các con lãnh đủ lời nguyền trù ẻo. Con trai đầu lái khu trục chiến dấu ở Normandie (Pháp) chết mất xác trong một phi vụ như nhà văn Pháp Saint-Exupéry. Con thứ hai lái PT bị tàu Nhật húc chìm suýt chết, sau trở thành tổng thống Hoa kỳ, bị một sát thủ bắn chết trong khi kinh lý Dallas. Người con thứ ba, nguyên bộ trưởng Tư pháp cũng bị giết trong khi tranh cử Tổng thống. Người cuối cùng chở cô bí thư “về đồng quê ăn chè”, không biết ma dẫn lối quỉ đưa đường ra sao mà lao xe xuống sông. May là tay bơi giỏi nên sống sót, để lại người tình dưới đáy sông lạnh. Sau vụ này gia tộc Kennedy quyết định ông út không được ra tranh cử tổng thống nữa, phải sống sót để lo cho thế hệ mới. Dù vậy cũng chưa yên: gần đây người con trai duy nhất của cố tổng thống Kennedy, một dân biểu trẻ tuổi đẹp trai như bố, lái máy bay đưa vợ và người chị về điền trang ven biển ăn cưới cô em họ, máy bay đâm xuống biển chết cả ba. Cô em họ sợ quá cùng hai họ bay sang tận một hòn đảo tít bên Hi-lạp làm đám cưới. Gần đây ông út, đã già, chắc chán làm thượng nghị sĩ, tuyên bố sẽ ra ứng cử tổng thống kỳ này. Chúng ta ít người mê tín, ít sợ ma quỉ, nhưng cứ chờ xem...
“Tố của Hoàng” tại miền Nam Khi đất nước chia đôi và người Pháp rút quân dần, ông Tú Trần rút khỏi hoạn lộ, nhận một chức giám đốc một trường chuyên môn ở Huế, sống cùng vợ con tại đó. Do đó khi tôi vào làm rể gia tộc Nguyễn-huy, dù cô vợ trẻ kể thiếu gì chuyện, huyền thoại về gia đình “cô Tố” đến nỗi quen thuộc, tôi chỉ thực sự biết mặt chồng cô Tố khi ông vào Sài Gòn công tác. Thời gian này tôi đã là nhà văn và lính miền Nam nên khi ngồi cạnh ông trong bữa cơm trưa, tôi đã ngạc nhiên thú vị khi biết ông đã đọc khá nhiều văn tôi viết. Ông tán đồng quan niệm sống hùng sống mạnh thời chiến, “làm trai thời loạn mà lui lủi trốn lính giữa chốn ông đi qua bà đi lại, là quê, là xoàng xĩnh...” của tôi. Ông đọc vài câu thơ hùng bằng tiếng Pháp của Victor Hugo, bộc lộ thái độ sống của mình, thích làm công việc vĩ đại, kiểu “Chí làm trai” của Nguyễn Công Trứ. Cũng có một chút bất đắc chí đâu đây vì ông cũng có lòng yêu nước như ai, nhưng sinh không đúng thời nên tuổi trẻ, tuổi hành động của ông trôi qua trong phục vụ người Pháp thời chuyển tiếp. Trước khi bắt tay giã từ, ông đột nhiên hỏi: “...Cái thằng Vũ Hoàng Chương hiện ra sao?”, tôi khoát tay nhẹ nhàng: “Vẫn dạy học đâu đó...” Chỉ một câu hỏi đó tôi đoán ông vẫn còn ấm ức cái thằng thi sĩ mang vợ mình ra làm đối tượng thất tình ồn cả nước... Một lần vợ tôi kể con gái đầu lòng của cô chú Tú xinh và sexy, có hai bình sữa bự như thế này này... nàng để tay trước ngực diễn tả. Lời nói của vợ làm tôi tò mò, hơi háo hức nữa, nên lần đi công tác vùng Huế, mượn được xe jeep cũ xì, tôi tà tà tìm nhà cô chú Tú (đến lúc đó tôi vẫn chưa biết mặt cô Tú hay bị chồng đánh, “nàng Tố của Hoàng”, ra sao). Số tôi vô duyên với gái đẹp xứ Huế vì căn biệt thự kiểu bungalow, thềm khá cao chống lụt thường niên vùng này, hoàn toàn vắng lặng. Tôi tiến vào phòng khách ở chính giữa: tất cả vẫn vắng lặng và mọi sự sạch như lau như ly. Tôi lên tiếng một lần nữa, vẫn không ai trả lời. Tôi đợi thêm vài phút rồi ra về. Mặc dù lúc đó đương là công cán ủy viên một Bộ, tôi cũng chẳng dám tiến vào sâu hơn, nhà nhiều gái đương thì xinh đẹp, chưa kể bà mẹ nôỉ tiếng giai nhân một thời. Nhỡ có nữ nhân nào đương thay áo, tôi dễ tình ngay lý gian, bể tiếng tăm mấy hồi. Năm đó quân Mỹ kéo sang khá đông, kéo theo một bầy dân sự túa đi thuê nhà trong đô thành, để ở (tất nhiên vì đâu có doanh trại như lính) và để hẹn bồ, chứa “vợ for rent”... làm tôi phải vất vả ghê lắm mới thuê được một căn nhà làm thêm cuối dẫy trong một cư xá. Hoàn toàn không biết gia đình chú Tú cô Tố cũng dọn nhà từ ngoài Huế, chú đã về hưu, vào thuê căn nhà gỗ hai tầng ở đầu dẫy đằng kia. Hai nhà cách nối nhau bằng một hẻm nhỏ dài. Trong bữa ăn hàn huyên giữa hai gia đình, bây giờ là gia đình cô chú và gia đình nhỏ nhiều con nít của vợ chồng tôi, lần đầu tiên tôi biết mặt thật rõ ràng “cô Tố của Hoàng”, cô gái của huyền thoại thi ca, cô gái đã khởi hứng bao nhiêu câu thơ truyệt vời của Vũ Hoàng Chương: Ta đợi em từ ba mươi năm, Uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm... Ôi ta đã làm chi đời ta, Cho lòng tàn tạ, tình băng giá... Cô có đôi mắt đẹp, úng thủy, màu nâu dịu dàng như vợ tôi nhưng khác ở chỗ trong mắt có một nốt ruồi. Hai cô cháu có mắt đẹp và da trắng như nhau nhưng cô mắt buồn và mệt mỏi, làm gái đẹp như thế trong bao nhiêu năm, lấy phải ông chồng hay ghen, lại có tí máu sa-đích nhập cảng từ Pháp về, hơi một chút là lôi vợ ra đánh đòn, mắt vui sao được... Tôi mỉm cười thầm: lấy được vợ đẹp cũng thú nhưng cũng dễ sùng máu ghen khi có một tên thi sĩ lâu lâu lại mang vợ mình ra làm đối tượng than thở này nọ. Tức trào máu được nhưng làm gì được “nó”, chỉ có vợ ở gần tiện chân cho một đá cho hả! Sau đó mất công dỗ dành tán tỉnh nhưng làm tình với nhau đạt hơn. Chứng tỏ đã bao nhiêu năm trôi qua, vợ chồng vẫn bền vững, đi đâu về hơi trễ là cô đã lo lắng về bữa cơm của chồng. Nhìn lên bàn thờ nhà cô chú, tôi nhận thấy có một vật bất thường, là một bức tượng bán thân bằng đồng đen hình một cô gái Thái hay Mường Mán chi đó. Hỏi lai lịch, không ai trả lời, chỉ biết chú có nó lâu lắm rồi, thuyên chuyển đi đâu cũng mang theo và tỏ vẻ quí một cách đặc biệt. Tự bức tượng đồng đen đã mang một vẻ bí mật, óc tưởng tượng của tôi thêu dệt một sự tích ly kỳ, thân thể cô gái thiểu số trắng nõn nà bị treo lên xà nhà, miệng thốt ra những lời nguyền rủa không ai hiểu... chú đã từng làm tri châu một miền thượng du Bắc Việt lúc trẻ, cái gì cũng có thể xẩy ra trong một lúc say rượu cần, cognac. Ông bố của Hồ Chí Minh, đang làm một chức quan tương đương, cũng có lần say rượu đánh chết tù nhân, bị cách chức lang thang đến chết vùng Hậu giang, bỏ bê gia đình nên cậu Nguyễn Tất Thành không được học nhiều, phải xin làm phụ bếp trên một tàu biển của Pháp để tìm đường tiến thân. Các nịnh thần sau này biến sự kiện phiêu lưu nhỏ của một thiếu niên thành “Bác đi tìm đường cứu nước”. Nhà viết sử Nguyên Vũ đã công bố bản sao đơn xin học trường Thuộc Địa chính quyền Pháp nhưng bị bác của Nguyễn Tất Thành khi lênh đênh đâu đó trên biển. Không cần giàu óc tưởng tượng cho lắm cũng thấy, nếu đơn được chấp nhận, Nguyễn Tất Thành ra làm quan như Ngô Đình Diệm, lịch sử Việt Nam cận đại đã không như hiện nay. Có thể ông quan Nguyễn Tất Thành vẫn sẽ làm cách mạng chống Pháp, nhưng chắc không nhập cảng chủ nghĩa Mác Lênin về Đông dương... Cuộc chiến tranh 30 vừa qua có thể tránh khỏi... Kể những điều suy nghĩ loanh quanh trên cho người vợ vui tính nghe, bà ngẫm nghĩ một chút rồi thêm thắt: “Dám người đàn bà xoã tóc trong mơ đã hại bốn đứa con của cô Tố là cô gái trong tượng lắm...”
Đôi trẻ Cô gái đầu lòng của cô Tố dĩ nhiên được ông bố cưng đặc biệt, sự kiện đó cũng là bình thường, nhưng bà chị S., sau này là một cô giáo, chê cái lối cưng con: “Bố gì mà bế bổng con gái lên mà cắn vào chỗ đó...” Tôi đã từng thấy các bà mẹ quê đưa tay nghịch chim con hoặc để dỗ cho nó nín khóc, nhưng bố cắn lên mu con gái bé, tôi đồng ý với bà S. là ít thấy. Cô Tố về sau sinh nhiều con nữa nhưng ông chồng ngắm nghía đứa nhỏ, thỉnh thoảng nổi cơn ghen, bảo sao nó giống “thằng này thằng nọ” bạn của chú, và dĩ nhiên cô lại lãnh một trận đòn ghen mới. Khi cô gái đầu lòng này, tam gọi tên là Nhất, yêu một sinh viên “quyết tử” của phong trào Phật giáo đấu tranh miền Trung, lập tức sóng gió nổi lên trong gia đình, dĩ nhiên vì ông bố không chịu. Ông doạ: “Thằng đó còn chui rào vào gặp con Nhất nữa, sẽ bắn cho bể sọ...” Tôi hỏi Nhất khi cô nàng đến thăm vợ chồng tôi ở Sài Gòn: “Thế cô cậu tính sao?” Nhất cười ngỏn ngoẻn: “...thì em chui hàng rào ra, chứ sao! Hai đứa bàn tính bắt chước anh chị ở Sài Gòn, cứ có bầu đại đi, là bố phải cho cưới.” Mọi sự diễn ra đúng như vậy và đôi trẻ cũng vào Sài Gòn, thuê một căn nhà gỗ giản dị cuối cư xá để bà S. dễ trông cháu. Như đã kể, Nhất khoẻ mạnh và sexy, còn ông chồng Lực (không phải tên thực) đẹp trai như đa số con trai Huế, và cũng như không ít trai Huế, dưới khuôn măt khôi ngô, thường chứa đựng một tiềm năng bạo động câm nín, khi bùng ra có thể giết người như không. Lực cũng đương có vấn đề bình thường thôi của lớp trẻ — đi lính hay không đi lính — mang ra bàn cùng tôi. Dĩ nhiên tôi khuyên nên đi lính, lính bộ binh, đỡ mất công chạy chọt về những binh chủng có chữ thọ to tướng, yếu người đi... Tôi nói như đùa: “Chết cũng hơi khó vì đạn tránh người mà, như anh lặn lội ra tiền tuyến cho biết rồi lại trở về nguyên vẹn với vợ, có sao đâu...” Không biết hai vợ chồng Lực tính toán ra sao mà một buổi sáng tôi dẫn vợ đi chơi chợ Bến Thành, gặp Lực mặc đồ sinh viên sĩ quan Cảnh sát của một học viện mới mở, trông diêm dúa, có lẽ đẹp hơn đồ của sinh viên sĩ quan Thủ đức. Khi ngồi nhâm nhi ly cà phê đá, tôi bàn với vợ: “Đang là sinh viên quyết tử chống chính quyền, nay sắp biến thành ông cảnh sát dã chiến mang lựu đạn khói và dùi cui di dẹp biểu tình, Lực sẽ còn khổ nhiều vì lương tâm mình.” Tôi có lẽ cần ngừng một chút để tả cho rõ những nhân vật họ hàng sống cùng trong cư xá lọt thỏm giữa thành phố rộng lớn này. Vợ chồng Lực cuối cư xá, ở gần giữa là gia đình đông con của cậu K., dĩ nhiên là cậu của vợ tôi, một cấp tá quân đội miền Nam, rồi mới đến gia dình cô Tố, đối xứng đầu bên kia dãy nhà là gia đình tôi. Lộ trình di dạy học, đi chơi của bọn tôi hầu như băng qua nhà cô Tố cũng như cậu K., rất tiện cho việc qua lại khi tang lễ hiếu hỉ và chuyện gossip đủ loại của các bà. Một buổi đi dạy học về, đi xe gắn máy một mình qua nhà cô Tố, thấy cô vẫy tay goi tôi đứng lại. Cô nói nho nhỏ dù không ai có thể nghe ké: “Anh nhớ bảo cái Thi phải... ăn mặc kín đáo hơn, bớt suồng sã khi sang chơi cậu K. Mợ ấy vừa sang đây than phiền...” Tôi trả lời “Vâng ạ” môt cách ngon lành, thấy chút gì ngộ nghĩnh đâu đây, một bà cô nổi tiếng đẹp một thời lại nhờ tôi “dạy bảo” thêm cho vợ tôi là cô cháu gái xinh đẹp của mình... Vậy thì ta “chấp hành tốt yêu cầu”, vì đôi khi chọc quê cô vợ ngây thơ của mình cũng vui. Vả lại, mới tuần trước đây thôi, mới dừng xe trước hiên nhà, cô người làm đã nhô đầu ra nói: “Cô dặn cậu sang đón cô bên nhà ông K.” Tôi rồ ga sang liền, tìm nhà dưới không thấy, lên lầu tìm phòng để giàn âm thanh Akai khá tốt, và kiếm thấy vợ liền: Nàng đang nằm tình tang trên chiếc nệm lớn để dưới sàn, mặc sẵn quần áo đi ăn tối, một cái mimi-robe màu rượu vang hở cổ hơi rộng, mái tóc dài xoã trên gối. Nàng gác hai chân trắng tròn trịa không vết gợn lên vách tường, tai quàng ống nghe. Tôi quì xuống gỡ ra, dục: “Đi thôi em, chiều rồi.” Chiều đó tôi đưa vợ tới ăn ở quán nàng thích và chọn những món nàng ưa, và đợi đến khi nàng no bụng (chẳng nên nói những điều khó nghe với đàn bà khi họ đói bụng), tôi kể những điều cô Tố đã nói buổi sáng, và đúng như dự đoán, nàng kêu lên: “Em với cậu K. thân nhau từ nhỏ... Ăn nhằm gì chút...” Nàng đỏ mặt, ngưng nói. Tôi nhắc lại cảnh nàng nằm ghếch chân lên tường nghe nhạc tôi đã thấy tuần trước: “Cậu với cháu lúc nhỏ thôi, bây giờ em lớn rồi”, và tôi dùng một thành ngữ Pháp (hồi nhỏ nàng học trường các soeur): “Le penis n’a pas de conscience” (Dương vật không có lương tâm). Nàng nhăn nhó: “Sao anh nói giống mẹ em thế. Mẹ bảo đến bố mình cũng còn không tin được, nữa là...” Dòng sông vẫn chảy đều đều ven quán, chiến tranh vẫn diễn tiến ngoài thành phố với nhiều máu và nước mắt, nhưng bọn tôi vẫn ngồi đây nhậu nhẹt trong buổi chiều tắt nắng, bàn đến những tác động cặp đùi trắng mịn có thể gây ra và những linh tinh lang tang về tinh yêu và tình dục. Ai đổ máu gục xuống, cứ việc; ai gục đầu vào đùi đàn bà, cứ tự nhiên. Có một nhà văn phương Tây đã nói: “Một thời để yêu, một thời để chết.” Riêng tôi chẳng có chi để thắc mắc đụng đậy lương tâm khi “đêm nằm nghe súng đại bác, nhìn ánh hoả châu xa” bởi vì cách đây chưa lâu gì tôi còn lang thang vùng chiến trận, tiếng đại bắn yểm trợ chiến trường cho bọn tôi, hoả châu tôi ra lệnh lính bắn để soi rừng rậm bãi hoang trước mặt... Một thời để yêu và một thời để chết hẳn hoi, dễ dàng.
“Một thời để chết” Ngành Cảnh sát coi bộ lên lon hơi nhanh, chẳng mấy lúc Lực đã lên trung úy và thường tránh không giao thiệp với tôi. Nhưng tôi với hai tai lơ đãng nghe biết là về gia cảnh của Lực không mấy vui: Lực không thuận hoà với gia đình bên vợ, nhất là bà mẹ vợ và đứa con trai đầu. Chuyện thường tình thôi. Bởi thế một buổi sáng tôi đang ngồi đánh máy bài văn bỗng nghe tiếng chân dồn dập ngoài đường, tiếng đàn ông vừa khóc vừa gào: “Thằng Lực bắn chết mẹ tôi rồi, bà con ơi...” Kế đó đứa con trai nước mắt nước mũi chan hoà cố vùng vẫy khỏi tay một đàn ông thoáng trông cũng biết là công an thường phục. Tôi đưa mắt cho viên công an buông người con ra, đi theo đương sự đến nhà Lực và lên thẳng lầu. Cô Tố nằm ngã ngửa sau chiếc ghế đẩu bị đổ, hai mắt nhắm lại như ngủ, một viên đạn nhỏ xuyên gọn gàng qua cổ. Tôi biết là cô đã chết rồi, êm ái, nếu có thể dùng chữ này diễn tả. Không còn điều gì có thể làm cho cô được nữa, tôi tiến sang phía Lực nằm nghẹo đầu tan hoang vào vách gỗ. Tôi cúi xuống Lực hai mắt đã khép nhưng còn ngáp vài cái cuối cùng. Khẩu súng colt rouleau lăn lóc cạnh tay. Tôi quơ vài miếng vải lớn, phủ lên cô Tố, thế là xong điều cuối cùng có thể làm cho cô. Nghe tiếng gắt gỏng phía ngoài, tôi bước ra ngoài hiên gỗ: ngồi bệt xuống sàn ỉ ôi khóc là cô gái út, đứa con đầu, kẻ đã chạy đến nhà tôi báo tin, đang ôm lan can hờ mẹ như một phụ nữ; còn chú, ông chú của bọn tôi vẫn đứng thẳng, vững chãi như thường lệ, đang la đứa con trai đương khóc: “Sois un homme!” (Hãy cư xử như một người đàn ông coi nào!). Nhưng tôi biết đứa con trai không sao có thể nghe lời bố, vì tôi đã đọc đâu đó rằng những ông bố áp chế, đánh đập con nhiều, những đứa trẻ ít hi vọng lớn lên bình thường: hoặc sướt mướt ủy mị, hoặc lạnh lùng tàn nhẫn ít thương xót ai. Tôi tiến lại phía ông chú già, đưa tay bắt theo kiểu chia buồn giữa đàn ông với nhau: một tay nắm chặt bàn tay, một tay vỗ nhẹ lên cánh tay chú. Không nói một lời nào bởi biết chú sẽ không thích, sois un homme, quoi!... Tôi vào nhà, bước qua xác Lực, chậm rãi xuống cầu thang gỗ khá dốc. Vợ tôi đang ngồi trên ghế cạnh một phụ nữ đứng tuổi, chắc bà con lối xóm đâu đây. Nàng đang nhìn đăm đăm chậu thau nhôm ai đã để ra để hứng những giọt máu từ cổ họng cô Tố trên sàn gác gỗ rỏ xuống. Không cần nhìn tôi cũng biết nàng đang khóc theo lối của nàng, từng giọt nước mắt tròn lăn trên má xuống. Trong im lặng. Tôi vòng tay ôm kéo nàng đứng dậy ra về: “Về thôi em, trước khi mọi người kéo tới...” Nàng đang nuôi đứa con nhỏ, không nên ở lâu nơi máu me và chết chóc. Đến hôm đưa đám cô, tôi mặc áo sơ mi trắng và cổ đeo chiếc cà vạt thẫm màu nhất tìm ra được trong tủ áo và đầu cũng chít khăn trắng hàng cháu như Thi, vợ tôi, mặc dù tục lệ không đòi hỏi. Xong đám tang về đến nhà, nàng mới kể: “Vũ Hoàng Chương có đến...” Tôi ngạc nhiên: “Sao anh không thấy?” Nàng nói: “Ông đứng sau một mộ bia khá khuất. Im lặng một mình. Em không chỉ cho anh thấy vì không muốn anh tiến lại chào. Chú sẽ thấy...” Một lần nữa cô vợ bé nhỏ tỏ ra khôn hơn, tế nhị hơn tôi. Chú mà biết “cái thằng Vũ Hoàng Chương” ám quẻ vợ chồng ông từ bao nhiêu năm, làm ông nghi oan tức giận đánh vợ nhiều lần hồi còn trẻ, bây giờ cũng đến đưa đám nàng Tố của ông sao, chịu gì nổi... Ngày hôm sau vợ chồng tôi cũng đi đưa đám Lực ở một nghĩa trang khác, gọi là nghĩa tử nghĩa tận. Sau đó không lâu lắm, các biến cố xưa bây giờ khá hỗn độn trong kho trí nhớ dài hạn của tôi, chú cũng mất vi một tai nạn, cố tình hay vô ý, làm chú bị nhiễm trùng đường máu. Tôi nhớ mang máng là tôi trùng giờ dạy học, không đưa đám được, nhưng nhớ rất rõ là sau khi chôn cất, con lớn của chú lại nhà và nói: “Bố dặn là tặng anh chị bức tượng đồng đen vẫn để trên bàn thờ...” Không cần phải hỏi ý kiến nhau, hai vợ chồng tôi cùng khiêm tốn từ chối. Tôi tuổi Hợi, bạn bè hay bảo tôi cầm tinh con heo rừng bạ đâu cũng đến cũng húc, nhưng còn lâu mới thích rước về nhà môt thứ đồ cổ như thế... Đôi khi ngồi quán cà phê uống bia với nhau, tôi bàn với vợ: “lời nguyền” đi kèm có ở trong bức tượng đồng đen, giả thử là như thế, có chấm dứt với cái chết của chú chăng. ...Tôi không biết vì sau 1975, cũng như nhiều gia đình ở miền Nam, các con cái cô chú phân tán khắp nước Mỹ rộng lớn và trái đất, nói gì thì nói, cũng còn bao la lắm cho con người. Dù họ ở đâu, tôi cũng thành thực chúc lành, bởi vì họ đã lãnh chịu một tuổi thơ thiếu hạnh phúc, nhiều áp bức bạo lực. Sau đó một thời gian không đo lường được, vợ tôi một chiều nào đó nói các con chú có kể là sau cùng có một ông cụ quần áo tươm tất râu tóc như một người đời xưa, đến xin lại bức tượng đồng đen “đã gửi đây lâu rồi”. Các con của chú đã trao liền.
Chàng Vũ Hoàng Chương Cùng là những người viết sống cùng thời với nhau nhưng tôi ít thân với Vũ Hoàng Chương vì lý do, như nhà văn Song Thao đã tả rõ, sự chênh lệch giữa hai thế hệ, thế hệ làm thầy và thế hệ làm trò. Trong giới văn nghệ văn học miền Nam, có tục lệ trong giao thiệp hàng ngày không phân biệt tuổi tác, toàn anh với chị, dĩ nhiên khi dùng các nhân vật đại danh tự như thế vẫn có một sự, một âm sắc kính nể người trên tuổi, hoặc một chữ “thưa” mở đầu. Trong một phiên họp của hội Văn Bút miền Nam, Nhất Linh dặn người cháu Duy Lam: “Chúng ta bác cháu ở nhà thôi nghe...” Phần tôi, đang ngồi “anh anh tôi tôi” với nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, người con lớn ký giả Duy Sinh chợt về, tôi giơ tay bắt “chào anh, dạo này khoẻ không?”, không một ai hiện diện thấy là chướng. Vậy thì vào thời gian trước tháng 4, 1975 sự giao thiệp giữa “anh (hay chàng) Vũ Hoàng Chương”, nhà thơ trước lãng mạn sau cổ kính và một nhà văn trẻ (tôi), một viên “đá lăn trầm” (nói như T.C. Sơn) của thế hệ chiến tranh, chỉ có thể sơ sài thôi, không đến nỗi nhạt như nước lã, nhưng cũng chẳng đậm đà hơn nước lèo. Mãi tới sau 1975, cơn gió đỏ chứa toàn nghèo và đói và kết tội phi lý từ phương Bắc thổi tới, mới làm chúng tôi gần nhau, sống chung khoảng khắc trong một trang giấy. Trong một chuyến lên thăm nuôi ở trại cải tạo tập trung trên rừng miền Nam, bà vợ Tú Xương của tôi mang lên một tờ tạp chí Văn Nghệ thành phố Hà Nội do thân nhân của nàng, hơi hốt hoảng, mang từ ngoài Bắc vào tặng, kèm câu nói: “Như thế này chắc anh ấy quét trại cải tạo quá...” Các bạn đồng cải tạo với tôi, sau khi đọc xong hai bài trong tạp chí đó, cũng đồng ý, nhất trí mọi sự dám là như vậy. Có ông bạn trẻ trước ở ngành truyền thông còn mở một cuộc phỏng vấn tưởng tượng để cùng cười chơi cho đỡ bi thảm: “Xin cụ cho biết tại sao lại ở lại quét trại vậy?” Cụ vuốt bộ râu dài bằng râu “bác” Hồ, thều thào trả lời: “Anh em được tha về hết lâu rồi, lá rụng nhiều quá nên ‘trên’ bảo tôi quét cho quang vinh...” Bài thứ nhất trong tạp chí ấy do công thần miền Bắc Chế Lan Viên viết (lâu lắm rồi nên tôi không nhớ tên bài) nhằm mục đích phê phán và hạ bệ văn học miền Nam. Sau phần nói chung, đến phần dẫn chứng, Chế Lan Viên đưa ra bốn người tiêu biểu: Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Phan Nhật Nam và Thế Uyên. Đủ mặt tiền chiến, hậu chiến và đương chiến, già trẻ lớn bé đều bị kết án không phản động thì đồi trụy, đôi khi cả hai, nên “Cách mạng” phải “giúp đỡ” cả nước bằng cách triệt tiêu ngay bè lũ tay sai CIA này: con người nhà văn bị tống giam, tác phẩm bị cấm tàng trữ lưu hành dưới bất cứ hình thức nào, kể cả trong các thư viện. Tất cả cái gì là sách đều bị đốt, xay thành bột giấy. Vụ “phần thư khanh nho” dưới thời Tần Thủy Hoàng không thấm vào đâu. Doãn Quốc Sĩ. Sau 5 năm bị giam ở Pleiku, ông được tha về để bị bắt lại, tha ra bắt lại nhiều lần, sau cùng mới được tới Mỹ đoàn tụ với con trai ở Houston. Những người thích văn ông và con người chất phác giản dị của ông mới tổ chức một buổi vinh danh sách/con người nhân dịp ông 84 tuổi. Trong bài văn của Chế Lan Viên có đoạn ghép Doãn Quốc Sĩ thêm tội bất hiếu vì bố vợ là Tú Mỡ chết mà Doãn Quốc Sĩ không chịu đến đưa đám. Khi gặp lại nhau ở Sài Gòn, tôi hỏi về kết án này, Doãn Quốc Sĩ cười hồn nhiên: “Tôi đang bị nhốt, ở đó mà đi đâu... Họ thế đấy.” Phan Nhật Nam. Trong nhiều năm, tôi tưởng nhà văn gắn bó cuộc đời và văn nghiệp mình với binh chủng nhẩy dù quân đội miền Nam là người sẽ quét trại cải tạo, nhưng không phải: sau 15 năm anh đã được tha về (người quét trại ở tới 18 năm). Gặp nhau ở Seattle, tôi hỏi: “Anh chỉ là một đại úy, đã làm gì để đến nỗi đảng Cộng Sản hành hạ anh dữ vậy? Trong 15 năm cải tạo (đã dài ghê), anh đã bị kiên giam tới 8 năm, tức là bị nhốt một mình dưới hầm trong thùng Conex trong một nơi riêng biệt, tay chân đều bị còng...” Anh trả lời: “Tại tôi viết văn làm thơ. Bị nhốt cũng làm, nhốt nữa làm nữa.” Tôi thở một cái khá dài: phục tinh thần văn nghệ của ông bạn này quá... Thế Uyên. Lâu rồi tôi không nhớ nổi Chế Lan Viên nhà thơ công thần của Đảng đã đàn hặc tôi ra sao, nhưng trong bài báo thứ hai hài tội văn học miền Nam, do Lữ Phương viết, chỉ viết về riêng Thế Uyên, coi như tội phạm tiêu biểu. Tôi còn nhớ được có câu chót đại khái như sau: “Tiếc thay một nhà văn có tài như thế, chỉ vì lầm đường lạc lối nên bị bánh xe lịch sử xô xuống vực thẳm không một đồng đô la dính túi.” Với các bạn cải tạo, tôi thường đưa câu này ra để hi vọng Đảng Cộng Sản sẽ không cử tôi vào chân quét bất trại cải tạo nào từ Hoàng Liên Sơn đến Cà Mau. Vũ Hoàng Chương là người đầu tiên được nhắc tới trong bài đàn hặc của Chế Lan Viên. Không biết khi hạ bút viết những lời kết án, Chế Lan Viên có biết Vũ Hoang Chương đã bị bắt nhốt ở Chí Hoà, tuổi cao sức yếu chịu không nổi lao tù nên ban quản lý trại giam cho về chết ở nhà, hay không? Vợ tôi báo tin đó ở ven rừng Katum, tôi ngậm ngùi đôi chút, thế thôi. Phải đợi đến khi được tha về, tôi mới có dip lên thăm mộ ông ở bên trái tượng Địa Tạng của nghĩa trang Giác Minh, và kể từ đó mỗi khi trở lại thăm thân nhân ở nghĩa trang này, tôi luôn luôn dành nén hương chót cắm lên mộ Vũ Hoàng Chương. Khi nghĩa trang bị giải toả, tro tàn của ông được vợ con mang gửi ở một ngôi chùa nào đó. Đôi khi chợt thoáng nhớ tới vài câu thơ của ông, tôi thấy chút khôi hài đâu đây, bởi ông bị chết vì những người xuất phát từ Hà Nội, nơi mà trong một phim ảnh thời kỳ ấy xưng tụng là “đỉnh cao trí tuệ nhân loại, trung tâm phẩm giá của loài người”.
Thế Uyên Seattle, tháng 2, 2007. Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2010 * |
No comments:
Post a Comment