Tuesday, September 13, 2011

LM NGUYỄN HỮU LỄ * VỀ VIỆC GÓP TIỀN NUÔI VIỆT CỘNG


Người Công Giáo nên đọc và phổ biến bài này.

ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI CHẤM DỨT
"MỤC VỤ XIN TIỀN" !
Linh mục Nguyễn hữu Lễ
Vấn đề các vị Hồng Y, Giám mục, Linh mục và Tu sĩ trong nước ra hải ngoại xin tiền từ nhiều năm qua, đã đến lúc phải được đưa ra thảo luận và phân tích một cách công khai. Nhất là gần đây, nhiều việc đáng tiếc đã xảy ra trong các tiệc gây quỹ của một số Giám mục. Vào thời điểm cận ngày Quốc Hận 30 tháng Tư 2007, trường hợp Giám mục Nguyễn Văn Hoà - Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cùng một vài vị Giám Mục sang viếng thăm Hoa Kỳ, trong một buổi tiệc mừng gây quỹ đã bị một số giáo dân tại Quận Cam xuống đường biểu tình phản đối. Cách nay vài ngày, một bức thư ngỏ của Ông Lý Văn Hợp gởi Đức Cha Mai Thanh Lương và Cha Mai Khải Hoàn được công bố trên diễn đàn điện tử, kể lại ông tới tham dự bữa tiệc tại nhà hàng Seafood World ở thành phố Westminster Nam California vào ngày 19 tháng 8: “Các giáo dân đến tham dự với mục đích nghe nghe Đức Cha Tri nói chuyện và quyên góp tiền bạc để gây quỹ”. Trong thư ngỏ đó, ông Hợp có than phiền rằng khi ông lên cầm micro xin hỏi vị Giám mục chủ tọa:“Xin Đức cha cho biết, VN có tự do tôn giáo không?” thì bị một số người la ó, giật micro và:“Người xiết tay, kẻ xốc nách, xô đẩy và lôi ra khỏi nhà hàng”. Tôi chỉ nêu lên trường hợp Đức Cha Châu Ngọc Tri với sự dè dặt thường lệ và trích dẫn một vài câu trong Thư Ngỏ của Ông Lý Văn Hợp mà không có lời bình luận nào, vì tôi chưa biết hết sự thật và bối cảnh xảy ra câu chuyện. Tuy nhiên, tôi coi đây là một việc đáng tiếc.
Nếu hai sự kiện trên chưa đủ mạnh để phải đặt lại vấn đề “mục vụ xin tiền”, có lẽ tôi phải nhắc tới bản tin mới đây từ VietCatholic đăng tải:“LM Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Quỳnh dùng giấy giới thiệu giả mạo đang quyên tiền tại Hoa Kỳ”. Bản tin cho biết đương sự nói là xin tiền để “Xây một một trung tâm cho các linh mục tàn tật ở Việt .” Bản thân LM Quỳnh cũng bị tàn tật, ngồi xe lăn đi xin tiền nên càng được nhiều người thương. Cũng may là hành vi bất chính đó bị phát hiện sớm và LM Quỳnh đã phải hoàn lại số tiền $ 6,000 mỹ kim ... chờ Bề trên quyết định.
Giọt Nước Làm Tràn Ly
Trong bài viết này, tôi không có ý đi sâu vào chi tiết các sự việc nói trên, nhưng tôi coi những sự việc đó như là một giọt nước cuối cùng, làm tràn ly nước vốn đã đầy trong lòng tôi, trước cảnh hỗn loạn của đạo quân nhiều màu sắc trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam từ trong nước ra quyên tiền đồng bào Hải ngoại. Thậm chí có người đã bày trò giả mạo, lường gạt để kiếm ăn.
Thật vậy, hiện tượng các chức sắc các cấp của Giáo Hội Công Giáo Việt ra hải ngoại xin tiền từ lâu nay, đã trở thành một đề tài đàm tiếu cho nhiều người nhiều giới. Dù vậy, phần đông chỉ than phiền và đề cập tới những điều chướng tai gai mắt hoặc nói cho qua chuyện rồi lãng quên. Thậm chí như việc giáo dân Quận Cam xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ, bắt loa kêu gọi ầm ĩ phản đối Giám mục Nguyễn Chí Linh thuộc Giáo Phận Thanh Hóa tại bữa tiệc gây quỹ, đã làm dư luận chú ý một thời gian, rồi mọi việc lại chìm vào quên lãng.
Có thể nói, vấn đề này như một thứ ung nhọt gây ra nhức nhối trong thân thể Giáo Hội Công Giáo Việt , đã mang đến không biết bao nhiêu lời bàn ra tán vào. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề, có nhiều người đã dùng cách xoa dầu cao lên nó, có người đã dùng thuốc dán để chặn không cho nó xì mủ ra. Các cách chữa trị đó chỉ có tác dụng làm giảm đau nhưng không thể chặn đứng được sự phát triển của khối ung nhọt. Chưa thấy một người nào đưa vấn đề này ra phân tách, tìm hiểu một cách công khai và đưa ra lời kết luận hợp tình hợp lý cho sự việc. Có người nghĩ rằng, vấn đề này rất tế nhị, nếu nói lên sẽ bị đụng chạm và bị kết án là chống phá Giáo Hội xét vì mục đích việc xin tiền rất cao cả, nào là xây sửa nhà thờ, làm quỹ hưu dưỡng cho các cha già, giúp trẻ em mồ côi... Và gần đây nhất là vị LM tàn tật Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Quỳnh quyên tiền có mục đích xây một “Trung tâm cho các linh mục tàn tật ở Việt Nam”. Có ai dám lên tiếng phản đối việc “mục vụ xin tiền” cho các mục đích quá sức thánh thiện như thế, nếu không khéo bị cho là “kẻ chống phá Giáo Hội”?
Có người cảm thấy việc xin tiền này không ổn, nhưng ngại không dám đặt vấn đề vì thấy chiến dịch “mục vụ xin tiền” quá quy mô, có sự góp mặt rất tích cực của Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Tu sĩ, nói chung là “bộ phận đầu não” của Giáo hội Công Giáo Việt Nam hiện nay đang tham gia vào chiến dịch này. Ai dám lên tiếng? Người Công giáo Việt thường có câu nói: “Chống Cha là chống Chúa”. Như vậy, nếu có một người nào dám nói hoặc viết điều gì đụng chạm tới Hồng Y, Giám mục thì sẽ bị mang tội nặng đến mức nào, chắc chắn bị cho là “kẻ phá đạo” và ...xuống hỏa ngục đời đời!
Bài Học Lịch Sử
Quan niệm đó đã làm tê liệt ý chí của người Công giáo, dung dưỡng cho bao nhiêu thứ sai lầm và tội lỗi xảy ra trong Giáo hội. Tôi nghĩ là còn lâu lắm người Công giáo Việt mới học được bài học về Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus ở Ba Lan. Trong quá khứ, vị Tổng Giám mục này có thành tích làm tay sai cho mật vụ Cộng sản Ba Lan, đã chỉ điểm và báo cáo hãm hại nhiều giáo sĩ chống Cộng sản. Dân chúng biết nhưng không ai dám phản đối vì sợ bị tội “Chống Cha là chống Chúa”, cho đến lúc Tổng Giám mục Wielgus được Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nâng lên chức vụ cao trọng nhất của Giáo Hội Ba Lan, là chức vụ Tổng Giám Mục Warsaw. Sự bổ nhiệm này đã gấy ra làn sóng chống đối mạnh mẽ trong những người biết chuyện, nhưng Giáo Hoàng vẫn giữ nguyên quyết định của mình.
Trời bất dung gian! Ngay trong ngày lễ nhậm chức rất long trọng tại nhà thờ Chánh Toà Warsaw vào ngày 7 tháng Giêng, 2007, bên ngoài nhà thờ có số đông biểu tình phản đối ầm ĩ. Chỉ một giờ trước khi nhậm chức, người ta đã trưng ra bằng chứng cụ thể với lá thơ Tổng Giám mục Wielgus đã ký tên tình nguyện làm điềm chỉ viên cho mật vụ Cộng sản Ba Lan, tiếng bình dân gọi vai trò này là “chó săn”. Do vậy, Wielgus đã phải cúi đầu khóc lóc một cách nhục nhã giữa nhà thờ trước mặt các chức sắc cao cấp nhất của đạo và đời hiện diện trong buổi lễ nhậm chức, kể cả Tổng thống Ba Lan, và dĩ nhiên là trước các ống kính truyền hình phát đi trên toàn thế giới. Một phút trước đó, Tổng Giám mục Wielgus đã chuẩn bị bước lên đài vinh quang như là vị Thiên Thần đại diện Thiên Chúa. Nhưng một phút sau đó, thì con người mang tên Wielgus trong bộ phẩm phục Tổng Giám Mục, bước xuống trong nhục nhã và hiện nguyên hình là một tên “chó săn” của mật vụ Cộng sản Ba Lan! Tôi có viết một bài về sự kiện này vào ngày 10 tháng Giêng 2007. Hôm nay, tôi muốn nhắc lại để kết luận rằng, dù Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám mục, Linh mục hay Tu sĩ, họ cũng chỉ là những con người, mà đã là con người thì ai cũng có thể sai lầm được.
Xác Định Tên Gọi
Nói như thế không có nghĩa bao gồm tất cả mọi chức sắc của Giáo hội Công giáo Việt Nam được phép ra nước ngoài đều là đi xin tiền, nhưng có một số chỉ vì nhằm mục đích này. Người ta tìm cách thay thế việc xin tiền bằng lối nói văn hoa dễ nghe hơn như: kêu gọi đóng góp, vận động tài chánh. Về sau này, tôi rất ngạc nhiên khi thấy việc ra nước ngoài xin tiền đã được nâng cấp với hai chữ “mục vụ” đi kèm theo, tôi thấy hai chữ mục vụ dùng ở đây là không ổn.
Dù sao tôi cũng là một linh mục, tôi hiểu ý nghĩa của hai chữ “mục vụ”. Nói một cách dễ hiểu, mục vụ là việc các vị chủ chăn thăm viếng và chăm sóc đoàn chiên, nhất là những con chiên ốm đau, bệnh tật và túng nghèo, lo lắng giúp đỡ cho họ, nhất là về mặt tinh thần. Hồi còn nhỏ tôi làm “mục đồng” tức là thằng bé chăn trâu, vì gia đình tôi làm nghề nông. Trong vai trò mục đồng tôi chăn giữ đàn trâu 7 con của gia đình, ban ngày tôi lùa trâu cho ăn nơi có nhiều cỏ, buổi chiều tôi tắm rửa kỳ cọ cho đàn trâu trước khi lùa vào chuồng. Khi lớn lên làm linh mục, thi hành mục vụ trong phạm vi được giao phó, thăm viếng, an ủi giúp đỡ giáo dân về mặt tinh thần và cố gắng giúp họ những gì tôi có thể làm được trong vai trò một linh mục. Trong 37 năm của đời Linh mục, tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều trong công tác mục vụ, ý nghĩa nhất là trong thời gian dài tôi làm mục vụ trong nhà tù Cộng sản. Hiểu như vậy, nên tôi không yên tâm khi các vị chủ chăn trong nước ra hải ngoại xin tiền lại kèm theo hai chữ “mục vụ”. Đây là trường hợp lạm dụng danh từ.
Trong thực tế, Cộng đồng giáo dân Việt Nam Hải ngoại có cần các vị chủ chăn trong nước lặn lội ra hải ngoại để “mục vụ” cho họ hay không? Và nếu cần thì cần đến mức độ nào? Và khi ra ngoài này làm mục vụ thì thực sự “công tác mục vụ” đó là gì? Điều tôi thấy không ổn khi nói “mục vụ hải ngoại” là mỗi sau chuyến đi “mục vụ” ngắn hạn, các vị chủ chăn lại về nước mang theo một vò...sữa chiên! Và vò sữa chiên này đầy hay vơi là tùy thuộc vào đẳng cấp và chức vụ mà vị chủ chăn làm công tác “mục vụ” hải ngoại đang nắm giữ trong nước.
Có lúc tôi suy nghĩ vẩn vơ và tự hỏi không biết các vị “chủ chăn” từ trong nước ra “mục vụ’ đàn chiên Hải ngoại, thực sự có phải vì các ngài thương yêu đàn chiên “bơ vơ không người chăn dắt” hay vì các ngài thương cái bầu sữa căng đầy của đàn chiên, nhất là đàn chiên béo tốt sống tại Mỹ ? Nếu tôi có hiểu sai thì xin Chúa tha tội cho tôi, có nhiều bằng chứng cho tôi biết các vị chủ chăn trong nước ra “mục vụ” Hải ngoại là nhắm vào “bầu sữa chiên” hơn là chính con chiên.
Thân Phận Đồng Bào Tị Nạn Cộng Sản
Điều này khiến tôi cảm thấy xót xa cho số phận người Việt tị nạn Cộng sản. Sau ngày 30 tháng Tư 1975 họ đã liều chết trốn chạy chế độ Cộng sản bạo tàn, họ phải bỏ nước ra đi và không biết bao nhiêu người đã phải chết trên đường vượt biên. Bao nhiêu người bị bắt lại, đã chịu tù đày, đánh đập và có nhiều người đã bỏ mạng trong tù vì vượt biên không thành. Số người may mắn còn sống sót trong đó có bao nhiêu phụ nữa đã bị hải tặc hãm hiếp trên bước đường trốn chạy chế độ cộng sản. Khi tìm đến được bến bờ tự do, đồng bào tị nạn vẫn còn nghe văng vẵng bên tai câu nói của tên Thủ tướng Việt cộng ****: đàn ông là hạng ma cô, đàn bà là hạng đĩ điếm...bọn đó phải ra đi cho sạch đất nước..
Nhưng rồi mấy chục năm sau, khi người Việt tị nạn làm ăn phát đạt và chế độ Việt cộng cần đô-la thì con cháu của **** đã trở giọng và âu yếm gọi họ là “khúc ruột xa quê hương ngàn dặm!”. Mới đây chế độ Việt cộng còn ra Nghị quyết 36 với lời lẽ đầy yêu thương và mời gọi đối với Cộng đồng người Việt Hải ngoại. Thực tế, thì chế độ bất nhân đó thương đồng bào Hải ngoại hay thương cái túi tiền của họ, tôi chắc là người mù cũng nhìn thấy được.
Viết tới đây, tôi thấy thương cho thân phận người Công giáo tị nạn Cộng sản. Có lần đọc tin trên Net tôi giật mình khi thấy trong một bài tường thuật của một người tên là Sr Minh Nguyên, viết về chuyến đi Nhật Bản của Hồng Y Phạm Minh Mẫn có linh mục Huỳnh Công Minh, Linh mục Trương Kim Hương tháp tùng, trong đó có đoạn nhắc lại Hồng Y Phạm Minh Mẫn gọi những người Công giáo Hải ngoại là “tha phương cầu thực”. Thấy câu này chướng tai quá, tôi đã email hỏi vị Hồng Y xem thực sự Ngài có nói câu đó hay không. Hồng Y Phạm Minh Mẫn hồi âm, không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi nhưng bằng một email khá dài và đầy văn hoa. Cuối cùng tôi cũng hiểu được ý của Ngài qua câu “tôi không có thói quen dùng cách nói như vậy”. Tôi đã email lại và nói rằng nếu Ngài không có nói câu đó thì xin Ngài cải chính vì tôi e rằng câu đó làm tổn thương cho nhiều người và có thể có hậu quả không hay, nhưng vị Hồng Y không trả lời tôi.
Câu chuyện “Tha phương cầu thực” đã qua đi và tôi tin là Hồng Y Phạm Minh Mẫn không nói câu đó, nhưng tác giả bài tường thuật đã đặt câu nói đó vào miệng của Ngài, và điều ngộ nhận đó đã làm buồn lòng một số người Công giáo tị nạn Cộng sản tại hải ngoại. Tôi đọc được tâm trạng này và xin vị Hồng Y đính chánh để an ủi những người Công giáo Hải ngoại, là những người đã đóng góp rất tích cực khi Ngài ra Hải ngoại xin tiền, vì họ vẫn nghĩ là Ngài đã dùng câu nói “tha phương cầu thực” đối với họ, nhưng Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã không làm. Điều này khiến tôi thấy thương cho thân phận “những con bò sữa” hải ngoại.
Nguyên Nhân Thành Hình
Bất cứ một hiện tượng nào cũng đều có nguyên nhân thành hình của nó. Sự kiện các chức sắc của Giáo Hội Công Giáo trong nước ra hải ngoại xin tiền được cấu thành bởi 3 yếu tố sau đây.
1. Tính rộng rãi của người Công giáo Việt hải ngoại. Đây là một đặc tính rất đáng khen của đồng bào Công giáo, họ rất sẵn sàng đóng góp vào các việc chung, nhất là các việc cụ thể như xây nhà thờ, nhà dưỡng lão, cô nhi viện...Sau thời gian ổn định cuộc sống tại Hải ngoại, họ đã cần cù chăm chỉ làm ăn nhiều người đã trở nên khá giả và rất sẵn sàng để bố thí đóng góp thật rộng rãi vào các việc tôn giáo mỗi khi có lời kêu gọi của các vị chủ chăn, nhất là các chủ chăn có chức vụ cao như Hồng Y, Giám mục, họ càng dâng cúng mạnh hơn.
2. Nhu cầu cần tiền của những chủ chăn trong nước. Nói về nhu cầu thì vô hạn vì đồng tiền bao giờ cũng có thế đứng nhất định của nó trong đời sống con người. Chẳng thế mà có câu ví vui tai sau đây về đồng tiền : “Đồng tiền là tiên là Phật – Là sức bật của tuổi trẻ - Là sức khoẻ của tuổi già – Là đà danh vọng – Là lộng che thân – Là cân công lý - Đồng tiền “hết ý”.Trong đời sống tôn giáo cũng không thoát khỏi định luật này, nhất là trong hoàn cảnh nghèo túng của Giáo hội Công Giáo Việt Nam đã bị chế độ Việt cộng tướt đoạt tài sản đến trắng tay thì nhu cầu phải kiếm tiền lại càng khẩn thiết hơn. Chính vì nhu cầu đó mà bất cứ ai trong tư thế có thể ra hải ngoại xin tiền đều không bao giờ bỏ lỡ cơ hội. Mỗi vị “chủ chăn” ra hải ngoại xin tiền đều có một lý do thánh thiện riêng để trình bày và lý do nào nghe qua cũng cảm động và đáng giúp cả
3. Nhu cầu làm đẹp mặt cho chế độ. Chế độ Việt gian Cộng sản chắc chắn phải khuyến khích và tạo điều kiện cho phong trào mục vụ xin tiền này vì họ có lợi trước mắt. Theo tôi nghĩ, không có cách gì làm đẹp cho bộ mặt của chế độ vô thần Cộng sản hữu hiệu cho bằng hình ảnh các nhà thờ được mọc lên như nấm và càng lúc càng lộng lẫy hơn tại Việt . Hơn nữa việc các chức sắc của Giáo Hội Công Giáo lũ lượt ra hải ngoại kiếm tiền mang về “xây dựng giáo hội quê nhà” là cách tốt nhất để khóa mồm những ai lên tiếng tố cáo chế độ cộng sản Việt Nam là chế độ đàn áp tôn giáo! Đó là chưa nói tới việc các cán bộ “tốt bụng” cho phép các vị ấy ra nước ngoài xin tiền, không thể nào nhắm mắt làm ngơ trước số tiền kếch sù mà các vị chủ chăn mang về trong nước. Ai cũng có thể hiểu là số tiền đó phải chia chác cho bọn cán bộ, vì bọn chúng đã chịu khó “vét từng xu” trong túi của Việt kiều về thăm nhà khi bước qua ngưỡng cửa phi trường, thì không lẽ lại không để ý tới cái túi nặng chình chịch của các vị Hồng Y, Giám mục, Linh mục... đang bước xuống phi trường?
Nói tóm lại, 3 yếu tố nói trên được ví như giấy bổi, dầu xăng và ...cái quạt đã giúp cho ngọn lửa của cao trào “mục vị xin tiền” bốc lên cao. Thực tế, cao trào này đã bắt đầu làm xôn xao dư luận, có thể làm gây rối loạn và phân hoá trong nội bộ các Cộng đồng Công giáo Hải ngoại mà từ lâu có nhiều người gọi cách vui vui là những...con bò sữa!
Đôi Dòng Lịch Sử
Khi viết những dòng chữ này này tôi chợt nhớ tới phong trào bòn vàng ở Mỹ trong các thế kỷ trước. Khi các tin tức về việc khám phá mỏ vàng được loan truyền, dân chúng đổ xô tới làm thành một phong trào bòn vàng rất sôi nổi và có nhiều chuyện đáng nói. Cơn sốt bòn vàng đã làm thay đổi hẳn đời sống xã hội của dân chúng và hình thái mội sinh của một số vùng ở Mỹ. Nhờ vào đó, một số người may mắn đã trở nên giàu có, ngược lại một vài vùng đất màu mở trước kia, sau khi bị cơn sốt bòn vàng hoành hành, đã trở nên hoang phế không còn canh tác được vì đã bị “đào tận gốc, trốc tận rễ” để tìm vàng. Phong trào bòn vàng ở Mỹ ngày xưa có những điểm tương đồng với phong trào “bòn đô-la” của các chức sắc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ngày nay, tuy có 2 điểm khác biệt.
Điều khác biệt trước tiên là ngày xưa bên Mỹ tài nguyên vàng đã nằm sẵn trong lòng đất, dân bòn vàng cứ kéo tới mà đào, xới, đãi, lọc để lấy vàng, nhưng đào mãi có ngày sẽ hết. Ngược lại, ngày nay tài nguyên đô-la nằm trong túi của đồng bào Công giáo tị nạn Cộng sản Hải ngoại không phải tự nhiên mà có. Đây là kết quả của sự cần cù làm ăn, tiết kiệm và để dành tích lũy mà có. Và tài nguyên này có khả năng sẽ còn dài dài.
Điều khác biệt thứ hai là các tài liệu viết về phong trào bòn vàng bên Mỹ có ghi lại tên tuổi những người có công khám phá ra mỏ vàng, nhưng không thấy tài liệu sách vở nào ghi lại ai là người đã lập công đầu trong việc phát hiện ra “mỏ đô-la” nằm sâu trong túi những người Công giáo Việt Nam tị nạn Cộng sản tại Hải ngoại. Nếu biết được, tên tuổi người đó phải được các sử gia viết xuống để đời sau nhớ ơn, nhất là những ai may mắn bòn được nhiều “đô-la” nhất. Về vấn đề này, tôi đã lục lọi lại trí nhớ và nói chuyện bàn hỏi với nhiều người, cuối cùng có thể tạm kết luận phải dành vinh dự tiên phong đó cho Giám mục Nguyễn Văn Sang thuộc Giáo phận Thái Bình. Được biết cách nay không lâu, Giám mục Nguyễn Văn Sang là một trong hai vị Giám mục còn sống được chủ tịch nhà nước Việt cộng Nguyễn Minh Triết trao tặng huân chương “cao quý”. Tôi không hiểu hết những công sức của Giám mục Nguyễn Văn Sang đã và đang tích cực đóng góp cho chế độ như thế nào để được ban thưởng loại huân chương gọi là “cao quý” đó, nhưng tôi nghĩ là trong đó phải kể tới công đã khám phá ra mỏ đô-la nằm trong túi những người Công giáo Việt Nam Hải ngoại.
Những Điều Nghe Thấy
Đã từ lâu rồi, những gì tôi được nghe và thấy liên quan tới “mục vụ xin tiền” thật là phong phú và đa dạng. Phong phú vì được nghe từ nhiều người nhiều giới khác nhau. Đa dạng vì được nghe từ nhiều thành phần ở Hải ngoại cũng như trong nước. Ở Hải ngoại, từ những linh mục phụ trách các cộng đồng, những người cho tiền, người trung gian giúp tổ chức để quyên tiền, người đứng ra tổ chức tiệc quyên tiền, những việc xảy ra chung quanh việc tổ chức tiệc quyên tiền, trường hợp lừa đảo để quyên tiền...và còn nhiều chuyện khác nữa. Khi đồng tiền về tới Việt Nam, từ việc quản lý đồng tiền, về cách thức xử dụng đồng tiền, việc thi đua xây cất nhà thờ ở Việt Nam, trường hợp mất tiền, về lối sống xa hoa của một số người xin được tiền, về vị Linh mục có ngôi nhà thờ gắn máy lạnh đầu tiên tại Việt Nam…và còn nhiều chuyện khác nữa. Tôi không thể kể ra hết những điều mắt thấy tai nghe liên quan tới vấn đề này, tôi tin là có nhiều người cũng đã nghe và biết như tôi. Vả lại, chẳng hay ho và đẹp đẽ gì khi kể lại những sự việc như vậy nên tôi chỉ ghi lại cảm nghĩ về hai sự việc sau đây.
Cách đây vài năm, tôi có dịp đồng tế với một Giám mục từ Việt Nam qua, tại một Cộng đồng khá lớn và giàu có ở Mỹ. Trong thánh lễ, cha quản nhiệm có nhắc giáo dân giúp vị Giám mục. Sau khi tan lễ, vị Giám mục mặc nguyên phẩm phục ra đứng bên ngoài cửa chính nhà thờ, hai bên có 2 vị chức sắc cầm cái giỏ khá to. Giáo dân lần lượt bước ra, người thì đặt tiền vào giỏ, người thì tới bắt tay nói chuyện với vị Giám mục, người khác cố nhét tiền vào tay, vào áo...và nơi nào có thể nhét được trên người vị Giám mục. Vì có đông người muốn bắt tay và cho tiền nên số tiền giấy rơi lả tả dưới đất và vị Giám mục cúi xuống nhặt lên. Cảnh tượng này làm tôi bị “shock”! Có lẽ vì tôi thuộc thế hệ cũ, sinh ra và lớn lên tại một xứ đạo nhà quê và chẳng mấy khi được trông thấy các vị Giám mục. Khi họ đạo có dịp đón Giám mục về ban phép Thêm sức thì quả là một biến cố của họ đạo với nghi thức đón tiếp Giám mục rất linh đình với đầy đủ cờ quạt. Giờ đây, nhìn hình ảnh vị Giám mục đang mặc phẩm phục, cúi khom người nhặt những đồng tiền giấy nằm dưới chân, trước mặt một số đông giáo dân khiến lòng tôi đau xót. Ước gì tôi đừng chứng kiến cảnh tượng đó
Việc thứ hai tôi muốn viết ra đây là trong chuyến ghé qua Mỹ vừa rồi, tôi có ghé Nam Cali. ở nhà một người bạn học từ hồi nhỏ. Trong một lần đề cập tới “chuyện dài quyên tiền”, vợ người bạn kể lại rằng có người đưa giới thiệu với nhóm cầu nguyện của chị một linh mục từ Việt qua xin tiền. Vị linh mục này trình bày lý do rất thương tâm ở Việt và xin mọi người trong nhóm giúp đỡ. Điều đáng nói là trong lúc vị Linh mục này đang ca “bài ca con cá” để xin tiền thì luôn miệng gọi những người đang hiện diện và đồng bào Hải ngoại là “ngụy”. Nhiều người tỏ ra khó chịu, cuối cùng chị vợ người bạn tôi chịu hết nổi đã lên tiếng: “Cha à! Cha gọi tụi con là “ngụy”, tụi con buồn lắm!” Khi ngồi nghe câu chuyện này tôi cảm thấy khó chịu trong người, nhưng cố dằn xuống vì tôi không muốn những giáo dân nghe những lời tôi định nói ra!
Kết Luận
Qua những phần nói trên đọc giả đã hiểu được tâm trạng và sự khó khăn của tôi khi phải đề cập tới vấn đề này một cách công khai. Một vấn đề có thể gây ra tranh luận và sẽ bị phản bác từ những cái loa của chế độ Việt gian Cộng sản. Điều chắc chắn nhất là sẽ bị kết án là nói xấu Hội Đồng Giám Mục Việt . Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận tất cả phản ứng bởi bài viết này, vì tôi đã viết ra những gì tôi biết và suy nghĩ. Tôi biết là sau bài viết này, sự kiện “bòn đô-la” vẫn tiếp tục, vì màu sắc của tờ giấy bạc đôla lúc nào cũng chiếu sáng và mùi vị của nó lúc nào cũng thơm, nhưng sẽ được thực hiện cách kín đáo hơn.
Xin nói rõ ở đây là mục đích tôi viết bài này không phải để phản đối việc người Công giáo Việt Nam Hải ngoại đóng góp tiền bạc để sửa sang và xây dựng lại các cơ sở tôn giáo đã bị đổ nát tại quê nhà. Bản thân tôi đã từng làm công việc đó và tôi sẽ còn làm trong trường hợp thật sự có nhu cầu cần thiết. Tôi biết có nhiều người rất thành tâm thiện chí gởi tiền về giúp các nơi thật sự túng nghèo. Đây là những người đáng ca ngợi vì họ đã sống đúng tinh thần chia sẻ trong Phúc Âm.
Tôi cũng không nói xấu hay đả kích Hội Đồng Giám Mục Việt , vì Hội Đồng Giám Mục Việt đáng thương hơn là đáng trách. Điều tôi muốn nói là có một số người trong hàng ngũ chức sắc của Giáo Hội Công Giáo Việt đã lạm dụng và khai thác quá mức cái túi tiền của người Công giáo Việt Nam Hải ngoại. Hành vi của những con người này đã làm ố danh cho Giáo Hội Công Giáo Việt . Cũng nên ghi nhận là phong trào bòn-đô la này mới xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử 300 năm của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, khi mà Giáo Hội sống dưới chế độ Cộng sản là chế độ vô thần quyết tâm triệt hạ tất cả mọi tôn giáo chân chính, trừ ra các loại Giáo hội do bọn chúng dựng lên hoặc do chúng nắm được quyền kiểm soát.
Ngày nay, khi nhìn vào bề mặt bên ngoài, nhiều người, nhất là những người ngoại quốc lầm tưởng rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang ở vào thời kỳ phồn thịnh, phát triển và có tự do. Không có mấy người biết rằng hiện nay Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang phải trải qua thời kỳ u tối và đáng thương nhất vì CHẾ ĐỘ VÔ THẦN CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐÃ CƯỚP ĐI QUYỀN PHONG CHỨC VÀ BỔ NHIỆM CÁC CHỨC SẮC CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM.
Nói một cách dễ hiểu, hiện nay tại Việt chỉ có những người nào ĐƯỢC CỘNG SẢN CHO PHÉP MỚI ĐƯỢC PHONG CHỨC GIÁM MỤC VÀ LINH MỤC. Đây là điều đau đớn nhất mà Giáo Hội Công Giáo Việt đang phải chịu. Phái đoàn Toà Thánh qua Việt nhiều lần để xin lại quyền này nhưng không được.
Với quyền phong chức và bổ nhiệm nằm trong tay đảng Cộng sản, không lạ gì chiến dịch “mục vụ xin tiền” càng lúc càng phát triển rầm rộ, vì không ai có nhu cầu phải chuyển đô la về trong nước để làm đẹp bộ mặt của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho bằng chính đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà thờ càng nhiều và “hoành tráng” bao nhiêu thì giúp cho bộ mặt của chế độ càng đẹp đẽ bấy nhiêu. Xin mọi người đừng quên rằng, khi nào cần thì đảng Cộng sản chỉ việc ra một Quyết Nghị là tất cả nhà thờ và tài sản đó của Giáo hội sẽ thuộc về nhà nước như họ đã làm trong quá khứ. Hiện nay còn rất nhiều giáo xứ, dòng tu, giáo phận... trong đó có Giáo phận Vĩnh Long của tôi, đang làm đơn khiếu nại và “xin lại” tài sản của Giáo hội bị chế độ cướp đi từ năm 1975, nhưng nào có được kết quả gì!
Có ai dám bảo đảm với tôi rằng chế độ ăn cướp đó sẽ không tái diễn lại màn tịch thu tài sản của Giáo Hội một lần nữa? Có lúc tôi nghĩ, những tay cán bộ Cộng sản quỷ quái ở Việt là những tên phù thủy cao tay ấn, bọn chúng ngồi nhà và sai “âm binh” đi thu gom về những gì chúng muốn.
Nguyện Vọng Thiết Tha
Sự phát triển rầm rộ của chiến dịch mục vụ xin tiền đã tạo ra xôn xao trong dư luận và bắt đầu gặp phản ứng công khai rất bất lợi của giáo dân hải ngoại. Xin hàng Giáo phẩm trong nước hãy nhớ rằng, cộng đồng Việt Nam Hải ngoại là những nạn nhân của chế độ Cộng sản, phải hiểu rằng họ có cái nhìn và sự hiểu biết về chế độ Cộng sản khác hơn cái nhìn của một số chức sắc Công giáo trong nước. Do đó việc các Giám mục chọn thời điểm gần ngày Quốc Hận 30 tháng Tư 2007 để mở tiệc mừng quyên tiền ngay giữa lòng Thủ Đô Tị Nạn bị nhiều người coi là hành động vô tâm, mang tính cách thách thức sự đau đớn của những nạn nhân Cộng sản
Để kết thúc bài viết này, tôi xin nói, qua dư luận từ nhiều phía và những lời đàm tiếu về tình trạng các Hồng Y, Giám Mục, Linh mục và Tu sĩ nam nữ từ trong nước ra hải ngoại xin tiền từ nhiều năm qua và nhất là qua các sự việc đáng tiếc xảy ra trong các tiệc gây quỹ của một vài Giám mục trong thời gian gần đây, tôi xin thưa với hàng Giáo phẩm và Linh mục Tu sĩ trong nước rằng “ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI CHẤM DỨT MỤC VỤ XIN TIỀN”
Xin đừng biến Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Hải ngoại vốn là vùng đất màu mỡ trước kia phải trở nên hoang phế không còn canh tác được vì bị những kẻ bòn đô-la “đào tận gốc, trốc tận rễ” như hậu quả thảm thương gây ra bởi bàn tay của những kẻ bòn vàng trong lịch sử Hoa Kỳ. Đã có dấu hiệu cho thấy sự bất mãn của Cộng đồng Công giáo Việt Nam tị nạn Cộng sản tại Hải ngoại dâng cao lên tới mức đáng phải chú ý
Tại thành phố Auckland ,
Ngày 25 tháng 8 năm 2007
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ

No comments: