Monday, September 26, 2011

VIET NAM & THẾ GIỚI

Đánh mất cơ hội
Gia Minh, biên tập viên
2011-09-22


Trước tình hình Trung Quốc có những hành động gây hấn tại Biển Đông, xâm phạm chủ quyền Việt Nam, nhiều người Việt trong và ngòai nước dù khác biệt chính kiến đã tỏ ra có một điểm chung là lòng yêu nước kiên quyết bảo vệ sự tòan vẹn lãnh thổ đất nước.

AFP

Công an ngăn chặn đoàn biểu tình tại Hà Nội (tháng 7/ 2011)
Nhiều người đánh giá đây là một dịp hiếm có giúp hòa giải, đòan kết dân tộc. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng ‘cơ hội tốt’ đó đang bị chính nhà cầm quyền Hà Nội bỏ lở.
Khi lòng dân lên cao
Trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn suốt những tháng sáu, bảy và tám vừa qua tại Hà Nội cũng như Sài Gòn, người ta nhận thấy có nhiều thành phần dân chúng khác nhau tham gia.

Chính những người trong cuộc có nhận xét về sự ‘đồng lòng, nhất trí’ giữa những người xuống đường biểu tình chống Trung Quốc gây hấn như thế.
Nhà văn Nguyên Ngọc, một trí thức- một lão thành cách mạng tại Việt Nam, người xuất hiện trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hồi chủ nhật 14 tháng tám vừa qua cho biết đánh giá của ông về những người tham gia biểu tình:

"Chắc anh có biết trong những cuộc triển lãm như Hoa Anh Đào do Nhật tổ chức, có thể họ nằm trong số đi phá hoa anh đào, điều đó làm cho mình khi suy nghĩ về văn hóa buồn lắm…; thế nhưng khi động đến vấn đề
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Nhà văn Nguyên Ngọc trong đoàn biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 14-08-2011. Courtesy NguyenXuanDien.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Nhà văn Nguyên Ngọc trong đoàn biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 14-08-2011. Courtesy NguyenXuanDien.
chống ngọai xâm, vấn đề yêu nước, những gì tốt đẹp nhất trong con người bộc lộ ra, những gì sáng láng, văn minh nhất trong con người được bộc lộ ra."

Blogger Mẹ Nấm, một người sinh sống tại Nha Trang, và có dịp ra Hà Nội hòa vào dòng người biểu tình trong chủ nhật ngày 7 tháng 8 cũng có nhận xét:

"Họ có ý thức cao về chuyện đó và tự chịu trách nhiệm về việc họ làm. Ví dụ đi trong đòan, mọi người không ai bảo ai mà biết phải tự đi đâu, giữ nhịp hô khẩu hiệu thế nào cho đều mà luôn ‘giữ lửa’ được."

Theo nhà văn Nguyên Ngọc đó là một cơ hội hiếm có để những người lãnh đạo đất nước tập hợp, đòan kết dân tộc tại sau những cuộc chiến tương tàn:

"Thực ra những người đi biểu tình đó còn nhiều bất bình về xã hội, nhưng vì lòng yêu nước người ta sẵn sàng dẹp hết. Điều đó trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã có như từ thời Trần Hưng Đạo. Bao nhiêu chuyện bất bình, thậm chí chuyện riêng tư trong dòng họ…

Thế mà khi động đến những vấn đề về tổ quốc, độc lập, lòng yêu nước, dân tộc mình sẵn sàng dẹp hết. Điều đó rất rõ tại Hà Nội qua những cuộc biểu tình chống Trung Quốc vừa rồi.

Tôi biết có những người đi bên cạnh tôi họ không bằng lòng lắm với nhiều vấn đề xã hội, thậm chí nói rõ hơn với nhà cầm quyền; nhưng vì lòng yêu nước, độc lập dân tộc mà họ xem là tối cao.

Tôi cho đây là cơ hội lớn để tập hợp dân tộc. Vì điều kiện lịch sử, dân tộc mình có những chia rẽ bên trong dân tộc mà chúng ta đã hiểu hết rồi. Trong cuộc biểu tình vào ngày 24, mỗi người mang tên liệt sỹ hy sinh ở Hòang sa, người khác mang tên một liệt sỹ hy sinh tại Hòang Sa. Ai cũng biết họ là những liệt sỹ thuộc hai
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội. AFP
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội. AFP
chế độ chống đối nhau. Đó là bi kịch của dân tộc."

Tôi cho đây là cơ hội lớn để tập hợp dân tộc. Vì điều kiện lịch sử, dân tộc mình có những chia rẽ bên trong dân tộc mà chúng ta đã hiểu hết rồi.
Nhà văn Nguyên Ngọc

Nếu những nguời lãnh đạo giỏi, hiểu sâu sắc điều này thì đây là cơ hội để tập hợp tòan bộ dân tộc để giữ đất nước. Nhưng tôi tiếc là người ta chưa nhận thức ra và vì điều gì đó mà chưa tin một cách sâu sắc điều đó."

Mất thời cơ...
Hồi ngày 21 tháng 8 vừa qua xuất hiện thư ngỏ của 36 trí thức hải ngọai bày tỏ ủng hộ của họ đối với bản tuyên báo ngày 25 tháng 6 năm 2011 của 95 nhân sĩ trí thức trong nước về việc lên án Trung Quốc gây hấn, xâm phạm chủ quyền và tòan vẹn lãnh thổ Việt Nam; cũng như hưởng ứng kiến nghị ngày 20 tháng 7 yêu cầu quốc hội và Bộ chính trị Việt Nam công khai hóa hiện trạng quan hệ Việt- Trung, đổi mới chính trị, tôn trọng các quyền tự do dân chủ của người dân để có thể phát triển đất nước.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, một cựu tù nhân lương tâm đang còn bị quản chế, nói về những hành động cụ thể mà người dân Việt có thể làm trong tình hình hiện nay, cũng như yêu cầu cấp bách để phát triển đất nước:

"Hành động cụ thể thì chúng ta chưa thể làm gì lớn, nhưng trước hết phải thực hiện quyền của mình ghi trong Hiến pháp là quyền đi biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước, chống lại sự hung hăng của phía Trung Quốc.

Vào những lúc tổ quốc lâm nguy con người Việt Nam xích lại gần nhau nhưng nhiều cơ hội bỏ lỡ lắm. Lúc này người ta cũng sẽ bỏ lỡ.
Kiến trúc sư Trần Thanh Vân

Thứ đến nếu muốn phát huy được sức mạnh của khối đại đòan kết dân tộc, tập hợp được sức mạnh của cả
Biểu tình chống Trung Quốc tại California. Photo by Ngọc Lan
Biểu tình chống Trung Quốc tại California. Photo by Ngọc Lan
trong và ngòai nước, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chúng ta phải dân chủ hóa xã hội. Đó là hai mục tiêu chính mà nhân dân Việt Nam chúng ta phải làm."

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân từ Hà Nội cũng có nhận định về việc đóng góp của trí thức trong và ngòai nước cũng như khả năng đóng góp đó bị bỏ qua:

"Tôi có đôi lần viết, phát biểu: vào những lúc tổ quốc lâm nguy con người Việt Nam xích lại gần nhau nhưng nhiều cơ hội bỏ lỡ lắm. Lúc này người ta cũng sẽ bỏ lỡ.

Tuy nhiên giới trí thức không thèm chấp, lòng họ thế nào đã thể hiện ra rồi và sự quan tâm của họ đối với đất nước bằng nhiều hình thức, có lẽ đến lúc những kẻ vô cảm phải suy nghĩ trân trọng mọi người hơn. Dân ta ở nước ngòai nhiều lắm, bỏ rơi là thiệt thòi quá."

Sử gia Dương Trung Quốc có giải thích đối với câu hỏi liệu có phải Việt Nam bỏ lở nhiều cơ hội để đòan kết dân tộc phát triển đất nứơc:

"Bao giờ cũng có nhiều yếu tố: chủ quan, khách quan, có thể do tác động bên ngòai. Tôi ví dụ cuộc chiến tranh bùng nổ năm 46, nay được các nhà sử học chứng minh đó là do chính giới diều hâu trong chính phủ Pháp. Nổ lực của chính phủ Việt Nam lúc đó là tìm một phương thức hòa hiếu với Pháp để bảo tồn nền độc lập của Việt Nam, ký cả Hiệp định mồng 6 tháng 3.

Hay tôi xin nói tôi là người chứng kiến ông McNamara gặp ông Võ Nguyên Giáp hai lần, câu đầu tiên ông McNamara hỏi cũng là ‘có cơ hội nào bị bỏ lỡ hay không’; chính ông Giáp nói rằng tôi là người nước nhỏ làm sao chúng tôi muốn đi đánh nhau với nước lớn, nước giàu."

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam. AFP
Như thế rõ ràng không phải vấn đề thông tin, tuy nhiên còn nhiều vấn đề đứng về mặt chính trị mà nhìn rất phức tạp. Tất nhiên Việt Nam không phải không bỏ qua những cơ hội mà bị bõ lỡ hiểu theo nghĩa ‘sự chần chừ, sự không quyết đóan, sự còn bị ràng buộc bởi nhiều cái yếu tố khác làm cho người ta chậm đi sự nhận thức và bị thời đại vượt qua’. Điều đó đương nhiên có."

Trong khi nhiều thành phần dân chúng trong và ngòai nước, nhất là các vị trí thức lên tiếng về hiểm họa mới từ Phương Bắc với bao thực tế cụ thể trong mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa như lâu nay.

Họ muốn cùng chung tay với chính quyền trong việc bảo vệ đất nước như từng xảy ra trong lịch sử dân tộc suốt bao đời qua mỗi khi có họa ngọai xâm. Việc làm cụ thể của họ là đưa ra những kiến nghị với nhà cầm quyền và xuống đường biểu tỏ lòng yêu nước.

Tuy vậy, chính quyền Hà Nội đã có nhiều đòan của các bộ ngọai giao và quốc phòng sang Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Và cụ thể nhất là tại cuộc đối thọai an ninh quốc phòng Việt Nam- Trung Quốc lần thứ hai ở Bắc Kinh hồi ngày 28 tháng 8 vừa qua, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu với bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt sẽ kiên quyết dẹp những vụ tập trung tự phát đông người ở Hà Nội như trong thời gian vừa qua nhằm phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc.

Một lần nữa, chính quyền Hà Nội không đáp ứng nguyện vọng của người dân được góp phần bày tỏ lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền của đất nước; mà bỏ ngòai tai mọi yêu cầu bằng hành động biểu tình rồi kiến nghị, thư ngỏ được gửi đến cho họ. Một cơ hội phát huy sức mạnh người dân cả trong và ngòai nước đang bị để trôi đi.


Video: Công an bắt giữ nhiều người biểu tình chống Trung Quốc


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chance-for-nation-reconcila-miss-09222011071544.html


Chính sách “Hướng Đông”của Ấn Độ
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-09-22

Trong cuộc đối thoại thường niên cấp bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng tại San Francisco ngày 15 tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên Hoa Kỳ và Úc chính thức kêu gọi Ấn Độ thực hiện chính sách “Hướng Đông” một cách sâu sắc hơn.

AFP photo

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton tại một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm giữa Hoa Kỳ và Úc tại San Francisco vào ngày 15 tháng 9 năm 2011.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Ấn Độ sẽ khó lòng đóng một vai trò lớn tại vùng này khi chưa thấy một lợi ích rõ ràng của nước này tại khu vực. Quỳnh Chi hỏi chuyện ông Karl F. Inderfurth, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đặc trách vấn đề chính trị và cũng từng là trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Nam Á sự vụ, bao gồm Ấn Độ, từ năm 1997 đến năm 2001.
Vấn đề an ninh khu vực

Trước tiên, ông Karl cho biết về chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ:

Ấn Độ đã bắt đầu theo đuổi chính sánh “Hướng Đông” từ năm 1992 nhưng cho đến những năm gần đây, nước này mới thực sự có những hành động thực hiện chính sách này. Ấn Độ có nhiều hoạt động liên quan đến việc xây dựng kinh tế ở vùng Châu Á Thái Bình Dương. Ví dụ, Ấn Độ đã có những thỏa thuận thương mại với ASEAN, thỏa thuận về tự do thương mại với Singapore và Thái Lan, Nhật Bản và một số quốc gia châu Á khác nữa. Với những ảnh hưởng về kinh tế, Ấn Độ đang ngày càng trở nên gần hơn với khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Quỳnh Chi: Thưa ngài Đại sứ, ông nói đến vấn đề cấu trúc kinh tế mà Ấn Độ đang muốn xây dựng với khu vực Đông Nam Á, thế còn vấn đề an ninh, quân sự thì sao thưa ông?

Ông Karl F. Inderfurth: Về vấn đề an ninh của khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng là một vấn đề quan trọng, tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tất cả những rắc rối xảy ra trong tương lai ở khu vực này vẫn liên quan đến vấn đề kinh tế và năng lượng là chính. Nói tóm lại, chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ đã được nước này chính thức thông báo từ năm 1992, và chủ yếu tập trung về vấn đề kinh tế; nhưng gần đây, Ấn Độ cũng tham gia vào các hoạt động an ninh. Cho nên, tôi nghĩ là trong tương lai, Ấn Độ sẽ ngày càng có nhiều hoạt động tại phương Đông nữa.

Quỳnh Chi: Vâng, có thể thấy là Ấn Độ đang tiến gần về các nước phương Đông, gần đây nhất là chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng nước này, ông S. M. Krishna, đến Việt Nam. Tuy nhiên, dường như Ấn Độ không có lợi ích ở Biển Đông, liệu nước này có thể đóng một vai trò lớn tại khu vực Đông Nam Á không?

Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia mạnh ở khu vực Châu Á cho nên việc hai nước tìm cách để có thể hợp tác với nhau là rất quan trọng, kể cả những gì họ đồng ý và không đồng ý như tranh chấp lãnh thổ.
Ô. Karl F. Inderfurth

Ông Karl F. Inderfurth: Thực ra, Ấn Độ cũng tham gia vào các hoạt động của vùng Đông Nam Á như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng. Tôi nghĩ Ấn Độ cũng muốn có nhiều hoạt động hơn với các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia mạnh ở khu vực Châu Á cho nên việc hai nước tìm cách để có thể hợp tác với nhau là rất quan trọng, kể cả những gì họ đồng ý và không đồng ý như tranh chấp lãnh thổ.

Quỳnh Chi: Nhân nói đến nhân tố Trung Quốc, khi Ấn Độ tuyên bố sẽ theo đuổi dự án khai thác dầu khí cùng Việt Nam, các nhà phân tích Trung Quốc cụ thể là ông Shen Dingli tại trường đại học Fudan cho rằng Ấn Độ đang có chính sách chống lại Trung Quốc. Là một người am hiểu chính sách Ấn Độ, ông có ý kiến gì về dư luận này?

Ông Karl F. Inderfurth: Tôi không nghĩ là Ấn Độ có chính sách chống lại Trung Quốc. Đây là những vấn đề mà các quốc gia trong khu vực đều quan tâm và tìm xem cách giải quyết thế nào là phù hợp. Cả chính phủ Ấn Độ và Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố là Ấn Độ có chính sách chống lại Trung Quốc. Tóm lại, tôi nghĩ rằng, một bên sẽ hết sức cẩn thận và để ý đến những gì xảy ra, bao gồm các vấn đề thăm dò dầu khí, về hàng hải…Bởi vì không phải chỉ đường bộ mới có luật lệ mà đường biển cũng thế.
Gia tăng ảnh hưởng trên biển

Quỳnh Chi: Vâng, thế nhưng, với những tranh chấp lãnh thổ kéo dài cho đến bây giờ, hiện nay có dấu hiệu cho thấy hai nước này đang gia tăng ảnh hưởng trên biển. Vậy liệu việc Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng cường ảnh hưởng mà lại không gây mất lòng nhau là có khả thi không?

000_Del239727-250.jpg
Hải quân Wu Shengli (T) và Đô đốc Ấn Độ Sureesh Mehta (P) trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ năm 2008. AFP
Ông Karl F. Inderfurth: Hiện nay đang có những câu hỏi về sự ảnh hưởng của hai nước này về trên biển khi cả hai nước đang xây dựng và phát triển hải quân. Trong chuyến đi gần đây đến Ấn Độ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ bà Hilary Clinton cũng phát biểu là việc ba nước Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Trung Quốc tìm cách để có thể làm việc với nhau là rất quan trọng vì tất cả đều có vai trò quan trọng trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Quỳnh Chi: Liệu việc Ấn Độ đẩy mạnh chính sách “Hướng Đông” như vậy thì có xao lãng đi vai trò của nó tại Ấn Độ Dương không bởi vì có tin nói là Trung Quốc chuẩn bị mở rộng thăm dò khoáng sản ở Ấn Độ Dương?

Ông Karl F. Inderfurth: Tôi nghĩ là Ấn Độ sẽ đóng một vai trò chính trong vùng Ấn Độ Dương bởi đây là khu vực quan trọng nhất đối với lợi ích kinh tế và năng lượng cũng như an ninh của nước này. Khu vực này cũng tạo ra nhiều căng thẳng cho thế giới bởi nguồn dầu hỏa tại đây cũng như bởi vì đây là thủy lộ quan trọng của thế giới. Cho nên, Ấn Độ Dương vẫn sẽ là trọng tâm chính của Ấn Độ trong những năm tới. Tuy nhiên, những khu vực đại dương khác cũng quan trọng đối với Ấn Độ. Chính vì thế mà trong một chuyến viếng thăm Ấn Độ, bà Hilary Clinton đã nói rằng cần thiết xây dựng kết cấu khu vực để bảo đảm những qui tắc, luật lệ.

Quỳnh Chi: Xin cám ơn ngài Đại sứ.

Tôi nghĩ là Ấn Độ sẽ đóng một vai trò chính trong vùng Ấn Độ Dương bởi đây là khu vực quan trọng nhất đối với lợi ích kinh tế và năng lượng cũng như an ninh của nước này.
Ông Karl F. Inderfurth

Vừa rồi là cuộc trò chuyện giữa Quỳnh Chi và Karl F. Inderfurth, từng là trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Nam Á sự vụ.
Xin được nhắc lại, Ngoại trưởng Ấn Độ, S.M. Krishna vừa kết thúc chuyến viếng thăm 4 ngày tại Việt Nam với Biển Đông trong chương trình nghị sự. Đầu tháng 10 tới, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc hội đàm cấp cao tay ba đầu tiên tại Tokyo. Một trong những vấn đề chính sẽ được thảo luận là vấn đề hàng hải.

Theo tờ Financial Times, tháng 7 vừa qua, sau khi thăm Nha Trang và Hải Phòng, tàu INS Airavat của Ấn Độ bị tàu Trung Quốc cảnh cáo. Tuần trước, Trung Quốc đã chính thức gửi công hàm ngoại giao tới Ấn Độ cho biết New Delhi phải được phép của Trung Quốc mới được khai thác khu vực lô 127 và lô 128 vì hai lô này thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

Một ngày sau khi ông Vishnu Prakash, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, lên tiếng chính thức cho biết nước này cương quyết theo đuổi việc hợp tác với Việt Nam, ngày 17 tháng 9 Trung Quốc thông báo sẽ mở rộng thăm dò khoáng sản tại Ấn Độ Dương.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/india-look-east-policy-qc-09222011173956.html


Quan hệ liên minh Mỹ - Úc
Việt Hà, phóng viên RFA
2011-09-22

Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao – Quốc phòng Mỹ Úc, hay còn gọi là AUSMIN đã kết thúc hôm 15 tháng 9 vừa qua tại San Fransisco, Mỹ.

AFP photo

Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith, Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại cuộc họp báo chung tại San Francisco vào ngày 15/9/2011

Trong bản tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, cả hai nước đã nói đến tầm quan trọng của hợp tác an ninh mạng, hợp tác giữa Mỹ Úc với Ấn Độ, Trung Quốc, và tranh chấp trên biển Đông. Vậy tại sao cả Mỹ và Úc lại nhấn mạnh đến an ninh mạng, đến tầm quan trọng của hợp tác với Ấn Độ và Trung Quốc, quan điểm của hai nước trong việc giải quyết vấn đề biển Đông có gì đặc biệt?
Nhiều điểm mới

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm hiệp ước quân sự Úc New Zealand Mỹ, hội nghị tham vấn cấp bộ trưởng ngoại giao quốc phòng Mỹ, Úc hàng năm đã được tổ chức tại San Fransisco vào trung tuần tháng 9. Hội nghị lần này đã cho thấy nhiều điểm mới trong quan hệ liên minh giữa hai nước bên bờ Thái Bình Dương.

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta khẳng định tầm quan trọng của mối liên minh hai nước khi ông nói rằng chiều sâu và rộng của các cuộc đàm phán hai bên đã khẳng định Úc là một đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Việc củng cố quan hệ liên minh hai nước cho thấy cả hai bên đều nhìn nhận rằng an ninh và thịnh vượng của cả hai nước phụ thuộc vào an ninh và sự thịnh vượng của khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Trong bản tuyên bố chung sau hội nghị, hai bên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hợp tác an ninh mạng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói đây chính là chiến trường trong tương lai.

Có ý kiến cho rằng Mỹ và Úc đang muốn gửi thông điệp đến Trung Quốc vì nghi ngờ Trung Quốc đứng sau những vụ tấn công mạng nhắm vào chính phủ và công ty Mỹ thời gian gần đây.

Hồi cuối tháng 7, công ty an ninh mạng McAfee có báo cáo cho rằng đã có một chiến dịch trong 5 năm qua nhắm vào mạng của các công ty và chính phủ của các nước trong đó có Mỹ, Việt Nam, Canada, và Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trong các vụ tấn công mạng này.

Mỹ và Úc cũng kêu gọi sự tham gia tích cực của Trung Quốc vào các vấn đề của châu Á và thế giới nhằm đạt được an ninh và ổn định chung. Mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc được nói đến bao gồm cả kinh tế và an ninh quốc phòng.

Ông Geoffrey Garret, Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc đại học Sydney, nói rằng quan hệ giữa Úc và Trung Quốc là một mối quan hệ hỗn hợp và cân bằng giữa lợi ích của hai nước về kinh tế và lo lắng về những tham vọng của Trung Quốc:

"Có hai điều quan trọng về Australia khi chúng ta đề cập đến Trung Quốc, điều đầu tiên là Trung Quốc cần các nguyên liệu thô nhập khẩu từ Úc, tương lai sẽ là cả khí đốt, rồi uranium, thực phẩm. Nhập khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc từ Úc đã thúc đẩy phát triển kinh tế tại Úc.

Cho nên về mặt kinh tế, quan hệ hai nước là rất tốt đẹp. Nhưng mặt khác, một số người Úc lại lo lắng về những tham vọng của Trung Quốc trong khu vực cho nên quan hệ giữa Úc và Trung Quốc là một quan hệ hỗn hợp và cân bằng, nó có điểm tốt là quan hệ kinh tế, nhưng cũng có lo ngại về tham vọng của Trung Quốc hay nói cách khác thì đó là những lo ngại về an ninh do sự lớn mạnh của Trung Quốc và về điểm này thì Úc là đồng minh của Mỹ."
Quan ngại quốc phòng TQ
000_Hkg5372249-250.jpg
Người dân Trung Quốc xem các mô hình máy bay quân sự tại hội chợ triển lãm hàng không Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 21/9/2011. AFP photo
Hồi cuối tháng 8, Bộ quốc phòng Mỹ công bố một bản báo cáo bày tỏ quan ngại của Hoa Kỳ trước sự gia tăng sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc. Hoa Kỳ cho rằng chỉ vào khoảng cuối thập kỷ này, Trung Quốc sẽ có thể có được sức mạnh quân sự và duy trì được một lực lượng hải quân cũng như bộ binh ở mức độ vừa cho các xung đột ở xa Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng chỉ trong vòng 10 năm nữa, Trung Quốc có khả năng thách thức sức mạnh của Hoa Kỳ trên biển tại khu vực Đông Á.

Nỗi lo ngại này cũng là một phần lo ngại của đồng minh Úc. Sách trắng quốc phòng của Úc gần đây nhất là vào năm 2009 cho rằng Úc cần phải tăng thêm chi phí quốc phòng, đặc biệt là lực lượng hải quân, mua sắm thêm các tàu ngầm quy ước đời mới, để bảo vệ Úc khỏi hướng tấn công từ phía bắc. Theo chuyên gia Geoffrey Garret thì đây có thể được hiểu là phản ứng đầu tiên của Úc trước thái độ hiếu chiến của Trung Quốc thời gian gần đây.

Cả hai thủ tướng gần đây nhất của Úc cũng đều đã lên tiếng khẳng định sự cần thiết phải thiết chặt hơn nữa liên minh Úc Mỹ. Chính bộ trưởng Quốc Phòng Úc Stephen Smith cũng khẳng định điều này sau cuộc họp AUSMIN khi ông nói cả hai nước sẽ gia tăng các họat động chung, tập trận chung, sẽ có nhiều chuyến viếng thăm lẫn nhau của tàu chiến, máy bay và quân đội hai nước.

Việc củng cố liên minh Mỹ Úc lúc này, theo các chuyên gia, là để đối phó với một mối đe dọa mới là Trung Quốc, thay vì mối đe dọa là Liên Xô trước kia trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Chuyên Geoffrey Garret viết trên tờ The Australian rằng trọng tâm của mối liên minh vào thế kỷ 21 sẽ chắc chắn là Trung Quốc.

Thách thức lớn nhất là tìm cách gia tăng các mối lợi từ sự lớn mạnh của Trung Quốc, trong khi đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ là một người chơi có trách nhiệm trên thế giới. Chuyên gia này cho rằng mặc dù sự lớn mạnh của Trung Quốc làm Úc và Mỹ quan ngại nhưng đây không thể là một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai:

"Tôi không nghĩ chúng ta đang ở trong cuộc chiến tranh lạnh thứ hai. Lý do là vì vấn đề kinh tế, Liên Xô trước kia hoàn toàn không tham gia vào nền kinh tế tư bản trên thế giới, nhất là đối với Mỹ và Úc hay các nước có nền kinh tế tư bản khác, nhưng khi nói về Trung Quốc thì Trung Quốc ngày nay đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tư bản của thế giới, và nền kinh tế tư bản cũng quan trọng đối với Trung Quốc.

Điều này tạo nên một mối quan hệ ổn định cần thiết giữa Mỹ và Trung Quốc, cho nên dù đôi khi chúng ta thấy những vấn đề, những căng thẳng trên biển Đông, hay chúng ta có vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan gần đây, vân vân nhưng những vấn đề đó được sắp xếp khá hiệu quả bởi lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vì họ hiểu là dù duy trì quan điểm của mình là điều quan trọng nhưng không thể để các vấn đề này vượt quá tầm kiểm soát."

Với sự lớn mạnh của Trung Quốc trong khu vực và ảnh hưởng của nước này đối với bán đảo Triều tiên và khu vực Đông Nam Á, cả Úc và Mỹ cũng nhìn thấy tầm quan trọng của việc gia tăng hợp tác với các nước đồng minh khác trong khu vực là Nhật Bản và Nam Hàn.
Quan hệ Trung - Ấn
000_Del239727-250.jpg
Hải quân Wu Shengli (T) và Đô đốc Ấn Độ Sureesh Mehta (P) trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ năm 2008. AFP
Ngoài ra người ta cũng thấy bản thông cáo chung nói đến Ấn Độ. Úc và Mỹ hoan nghênh sự tham gia của Ấn Độ vào các vấn đề Đông Á nằm trong chính sách hướng Đông của Ấn. Hai nước kêu gọi thắt chặt hơn nữa hợp tác với Ấn Độ trong đó có hợp tác về an ninh hàng hải.

Trung Quốc và Ấn Độ vốn có những căng thẳng không chỉ trên biên giới đất liền mà còn cả trên biển Ấn Độ Dương, và gần đây nhất là biển Đông. Vài tuần trước tuyên bố chung AUSMIN, tàu INS Viraat của hải quân Ấn Độ đã bị tàu Trung Quốc chặn trong chuyến thăm của tàu này đến Việt Nam.

Hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu tập đòan dầu mỏ quốc gia Ấn độ ONGC phải ngưng việc thăm dò hai lô dầu khí 127 và 128 ngoài khơi miền Trung Việt Nam vì cho rằng hai lô này nằm trong chủ quyền của mình.

Tuyên bố chung AUSMIN lần này cũng khẳng định quan điểm của Úc và Mỹ đối với vấn đề biển Đông, đó là không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền thuộc vùng biển này. Cả hai nước khẳng định quyền lợi của mình đối với việc đảm bảo tự do hàng hải, an ninh và ổn định tại khu vực này. Mỹ và Úc kêu gọi các bên liên quan thực hiện nghiêm túc bản tuyên bố về ứng xử của các bên năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, tránh mọi hành động sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp.

Các chuyên gia Úc cho rằng rất khó có sự can thiệp về quân sự của Úc tại khu vực Đông Nam Á, nhất là trong khu vực biển Đông nếu có xảy ra xung đột quân sự, trừ khi có sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên với tuyên bố AUSMIN, cả Úc và Mỹ đã cho Trung Quốc và các nước trong khu vực thấy cam kết của các nước này vào việc duy trì an ninh và ổn định trong khu vực.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-aus-alliance-face-cn-vh-09222011170537.html


Báo chí Trung Quốc lên án hợp tác năng lượng Việt Nam-Ấn Độ
Một giàn khoan dầu của tập đoàn Ấn Độ ONGC ( ảnh: en.wikipedia.org)
Một giàn khoan dầu của tập đoàn Ấn Độ ONGC ( ảnh: en.wikipedia.org)
Đức Tâm

Hôm nay, 22/09/2011, Bắc Kinh chính thức có phản ứng về việc Việt Nam và Ấn Độ hợp tác thăm dò khai thác dầu khí tại Biển Đông. Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, được Reuters trích dẫn, tố cáo dự án thăm dò dầu khí giữa hai tập đoàn của Nhà nước Ấn Độ và Việt Nam là ONGC và Petrovietnam, ở phía tây quần đảo Trường Sa, trên Biển Đông, có nguy cơ tác động xấu đến quan hệ với Trung Quốc, đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của cả Việt Nam và Ấn Độ.

Theo tờ báo, thì cả hai khu vực nằm trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và đó là một sự vi phạm đối với chủ quyền Trung Quốc. Cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc cảnh báo, nếu Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục dự án thì điều này có thể làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc cũng như đối với « sự ổn định và phát triển kinh tế hòa bình trên toàn Biển Đông, các mất mát sẽ lớn hơn những khoản lợi ».

Mặc dù không nêu đích danh Việt Nam và Ấn Độ, nhưng hôm thứ hai, 19/09, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố rằng mọi dự án hợp tác đều là «bất hợp pháp và không có giá trị» nếu không có sự chấp thuận của Trung Quốc.

Tuần trước, chính quyền New Delhi nói rằng các doanh nghiệp của Ấn Độ, trong đó có tập đoàn ONGC Videsh (OVL) và một chi nhánh của tập đoàn Essar Oil đang mở rộng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng.

Theo giới quan sát, Ấn Độ đang tìm cách gia tăng sự hiện diện trong khu vực và giữa năm nay, một tàu hải quân của Ấn Độ khi đang di chuyển ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam đã nhận được một thông điệp từ phía tàu Trung Quốc nói rằng đó là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Việc Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam cũng phần nào đáp trả lại hàng loạt dự án của Trung Quốc trong khu vực Nam Á.

Ấn Độ (năm 1962) và Việt Nam (năm 1979) có xung đột biên giới với Trung Quốc. Tuy nhiên, các mối quan hệ này hiện nay ổn định hơn, cho dù Hà Nội và Bắc Kinh vẫn có những tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông.

Hiện có 6 quốc gia và lãnh thổ đang tranh chấp chủ quyền trong khu vực quần đảo Trường Sa, đó là Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông.

Trong tháng Năm và tháng Sáu vừa qua, chính quyền Hà Nội đã tố cáo tàu Trung Quốc quấy nhiễu và đe dọa các tàu Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bắc Kinh đáp lại rằng các hoạt động của tàu bè Trung Quốc không có gì là sai phạm.

Theo Reuters, giới doanh nhân và các nhà ngoại giao cho biết là Trung Quốc đã tìm mọi cách ngăn cản các công ty nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò khai thác dầu khí tại Biển Đông. Vào năm 2007, công ty BP Plc đã phải ngừng các dự án thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam dưới sức ép của Trung Quốc.

Ngày 19/09/2011, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định rằng những dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài, như trường hợp với ONGC của Ấn Độ, đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, « hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam » và «các ý kiến phản đối sự hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô giá trị ».

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110922-bao-chi-trung-quoc-len-an-hop-tac-nang-luong-viet-nam-an-do

Trung Quốc lại nổi đóa về việc Mỹ giúp Đài Loan hiện đại hóa không quân
Phi cơ tiêm kích F-16 của, loại máy bay vừa được Mỹ quyết định bán cho Đài Loan.
Phi cơ tiêm kích F-16 của, loại máy bay vừa được Mỹ quyết định bán cho Đài Loan.
Reuters
Đức Tâm

Việc Mỹ quyết định giúp Đài Loan hiện đại hóa loại tiêm kích F-16 đã làm cho Trung Quốc nổi giận. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ngoài việc biểu thị phản ứng mạnh mẽ, Bắc Kinh khó có thể không đi xa hơn và sẽ không đưa ra các biện pháp trả đũa Hoa Kỳ.

Hôm qua, 21/09/2011, bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức thông báo Quốc hội là Lầu năm góc chấp thuận giúp Đài Loan hiện đại hóa 146 máy bay F16 A/B. Dự án này, trị giá 5,8 tỷ đô la, còn bao gồm cả việc cung cấp các thiết bị mới, hỗ trợ về hậu cần và đào tạo.

Trước đó, nhiều dân biểu Mỹ đã ủng hộ việc bán tiêm kích mới F16 C/D cho Đài Loan. Do Trung Quốc kịch liệt chống lại dự án này, lo ngại quan hệ song phương lại rơi vào một cuộc khủng hoảng kéo dài, bộ Quốc phòng Mỹ lựa chọn giải pháp trung gian, không bán máy bay loại mới mà chỉ giúp hiện đại hóa máy bay loại cũ.

Dù vậy, điều này không làm giảm sự bực bội của Bắc Kinh. Ngay tối qua, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Gary Locke, đã bị triệu lên bộ Ngoại giao. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân nhấn mạnh, Bắc Kinh « khẩn thiết yêu cầu Washington nên ý thức một cách đầy đủ tính chất nhạy cảm và những tổn hại nghiêm trọng do vụ việc này gây ra, phải coi trọng lập trường của Trung Quốc, tôn trọng những cam kết của mình và hủy bỏ ngay lập tức quyết định sai lầm này ».

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng bầy tỏ sự « phẫn nộ mạnh mẽ » và « kịch liệt lên án hành động can thiệp nghiêm trọng này vào công việc nội bộ của Trung Quốc ».

Hòa cùng dàn đồng thanh, Văn phòng phụ trách quan hệ với Đài Bắc đánh giá rằng quyết định của Hoa Kỳ «đe dọa hòa bình và ổn định ở hai bên bờ eo biển Đài Loan ».

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh và đe dọa sẽ dùng vũ lực, nếu cần, để thống nhất lãnh thổ quốc gia. Đối với Bắc Kinh, Đài Loan được coi là « lợi ích cốt lõi », tức là Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ. Thế nhưng, theo giới chuyên gia, ít có khả năng quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington lại xấu đi đến mức làm gián đoạn quan hệ quân sự song phương như hồi tháng Giêng năm 2010 sau khi Washington bán vũ khí cho Đài Bắc.

Ông Jean Pierre Cabestan, thuộc đại học dòng Tên ở Hồng Kông, khẳng định : « Có thể giới quân sự sẽ có những biện pháp để đối phó tốt hơn với loại máy bay F-16 được cải tiến, nhưng họ sẽ không đình chỉ quan hệ quân sự với Mỹ như đã làm trước đây ».

Mặt khác, vẫn theo chuyên gia này, thì vào tháng Giêng năm tới, Đài Loan có bầu cử tổng thống. Trung Quốc ủng hộ tổng thống mãn nhiệm Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân đảng. Yếu tố này cũng sẽ buộc Bắc Kinh phải phản ứng có chừng mực.

Để làm dịu bầu không khí, cơ quan phụ trách hợp tác quốc phòng và an ninh của Lầu Năm góc trấn an rằng việc hỗ trợ Đài Loan trong đào tạo và hậu cần « sẽ không làm thay đổi cân bằng quân sự trong vùng ».

Xin nhắc lại là vào năm 1979, Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ đã thông qua một đạo luật quy định là Mỹ phải cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan, bấc chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Còn tại Đài Loan, báo chí và giới phân tích cho rằng việc hiện đại hóa máy bay F16 A/B không đủ để cứu giúp cho hòn đảo này nếu Trung Quốc tấn công. Hiện nay, Trung Quốc đặt nhiều tên lửa hướng sang Đài Loan và hàng năm đều tiến hành hiện đại hóa máy bay tiêm kích.

Không quân Đài Loan có tiêm kích F16 của Mỹ, Mirage 2000 của Pháp và chiến đấu cơ Kinh Quốc do Đài Bắc chế tạo với sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng số lượng máy bay ít hơn so với Trung Quốc.

Do vậy, ông Russell Leigh Moses, chuyên gia phân tích chính trị làm việc tại thủ đô Trung Quốc, đánh giá là «phản ứng của Bắc Kinh có thể là kết quả của những quyết định đến từ các cấp có quyền lực cao nhất theo kiểu cần phải kêu to nhưng đồng thời tránh đóng sập cửa » đối thoại với Mỹ, và có thể « thông điệp của Bắc Kinh là nhằm hướng tới những cử tọa khác nhau, nhất là hướng vào công chúng ở Trung Quốc và Đài Loan ».
tags: Châu Á - Hoa Kỳ (Mỹ) - Phân tích - Quân sự - Trung Quốc - Đài Loan
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110922-trung-quoc-lai-noi-doa-ve-viec-my-giup-dai-loan-hien-dai-hoa-khong-quan

No comments: