Tôn thất tiên sinh vốn thuộc giòng chúa Nguyễn, nhưng tiên sinh không thỉ đỗ cử nhân, tú tài. chỉ cậy nhờ các bảng hiệu tôn sinh[1] mà tồn tại. Nhưng ngày xưa, dù con quan, cháu vua cũng phải có chút học thức mới đuợc tuyển dụng chứ không phải vào thẳng. Các ấm sinh, tôn sinh phải qua một kỳ khảo hạch do trưởng quan tổ chức. Như họ là ấm sinh, tôn sinh ở Thuận Hóa , khi triều đình ra lệnh tổ chức thi khảo thì họ phải nộp đơn ở bộ Lễ, sau đó bộ Lễ sẽ tổ chức một cuộc thi, chương trình thi tương đương thi Hương. Nếu họ ở Gia Định thì nộp đơn tạị quan trấn thủ Gia Định rồi quan trấn thủ tại đây sẽ tổ chức cuộc thi khảo. Ai đỗ mới được làm việc ở các cơ quan nhà nước. Tiên sinh không vượt qua kỳ thi khảo song nhờ thế lực cha ông mà cuối cùng cũng vào làm việc ở Lệnh sử ty với chức vụ là một lại viên tức là một thư ký. Sau nhờ quen biết các quan đại thần trong triều, tiên sinh được vào dạy ở một trường Trung tập, sau này gọi là trường trung học. Sau tiên sinh cậy cục rồi cũng vào dạy ở Hoa văn cục, là một trường Đại Học ở kinh đô, mặc dầu tiên sinh không phải là cử nhân, tiến sĩ. Kể ra, tiên sinh cũng là một tay biết Hán nôm, và cũng đã có một vài tác phẩm. Lúc bấy giờ, chúa Nguyễn thơ ấu, Trương Phúc Loan nắm quyền. Ngoài Bắc, quân lực hùng hậu, không biết khi nào thì Hoàng Ngũ Phúc cử đại binh vượt sông Gianh mà chiếm Thuận Hóa. Vùng Quy Nhơn, quân Tây Sơn nổi lên chiếm một giang sơn xưng hùng xưng bá. Tiên sinh nhận thấy cơ nghiệp chúa Nguyễn mong manh mà quân Tây Sơn thì ngày càng hùng mạnh cho nên tiên sinh chơI trò bắt cá hai tay. Tiên sinh thường tiếp xúc mật với những người thân Tây Sơn, và thường tỏ ra là ngườI bình dân, xuất thân vô sản, yêu nhân dân lao động, có cảm tình với quân ‘’cách mạng’’. Tiên sinh hoan hô chủ trương chống phong kiến và lấy của người giàu chia cho người nghèo của đảng Tây Sơn. Tiên sinh nói rằng tổ tiên bên ngoại của tiên sinh là nông dân nghèo ở trong sơn cốc. Một hôm, một vị hoàng thân thuộc dòng chúa Nguyễn vào rừng săn bắn, gặp bà tổ xinh đẹp bèn cưỡng hiếp rồi đem về kinh, sau sinh ra bố tiên sinh. Bà nội tổ của tiên sinh là nạn nhân của chế độ quân chủ, bà căm giận bọn vua quan chứ không yêu gì ông hoàng thân dâm dục, tàn ác. Trái lại, khi tiếp xúc với các quan lại triều đình hay sinh viên bảo hoàng thì tiên sinh lại đề cao giòng dõi hoàng tộc của ông, đề cao trung quân ái quốc, đạo đức nhân nghĩa lễ trí tín của nho gia. Cái tài biện luận của tiên sinh hơn hẳn Tô Tần cho nên tiên sinh luôn thoải mái, không phải như ai lội suối băng rừng vào chiến khu chịu đựng gian khổ, hoặc đứng mũi chịu sào để bị quân Tây Sơn dùng mã tấu phanh thây.
Lúc bấy giờ lực lượng Tây Sơn hùng mạnh, tuy mới lập chiến khu trong rừng núi, lực lượng tuyên truyền địch vận của họ đã ra đến Thuận Hóa và vào đến Đồng Nai. Họ thường tổ chức biểu tình, dùng lực lượng sinh viên học sinh để đánh phá chúa Nguyễn. Quân ‘’cách mạng’’ đã cài người vào trường Hoa Văn cục, họ kêu gọi các sinh viên và các quan tư nghiệp (giáo sư đại học ) đình công bãi thị. Khi được sinh viên phe Tây Sơn yêu cầu đình công bãi thị, tiên sinh đã nhiệt liệt nhận lời , nhưng ngay sau đó, tiên sinh lén vào cửa sau, xin quan Trưởng giáo (khoa trưởng) Hoa văn cục xin nghỉ bệnh vài ngày! Thế là tiên sinh được lòng cả hai phe! Khi Hoàng Ngũ Phúc vào đánh Thuận Hóa, gia đình chúa Nguyễn lớp bị giết, lớp chạy vào Gia Định. Riêng tiên sinh vẫn khôn ngoan, tinh tế nên được quân Bắc Hà để yên. Người phe Tây Sơn thường đến nhà tiên sinh, vỗ về tiên sinh, hứa hẹn sẽ đưa tiên sinh lên làm Tế tửu Quốc tử giám, tức sau này gọi là Viện trưởng đại học, hoặc làm Trưởng giáo Hoa Văn cục. Còn các quan văn võ chúa Trịnh cũng thường đến nhà tiên sinh, ca ngợi tiên sinh văn tài xuất chúng, đức hạnh thanh cao, có thể sánh với Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích ngoài Bắc Hà. Họ hứa hẹn sẽ tâu chúa Trịnh vời tiên sinh làm tham tụng hay thượng thư trong triều vua Lê chúa Trịnh . Nhưng bao năm tháng trôi qua, tiên sinh chờ đợi mà chẳng thấy tin tức. Quân Bắc Hà rất khôn khéo. Ban đầu quân Trịnh ngọt ngào với anh em Tây Sơn vì Hoàng Ngũ Phúc muốn dùng sức anh em Tây Sơn đánh chiếm Gia Định cho họ, nên họ hứa hẹn trao đất Nam Hà cho anh em Tây Sơn, và ban cho Nguyễn Nhạc chức tiên phong tướng quân, Tây sơn hiệu trưởng Lúc bấy giờ tình hình coi như tạm yên. Hoàng Ngũ Phúc đóng quân ở Thuận Hóa, anh em Tây Sơn ở Quy Nhơn, còn chúa Nguyễn ở Gia Định. Ai yên phận nấy, tạm ngưng chiến chinh. Ngoài mặt anh em Tây Sơn phục tòng họ Trịnh, nhưng sự thật họ muốn đuổi quân Băc Hà về Bắc, nắm trọn quyền đất Nam Hà. Ai cũng khôn ngoan quỷ quyệt, không biết mèo nào cắn mĩu nào. Đùng một cái, quân Bắc Hà một đêm giải giáp quân Tây Sơn với chiêu bài thống nhất đất nước. Từ đó, chúa Trịnh đem người vào quản lý các cơ quan, hãng xưởng và trường học. Từ quan trấn thủ cho đến phu quét rác đều là người Bắc Hà, người Nam Hà bao gồm người Bình Định cũng bị thất nghiệp. Ai có liên hệ với chúa Nguyễn hoặc Tây Sơn đều bị chém giết hoặc bị bỏ tù khiến cho bọn họ ai nhanh chân thì chạy thoát sang Xiêm La, Miến Điện. Con trai tiên sinh làm việc ở kinh đô Phú Xuân phục vụ chúa Nguyễn, đã vượt biên mà sang Đông Dương (Nhật Bản). Tôn thất tiên sinh, vị trưởng giáo tương lai cũng ở vào trong số giáo sư bị quân Bắc Hà cho về hưu hoặc sa thải. Còn bà vợ của tiên sinh buôn bán ngoài chợ bị tịch thu hàng hóa và cấm buôn bán vì lệnh trên ban xuống chỉ những gia đình có công với vua Lê, chúa Trịnh mới được giấy phép kinh doanh. Kinh tế gia đình tiên sinh xuống dốc. Xưa nay Tôn thất phu nhân cũng giống như bao bà vợ Việt Nam ‘’thân cò quảng vắng’’ đã một mình cáng đáng kinh tế gia đình, một tay nuôi chồng, nuôi con. Nay chúa Trịnh cấm việc buôn bán thì coi như cắt cổ gia đình bà. Túng thế, Tôn thất tiên sinh phải tìm đến các quan lớn đã thân quen, thường lui tới vận động tiên sinh chống chúa Nguyễn thì nay họ lánh mặt, quay lưng. Cực chẳng đã, tiên sinh phải đến bản doanh Trịnh quân, xin được cấp giấy phép buôn bán. Viên tướng họ Trịnh lạnh lùng tiếp ông. Y bảo:
Ông là dư đảng của họ Nguyễn, lại làm tay sai cho Tây Sơn, ông là quân bất trung, bất nghĩa, tội đáng chém đầu. Song ta nghĩ ông chỉ làm một lão giáo quèn, nên tha tội chết cho ông.. Ông không biết điều , ông còn dám vác mặt đến đây xin ban ân huệ ư?. Ông không thấy là quá đáng hay sao?
Tiên sinh xấu hổ và sợ hãi rập đầu tạ tội rồi lui ra.
Mấy năm sau, Nguyễn Ánh tái chiếm Thuận Hóa, rồi đem quân ra Bắc, thống nhất đất nước. Tiên sinh xin yết kiến vua Gia Long, kể khổ và kể công, nhưng vua Gia Long không tiếp ông. Triều đình lập hồ sơ định công luận tội, tiên sinh bị đuổi ra khỏi hoàng tộc, bắt theo họ Phạm của mẹ vì tội gian nịnh, phản quốc và phản gia tộc. Không hiểu những năm cuối cùng, tiên sinh suy nghĩ gì về việc đời. Dẫu sao, người đời có kẻ khen tiên sinh là người khôn ngoan, biết gió chiều nào che chiều ấy, chỉ vì cuộc đời quá phức tạp, lại gặp vận xui cho nên tiên sinh khôn mà vẫn không khá!
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Tôn sinh là người thuộcgiòng vua chúa, ấm sinh là con quan lại.
Posted by sontrung at 10:18 PM 0 comments
Labels: SƠN TRUNG TRUYỆN KÝ-SÂN TRƯỜNG PHƯỢNG ĐỎ
Lời nói đầu
Đất nước tôi lần nữa lại phân ly. Một số người đào thoát ra đi và một số được nhà nước cho ra đi trong trật tự. Người ta bán nhà, bán đồ đạc để ra đi. Sách báo xưa nay được cất giữ trong tủ nay cũng được mang ra nằm vỉa hè. Tôi vốn yêu sách, ngày ngày dạo chơi chợ sách. Ngồi xuống vệ đường, lật từng quyển sách, dở từng trang và đọc sơ qua, trở thành một thú vui của tôi. Một hôm, tôi lật chồng sách cũ của một ông già, thấy có một quyển sách chữ Hán, nhan đề Tang Điền Thương Hải Ký của Lâm Tuyền lão nhân, bèn mua về.
Lâm Tuyền lão nhân là ai, sử sách không hề nhắc tới, chắc là hiệu của một tác giả tầm thường nào đó. Sách do nhiều tác giả viết thêm vào, như các truyện quốc ngữ ở phần sau. Đọc kỹ thì thấy sách chép việc đời xưa, một số vào thời Nam Bắc phân tranh. Mở đầu sách, Lâm Tuyền lão nhân viết:
"Lão phu vốn là kẻ hèn mọn, gặp thời loạn không tài cứu nưóc, chỉ biết trốn tránh nơi rừng sâu để giữ mình. Thỉnh thoảng trở về quê cũ thăm mồ mả tổ tiên và thăm họ hàng, làng xóm, được nghe anh em, bạn bè kể chuyện nọ việc kia, sau trở về rừng núi, lúc rảnh rang bèn ghi chép lại. Đây là truyện cổ thuộc thời xa xăm, trong đó có một số thuộc thời vua Lê chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Mong độc giả xem đây chỉ là dã sử, là truyện truyền tụng trong dân gian, không có cơ sở chính xác như Truyện Liêu Trai đã nói:
‘’Nói láo mà chơi, nghe láo chơi’’!
Lão phu thích truyện ký dân gian nên ghi chép lại truyện cũ, nếu có trùng danh tánh, địa phương, và sự việc thì đó chỉ là ngẫu nhiên. Lão phu không hề chỉ trích hay ca tụng ai vì cuộc đời khó phân biệt thiện ác, giả chân. khôn dại. Một số trung thần của chúa Nguyễn phải phản lại chúa biết đâu họ có nỗi khổ tâm, vì danh lợi, hay vì hoàn cảnh bắt buộc như Ngô Thời Nhậm đã nói:
Thế Chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!
Còn những người theo Tây Sơn có thể là do danh lợi, hoặc chạy theo ảo ảnh thiên đường! Mấy ai thoát khỏi vòng danh lợi? Mấy ai thoát khỏi ảo ảnh phù hoa? Và trong cuộc thế, đâu là mộng, đâu là thực? Thi sĩ họ Cao đã nói:
Ôi nhân sinh là thế ấy!/Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao!
Trang sinh là bướm, hay bướm là Trang sinh? Phật dạy thế giới vô thường, vạn vật vô thường, nhân sinh vô thường . Vua Lê chúa Trịnh hùng mạnh là thế mà bị Tây Sơn dẹp tan, và Tây Sơn oai phong là thế mà cuối cùng bị Nguyễn vương tiêu diệt! Người thắng là chánh nghĩa hay người bại là chánh nghĩa? Một số người đời có cái nhìn vượt trên thiện ác. Đó là chủ thuyết bất nhị. Họ cho rằng chính tà , trung nịnh, thiện ác không khác nhau, tất cả chỉ là ảo ảnh. và vô nghĩa. Ca dao Việt Nam đã nói:
Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn,
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ!
Lẳng lơ thì cũng ra ma,
Chính chuyên thì cũng đưa ra ngoài đồng.
Trái lại, một số người lấy đạo đức mà phán rằng:
Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
Họ cho rằng không phải chết là hết. Không phải chết thì mọi người thành tro bụi, thành xương khô, thành đất sét như nhau. Một số người theo Khổng, Phật tin có nhân quả, và người theo Thiên chúa giáo tin có ngày phán xét cuối cùng. Lão phu, cũng tin có nhân quả, có ngày phán xét cuối cùng, nhưng lão phu chỉ trình bày sự việc mà không dám khen chê vì một triết gia Tây phương đã nói: ‘’Con người nửa tiên, nửa thú’’ ( L' homme n'est ni ange ni bête ). Nhân vô thập toàn. Không ai hoàn hảo vì vậy lão phu chỉ viết truyện mà không dám bình phẩm. Còn việc, phán xét tội phước, việc khen chê tốt xấu là việc của Trời Phật và của người đời, lão phu thật tâm không dám múa bút. "
Vì nội dung đa số viết về các tiến sĩ, cử nhân, đại học, trung học, các giáo sư , sinh viên, và học sinh nên Sơn Trung tôi xin phép đặt tên mới là Sân Trường Phượng Đỏ.
Canada tháng 8 năm 2008.
Sơn Trung
No comments:
Post a Comment