Saturday, August 30, 2008

VI. ĐÔI BẠN ĐỒNG SONG

Lữ Vô Phong và Quách Anh Tài cùng học một thầy tại Gia Định. Lữ sinh ngưòi Bình Dương, dáng gầy ốm gió thổi bay, mặt xanh xạm, lộ gân xương không có oai phong như cái tên định mạng. Còn Quách sinh người Gia Định, thì rất có tài. Tài thứ nhất là giỏi chữ Hán, bất cứ văn thơ ai, sinh đọc qua một lần thì thuộc nằm lòng, viết chữ Hán rất đẹp, và thông thạo các lối chữ chân, thảo, triện, lệ. Tài thứ hai là đánh cờ tướng. Sinh đã nhiều lần đoạt giải quán quân bộ môn này. Khắp Nam kỳ lục tỉnh không ai là không nghe danh Quách Anh Tài. Lữ sinh và Quách sinh thi đỗ cử nhân, năm giáp tí tại trường thi Gia Định, sau hai ông đều ra làm giáo quan, một ông về Bến Tre, một ông ở Định tường. Lữ Vô Phong là người ngay thẳng nhưng nóng nảy, trong các cuộc tranh luận thường tỏ ra hung hăng, mà trong văn chương cũng vậy. Ông hết sức bài xích người này, người kia, với giọng điệu cực đoan và cực tả. Ông còn dám chỉ trích chúa Nguyễn thơ ấu, ngu muội, còn Trương Phúc Loan thì tham nhũng, tàn ác, và các văn võ bá quan chỉ là một lũ ăn hại đái nát. Văn chương và danh tiếng của ông được nhà Tây Sơn chú ý. Họ bèn vận động ông vào phe với họ. Ông hăng hái nhận lời, bỏ nhiệm sở lên chiến khu. Lúc này nhà Tây Sơn ra sức chiêu dụ các nhân tài ở Phú Xuân và Gia Định cho nên một số đã lên chiến khu chiến đấu, một số ở lại nằm vùng. Lữ Vô Phong và Quách Anh Tài đều cùng một lúc vào chiến khu. Lữ Vô Phong văn chương có thép và người sục sôi máu nóng đuợc đảng Tây Sơn ưu đãi, đưa làm Tả Thị Lang bộ Lễ trong triều Tây Sơn. Còn Quách Anh Tài hiền lành hơn thì giữ một chức vụ gì đó không mấy quan trọng trong bộ Lễ hay bộ Công. Có người kể rằng khi Lữ Vô Phong vào chiến khu thì các bạn cũ ngày nào cũng xúm lại thăm, ác cái là thăm viếng đúng bữa cơm, cho nên quan Tả thị lang phải mời bạn ngồi chung mâm. Thấy ăn chực hoài cũng ngượng, ông bạn nói thật với Lữ Vô Phong rằng:

Tụi tai ở đây khổ lắm. Cơm rau dưa, bữa đói, bữa no, riêng mày và các quan cao là được có tiêu chuẩn gà vịt, nên tụi tao tới ăn ké vài bữa thôi!

Thuyết khác thì cho rằng việc này xảy ra ngoài Bắc Hà. Quân Trịnh chiếm Thuận Hóa, phong cho anh em Nguyễn Nhạc chức Tiên phong tướng quân Tây Sơn hiệu trưởng, hai bên giao hảo rất đẹp. Nguyễn Nhạc muốn dò la tình hình Bắc Hà liền cử một phái đoàn ra Bắc mượn cớ triều cống vua Lê chúa Trịnh. Trong phái đoàn này có quan Tả Thị Lang Lữ Vô Phong. Trong khi một số dân Thanh Nghệ theo chúa Nguyễn vào Nam thì cũng có một số dân Nam Hà ra làm quan hay sinh sống ở Bắc Hà. Nghe tin phái đoàn trong Nam Hà ra tiến cống, các bạn đồng hương Nam Hà ngày nào cũng đến thăm viếng khiến phái đoàn miền Nam rất phấn khởi. Nhưng qua cuộc tiếp xúc này, Lữ Vô Phong biết được nhiều bí mật. Bắc Hà chính sự thối nát hơn cả Nam Hà, vua Lê ngồi vì, chúa Trịnh thao túng quyền hành, sống trên xương máu nhân dân. Dân chúng thì thầm bàn tán việc chúa Trịnh tham dâm vô độ mà mắc bệnh kín, sợ ánh sáng, suốt ngày đêm ở trong phòng tối. Kinh đô ban đêm cấm thắp đèn. Đến đời Trịnh Sâm chúa cũng vì tham dâm mà mắc bệnh. Bà chúa Chè thông dâm với Huy Quận công Hoàng Đình Bảo, đầu độc Trịnh Sâm khiến Sâm mới ngoài bốn mươi đã quy tiên, rồi bà giả chiếu chỉ truất phế thế tử Trịnh Khải , lập con trai bà là Trịnh Cán mới bốn, năm tuổi lên làm chúa. Khi Trịnh Cán lên ngôi, em bà chúa Chè là quận mã Đặng Lân coi thường vương pháp, ngang nhiên cướp nhà dân chúng, bắt hiếp con gái dân lành . Quân Trịnh hùng mạnh nhưng dân Bắc Hà nghèo đói quanh năm, các bạn của ông đã than thở rằng từ khi ra Bắc, suốt đời chỉ rau cháo, nay nhờ ông ra mà được trông thấy miếng thịt gà, thịt heo. Bọn quan lại ngoài đó coi người Nam Hà như nô lệ, hay đúng hơn, một thứ dân ngụ cư chỉ biết chống đối và ăn nhậu! Lúc rảnh rổi, một mình đi chơi ngoại ô, ông thấy cây cối bị chặt trụi, không còn vườn cây bóng mát vì chúa ra lệnh tăng diện tích trồng lúa, khoai, ai trồng hoa hay trồng cây ăn trái phải đốn bỏ. Ao chuôm không còn cá, bầu trời không cánh chim vì dân nghèo đói, con chim sẻ, con cá rô nhỏ trở thành mồi ngon bồi dưỡng cho trẻ con và người lớn. Ngoài đường, dân chúng đều mặc đồ nâu hay đồ đen vá chằng vá đụp. Ai nấy cúi đầu cắm cổ mà đi, không thấy một nụ cười . Đặc biệt là họ tránh xa khách lạ. Ông nhớ lại khi ra Bình Thuận, sống trong cái nôi cách mạng Tây Sơn, ông cũng nghe nhiều chuyện, trong đó có việc Nguyễn Nhạc hiếp vợ Nguyễn Huệ. Còn ruộng đất nơi đây cằn khô sỏi đá, đa số làm ruộng, một số buôn lậu hay cướp núi như lãnh tụ đảng Nguyễn Nhạc. Chính sách lấy của người giàu chia cho người nghèo của đảng Tây Sơn thực chất chỉ là phỉnh gạt dân đen. Dân nghèo có hàng vạn, hàng triệu, trong khi nhà giàu chỉ có vài chục hay vài trăm. Lấy vài chục nóc nhà ngói thì chia được cho bao nhà nghèo? Lấy được chục ký vàng thì bao người được một chỉ vàng? Cướp lúa gạo mỗi huyện thì dân nghèo mỗi người được mấy cân gạo, và sống được bao lâu? Thực tế, phần lớn vàng bạc, của cải rốt cuộc vào bọn cướp Lý Tài, Tập Đình và bọn thân tín của Nguyễn Nhạc. Ông nghĩ đến ruộng đồng miền Nam xanh tươi, cò bay thẳng cánh, những vườn cây đầy hoa, nặng trái, và dân chúng nơi đây quanh năm quần lãnh áo hoa, thảnh thơi với câu hò, điệu hát và tiếng cười. Hai bên khác nhau xa. Hạnh phúc là đâu? Độc lập, tự do là đâu? Chỉ có một thoáng mây bay mà ông đã ngửi thấy mùi chuyên chính bốc lên nồng nặc khắp không gian. Quan Tả thị lang mới tỉnh ngộ, hết tin vào thiên đường miền Bắc và sự sáng suốt cùng đạo đức cách mạng của Nguyễn Nhạc. Vì vậy, sau này, Tây Sơn đại thắng mà ông thì trở thành bất mãn, chống đối triều đình. Thực ra, ông là người miền Nam ngay thẳng, bộc trực, thấy sao nói vậy chứ không lắt léo như bọn quan lại Bắc Hà tinh ranh, xảo quyệt. Ông thấy chúng nó tham nhũng, tàn ác thì ông chỉ trích chúng cho nên chúng tuyệt thông với ông. Sau khi chiếm Gia Định, họ lập nội các mới, bọn tân tòng tư sản và tiểu tư sản trong đó có ông liền bị chuyển công tác, sa thải hoặc bị bắt giam. Lê Hảo Ngọt, Trương Như Ngưu, Châu Tâm Luồn , Trần Lưu Linh lần lượt bỏ xứ mà đi sau khi đã biết mình mắc điếm! Riêng vợ chồng Nguyễn Thái Giám, chồng là kiến trức sư hay kỹ sư gì đó, hồi trước là tay xách động sinh viên biểu tình, còn vợ vốn là sinh viên Văn, sau ngày Tây Sơn nhập thành, trở thành một nữ kiệt đứng sau Lý Bất Trung ở hội Trí Thức Yêu Nước Đường. Nghe hai vợ chồng ông cũng bỏ ra nước ngoài it lâu rồi trở về. Phải chăng ông bà chán cảnh lưu đầy, hoặc được triều đình chuyển công tác, được điều về quốc nội lãnh nhiệm vụ mới? Lữ Vô Phong không bỏ nước mà đi, ông ở lại, ngày ngày đến bộ Lễ làm việc, mặc dầu đã mất chức Tả thị lang, song không ai nói năng gì với ông. Hết ngồi lại đứng, hết giờ thì về. Đó là kết quả của bao năm theo Nguyễn Nhạc. Cũng may là ông chưa bị tù, chưa bị què chân cụt tay như bao chiến sĩ vô danh khác đã hy sinh một đời cho mộng cách mạng hảo huyền.

Còn về Quách Anh Tài sau ngày đại thắng, được triều đình giao cho việc tiếp quản cơ sở giáo dục Định Tường. Do đó ông trở thành quan Đốc học Định Tường, tác oai tác quái, báo ân báo oán, đã cách chức và bỏ tù một số bạn cũ trước đây dạy học tại Định Tường học hiệu. Trong thời gian này, Quách đốc học gặp một giai nhân, sống một mình trong một biệt thự ở Gia Định thành. Người đẹp này có cha mẹ là tư sản, bỏ nhà chạy theo chúa Nguyễn. Quan Đốc học làm đơn xin triều đình cưới vợ song triều đình không thuận vì hai lẽ:

- Thứ nhất, đảng ta là đảng vô sản, một đồng chí đảng viên không thể kết hôn với kẻ thù giai cấp.

- Thứ nhì, người phụ nữ kia có cha mẹ phản quốc, bỏ nước chạy theo quân thù. Một đồng chí cách mạng, không thể kết hôn với kẻ thù dân tộc.



Quách Anh Tài không nghe lời đảng, quyết bỏ đảng theo người yêu. Kết cuộc, ông được ở nhà vẽ lông mày cho giai nhân, thỉnh thoảng tham gia đấu cờ quốc tế. Đời người như thế cũng hạnh phúc và vui vẻ chán.

No comments: