Không khí trường Đại Học Sư Phạm vui nhộn, ồn ào khác hẳn ngày thường. Đồng chí Tân, hiệu trưởng trường Đại Học Sư Phạm chạy vô chạy ra, vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng. Xung quanh đồng chí Tân, một số cán bộ thân tín cũng vẻ mặt quan trọng, chạy vô chạy ra như gà mắc đẻ. Từ ngoài cổng trường, người ta đã treo cờ đở sao vàng và cờ búa liềm. Những bức ảnh Mac, Lenin cũng được treo khắp giảng đường. Sinh viên các lớp được lệnh phải tề tựu tại giảng đường từ 6 giờ sáng.
Sau ngày 30-4-1975, đồng chí Tân được lệnh cử vào Sài gòn làm phó ban quân quản trường Đại Học Văn Khoa. Ít lâu sau đồng chí Tân được điều sang làm hiệu trưởng trường Đại Học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh. Trường này, trước kia là một phần của trường Pétrus Ký, đường Cộng Hòa. Sau 1975, bộ giáo dục ngoài bắc vào tiếp thu các viện đại học trong Nam. Đồng chí Văn, hiệu trưởng tiền nhiệm vốn là người khôn lanh đã xin lấy viện đại học Vạn Hạnh làm cơ sở hai của trường đại học Sư Phạm. Đồng chí đã trao đổi cùng ban tổ chức bộ theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Trường Đại Học sẽ có lấy viện đại học Vạn Hạnh, và chịu thu nhận một số người của ban tổ chức bộ vào làm sinh viên, làm thầy giáo, làm cán bộ và làm công tác lặt vặt trong trường. Lúc này ngoài bắc thất nghiệp đông, kìếm được một chỗ làm rất khó. Nay giải phóng miền Nam là một cơ hội bằng vàng để đưa những người xã hội chủ nghĩa vào nam xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nghe nói trong nam rất tự do sung sướng, hàng hóa ê hề, gái nam rất đẹp cho nên nhiều chàng đành tốn tiền xin vào nam công tác, hoặc sinh sống, và điều kiện duy nhất là có giấy thu nhận công tác để đăng ký hộ khẩu. Một số được móc nối vào nam theo con đường bộ giáo dục. Sau khi vào Nam nhận công tác, muốn được bố trí chỗ ở, các đồng chí này cũng phải biết điều. Lãy cớ rằng đa số cán bộ giảng dạy từ băc vào không có chỗ ở, trường đã lấy cơ sở 2 làm cư xá cho giáo viên trường đại học sư phạm. Vì vậy, viện đại học Vạn Hạnh ở đường Trương Minh Giảng đã trở thành một cư xá hỗn tạp, chỉ một hai năm sau là xuống cấp, sân trường ngập nước, đầy rác, vỏ chai và giấy loại.Các hành lang thì treo đầy aó thun và quần bộ đội.
Thanh thế đồng chí Văn càng ngày càng lớn, uy danh càng ngày càng cao đồn ra đến ngoài bắc. Nhưng thói đời 'trâu cột ghét trâu ăn', có người tố cáo, đồng chí Văn mất chức, ngồi tù, cho nên đồng chí Tân được đổi về thế chỗ.
Đồng chí Tân là người Huế, đẹp trai, nghe nói anh của đồng chí cũng là một nhà văn, sau vụ tích cực đấu tố Nhân Văn Giai Phẩm đã được vinh thăng làm giáo viên cấp ba! Đồng chí Tân hơn người ở chỗ là hay cười nói vui vẻ. Có người đã gọi Tân là thằng cộng sản biết cười! Nhưng xuất sắc nhất là đồng chí Tân là thuộc thơ Tố Hữu. Bất cứ lúc nào, ngồi ở đâu, có dịp là đồng chí đọc thơ Tố Hữu! Có lẽ các ông Mohamet cũng chưa thuộc kinh Coran bằng đồng chí Tân thuộc thơ Tố Hữu. Tân thường khoe rằng anh là đồ đệ thân tín của giáo sư Hoàng Xuân Nhị. Có lẽ nhờ tả phù hữu bật, nhất là nhờ tài học thuộc thơ Tố Hữu mà đường công danh của Tân lên như diều.
Chả là hai tuần trước, hiệu trưởng Tân được một cú điện thoại của đại diện bộ giáo dục tại Sài gòn báo rằng toà lãnh sự Liên Xô tại Sài gòn cho biết sẽ có một vị khách quý viếng thăm trường đại học sư phạm. Vị đại diện bộ căn dặn Tân phải đón tiếp chu đáo vị khách này. Nghĩ rằng cuộc thăm viếng này rất quan trọng, tương lai nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và đại học Sư Phạm đều nhờ vào cuộc thăm viếng này, Tân liền hội các cán bộ nòng cốt của trường để chuẩn bị đón tiếp. Tất cả đều nhất trí đón tiếp vị quý khách tại cơ sở I, và lấy giảng đường A của ban Khoa Học làm nơi tụ họp. Sau cuộc họp, việc phân chia công tác được tiến hành. Hai ba đồng chí phụ trách treo cờ, treo ảnh, dán khẩu hiệu, chưng hoa, và quét dọn. Một số được giao việc bài trí micro, và sân khấu. Một số được giao công tác văn nghệ. Các sinh viên được lệnh gấp rút tổ chức ban nhạc để chào mừng quý khách. Họ sợ ban nhạc nhà trường non yếu cho nên đã mượn theo một vài ca sĩ, nhạc sĩ ngoài. Và nhà trường đã hứa sẽ trả thù lao trọng hậu cho họ.Để vui liên hoan, theo thông lệ, nhà trường đã mua la de đãi đàng khách quý và các cán bộ nhà trường. Trong hơn một tuần, mọi việc chuẩn bị đã gần như hoàn tất. Nhưng còn một việc quan trọng nhất, là ai sẽ đứng ra nói chuyện với vị khách người Nga? Đồng chí Tân không biết tiếng Nga. Những giáo sư đã du học Nga cũng không nói được tiếng Nga vì hồi sang Nga, các ông chỉ học qua thông dịch viên người Việt, học xong trả sách lại cho nhà trường , trở về Việt Nam với hai bàn tay trắng( Việt Nam cũng bắt chước Liên Xô, phát sách cho học sinh, hết niên khóa, trường thu sách lại). Một số giáo sư học cấp tốc tiếng Nga tại Hà Nội vài tháng rồi vào Nam dạy. Dạy xong, lại ra Hà Nội học khóa tiếp, rồi lại vào dạy tiếp. Cứ như thế cho nên rất ít người thông thạo tiếng Nga. Vậy thì làm sao? Trường tìm kiếm khắp nơi thì trên bộ đã có người hứa sẽ đến gíúp việc thông dịch.Trong chế độ ta ai cũng phải tỏ ra đỏ hơn trước và đỏ hơn người khác. Trong việc này,từ hiệu trưởng cho đến sinh viên đều phải nhiệt tình nếu không thì sẽ bị những con mắt theo dõi báo cáo, và cuộc đời sẽ đen tối như đêm ba mươi! Và đây là một công tác vô cùng quan trọng, liên quan đến tương lai đất nước và tương lai của trường, của cán bộ và sinh viên. Liên Xô đã viện trợ ta kháng chiến thành công và sẽ viện trợ ta tái thiết. Biết đâu, Liên Xô sẽ chú ý đến sinh viên Sư Phạm, xây trường sở, sẽ cho học bổng du học Liên Xô. Ai cũng tính toán và hy vọng. Nếu đón tiếp không chu đáo,Liên Xô sẽ bất bình và viện bộ sẽ trừng phạt trường. Trường sẽ bị đóng cửa, hiệu trưởng và sinh viên sẽ bị gậy ra đường.
Để tăng phần long trọng, Tân gửi giấy mời đến một số bạn bè, và cơ quan liên hệ như đại diện ban quân quản trường Văn Khoa, trường Khoa học. May quá, công việc đã chín phần mỹ mãn, đồng chí Tân vô cùng sung sướng. Mãy mươi năm chống Mỹ cứu nước, dù là đồng chí anh em, chưa bao giờ người Nga đặt chân đến các trường học Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một đồng chí Sô Viết lại hạ cố đến một ngôi trường Việt Nam. Tân rất cảm động. Cái vinh dự lịch sử này lại rơi vào Tân! Có lẽ thần tài đã gõ cửa Tân. Tân mơ màng thấy đồng chí Sô Viết tiến tới bắt tay Tân, ca tụng trường đại học Sư Phạm, ban huy chương Sô Viết cho Tân, mời Tân sang tham quan Liên Bang Xô Viết! Ôi sung sướng biết bao! Trước đây, Tân hằng mơ ước đi học Liên Xô nhưng sức cô thế yếu, Tân không thể đương cự với con cháu của các quan lớn trong triều. Nay nếu được đi Nga thì cũng vớt vát được ít nhiều! Có còn hơn không! Tân có thể đi thăm mộ Lênin, và khi về mang rất nhiều hàng hóa, nào TV, tủ lạnh, xe đạp, xe gắn máy, nào quần bò, áo phong, lớp cho vợ con, lớp đem bán sẽ được khối tiền! Ôi hạnh phúc biết bao ! Và trong bộ giáo dục, khối thằng ghen tức mà chết! Biết đâu sau việc này, Tân chẳng trở thành ngôi sao sáng trong đảng bộ nhà trường, và trở thành lãnh tụ văn giáo thay thế Tố Hữu!
Ngày X đã đến . Trường Đại Học Sư Phạm vui như ngày hội. Tất cả sinh viên đều có mặt tại hội trường từ 6 giờ sáng. Người lo treo cờ, treo ảnh, kẻ lo trang trí hội trường. Tận ngoài cổng, người ta đã chưng bông kết tụ như đám cưới . Trong hội trường, khẩu hiệu lớn nhất được kẻ tiếng Việt lẫn tiếng Nga:
Chào Mừng Quý Khách.
Ban nhạc dã đứng sẵn trên bục, đang tập dượt sôi động. Không khí thật vui vẻ chưa từng thấy. Mười giờ thì quan khách lục tục đến.
Mười một giờ, quý khách vẫn chưa đến.
Mười hai giờ, quý khách vẫn chưa đến. Gọi điện lên đại diện bộ thì người ta bảo cứ chờ. Một giờ, vị thượng khách vẫn vắng bóng.
Kìa! Một chiếc xe chạy từ ngoài cổng vào. Một chiếc xe mui trần treo cờ búa liềm tiến thẳng vào trường đại học sư phạm. Quan khách và sinh viên trong hội trường A reo hò mừng rỡ. Sân trường hẹp, lối vào ngắn. Xe chạy vào một đoạn khoảng nửa đường rồi lui ra đi thẳng. Trên xe, một cô bé người Âu mắt xanh tóc vàng khoảng 10 tuổi nhưng to lớn bằng con gái Việt Nam mười lăm tuổi. ngồi chễm chệ ở băng sau. Đằng trước một tài xế Việt Nam bé nhỏ, khúm núm. Chỉ có vậy. Mọi người chưng hửng. Quan to, quan nhỏ đứng lặng một hồi, không ai bảo nhau đồng lủi thủi ra về.
Mấy ngày hôm sau có người thông thạo kể rằng ái nữ của viên lãnh sự Nga không biết tại sao lại nổi hứng muốn đi thăm trường đại học Sư Phạm. Có thể cô đọc báo Nga thấy khen ngợi ngành sư phạm Việt Nam; có thể trí tưởng tượng của cô cho rằng trường đại học ở đây do Mỹ xây cất rất lớn , hoặc là trường đại học sư phạm Sàigon cũng giống như bên Phi Châu có thể thấy hưou, khỉ, ngựa vằn, sư tử., hoặc nghe ai nói gì đó nên đòi bố cho tài xế lái xe đi thăm một vòng cho biết. Có lẽ khi đến cổng trường nhìn vào thấy trường cổ lổ, nhỏ bé, cũ kỹ , không thấy ngựa vằn, hưou cao cổ và khỉ đột như trong tưởng tượng nên chán nản mà ra lệnh cho tài xế quay về. Câu chuyện đơn giản là vậy, không có gì phải ầm ĩ!
No comments:
Post a Comment