Quân Tây Sơn chiếm kinh đô Phú Xuân rồi bắt các quan văn võ của chúa Nguyễn đem vào rừng giam giữ. Việc giam giữ này rất bí mật, thân nhân của họ và bản thân của họ cũng không biết họ ở đâu, địa phương nào, và rừng nào. Còn các giáo quan các học hiệu phủ huyện trong nước, và viện Quốc tử giám ở kinh đô cũng như các sinh viên, học sinh đều phải học tập ''kinh điển Dao Mác''. Người ta dùng từ ngữ này để nói lên tính chiến đấu của ''cách mạng Tây Sơn'', khác với thứ kinh điển ủy mị và lạc hậu của Nho, Lão, Phật. Ngoài ra từ ngữ này cũng mang tính phổ biến và bình dân, vì ai ai cũng biết, ai ai cũng dùng đến, không phải là một thứ triết lý xa quần chúng, xa nhân dân như là từ bi hỉ xả, nhân nghĩa lễ trí tín, giải thoát, Niết Bàn, Phật tánh, Thanh tĩnh vô vi. .. Việc học tập này cũng được gọi là cải tạo tư tưởng. Các học viên được nghe các ông Nghệ Tĩnh và Bình Định, Quảng Nam thuyết giáo về Đạo đức cách mạng của Nguyễn Nhạc hoàng đế, thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, và trí tuệ đỉnh cao của Nguyễn Lữ. Ngoài ra, các học viên phải nghe giảng về cuộc cách mạng chống phong kiến, bước tiến lịch sử tất yếu của giai cấp vô sản và chính sách xã hội công bằng ''cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo'' của đảng Tây Sơn. Sau khi nghe các quan lại Tây Sơn giảng huấn, các học viên phải tự kê khai tội lỗi của mình, tố cáo tội ác của chúa Nguyễn và tội các của các bạn đồng liêu. Ai tố cáo nhiều thì được khen là tiến bộ, là đã lột xác, thấm nhuần tư tưởng cách mạng và có hy vọng được tân triều trọng dụng vì tân triều rất khoan dung độ lượng hứa sẽ dùng hết tất cả mọi người, ngoại trừ những kẻ có tội ác với nhân dân. Dù là kẻ có nợ máu với nhân dân, chính phủ sẽ giáo dục, cải tạo họ thành người tốt, cho họ đứng vào hàng ngũ nhân dân, tất cả theo đảng chung sức lao động , đưa cả nước tiến lên thiên đường chủ nghĩa. Trong mộng tưởng của đám hàng thần lạc quan này, một tương lai rất rực rỡ đang dần đến:
Đường mây rộng thênh thang cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo!
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu!
Lúc bấy giờ một số giáo quan cũ tỏ ra rất nhiệt tình với cách mạng. Họ xun xoe chào đón, tung hô vạn tuế, hàng này đến quét dọn nhà cửa, nhặt rác xung quanh dinh thự, mua bàn ghế, biếu sâm nhung, dâng nem công chả phượng để bồi dưỡng cho các quan ''cách mạng'' đã từng gian khổ trong rừng sâu. Họ ca tụng các chiến sĩ đảng Tây Sơn là anh hùng , trái lại họ chửi họ là hèn nhát vì bao năm đã theo phong kiến, sống sung sướng trong cảnh phồn vinh giả tạo của kinh đô Phú Xuân. Trong đám này lưng dẻo hơn cả vũ công, miệng thanh tao ngọt ngào hơn cả những cô đào thương, lại là đa số các giáo quan dạy về Đạo đức học, Triết học Đông Phương và Tứ thư Ngũ kinh. Trong khi đó đa số các giáo quan dạy Sử Địa, Ngoại văn là những môn mà xưa nay bị coi là vong bản, ngoại lai thì tỏ ra là có nhân phẩm hơn cả! Không ngờ thời đại này đã vô tình chứng minh cho quan điểm của ông thầy tuồng ''Tàu Titanic'' là đúng. Ông này dựng tuồng ''Tàu Titanic'' để kể lại một truyện bi thương đã chìm trong lòng biển cả mà phần quan trọng nhất là đoạn cuối tàu chìm, các sĩ quan Tây dương bình tĩnh lấy phao cho phụ nữ, các nhạc sĩ vẫn chơi đàn dù nước lên đến đầu gối, đến bụng trong khi con cháu Khổng tử và anh em dòng Samurai mặc váy, choàng khăn giả phụ nữ cúi đầu leo lên xuồng thoát nạn! Đấy, ông thầy tuồng này muốn nói: Tụi Tây phương tao rất có đạo đức, rất hiệp nghĩa, rất can đảm, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Còn bọn Đông Phương chúng bay nổ rầm rầm, nào nhân nghĩa, lễ trí tín, nào quân tử, trượng phu, và nào là tinh thần võ sĩ đạo, đến lúc cháy nhà mới ra mặt chuột!
Không những ông thầy tuồng này mà Kim Dung tiên sinh cũng chế nhạo đồng bào ông một số là đạo đức giả mà tiêu biểu là Nhạc Bất Quần. Tất cả tác phẩm của Kim Dung nổi bật lên luận đề: Trong những kẻ vỗ ngực xưng chánh phái có rất nhiều thằng đểu giả, gian ác, ngay cả những hòa thượng, những đạo sĩ được mọi người sùng bái, coi như Bắc đẩu,
Thái sơn !
Thật vậy, trong ngày Phú Xuân thất thủ, một số văn võ quan nhất nhị phẩm triều đình cũng đã mặc y phục phụ nữ đào thoát ra khỏi xứ! Một số tu sĩ vứt cả từ bi, bác ái, dẫm đạp đàn bà, trẻ con mà chạy thoát cơn lửa thiêu thành Phú Xuân. Và một số sĩ phu ở lại đóng vai hiền nhân quân tử khôn ngoan, khéo léo hoặc làm trí thức yêu nước giác ngộ quỳ lạy các đô đốc Tây Sơn..
Chiêu văn quán là một trường thuộc viện đại học Quốc tử giám. Một vài giáo quan của trường khoảng 70 tuổi, đã viện cớ già yếu xin hưu thoái như Hạo Nhiên tiên sinh, Duy Cần tiên sinh. Duy Cần tiên sinh nghe đâu có người em theo Tây Sơn từ thành Quy Nhơn trở về, nói riêng với anh:
Ở với tụi nó khổ lắm, có ngày mang họa vào thân. Anh liệu mà cao chạy xa bay, đừng dính với hủi!
Duy Cần tiên sinh lúc này già rồi chẳng muốn phiêu lãng chân trời góc biển, vả lại tiên sinh chẳng có con cái gì, không còn vướng mắc, nên nghe lời em hát bài Tạ từ, treo ấn từ quan. Sau tiên sinh giả bệnh tật, khùng điên, ngớ ngẩn, thọ trên 90. Quanh năm tiên sinh ở nhà chẳng đi đâu, ai đến hỏi thăm, tiên sinh nằm rên hừ hừ. Ai mời tiên sinh đi ăn giỗ, nể tình phải đi, nhưng suốt buổi ngồi yên nhắm mắt. Ăn xong gục đầu như chết đến nơi khiến gia chủ lo lắng phải cho người đưa về nhà. Nghe người ta nói lại, khi về nhà, tiên sinh tỉnh như sáo! Trái lại Giản Dị tiên sinh, tuổi trên 70 , dạy môn Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, đã có sách in nhan đề là Đạo học Đông Phương, viết chung với Nguyễn Hèn Lê tiên sinh, được tân triều cho về nghỉ, khỏi phải đến học tập cải tạo cho khổ thân già , song tiên sinh vẫn van nài, xin được ở lại học tập tiến bộ. Có kẻ nói rằng ông già Ba Tri này đeo theo đám ''tam thập'' nôm na là tụi ''ba mươi '' do Lý Bất Trung tiên sinh cầm đầu ở chốn kinh thành và trong Quốc Tử Giám, là vì hy vọng có địa vị trong những ngày tới (Sau này Lý tiên sinh được đảng cho vào Đại biểu viện làm nghị gật ). Việc Giản Dị tiên sinh hy sinh trường kỳ gian khổ như vậy khiến dư luận có nhiều ý kiến. Có người cho rằng tiên sinh thấm nhuần Khổng giáo, nay đem đem thực hành triết lý nhẫn nhục của Phật giáo, và đạo lý thực dụng khôn ngoan của Hàn Tín ''giỏi lạy thì còn, giỏi lòn thì sướng'' . Cũng có kẻ nói tiên sinh có người con bị Tăy Sơn bắt giam, tiên sinh phải thi hành khổ nhục kế, phải tỏ ra tích cực, tiến bộ, đỏ hơn đỏ để cứu con. Không biết con trai tiên sinh được tha năm nào, sự hy sinh của tiên sinh có đáng đồng xu cắc bạc nào không, hay ngài chỉ là một ''ngụy quân tử''. Sống cực khổ như vậy mà tiên sinh thọ trên trăm tuổi, kể ra trái tim và các giây thần kinh của tiên sinh có lẽ được đúc bằng thép! Đáng phục! Đáng phục! Trong khi đó, bao người trẻ hơn tiên sinh, sống trong địa ngục, không bị điên cuồng, cao huyết áp, thì cũng đau dạ dày mà chết sớm!
Lúc bấy giờ tại Chiêu Văn quán có cử nhân Đinh Văn Chương là người Thuận Hóa vốn là một trong những giáo quan trẻ tích cực tung hô Nguyễn Nhạc vạn tuế. Quan cử Văn Chương nhà cũng thanh bạch nhưng khéo chạy chọt và luồn cúi từ triều cũ cho đến triều mới. Ông hầu hạ các quan trong trường chưa đủ, ông tranh thủ phục vụ bên ngoài. Ông bán hết tư trang cho đến y phục của vợ để chiêu đãi các tân quan cách mạng, vì vậy mà ông được lưu dụng, và nổi danh chốn kinh đô với biệt danh '' quan cử Quần'' ám chỉ việc ông đã bán quần của vợ để phục vụ cách mạng. Ngoài ra, ông suốt ngày bám theo các quan tân triều báo cáo điều nọ chuyện kia.
Trước đây, thời chúa Nguyễn, sau khi thành Quy Nhơn thất thủ, Võ Tánh tuẩn tiết, Binh bộ thượng thư ra lệnh tổng động viên. Đặc biệt vùng kinh đô Phú Xuân, chúa ra lệnh lập hàng rào phòng thủ. Không muốn đóng cửa trường học và bắt thầy trò ra trận, chúa Nguyễn theo lời tâu của Binh bộ thượng thư, bắt các thầy ở Quốc tử giám ban ngày dạy học, ban đêm thay nhau túc trực, hễ có giặc là sẵn sàng ứng chiến; còn các sinh viên ba tháng hè là vào quân trường tập ắc ê. Trong Quốc tử giám lúc bấy giờ có một số võ quan, vốn là thạc sĩ, tiến sĩ vì lệnh động viên mà theo nghiệp binh đao, sau được về Quốc tử giám dạy học. Bộ binh cử vệ úy Văn Khuê người Thuận Hóa cũng là giáo quan của Chiêu Văn quán làm đoàn trưởng đội binh giáo chức, gồm những giáo quan trẻ của trường này, tất cả khoảng mười người, là tân binh cấp bậc binh nhì. Vệ úy Văn Khuê vốn người ngay thẳng, khuôn thước, ở trong nhà binh bao năm nên đã quen nề nếp quân trường. Ông bực mình vì các tân binh dưới quyền ông quan chẳng ra quan, quân chẳng ra quân, rất là lèng phèng, vô kỷ luật, luôn luôn đến trễ hoặc vắng mặt vô lý do, lúc nào cũng khăn đóng áo dài của nho gia, không chịu mặc quân phục của triều đình. Đã thế, lúc bàn bạc nói năng cứ mày tao chi tớ theo kiểu dân gian, không biết chào kính, thưa gửi theo quân giai, quân cách và quân kỷ. Không lẽ ông bắt các tiến sĩ, thạc sĩ bạn hít đất, nhảy xổm hoặc bỏ vào quân lao! Ngay cả phê bình họ ông cũng không dám. Nếu ông làm vậy, bọn họ sẽ làm thơ, ca dao, hò, vè châm chọc ông thì tai hại không thể lường được. Không phạt được ai, không đánh chửi được ai, ông đành phạt ông vậy. Ông phạt ông bằng cách làm đơn xin thôi làm đoàn trưởng. Ngoài ra còn lý do khác, chính Vệ úy Văn Khuê nói ra. Mỗi lần lên Binh bộ hội họp với các Thượng thư, Thái úy, và các đại soái, đô đốc, tổng binh, ông cảm thấy buồn phiền lắm. Buồn phiền vì tụi vệ binh chỉ chào kính các quan văn võ từ ngũ phẩm trở lên, còn chức vệ úy đoàn trưởng, đội trưởng của ông chỉ là thất phẩm, không đáng giá là bao, chúng chỉ chào hỏi lấy lệ! Ngoài ra, các quan trên mặc áo đỏ, áo tía, đi kiệu mười, hoặc mười hai, hai mươi người khiêng, xung quanh có kẻ hầu chạy theo bưng tráp, cầm điếu đóm rất xôm tụ, oai phong, còn ông chỉ mang võ phục đơn giản, đi ngựa, không có lấy một quân hầu. Tủi thân, tủi phận, ông xin thôi làm đoàn trưởng và được bộ Binh chấp thuận. Bộ binh cử Vệ úy Hồng Sơn Đông cũng là giáo quan trong trường lên làm đoàn trưởng. Vệ úy Hồng Sơn Đông người Đồng Nai nên chịu chơi lắm. Ông cũng mày tao chi tớ với anh em, cũng nhậu nhẹt với anh em, không phân biệt cấp trên, cấp dưới gì cả, ai đi sớm về trưa hoặc bỏ trực, bỏ họp ông chẳng quan tâm. Trường để cho đội Phòng vệ kinh đô một ‘’tổng hành dinh’’, là một phòng giảng dạy, nay lấy tre nứa và cót che lại một góc, chỉ có một cái bàn và vài cái ghế, không có nhân viên, chỉ có một cuốn sổ trên bàn, cứ theo ngày định trước, các tân binh giáo quan đến ngày trực, ngày họp, ký tên vào sổ rồi về. Thời Văn Khuê làm đoàn trưởng, mỗi năm cũng có vài lần họp, mỗi lần vài phút rồi giải tán. Còn lúc Hồng Sơn Đông làm đoàn trưởng, cả năm không có một cuộc họp, hoặc canh gác gì cả, thậm chí các tân binh giáo quan cũng không thấy khẩu súng tròn hay méo. Ông làm được khoảng một năm thì cái ‘’tổng hành dinh’’ biến mất lúc nào không hay, và ông đem về cho đám giáo quan tân binh một mớ giấy khen thưởng của Binh bộ, nào là có tinh thần chiến đấu, hoàn thành tốt các công tác.. . Các giấy khen này được bỏ trên bàn trong phòng giáo quan nhưng không ai lấy đem về, nhân viên văn phòng phải bỏ vào các hộp thư của mỗi người, thế mà cũng chẳng ai nhận lãnh. Sau ngày quân Tây Sơn tiếp quản Quốc Tử giám, các giấy tờ này mất sạch. Nhưng mà cũng chẳng ai chú ý đến vấn đề nhỏ nhặt này vì trong đầu óc mọi người lúc này ai cũng cộm lên kế hoạch ‘’tẩu vi thượng sách ‘’! Sau quân Tây Sơn vào, hỏi trong trường ai là đảng viên ngụy, ai là chiến sĩ thi đua, ai là giáo sư nhân dân, ai là giáo sư ưu tú, ai là biệt phái, ai là mật vụ, ai được khen thưởng của ngụy quyền, thì Văn Chương khai ra, và trình lên các giấy khen thưởng này, thành thử cả đám bị kết tội là tình báo và bị đuổi ra khỏi trường.
Tại kinh đô Phú Xuân lúc này có nhiều trường đại học. Triều đình có Quốc Học viện tức Quốc tử giám, dưới Quốc tử giám có Chiêu Văn quán, Tú Lâm cục, Hoa Văn cục, Tập hiền viện, . .Bên Phật giáo có Vạn Pháp học viện, bên đạo Lão có Tam Thanh học quán, nhưng nhìn chung toàn quốc, từ Bắc chí Nam, Nho, Lão Thích đều suy đồi, đâu cũng thấy yêu ma quỷ quái xuất hiện giữa ban ngày. Nguyễn Hữu Chỉnh vốn là nho sĩ, văn võ toàn tài nhưng có tiếng tham nhũng, theo Hoàng Ngũ Phúc đến khi Hoàng Ngũ Phúc mất, mà sau Hoàng Đình Bảo bị kiêu binh giết, ông bỏ đất Bắc Hà vào Quy Nhơn theo Tây Sơn. Sau đó là Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ich cũng là những kẻ ‘’trốn chúa lộn chồng’’, bất trung bất nghĩa, hết theo Trịnh lại theo Tây Sơn. Nhất là Ngô Thời Nhậm, bị sĩ phu Bắc Hà khinh miệt. Nguyên trước đấy, chúa Trịnh Sâm đã lập Trịnh Khãi làm thế tử, trước khi chết, lại để di chiếu lập Trịnh Cán, con trai Đặng Thị Huệ, tức bà chúa Chè làm thế tử và giao cho Hoàng Đình Bảo phụ chánh. Thực ra không ai biết là do quyết định của Trịnh Sâm hay xảo kế của Đặng thị Huệ. Trịnh Cán còn nhỏ mà lại lắm bệnh, nên phe họ Trịnh chia làm hai, phe theo Trịnh Khãi, phe theo bà chúa Chè.. Không biết Trịnh Khãi có ý chống cự hay bà bị bà chúa Chè vu oan giá họa, khiến Trịnh Khãi bị giam, các chân tay của Trịnh Khãi bị giết vì tội âm mưu khởi loạn. Bà chúa Chè rất thủ đoạn, dùng Huy quận công Hoàng Đình Bảo làm nơi nương tựa cho mẹ con bà. Hoàng Đình Bảo nắm quyền trong phủ chúa, có quyền vào ra ngày đêm cho nên trong dân gian truyền tụng câu ca:
Ba quân có mắt như mờ,
Để cho Huy quận vào sờ chánh cung.
Bà chúa Chè chơi rất có bài bản. Bà cho quân bắt người rồi lập tòa án xử tội Trịnh Khãi, giao cho Ngô Thời Nhậm thụ lý vụ này. Ngô Thời Nhậm theo phe bà chúa Chè, nhận lệnh Hoàng Đình Bảo kết tội phe Trịnh Khãi khiến các thầy dạy của Trịnh Khải là Nguyễn Khắc Tuân, Chu Xuân Hán tự tử, Nguyễn Khản bị giam. Một số văn võ quan và dân chúng bị họa lây, số nạn nhân lên đến hàng ngàn, hàng vạn. Ngô Thì Nhiệm được thăng thị lang. Trong khi thân phụ Ngô Thì Nhậm là Ngô Thì Sĩ và các quan ủng hộ Trịnh Khãi thì Ngô Thời Nhậm bỏ nhân nghĩa theo cường quyền, khiến cho Ngô Thời Sĩ đau đớn và tủi hổ nên tự tử. Dân chúng và sĩ phu kết tội Ngô Thời Nhậm ‘’sát tứ phụ’’, nghĩa là giết bốn cha ( cha và ba bạn của cha, là thúc phụ, bá phụ của Ngô Thời Nhậm). Ngô Thời Nhậm huênh hoang được một thời, đến khi quân Tam Phủ nổi loạn giết Hoàng Đình Bảo, cứu Trịnh Khãi lập ngôi chúa, thì Ngô Thời Nhâm trốn chui, trốn nhủi, sau rủ em rể là Phan Huy Ich bỏ nhà Lê theo Tây Sơn. Về phía Thích giáo, tình hình cũng đen tối. Một số lợi dụng chùa chiền làm cơ sở ẩn náu như Phạm Thái, Trần Quang Ngọc ở chùa Tiêu Sơn để chống Tây Sơn, còn thiền sư Châu Bất Minh, Vô Nhất Hạnh thì đội lốt thầy tu hoạt động cho phe Tây Sơn ở kinh đô. Ngoài ra, một số đội lốt sư ở chùa để kiếm cơm và trốn lính cho nên trước và sau khi quân Tây Sơn vào Phú Xuân, họ bỏ chùa ra ngoài lấy vợ, nhất là những ông sư tiến sĩ, cử nhân hoặc tú tài như thiền sư Phạm Công Thiến, Phạm Thiên Lôi, thiền sư Nguyên Hồng Đào, . .Phật dạy nhân nào quả nấy thật là đúng. Ai đời trong học viện, các ngài tuyển rất nhiều nữ thư ký đẹp hơn hoa khôi, làm sao mà lòng trần chẳng động?
Bên Đạo giáo, một số đạo sĩ cũng có hành vi đổi trắng thay đen. Trước đây một số trong bọn họ theo Trương Phúc Loan, nay thấy Tây Sơn mạnh, họ bèn quay 180 độ, lên tiếng ủng hộ Tây Sơn, chống Trương Phúc Loan tham nhũng, và kêu gọi hòa bình. Trong số đạo sĩ này có đạo trưởng Thanh Long, chân nhân Văn Thanh, đạo nhân Vô Chân Vô Tín, đạo sĩ Nguyễn Ngọc Lươn, và một số tín đồ như Lý Bất Trung tiên sinh ờ trường Quốc Tử Giám, và nữ kiệt Thanh Thanh ở kinh đô. Lý Bất Trung tiên sinh nghe nói đỗ cử nhân, đuợc làm Đổng Lý văn phòng bộ Lễ đời Trương Phúc Loan, và cũng nhờ thế lực Trương Phúc Loan mà vào Quốc Tử giám. Ngoài ra, một số đạo sĩ theo đời lấy vợ. Một số rất thẳng thắn, công khai cởi áo nhà tu như đạo sĩ Lý Tôn Nghiêm ở Quốc tử giám, nhưng cũng có đạo sĩ sau ngày quân Tây Sơn nhập thành mới dẫn vợ và một đàn con ra khoe thành tích đi theo cách mạng, triệt để chống tôn giáo như đạo sĩ Trần Thái Sơn, một danh sư cũng ở Quốc tử giám. Đạo trưởng Thanh Long trước đây quỳ mòn sân tướng phủ Trương Phúc Loan, sau thấy Tây Sơn hùng hậu ngài lên tiếng chống Trương Phúc Loan bóc lột dân chúng. Ngài đã cùng một số bộ hạ mang áo rách, đội nón mê, chống gậy đi ăn mày khắp phố phường để bêu xấu chế độ. Khi quân Tây Sơn vào Phú Xuân, ngài vội vã dâng đạo quán của ngài cho quân Tây Sơn và ra ngoài theo tiếng gọi thiêng liêng.
Tuần đầu học tập kinh điển, các giáo quan cũ mang tâm trạng chán chường bởi vì họ là những kẻ thất trận, mang tâm trạng của một nhà thơ đời trước:
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu!
Họ cũng mang nỗi u hoài vì các bạn cũ vắng bóng. Vệ úy Hồng Sơn Đông nghe nói đã bị bắt vì tội làm vệ úy trong Đại Nội. Trưởng giáo Xuân Bảo, người Thuận Hóa, vốn là một đại thần trong triều, bao lần giữ chức Tả thị lang bộ Lễ (tức thứ trưởng sau này) không biết đã đào thoát hay bị giam. Một số vắng mặt có lẽ đã chết, ngồi tù hoặc đã bỏ trốn. Chiêu Văn quán bây giờ thuộc ban quân quản của chế độ mới cai trị. Một số bộ mặt khắc nghiệt, lạnh lùng xuất hiện. Cũng có một vài giáo quan cũ như Lý Bất Trung, Phạm Trọng Vằn, Lê Thất Thành, Lưu Tất Khôn đứng hầu bên cạnh các đại quan Tây Sơn. Những người này trở thành đội trưởng, đội phó cai quản các học quan và sinh viên Chiêu văn quán. Một hôm các giáo quan đang ngồi trong hội trường bỗng thấy đạo trưởng Thanh Long xuất hiện. Ngài không mang y phục đạo trưởng mà bận quân phục Tây Sơn, chỉ thiếu cái mũ tai bèo trên đầu, nhưng nổi bật với băng đỏ rực rỡ của ban Quân quản trên cánh tay, chen vai thích cánh với các tân quan cách mạng, đi hiên ngang ngoài hành lang. Thái độ và cử chỉ của ngài, chứng tỏ ngài đã bám dính được với ‘’cách mạng’’. Ngài đã được trọng dụng là phải vì trước đây, ngài đã chống chế độ bằng cách đi ăn mày và trước ngày quân Tây Sơn nhập thành. ngài đã viết văn bản ký tên truyền tay các giáo quan kêu gọi mọi người đừng di tản, hãy ở lại phục vụ ‘’cách mạng’’ xây dựng thiên đường chủ nghĩa. Thời gian học tập này, một đôi khi, các đại quan Tây Sơn triệu tập các học hiệu thuộc viện Quốc Tử giám họp chung, nhưng thường thì các giáo quan các học hiệu được chia thành từng nhóm để học tập và hội thảo chính trị. Một đôi lần, toàn Chiêu Văn quán được họp chung. Một bữa, toàn trường ngồi nghe thông báo tin tức, không phải là buổi tố khổ, thế mà đạo trưởng Thanh Long lên tiếng tố cáo nguyên Trưởng giáo Xuân Bảo là tay sai thực dân, phong kiến. Ngôn ngữ và thái độ hung hãn của đạo trưởng Thanh Long cho thấy ngài đã nhập vai vô sản tranh đấu. Xưa nay, đạo trưởng Thanh Long rất khôn ngoan và tích cực. Trong triều, ngài có thái sư Trương Phúc Loan đỡ đầu, trong trường có Trưởng giáo Xuân Bảo giúp đỡ nên ngài và phe phái ngài mặc sức tung hoành trong ngoài. Nay đột nhiên, và không cần thiết, ngài lên tiếng tố cáo vắng mặt Trưởng giáo Xuân Bảo làm cho mọi người ngạc nhiên. Lão sư Văn Diêm, là người Thuận Hóa, cũng là nguyên trưởng giáo ở các trường đại học, là em hay anh vợ của Trưởng giáo Xuân Bảo, đứng lên phản đối. Ông nói:
Ông Xuân Bảo đã ra trình diện tân triều và đang học tập cải tạo. Ông có tội hay không có tội, triều đình sẽ quyết định, không việc gì đến ông! Hãy im miệng ông lại đ ồ nịnh thần vô liêm sỉ !
Trước đây, dưới mắt nhiều người, Văn Diêm lão sư chỉ là một ông già hiền lành, ít nói, thuộc loại ‘’gọi dạ bảo vâng’’, nay mới thấy lão sư Văn Diêm cũng có chút khí phách chứ không phải là hèn, chỉ biết im miệng cúi đầu nghe người ta nhục mạ cha anh! Một số tín đồ Đạo giáo, thấy cảnh tượng như thế rất đau lòng. Thời chúa Nguyễn, già Riêm là một ông lão hiền lành và nghiêm nghị, trông coi phòng giáo quan đã mấy đời trưởng giáo, chuyên việc trà nước, và đóng mở các phòng ốc. Sau lão về hưu thì ông Tam vào thế. Ông Tam vui tính, để vợ con ở Đồng Nai, một mình ở một phòng rộng rãi trong khuôn viên Chiêu Văn quán. Ông Tam thích hút thuốc thuốc lào cho nên một số giáo quan trẻ thường tới đây hút thuốc lào và nói hươu nói vượn, có thể nằm dài sau cơn say. Không khí ở đây tự do hơn là ở phòng khách giáo quan, là nơi để các giáo quan nghỉ ngơi trước và sau giờ dạy. Thấy đạo trưởng Thanh Long tung hoành ngang dọc, ông Tam cũng là một tín đồ đạo tiên, đã lắc đầu, than thở :
Xưa nay tôi cứ tưởng Thanh Long đạo trưởng đạo cao đức trọng, không ngờ nay ngài làm tay sai cho quỷ sa tăng. Mai mốt tôi sẽ xin về quê làm ruộng, không còn muốn ở lại đây nữa. Chúc các thầy ở lại mạnh khoẻ. . . .
Nói xong ông rơm rớm nước mắt.
It lâu sau, chính sách của Tây Sơn đã rõ rệt. Trong chế độ mới không có tư hữu, và không có chỗ cho tôn giáo. Vì vậy các trường Đại, trung, tiểu học vào tay nhà nước, các vị tu hành không được múa may bay nhảy như trước ngoại trừ các bảng hiệu quốc doanh. Thanh Long đạo trưởng và các sư sãi đều ra khỏi đại học. Tài sản nhà chùa, nhà thờ thì triều đình lấy, song người của nhà chùa, nhà thờ thì trả lại cho nhà chùa, nhà thờ! Còn đại học và việc nước là đo tân triều quản lý. Nghe nói người ta tính dẹp hết các trường dạy văn chương trong đó có Chiêu Văn quán. Một thời gian sau, phần lớn giáo quan được lệnh nghỉ việc, riêng một số vì nhu cầu đưọc ở lại. để lập thành đại học Bách hợp . Lại một đoạn sử được sang trang. . .
No comments:
Post a Comment