Lúc bấy giờ quân Trịnh chiếm bắc sông Gianh, còn miền nam sông Gianh thuộc chúa Nguyễn. Tại Thuận Hóa, chúa Nguyễn ấu thơ, quyền vào tay thái sư Trương Phúc Loan tàn ác, gian tham khiến cho muôn dân thống khổ. Hoàng Ngũ Phúc tuyên bố sẽ vào Nam Hà trừ khử Trương Phúc Loan để giải phóng cho dân lành, chứ không có tham vọng nào khác. Các quan trong triều một số sợ hãi, bèn bắt Trương Phúc Loan giao cho Hoàng Ngũ Phúc để Hoàng Ngũ Phúc khỏi vào Thuận Hóa. Sau khi giết Trương Phúc Loan, quân Trịnh lại tuyên bố rằng Trịnh quân sẽ đánh vào Quy Nhơn để hủy diệt bọn Tây Sơn tham tàn cứu dân lành khỏi nạn cướp bóc chứ họ không hề muốn xâm chiếm Nam Hà. Hoàng Ngũ Phúc đem đại binh chiếm đánh Phú Xuân, chúa Nguyễn bỏ chạy vào Gia Định. Quân Trịnh muốn dùng Tây Sơn để chiếm Gia Định bèn sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem cờ và ấn vào phong cho anh em Nguyễn Nhạc chức Tiên phong tướng quân Tây Sơn hiệu trưởng. Được ít lâu, quân Tây Sơn chiếm Gia Định, chúa Nguyễn thất trận phải bỏ chạy ra ngoài.
Quân Trịnh tiến vào Thuận Hóa và Quảng Nam. Lúc này tại đây có ba hạng dân chúng: và ba hạng quan quân: Hạng uy quyền nhất là quân chúa Trịnh, hạng thứ hai là quân Tây Sơn, và hạng thứ ba là dân chúng và quan quân chúa Nguyễn đã bại trận.Trong Quảng Nam học hiệu, các giáo thụ cũng chia thành ba phe: một phe theo chúa Trịnh, một phe theo chúa Nguyễn, và một phe theo Tây Sơn. Ông cử Dương, cử Lâm và cử Hiền thấy quân Trịnh hùng mạnh nên chạy theo quân Trịnh. Mấy ông này nhân dịp Tết bèn góp tiền bạc mua lụa là gấm vóc, và đặt một tấm liễn sơn son thếp vàng có ba chữ “ Như Đông Hải” dâng Hoàng Ngũ Phúc. Ba chữ “Như Đông Hải “ xuất xứ từ thành ngữ “ Phúc như Đông hải, thọ tỷ Nam sơn” thường được dùng để chúc thọ. Nay không phải lúc khánh thọ của Hoàng Ngũ Phúc mà các ông này dâng ba chữ “Như Đông Hải” là có y ca tụng Hoàng Ngũ Phúc uy quyền to lớn, phúc lộc dồi dào như biển đông!
Quân Tây Sơn chỉ là lực lượng phụ thuộc, ở đưới quyền Hoàng Ngũ Phúc. Quân Trịnh mới là lực lượng chính quy, là chủ nhân ông của đất nước. Quân Trịnh lợi dụng quân Tây Sơn mà Tây Sơn cũng muốn lợi dụng quân Trịnh để tránh giao tranh với cường địch và phát triển lực lượng. Quân Tây Sơn rất ghét quân Trịnh. Họ chờ cơ hội thuận tiện giết sạch quân Bắc Hà để làm chủ đất Nam Hà. Lúc này dân Nam Hà cũng rất ghét quân Trịnh. Nếu dân Thăng Long ghét bọn Kiêu binh bảy, tám phần thì dân Nam Hà ghét quân họ Trịnh chín, mười phần vì bọn Trịnh quân cậy thế là người chiến thắng, anh hùng vô địch, coi khinh thiên hạ. Hơn nữa chúng lại hống hách và cướp bóc dân chúng. Khi quân Trịnh đánh Quảng Bình, Quảng Trị. chiếm kinh đô Phú Xuân, và Quảng Nam, Quảng Ngãi, dân chúng bỏ chạy vào Gia Định hay chạy ra nước ngoài thì quân Trịnh xông vào chiếm nhà cửa, vàng bạc, ruộng đất của dân chúng. Nhà có người ở, chúng cũng xông vào cướp vàng bạc, quần áo, vải vóc, và đuổi dân chúng ra khỏi nơi cư ngụ bắt dân phải về thôn quê hay lên rừng canh tác. Hễ nghe giọng Bắc chua như dấm và giọng Thanh Nghệ trọ trẹ là dân Nam ngảnh mặt quay lưng. Nhà nhà thấy bóng quan quân xe ngựa họ Trịnh ngoài phố là vội đóng của. Lúc này, quân Trịnh hoàn toàn chiếm Thuận Hóa, còn quân Tây Sơn và quân Trịnh chia nhau nắm giữ quyền lợi tại Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Hoàng Thanh Tâm là người Biên Hòa thi đỗ cứ nhân rồi được chúa Nguyễn bổ nhiệm làm giáo thụ (giáo sư) tại Quảng Nam học hiệu. Cử Hoàng là người hiền hậu, thật thà và chăm đọc sách. Tiên sinh it nói, không thích chưng diện, ít bạn bè nhưng tính tình thẳng thắn và trung hậu. Cử Hoàng có mấy bạn theo quân Tây Sơn cho nên tiên sinh trở thành nhân vật khá quan trọng trong trường. Trong trường này cũng như đa số trường học tại Nam Hà, các giáo thụ phần nhiều là người cũ của chúa Nguyễn còn lại. Ban điều hành gồm các quan Bắc Hà , còn các quan lại Tây Sơn chỉ giữ chức tổ trưởng hay thư lại làm việc văn phòng là những chức không mấy quan trọng mặc dầu họ cớ ưu thế hơn các giáo viên thuộc loại ‘’ngụy Nguyễn’’.
Cử Hoàng được các quan Tây Sơn cho biết nay mai quân Trịnh sẽ lui về Bắc, giao lại Nam Hà cho anh em nhà Tây Sơn như lời Hoàng Ngũ Phúc đã tuyên bố trước đây. Nghe tin trên, cử Hoàng rất phấn khởi. Cử Hoàng là người bộc trực thường chê bai các bậc danh thần Bắc Hà như Lê Quý Đôn, Nguyễn Khản, Bùi Huy Bích, Ngô Thời Sĩ là một lũ bất trung, bất nghĩa, phò Trịnh mà chẳng phò Lê, theo cường quyền mà bỏ quên chính nghĩa. Ông cũng chỉ trích đường lối giáo dục của xứ Đàng Ngoài là thối nát, và quan lại Đàng Ngoài ngu dốt và tham ô. Lời của ông không phải là không căn cứ. Lúc bấy giờ ngoài Bắc giặc giã nổi lên liên tiếp, quân sĩ phải đi chinh chiến liên miên, mà triều đình thì cạn kiệt tài chánh. Niên hiệu Cänh Hưng thứ 11 (1750), triều đình bắt mỗi thí sinh đóng năm tiền, gọi là tiền thông kinh để chi tiêu cho trường thi. Ngày xưa, học trò thi hương phải qua một kỳ khảo hạch trước, ai đỗ mới được địa phương cấp giấy dự thi Hương. Sau Đỗ Thế Giai cầm quyền trong phủ chúa, y bèn có sáng kiến bắt thí sinh đóng ba quan tiền thì được vào thi khỏi phải khảo hạch. Vì vậy hạng sĩ tử ngu dốt, con quan quyền hay nhà giàu, hạng thợ thuyền, hạng đi buôn cũng nạp tiền mà đI thi rất đông, dẫm đạp nhau mà chết ở cổng trường thi. Và trong trường thi, thí sinh quá đông, các giám thí không thể kiểm soát được, cho nên sĩ tử mặc tình mở sách chép bài hoặc mượn người làm bài. Trường thi trở thành cái chợ hỗn loạn. Dân chúng mĩa mai những ông cử, ông tú thời này là “cử nhân ba quan”’, “’tú tài ba quan “. Cử Hoàng cực lực phản đối quan hiệu trưởng cho con cháu quân Trịnh ngu dốt mà vẫn vào thẳng các học hiệu, không cần tuyển lựa như trước đây. Ông lại lên tiếng chất vấn ông hiệu trưởng vốn là một võ quan Bắc Hà:
-Thưa quan hiệu trưởng, chúng tôi nghe tin đồn rằng một vài giáo quan bản trường đã có vợ ngoài Bắc nay lại ve vản gái nhà lành. Chúng tôi cũng nghe tin đồn vài võ quan nhà Trịnh đã cướp vàng bạc, ngựa xe của nhân dân thành Quảng Nam . Xin hỏi đại nhân, đại nhân có nghe những tin đồn đó hay không?
Viên hiệu trưởng phủ nhận mọi việc , bảo rằng đó là những tin thất thiệt.
Nghe lời chất vấn của cử Hoàng, các bạn đồng nghiệp Nam Hà và Tây Sơn rất thích thú nhưng họ đều im lặng không dám bày tỏ thái độ. Họ thầm khen ông là người trung can nghĩa đảm, dám nói sự thật và tố cáo bạo quyền.
Rồi ngày tháng cũng trôi qua. Ít lâu sau, quân Trịnh bất chợt tấn công quân Tây Sơn, tất cả người Tây Sơn đều bị giáng chức, bị giết hoặc bị bắt giam. Trong một cuộc họp, viên hiệu trưởng lên tiếng cho rằng hiện nay có nhiều bọn phản động có ý đồ phá hoại thanh danh quân đội và quan lại triều đình. Đó là bọn phản quốc, cần phải nghiêm trị. Ông tuyên bố một số giáo quan là tay sai của “ngụy Nguyễn” và “ngụy Tây Sơn” cần phải đuổi ra khỏi học hiệu. Trong số đó có cử nhân Hoàng Thanh Tâm. Cử Hoàng sau ngày bị sa thải liền thu xếp hành lý về quê nhà Biên Hòa, song gia đình nhà vợ khuyên ông không nên về Biên Hòa vì đường xa, con nhỏ, vợ yếu, và thời loạn không an toàn. Vì vậy, ông ở lại quê vợ ở Hương Trà, Thừa Thiên cày ruộng.
It lâu sau, nhân ngày giỗ thân phụ, cử Dương mời các bạn đồng nghiệp đến nhà ăn giỗ. Các giáo quan cũ gặp nhau. Họ rất mừng vì sau cơn bão tố, họ và gia đình vẫn được an bình.
Ông cử Hiền nói:
-Nhờ ơn trên phù hộ, chúng ta được tai qua nạn khỏi.
Ông cử Lâm nói:
-Ơn trên là một chuyện, ở đời cần phải khôn khéo thì mới tồn tại. Lưỡi mềm thì còn, răng cứng thì gãy, thánh hiền đã dạy. Ngu thì chết , chẳng có ai thương xót!
Ông tú Mỹ vui vẻ góp ý kiến:
-Việc chúng ta dâng tấm liễn chúc mừng Hoàng tướng quân là một hành động trí tuệ và đầy ý nghĩa!
Ông tú Chiêu cười mà bảo rằng:
-Cử Hoàng kiêu ngạo, coi mình là anh hùng, là trung trực. Chúa thượng khai ân, rộng lượng khoan hồng, không giết , không bỏ tù là may cho y. Nay bị đuổi ra khỏi trường thật là đáng kiếp!
No comments:
Post a Comment