Saturday, August 30, 2008

II. VỀ MIỀN TRUNG

Hè năm 1988, tôi lại về thăm quê tôi. Đây là chuyến đi thứ hai của tôi về thăm quê nhà. Chuyến này tôi đi bằng xe ô-tô từ Sài gòn ra Huế, đến Huế thăm bạn bè và bà con, sau đó đáp xe đò Huế - Vinh để về nhà.


Hôm đó tôi lên xe xích lô máy ra bến xe Pétrus Ký. Lúc này muốn đi Trung, Bắc, người ta phải ra nơi này lấy xe. Sau này, xa cảng miền Đông ra đời, người ta bỏ bến xe này. Tôi đi thật sớm, khoảng năm giờ sáng vì khoảng 6giờ sáng, xe đã lăn bánh. Xe đi ngang trường đại học Sư Phạm ở đuờng Cộng Hòa. Suốt đường này trồng hai hàng cây cao, hoa màu hồng nhạt. Đây là nơi tôi đã theo học trong ba năm trời, và đã tốt nghiệp, đi dạy học vài năm trời, mà nay thì tôi đã gĩã từ sân trường. Tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy một hiện tượng rất lạ. Từ xa tôi thấy đường Cộng Hòa như có sương mù dày đặc. Xe chạy lại gần, tôi mới thấy từ trên ngọn cây cao, hàng ngàn con sâu buông mình xuống lưng chừng trời bằng những sợi tơ trắng. Thế mà trước đây tôi không thấy. Có lẽ khi đêm thanh tĩnh, sương rơi xuống nhiều, đàn sâu mới thả dây xuống rong chơi phố phường, gần sáng, xe cộ qua lại ồn ào, chúng rút lui về chiến khu an toàn, và biến mất trên tàng cây cao. Té ra phải có những lúc nào đó ta mới có thể thấy những điều mà bình thường ta không thấy.


Đi xe đò thì dễ mua vé hơn là đi xe lửa, và không bị người ta nằm võng đu đưa trên đầu. Xe đò lúc này đuợc sơn phết sáng sủa , lại được trang bị cassette cho hành khách nghe âm nhạc. Sau 1975, bao nhiêu radio, cassette tôi đã bán sạch. Hơn mười năm tôi không nghe âm nhạc, bây giờ ngồi xe đò đuợc nghe lại những giọng hát của Thái Thanh, Thanh Thúy, Lệ Thu, Elvis Phương qua những băng nhạc hải ngoại, lòng tôi thật cảm xúc vô cùng. Tiếng hát thật êm ái, bay bổng nhắc nhở tôi thực tại xung quanh, những tiếng hát cộc cằn thô lỗ trên đài Sài gòn sau 1975. Một anh bạn sinh viên tâm sự với tôi rằng anh ta là một sinh viên nằm vùng, rất có uy tín trong địa phương. Sau 1975, anh đuợc giao công tác văn nghệ địa phương và anh dề nghị rằng bây giờ đã hoà bình, nên có giọng hát êm ái hơn là những tiêng gào thét inh tai điếc óc như trước. Kết quả là anh đuợc người ta đem đi lao động cải tạo một thời gian vì cái ý kiến đổi mới đó.


Sống trong chế độ cộng sản, cái gì cũng trở thành những vấn đề quan trọng. Âm nhạc dường như là một niềm say mê của tuổi trẻ. Töi đã đi lao động tại nông trường Lê Minh Xuân ( Củ Chi). Nông trường này đưọc coi là thí điểm của thành phố, và điểm son của thành phố. Đây là vùng nước mặn, lại sõi đá cằn khô, nông dân chỉ trồng lúa mỗi năm một vụ. Nay đảng bắt trồng một năm hai vụ. Còn chỗ nước mặn, xưa nay bỏ hoang, đảng bắt thanh niên xung phong đáp đê ngăn nước mặn, lập thành ruộng trồng thơm
( dứa) xuất khẩu. Thơm cũng không chịu nổi nưôc mặn, chết lớp này đến lớp khác nhưng đảng vẫn kiên trì bắt dân đi lao dộng trồng thơm, để rồi thỉnh thoảng cũng sản xuất đuợc một vài trái thơm nhỏ xíu và chua lè! Tội nghiệp những dân thành phố, xưa nay chưa biêt ruộng đồng là gì, nay phải lội sình đào đất làm thủy lợi và đi trồng thơm. Người ta gọi những nông trường là những 'trung tâm tàn phá sắc đẹp'' . Sau 1975, người dân Việt Nam phải sống trong đau khổ chứ không như lời ca ngợi giả dối của Trịnh Công Sơn:


Em ra đi nơi này vẫn thế. Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ. Vườn xưa vẫn còn tiếng mẹ ru.


Và đi lao động trên công trường là một đày ải chứ không vui vẻ như lời ca tụng ca Trịnh Công Sơn về nông trường đỏ.


Trên nông trường
Vang tiếng hát. . . .


Trong mộng tưởng của những người cộng sản, Liên Xô sẽ xây dựng nơi đây một thành phố Sài gòn thứ hai. Nhưng sự thực những khó khăn cứ đổ dồn tới. Nông trường muốn xin tiền làm một cái gì cũng phải có đủ 20 chữ ký của cấp trên. Cuối cùng những đám giải phóng miền Nam như Tạ Bá Tòng, Nguyễn Hộ đã bị cho về hưu, và nông trường Lê Minh Xuân cũng như bao nông trường khác sau một thời gian thổi phồng để lấy thành tich cho một vài vị vào trung ương đảng hay vào tỉnh ủy thì bị rơi vào quên lãng.


Cuối tuần, nông trường tổ chức văn nghệ do thanh niên xung phong tổ chức. Toàn là những bài hát nhạt nhẽo, buồn chán. Nhưng cuối cùng một màn trình diễn rất cảm động. Không có trống, không có đờn, những thanh niên xung phong đã lấy song, nồi, thùng thiếc sáng tạo ra những trống và đàn để trình bày những bản nhạc ngoại quốc thật sôi động.Họ bảo là nhạc Liên Xô, Đông Đức, Hungary nhưng âm hưởng giống nhạc kích động Mỹ.


Tôi nhớ một buổi chiếu phim trên đài Sài gòn về lễ quốc khánh Khmer. Theo thường lệ, sau thủ tục chào quốc kỳ Khmer, chụp hình các quan khách Liên Xô, Trung quôc, Việt Nam, và các đại biểu lên phát biểu là phần văn nghệ, và cuối cùng là một ban nhạc Khmer trình bày nhạc ngoại quốc mà dường như là nhạc Mỹ. Những nhạc sĩ và ca sĩ trình bày rất sống động , chứng tỏ nhạc Mỹ có một sức hấp dẫn kỳ lạ. Tôi cũng nhớ đến tình hình trước đây, bọn thanh niên Nga mê nhạc Beatles , đã lén thu băng, lén tập hát và tạp nhảy theo nhạc Mỹ. Những đứa trẻ Việt Nam lên hai lên ba, khi nghe bài hát Alababa và 40 tên cướp đã vỗ tay vui cười thích thú. Và cũng ở Việt Nam, người ta đã khủng bố , đánh đuổi dân thiểu số từ nam chí bắc để chiếm rừng phá núi nhưng bề ngoài họ trình diễn thứ âm nhạc, gọi là nhạc dân tộc, cho các văn công mặc áo Thái Mèo, đánh đờn Tơ Rưng hoặc đàn tre, hát tiếng Thái, Mường, Mán, Mèo và tiếng Việt. Trong những buổi trình diễn này người ta đã trình diễn vài bản nhạc theo điệu nhạc Rock của Mỹ và một ca sĩ đóng khố đã gào thét như một người da đen trên màn ảnh Mỹ. Âm nhạc Mỹ đã chinh phục thế giới . Âm nhạc đích thực là một thứ ngôn ngữ quôc tế, vượt qua mọi lứa tuổi ở mọi quốc gia. Âm nhạc vô hình xuyên qua những bức tường thép, và đi vào trái tim con người và thể hiện ở nét mặt và chân tay. không cần giảng giải và lý luận. . Còn âm nhạc tuyên truyền là một hình thức tra tấn của chế độ.


Tôi về Huế, trong các tiệm ăn người ta đã mở nhạc vàng. Và tôi lại được nghe những tiếng hát hải ngoại như hồn tôi đi vào thần thoại.


Sau một ngày ở Huế, tôi ra bến xe An Hòa đón xe Huế- Vinh. Đây là một chiếc xe cũ kỹ như xe buýt An Cựu- Bến Ngự hay Bến Ngự -Đông Ba hồi 1956. Trên xe toàn là dân chúng thôn quê mà phần lớn là dân Huế, Quảng Trị. Xe chạy một đoạn lại dừng để hành khách xuống hoặc lên. Con đường quốc lộ, hai bên đồng ruộng trải dài, thỉnh thoảng có xóm làng nhà của lưa thưa và những bụi tre cằn cỗi. Đường đi toàn là ổ gà hoặc đá lởm chởm, xe chạy nhảy như ngựa lồng. Đàn bà có thai không thể đi xe này được. Trên xe là một bác tài xế tuổi khoảng 35-40 rất hoạt bát nhanh nhẹn. Tôi không hiểu bác là dân xã hội chủ nghĩa hay dân Huế mới được học tập cải tạo vì bác 'trình diễn' quá. Bác ca hát luôn miệng:


Huế của ta ơi! Biết mấy tự hào!


Bác lại ngâm thơ bài Mẹ Suốt , rồi bài Bầm ơi của Tố Hữu:


Ai về thăm mẹ quê ta,
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm.
Bầm ơi có rét không bầm,
Heo may gió núi lâm thâm mưa phùn.. .

Bác xách bình đựng nước, tu một hơi rồi đọc tiếp thơ Tố Hữu:


Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi
Ai về với quê hương ta tha thiết
Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng
Ai vô đó với đồng bào, đồng chí. . .

Tháng tám vùng lên Huế của ta,
Quảng Phong ơi! Hương Thủy, Hương Trà.
Phú Vang, Phú Lộc, đò lên Huế,
Đỏ rợp dòng sông, rộn tiếng ca. . .

Hết ngâm thơ Tố Hữu, bác kể chuyện bác Hồ, bác Tôn kính yêu. . . .


Bác là diễn viên, là cán bộ thông tin văn hóa độc nhất trên xe. Bác là người tốt, muốn giúp vui đồng bào trên xe. Mà bác cũng là cán bộ tốt, muốn tuyên truyền con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. Đồng thời bác cũng là con người khôn ngoan muốn chứng tỏ bác là người vừa chuyên vừa hồng, theo đúng túi khôn xã hội chủ nghĩa là phải ''ca tụng bác Hồ đọc thơ Tố Hữu'' thì khi đi xin việc, đi thi , và làm việc đều đưọc diểm cao.


Khi xe đến Bàu Cá, Quảng Bình thì mấy công an xuất hiện, và họ ra dấu hiệu ngừng lại. Bác tài xuống xe trình giấy tờ và mỉm cười cầu tài. Không biết bác phạm lỗi gì, anh công an xé một lúc khoảng hai chục tờ giấy phạt. Một lúc sau bác lên xe, nét mặt vô cùng buồn bã và tức giận. Từ đó cho đến khi xe ra sông Gianh bác vẫn im lặng, khác hẳn thái độ vui tươi trước kia.


Khác với lần trước, lần này trong thôn có vài đám cưới. Thôn tôi và thôn bên cạnh, khắp nơi inh ỏi tiếng nhạc phát ra từ các loa phóng thanh. Lúc này quê tôi theo mốt mới. Họ mua máy thu băng và loa, mở máy lớn cho anh em bà con trong đám cưới nghe nhạc vàng của Sài gòn. Đa số dân chúng không có máy và băng cassette cho nên họ rất sung sướng khi nghe tiếng nhạc vang lên từ hai ba chiếc loa treo trong đám cưới. Và chủ nhân cũng tỏ ra tự hào vì đám cưới gia đình ta rất tân tiến! Một vài người thấy đây là mối lợi cho nên đã cho các đám cưới thuê băng và máy, khiến cho ở tận thôn quê miền Trung trước đây là vùng đất xã hội chủ nghĩa nay vang lên giọng hát của Thái Thanh, Thái Hiền, Duy Trác, Tuấn Ngọc. . , Nhưng việc mở nhạc này cũng chỉ thịnh hành một thời. Tôi về lần thứ ba thì nghe nói đã bị cấm.

No comments: