Sau 1975, miền Nam đổi chủ và thay cảnh sắc. Ngoài đường, bọn công an mặc quần áo vàng, đi dép râu, đội nón cối, mang AK đứng đầy đường. Khắp nơi, xe vận tải Liên Xô che vải kín như những dấu tích của thời miền Tây Hoa Kỳ khai hoang. Ngân hàng , chợ búa đóng cửa để kiểm kê. Hàng triệu người miền Nam thất nghiệp, hàng trăm ngàn sĩ quan và công chức phải ngồi tù. Chợ trời và quán cà phê mọc khắp nơi. Người ta đem bàn ghế, tủ, giường bán ngoài đường. Khắp nơi treo ảnh già Hồ. Thiếu nhi và thiếu niên đi học phải thắt khăn quàng đỏ. Ra đường ít người mang áo dài và tô son điểm phấn vì người ta sợ bị cắt quần, tuốt móng tay giữa đường. Không còn gạo Lục tỉnh chở về thành phố vì từ nay họ thực hành kinh tế tự cung tự cấp, vùng nào lo thực phẩm cho vùng đó, không có buôn bán từ làng này qua làng khác, xã này qua xã khác. Đó là chủ trương cấm chợ ngăn sông của đảng cộng sản để cho người dân muôn đời sống trong nhà giam Hợp tác xã, bãi bỏ buôn bán cá thể, và không cho dân chúng liên lạc với thế giới bên ngoài. Đi đâu là phải xin phép đi dường, khách đến nhà phải trình báo. Tất cả chúng ta như sống vào một không gian khác lạ. Trong khi bọn cộng sản và bọn ba mươi hớn hở tung hô chế độ, những người quốc gia chúng ta bị '' chấn động văn hóa'' ( cultural shock). Người Tây phương dùng danh từ này để diễn tả tâm trạng của những người đi từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, và họ cảm thấy đau khổ vì mọi thứ như phong tục, chính trị, kinh tế, ngôn ngữ, y phục, thực phẩm. . . . đều khác lạ với nếp sống quen thuộc của họ. Chúng ta không cần đi ra nước ngoài, chúng ta ở trong đất nước của chúng ta, thế mà cộng sản vào miền nam đã gây xáo trộn đời sống nhân dân ta, khiến cho ta khó chịu, buồn bực và đau khổ! Ấy là ta đã bị ''chấn động văn hóa'' ngay tại nước ta! Chúng ta đã cảm thấy mình như đang ở một quốc gia xa lạ, với những tên công an, cán bộ của một chính quyền man rợ tại một vùng hoang vu trên trái đất!
Sau 1975, những nhà giáo không thuộc diện sĩ quan và công chức cao cấp thì không phải đi ''học tập cải tạo''. Vì vậy, chúng tôi còn ở lại trường học tập chính trị, họ nói ai học tập tốt có thể được xét ở lại giảng dạy. Trước đây, tôi là dân vượt tuyến. Thủơ nhỏ tôi đã sống trong vùng cộng sản, và học tại một trường trung học tại núi rừng. Tôi đã biết ít nhiều về cộng sản. Tôi không tin tưởng ở những lời hứa hẹn của họ, vì họ không bao giờ nói thật.
Cộng sản làm thì không nói, cộng sản nói thì không làm!
Tôi là một học sinh bình thường, không thuộc diện đoàn, đảng. Còn những học sinh đoàn đảng thì quá dốt và luôn lăng xăng họp hành riêng với nhau. Tôi có cảm tưởng bọn họ là một loại học sinh '' con đẻ'', còn chúng tôi là loại học sinh '' con nuôi'', hoặc một loại ''người dưng nước lã'', một loại ''khách lạ'' đến từ một nơi xa xăm!
Cảm giác ''người khách lạ'' lại xuất hiện lần nữa sau 1975. Trong trường, còn lại những bạn bè với nhau, chúng tôi vô hình trung thuộc về một loại với nhau dù không bị bôi vôi, cạo trọc đầu hoặc mang biển, mang băng đi khắp thành phố như hồi cách mạng văn hóa bên Trung quốc. Nhìn thái độ và mặt mũi, người ta thấy rõ chúng tôi thuộc bọn '' chế độ cũ'' Sài gòn. Trong khi các cán bộ quân quản mang dép râu, đội nón tai bèo, chúng tôi chỉ mang y phục bình thường quần tây, áo sơ mi. Y phục khác nhau mà tâm tư cũng khác nhau. Họ là kẻ chiến thắng còn chúng tôi ý thức chúng tôi là tù hàng binh và chợt nhớ đến câu thơ Nguyễn Du:
''Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu!
Áo xiêm buộc trói lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi!''
Họ bắt chúng tôi học tập chính trị một thời gian. Lúc đó họ phân loại chúng tôi . Các vị tiến sĩ quốc gia ( Pháp) thì ngang hàng phó tiến sĩ xã hội chủ nghĩa, còn tiến sĩ đệ tam cấp ( Pháp), Ph.D., master (Mỹ) cao học, cử nhân (Việt Nam) thì ngang hàng tốt nghiệp đại học xã hội chủ nghĩa. Tôi bắt chuớc câu thơ của Nguyễn Khuyến đọc cho bạn bè nghe:
Tiến sĩ còn chẳng ra gì,
Cử nhân, cao học khác chi thằng hề!
Có lẽ mặt mũi chúng tôi không còn sáng sủa, và bước chân của chúng tôi không mạnh mẽ và nhanh nhẹn như thời trước. Trong khi đó những anh nằm vùng hoặc '' tân gia ba''( mới gia nhập vào ngày 30 tháng tư) thì lăng xăng, năng nổ. Tức cười nhất là một vị linh mục những ngày đầu tiên ông cũng đứng ngồi khép nép mất tự nhiên như chúng tôi. Vài ngày sau, không biết xin đâu một cái băng đỏ, ông cũng đeo vào cánh tay, gia nhập vào đám cán bộ quân quản, và bọn '' ba mươi''cũng lăng xăng chạy lui chạy tới như gà mắc đẻ. Ít lâu sau, ông vắng bóng, nghe đâu ban quân quản đã cho các vị tôn giáo trở về với tôn giáo!
Những ngày đó chúng tôi không tích cực như bọn ba mươi nhưng cũng không tỏ rõ thái độ chống đối, tuy nhiên đôi khi thấy họ nói ngang ngược quá thì cũng phải góp ý kiến vì nếu im lặng, người ta sẽ cho là trí thức miền Nam ngu! Vì thế mà tên tổ trưởng vốn là một tên cơ hội chủ nghĩa, báo cáo cuối khóa học tập rằng chúng tôi có thái độ đối kháng. Mà đối kháng đồng nghĩa với phản kháng, với phản động! Mà phản động có nghĩa là sẽ bị đảng và nhà nước trừng trị, cho vào trại giam! Nghe ông ''triết gia tổ trưởng'' dùng chữ trong bản báo cáo, chúng tôi ớn xương sống và biết số phận của chúng tôi đã được quyết định. Lúc này, lớp học chính trị của chúng tôi thỉnh thoảng vắng bóng một vài người. Tôi nghe bạn bè kháo nhau họ đã vượt biên. Trong trường, các cán bộ quân quản luôn họp hành với các sinh viên đoàn đảng và các tên tổ trưỡng, tổ phó và các tên ba mươi! Rõ ràng chúng tôi là một lũ tội nhân đang chờ ngày phán xử. Trong những buổi học tập, phải nghe những tên cán bộ i tờ lên lớp về sáng kiến xăng khô của Liên Xô ( Liên Xô chế ra xăng bột rất tiện lợi, khi dùng thì lấy ra một ít bột, đổ nước lạnh vào quậy lên mà dùng), nhờ cố vấn quân sự của đảng ta mà '' Một Răng''( Iran), '' Một Rắc''( Iraq) chiến thắng đế quốc Mỹ; và sự giàu sang của miền Bắc xã hội chủ nghĩa như là đã sản xuất xe ô-tô xuất khẩu, chỗ nào cũng có dầu lửa, nhân dân ta chỉ cần cắm cuống đu đủ là dầu bốc lên tha hồ nấu bánh chưng! Chán nản quá, vào lớp học tôi không sao chống nổi con ma ngủ xâm nhập cơ thể! Dẫu biết đó là một hành động kém khôn ngoan nhưng biết làm thế nào được! Tôi có cảm giác rằng chúng tôi là một thứ ngoại quốc ngay trên đất nước tôi. Y phục của họ khác chúng tôi, cách nói năng và suy tưởng khác chúng tôi. Tôi và họ tuy là cùng giống Việt Nam nhưng có hai nền văn hóa khác nhau! Và điều quan trọng nhất họ là người chiến thắng còn chúng tôi là kẻ chiến bại! Xúc cảnh sinh tình, tôi đọc cho các bạn tôi nghe mấy câu thơ của tôi:
Nước này nào phải nước ta,
Mình là ngoại quốc lo mà hồi hương!
Mình là khách lạ ở trường,
Mau về mà vượt đại dương cho rồi!
It lâu sau thì đa số chúng tôi ra khỏi trường, chỉ trừ các anh em ban sinh ngữ hoặc những người có khả năng sinh ngữ là được ở lại. Một ông bạn già của tôi có việc cần tra cứu sách vở cho nên đã trở lại thư viện trường xin đọc sách. Họ vẫn lịch sự cho ông vào vì người thủ thư là người cũ. Khi về, ông cho biết nhân viên trường đã thay đổi gần hết, sinh viên và nhân viên đều nhìn ông như một người xa lạ. Riêng tôi, từ khi ra khỏi trường thì không bao giờ trở lại trường nữa. Tôi hiểu được nỗi cô đơn lạc loài của ông bạn già. Thật ra chúng ta bao giờ cũng chỉ là người khách lạ trong cuộc đời này! Thời trước chúng tôi còn dạy học, thì chỉ những sinh viên nào học với chúng tôi thì mới biết chúng tôi. Ngoài ra, các sinh viên khác chỉ biết đại khái chúng tôi là thầy giáo của nhà trường, thế thôi! Có kẻ lâu lâu mới tới trường một lần, tất nhiên chẳng biết ai là ai! Sinh viên cũ lớp thì bị ngồi tù hoặc chết trong lửa đạn ' Mùa Hè Đỏ Lửa'' hay ''Mùa Xuân Đại Thắng'', kẻ thì vượt biên, người thì không được tiếp tục học vì lý lịch xấu hoặc vì gia cảnh sa sút không đủ tiền ăn học! Nay đổi thay tình thế, thầy mới, trò mới, làm sao ai còn biết ai ! Khi ra khỏi môi trường hoạt động, chúng ta chỉ là những con người lẻ loi, cô độc, là những khách la! Ông bác sĩ, bà dược sĩ, cô vũ nữ, chàng họa sĩ. . . ra đường cũng chỉ là những con người vô danh trong đám đông!
Khoảng 1985, nhạc phụ tôi mất, nhạc mẫu và mấy đứa em ra ngoại quốc, căn nhà trước kia đông đúc khoảng mười người ở, nay vắng tanh, chỉ còn lại một đứa cháu thường vắng nhà. Hai bên và đàng sau, người ta đã lên lầu cho nên căn nhà cũ bị che ánh mặt trời, trở thành tối om. Những ngày có điện thì có thể bật đèn sáng khi vào nhà, còn những ngày cúp điện thì tối om và nóng không thể tả! Những ngày giỗ chạp, chúng tôi đến cúng vái mà lòng tôi ngậm ngùi vì cảnh cũ người xưa không còn nữa!
Mười năm sau ngày Sài gòn thất thủ, tôi đã trở ra miền Trung thăm mái nhà xưa. Anh em, họ hàng đối với tôi rất chân tình. Người làng có vài kẻ nhận ra tôi, còn đa số nhìn tôi bằng con mắt xa lạ. Những kẻ biết tôi chút chút thì gọi tôi là '' ông Sài gòn''!Tại thôn xóm của mình, tôi thấy phong cảnh đổi khác, và tôi đã trở thành người khách lạ đối với nơi quê hương tôi sinh trưởng. Tôi là người khách lạ vì tôi có cảm giác khác xưa, không thân thiết như xưa. Tôi xa lạ với một số người trong làng vì họ mới lớn lên hay họ từ một nơi nào khác đến hoặc trở về. Và tôi cũng chỉ là một du khách, về đây một thời gian rất ngắn rồi lại lên đường, không biết bao giờ có thể trở lại! Không những tôi xa lạ mà tôi còn mang cảm giác bất an như có một ai đang rình rập tôi! Lúc nói năng, tôi phải gìn giữ từng lời, vì sợ báo cáo và xuyên tạc. Trong một không khí như thế, làm sao mà thân mật!
Ngôi nhà của tôi vẫn còn đó nhưng ngày xưa ông bà, cha mẹ, anh em chú bác quây quần, nay vào ra quạnh hiu chỉ còn mẹ tôi và tôi. Một vài anh chị bà con thỉnh thoảng ghé vào thăm viếng nhưng đêm khuya, một mình dưới bóng trăng lạnh lẽo, tôi cảm thấy cô đơn vô hạn, dường như mọi người đã bỏ đi thật xa, chỉ còn lại mình tôi. Những người thân yêu đã chết, những bạn bè vào bộ đội, đi làm ăn xa hoặc đi kinh tế mới hoặc đã chết. Những cô gái ngày xưa đã đi lấy chồng xa. Tôi mang tâm trạng lạc loài của Lưu Thần, Nguyễn Triệu trở lại quê nhà thì cha mẹ, ông bà, họ hàng, bạn bè đã thất lộc từ lâu, mà những lớp người hiện tại không ai biết chút gì về mình. Trước và sau tôi là sương mù, là sa mạc hoang vu . . .
Năm 1995, tôi và gia đình sang Canada theo chương trình đoàn tụ gia đình. Tôi cảm thấy thích thú vì người dân Canada rất hiền lành và lịch sự. Phong cảnh rất đẹp. Ở trong thành phố mà như nơi núi rừng vì chỗ nào cũng có công viên rậm rạp và cây cối um tùm. Các giống se sẻ, quạ, bồ câu, hải âu bay khắp nơi. Những con sóc leo lên leo xuống những hàng cây bên vệ đường, thỉnh thoảng chạy băng qua đường. Chúng tôi càng thích thú hơn khi thành phố im lặng, không ồn ào, bụi bặm như Sài gòn. Nhất là ngày đêm không có tiếng súng và hình ảnh những công an, bộ đội trong thành phố như tại Việt Nam! Tôi rất vui vì ngày đêm không còn lo công an ập tới xét nhà và bắt đi. Nhưng tôi vẫn có nỗi buồn của tôi. Tôi nhớ quê hương, bà con và bạn bè tại Việt Nam. Trong tôi, những kỷ niệm xưa sống lại. Ngày xưa, tôi ra khỏi nhà thỉnh thoảng gặp bạn bè quen rủ đi uống cà phê. Cuối tuần, thỉnh thoảng chúng tôi còn nhậu nhẹt với nhau. Nhưng bây giờ xung quanh là người xa lạ. Tôi thường ở nhà đọc và viết. Muốn đi đâu phải dầm tuyết lạnh đợi xe bus. Công việc làm ăn xứ người khó khăn vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những chuyên môn, những bằng cấp quá khứ trở thành vô dụng sau 1975 và sau khi chúng ta ra ngoại quốc!
Một hôm, tôi ngồi trên ghế một thương xá ngắm người qua lại. Một ông lão Canada đến ngồi bên cạnh và thân mật hỏi tôi:
- Phải chăng ông là du khách Nhật Bản?
Tôi trả lời:
- Vâng, tôi là một du khách, là một người khách lạ trong thành phố này!
No comments:
Post a Comment