Tôi sinh trưởng tại Sài gòn, lớn lên học trường trung học Chu Văn An. Sau khi đỗ tú tài toàn phần, tôi vào Đại Học Bách Khoa. Sau bốn năm học hành, tôi đỗ bằng kỹ sư công chánh, và đuợc bổ nhiệm làm việc tại bộ Công Chánh, Sài gòn. Tôi làm việc đưọc mấy tháng thì ngày 30-4-75 xảy đến. Hai người anh của tôi vượt biên, tôi cũng muốn theo hai anh tôi vượt biên nhưng ba má tôi không cho, vì không muốn cả ba đứa con trai phải liều thân trên biển cả. Hai anh tôi vượt biên thành công và đã đến Mỹ. Tôi nán ná ít tháng rồi cũng theo bạn bè vượt biên, đã thành công và đến Canada.
Ở Canada một mình, tôi xin học tiếng Anh tại các trường dành cho những người mới đến để thi vào đại học. Trong thời gian này, tôi xin đi làm và được một công việc cuối tuần. Lúc này, tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi được hai anh bên Mỹ giúp đỡ một it tiền. Tôi chưa học lái xe, và chưa có xe, phải đi học, đi làm và đi chơi bằng xe bus. Nghe nói trung tâm Saint Laurent rất lớn, tôi bèn đi xe bus 111. Tôi đã đi thăm khắp nơi và nhận thấy Canada quả thật lớn lao và văn minh. Tôi không thấy một bóng dáng quân nhân cầm súng hay một ông công an đứng giơ tay giơ chân ở ngoài đường hoặc sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm như ở Việt Nam. Tôi thích thú thấy những con sóc đuôi dài chạy băng qua đường xe chạy rồi leo lên cây ngồi ngó khách qua lại. Đường phố Canada rât êm, không có bụi, không có tiếng còi, không có tiêng chưởi thề, không có ruồi muỗi và không có ăn cắp. Lần thứ hai, tôi đi thăm Saint Laurent.Tôi thấy xe số 5 đề bảng Saint Laurent nên nhảy lên ngồi. Tôi nghĩ rằng xe này đi Saint Laurent thì mình lên là đúng tuyến. Tôi nghĩ xe bus Canada chăc cũng giống xe bus Saigòn. Nếu tôi muốn đi Bà Chiểu từ ông Ông Tạ, tôi đi xe Bảy Hiền - Bà Chiểu, xe nào cũng thế thôi. Chuyến trước tôi đi xe 111 thì chỉ 15 phút là đến nơi, nay đã hơn 20 phút mà trông sao quang cảnh khác lạ. Tôi hỏi mấy bà già ngồi cạnh, họ cho biêt đi xe số 5 là xe đi quanh, lâu lắm mới tới Saint Laurent. Thấy tôi sốt ruột, sợ lạc đường, họ vui vẻ an ủi tôi hãy kiên nhẫn chờ. Hơn nửa giờ, tôi cũng đến Saint Laurent mà tâm hồn thì mệt mỏi, chán chường. Qua kinh nghiệm này tôi mới biêt tổ chức xe bus Canada khác xe bus Sài gòn vì họ có những chuyến đi với những lộ trình khác nhau. Có lộ trình đi cong queo dài dòng đó là những xe số 5, số 85 . . Một năm qua, tôi vẫn đi học và đi làm bằng xe bus. Có một lần mùa đông, tuyết phủ kín trời. Tôi đi làm đến 9 giờ thì ra đón xe bus về nhà. Khách lên xe rất đông, tôi không có chỗ ngồi và bị đẩy xuống tận cuối xe. Phần thì trời đất mù mịt, phần thì ở cuối xe không thấy đuợc hai bên, và có lẽ cũng vì đương mơ màng hay thiếp ngủ cho nên khi đến trạm Billings Bridge, đáng lẽ phải xuống xe, tôi vẫn đứng yên. Xe chạy mãi, đến khi chỉ còn vài người, tôi hỏi ông tài xế, mới biết xe đã đi qua Billings Bridge từ lâu. Ông bảo tôi cứ chờ đợi, ông sẽ giúp đỡ tôi. Đến khi mọi người đã xuống xe hết, còn tôi tớI trạm chót ở Air Port. Tôi nói với ông tài xế, đưọc ông thông cảm, ông bèn dẫn tôi đến một tài xế xe khác, đưa tôi trở lại Billings Bridge. Chuyến đó ngồi lâu, trời lại lạnh, cả người tôi gần đông đá. Đó là một kỷ niệm không quên trong những ngày đầu tiên tôi đến xứ tuyết.
Tôi được nhận vào đại học và học bốn năm chương trình computer science. Trong khi đi học, tôi vẫn đi làm. Tốt nghiệp đại học, tôi xin vào làm ở hãng Corel, lương khởi đâu là 50 ngàn một năm. Năm sau, tôi mua nhà và cưới vợ, bảo lãnh ba má tôi qua và chúng tôi sống một cuộc đời rất hạnh phúc.
Tôi chọn vợ rất kỹ càng mặc dầu tại ngoại quốc rât hiếm con gái Việt Nam. Tôi không có óc môn đăng hộ đối, không có óc kỳ thị giàu nghèo. Theo tôi giàu nghèo chỉ là tương đối. Hôm nay giàu mà mai nghèo, hoặc nay nghèo mà mai giàu, sự đời không chắc ai hơn ai. Biến cố lịch sử 1975 đã dạy ta lẽ vô thường của Phật giáo và Lão giáo.Nguời phụ nữ nhà nghèo nhưng biết làm việc, biết tính toán và biết quản trị gia đình cũng sẽ đem lại một số lợi tức còn nhiều hơn là của hồi môn của con nhà giàu mà không biết tính toán chi tiêu. Tôi chủ trương bình đẳng, chủ trương một chữ đồng. Đó là đồng tâm, đồng tôn giáo, đồng học vấn, đồng gia thế, đồng tư tưởng và đồng nghề nghiệp. Nhiều người cho rằng con gái nhà giàu thì lười biếng, còn con gái nhà nghèo thì siêng năng. Thiên hạ lầm to. Con nhà nghèo một số rât lười, không biêt làm việc gì ngay cả nấu cơm . Còn nhà giàu it nhât phải biết tính toán tiền nong, biêt nấu nướng món này món kia đãi khách. Nếu chồng vợ chênh lệch tuổI tác, khác biệt tôn giáo, chính trị, gia thế thì dễ xung đột. Người con gái có học, ít nhât là trung học cũng hơn dân i tờ. Sự thành công về việc học chứng tỏ là họ có óc thông minh, chăm học, và chăm làm.
Tôi không thích lấy vợ các ban kinh tế tài chánh, văn khoa, luật khoa. Tôi thấy cao giá nhất lúc này là con gái học computer. Vì quan niệm này mà trong khi theo học, tôi đã theo đuổi một nàng học computer dưới tôi một lớp. Tôi thường giúp đỡ nàng làm bài. Khi nàng tốt nghiệp, tôi ngõ lời yêu nàng thì nàng trả lời nàng chỉ xem tôi là bạn. Bây giờ nàng tốt nghiệp hẳn có giá ghê lắm. Tôi chỉ có giá trị lợi dụng nhất thời. Đa số con gái hải ngoại là thế! Vài năm sau thì tôi cũng tìm ra ý trung nhân. Vợ tôi là một kỹ sư computer, sang đây đã lâu, đã tốt nghiệp và đi làm trước tôi vài năm, đã trả xong tiền mượn học và đã dành dụm được một số tiền khá lớn mặc dầu nàng không đẹp. Lúc này thì tôi mua một chiếc xe Toyata mới giá 30 ngàn. Tôi đi làm bằng xe hơi. Vợ tôi cũng là một kỹ sư computer làm ở Nortel, mua một chiếc Camry giá 35 ngàn. Lương hai chúng tôi cọng lại gần 100 ngàn nhưng trừ thuế cho nên còn khoảng 70 ngàn. Trên thế giới, Canada là xứ đánh thuế nặng nhất. Tôi nghe nói người đi làm bị khấu trừ gần 1/4 tiền lương để bỏ vào quỹ hưu bổng, quỹ thât nghiệp, và nhất là bỏ vào quỹ an sinh. Tôi ghét nhât là quỹ an sinh vì nhà nước chi tiền một cách lãng phí cho những người ăn không ngồi rồi, những kẻ lười biếng, nhât là những kẻ gian giảo. Ở bên Mỹ cũng như ở Canada, một số đi làm móng tay mỗi tháng cả năm sáu ngàn , hoặc làm chủ tiệm giặt ủi, tiệm phở, hoặc làm hai ba job vẫn dược cấp tiền xã hội. Tôi thù ghét loại người gian dối nàyvà ghét luôn những kẻ ăn tiền xã hội.Vì họ mà tiền lương của tôi phải cắt giảm nặng nề!
Sau mười năm, tôi trả xong tiền xe, tiền nhà và tiền mượn học thì một biến cố quan trọng xảy đến cho chúng tôi. Cả hai vợ chồng chúng tôi lần lượt bị sa thải vì kinh tế khủng hoảng. Hai hãng Nortel và Catel đều là hãng lớn cũng phải đóng cửa theo tình hình chung của kinh tế thế giới. Tôi mớI thấy mình sai lầm hoặc ông tạo trớ trêu. Nếu tôi lấy một ngườI vợ làm một ngành nghề khác thì chắc nàng không thât nghiệp và vợ chồng tôi đã không đến nỗi lâm cảnh bần bách. Chúng tôi bây giờ phải nuôi ba đứa con. Sau một năm ăn thất nghiệp, cạn hêt tiền, cho đến năm thất nghiệp thứ hai, chúng tôi không kiếm ra việc làm, đành phải ra cơ quan an sinh xã hội để xin cứu trợ. Ngày đầu tiên ra nơi đây chúng tôi rất xấu hổ vì thấy mình làm lương tiền tuy không cao nhất nước như các nhà đại tư bản và các vị thủ tướng, bộ trưởng nhưng cũng thuộc loại khá, thế mà bây giờ phải ngữa tay ăn xin nhà nước. Trước đây, chúng tôi là kỹ sư, tốt nghiệp đại học, bây giờ xếp hàng chung với những kẻ hạ đẳng trong xã hội, là những kẻ mà tôi vốn có it nhiều khinh bỉ vì việc ăn bám của họ. Ra đây, tôi mới biết, không phải riêng người châu Á, châu Phi, mà rât nhiều người Canada cũng xin cứu trợ. Có những cô giáo, bà giám đốc, ông y tá vì việc căt giảm của ngài tỉnh trưởng mà trở thành thât nghiệp phải đi xin tiền xã hội. Và rất nhiều bạn bè của tôi nay cũng gặp mặt nơi đây. Chúng tôi sượng sùng nhìn nhau không nói nên lời. Hai vợ chồng tôi chỉ được cấp phát mỗi tháng khoảng vài trăm bặc, cộng với tiền trợ cấp của ba má tôi, cả nhà tôi bảy người cũng chỉ được một ngàn bạc mỗi tháng. Vì tôi có nhà, họ buộc chúng tôi khi bán nhà phải hoàn tiền lại cho chính phủ. Tôi mới biêt ăn tiền xã hội không phải là dễ, là sung sướng.Tôi cảm thấy hối hận vì tôi đã kết tội oan cho những người ăn tiền xã hội. Lẽ tất nhiên trong xã hội, ở trong chùa, trong nhà thờ, trong y đoàn, trong giáo giới,trong khoa học, trong chính phủ vẫn có những con sâu mọt nếu không nói là những kẻ đại gian đại ác.
Trong khi ăn tiền xã hội, tôi bắt buộc phải đi xin việc làm và phải học tu nghiệp. Nhà tôi vì bận con dại nên miễn việc kiếm việc làm và học tu nghiệp. Tôi đã bán một chiếc xe, còn lại một chiếc để dùng đem con đi học. Hằng ngày tôi lại đi xe bus đến trường. Đã lâu tôi không đi xe bus, nay trở lại đi xe bus, tôi cảm thây khó chịu vì xe đi quá lâu và phải chờ đợi mất nhiều thì giờ. Nhiều khi không có chỗ ngồi, tôi phải đứng rất mệt mỏi. Thỉnh thoảng tại trạm xe bus, tôi gặp những cô cậu rất trẻ khoảng 16, 17 tuổi xin tiền lẻ. Tôi rất ghét hạng này và không bao giờ cho họ tiền dù chỉ là 25 cent. Tôi ăn tiền xã hội là thuộc loại thấp nhất trong bậc thang xã hội, tại sao tôi phải cho những người khá hơn tôi! Nếu họ cũng ăn tiền xã hội, tức là họ cũng ngang tôi, tại sao tôi phải cho họ?
Một buổi kia trời đông lạnh giá đầu tháng, tôi đi học nhưng quên mua thẻ xe bus cho tháng mới. Hàng ngày tôi đi ba chuyến xe để tới trường. Khi lên xe thứ nhất, người tài xế không chú ý nhìn vào thẻ xe bus của tôi. Sang xe thứ hai thì người tài xế phát giác thẻ xe của tôi quá hạn. Tôi lúng túng tìm cái ví tiền cắc của tôi nhưng tôi đã bỏ quên ở nhà. Tôi móc khắp nơi để tìm xem có đồng lẻ nào còn sót trong túi không, nhưng tôi không tìm được xu nào. Xe vẫn tiếp tục chạy. Tôi đành rút ví ra chỉ còn một tờ 20 đô la. Người tài xế nói ông không đổi được; và không có tiền lẻ, tôi phải xuống xe. Tôi ngần ngừ hết sức vì trường còn xa, giữa đường tuyết rơi đầy, tôi không thể đi tiếp tới trường hoặc đi bộ trở về , nhất là phải đi bộ dưới tuyết ít nhât cũng 45 phút. Bổng một nữ học sinh Canada tuổi 14, 15 đứng lên dúi cho tôi một vé xe bus. Tôi quay lại nói cảm ơn và nhét vé vào hộp đựng vé xe và tìền cạnh tài xế, và hết sức bối rối nhìn mọi người trên xe đang chăm chú xem một màn kịch do tôi thủ vai chánh. Tôi đến trường ngồi học một giờ, giờ sau tôi phải ra về kẻo vé hết hạn để tới trung tâm thương mại mua thẻ xe mới
Posted by sontrung at 9:51 PM 0 comments
No comments:
Post a Comment