Wednesday, June 2, 2010

RFA * BIỂN ĐÔNG


Ngôn ngữ ngoại giao của Trung Quốc khác với báo chí như thế nào?
2010-05-22

Quan sát các bài phát biểu của các viên chức ngoại giao Trung Quốc cùng với ngôn ngữ mà báo chí nước này đưa tin, chúng ta nhận thấy có sự khác nhau rõ rệt.

AFP photo

Lực lượng đặc biệt hải quân Trung Quốc trên boong tàu chiến tên lửa hôm 13/04/2010

Trong ngoại giao, để đạt được mục đích, các viên chức Trung Quốc đã không thiếu những lời hoa mỹ nhằm thuyết phục các nước láng giềng nghe theo. Thế nhưng, có một ngôn ngữ khác mà báo chí Trung Quốc dành cho các nước trong khu vực, trái ngược hoàn toàn với ngôn ngữ hòa nhã vốn thường được các nhà ngoại giao nước này sử dụng.

Mời quý vị cùng chúng tôi tìm hiểu thêm hai loại ngôn ngữ trái ngược nhau này.

Trung Quốc không có ý định xâm lược các nước khác?

Đầu năm nay, trong chuyến viếng thăm Ban Thư ký Asean ở Jakarta, nhân vật đứng đầu trong việc xây dựng các chính sách đối ngoại của Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đã hết lời ca ngợi khối Asean. Trong một bài phát biểu, ông Đới Bỉnh Quốc ca ngợi Asean trong 10 năm qua như, Asean đã trở nên "ảnh hưởng nhiều hơn về chính trị, cạnh tranh hơn về kinh tế, và đóng vai trò quan trọng và duy nhất trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự ổn định trong khu vực”.

Cũng trong bài phát biểu này, ông Đới Bỉnh Quốc khẳng định rằng, Trung Quốc không bao giờ có ý định xâm lược các nước khác.

Hãy nhìn vào lịch sử của Trung Quốc. Trung Quốc có truyền thống và văn hóa xâm lược và mở rộng hay không? Tôi đã ghi nhận, rất nhiều người trên toàn thế giới nói "không".

Ông Đới Bỉnh Quốc

Ông nói: “Hãy nhìn vào lịch sử của Trung Quốc. Trung Quốc có truyền thống và văn hóa xâm lược và mở rộng hay không? Tôi đã ghi nhận, rất nhiều người trên toàn thế giới nói "không". Trung Quốc không muốn quyền bá chủ hoặc tìm kiếm mở rộng, ngay cả khi Trung Quốc mạnh nhất thế giới, với 30% GDP toàn cầu cách đây vài trăm năm.

Nhiều người trong số các bạn biết về các chuyến hải trình của Trịnh Hòa tới các vùng biển phương Tây. Dẫn đầu hạm đội mạnh nhất thế giới, Trịnh Hòa thực hiện bảy chuyến đi tới các vùng biển phương Tây, mang tới đó đồ sứ, tơ lụa và trà, chứ không phải chém giết, cướp bóc hay chủ nghĩa thực dân”.

Thế nhưng, trái ngược với những ngôn từ hoa mỹ của ông Đới Bỉnh Quốc sử dụng là giọng điệu kêu gọi chiến tranh của báo chí Trung Quốc. Trong những năm gần đây, báo chí nước này có những bài viết kêu gọi chính phủ Trung Quốc nên phát động cuộc chiến tranh chống Việt Nam và các nước trong khu vực, như báo Luận Đàn, Trung Quân Võng, Trung Hoa Võng (China.com), milchina.com và rất nhiều báo mạng khác.

Đáng chú ý nhất là tờ Hoàn Cầu Thời Báo, đây là nhật báo có uy tín tại Trung Quốc, với lượng phát hành mỗi số gần 2 triệu bản và phóng viên có mặt hơn 60 nước trên thế giới. Báo này liên tục có các bài liên quan đến Biển Đông với luận điệu hoàn toàn trái ngược ngôn ngữ ngoại giao mà Trung Quốc thường hay sử dụng.

bauxite-vn-305.jpg
Bài dịch của GS Vũ Cao Đàm đăng trên mạng Bauxite Việt Nam, từ một bài báo của TQ với tựa đề “Trung Quốc phải dùng vũ lực để tấn công bọn Việt Nam lòng lang dạ sói”
Chẳng hạn như, đầu tháng 7 năm ngoái, tờ Hoàn Cầu Thời Báo có bài viết với tựa đề: “92% dân mạng Trung Quốc tán thành việc dùng vũ lực giải quyết vấn đề Biển Đông”. Hơn 1 tháng sau, một bài báo khác đăng trên tờ báo này kêu gọi phát động cuộc chiến chống Việt Nam như: “Cuộc chiến ở Biển Đông: năm nguyên nhân lớn khiến Trung Quốc nên đánh cho Việt Nam tan tác”. Cuối tháng 10 năm ngoái, một bài báo khác trên tờ Hoàn Cầu có tựa đề: “Trung tướng Quân Giải phóng nói rất mạnh: ‘Đã chuẩn bị đánh ở Biển Đông rồi’”.

Mặc dù các trang mạng này cũng nhắc đến sự hiện diện của các nước khác trên Biển Đông như Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và kêu gọi Trung quốc “phải dùng ‘binh’ nếu dùng ‘lễ’ không mang hiệu quả”. Thế nhưng, với Việt Nam họ kêu gọi nên sử dụng vũ lực, vì theo báo chí Trung Quốc, các học giả nước này cho rằng Việt Nam là đối thủ nguy hiểm nhất và cũng là đối thủ khó giải quyết nhất trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Chính sách ngoại giao “hòa bình” của Trung Quốc?

Trong khi đó, đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc CRI đưa tin về chính sách ngoại giao của nước này như sau: “Trước sau như một, Trung Quốc thi hành nguyên tắc độc lập tự chủ, không ký kết liên minh với bất cứ nước lớn hay tập đoàn quốc gia nào, không tổ chức và tham dự tập đoàn quân sự, không tham gia chạy đua vũ trang, không tiến hành khuếch trương quân sự.

Phản đối chủ nghĩa bá quyền, giữ gìn hòa bình thế giới, chủ trương các nước không phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu, giầu nghèo đều là thành viên bình đẳng trong cộng đồng quốc tế. Giữa các nước giải quyết các cuộc va chạm và tranh chấp thông qua hiệp thương hòa bình, không nên dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực, không kiếm cớ can thiệp công việc nội bộ của nước khác.

Fact box
- Báo South China Morning tường trình, ngày 17-18/04/2010
- tàu chiến Trung Quốc chạy qua dãy đảo đầu tiên của Nhật, Đài Loan và Philippines để diễn tập cách phòng chống tàu ngầm.

Nguyện thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và cùng chung sống hòa bình.

Và ông Đới Bỉnh Quốc cũng đã lặp lại chính sách ngoại giao của Trung Quốc như đài CRI đưa tin: “Hãy nhìn vào các chính sách cơ bản của Trung Quốc. Không tìm kiếm quyền bá chủ là chính sách quốc gia cơ bản của chúng tôi và sự lựa chọn chiến lược. Trung Quốc muốn tình hữu nghị, không phải quyền bá chủ. Trung Quốc luôn luôn theo đuổi chính sách láng giềng tốt và thân thiện.

Trung Quốc là đại diện cho sự bình đẳng giữa tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo và tôn trọng các quyền của người dân của họ, được lựa chọn con đường phát triển của họ một cách độc lập.

Chúng tôi sẽ tuân theo sự hợp tác đôi bên cùng có lợi và tiến bộ chung. Sự ổn định lâu dài của Trung Quốc, phát triển và thịnh vượng đã được chứng minh là cơ hội cho các nước láng giềng, không phải là một thách thức, không phải là một thảm họa”.

Tàu Trung Quốc bắt tàu đánh cá Việt Nam hồi năm 2009. Photo   courtesy of Lyson Forum.
Tàu Trung Quốc bắt tàu đánh cá Việt Nam hồi năm 2009. Photo courtesy of Lyson Forum.
Thế nhưng, ngày 14 tháng 5, mạng milchina.com đăng bài của Thượng tướng Trì Hạo Điền, nguyên phó Chủ tịch Quân ủy, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, với lời lẽ kêu gọi Trung Quốc nên phát động một cuộc chiến trong khu vực. Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đã dịch bài viết này, trong đó có đoạn ông Trì Hạo Điền viết như sau:

Để ngăn cản, làm chậm thời gian bùng nổ cuộc chiến ở eo biển Đài Loan, trước tiên phải đưa cuộc chiến ở eo biển Đài Loan lên mức ‘quyết chiến chiến lược đối xứng’, vừa là trình tự cá chết thì lưới cũng rách, nếu chúng ta không thắng được trong cuộc chiến ở eo biển Đài Loan thì hậu quả chiến bại còn thê thảm hơn cuộc chiến tranh Giáp Ngọ. Vì vậy không đánh thì thôi, đã đánh là phải tiêu diệt toàn diện Nhật Bản, đánh cho Mỹ tàn phế, điều này chỉ có chiến tranh hạt nhân mới làm tròn nhiệm vụ.

Cầu thiện được ác, đó là kết cục cuối cùng của chính sách hiện nay của chúng ta, cầu ác được thiện, chỉ có năng lực tiêu diệt toàn diện Nhật Bản, đánh cho Mỹ tàn phế thì mới giành được hòa bình, nếu không vấn đề eo biển Đài Loan kéo dài không quá 10 năm, trong 10 năm tất có đại chiến”.

Vì vậy không đánh thì thôi, đã đánh là phải tiêu diệt toàn diện Nhật Bản, đánh cho Mỹ tàn phế, điều này chỉ có chiến tranh hạt nhân mới làm tròn nhiệm vụ.

Thượng tướng Trì Hạo Điền

Hay các bài viết với những ngôn từ hiếu chiến đã được đăng trên báo tiếng Trung có tựa đề “Hãy giết chết bọn giặc Việt Nam để làm vật tế cờ cho trận chiến Nam Sa” và “Trung Quốc phải dùng vũ lực để tấn công bọn Việt Nam lòng lang dạ sói”, do GS Vũ Cao Đàm dịch, mà chúng ta có thể tìm thấy trên các tờ báo mạng, đủ để thấy sự mâu thuẫn giữa ngôn ngữ ngoại giao và báo chí của Trung Quốc như thế nào.

Liệu các nước trong khu vực có còn tin vào những ngôn từ ngoại giao hoa mỹ, mâu thuẫn với luận điệu báo chí và hành động thực tế của Trung Quốc, hay đã đến lúc các nước nhàm chán vì phải nghe những ngôn từ ngoại giao này?

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserve
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/How-chinese-diplomats-%20statements-differ-from-their-press-bulletins-ntran-05222010083651.html

No comments: