Thursday, April 23, 2009

BÙI MỸ DƯƠNG * HỒI KÝ


Viết về Anh


Nhanh quá, ngày buồn thảm đau khổ đã trôi qua được một năm, nhưng hình ảnh còn lảng vảng quanh đây: sự thật chưa thể chấp nhận, nỗi chán nản, cô đơn bủa vây như ngưng đọng không biết bao giờ nguôi ngoai! Một năm trước hay 46 năm trước cũng chưa thể quên. Giỗ đầu tại chùa có người hỏi về lễ “xả tang”. Theo em “xả tang” là người thân trong gia-đình không còn mang tang quên người ra đi. Với thiển ý đó em bất mãn và từ chối ngay. Tang này em mang suốt cả đời vì còn gì đau khổ hơn khi mất Anh? Dĩ vãng trở về, ngày đó xa xôi lắm, khoảng 47 năm trước, khi vào trường nghề Đại-học Sư- phạm. Việc học tạm ổn Bố Mẹ bàn chuyện tương- lai. Thời buổi xã hội đó đã bao kẻ “áo mặc không qua đầu”; các cụ dùng chính sách “bế môn toả cảng”. Vì thế chẳng dám để lòng giao động. Đã “Làm hoa cho người ta hái” bị gọi “rót nước” nhiều lần nhưng rồi người quyết định vẫn là hai bậc sinh thành. Các cụ phê, nào là: “gia đình đa thê không tin tưởng” “ con nhà giầu đẹp trai khó chung thuỷ v..v.”.Nhưng rồi người được Bố Mẹ tin tưởng giới thiệu vì đã được quan sát cũng như dùng tử-vi tiên đoán là Anh.


Xưa Đức Khổng-Tử luận: nước giầu dân mạnh do vua giữ tròn đạo Hiếu. Dựa vào tiêu chuẩn này các Cụ chọn dâu, kén rể. Số là bạn bố nằm nhà thương. Cùng phòng có cụ bệnh nhân luôn được con trai đến chăm sóc chu đáo. Cảm-động lòng-hiếu thảo của người con và duyên nợ của chúng ta bắt đầu từ đấy. Anh ơi, lần đầu tiên gặp nhau do sự sắp xếp của hai bên gia đình. Sao chúng mình vụng về quá! Anh ngượng-ngịu vân vê tờ báo tới rách , em cũng chẳng biết nói gì ngoài những câu hỏi đáp nhát gừng. Bức thư giãi bầy tâm trạng: Anh đã yêu mong được chính thức lui tới tìm hiểu và tính chuyện lâu dài. Sống trong gia đình cổ: bà nội, bà ngoại, bà cô, bố mẹ, tuy được phép song cũng chỉ gặp nhau, trò chuyện ở phòng khách.Thời gian qua Anh đã chinh-phục cả gia-đình, từ các bà, bố mẹ tới lũ em nhỏ. Em cũng bị Anh lôi cuốn vì từ xưa có được giao tiếp với ai đâu.



Nay Anh thương yêu, chiều chuộng làm sao từ chối?! Trong thời gian tìm hiểu, liên tục Anh đúng hẹn, chẳng cần lịch, hay đồng hồ, cứ mỗi lần Anh đến là 3 giờ chiều Thứ Bẩy. Khi thì ô-mai cho em; Chocolat Tây cho hai em nhỏ; khi thì cuốn sách cắm hoa tặng nhân ngày sinh-nhật với ước vọng mai này căn nhà hạnh phúc đầy hoa tươi đẹp.Vì em đi phù dâu cho cô bạn rơi mất đồng hồ Bố cho. Anh vội vã mua đền, chắc phải mất mấy tháng lương và nhịn quà, Anh nhỉ ? Sách cần cho việc học và khảo-cứu anh châm thêm đầy đủ:Khảo-luận thơ Tản-Đà, Cao-Bá-Quát, tự-điển Hán-văn Thiều-Chửu v..v..



Cử chỉ săn-sóc, quà-tặng biểu-lộ lòng thương yêu, thành-thật và nhiệt-tình. Tâm sự về nỗi bất hạnh, mong-mỏi một gia-đình êm ấm để thương yêu, Anh hứa dành hết tình cảm cho em. Sung sướng, thần tiên và lãng mạn! em nguyện sẽ là tình đầu và tình cuối vì sau đó cả hai chúng ta đồng ý đi tới hôn nhân. Tình-cảm chín mùi, tiếp theo là thủ-tục lễ Vấn-Danh (chạm ngõ) lễ Hỏi được hai gia-đình tổ chức thật trang-trọng. Đáng nhẽ lễ cưới sẽ là ngày em hoàn-tất chương-trình học nhưng vì thời chiến khi ra đơn vị khó về, vậy nên vào mùa Thu ngày 29 tháng 9 năm 1963 cử hành Lễ Thành-Hôn (mùa thu yêu đương).



Thời cuộc xáo trộn, chiến tranh bắt đầu leo thang, quân-nhân phần lớn cắm trại. Các bạn và phù-rể khó khăn lắm mới tham dự được đám cưới của chúng mình. Mọi chuyện tốt đẹp: bạn anh, bạn em, gia đình hai họ Nguyễn-Bùi. Lễ cưới được tổ chức tại nhà hàng rộng lớn Á-Đông chứa khoảng 350 người. Phù dâu các bạn Phạm vân-Cương, Nguyễn thị Giang, Phan quỳnh-Giao, Bùi thu-Dung, phù-rể các anh Nguyễn văn Tiếng, Phạm hữu Trác, Trần huy Thọ, Phạm bá Lương. Thầy em, cụ Tú Trần văn Thược có bài thơ Đường tặng học-trò nhân lễ thành-hôn: Nguyễn-Bùi hai họ kết tình thân Nghĩa thắm nay hơn cả Tấn-Tần Trước bàn thờ Tổ-Tiên, họ hàng bạn bè, cha mẹ, đôi bên, chúng ta trao nhau nhau cặp nhẫn cưới, đó là hai vòng vàng nhỏ, dản-dị, rẻ tiền. Theo giải-thích nếu đắt tiền khi gặp cảnh nghèo người ta sẽ bán đi, nhẫn rẻ nhưng là tình-yêu sẽ được giữ mãi. Tên chúng ta và ngày cưới khắc mặt trong của nhẫn, kỷ-vật này được giữ tới ngày nay. Dậy trẻ, cứu người, cùng nỗ-lực Vợ chồng vui sống một đời Xuân Căn nhà thuê tạm tại đường Bà Hạt nơi chung sống đầu tiên, anh ra đơn vị, em trở về nhà bố mẹ học tiếp và làm “kiếp vọng phu”!



Tuần lễ trăng mật ở thành phố mộng mơ Đà Lạt qua mau. Ngày xưa thời Bố Mẹ làm gì có trăng mật vì sau ngày cưới cô dâu phải tỏ ra giỏi-giang, dậy sớm, thức khuya lo việc bên chồng. Chúng ta sung sướng đã có những ngày thơ mộng chỉ có nhau, ăn ngon, mặc đẹp, ngắm cảnh, yêu thương chiều chuộng, tạm quên hết chuyện trần thế.



Tây phương nghĩ ra ngày trăng mật để cho hai kẻ lấy nhau hưởng hương-vị tình yêu tuyệt-vời trước khi vào cuộc sống thực tế. Ngày mật ngọt tình yêu của chúng ta kéo dài thêm cả tháng tại nhà riêng, rồi những dịp trùng phùng, thương nhớ càng mặn nồng hơn, ngày nào cũng là ngày của tình yêu! ( cưới xong là tôi đi) Những bức thư tiếp tục lấp đầy khoảng cách Pleiku, Sài-Gòn, bao thương yêu nhớ nhung đem kể cho nhau nghe. Ngày lễ Anh không đi chơi cùng các bạn ngồi nhà nhớ vợ, em kể những đêm đầy nước mắt khi xa nhau.



Thầy Nghiêm Toản đã bắt em so sánh tâm trạng chinh phụ ngày xưa với hoàn cảnh của chúng mình, em thấy mình hạnh- phúc hơn vì thư tín nhanh chóng rồi điện thoại, âm thanh thật gần làm ấm lòng, ngàn trùng xa cách, chỉ vài giờ bay là lại tay trong tay. Thời gian xa nhau càng ươm nồng thương nhớ nhưng rồi chúng ta được trùng phùng tại Pleiku, Gò-Công, Sài-Gòn kết quả là bốn con chứng tích của tình yêu.


Yêu thương dành hết cho vợ con vì thời thơ ấu vào đời vất vả, anh đã gom góp, hy-sinh cho gia-đình được đầy đủ cả tinh thần lẫn vật chất. Mỗi lần sinh nở em đều băng huyết, anh không ngần ngại, tình nguyện săn sóc, không sai người làm, sợ khác máu tanh lòng. Vợ chồng cùng nhau chia sẻ gánh vác cuộc đời, tình nghĩa vợ chồng là những ân tình, tương kính, luôn làm cho nhau vui sướng để cùng “tát biển Đông”. Đời là bể khổ, gia-đình là tổ ấm là thiên-đường làm tươi mát cuộc sống. Với con, tự tay chăm sóc: tắm rửa, pha sữa, ngay cả rửa chai vì Anh tin ở mình hơn “công sinh không bằng công dưỡng” các con được cả hai. Xưa Anh tự-lập vừa làm vừa học rất khó khăn, kinh-nghiệm đó giúp con phương tiện tiến thân: ở Sài-Gòn đã làm 4 công việc, tại hải ngoại hành nghề tới khi lâm bệnh.


Tiền bạc không hẳn mang lại hạnh-phúc nhưng tiền bạc giúp rất nhiều cho thành-công và hạnh-phúc. Các con học tới nơi theo nghề bố, đời sống thoải mái, cho vợ đầy đủ như Anh đã hứa khi đón em ra khỏi nhà cha mẹ: “ lo cho em suốt cả cuộc đời”. Thật vậy mặc dầu Anh đã ra đi xa nhưng em vẫn tự lập được về tài chính. Con cái hiếu đạo thương yêu nhưng không phải dựa vào chúng, điều đó làm em tự-hào, hãnh-diện bớt tủi thân khi không có Anh. Kính trọng con người và tư-cách của Anh: cần-kiệm nhưng không bần- tiện, khắc-nghiệt với bản thân nhưng rộng-rãi với người. Anh không xe-xua chưng diện, phung-phí vì hiểu lẽ vô thường của nhà Phật và cuộc sống sau này gần như người tu tại-gia.


Cám ơn Anh đã cho một đời hạnh-phúc, em luôn được thương yêu và tôn trọng, nhấn mạnh điều đó vì đàn bà sau ngày cưới là thuộc quyền chồng, họ muốn sử sự sao cũng phải chịu. Bố mẹ lo lắng, thường hỏi dò các con và người làm để rồi thương anh nhiều hơn và anh cũng nhận gia-đình bên vợ là chỗ dựa mỗi khi bất như ý về cuộc đời. Cha mẹ Việt-Nam lấy hạnh-phúc của các con là niềm vui của mình, gia-đình chúng ta đã làm cho bố mẹ hài-lòng lúc sống và mãn-nguyện khi rời trần thế. Làm sao nói diễn tả hết được nỗi lòng cô-đơn, đau-khổ khi thiếu Anh trên đường đời còn lại. Xưa Anh đã nhận xét: “ Bất-hạnh nhất của đời người là mất nhau khi tuổi già bóng xế” thấm thía cho em lắm phải không Anh ??




Không tiếng ngáy, không cánh tay êm ái gối đầu, không bàn tay vuốt tóc, không ly nước nóng khi cơn lạnh run rẩy, không lời thì thầm an ủi hay khôi-hài, không luận bàn về con cháu, món ăn ngon dở, phê-bình bài hát, ca-sĩ v..v.. Tất cả tầm thường mà giờ này còn đâu ??. Ôi! hạnh-phúc giản-dị như vậy làm sao có được khi Anh không còn!. Kẻ còn lại thiệt thòi vì Anh cũng đã nói: “ lo cho em ngay cả lúc ra đi”, Anh tự nhận cứng rắn và chịu đựng được sự cô-đơn lẻ-loi! Thế mà Anh đã lỗi hẹn với em đấy nhé, làm sao đền bù đây??? Thương nhớ đầy vơi, ghi lại vào ngày giỗ đầu của Anh.



Tháng Giêng năm 2009 Người vợ đau khổ Bùi Mỹ Dương


==

No comments: