Wednesday, April 8, 2009

LÊ XUÂN NHUẬN * HỒI KÝ

HỒI KÝ.

QUỐC-GIA ĐỐI-LẬP & CỘNG-SẢN NẰM VÙNG.

LÊ XUÂN NHUẬN.



NGUYỄN An Dân là chủ-nhiệm kiêm chủ-bút đặc-san “Ðông Phương”, xuất-bản tại Ðà-Nẵng, đã phát-hành đến tập III, mệnh-danh là Tiếng Nói của “Ðông-Phương Văn-Ðoàn”. Tổ-chức này cũng do y cầm đầu.Với đặc-san trên, Dân đã công-khai mạt-sát Việt-Nam Cộng-Hòa, đề-cao cộng-sản Việt-Nam, gay-gắt hơn cả các đài phát-thanh Hà-Nội và Mặt Trận Giải-Phóng Miền Nam. VÌ không thấy ngành Thông-Tin của ta có biện-pháp gì, tôi bèn tìm cách bịt miệng cán-bộ tuyên-truyền của Việt-Cộng này.


DÂN có một số thân-nhân trực-hệ trong ban lãnh-đạo Liên-Khu-Ủy và Tỉnh-Ủy Việt-Cộng địa-phương, thường-xuyên vào rừng, có mặt tại các địa-điểm tặc-phỉ tập-trung dân-chúng tuyên-truyền & cưỡng-thu vật+tài, đồng-thời tham-gia “Lực-Lượng Hòa-Hợp Hòa-Giải Dân-Tộc” của nhóm đối-lập Vũ Văn Mẫu, và hay lui tới các Chùa.Dân chơi rất thân với kỹ-sư Nguyễn Văn Bảy, Hiệu-Trưởng Trường trung-học Kỹ-Thuật Cao Thắng, là người cũng dùng danh-nghĩa “Thành-Phần Thứ Ba” để chống Việt-Nam Cộng-Hòa.



Chính Bảy che-chở cho Dân trong nhiều trường-hợp Dân bị Cảnh-Sát chận xét dọc đường, suýt lộ tài-liệu Việt-Cộng mà y mang theo.TÔI không tiện cho Ðặc-Cảnh bắt Nguyễn An Dân về mặt chính-trị, vì nếu làm thế thì sẽ lộ ra các phần-tử khác mà trong số đó có những điệp-viên cũng như mục-tiêu xâm-nhập của chúng tôi.Tôi giao cho Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Thị-Xã Ðà-Nẵng giải-quyết về mặt pháp-lý, vì Dân ra báo mà không khai trình với Bộ Nội-Vụ để xin phái-lai.Dân bị bắt giam tại Trung-Tâm Cải-Huấn Ðà-Nẵng, ở Chợ-Cồn.



Ðó là một cách chận đứng cái loa dấy loạn của y, đồng-thời bảo-vệ các lưới phản-gián của ngành Ðặc-Cảnh chúng tôi.NGÀY 25-8-1978, tôi bị chúng đưa từ Trung-Tâm Lao+Cải “An-Ðiềm” về Trại Tạm-Giam “Kho Ðạn” (“Chợ Cồn”) Ðà-Nẵng.Việt-Cộng nhốt tôi vào một buồng riêng gần cuối Khu B, bít kín mọi cửa, canh gác cẩn-mật. Mỗi ngày nhiều lần chúng dẫn tôi đi khai cung, về vài trong những điệp-viên tôi đã gài vào nội-bộ của chúng mà mãi đến nay chúng mới bắt đầu nghi-ngờ. Tôi thấy các buồng kế tôi cũng bị bít kín, không nghe tiếng ồn nhiều người như những ngày đầu sau cơn quốc-biến 1975; và bên trong khung lỗ rộng chừng một bàn tay cắt thủng ở góc tấm tôn đóng chắn cửa sổ mỗi buồng, tôi thấy thấp-thoáng có một hoặc hai cặp mắt tò-mò nhìn ra.Sau đó ít hôm, Việt-Cộng đưa vào giam chung với tôi hai nhà-sư trẻ; đó là Trần Văn Cúc và Hoàng Mộng Xuân.



Họ đã đội lốt nhà-sư để đi tuyên-truyền, móc-nối, liên-lạc tiếp-xúc, hoạt-động chống Cộng từ nội-thành ra ngoại-ô. Bị bắt, bị đánh dã-man, họ chỉ khai là đi tìm đường dây vượt biên để xin đi theo.Hai anh Cúc & Xuân đã cho tôi biết rõ hơn về một số biến-cố chính-trị đã xảy ra trong nước nói chung, và tại Quảng-Nam/Ðà-Nẵng nói riêng, sau ngày cộng-sản cưỡng-chiếm Miền Nam. Nổi bật nhất tại Tỉnh này là vụ kỹ-sư Nguyễn Văn Bảy, nguyên Hiệu-Trưởng Trường Trung-Học Kỹ-Thuật “Cao Thắng”, người đã lập nên “Việt-Nam Dân-Tộc Cách-Mạng Ðảng”, tổ-chức mật-khu trong rừng, chiêu-mộ chiến-sĩ, và đã tấn-công vũ-trang vào một số cơ-quan & đơn-vị Việt-Cộng quanh vùng để mở rộng phạm-vi kiểm-soát; nhưng nay đã bị Việt-Cộng huy-động toàn-lực bộ-đội hành-quân đè bẹp, phá hủy căn-cứ, và bắt đem về biệt-giam cũng tại Trại này, cùng với hằng trăm chiến-hữu cũng bị bắt tại chiến-khu, hoặc bị truy bắt về sau.



NGÀY 25-12-1978, tôi bị chuyển đến trại giam Hội-An. Tại đây, chúng giam tôi chung với khoảng năm/sáu chục người, thuộc nhiều thành-phần khác nhau: hình-sự, vượt biên, phản-động hiện-hành, và “kinh-tế”.Tuy nhiên, có một thực-tế mà Việt-Cộng không ngờ: đại-đa-số cán-bộ và bộ-đội bị bắt đều đã không được cơ-quan hay đơn-vị của mình chước-miễn - đã bị cách-chức, tước lột quân-hàm, khai-trừ khỏi Ðảng, và bị tì-vết lý-lịch - nên họ không còn tha-thiết gì đến công-tác của ngành Công-An, chưa kể một số đã ra công-khai chống lại Ðảng và Nhà-Nước. Nhờ thế, tôi đã nghe được khá nhiều tin-tức ngoài đời.


NGÀY xưa, Tỉnh Quảng-Nam có một lần đến năm danh-nhân được triều-đình Nhà Nguyễn phong là “Ngũ Phụng Tề Phi”. Trong chiến-tranh Việt-Nam, Tỉnh này cũng có rất nhiều phần-tử hoạt-động đắc-lực cho Việt-Cộng nên được Ðảng và Nhà-Nước khen là “Quảng Nam Ði Ðầu Diệt Mỹ”. Nhưng các tổ-chức quần-chúng và cá-nhân có tinh-thần Quốc-Gia thì chống Cộng quyết-liệt vô-cùng.Ngay sau khi Việt-Cộng bắt giam các công-chức và quân-nhân của chế-độ cũ, đại-đức Từ Toại và giáo-sư Phạm Văn Bình đã cùng các bạn trương biểu-ngữ, dán bích-chương, và rải truyền-đơn, tổ-chức một cuộc biểu-tình tuần-hành có đông đồng-bào tham-dự, qua các đại-lộ trong Thành-Phố Ðà-Nẵng.



Có nhiều vụ ném lựu-đạn vào Công-An, bộ-đội; nhiều vụ chống-cự bằng vũ-lực vì bị tịch-thu tài-sản qua các chiến-dịch “đánh tư-sản mại-bản”, “cải-tạo công+thương-nghiệp”, “bài-trừ văn-hóa-phẩm nô-dịch và đồi-trụy”.Ðồng-bào ào ào kéo nhau đi vượt biên, vượt biển, giống như tại các nơi khác trên khắp Miền Nam. Người ta đồn miệng với nhau là trung-tướng Ngô Quang Trưởng đã đem Phục-Quốc-Quân về đánh vào biên-giới; phe ta kiểm-soát lưu-thông qua các đèo+núi trên Quốc-Lộ số 1 và nhiều vùng ngoại-ô; trực-thăng Hoa-Kỳ đến bốc một số nhân-vật trọng-yếu; tàu đổ-bộ của Ðệ-Thất Hạm-Ðội nhiều lần vào bờ tấn-công các Ðồn Biên-Phòng; dân đánh cá thỉnh-thoảng có gặp tàu ngầm của Mỹ còn lảng-vảng ngoài khơi.


Truyền-đơn chống-Cộng nhiều nhất là của “Ðảng Hắc-Long” (Vùng I), “Ðảng Thanh-Long” (Vùng II), “Ðảng Bảo-Long” (Vùng III và Vùng IV).Ðúng ba năm sau ngày Ðà-Nẵng thất-thủ, ba tiếng nổ long trời lở đất từ sân-bay Ðà-Nẵng phát ra, làm rung chuyển cả thành-phố và các vùng phụ-cận, tạo nên một biển lửa kinh-hoàng, gây thiệt-hại nặng-nề cho các cơ-sở hoạt-động không-phòng, máy-bay, và cả nhân-mạng của đơn-vị Không-Quân Việt-Cộng đồn-trú tại sân-bay chiến-lược lớn nhất Miền Trung này, khiến người dân địa-phương nhớ lại ba tiếng nổ lớn cũng tại phi-trường này một tháng trước ngày Vùng I rơi vào tay Cộng-quân. Lần ấy, cơ-sở nội-tuyến Việt-Cộng đã phá-hoại ba hầm bom+đạn của ta mà vị-trí thiết-lập thì dù kiên-cố bao nhiêu người ngoài cũng có thể biết được; và sau đó thì Cơ-Quan E6 của tôi đã tìm ra thủ-phạm, là hai hạ-sĩ-quan Không-Quân, mà Ngành Ðặc-Cảnh đã nghi-ngờ từ lâu.



Lần này, sau khi đối-phương chiếm được sân-bay tối-tân của ta, các chuyên-gia tài-giỏi nhất của Liên-Xô đã dùng tất cả những phương-tiện và khả-năng khoa-học kỹ-thuật tiên-tiến nhất của thế-giới cộng-sản để rà tìm xem thử Việt-Nam Cộng-Hòa có chôn giấu hoặc gài bẫy bom+mìn, máy-móc gì dưới đất và xung quanh sân-bay hay không, mà không tìm thấy, và đã cải-tổ mọi cơ-cấu phòng-bị cho thật an-toàn; thế mà, ba hầm bí-mật bom lân-tinh, nằm yên ngay trong sân-bay được chúng bảo-vệ nghiêm-ngặt ấy suốt ba năm nay, đã bất-thần phát nổ, như tiếng sấm lệnh khẳng-định hùng-hồn sự trường-tồn của Chính-Nghĩa Tất-Thắng và thúc-giục toàn-dân đứng lên.Chính trong tình-hình sôi bỏng ấy, nhiều tổ-chức chống-Cộng đã thành-hình; nhiều cá-nhân chống-Cộng đã đơn-phương ra tay; và không ít anh-hùng ái-quốc đã hy-sinh. “Việt-Nam Dân-Tộc Cách-Mạng Ðảng” là tổ-chức lớn mạnh hơn hết, có tầm hoạt-động bí-mật lấn ra thấu Huế và vào tận các Tỉnh phía Nam, có chiến-khu công-khai làm căn-cứ-địa xuất-phát các chiến-dịch giải-phóng lĩnh-thổ, giải-thoát đồng-bào.



NGÀY 20-4-1982, Việt-Cộng đưa tôi từ Trại “Thanh-Liệt”, Hà-Nội - sau khi điều-tra về các điệp-vụ mà tôi đã tổ-chức tại hai nước cộng-sản Ba-Lan và Hung-Gia-Lợi - về lại Tỉnh Quảng-Nam, và giam tại Trại “Hội-An”.Tại đây, tôi được biết là kỹ-sư Nguyễn Văn Bảy, cùng với năm chiến-hữu khác, trong Ban Lĩnh-Ðạo “Việt-Nam Dân-Tộc Cách-Mạng Ðảng”, đã bị kết án tử-hình trong một “phiên tòa điển-hình”, và liền sau đó đã bị hành-quyết, tại Ðà-Nẵng.Trong số những người bị kết án tử-hình trong vụ này, có tiến-sĩ Nguyễn Nhuận, nguyên giáo-sư tại Viện Ðại-Học Huế, cũng thuộc một tổ-chức chống Cộng khác ở Tỉnh Thừa-Thiên. Hằng chục người khác bị kết án tù chung-thân hoặc hai mươi năm; số bị tù ngắn hạn hơn thì rất nhiều.NGÀY 20-4-1985, tôi bị đưa từ Trại “Hòa-Sơn” - một trại rộng lớn mới được dựng lên trên lĩnh-thổ Huyện Hòa-Vang của Tỉnh Quảng-Nam, gần Thành-Phố Ðà-Nẵng - về lại Trại Lao+Cải “Tiên-Lãnh I”.



Cùng đi chung với tôi, có một tù-nhân chống nạng khập-khiễng được dìu từ Khu khác ra, bế nâng lên xe.Chúng tôi ngồi sát bên nhau trên ghế sau, hai tên Công-An ngồi kèm hai bên. Tên Công-An Trưởng Toán ra lệnh cho chúng tôi và dặn hai gã kia kiểm-soát để chúng tôi không được nói chuyện hoặc ra dấu-hiệu gì với nhau.LÚC đến địa-phận Huyện Tiên-Phước, xe bị lún bánh ở một đoạn đường đất đỏ ngập nước. Cả Trưởng-Toán lẫn hai tên Bảo-Vệ đều xuống lội lầy đẩy xe, trong lúc lái-xe tăng ga rú máy, mà xe vẫn không lên được.



Tên Trưởng-Toán bèn ra lệnh cho tôi xuống xe trước, rồi quay lại bế đỡ người bạn tù đồng-hành của tôi xuống xe, đến đợi ở một mô đất cao bên vệ đường. Vì đường ngập sình, vả lại anh-ta cũng nhẹ, nên tôi bế thẳng anh-ta đến đặt ngồi trên mô ấy, rồi tôi cũng ngồi xuống theo, để cho hai tên Bảo-Vệ trói chúng tôi lại với nhau kẻo sợ chúng tôi chạy trốn.Trong lúc toán Công-An ấy xúm lo đưa xe lên khỏi vũng lầy, người bạn-tù của tôi cúi mặt xuống đất, giả-vờ quan-sát cái chân bị đau, hỏi tôi: “Có phải anh là Lê Xuân Nhuận không?”



Tôi cũng nghiêng đầu, làm bộ đang nhìn ngó vào chỗ khác, trả lời: “Vâng. Nhưng lâu ngày quá, tôi chưa nhận được ra anh là ai.” Anh-ta tự giới-thiệu: “Tôi là Nguyễn An Dân.”Ngạc-nhiên, tôi quay mặt lại nhìn vào đôi mắt anh-ta. Anh-ta nói tiếp: “Tôi nhìn thấy anh bị chúng dẫn đi hỏi cung, hằng ngày đi qua trước buồng của tôi, trong năm 1978; hồi đó chúng ta cùng ở Khu B, Trại Chợ-Cồn. Tôi hỏi các anh ở các buồng bên mới biết tên anh.


Trước năm 1975, anh đã...”Anh-ta nghẹn-ngào không nói được thêm. Tôi thấy rõ hai dòng lệ ứa ra từ đôi mắt đen to tròn của anh-ta. ĐẾN Trại “Tiên-Lãnh I”, ngẫu-nhiên Nguyễn An Dân và tôi bị giam chung với nhau trong một buồng nhỏ thuộc dãy cách-ly. Nhờ thế, tôi đã biết được mối quan-hệ sau này giữa Nguyễn Văn Bảy và Nguyễn An Dân.NGUYỄN An Dân quả thật là một cán-bộ Việt-Cộng nằm vùng, cán-bộ chứ không phải chỉ là cơ-sở thường. Thân-nhân lôi cuốn, các phần-tử cộng-sản quan-trọng khác động-viên và chỉ-đạo. Ðối-phương giao cho Dân công-tác vận-động trí-thức, thanh-niên, sinh-viên, học-sinh, và bất-cứ thành-phần nào khác có thể được, từ Tỉnh Quảng-Nam & Thị-Xã Ðà-Nẵng ra đến các địa-phương xung quanh, kể cả và nhất là Thủ-Ðô Sài-Gòn của Việt-Nam Cộng-Hòa.


Dân đã vào các mật-khu của Việt-Cộng, nhiều nơi, nhiều lần, nên am-thạo địa-hình địa-vật của vùng rừng núi Tỉnh Quảng-Nam, nơi trú đóng của Ðảng-Ủy Liên-Khu V, Quân-Ủy Quân-Khu V, cũng như Tỉnh-Ủy Tỉnh Quảng-Nam Ðà-Nẵng của Cộng-Sản Việt-Nam.Ở vùng Quốc-Gia, Dân tổ-chức văn-đoàn “Ðông-Phương” như một đảng chính-trị, có hệ-thống liên-lạc chỉ-đạo tại các Tỉnh và Thành+Thị lớn trong đó có Sài-Gòn và Huế, là những nơi có các Tổng-Hội Sinh-Viên đang bị một thiểu-số thuộc thành-phần thân-Cộng giật dây. Anh-ta thường-xuyên đi tiếp-xúc với các chi-nhánh Văn-Ðoàn địa-phương mà địa-chỉ đã được công-bố trên đặc-san nói trên. Anh-ta còn len-lỏi vào làm thư-ký kế-toán xuất+nhập kho cho nghiệp-đoàn các nhà thầu gạo Ðà-Nẵng và Miền Trung bên cạnh Tổng-Cục Tiếp-Tế thuộc Bộ Kinh-Tế, vào Sài-Gòn nhận chở gạo ra phân-phối cho các Tỉnh Miền Trung, nên có lý-do hợp-pháp để có mặt và nhân đó hoạt-động cho cộng-sản tại các nơi nói trên.



NGUYỄN An Dân chưa học hết bậc trung-học. Hành-trang văn-hóa của anh-ta chỉ là một mớ lý-thuyết Mác+Lê, đặc-biệt là cuốn “Từ-Ðiển Triết-Học” của Liên-Xô được dịch in bằng chữ Việt. Phần đông sinh-viên Việt-Nam Cộng-Hòa, nhất là sinh-viên Văn-Khoa, vốn học triết-học một cách khái-quát và tài-tử, đã bị anh-ta hớp hồn. Bên ngoài, khi đề-cập đến sinh-viên, nhiều người chỉ nghĩ đến Huỳnh Tấn Mẫm, xem Mẫm là phần-tử cộng-sản lãnh-đạo sinh-viên, kể cả sau quốc-nạn 30-4-1975; nhưng trên thực-tế thủ-lãnh chính là Nguyễn An Dân. (Một cán-bộ thuộc Tỉnh-Ủy cộng-sản Quảng-Nam Ðà-Nẵng và thường-trú ở ngoài này mà cầm nắm mọi sinh-hoạt của sinh-viên ở Sài-Gòn: điều đó không phải là ngoại-lệ duy-nhất.



Một trong nhiều cán-bộ Công-An Việt-Cộng thuộc Ðảng-Ủy Liên-Khu V và Tỉnh Quảng-Nam Ðà-Nẵng mà tôi đã có tìm cách móc-nối trước đây, là Trần Ðăng Sơn33 : sau ngày Sài-Gòn thất-thủ, Sơn là trung-tá, Phó Trưởng Ty Công-An Việt-Cộng Tỉnh Quảng-Nam Ðà-Nẵng, mà cũng vào hoạt-động tại Sài-Gòn với đầy-đủ quyền-hành đối với dân-chúng sở-tại cứ y như trên lãnh-thổ của Tỉnh mình.Bên ta cũng thế, dưới thời Ðệ-Nhất Cộng-Hoà, đã có “Ðoàn Công-Tác Ðặc-Biệt Miền Trung” xuất-phát từ Huế mà hoạt-động bao gồm cả Sài-Gòn lẫn vùng xung quanh.Sở-dĩ VC thì từ Ðà-Nẵng vào, chứ không phải từ Huế vào như bên ta, là vì Huế/Thừa-Thiên thuộc Liên-Khu Tư, tức thuộc “Phiá Bắc”, còn Ðà-Nẵng/Quảng-Nam thuộc Liên-Khu V thì là đơn-vị địa-đầu của “Phía Nam” mà Trung-Ương Ðảng dùng làm bàn đạp tiến vào Miền Nam).


Sau ngày 30-4-1975, Việt-Cộng chỉ để lại một mình Huỳnh Tấn Mẫm làm vật trang-trí với tư-cách đại-diện sinh-viên đồng-chủ-tọa trong chủ-tọa-đoàn các buổi lễ công-cộng của chúng, còn thì lùa hết sinh-viên của chế-độ cũ vào rừng hoang, dưới danh-nghĩa “Thanh Niên Xung Phong”.Tất cả nam+nữ sinh-viên đều bị đoàn-ngũ-hóa, sung vào các Ðoàn, Liên-Ðoàn, giã-từ học-đường, gia-đình, thành-phố Sài-Gòn, đi khai-hoang lập-trại trong rừng, bắt đầu sống cuộc đời công-nhân lưu-đày vô-hạn-kỳ.



Ðó là chính-sách của Ðảng. Và Nguyễn An Dân là Chỉ-Huy-Trưởng Tổng-Liên-Ðoàn các đơn-vị cựu tinh-hoa tuổi trẻ ấy của Miền Nam.QUA năm 1977, Việt-Cộng chuẩn-bị tấn-công Cam-Pu-Chia. Chúng đẩy mạnh công-tác bắt thanh-niên thi-hành nghĩa-vụ quân-sự, tăng-cường các sư-đoàn, và dự-định quân-sự-hóa tổ-chức “Thanh Niên Xung Phong”. Chúng viện cớ đề-bạt Nguyễn An Dân ra Hà-Nội học lớp đào-tạo cán-bộ Khoa-Học Kỹ-Thuật cao-cấp để đưa một sĩ-quan bộ-đội đến thay-thế Dân tại Bộ Chỉ-Huy Tổng-Liên-Ðoàn ở Sài-Gòn.Và anh-ta đã gặp lại Nguyễn Văn Bảy tại đây.



CHỈ một thời-gian ngắn sau ngày cộng-sản cướp chính-quyền, nhà trí-thức Nguyễn Văn Bảy, trước kia đứng núi này trông núi nọ, nay đã thấy rõ thực-chất của chế-độ chuyên-chính vô-sản rồi. Bảy bí-mật liên-kết với các thân-hữu cũ - những giáo-sư đại-học có sẵn uy-tín với giới sinh-viên, những nhà hoạt-động chính-trị có nhiều cơ-sở đảng-phái dưới quyền, những nhà tu-hành được giới tín-đồ tin yêu, ở Ðà-Nẵng, Huế, Quảng-Nam, và nhiều Tỉnh khác - tổ-chức một lực-lượng vũ-trang quy-mô, chủ-xướng khởi-nghĩa toàn-dân.Trong lúc đó, nhà-văn nhà-báo Nguyễn An Dân, vốn tin-tưởng vào một chủ-nghĩa lý-tưởng mà lý-thuyết đầy hấp-dẫn, nay đã va chạm với thực-tế phũ-phàng, qua những quyết-định tàn-nhẫn của bộ máy Nhà-Nước vận-dụng đúng chính-sách của Ðảng đối với từng tầng-lớp nhân-dân trong đó có số đông là bà-con của anh-ta, và qua những nỗi-niềm đau-xót của giới cựu sinh-viên Miền Nam mà anh-ta cảm-nhận được, trong những canh khuya cởi-mở tâm-tình, sau những ngày và đêm dài khắc-khổ sinh-hoạt chung. Món ăn Quốc-Gia, đượm mùi “tư-bản chủ-nghĩa” và “cá-nhân chủ-nghĩa”, đã nuôi lớn con người anh-ta, với một tâm-hồn lãng-mạn và tự-do.



Ðến nay thì Nguyễn An Dân đã dứt khoát chọn con đường đối-nghịch. Anh-ta tâm-sự với Nguyễn Văn Bảy; và đôi bạn cũ bây giờ đóng lại vai trò xưa, nhưng trên chiến-tuyến khác, và cả hai đều quyết-liệt trên một bình-diện rộng lớn hơn và trong một hoàn-cảnh khắc-nghiệt hơn. Với tư-cách là một đảng-viên trung-kiên, có thành-tích quá-khứ nằm vùng hoạt-động đắc-lực và đã từng bị đối-phương cầm tù tại địa-phương, bản-thân lại có nhiều thân-nhân giữ chức-vụ lớn ở cấp cao, Dân đã bao-che cho Bảy và đồng-bạn, giống như trước kia Bảy đã che-chở cho Dân.



Nguyễn An Dân đã lôi cuốn được hằng trăm thanh-niên, Dân-Quân, Tự-Vệ, bộ-đội, và cả Công-An Việt-Cộng, theo về với “Việt-Nam Dân-Tộc Cách-Mạng Ðảng” của Nguyễn Văn Bảy, mà tổng-số đảng-viên đã lên đến vài nghìn. Các thành-viên gốc Việt-Cộng ấy đã đem theo nhiều loại vũ-khí mà họ lấy được trước và trong khi thoát-ly, đủ để trang-bị cho hầu hết các cá-nhân và đơn-vị chiến-đấu của Bảy.Ðiều quan-trọng nhất là Dân đã hướng-dẫn cho Bảy cùng Ban Tham-Mưu chiếm đóng và sử-dụng một căn-cứ lớn cùng năm căn-cứ phụ trong vùng mật-khu cũ của Việt-Cộng, mà địch đã bỏ trống để đưa nhau về Thành sau ngày chúng chiếm được vùng Quốc-Gia.Hoạt-động của “Việt-Nam Dân-Tộc Cách-Mạng Ðảng” sau Tháng Tư năm 1975 cũng tương-tự như hoạt-động của Việt-Cộng trước kia: từ mật-khu bung ra, lan rộng, khiến địch bị bận tay ở vùng chúng chiếm, chỉ chống trả ở vùng ven chứ không tấn-công nổi vào vùng sâu.



MỘT hôm có một số dân, trong đó có vài sĩ-quan bộ-đội Việt-Cộng, vào rừng tìm củi, lạc vào vùng căn-cứ chính của Bảy mà không hay, và đã tranh-thủ thì-giờ ngủ lại tại chỗ qua đêm để có thể tiếp-tục công việc sớm vào sáng hôm sau. Sáng sau, khi đi sâu thêm vào trong, nhóm người này bị phát-hiện, nhưng được thành-viên của Ðảng ấy thi-hành chính-sách nhân-đạo dẫn đường cho ra khỏi rừng.Việc đó tới tai Việt-Cộng; chúng bèn tổ-chức cho cán-bộ của chúng giả làm thường-dân đi kiếm củi, mật ong, quế, len-lỏi vào gần để quan-sát, tìm hiểu thực-lực, các đường giao-liên, và hệ-thống bố-phòng của tổ-chức đối-nghịch này.Cuối cùng, Việt-Cộng đã huy-động một lực-lượng quân-sự lớn, có sự tăng-viện của Bộ Quốc-Phòng và các quân+binh-chủng cấp Quân-Khu: đường núi thì có xe tăng, xe thiết-giáp xung-kích; đường sông thì có xuồng-máy đổ bộ; có cả đại-pháo và máy-bay yểm-hộ.



Ðịch đồng loạt tấn-công vào căn-cứ chính và hai căn-cứ phụ ở gần đó của kháng-chiến-quân. Rủi thay, toàn-thể các cấp lĩnh-đạo và cán-sự cao-cấp của phe khởi-nghĩa đều đang dự họp tại căn-cứ đầu-não của mình, nên rốt cuộc đã sa vào tay giặc, cùng với các nam+nữ chiến-hữu sống sót và không di-tản kịp-thời. Ba căn-cứ kháng-chiến còn lại sau đó cũng bị địch tràn ngập. NGÀY cuối-cùng của “Việt-Nam Dân-Tộc Cách-Mạng Ðảng” cũng là ngày bùng nổ cuộc tranh-chấp công-trạng và quyền-lực đã ngấm-ngầm từ lâu giữa các cấp lãnh-đạo Việt-Cộng Tỉnh Quảng-Nam/Ðà-Nẵng.Ðảng-Ủy Liên-Khu V và Quân-Ủy Quân-Khu V ẩn-trú trên lãnh-thổ của Tỉnh này.



Sự an-toàn của các mật-khu này cũng như thành-tích quấy-rối an-ninh vùng Quốc-Gia lâu nay phần lớn là do công của Công-An. Người đứng đầu ngành Công-An Việt-Cộng từ đầu cho đến sau 1975 ở đây là Hoàng Văn Lai. Cầm nắm được tình-hình mọi mặt liên-quan đến “Việt-Nam Dân-Tộc Cách-Mạng Ðảng” của Nguyễn Văn Bảy để đi đến quyết-định tấn-công triệt-tiêu kẻ thù như trên, cũng là do công của Công-An, của Hoàng Văn Lai.Nhưng vào buổi sáng ngày Việt-Cộng mở cuộc tấn-công mật-khu của Bảy, đại-tá Ðoàn Khuê, Chỉ-Huy-Trưởng Tỉnh-Ðội Quảng-Nam Ðà-Nẵng, cũng là Tư-Lệnh cuộc hành-quân, đã dựa vào lực-lượng quân-sự hùng-hậu của mình mà xuất-phát, không thèm đếm xỉa đến Hoàng Văn Lai.



Lai sợ bị Khuê giành mất công đầu, nên ra lệnh cho lái-xe lái vượt lên trước, để nắm vai trò dẫn đường. Khi xe của Lai đang vượt lên thì Khuê ra lệnh cho xe của mình ép qua, lấn xe của Lai lật nhào.HOÀNG Văn Lai, một cán-bộ cao-cấp, trung-kiên, và có nhiều công-trạng lớn đối với Ðảng và Nhà-Nước, chết rồi mà vẫn chưa yên.Ðảng họp, phân-tích sự-việc theo lời tường-thuật của Khuê, kết-luận là Lai quá nặng đầu-óc cá-nhân chủ-nghĩa, vi-phạm quy-luật hành-quân, suýt nữa phá hỏng kế-hoạch chung của tập-thể, nên đã quyết-định trừng-phạt... cái xác, và cả cái hồn (?) của Lai. Xác Lai tuy cũng được chôn trong một nghĩa-trang, nhưng nằm ở một vị-trí sát cạnh cổng vào, ý nói hồn Lai sẽ không nghỉ-ngơi mà phải tiếp-tục làm lính Công-An gác cổng cho nghĩa-trang này.



NGUYỄN An Dân có góp ý với Nguyễn Văn Bảy và Nguyễn Nhuận trong việc soạn-thảo Cương-Lĩnh Chính-Trị cho “Việt-Nam Dân-Tộc Cách-Mạng Ðảng”. Tiến-sĩ Nguyễn Nhuận cũng ở trong một tổ-chức chính-trị chống-Cộng khác tại Huế; và tổ-chức ấy về sau cũng bị Việt-Cộng phá vỡ, các nhà lĩnh-đạo ngoài đó cũng bị tuyên án tử-hình. Nhuận bị hành-quyết chung với nhóm Bảy trong này, vì địch tìm thấy nhiều đoạn thủ-bút của Nhuận trong bản thảo Chính-Cương của “Việt-Nam Dân-Tộc Cách-Mạng Ðảng” và một bức ảnh chụp chung cảnh một buổi họp bên trong mật-khu kháng-chiến của Tỉnh Quảng-Nam, cho thấy cùng ngồi trên bàn chủ-tọa với Bảy là Nhuận và Dân.


Tất cả sáu người trong chủ-tọa-đoàn đều bị kết án tử-hình.Nhưng chỉ có năm nạn-nhân đã bị hành-quyết tại pháp-trường; còn Nguyễn An Dân thì không. DÂN được thân-nhân, toàn là cán-bộ lãnh-đạo nhiều ngành cấp cao, xin giùm, nên được giảm án xuống tù chung-thân, rồi giảm thêm nữa xuống còn tù hai mươi năm. Tôi hỏi anh-ta: “Anh có cảm-tưởng gì khi thoát án tử-hình?” Dân nhìn tôi để dò ý rồi mới trả lời: “Tôi hiểu là có dư-luận nghi tôi được họ gài vào để hại anh Bảy. Nhưng, anh hãy nhìn vào cái chân tôi đây nè!”Dân cởi quần dài, vì anh-ta thường-xuyên mặc quần dài, để tôi nhìn thấy cái chân bên phải của anh-ta bị teo cơ, rút gân, và co ngắn lại như một cành cây sấy khô.



Anh-ta chỉ vào một cái sẹo lớn, nói tiếp: “Tôi bị cùm chân suốt mấy năm trời trong buồng biệt-giam. Lúc đầu, đôi chân sưng húp, rồi một cái nhọt bị tấy; tôi khóc, tôi la suốt mấy ngày đêm mà họ chẳng thèm đoái-hoài. Chịu không nổi nữa, tôi phải tự mình móc thịt giải-phẫu. Mất máu, kiệt sức; một chân trở lại bình-thường, một chân teo rút như thế này đây. Nhưng tôi vẫn cứ bị cùm hai chân mãi cho đến ngày anh Bảy và các chính-hữu vĩnh-viễn ra đi...”ÐẦU năm 1985, Việt-Cộng đề ra công-tác tổng-kết thành-tích mười năm bạo-hành ở Miền Nam này.


Nguyễn An Dân được đưa về Ðà-Nẵng, để tập, rồi đưa lên vùng căn-cứ cũ của “Việt-Nam Dân-Tộc Cách-Mạng Ðảng” để đóng một đoạn dành cho vai-trò cũ của anh-ta trong một cuốn phim diễn lại cuộc tấn-công của Việt-Cộng phá vỡ chiến-khu của Nguyễn Văn Bảy nói trên. Công-An đã thuê một nữ-võ-sư đóng vai một nữ-đại-úy Công-An, sau khi xung-phong quật ngã một số nhân-vật kháng-chiến, dùng một thế võ hiểm-độc tước súng và bắt sống được Nguyễn An Dân.Vì chân bị què nên Dân chỉ đứng dựa vào sau một thân cây, diễn cảnh chĩa súng bắn ra đối-phương, rồi vừa chồm tới là bị tước súng, còng tay.


Nhưng đoạn phim ấy là quan-trọng nhất, vì Dân là nhân-vật chủ-chốt duy-nhất còn sống-sót được sau biến-cố lịch-sử ấy tại vùng đất này. Khi đã đóng xong vai mình trong phim, anh-ta được đưa đến Trại “Tiên-Lãnh I” trên cùng chuyến xe với tôi.VÀO ngày 30-4-1985, Việt-Cộng đem chiếu cuốn phim thành-tích mười năm của chúng cho mọi tù-nhân tại các Trung-Tâm Lao+Cải và Trại Tạm-Giam đều xem.CŨNG như lệ thường, tôi xốc nách Dân, dìu xuống mấy bậc thềm đá từ buồng cách-ly ra sân, sắp hàng đếm số, rồi cùng tiến vào hội-trường. Hằng ngày, anh-ta vui-vẻ cười chào mọi người gặp trên đường đi; nhưng tối nay thì anh-ta cúi đầu lặng-lẽ bước đi như một tử-tội đang bị dẫn ra pháp-trường.



Tôi tôn-trọng niềm suy-tưởng của người bạn-tù. Trước đó, Nguyễn An Dân đã nói với tôi là người-ta muốn giết anh-ta thêm một lần nữa.Một cái chân què, kết-quả cụ-thể của một chính-sách vô-nhân đối với tù-nhân bị bệnh trong cảnh xích-xiềng, đã giết chết sự toàn-vẹn và sức mạnh thể-xác còn lại của anh-ta. Một bản án tử-hình, tuyên ra không phải là không do ý muốn kết-liễu cuộc đời của anh-ta. Một quyết-định giảm án, chỉ làm cho anh-ta, dù thụ-động, cảm thấy mình không xứng-đáng sống trước anh-linh của Nguyễn Văn Bảy và các anh-hùng khác đã hy-sinh, cũng như bao nhiêu chiến-hữu khác, vì có gia-đình, tài-sản, và sự-nghiệp, nên mất-mát và đau-đớn nhiều hơn anh-ta.“Bây giờ lại còn bắt mình phơi mặt ra trước tập-thể, để xác-nhận với mọi người về nội-dung của một cuốn phim mà đạo-diễn đã cố ý dàn-dựng cho chế-độ đương-quyền lớn+mạnh và công+chính, trong lúc lực-lượng khởi-nghĩa mà mình là chứng-nhân tiêu-biểu thì nhỏ+yếu và tư+tà, tức là giết nốt những hình-ảnh kiêu-hùng mà đồng-bào trong niềm ngưỡng-mộ đã từng hình-dung ra.


Nó là phần kỷ-niệm đẹp nhất đã ghi-khắc trong tâm-hồn mình, cho những ngày còn lại của cuộc đời mình...”NGỒI giữa cả nghìn con-người, chính-trị-phạm lẫn thường-phạm, đang náo-nức xem phim, tôi cũng trầm-ngâm nghĩ-ngợi theo Dân. Bây giờ anh-ta mới thấy tiếc là đã không hề làm một bài thơ tình; bây giờ anh-ta mới thấy tình-cảm mà một cựu-nữ-sinh-viên Văn-Khoa Sài-Gòn nào đó đã dành cho anh-ta ngày xưa là quý-báu và cần-thiết vô-cùng.Trước ngày mà Dân tưởng là phải ra pháp-trường, anh-ta đã được gặp mẹ; bà-cụ chỉ khóc: “Con đừng chết trước mẹ, con ơi!” Và mới ngày hôm qua, được gặp mẹ vào thăm+nuôi, Dân cũng chỉ khóc: “Mẹ đừng chết trước ngày con về, mẹ ơi!”


NHƯNG tôi bỗng thấy rộn lên trong lòng một niềm vui mênh-mang.Khắp nước chắc-chắn có nhiều cán-bộ như Nguyễn An Dân, chưa mất lương-tri, một sớm một chiều trở về trong lòng Quốc+Dân.Và cũng hiển-nhiên vẫn có vô-vàn công-dân như Nguyễn Văn Bảy, không vì bất-hòa trong nhà mà nỡ đành lòng chấp-nhận để cho giặc+cướp xông vào tàn-sát bà-con...


LÊ XUÂN NHUẬN



=

No comments: