Wednesday, April 1, 2009

NGUYỄN DƯ * VĂN HÓA VIỆT NAM


Cái váy và cái quần của các bà

Nguyễn Dư

Thuở còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, được học bài Hai bà Trưng:

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên ...
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành ...
Nghe thầy giảng lúc ra trận hai bà mặc hồng quần, nghĩa là quần đỏ. Cả lớp khoái chí, cười khúc khích. Sau này đọc sách thấy nhiều học giả đồng ý với thầy. Hồng quần: quần chính nghĩa là cái váy, cái xiêm, phụ nữ xưa mặc quần đỏ. (Đinh Xuân Lâm và Chu Thiên , Đại Nam quốc sử diễn ca, Văn Học, 1966, tr. 87 ). Hồng quần: đàn bà (xưa mặc quần đỏ). (Hoàng Xuân Hãn, tập 2, Giáo Dục, 1998, tr. 77). Hồng quần: quần đỏ (tức con gái). (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển). Hình ảnh hai bà Trưng mặc quần đỏ dẹp giặc đẹp quá! Đẹp quá hoá ra ... đáng ngờ! Theo truyền thuyết thì thời Hùng Vương, đàn ông Việt Nam đóng khố, đàn bà mặc váy kín (váy chui) hoặc váy mở (váy quấn). (Thời đại Hùng Vương, Khoa Học Xã Hội, 1976, tr.177).

Sử nước ta lại cho biết thêm: Năm 1414, nhà Minh cấm con trai con gái không được cắt tóc; đàn bà con gái thì mặc áo ngắn quần dài, hoá theo phong tục phương Bắc. (Đại Việt sử kí toàn thư).. Nhà Minh muốn đồng hóa dân ta, cấm đàn bà con gái nước ta mặc váy, bắt phải mặc quần như người Tàu. Năm 1428 Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh, giành lại độc lập cho đất nước.


Sử không cho biết cách ăn mặc của dân ta dưới thời Lê Thái Tổ và mấy triều vua kế tiếp. Thời tự chủ, với ý quyết xoá bỏ hết tàn tích nô lệ về y phục, vua Lê Thần Tông niên hiệu Thịnh Đức năm đầu (1653) định phép ăn mặc cho quan dân. Vua Lê Huyền Tông niên hiệu Cảnh Trị thứ ba (1665) cấm đàn bà con gái không được mặc áo có thắt lưng và mặc quần có ống chân (nghĩa là bắt buộc phải mặc váy). (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Đại Nam, tr. 206). Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương nam bắt dân gian cải cách y phục.


Theo giáo sĩ Koffler thì chúa bắt bỏ lối quần áo thô bỉ của người đường ngoài, mà châm chước theo lối quần áo của người Tàu. (Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Bốn Phương, 1961, tr. 173). Chúa Võ Vương muốn "Triều đình riêng một góc trời, gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà" (Kiều), độc lập đối với vua Lê chúa Trịnh đàng ngoài nên ra lệnh bắt đàn bà đàng trong phải ăn mặc như Tàu. Vì chúa muốn "Thà làm tôi thằng hủi hơn chịu tủi anh em", mà các bà đàng trong phải mặc quần. Vua Minh Mạng đi xa thêm một bước nữa:



Tháng tám (có chỗ hát tháng chín) có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì bóc lột quần chồng sao đang.


Thật ra thì chưa chắc đã là tháng tám hay tháng chín vì sử nhà Nguyễn chép: tháng 10 năm 1828, truyền đổi cách ăn mặc từ sông Gianh trở ra Bắc. (Quốc triều chính biên toát yếu, Thuận Hoá, 1998, tr. 188). Quần không đáy, "vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu, bên ta thì có bên Tàu thì không", tức là cái váy.


Minh Mạng bắt cả đàn bà đàng ngoài mặc quần, cấm mặc váy. Trên lí thuyết thì từ năm 1828 đàn bà cả nước ta đều phải mặc quần theo ý muốn của nhà vua. Nhưng thực tế thì ra sao? Thực tế thì "phép vua thua lệ làng". Đằng sau luỹ tre xanh, mọi chuyện trong nhà ngoài xóm đều được dàn xếp theo bộ luật bất thành văn "lệnh ông không bằng cồng bà". Vua nói vua nghe, váy bà bà mặc. Minh Mạng làm sao mà đụng được vào cái váy của các bà nhà quê đàng ngoài! Trong lúc tỉnh thành xôn xao kháo nhau cởi váy mặc quần thì thôn quê miền Bắc vẫn khư khư giữ cái váy. Cho mãi đến những năm 1940 vẫn còn cảnh:

Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục
Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn
Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen rức
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm
(Anh Thơ, Đêm ba mươi tết, 1941)

Cái váy của ta cứ âm thầm "Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi"(Phạm Duy). Nhiều phen được vua yêu, lắm lúc bị chúa ghét! Cái váy cứ nhẫn nhục bám lấy các bà mà tồn tại. Thế mà hai bà Trưng đã tung ra mốt mặc quần từ những năm 40-43, nghĩa là gần 14 thế kỉ trước khi nhà Minh ra lệnh bắt đàn bà nước ta mặc quần, gần 18 thế kỉ trước khi vua Minh Mạng cấm mặc váy!

Đầu thế kỉ 20, đàn bà nước ta "quần phần nhiều mặc quần sồi, lĩnh thâm, đôi khi cũng có người mặc quần nhiễu đỏ; ở Nam kỳ và Trung kỳ thì người phong lưu mặc quần nhiễu trắng, chốn quê mặc quần vải xanh". (Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Tổng hợp Đồng Tháp,1990, tr. 330).

Ngần này tuổi đầu mà không biết quần là cái gì à? Quần (chữ hán, bộ y) được Huỳnh Tịnh Của và Đào Duy Anh định nghĩa là đồ để che phần dưới thân thể. Tự điển Génibrel dịch chữ quần là pantalon (quần dài), culotte (quần đùi), jupe (váy đàn bà), vêtement descendant depuis les reins jusqu'aux pieds (đồ mặc che từ eo xuống đến chân).Quần được Thiều Chửu dịch là cái quần, cái xiêm. Đang tìm hiểu cái quần lại bị vướng vào cái xiêm.Vậy xiêm là cái gì? Xiêm là áo choàng che trước ngực (Thiều Chửu), áo che đàng trước (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển), cái váy (Đào Duy Anh, Từ điển truyện Kiều), đồ bận dưới, cái củn (củn là đồ bận trên), cái váy (Huỳnh Tịnh Của), jupe (váy dài), jupon (váy ngắn), vêtement inférieur (đồ mặc che phần dưới) (Génibrel), manteau (áo choàng) (Gustave Hue).


Đúc kết các định nghĩa trên, chúng ta hiểu rằng xiêm là cái áo choàng, áo mặc ngoài. Xiêm ngắn, chỉ che phần trên thân thể, thì chỉ có một tên gọi là xiêm. Xiêm dài (che cả phần dưới thân thể) thì ngoài tên xiêm, còn được gọi là quần, hay váy.


Quần là chữ dùng để chỉ đồ mặc che phần dưới thân thể. Quần được dùng cho cả đàn ông và đàn bà. Quần có thể là cái sa rông của người Miên, cái kilt của người Ecosse ... Đàn ông và đàn bà Tàu đều mặc quần hai ống, cho nên quần đàn ông hay quần đàn bà Tàu đều là ... quần (như cách hiểu ngày nay).Chỉ có cái quần đàn bà Việt Nam mới lận đận, rắc rối.


Ngày xưa (tạm cho là trước thời thuộc Minh) đàn bà nước ta không mặc quần.. Thế à? Các bà không mặc quần hai ống như ngày nay mà chỉ mặc váy thôi. Chữ quần (hán), chỉ đồ mặc để che phần dưới thân thể của đàn bà Việt Nam ngày xưa, phải được hiểu và phải được dịch nôm là cái váy để khỏi nhầm lẫn với cái quần đàn ông.


Điều này đã được tranh dân gian Oger (1909) chứng minh rõ ràng hơn qua một tấm vẽ đàn bà mặc váy. Tranh được ghi chú bằng chữ hán nôm "dã phụ y thử quần, tục danh


quần đùm" (váy của đàn bà nhà quê, tục gọi là váy đùm). Người đàn bà trong tranh mặc váy, do đó chữ quần (hán) phải được dịch (nôm) là váy. Váy đùm là váy buộc túm cạp lại. Dường như chỉ có văn học mới dùng hồng quần hay quần hồng để chỉ cái váy.



Bốn cột lang, nha cắm để chồng
Ả thì đánh cái, ả còn ngong
Tế hậu thổ khom khom cật,
Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng
Tám bức quần hồng bay phới phới,
Hai hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
Cột nhổ đem về để lỗ không.
(Cây đánh đu, Hồng Đức quốc âm thi tập)


Hai cô gái đánh đu, khoe "tám bức quần hồng". Vậy là mỗi cô có "bốn bức quần hồng".Hồ Xuân Hương cũng đưa ra "bốn mảnh quần hồng" trong bài Đánh đu:( ...)


Trai du gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song ...

Bốn bức hay bốn mảnh quần hồng ở đây là cái gì? Nếu chỉ là cái quần hai ống thì mỗi ống phải xẻ hai. Ta không có kiểu quần tân kì như thế. Cũng không phải là một mình cái váy vì không có váy nào lại xẻ tư như vậy. Chỉ còn cái áo tứ thân (áo tứ thân có 2 vạt đằng trước, 1 vạt đằng sau) cộng với cái váy mới hợp thành bốn mảnh quần hồng.

Cái áo tứ thân (cái xiêm của ta) đã được các tác giả gọi là cái quần. Chúng ta hiểu vì sao Thiều Chửu đã định nghĩa quần là cái xiêm, và Huỳnh Tịnh Của lại định nghĩa cái xiêm là đồ bận dưới, tức là cái quần.


Trong bài Chỗ lội làng Ngang Nguyễn Khuyến có nói đến cái quần đàn bà:

Đầu làng Ngang có một chỗ lội
Có đền ông Cuội cao vòi vọi
Đàn bà đến đấy vén quần lên
Chỗ thì đến háng chỗ đến gối
Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười
Cái gì trăng trắng như con cúi
Đàn bà khép nép đứng liền thưa
Con trót hớ hênh ông xá tội ...


Đàn bà vén quần, hớ hênh, để lộ cả cái gì trăng trắng như con cúi. Các nhà quan sát có thẩm quyền kết luận rằng người đàn bà trong câu chuyện mặc váy. Quần hai ống vén đến gối hay đến háng thì vẫn còn kín đáo, chưa để lộ bí mật. Nguyễn Khuyến đã dùng chữ quần theo nghĩa chữ hán, để chỉ cái váy của các bà. Hình ảnh vén váy để hở cả cơ đồ còn được thấy qua tấm tranh dân gian Hứng dừa dí dỏm. Qua vài thí dụ kể trên thì thấy rằng từ thế kỉ 15 (Hồng Đức quốc âm thi tập) đến đầu thế kỉ 20 (Nguyễn Khuyến) chữ quần đã được văn học Việt Nam dùng theo nghĩa của chữ hán, để chỉ đồ che nửa dưới thân thể.

Quần của đàn bà (miền Bắc) Việt Nam ngày xưa là cái váy, cái áo dài (xiêm), chứ chưa phải là cái quần hai ống ngày nay.Hồng quần của hai bà Trưng phải được hiểu là cái váy màu đỏ. Từ ngày người Pháp cai trị nước ta thì các bà nhà quê miền Bắc mới dần dần mặc quần hai ống như các ông. Một số bà tân thời ở tỉnh thành mặc màu trắng. Dân quê chỉ dùng màu đen hay màu nâu. Ngày nay, cả hai phái nước ta, phái mạnh và phái đè đầu phái mạnh, đều mặc quần hai ống, nhiều màu sắc, kể cả màu hồng, màu đỏ. Cái váy, cái quần không những đã ám ảnh vua chúa mà còn đè nặng lên đời sống của đám dân đen.

Người xưa có phương thuật "chữa mắt hột bằng gấu quần đàn bà".Quần nào chả là quần, tại sao không dùng quần đàn ông mà phải dùng quần đàn bà? Chẳng nam nữ bình quyền tí nào cả! Nam nhi thua thiệt quá! Thật ra thì phương thuật dùng gấu váy, sau này váy hiếm, khó kiếm người ta mới thay váy bằng quần, dĩ nhiên phải là quần đàn bà. Chữ váy, ngoài nghĩa thông dụng là cái váy đàn bà, còn có nghĩa khác là nạo vét, lau chùi (curer, nettoyer, tự điển Génibrel). Váy là dùng vật gì mà vặn xáy (xoáy) hoặc móc ra.Váy tai nghĩa là móc cứt ráy trong lỗ tai ( Huỳnh Tịnh Của). Váy (đồ mặc) đồng âm với váy (lau chùi, xoáy móc). Do đó, giới bình dân đã dùng cái váy để tượng trưng cho động tác lau chùi. Ai bị đau mắt hột thì lật mí mắt lên, lấy gấu váy dí nhẹ vào mí là tất cả các hột sẽ được đánh sạch.

Từ ngày các bà không mặc váy nữa thì người ta dùng gấu quần. Đứng về mặt chữ nghĩa thì cái quần không giải thích được ý nghĩa của phương thuật. Phải thông qua cái váy mới rõ nghĩa. Quần đàn ông không dính dáng gì đến váy cho nên không chữa được mắt hột! Quần của các ông thua quần các bà chứ không phải các bà kì thị các ông! Xưa kia, "thợ may và thợ giặt không nhận may váy, giặt váy cho các bà".Pierre Huard và Maurice Durand (Connaissance du Vietnam, EFEO, Paris, 1954, tr. 178) cho rằng ta bắt chước tục Tàu. Người Tàu kiêng để lẫn lộn quần áo vợ chồng còn trẻ, dưới 70 tuổi.

Thuyết âm dương của Tàu e rằng cao siêu quá, vượt quá xa cái triết lí bình dân của cái váy của ta:

Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời bằng cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời.

Bọn thợ may, thợ giặt sợ cái váy có lẽ chỉ vì họ tin rằng váy có ma thuật nạo vét của cải, làm hao tài, sạt nghiệp mà thôi. Giới trí thức cũng bị váy, quần làm cho vướng mắc lùng bùng ... Ngày xưa, "thư sinh, nhà nho kiêng không sờ vào váy, vào quần đàn bà giữa ban ngày". Không biết cụ Khổng lúc bé có phải giặt giũ, phơi quần áo giúp mẹ không? Nhiều người cho rằng vì váy, quần đàn bà là vật ô uế nên nhà nho không đụng đến.Giải thích như vậy nghe không ổn. Cho dù váy, quần của các bà có ô uế thật đi nữa thì cũng chỉ ô uế vài ngày lúc các bà có tháng thôi. Còn những ngày bình thường thì quần đàn ông hay váy đàn bà đã chắc gì cái nào sạch hơn cái nào? Không riêng gì nhà nho, đến người mù chữ cũng chẳng ai muốn đụng đến những đồ ô uế.


Nhà nho là người dùi mài kinh sử chuyên nghiệp. Ông nào cũng đầy một bụng chữ thánh hiền. Ban ngày ban mặt, nhỡ mà đụng vào cái váy hấp dẫn kia thì còn đâu là chữ nghĩa nữa! Cái váy sẽ cạo vét, lau chùi sạch sành sanh cái bụng chữ thì làm sao mà mở mày mở mặt với thiên hạ được! Có muốn sờ thì chờ lúc nhá nhem hãy sờ."Tối lửa tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh", mèo nào cũng xám như nhau. Tranh tối tranh sáng thì ... có mắt cũng như không, còn thấy đường nào mà cạo với vét! Dân gian có một giai thoại về cái váy.


Chuyện kể rằng ông lí làng kia mới tậu được cái ô đen. Ông rất hãnh diện, đi đâu cũng che ô để khoe với dân làng. Một hôm ông vênh vang đi qua chỗ có mấy cô gái đang làm cỏ ruộng. Một cô hát:

Hôm qua tôi mất xống thâm
Hôm nay tôi gặp người cầm ô đen.
Một cô phụ hoạ thêm:
-Nói thế thì ra người ta ăn cắp cái xống thâm, cái váy đen của chị về may ô à? Em nhớ là xống thâm của chị tươi đẹp hơn ô đen kia cơ mà.. Để em lên mượn, chúng mình xem cho kĩ nhé. Ông lí bầm gan tím ruột định mắng mấy con "vén váy không nên" kia, nhưng ông chợt nghĩ nhỡ đụng phải bọn "xắn váy quai cồng" thì thật là nan giải.


Nghĩ vậy, ông lí vội cụp ô, chuồn cho nhanh. Hải Phòng cũng có một giai thoại tương tự.Trong một cuộc hát đúm, cô gái tấn công trước:


Hôm qua em mất cái váy thâm
Hôm nay em thấy anh cầm một chiếc ô đen.


Cô gái chanh chua vừa dứt lời, liền được chàng trai nhã nhặn đáp lễ:

Em nói thế là em cũng nhầm
Hôm qua anh thấy ông đội khăn thâm ra đình


Trong lúc các bà nhà quê phải mất nhiều năm mới bỏ được cái váy sồi, váy đùm, váy đụp, thì mấy cô ở thành thị lại hớn hở tung hô cái váy xoè, váy chẽn, váy cụt của phương Tây. Thú phô trương ao ước bấy lâu nay! Giờ mới được mân mê cái váy hiện đại, hiện sinh ... hiện hình! Khách bên đường sững sờ liếc trộm cái của lạ muôn màu, muôn vẻ ... Muôn năm! Thấy mà chóng cả mặt, chỉ ... muốn nằm!

Nguyễn Dư


==

VẠN MỘC CƯ SĨ GÓP Ý:


Bỉ nhân không dám luận về y phục Trung quốc và Việt Nam, cũng không dám nói về y phục phụ nữ Trung Quốc và Việt Nam. Ở đây, bỉ nhân xin góp ý với ông Nguyễn Dư về chữ quần.
Theo như hình trên ( dã phu y thử quần, tục danh quần đùm), chữ Hán lẫn chữ nôm, là tranh dân gian Việt Nam, điều này cho thấy dân ta dùng quần lẫn váy. Riêng cái váy thì có nhiều tên là quần đùm, quần không đáy. ..

Tự Điển Từ Hải giải thích " Quần, hạ thường dã" 裙 ,下 裳 也,
Còn chữ Thường thì chú Hạ quần dã" 裳, 下 裙 也. Như vậy Thường và quần giống nhau, là cái đồ che hạ thể, khác với y, là áo che phần trên.
Trong từ điển Trung quốc và Việt Nam quần với áo đã lộn xộn, mà váy với quần cũng không phân biệt rõ ràng. Thiều Chửu bảo Thường là xiêm và xiêm 襜 là cái áo choàng trước ngực.
Từ Hải chú 1: " Y tế tiền vị chi xiêm "衣蔽前謂之襜 " (cái áo choàng trước ngực ) và chú 2 ghi y dịch hạ dã 衣掖下也 ( cái áo dài xuống dười).


Thiều Chửu giải thích 裙 quần là cái quần, cái niệm.

Một tài liệu về y phục cổ Trung Quốc viết rằng người Trung Quốc mặc quần (pants) :
http://www.historyforkids.org/learn/china/clothing/

People in China generally wore tunics (like long t-shirts). Women wore long tunics down to the ground, with belts, and men wore shorter ones down to their knees. Sometimes they wore jackets over their tunics. In the winter, when it was cold, people wore padded jackets over their tunics, and sometimes pants under them. In early China, poor people made their clothes of hemp or ramie (Ancient Chinese Clothing)

Pants theo Tây phương là quần ( có hai ống chân), nhưng hình vẽ đính kèm bài trên lại thấy các bà mặc váy (Hinh bên phải). Phải chăng vẽ không rõ hoăc vẽ sai, vẽ thiếu? .

Nhưng các tự điển khác dịch 裙 quần là skirt, là váy.
http://www.roshisoft.com/hanyupinyin/find.php?q=%E8%A3%99 http://eyegene.ophthy.med.umich.edu/hanyu/index.php

Một tài liệu về y phục đời Hán cho thấy phụ nữ mang váy :
http://en.wikipedia.org/wiki/Han_Chinese_clothing

Tài liệu sau đây quả quyết từ đời Thương (Shang dynasty) , Hán, Tống ,Trung quốc đã chế nhiều loặi y phục, nhưng tựu trung bên ngoài là áo ngắn (Y là coat on top) , hoặc áo dài ( Thưong là robe), còn bên dưới thường mậc váy ( skirt) . Váy thì có dài ngắn, kiểu cách khác nhau.

Ancient Chinese Clothing:
There are various dynasties that influenced the styles of the ancient Chinese clothing. From long robes to wide sleeves, each had their own distinct pattern, which made its mark. The pre 17th century ancient Chinese clothing or the Han Chinese clothing has a long history in terms of the clothing worn. The Han Chinese clothing or the Hanfu covered all the traditional Chinese clothing worn by people in that era.




The Hanfu was considered to be very important by the Han Chinese as far as their culture was concerned. It was also known that one has to follow the rules of dressing that belonged to the Hanfu styles, as a mark of respect. The basic style and design of the Hanfu were developed to a great extent in the Shang Dynasty. The Shang dynasty saw 2 basic styles-The Yi and the Shang. The Yi is the coat worn on top and the Shang is the skirt that is worn beneath. There was a major use of sash instead of buttons and the sleeve cuffs were styled narrow. The colors of the fabrics were basically in warm tones. The western Zhou Dynasty also followed similar styles and designs of the Shang dynasty. This is where one saw the variations in the sleeves-narrow as well as broad. The lengths of the skirts saw different levels, from the knee to the ankle. Here, the different styles that were worn also created a distinction between the people.

http://www.buzzle.com/articles/ancient-chinese-clothing.html


Nói chung, tự điển Trung Quốc không phân biệt quần với váy như ngôn ngữ ta. Trung Quôc rộng lớn, nhiều địa phương có ngôn ngữ và văn hóa khác nhau nên không thể thống nhất về y phục bởi vì họ là những quốc gia riêng biệt bị Tần Thỉ Hoàng xâm chiếm và đồng hóa.



Dân ta thì mang váy và mang quần. Các bức tranh gian gian (hái dừa, đánh ghen, bịt mắt bắt dê) và tấm hình đen trắng chụp năm 1905 về các phụ nữ chuyên nghề khiêng kiệu cho thấy phụ nữ mặc váy.


















Một số phụ nữ mang quần như tấm hình một gia đình Việt Nam thời Pháp thuộc:




Riêng tôi, năm 1954 thấy một số dân Quảng Bình mang váy.

Lê Lựu cũng nói đến phụ nữ thôn quê mặc váy, ra sông tắm đêm trong khoảng 1945:
Các bà, các cô cởi yếm và ruột tượng, xà tích, còn váy thì một tay túm lại, dâng lên chùm kín bờ vai, tay kia nâng gấu cao hơn mặt nước cho đến khi ngồi thụp xuống, dìm mình dưới nước mấp mé hai vai, coi như an toàn, cuốn váy đội lên đầu, vừa kì cọ vừa rì rầm chuyện trò và đám con gái té nước trêu chọc cánh con trai để rồi khi bị té trả chỉ biết kêu ré lên, đổ dúi dụi vào nhau, nước bắn tung toé. Những bà con mọn và cụ già bị bọn trẻ làm ướt váy, ướt tóc lập tức có bao nhiêu “của ngon, vật lạ”, các bà, các cụ đổ ra cho các cô, các cậu tưởng đặc kìn cả đầm nước. Mặc các cụ. Đám trẻ vẫn té tát trêu ghẹo nhau, làm cho tiếng cười, tiếng nói cứ vỡ ra dập dềnh, sóng sánh đến tận lúc tối nhọ mặt người. Những chiều cả tổng đổ ra đồng tắm táp, đùa rỡn, Đất và các bạn cô thường tìm đến một chỗ văng vắng, không cho anh con trai nào bén mảng đến. Nhưng các cô tắm ở khúc nào, lập tức ngày hôm sau các anh trai tráng trong làng lại ùa ùa xí phần trước làm các cô phải kéo nhau ra chỗ khác. Chính cái chỗ lặng lẽ nhất ấy là nơi các cô thả sức ngắm nghía và vờn rỡn bộ ngực hết sức căng thẳng đang rập rờn lóng lánh dưới làn nước của cô gái vừa tròn 17 tuổi, mà thì thào tra khảo: “Chị ơi, tên chị là Đất, sao trông chị lại nõn nà như tiên thế này. Giời ơi, đúng “của chị” là của giời cho, trông cứ thích thích là”. “Chúng em hỏi thật chị nhá: Đã có thằng ông mãnh nào nó bóp chửa? Chửa à? Sao nó mẩy ơi là mẩy?”. “Chị có chữ, lại xinh đẹp nữa, không thằng đàn ông nào ở tổng này đáng mặt với chị đâu”.(Làng Cuội, chương 2).
Trong truyện trên, Lê Lựu viết rằng sau tháng 8-1945, các phụ nữ phải đi biều tình cho nên phải may quần.



Nói chung, dân Việt nam phân biệt quần với áo, quần với váy, aó cộc, áo dài, quần đùi, quần dài nhưng khi dịch các từ về y phục Trung quốc như hồng quần, y thường, xiêm y thì không thống nhất.

No comments: