08/05/2010
Trước linh cữu nhà thơ Hoàng Cầm
Hoàng Hưng
Lòng yêu mến và tiếc thương nhà thơ Hoàng Cầm của tất cả những người yêu thơ Việt Nam thể hiện trong ngày hôm nay và nhiều ngày sắp tới chắc chắn sẽ là một hiện tượng đồng thuận hiếm thấy trong đời sống văn hóa nước nhà lúc này. Tên ông mãi mãi là niềm tự hào, mãi mãi gắn với lòng yêu quê hương của người Việt cả trong lẫn ngoài nước.
Anh bộ đội Hoàng Cầm
Hoàng Cầm trong kháng chiến chống Pháp
Hoàng Cầm đã cống hiến, đã thọ nạn, đã đau khổ cùng cực, nhưng cũng đã được an ủi trong tình yêu thương của đông đảo bạn đọc hơn 20 năm cuối đời. Về phía Nhà nước, cũng đã có một động tác “phục hồi” phần nào danh dự cho ông bằng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007. Nhưng rõ ràng là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ tài năng và cống hiến của ông ở tầm cao hơn nhiều. Còn bởi một chuyện hết sức quan trọng chưa được xử lý đúng đắn, bên cạnh nó thì chuyện giải thưởng là chuyện nhỏ:
Hoàng Cầm và Hoàng Hưng chụp trong dịp sinh nhật lần thứ 80 của nhà thơ
Hoàng Cầm nhắm mắt lìa đời mà chưa được nghe một lời chính thức xin lỗi, minh oan của những người chịu trách nhiệm về việc bắt giam ông 16 tháng trời không xét xử (từ 20-8-1982 đến 23-12-1983 - Tư liệu do gia đình HC bổ chính). Nguyên cớ việc giam giữ này, từ lâu đã được thấy rõ ràng là cực kỳ phi lý. Khác với vụ Nhân văn – Giai phẩm có thể còn được biện minh này khác về quan điểm chính trị gì đó, vụ án “Về Kinh Bắc” đơn giản là một sai lầm chết người của những người quy chụp bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc là “phản động”, mà theo Hoàng Cầm thì rất có thể chỉ là do lệnh của một người cụ thể thù ghét ông mà lúc ấy đang giữ quyền cao chức trọng. Sau khi Về Kinh Bắc được hoàn thành (đầu năm 1960) và chuyền tay suốt hơn 20 năm mà không có chuyện gì, bỗng mùa thu năm 1982, “các cơ quan chức năng” được tin bản thảo này sẽ được đưa ra nước ngoài. Thế là một “chuyên án” vào loại “khủng” ra đời, kết quả là Hoàng Cầm chịu những ngày đầy đọa khủng khiếp nhất của đời ông trong 18 tháng giam giữ và hoảng loạn tinh thần nhiều tháng sau khi được thả.
Sau đổi mới, Về Kinh Bắc đã được xuất bản (lần đầu năm 1994, NXB Văn hóa) và tái bản, được ca ngợi hết lời. Cho đến nay, hầu như nó được giới thơ coi là tác phẩm quan trọng nhất của Hoàng Cầm; riêng tôi thì đánh giá nó là một trong rất ít tác phẩm thơ hoàn chỉnh, “nhất khí quán hạ” của thơ trữ tình Việt Nam sau 1945. Không chỉ giá trị về thơ thuần túy, Về Kinh Bắc còn là sự thăng hoa tuyệt vời của cả một vùng văn hóa đáng tự hào của dân tộc – văn hóa Kinh Bắc, qua một hồn thơ, một tài thơ mà không phải lúc nào trời đất cũng sẵn sàng sản sinh. Nếu Quan họ Bắc Ninh đã trở thành di sản văn hóa thế giới, thì Về Kinh Bắc phải là di sản văn hóa quốc gia. Có dịp sang Tây ban Nha, chứng kiến xứ Andalusia tôn vinh nhà thơ Federico Garcia Lorca như người anh hùng văn hóa của mình, tôi nghĩ Hoàng Cầm cũng xứng đáng được tôn vinh như thế ở Kinh Bắc.
Về Kinh Bắc không được nêu tên trong những tác phẩm của Hoàng Cầm được Giải thưởng Nhà nước, nhưng trong các tập thơ Bên kia sông Đuống (NXB Văn hóa 1993), Lá Diêu bông (NXB Hội Nhà văn 1993), 99 tình khúc (NXB Văn học 1999) được nêu trong giải thưởng, có rất nhiều bài nằm trong bản thảo Về Kinh Bắc, trong đó có đủ những bài thơ chủ yếu đã đưa đến vụ án oan năm xưa (“Cây tam cúc”, “Lá Diêu bông”, “Quả vườn ổi”…). Một số sĩ quan CA cao cấp trước đây đã thụ lý vụ án này hoặc nghiên cứu hồ sơ vụ án, gần đây đã nói với người viết bài này và một số văn nghệ sĩ rằng “vụ án này quá ấu trĩ”, “Về Kinh Bắc là tác phẩm rất giá trị”... Tôi tin là họ sẽ có mặt để tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng và từ thâm tâm sẽ cất lời xin lỗi ông.
Nhưng đó là chuyện một số cá nhân có phần trách nhiệm. Những người yêu văn hóa từ lâu đã chờ đợi một cơ quan thẩm quyền nhà nước lên tiếng chính thức minh oan, công khai xin lỗi tác giả Về Kinh Bắc về vụ án oan mấy chục năm xưa. Như thế mới đàng hoàng là một nhà nước văn minh. Nhưng việc ấy đã không xảy ra. Vậy thì, lên tiếng chính thức minh oan, công khai xin lỗi trước linh cữu cố thi sĩ Hoàng Cầm là việc rất nên, là cơ hội cuối cùng của nhà nước để chuộc lỗi với ông, cũng là cơ hội chứng tỏ trước toàn dân khả năng hành xử đúng đạo lý, khả năng sửa sai của chính quyền. Tôi tin, nằm trong quan tài, nhà thơ sẽ mỉm cười độ lượng.
Để bạn đọc hiểu rõ thêm về vụ án oan “Về Kinh Bắc”, tôi xin trích đôi lời “Tâm tình với bạn đọc Talawas” của tác giả Về Kinh Bắc khi ông cho mạng này công bố tác phẩm trên.
Hoàng Cầm lại cùng “cô hàng xén răng đen” trở về bên kia sông Đuống
”Về Kinh Bắc ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Vào cuối những năm 1950, bốn anh em chúng tôi (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng) sau khi đi lao động cải tạo về, vẫn nằm trong thời kỳ bị kiểm soát chặt chẽ. Nói cho đúng thì riêng tôi không phải đi lao động, (không biết vì lý do gì mà những nơi Hội Nhà văn liên hệ để đưa tôi đến lao động đều không nơi nào chịu nhận, thế là tôi thoát!) trong khi Lê Đạt thì đi Phú Thọ, Trần Dần đi Thái Nguyên. Và nói về sự kiểm soát thì tôi cũng được thoải mái hơn hai anh ấy. Tôi cứ việc ở nhà trong khi Lê Đạt và Trần Dần thì tất cả các buổi sáng phải đến ngồi ở Hội Nhà văn. Chỉ uống nước chè, tán chuyện, cười ha hả thôi, nhưng vẫn phải đến. Nhưng việc in ấn thì dứt khoát là không được phép. Trong tình cảnh ấy, tôi đề xướng với các bạn: lúc này chính là lúc bọn mình phải để tâm vào việc phá ra về thi pháp, phải phá ra khỏi kiểu thơ Tố Hữu, hay nói rộng ra là kiểu thơ cũ mà mình đã chán ngấy. Thế là bốn anh em thống nhất về đường lối sáng tác. Từ đấy hai anh Trần Dần, Lê Đạt ở Hội Nhà văn sáng sáng chỉ tán chuyện một lúc rồi mỗi người yên lặng cắm cúi viết lách. Trần Dần viết Cổng tỉnh dựa vào những kỷ niệm thời thanh niên ở Nam Định. Lê Đạt thì những kỷ niệm ở Yên Bái (thân phụ của anh làm sếp ga ở đó) cho anh loạt thơ sau in trong Bóng chữ. Đặng Đình Hưng, với sự "đỡ đầu" (dùng đúng từ anh nói) của Trần Dần, cũng viết được những bài thơ mới hẳn, lâu lâu anh lại đến khoe, rất hào hứng. Tôi rất thích những bài thơ ấy của Hưng, và học tập được khá nhiều ở tinh thần mới mẻ của anh.
Riêng tôi, như đã nhiều lần tự bạch, tôi viết Về Kinh Bắc hoàn toàn nhờ chìm đắm vào những kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi luôn nghĩ rằng: với bất cứ anh thi sĩ nào, cái thời kỳ từ 5 đến 15 tuổi là thời kỳ quyết định hơi thơ, cốt cách thơ của cả đời anh ta. Từ năm 4 tuổi đến 14 tuổi (lúc đỗ certificat - Chứng chỉ hết bậc tiểu học), tôi sống ở một phố nhỏ trên đường quốc lộ 1, cách thị xã Bắc Giang 6 km. Mười năm ấy ăn vào mình nhiều nhất. Chỗ tôi ở là một con phố đìu hiu, lèo tèo vài hàng quán, ông thân sinh tôi mở hàng thuốc bắc ở đó, còn mẹ tôi thì có gánh hàng xén. Cái phố ấy vẫn có phong vị nông thôn với rặng tre, cây đa, con đường đất nhỏ, lại có tí văn minh với cảnh ô tô, tàu hỏa, tôi hay ra ga xem khách lên khách xuống, tàu đến tàu đi. Những đêm trăng cô hàng xóm thích hát xướng tập họp bọn trẻ trong phố ra giữa đường hoặc cái bãi rộng sau ga hát trống quân, cò lả…
Có lẽ vì thế mà toàn bộ tập Về Kinh Bắc chìm trong cái buồn, cái buồn của sự hoài vọng quê hương, bài nào cũng buồn, câu nào cũng buồn. Hồi trong Hỏa Lò - Trại tạm giam của CA Hà Nội, nguyên là trại giam cũ thời Pháp mang tên Maison Centrale, ở phố Hỏa Lò, bị buộc phải viết kiểm điểm về tập thơ này, tôi cũng dễ dàng thừa nhận là tập thơ buồn quá. Nguyên cái buồn ấy hình như đã là chống lại đường lối văn nghệ của Đảng rồi, vì Đảng yêu cầu văn nghệ phải phấn khởi tươi vui. Nhưng ngoài cái đó ra, tôi còn phải nhắm mắt tự nhận tội với những từ nặng nề nhất như phản động, chống Đảng. Có điều tôi cũng viết rất khéo sao cho nếu bản kiểm điểm sau này được công bố thì bạn bè và công chúng cũng thấy đó là sự nhận tội không tự nguyện, nhận mà là không nhận. Thí dụ như tôi dẫn chứng câu thơ "Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa" là rủa Đảng, bài thơ “Lá Diêu bông” và một số bài khác là mang tính chất tư sản, than thở số phận con người, qua đó thấy cuộc sống thất vọng quá, buồn quá, những ước nguyện đẹp nhất đều không thực hiện được.
Sau khi tôi ra tù, không ít bạn trách tôi vì sao lại nhận tội như thế? Có phải là hèn quá chăng? Nhưng thực tế hoàn cảnh tôi trong tù rất khốn đốn, sau ba tháng là sức khỏe suy sụp, nếu kéo dài thêm hai tháng nữa thì có thể chết trong tù. Vì vậy, trước sức ép ngày đêm của những người công an thụ lý và những hứa hẹn của họ, tôi suy nghĩ: phải giữ cái mạng của mình cái đã, phải tồn tại, phải sống, còn tác phẩm của mình chẳng đi đâu mà mất, nó còn hay không là do nó, nó có giá trị thì nó sẽ tồn tại. Cho nên tôi quyết định nhận tội. Khi tôi viết xong bản kiểm điểm (dài 6 trang giấy thếp thì phải), anh công an thụ lý tên N. đọc ngay, và bảo "Tốt quá rồi!". Hôm sau, anh đem đến một cái cassette mới toanh, bảo tôi tự đọc bản kiểm điểm vào máy. Anh cẩn thận dặn tôi phải đọc hết sức tự nhiên, không phải như người bị ép buộc hoặc như đọc dictée - chính tả. Là một diễn viên kịch, tôi thừa sức để "diễn" theo đúng ý anh. Tôi muốn tỏ ra hết sức ngoan ngoãn, cốt để được về. Tôi vừa đọc xong, anh ta chồm dậy, bắt tay tôi rối rít và cảm ơn cảm ơn hai lần liền, sau đó cho người đi mua phở cho tôi ăn. Anh còn tuyên bố: "Chúng tôi sẽ đề nghị để Tết này anh được về". Tôi mừng quá, viết thư về cho bà Yến - vợ Hoàng Cầm - báo tin vui. Thế là suốt những ngày gần Tết năm ấy tôi cứ khấp khởi đợi chờ. Sau này tôi biết bà Yến nhà tôi cũng trong tâm trạng ấy. Sáng 30 Tết bà bắt anh con rể mang xe đến chờ ở cổng Hỏa Lò suốt từ sáng tới tối. Nhưng thực tế là tôi không được thả như lời hứa của công an mà ngay mồng 4 Tết thì bị chuyển tới "xà lim bộ" - Trung tâm thẩm vấn của Bộ CA, ở ngoại thành Hà Nội - và tiếp tục bị giam, tổng cộng là 18 tháng.
Vì sao lại có chuyện thay đổi như thế? Có phải anh công an tên N. đã nói lừa tôi cốt để tôi nhận tội cho được việc của anh ta? Tôi cũng không rõ sự thực thế nào. Cho đến một hôm, sau khi đã ra tù, tôi tình cờ gặp một anh công an thụ lý khác (xin phép không nêu tên) ở quán bia Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Trông thấy tôi anh mừng lắm, anh mời tôi vào uống bia để tâm sự. Anh nói là anh đã ra khỏi ngành, và anh kể cho tôi một chuyện khá bất ngờ. Chuyện đại ý như sau: Sau khi tôi nhận tội, công an đã định cho tôi về thật. Nhưng trong thời gian chờ đợi giải quyết, thì một hôm ông Lê Đức Thọ - UV Bộ Chính trị ĐCSVN, phụ trách nội chính, tổ chức - gọi công an lên hỏi vụ Hoàng Cầm ra sao rồi, và thông báo rằng có một số trí thức Pháp, những người quen biết nhiều với ông, đã giúp đỡ ông và đoàn đại biểu Việt Nam ở Hội nghị Paris, vừa gửi thư cho ông yêu cầu nếu xét Hoàng Cầm không có tội trạng gì cụ thể thì hãy thả ngay nhà thơ ra. Ông còn nhắc nhở: "Các cậu xem thế nào thì giải quyết đi, không có thì mang tiếng lắm". Sự việc trên được công an báo cáo với Tố Hữu - lúc ấy là Phó Thủ tướng. Ông này lập tức hạ lệnh: "Ngoại quốc can thiệp hả? Đã thế thì cho thêm một năm nữa!"
Thái độ cứng rắn đến nghiệt ngã của Tố Hữu với riêng tôi cũng như với các anh em Nhân văn - Giai phẩm rất nhất quán. Ngay cả đối với những sáng tác mà anh em chúng tôi tìm lối mới vào cuối những năm 1950 nói trên, ông cũng rất ghét, mặc dù không biết ông có đọc hay không. Lại nói, sau khi bốn người chúng tôi bật ra được thứ thơ ấy, ai cũng mãn nguyện vì đã lộ rõ cốt cách từng người. Riêng tôi thì ngay từ lúc viết xong Về Kinh Bắc, tôi đã tin là nó có giá trị, có đóng góp cho văn học nước nhà. Tuy tôi không dám truyền đi rộng rãi, chỉ cho vài người bạn đọc, nhưng rồi nó được tự động lan truyền, đặc biệt có những bạn sinh viên trẻ say mê nó lạ lùng. Phải nói tình yêu đối với Về Kinh Bắc có cái gì đó rất đặc biệt. Tôi không tin là tập thơ dễ hiểu chút nào, đặc biệt là phần Nhịp một với "những đêm ngũ hành" kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ngay nhà thơ Lữ Huy Nguyên, cố Giám đốc NXB Văn học, cũng thú thực với tôi rằng: "Em in cho anh thì cứ in chứ nói thật là em chỉ hiểu được 1/4 tập thơ". Đến anh công an thụ lý N. sau khi tôi nhận tội cũng thú nhận: "Thực tình tôi chẳng hiểu anh nói gì, bây giờ anh khai ra tôi mới biết ý đồ chống Đảng của anh, thì ra anh thâm thúy thật!"
Việc chúng tôi sáng tác những tác phẩm mới nhanh chóng được báo cáo với Tố Hữu. Một người bạn được tham dự buổi họp tuyên giáo mở rộng kể với tôi rằng trong cuộc họp, Tố Hữu đã cảnh báo: "Tụi Trần Dần Hoàng Cầm… bây giờ đang thực hiện đúng khẩu hiệu phục xuống sáng tác mà Văn Cao đã khởi xướng. Phải canh chừng và dập tắt ngay".
Đây là lần đầu tiên tôi nói rõ một số chuyện liên quan đến Về Kinh Bắc, nói ra để khép lại những cái đau buồn ấu trĩ của một thời. Bây giờ, tôi xin các bạn thưởng thức nó vượt qua mọi bối cảnh chính trị xã hội, thưởng thức nó như một tác phẩm nghệ thuật mà đến hôm nay tôi vẫn thấy hài lòng”.
Riêng tôi, như đã nhiều lần tự bạch, tôi viết Về Kinh Bắc hoàn toàn nhờ chìm đắm vào những kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi luôn nghĩ rằng: với bất cứ anh thi sĩ nào, cái thời kỳ từ 5 đến 15 tuổi là thời kỳ quyết định hơi thơ, cốt cách thơ của cả đời anh ta. Từ năm 4 tuổi đến 14 tuổi (lúc đỗ certificat - Chứng chỉ hết bậc tiểu học), tôi sống ở một phố nhỏ trên đường quốc lộ 1, cách thị xã Bắc Giang 6 km. Mười năm ấy ăn vào mình nhiều nhất. Chỗ tôi ở là một con phố đìu hiu, lèo tèo vài hàng quán, ông thân sinh tôi mở hàng thuốc bắc ở đó, còn mẹ tôi thì có gánh hàng xén. Cái phố ấy vẫn có phong vị nông thôn với rặng tre, cây đa, con đường đất nhỏ, lại có tí văn minh với cảnh ô tô, tàu hỏa, tôi hay ra ga xem khách lên khách xuống, tàu đến tàu đi. Những đêm trăng cô hàng xóm thích hát xướng tập họp bọn trẻ trong phố ra giữa đường hoặc cái bãi rộng sau ga hát trống quân, cò lả…
Có lẽ vì thế mà toàn bộ tập Về Kinh Bắc chìm trong cái buồn, cái buồn của sự hoài vọng quê hương, bài nào cũng buồn, câu nào cũng buồn. Hồi trong Hỏa Lò - Trại tạm giam của CA Hà Nội, nguyên là trại giam cũ thời Pháp mang tên Maison Centrale, ở phố Hỏa Lò, bị buộc phải viết kiểm điểm về tập thơ này, tôi cũng dễ dàng thừa nhận là tập thơ buồn quá. Nguyên cái buồn ấy hình như đã là chống lại đường lối văn nghệ của Đảng rồi, vì Đảng yêu cầu văn nghệ phải phấn khởi tươi vui. Nhưng ngoài cái đó ra, tôi còn phải nhắm mắt tự nhận tội với những từ nặng nề nhất như phản động, chống Đảng. Có điều tôi cũng viết rất khéo sao cho nếu bản kiểm điểm sau này được công bố thì bạn bè và công chúng cũng thấy đó là sự nhận tội không tự nguyện, nhận mà là không nhận. Thí dụ như tôi dẫn chứng câu thơ "Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa" là rủa Đảng, bài thơ “Lá Diêu bông” và một số bài khác là mang tính chất tư sản, than thở số phận con người, qua đó thấy cuộc sống thất vọng quá, buồn quá, những ước nguyện đẹp nhất đều không thực hiện được.
Sau khi tôi ra tù, không ít bạn trách tôi vì sao lại nhận tội như thế? Có phải là hèn quá chăng? Nhưng thực tế hoàn cảnh tôi trong tù rất khốn đốn, sau ba tháng là sức khỏe suy sụp, nếu kéo dài thêm hai tháng nữa thì có thể chết trong tù. Vì vậy, trước sức ép ngày đêm của những người công an thụ lý và những hứa hẹn của họ, tôi suy nghĩ: phải giữ cái mạng của mình cái đã, phải tồn tại, phải sống, còn tác phẩm của mình chẳng đi đâu mà mất, nó còn hay không là do nó, nó có giá trị thì nó sẽ tồn tại. Cho nên tôi quyết định nhận tội. Khi tôi viết xong bản kiểm điểm (dài 6 trang giấy thếp thì phải), anh công an thụ lý tên N. đọc ngay, và bảo "Tốt quá rồi!". Hôm sau, anh đem đến một cái cassette mới toanh, bảo tôi tự đọc bản kiểm điểm vào máy. Anh cẩn thận dặn tôi phải đọc hết sức tự nhiên, không phải như người bị ép buộc hoặc như đọc dictée - chính tả. Là một diễn viên kịch, tôi thừa sức để "diễn" theo đúng ý anh. Tôi muốn tỏ ra hết sức ngoan ngoãn, cốt để được về. Tôi vừa đọc xong, anh ta chồm dậy, bắt tay tôi rối rít và cảm ơn cảm ơn hai lần liền, sau đó cho người đi mua phở cho tôi ăn. Anh còn tuyên bố: "Chúng tôi sẽ đề nghị để Tết này anh được về". Tôi mừng quá, viết thư về cho bà Yến - vợ Hoàng Cầm - báo tin vui. Thế là suốt những ngày gần Tết năm ấy tôi cứ khấp khởi đợi chờ. Sau này tôi biết bà Yến nhà tôi cũng trong tâm trạng ấy. Sáng 30 Tết bà bắt anh con rể mang xe đến chờ ở cổng Hỏa Lò suốt từ sáng tới tối. Nhưng thực tế là tôi không được thả như lời hứa của công an mà ngay mồng 4 Tết thì bị chuyển tới "xà lim bộ" - Trung tâm thẩm vấn của Bộ CA, ở ngoại thành Hà Nội - và tiếp tục bị giam, tổng cộng là 18 tháng.
Vì sao lại có chuyện thay đổi như thế? Có phải anh công an tên N. đã nói lừa tôi cốt để tôi nhận tội cho được việc của anh ta? Tôi cũng không rõ sự thực thế nào. Cho đến một hôm, sau khi đã ra tù, tôi tình cờ gặp một anh công an thụ lý khác (xin phép không nêu tên) ở quán bia Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Trông thấy tôi anh mừng lắm, anh mời tôi vào uống bia để tâm sự. Anh nói là anh đã ra khỏi ngành, và anh kể cho tôi một chuyện khá bất ngờ. Chuyện đại ý như sau: Sau khi tôi nhận tội, công an đã định cho tôi về thật. Nhưng trong thời gian chờ đợi giải quyết, thì một hôm ông Lê Đức Thọ - UV Bộ Chính trị ĐCSVN, phụ trách nội chính, tổ chức - gọi công an lên hỏi vụ Hoàng Cầm ra sao rồi, và thông báo rằng có một số trí thức Pháp, những người quen biết nhiều với ông, đã giúp đỡ ông và đoàn đại biểu Việt Nam ở Hội nghị Paris, vừa gửi thư cho ông yêu cầu nếu xét Hoàng Cầm không có tội trạng gì cụ thể thì hãy thả ngay nhà thơ ra. Ông còn nhắc nhở: "Các cậu xem thế nào thì giải quyết đi, không có thì mang tiếng lắm". Sự việc trên được công an báo cáo với Tố Hữu - lúc ấy là Phó Thủ tướng. Ông này lập tức hạ lệnh: "Ngoại quốc can thiệp hả? Đã thế thì cho thêm một năm nữa!"
Thái độ cứng rắn đến nghiệt ngã của Tố Hữu với riêng tôi cũng như với các anh em Nhân văn - Giai phẩm rất nhất quán. Ngay cả đối với những sáng tác mà anh em chúng tôi tìm lối mới vào cuối những năm 1950 nói trên, ông cũng rất ghét, mặc dù không biết ông có đọc hay không. Lại nói, sau khi bốn người chúng tôi bật ra được thứ thơ ấy, ai cũng mãn nguyện vì đã lộ rõ cốt cách từng người. Riêng tôi thì ngay từ lúc viết xong Về Kinh Bắc, tôi đã tin là nó có giá trị, có đóng góp cho văn học nước nhà. Tuy tôi không dám truyền đi rộng rãi, chỉ cho vài người bạn đọc, nhưng rồi nó được tự động lan truyền, đặc biệt có những bạn sinh viên trẻ say mê nó lạ lùng. Phải nói tình yêu đối với Về Kinh Bắc có cái gì đó rất đặc biệt. Tôi không tin là tập thơ dễ hiểu chút nào, đặc biệt là phần Nhịp một với "những đêm ngũ hành" kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ngay nhà thơ Lữ Huy Nguyên, cố Giám đốc NXB Văn học, cũng thú thực với tôi rằng: "Em in cho anh thì cứ in chứ nói thật là em chỉ hiểu được 1/4 tập thơ". Đến anh công an thụ lý N. sau khi tôi nhận tội cũng thú nhận: "Thực tình tôi chẳng hiểu anh nói gì, bây giờ anh khai ra tôi mới biết ý đồ chống Đảng của anh, thì ra anh thâm thúy thật!"
Việc chúng tôi sáng tác những tác phẩm mới nhanh chóng được báo cáo với Tố Hữu. Một người bạn được tham dự buổi họp tuyên giáo mở rộng kể với tôi rằng trong cuộc họp, Tố Hữu đã cảnh báo: "Tụi Trần Dần Hoàng Cầm… bây giờ đang thực hiện đúng khẩu hiệu phục xuống sáng tác mà Văn Cao đã khởi xướng. Phải canh chừng và dập tắt ngay".
Đây là lần đầu tiên tôi nói rõ một số chuyện liên quan đến Về Kinh Bắc, nói ra để khép lại những cái đau buồn ấu trĩ của một thời. Bây giờ, tôi xin các bạn thưởng thức nó vượt qua mọi bối cảnh chính trị xã hội, thưởng thức nó như một tác phẩm nghệ thuật mà đến hôm nay tôi vẫn thấy hài lòng”.
(HC nói, HH ghi, tác giả xem lại và đồng ý gửi Talawas làm lời mở đầu tác phẩm “Về Kinh Bắc” đăng trên Talawas ngày 5/4/2007. Các chú thích của HH)
TPHCM, 24h ngày 6/5/2010
HH
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
*
No comments:
Post a Comment