Hoàng Cầm đi mất rồi! Thương nhớ một hồn thơ lồng lộng
Hình: Wikipedia
Chia sẻ
Tin liên hệ
Ðường dẫn liên hệ
"Sông Đuống trôi đi. Một dòng lấp loáng"
-Hoàng Cầm ơi! Cầm đi thật mất rồi sao.
Mới đó Hoàng Cầm chép và gửi cho tôi một bài thơ rất đặc biệt, thơ gửi bạn, mang tựa đề «Thư gửi bạn», một bạn cực thân của anh còn ngồi trong tù. Bài thơ chừng 20 câu, kết thúc bằng 3 câu:
Tù ra nếu thấy tao đi mất rồi
Uống xong ngửa mặt lên trời
Hai vai ngất ngưởng là mày có tao.
Hoàng Cầm đi mất rồi chiều 6-5-2010. «Uống» anh nói trên đây là uống rượu, là thứ rượu đế đặc biệt của thị xã Bắc Ninh.
Cầm với tôi thân nhau. Phải nói là cực thân. Cũng có thể nói ít ai khác có thể thân hơn. Lại có họ với nhau. Họ khá gần. Anh họ Bùi, tên thật là Bùi Tằng Việt.
Chúng tôi cùng một cụ Tổ 3 đời trước. Cụ từ Ứng Hòa - Hà Đông lên Việt Yên - Bắc Giang làm việc nước, lấy một cụ bà thứ thất trên đó, thành một chi họ Bùi Bắc - Bắc (Bắc Ninh- Bắc Giang). Cầm hơn tôi 4 tuổi, nhưng về họ hàng thì tôi là anh. Chúng tôi gọi nhau từ hồi 1955 là cậu - tớ.
Sau khi tôi về báo Nhân Dân tháng 10-1982, Cầm với tôi càng thân. Anh ở xế Nhà thờ lớn, phố Lý Quốc Sư, tôi ở hàng Trống, cách nhau 200 mét, 3 phút cuốc bộ. Nhiều trưa tôi rủ Cầm ra bún chả hàng Mành ăn trưa và tâm sự. Cầm cũng hay chạy sang chỗ tôi làm việc, đọc mấy tập «tin mật, tuyệt mật», «tham khảo đặc biệt», rồi bàn luận chính trị, quốc tế, văn chương.
Trong con người Cầm là một khối bi kịch. Anh xuất thân một dòng họ lớn, khoa bảng, thông minh, ham học, đọc nhiều. Anh đọc Victor Hugo từ nguyên bản Pháp văn, đọc Shakespeare từ nguyên bản tiếng Anh, đọc thơ Đỗ Phủ từ nguyên chữ Hán. Trí nhớ Cầm tôi cho là ghê gớm. Kịch thơ Hận Nam Quan, hay Kiều Loan anh dọc từ đầu đến cuối, nhập tâm. Anh ngâm thơ rất hay.
Anh người to cao. Vai rộng, hàm én, môi son, tiếng sang sảng.
Nhân tiễn Hoàng Cầm đi xa, tôi nhắc lại những nét tiêu biểu nhất nơi anh. Anh là một chiến sỹ hàng đầu của tự do. Anh thấm thía tự do là điều kiện của sáng tạo, của tài năng chân chính. Khi là Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị - QĐND năm 1952 rồi Trưởng đoàn kịch nói năm 1955, anh đã khó chịu, phản ứng dữ dội về sự can thiệp thô bạo của những nhà lãnh đạo, những chính ủy không am hiểu gì về văn học, văn nghệ. Anh bị đe nẹt, rồi bị cho ra rìa, còn bị treo bút dài hạn trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, cùng với Trần Dần, Lê Đạt, một thời gian dài bị cắt mọi đường sinh sống, phải đi khuân vác, làm ở nhà in, lau máy…
Anh không bao giờ chịu khuất phục. Luôn quắc mắt nhìn đời, nhìn bọn quan văn nghệ nhố nhăng. Ai nói theo lãnh đạo, anh khinh, ai nịnh lãnh đạo anh gọi là con «vện trung thành với chủ» để hòng được gặm xương. Có người khuyên anh nên khen thơ anh Lành (Tố Hữu) một câu, anh nhún vai: Theo tôi đó là vè, không thể gọi là thơ!
Vì anh làm thơ thật ra thơ. Thơ phải có hồn. Hồn thơ bay bổng, gợi cảm, nhiều hình ảnh, màu sắc, chữ ít nói nhiều. Anh yêu sông Đuống:
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp loáng
Nằm ngiêng ngiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ thế!
Sao sót sa như rụng bàn tay!
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.
Hoàng Cầm căm giận sự dốt nát, bất công của lãnh đạo, nhưng anh không chửi bới lung tung, anh luôn giữ tư thế trượng phu, kẻ cả. Anh đau cho nền thơ, nền văn hóa, số phận hẩm hiu của dân tộc hơn là cho số phận bị bạc đãi của cá nhân và gia đình mình.
Trong bài «Thư gửi bạn» nói trên, anh nhắn người bạn thân sa cơ vì khí tiết:
Bây giờ mày ở trong tù
Đêm nằm muỗi cắn nhớ nhà không em ?
Bốn năm Đỗ Phủ nằm khoèo
Rượu say thơ cũng mệt nhoài tứ chi
Mười phương vẫn một bọn hề
Những thằng bưng điếu vác cờ chạy quanh.
Tao nhìn chẳng biết nói năng
Miệng cười nước mắt lưng tròng gió đưa…
Nhà thơ Hoàng Cầm khí phách, tài hoa, lớn khôn do dòng sữa quê hương dân tộc, thọ 88 mùa Xuân, “ra đi mất rồi” khi vận nước còn dang dở, nhưng anh tất biết rõ quê ta đang cựa mình.
Mong anh yên nghỉ trong lòng bãi mía bờ dâu, trong lòng dòng sông Đuống thân thương, vì mọi công dân yêu nước, thương dân đều hiểu rõ anh đã góp phần sớm nhất để toàn dân ta dành lại mùa xuân tự do sáng tạo rồi sẽ đến cho quê hương.
No comments:
Post a Comment