Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
VÕ TRẠNG NGUYÊN TRUYỆN
1. Về Trường thi Võ
Minh Mạng là vị vua thứ hai của Triều Nguyễn, trị vì 21 năm (1820-1841), được coi là vị vua năng động, quyết đoán và có nhiều cải cách: lập thêm Nội các, Cơ mật viện ở Kinh đô Huế, tổ chức lại quân đội, củng cố chế độ thi cử để chọn người tài : Trạng Nguyên Văn (năm 1822 lập lại các kỳ thi Hội, thi Đình ở Kinh đô). Nhưng phải đến năm 1836 mới lập Trường thi Võ ở Kinh đô Huế và Hà Nội, đến năm 1867 mới mở thêm Trường thi Võ ở Phủ Qui Nhơn, Bình Định.
Thi Võ cũng có ba kỳ thi như bên Văn là Thi Hương, Thi Hội và Thi Đình. Khi thành lập trường, cả ba trường đều có dự định thi cả ba kỳ Hương, Hội, Đình, nhưng sau đó hai trường ở Hà Nội và Quy Nhơn không chọn Tiến sĩ Võ (còn gọi là Tạo sĩ) mà chỉ là thi Hương tuyển lấy Cử nhân (không có Tú tài như bên Văn).
Thi lấy Tiến sĩ võ (Tạo sĩ) tập trung về kinh đô Huế, gọi là thi Hội, cho cả ba trường, người đậu Tiến sĩ Võ được phong chức Tướng quân, vinh danh Võ Trạng nguyên.
Các môn thi Tiến sĩ võ gồm: thao lược binh thư đồ trận, huấn luyện và tổ chức quân đội, các môn võ thuật như côn, quyền.
Thi lấy Tiến sĩ võ (Tạo sĩ) có ba giai đoạn: Trường Nhất, Trường Nhì và Trường Ba.
Trường Nhất gồm các môn thi: Xách kẽm, đánh thảo Ngọc Trản, đánh thảo roi Ngũ môn phá trận, thảo Siêu đao…Xách kẽm là môn đáng sợ nhất. Có hai ống kẽm, mỗi ống là một khối kẽm hình chữ nhật, nặng một tạ ta, có quai bọc vải. Thí sinh xách mỗi tay một ống, đi nhanh đoạn đường dài 200 thước, vừa đi vừa về. Thoạt nhìn tưởng ngon ăn vì ở nhà các thí sinh đã tập xách những vật nặng tương đương, nhưng theo như lời kể của một thí sinh đã vượt qua môn thi này thì không hề dễ dàng. Bước vào thi, khi đứng giữa hai ống kẽm thì thấy người như phát sốt, toát mồ hôi, hai tay cầm vào hai quai xách chờ lệnh, trong đầu kêu boong boong, tai điếc đặc. Đến khi có lệnh xuất phát, giật mình xách lên thì chân loạng choạng, cái cổ dài ra, hai vai lép xuống. Như thế cho đến khi cuối đường, quay lại thì chờn vờn như không còn có thể bước được nữa. Thế nhưng cố gắng vẫn về được đến đích đạp lên đường vạch, để hai ống kẽm xuống, thì con người như muốn ngã chúi ra đằng trước bước tới bàn giám khảo như trong cơn mê!... Có người xách hai ống kẽm lên, cổ gân căng lên, mắt lồi ra, bước một bước rồi quỵ xuống, có người chỉ chạy được hơn một đoạn đi, về mấy bước là quỵ .Xách ống kẽm là bài đầu, nó loại gần một phần ba thí sinh! Nhưng cũng có không ít người có sức khỏe lạ thường. Họ xách chạy như mình xách hai gầu múc nước đi tưới. Về đến nơi hơi thở không gấp sẽ được điểm ưu. Có người chạy cả ba vòng cả đi lẫn về vẫn không đỏ mặt!...
Người có sức mạnh phi thường phải nói đến là cụ Trung Quân, người vùng Thọ Lộc,huyện An Nhơn, Bình Định. Cụ đi thi ở Huế, lúc đó ở Bình định chưa mở trường thi. Khi phát lệnh xách kẽm, hai tay xách hai ống kẽm giang ngang thẳng cánh ba lần rồi để hai ống kẽm xuống trước mặt. dùng một tay nắm cả hai quai, co tay thước thợ lên ngang ngực, rồi mới xách chạy vòng quanh trường thi. Tất cả Ban giám khảo đều kinh ngạc thốt lên: “Sức mạnh cử đỉnh của Hạng Võ!” và hội ý chớp nhoáng quyết định lấy cụ đỗ Thủ khoa – tức Võ Trạng Nguyên, không cần phải thi các môn khác. Nhưng tất cả thí sinh không phục vì thực ra, muốn đậu thủ khoa không chỉ có sức mạnh mà phải tinh thông thập bát ban võ nghệ tức kỹ thuật đao, kiếm, côn, cung! Ban giám khảo phải nhượng bộ, chỉ lấy đỗ cử nhân, miễn thi Trường Nhì, chờ môn thi Trường tiên ở Trường Ba tức phúc hạch xếp thứ hạng!
Trường Nhì: Gồm các môn thi như bắn cung nỏ vào hồng tâm, bắn súng nạp tiền vào bia cót, nhảy qua hào nước quay ba vòng đâm bù nhìn, cưỡi ngựa phi nhanh, múa kiếm. Muốn qua được những môn thi này phải lót tay những người lính làm nhiệm vụ giám sát ở các điểm thi…
Trường Ba: Đó là kỳ thi phúc hạch để xếp thứ hạng, môn thi là đấu roi trường (Trường tiên) tay đôi, loại trực tiếp, chọn lấy ba người gọi là Cử ba, Cử nhì và Cử nhất – Cử Nhất là Thủ khoa – Võ Trạng nguyên. Cuộc thi phúc hạch ở Trường Ba bao giờ cũng gay cấn, hấp dẫn nhất.
Roi (còn gọi là gậy; tiếng Hán Nôm là Tiên) được làm bằng một thứ gỗ rất rắn, dẻo, chắc; dài 7 thước 5 (bằng 2m625), đầu lớn to bằng cổ tay, đầu nhỏ to bằng cán cuốc. Để tránh nguy hiểm khi đấu, ở đầu nhỏ có buộc giẻ, trong bọc có tóc. Bọc giẻ được làm nhọ nồi trên đầu, người bị đâm giữ lại một vết nhọ nồi trên người…
2. Đại Lực sĩ Trung Quân với tuyệt kỹ Trường tiên: Lạc côn
Những cuộc thi đấu roi trường ly kỳ nhất, hay nhất là cuộc đấu của cụ Trung Quân ở Trường thi Kinh đô Huế, khóa thi Đình đầu tiên. Ở những cuộc đấu này, đại lực sĩ Trung Quân không chỉ thể hiện sức mạnh vô song mà còn sử dụng đến độ huyền diệu của tuyệt kỹ Lạc côn trong côn thuật.
Lạc côn là một thế võ lừa đối thủ: thả tay trước cho đầu côn rơi xuống đất giữa hai chân của đối thủ. Nếu đối thủ không biết thế lừa, nghe đầu côn rơi chạm đất thì vui mừng vội vàng tranh thủ xấn tới đâm là mắc mưu. Người thả đầu côn chỉ chờ hành động ấy của đối thủ, bước sang một bên tránh đầu roi đối thủ đang đâm tới, cầm nhanh đầu roi của mình lên lật mạnh một cái. Khi đối thủ vừa bước tới và ngọn roi được hất lên nằm gọn giữa hai chân đối thủ sẽ đẩy một chân bổng lên, đối thủ bị vướng, lúng túng không sử dụng roi của mình được. Nếu người dùng thế Lạc côn khỏe thì có thể dùng đầu côn hất đối thủ văng lên. Nếu tay không khỏe thì cũng treo được một chân đối thủ lên, khiến đối thủ mất thăng bằng, chới với, có khi phải bỏ côn mình để chụp nắm côn đối thủ để khỏi bị hất ngã. Để hóa giải được thế Lạc côn, người kia phải dùng gót đá móc mạnh làm cho đầu roi văng ra xa rồi mới nhào tới đâm đối thủ. Đối thủ chỉ cầm côn một tay sau, không chống đỡ được chỉ né tránh và bỏ chạy. Nhưng với người có sức mạnh phi thường thì không bỏ chạy mà né người tránh mũi côn đâm tới, dùng trước (tay trái) chụp lấy đầu côn đối thủ, bẻ trái, đối thủ sẽ ngã và côn gãy đôi, lúc đó đối thủ tưởng rằng đã phá được thế Lạc côn nên sẽ hoàn toàn bất ngờ! Đó là cách đánh Trường tiên của cụ Trung Quân sẽ nói kỹ dưới đây.
Đó là cuộc đấu roi Trường tiên của cụ Trung Quân với 10 người có điểm cao nhất sau Trường Nhất và Trường Nhì. Cụ Trung Quân ra trước, cầm roi đứng đợi trên sàn đấu. Ông Cử thứ nhất ra đấu, hai roi vừa mới so khắc hai cái lắc cắc, đến cái thứ ba thì vù một tiếng xé tai, cây roi của ông Cử kia bị cụ khắc mạnh gãy từ tay cầm đến cuối, văng lên cao rồi rơi cách 30 thước. Ông Cử kia cả sợ, cầm đoạn roi còn lại trên tay chạy mất tăm! Tới ông Cử thứ hai ra đấu, cụ không dùng thế roi ấy nữa mà giả rơi đầu roi ra khỏi tay trước vì mồ hôi tay. Đối thủ biết ngay đó là thế Lạc côn lợi hại nên đã sử dụng cách phá thế Lạc côn: dùng gót đá cho đầu roi văng ra rồi nhào tới đâm mạnh, tin chắc là được điểm quyết định vì địch thủ chỉ còn một tay cầm đốc roi nên không thể xoay trở được! Nhưng, “rắc” một cái, chiếc roi trường của đối thủ bị cụ Trung Quân cầm chặt và bẻ gãy đôi, quật luôn cả người cầm roi ngã nghiêng xuống đất!
Tám ông Cử điểm cao còn lại, bái trước Ban giám khảo xin được miễn đấu và đồng thanh hô cụ Trung Quân xứng đáng đậu Thủ khoa - Võ Trạng nguyên. Cuộc phúc hạch chỉ còn là cuộc đấu giữa 10 ông Cử để chọn ra người đậu Á nguyên - ngôi nhì!...
Nhờ có sức mạnh vô địch và kỹ thuật đánh Trường tiên vô song, cụ Trung Quân được chọn vào đội Cận vệ của nhà vua, từ chức Đội trưởng lên dần đến chức Trung Quân, là quan Nhất phẩm Đại tướng quân - chức quan võ đứng đầu trong năm chức võ quan cao nhất ở Kinh đô. Người ta lấy chức võ quan Trung Quân của cụ để gọi thay cho tên cụ, đó là cách gọi cung kính. Năm 70 tuổi cụ mới về hưu, về làng quê sống như một lão nông. Người dân trong vùng còn lưu truyền câu chuyện cụ Trung Quân đánh cọp như sau:
Một hôm, làng tổ chức săn cọp, Cụ xin đi, không dùng dao, mác mà dùng một gốc tre già có cả củ, chuốt cho láng để dễ cầm. Cụ cùng cháu nội và cháu gọi bằng bác đứng gác một góc lưới. Khi cọp chạy tới, cụ xách gốc tre chặn đường cọp, hai bên “đấu mắt”đến hai phút…Bất thình lình, cụ giơ gốc tre lên nhằm đầu cọp đánh xuống. Cọp đưa chân trước lên bắt gốc tre thì liền lăn đùng ra vì cả bàn chân trước và đầu cọp vỡ toác!...
3. Bầu Đê với Tuyệt kỹ Trường tiên: So đũa
Ông Bầu Đê là người Tuy Phước với kỹ thuật roi đấu Trường tiên rất diệu nghệ. Ông không đi thi nhưng cuộc thi nào cũng tới xem, nhất là thi phân hạng giành Thủ khoa.
Chờ cho cuộc thi đấu xong, xác định được các ông Thủ khoa, nhì, ba thì Bầu Đê mới xách roi vào xin phép Ban giám khảo cho đấu với các thầy tân khoa. Ban giám khảo cũng muốn thử tài ba vị tân khoa đỗ hàng đầu nên chấp thuận. Ông Bầu Đê cầm roi đứng đợi trên sàn đấu.
Mới dứt hiệu lệnh, ông Cử ba ra trước, vừa ra roi đã bị ông Bầu Đê đánh bật cây roi văng tới tận hiên trường thi, giơ tay xin thua ngay. Ông Cử nhì thận trọng hơn, không bị đánh bật roi nhưng cây roi của ông luôn bị ghìm chặt cứng, rồi bất ngờ không ai nhìn thấy rõ ra sao, ông ấy ngã ngửa, cây roi rơi một bên trong khi ấy ngọn roi của ông Bầu Đê vẫn gián trên bụng ông Cử nhì. Ông Bầu Đê thu roi và cúi xuống đỡ ông Cử nhì dậy, đầu roi bịt giẻ như một cái găng đập trúng dạ dày làm ông Cử nhì bị ngất!...
Chờ ông Cử nhì hồi tỉnh, ông Thủ khoa ra đấu tiếp. Ông Thủ khoa vóc dáng cao to, tướng mạo oai nghi và có vẻ bình tĩnh, tự tin. Hai bên ra roi qua lại hơn 10 phút. Ban giám khảo truyền lệnh thôi đấu và tuyên bố hòa, có ý giữ sĩ diện cho ông Thủ khoa. Nhưng ông Bầu Đê và quan lãnh binh trong Ban giám khảo phản đối kết quả hòa.
Chưa kịp giải thích vì sao thì chính ông Thủ khoa ra bái và xin chịu thua. Mọi người chưa kịp hiểu ra sao, ông Thủ khoa giơ hai tay lên, ở cả hai nách đều có vết nhọ tròn rõ ràng, nằm gọn trong hai hố nách! Các giám khảo và các thầy Cử tân khoa đều giật mình kinh ngạc, hàng trăm con mắt nhìn từ ngoài vào đều không kịp thấy hai cú đâm, thì người đứng đấu trong cuộc làm sao kịp thấy, mà có kịp thấy cũng không thể phản ứng kịp! Đúng là hai cú đâm nhanh như chớp!
Quan chánh lãnh binh cũng là một cây roi trường có tiếng, đã đậu Tiến sĩ võ Trường Thừa trước đây cho nên không thể ngồi yên trước một cây roi lợi hại như vậy. Ngứa nghề, quan chánh lãnh binh nai nịt gọn gàng, cầm roi bước xuống sân xin đấu với Bầu Đê mười hiệp. Bầu Đê khiêm tốn từ chối, không dám đấu với Quan chánh Lãnh binh, e sợ thất lễ! Quan chánh lãnh binh nói: “Cung kính không bằng phụng mệnh! Anh cứ dùng hết sức mình để tôi biết thêm, nhất là kỹ thuật đánh văng roi và đâm vào nách!”. Được câu ấy, Bầu Đê mới dám nhận lời.
Hai bên ra đấu, hai cây roi quấn lấy nhau thật ngoạn mục… Bỗng Bầu Đê nói: “Xin Ngài cho phép tôi được thực hiện tuyệt kỹ thứ nhất!”. “Tùy”, tiếng “Tùy” vừa bay ra thì cây roi trong tay quan Lãnh binh cũng bay vù tới hiên trường thi! Ông Bầu Đê chống roi đứng chờ quân lính mang roi lại cho quan chánh lãnh binh. Trận đấu tiếp tục, hai roi ghìm nhau rất chặt, nhìn từ ngoài chỉ thấy hai người tới lui, qua lại, hai đầu roi quấn lấy nhau mà chỉ nghe tiếng cắc-cụp-cắc vang lên đanh gọn…Ông Bầu Đê lại nói: “Xin phép Ngài cho tôi ra tuyệt kỹ thứ hai!”. Lần này thì Quan chánh lãnh binh kêu to: “Xin thôi!”. Ông Bầu Đê liền thu roi. Quan chánh lãnh binh cầm ngang cây Trường tiên, vái ông Bầu Đê mà rằng: “Thật là roi thần! Tôi đã gặp hàng trăm tay roi nhà nghề, hơn có, ngang có, kém có, nhưng chưa từng gặp một cây roi thần kỳ như thế này! Thật đáng bậc thầy! Xin bái phục!”
Ban giám khảo mời Bầu Đê ngồi, thưởng rượu và một cây lụa. Uống hết ly rượu, Quan Lãnh binh mới từ từ giơ cao tay trái lên để mọi người thấy vết nhọ do đầu roi ông Bầu Đê đã ghi. Mọi người cùng “ồ” lên ngạc nhiên rồi rối rít hỏi: “Lúc nào thế ạ?”.
Quan Lãnh binh cười, nói: “Chính là lúc ông ấy nói xin phép! Tôi chưa kịp trả lời thì đầu roi đã đậu vào nách tôi nhẹ nhàng, do vậy tôi xin thôi đấu!...Thực tình, tôi suy nghĩ mãi mà vẫn chưa hiểu rõ cách đánh văng roi và cách đâm vào nách như thế nào? Tôi giữ chặt, mà tay tôi không yếu hơn tay anh thì làm sao anh đánh bật roi tôi bay xa như vậy?”.
Bầu Đê cũng uống hết ly rượu mới thong thả nói: “Đây là phép mượn sức người đánh người! Đánh văng xa cây roi của Ngài không phải chỉ sức mạnh của tôi mà là sức của tôi cộng với sức của Ngài. Nhưng đánh phải lựa chiều, nếu đánh xuôi chiều mở bàn tay, tức là theo hướng các ngón bấu lại thì roi tung các ngón bay đi. Nếu lại đánh ngược chiều mở bàn tay, thì roi bị cả bàn tay giữ lại không tuột ra được để bay đi nhưng có thể bị đứt tiện trên sát chỗ cầm”.
Quan Lãnh binh nói như reo lên: “Hay! Hay lắm!... Còn đâm vào nách? Lúc ấy tôi đã bí mật chuyển roi từ tay phải sang tay trái. Tay trái ở trước dùng ngọn che chở cho thân mình, tay phải ở sau dùng đốc che nách trái, kín như sau hai chiến lũy làm sao anh lẻn vào được mà ghi điểm?”
Bầu Đê từ tốn nói: “Thường nơi mình canh giữ nhiều cho là kín thì lại có một khe hở nhỏ rất bất ngờ. Đấu võ cũng như đánh giặc, tìm chỗ kẽ hở bất ngờ nhất trong nơi mà đối phương tin là giữ chặt, kín nhất để từ đó bí mật tấn công vào thì đối phương sẽ bối rối không biết đâu đối phó. Đâm vào nách là một kỹ thuật tinh vi, song tôi gọi nôm na là đâm so đũa. Tôi luồn ngọn roi theo thân roi của quan Lãnh binh, đúng lúc ngài đang đâm tôi, tức là hai roi đi sát nhau, ngược chiều nhau. Đầu roi của quan nhằm vào ngực tôi bay tới, đồng thời che khuất cái đầu roi của tôi cũng đang tìm nách của Ngài lao tới. Nếu hai bên đều vô tình thì mỗi người nhận của bên kia một vết nhọ. Nhưng ở đây thì tôi biết và đã chuẩn bị gạt đầu roi của Ngài ngay sau lúc Ngài thay tay còn Ngài thì lại không biết roi tôi cũng đang gần nách mình nên tay phải cầm đốc vẫn không đề phòng. Khi đầu roi Ngài gần sát ngực tôi chắc Ngài nghĩ là đã trúng rồi. Nhưng chưa kịp dán vào ngực tôi thì cái ngực ấy đã xoay nghiêng và cái đốc roi của tôi từ dưới đưa vòng lên gạt mũi roi của Ngài ra. Ngài tiếc cú đánh không trúng, cả mắt và tâm đều đậu đầu roi cố xoay để đâm lại nhưng không ngờ động tác vòng cái đốc gạt đầu roi của ngài làm cho đầu roi của tôi ghìm xuống tránh đốc roi của ngài chui vào nách. Bí quyết là chỗ đó!”
Quan Lãnh binh đứng dậy vái ông ông Bầu Đê và nói: “Xin bái phục!...Thật là bài học ngàn vàng, xin hết sức cảm ơn ông. Tôi về theo đó luyện tập thêm, sang khóa sau xin trình bày lại ông chấm.”
Ông Bầu Đê không dự thi từ vòng đầu nên mặc dù cả Ban giám khảo và đặc biệt là Quan chánh Lãnh binh rất ngưỡng mộ tài đánh Trường tiên của ông cũng không thể lấy ông đậu Thủ khoa mặc dù ông đã đánh bại cả ba tân khoa hàng đầu, trong đó có Thủ khoa.Tuy thế, khán giả tung hô rần rần như đối với một Thủ khoa !...
4. Tâm tình Người Đất Võ
Từ nhỏ, tôi đã biết câu ca về Miền Đất võ Bình Định: Ai vô Bình Định mà coi / Con gái cũng biết múa roi, đánh quyền! Sau này, khi lăn lộn trường đời, tôi đã mục sở thị câu ca đó: những năm làm việc ở tỉnh Gia Lai, mà có thể gọi Gia Lai là “Bình Định Phẩy” (giống như khái niệm hai điểm A và A’ trong Toán học), tôi cũng xuống Phủ Quy Nhơn khá nhiều, rồi mỗi lần vào Nam, ra Bắc đều phải đi qua Bình Định, thì quả là Đất Võ Bình Định đã tạo ấn tượng mạnh trong tôi. Vì thế, viết về miền Đất Võ là một cảm hứng rất mạnh, rất đẹp! Tôi đã viết ba cái truyện ngắn về con người miền Đất Võ mà vẫn thấy như là chưa viết gì! Nhiều lúc tôi nghĩ phải viết sao cho người đọc khi đọc truyện của mình cũng bị mê hoặc như xem mấy tuyệt kỹ của nghệ thuật múa roi, đánh quyền của Võ Bình Định vậy! Quả là một thách đố lớn đối với tôi, bởi cái đó chính là Tuyệt tác văn chương, muốn viết về Tuyệt kỹ võ thuật thì phải là Tuyệt tác văn chương! Tự thấy mình chưa thể làm ra Tuyệt tác, tôi ngưng viết về Võ thuật Bình Định từ năm 2005 đến nay, mà chuyển qua khu vực Người mẫu chân dài, một đề tài mà tôi cho là có nhiều điều mới mẻ và rất bí ẩn!...
Một hôm, có người bạn từ thời còn làm báo, là “dân Bình Định lưu vong” ở Sài Gòn, đến nói: “Thấy ông đang viết về đề tài “Người mẫu chân dài”, tôi sẽ dẫn ông đến tiếp cận một người mẫu chân dài đồng hương với tôi, rất đặc biệt, độc đáo và sẽ cho ông thêm nhiều điều thú vị về Người mẫu chân dài, bởi Nàng được mệnh danh là “Thợ săn Đại gia”! Chỉ với riêng Nàng, ông đủ tài liệu để viết một bộ Tiểu thuyết 3 tập!” Tôi liền đi ngay, không kịp sửa soạn y phục chỉnh tề! Nhưng đến nơi thì chỉ gặp chồng Nàng, vốn là vệ sĩ của Nàng ðang huấn luyện võ thuật cho cô bé con gái mới năm, sáu tuổi. Thấy chúng tôi tới, Vũ Hùng – chồng Người mẫu chân dài mà tôi định gặp - , nói với cô bé con gái: “Con múa lại bài Thảo bộ Ngọc Trản cho hai bác đây xem rồi nghỉ để bố tiếp khách!”. Vũ Hùng vừa dứt lời thì cô bé bái chào rồi đi luôn bài Thảo bộ
Ngọc Trản, mồm đọc nhịp nhàng những câu Thiệu: Ngọc Trản ngân đài / Tả hữu tấn khai / Hồi thập tự / Liệng diệp liên ba / Đả sát túc…
Nhìn cô bé múa bài Ngọc Trản, một cảm giác kỳ lạ cứ dâng trào, cứ cuốn theo đừng động tác mềm mại, uyển chuyển mà bên trong chứa đầy uy lực! Và bỗng nhiên, bàn tay, nắm đấm tý hon ấy, bàn chân, ngón cước tý hon ấy, và cả thân hình kỳ ảo, tý hon ấy bỗng vụt lớn thành khổng lồ!...
Cuộc nói chuyện của ba người chúng tôi chính vì thế mà cứ đi mãi vào đề tài Võ thuật, tưởng như sẽ không thể ngưng nếu như chai rượu thứ hai không khiến cho cả ba chúng tôi đều “hồn lìa khỏi xác”! Tuy thế, tôi là người tỉnh lại đầu tiên, và xin phép về ngay để nạp vào máy tính những điều vừa nghe hai người “Đất Võ Bình Định” nói chuyện về “Đất Võ Bình Định”. Truyện ngắn này chính là được rút ra trong buổi gặp gỡ đó, tuy chưa thể nói đây là “Tuyệt kỹ Truyện ngắn” nhưng tác giả hy vọng sẽ giúp bạn đọc biết thêm những vẻ đẹp độc đáo của Võ thuật Bình Định, và điều đặc biệt không ở đâu có là: Đến Miền Đất Võ, ta sẽ bắt gặp hình ảnh không bao giờ quên – hình ảnh rất đặc trưng của Miền Đất Võ: những đứa trẻ nhỏ dăm ba tuổi đã biết múa bài Thảo bộ Ngọc Trản một cách thuần thục và đẹp mắt: Ngọc Trản ngân đài / Tả hữu tấn khai / Hồi thập tự / Liệng diệp liên ba / Đả sát túc/ Tạ hầu mai phục / Tấn đà tam chiến / Thối thủ nhị linh / Hoành tả tạ / Bạch xà lang lộ / Hữu hoành sát…
Sài Gòn, 10-12/10/2009
Đỗ Ngọc Thạch
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=8664
No comments:
Post a Comment