Saturday, May 8, 2010

BÙI TÍN * KINH TẾ CHÍNH TRỊ


*
Đĩnh cao trí tuệ VN đã dành hết cái ngu-xuẫn của thế gian !Bùi Tín Blog
Bài học Thủ Thiêm, Thăng Long, Pháp Văn, Dung Quất: Lên đỉnh núi vẫn phải leo từng bậc

Bùi Tín viết riêng cho VOA Thứ Hai, 03 tháng 5 2010

Người Việt Nam nào chẳng muốn nước Việt Nam ta mau trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên công nghiệp hiện đại là cả một quá trình gian khổ lâu dài, cần có những bước đi thích hợp, có tính toán chu đáo. Vội vã, giản đơn, duy ý chí là thất bại.

Có một lời khuyên đã 17 năm nay của một anh bạn kỹ sư Pháp, Philippe Dubois, làm cho hãng xây dựng Bouygues, sau khi anh đi thăm Việt Nam về, anh thổ lộ cho tôi, tôi tâm đắc và chiêm nghiệm.

Anh kể rằng anh đã thăm khu kinh tế Vũng Tầu (Cap Saint Jacques hồi trước) rồi ra xem vùng Dung Quất, Núi Thành miền Trung, khi chính quyền có ý định xây dựng thành một trung tâm lọc dầu lớn.

Anh kể rằng công ty dầu khí Pháp Total đã nghiên cứu kỹ và từ chối tham gia công trình này, vì nhiều điều không hợp lý. Sau đó hãng dầu khí lớn nhất của Nga cũng đến nghiên cứu, rồi lắc đầu bỏ đi.

Lý do là túi dầu lớn nằm dưới vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu, sao lại buộc phải đưa qua đường ống để bơm từng chặng ra tận gần Đà Nẵng, một ngàn kilômét chứ ít ỏi gì đâu.

Sau đó lọc xong lại đưa trở lại vào phía Nam để tiêu thụ và xuống trở lại Vũng Tàu để xuất khẩu, vì cảng miền Trung quá nhỏ. Không có nhà kinh tế, nhà kinh doanh, nhà chính trị am hiểu kinh tế - tài chính nào có thể yên lòng với ý định ngông cuồng, dại dột như thế. Sẽ lãng phí thiết bị, tiền của, nhân lực, thời gian không sao tính hết, sẽ lỗ to, to lắm, rồi đến khi hối hận, muốn phá đi cũng không phá nổi! Sẽ như cục bướu trên lưng!

Quả nhiên, Dung Quất khởi công từ 1997, 13 năm ỳ ạch, ngày khánh thành bị đẩy lùi mãi, tiêu hết hơn chục tỷ đôla vay mượn, vẫn chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Có lúc kiểm tra toàn bộ, phát hiện 2 ngàn, rồi 700 chỗ trục trặc, hỏng hóc. Cả khu Dung Quất đang nheo nhóc kêu cứu, vì thiếu tiền để phát triển, đang ăn đong từng quý một, mọi chuyện đều dở dang, không đồng bộ, chưa nói đến khu kinh tế Núi Thành, «kế hoạch thì to bằng con bò mộng mà thực hiện mới chỉ bằng con chuột nhắt», theo lời một kỹ sư tại chỗ.

Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt trước khi nhắm mắt thốt lên: «Tôi đã sai lớn khi phê duyệt đề án Dung Quất, vì cảng vùng này, từ Chu Lai, qua Sa Kỳ vào Quảng Ngãi chỉ có độ sâu trung bình hơn 10 mét, đón được tầu 10 ngàn tấn, vậy mà họ dám báo cáo trước Quốc hội là đón được cả tầu chở dầu 50 ngàn tấn, 100 ngàn tấn!».

Nhưng còn một vấn nạn lớn hơn, anh P. Dubois nhìn ra, báo động, kiến nghị liên tiếp 17 năm nay, nhưng không một ai trong nước hiểu ra.

Anh đã có 8 năm sang châu Phi giúp các nước Tây Phi làm công nghiệp hóa để dạn dày kinh nghiệm sống. Anh có kinh nghiệm quý muốn chia sẻ với bà con ta. Anh chỉ kiến nghị tha thiết một điều. Hãy dùng một cẩm nang công nghiệp hóa. Một cuốn sách nhỏ vỡ lòng về công nghiệp hóa. Từ những điều nhỏ nhất. Mở dần tầm nhìn cho một xã hội nông dân. Nội dung, theo anh, đại thể là:

Thế nào là chiều dài đo bằng mét, đềcamét, héctomét, kilômét, thế nào là centimét, milimét, là micrông, phần mười micrông…Thế nào là gam...đến kilôgam, tạ, tấn, và ngược lại thế nào là một centigam, miligam …Thế nào là giây, phút, giờ … và một phần 10 giây, một phần trăm giây …Thế nào là một công thức hỗn hợp, trình tự hỗn hợp, các chất hỗn hợp, thời gian hỗn hợp, biến thể khi hỗn hợp 1, 2, 3, 4 chất với nhau…

Những kim loại, hóa chất, chất kết dính thường dùng? đặc tính, bảo quản ra sao?

Có bao nhiêu loại đinh, bề dải? bề rộng? cân nặng? có những loại đinh ốc, đinh xoáy trôn ốc gì, cỡ, dải, tên gọi, bí danh, bí số. Có bao nhiêu loại ốc, cỡ số, công dụng…

Thế nào là đóng đinh đủ chắc, là vặn bù loong đủ chặt?

Có những công cụ thường dùng gì, dao, kéo, búa, kìm, ê ke, thước, công cụ đo điện năng, điện áp, điện trở…Các loại giây điện bằng đồng, sắt, thiếc, chì…, các cỡ khác nhau, công dụng…

Giới thiệu các loại máy gia đình cho đến máy công trường: máy nổ, máy điện, máy may, máy cắt gọt, máy bào, máy ép, máy đào, máy ủi…Cách vẽ sơ đồ, đọc sơ đồ máy móc, phân xưởng, nhà máy.

Anh nói thêm: toàn là những điều thường thức nhỏ nhặt, nhưng rất bình thường trong xã hội công nghiệp. Nhưng lạ lẫm với mọi nông dân. Cái gì nông dân cũng đại khái. Một lát, một buổi, một hồi, một chặp. Bề dài thì một đoạn, một khúc, một khoảng. Rồi một nắm, một nhúm, một bát, một thau …Tác phong nông dân rất tai hại khi vào công nghiệp hóa.

Có người lãnh đạo bàn đủ thứ về công nghiệp hóa, về hiện đại hóa mà cầm búa đóng một cái đinh vào tường cũng lóng ngóng không xong, thay chiếc bóng đèn bị cháy cũng không biết mua bóng nào, lắp làm sao! Nói, khác nhiều với làm là thế. Hãy dành ra một tháng để cả xã hội nông nghiệp làm quen, nhập tâm thành nếp sống quy củ của công nhân.

Những nông dân không được chuẩn bị học làm công nghiệp từ những điều cơ bản, từ vỡ lòng, thì tất nhiên khi làm, cầu chưa thông xe đã lún, gãy, mặt cầu Thăng Long vỡ từng mảng vá, cầu Pháp Văn dầm bị gãy ngang, hầm Thủ Thiêm nứt toang hoác, cầu Cẩn Thơ gặp sự cố kéo dài, khu Dung Quất ốm yếu triền miên. Có 1 đêm, cả khu mất 2.000 con ốc thép to, do nông dân từ Nghệ Tĩnh vào chờ làm công nhân, «thành thạo việc phá đường tầu», coi đó là nguồn kiếm tiền dễ dãi khi bán bù loong cho các bà đồng nát ở quanh. Anh nông dân thấy dây điện vàng, xanh, đỏ, hứng lên nhớ con nhỏ, thế là cắt luôn tửng cuộn mang về quê làm quà, khi anh ta chưa hiểu rõ tác hại đến mức nào.

Cả nước, có khu kinh tế mới, khu công nghiệp mới nào ra trò đâu. Vá víu, què quặt, xộc xệch, hỏng hóc, có nơi đắp chăn, thiếu phụ tùng, bỏ thì thương, vương thì tội, khóc dở mếu dở … Lại còn tính chuyện làm điện nguyên tử, làm đường cao tốc, khi cơ giới hóa nông nghiệp mức thấp nhất vẫn còn ở trình độ sơ khai!

Tôi nhắc lại ý kiến anh bạn kỹ sư Pháp từ Tây Phi làm chuyên gia công nghiệp hóa trở về: Các vị ở Bộ Công thương, ở Bộ Đại học Đào tạo, kỹ sư, giáo viên, nhà kỹ thuật …hãy để tâm soạn thảo tài liệu dễ hiểu, có nhiều tranh vẽ, dùng không chỉ cho các lớp dạy nghề mà cho mọi học sinh sơ cấp, trung học, cán bộ xã thôn, lãnh đạo các cấp, cho đến các vị ở trung ương, cả Bộ chính trị nữa, tạo dần cho toàn xã hội có những kiến thức công nghiệp ngày càng rộng, càng cao, từ đó tạo nên tác phong công nghiệp, có kỷ luật cao, độ chuẩn xác chắc, không thể đại khái, phỏng chừng, qua loa, nhân nhượng, cá nhân vị kỷ, tầm nhìn cạn hẹp, như kiểu sống trong làng xã nghèo khổ xa xưa.

Trong một công trình lớn, chỉ cần vài sơ xuất nhõ: trộn xi-măng sai công thức, nhiều mối hàn bị «khê», một loạt ốc vặn không chặt, nghiệm thu cẩu thả, cân hỏng, cân đong đo đếm đại khái…là dẫn đến hậu quả khôn lường, cả về sinh mạng, tài sản, thời gian toàn xã hội.

Một lời khuyên đã lâu, rất đơn giản, đến lúc cần nhận ra giá trị, nếu không sự nghiệp công nghiệp hóa cứ nằm trên giấy, thành hàng loạt «hàng dỏm», «hàng mã», hiện đại hóa cứ xa vời không sao với tới.

Cũng là góp ý ngay thẳng, thiết thực với các đại biểu Đại hội đảng CS các cấp đang diễn ra trong thời gian tới ở trong nước.

Hãy nhớ một chân lý đơn giản: lên tới đỉnh núi vẫn phải từng bước một.

Ông Mao từng ra lệnh cho cả nước Tàu: «Nhảy Vọt»…xuống hố sâu nghèo đói đấy! ./.

*

No comments: