=
NGUYÊN VĂN SỞ
=
Trong tiếng Anh thành ngữ ‘kick the bucket’ có nghĩa là ‘chết’. Tại sao lại có sự kết hợp nghĩa lạ lùng như vậy? Học tiếng Anh thì ai cũng hiểu ‘kick’ là ‘đá, đạp’, còn ‘bucket’ là ‘cái xô, cái thùng chứa miệng tròn, đáy bằng, làm bằng gỗ, nhựa, hay kim loại, có quai xách, thông thường là dùng để lấy nước’. Như vậy thì khi hai từ này đi với nhau tại sao lại có nghĩa là ‘chết’?
Có giả thuyết cho rằng ngày xưa người ta tự tử bằng cách tròng cỗ vào thòng lọng và đứng trên một cái xô, rồi đá cái xô đi để thòng lọng xiết lại. Nhưng xem ra lối cắt nghĩa này không ổn, vì muốn chết như thế thì đứng trên cái gì mà chả được, tại sao cứ phải đứng trên cái xô?
Để có câu giải đáp thoả đáng ta phải đi ngược dòng lịch sử một chút để tìm hiểu tiếng Anh vào thời đại của Shakespeare ở thế kỷ 16, vì vào thời kỳ này ‘bucket’ còn có nghĩa là ‘a beam or yoke used to hang or carry items’, tức là thanh gỗ, khung gỗ dùng để treo thú vật trước khi giết, và con vật trước khi chết thế nào cũng quẫy đạp, vùng vẫy, giãy giụa. Vì vậy thành ngữ ‘kick the bucket’ mới có nghĩa là ‘chết’.
Có hiểu nội dung từ ‘bucket’ như vậy rồi chúng ta mới có thể nói tiếp về một cuốn phim đang được trình chiếu ‘The Bucket List’, xin tạm dịch hơi dông dài là ‘ Những Việc Phải Làm Trước Khi Nằm Xuống’ hay ‘Những Mơ Ước Cuối Đời’. Phim do hãng Warner Bros. tung ra thị trường vào Giáng Sinh năm 2007, dài 1 giờ 37 phút, với hai tài tử từng thắng giải Oscar là Jack Nicholson và Morgan Freeman thủ diễn.
Thật tình mà nói từ ngày có Internet tôi không còn thì giờ để mỗi cuối tuần đi xem một phim mới như hồi còn trẻ, nhưng cái tên cuốn phim này đã gợi trong tôi khá nhiều tò mò, bắt buộc phải xem qua cho biết, mặc dù những nhà phê bình trên các báo, truyền thanh, và truyền hình đã có những đánh giá không mấy khích lệ, như phim thiếu trung thực, nghèo tính sáng tạo, hời hợt, gượng ép, khai thác yếu tố hài nhằm phục vụ thị hiếu thay vì đào sâu vấn đề sống - chết một cách nghiêm túc hơn, v.v…
Chuyện phim kể về hai nhân vật đã quá tuổi ‘thất thập cổ lai hy’: Edward Cole (Jack Nicholson) là một tỷ phú trong ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, người lạnh lùng, khó tánh, ngang ngược, đã qua bốn đời vợ, suốt đời chỉ biết có ‘tôi và công việc của tôi’, cho nên mặc dù giàu sang và có trình độ thưởng thức cuộc sống của giới quyền quý, vẫn sống thui thủi một mình, cô độc, thiếu tình thương; và Carter Chambers (Morgan Freeman) là một người thợ sửa ô tô, có gia đình đầy đủ vợ, con, tuy chỉ tự học nhưng chịu khó đọc, giàu kiến thức và kinh nghiệm sống, rất trung thành với vợ, suốt 46 năm làm lụng cực nhọc chỉ lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Tuy khác nhau một trời một vực, cả hai lại cùng chung một số phận là đều bị ung thư vào thời kỳ cuối không còn sống bao lâu nữa (Bác Sỹ dự đoán Edward chỉ còn 6 tháng, và Carter thì một năm), và được bệnh viện sắp nằm chung một phòng theo đúng chính sách mà Edward áp đặt tại tất cả bệnh viện dưới quyền kiểm soát của ông.
Trong những ngày nằm chửa trị ở bệnh viện, vì cùng cảnh ‘gần đất xa trời’ họ bắt đầu làm quen với nhau, hỏi thăm nhau về thân thế gia đình, và trao đổi với nhau quan niệm của mỗi người về ý nghĩa của sự sống và chết ở đời. Nhớ lại một bài tập về dự kiến tương lai (forward thinking) trong một lớp triết hồi còn đi học, Carter bắt đầu viết ra một danh sách những gì mình muốn làm, muốn thử một lần trong đời trước khi chết (bucket list) và ông nhà giàu ưa quậy phá nằm bên cạnh bổ sung thêm những đề nghị của mình, rồi mời Carter cùng ông tiến hành thực hịện những gì ghi trên danh sách bất chấp sự phản đối dữ dội của Virginia (Beverly Todd), vợ của Carter.
Danh sách mà hai người cùng thảo ra có những tiết mục đại loại như:
1. Nhảy từ trên máy bay và rơi tự do cho đến khi có thể an toàn mở dù (Skydiving).
2. Xăm hình trên một bộ phận cơ thể mình.
3. Lái xe đua kiểu Mustang Shelby.
4. Đi bằng đường bộ qua một công viên có thú hoang được thả sống ngoài trời ở Trung Phi (Safari park).
5. Hôn người con gái đẹp nhất thế giới.
6. Cười đến chết được.
7. Giúp đỡ cho một người khác.
8. Tái lập quan hệ với một người thân từ lâu không liên lạc.
9. Được nhìn thấy tận mắt một quang cảnh hùng vỹ, v.v…
Cứ xem qua danh sách cũng đủ thấy điều nào là của Carter viết và mục nào là của Edward. Cuộc hành trình vòng quanh thế giới được khởi đầu trên máy bay riêng của Edward sau một thời gian xạ trị làm cho tình trạng ung thư tạm thời bị đẩy lùi và hai người trốn khỏi bệnh viện. Tất cả đều do người phụ tá của Edward tên là Tommy (Sean Hayes) chuẩn bị, sắp xếp, từ lộ trình, khách sạn dừng chân, những kỳ quan thế giới cần đến, cho đến những nhu cầu đời sống nhỏ nhặt nhất đều được chăm sóc chu đáo, đúng tiêu chuẩn của một nhà tỷ phú thừa quyền uy và phương tiện.
Sau hai tiết mục nhảy dù từ máy bay và xăm mình, cuộc hành trình dự kiến đã đưa hai người đi qua các địa danh như French Riviera, tức bờ biển phía nam nước Pháp, Kim-Tư-Tháp ở Ai Cập, Tanzania ở Trung Phi, lăng Taj Mahal ở Ấn Độ, Hy Mã Lạp Sơn ở Tây Tạng, và Hồng Kông ở Đông Á. Cuộc hành trình chưa kết thúc nhưng như có linh tính, Carter đòi về và vào bệnh viện trở lại. Vì bị di căn, một thời gian ngắn sau Carter mất. Gia đình hoả thiêu theo ý muốn của ông và tro cốt của ông được bỏ vào một hộp thiếc đựng kẹo ((Chockful O'Nuts can), đặt trong một mộ đá nhỏ trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn, để ông được nhìn ngắm cảnh trời bao la, hùng vỹ giữa thiên nhiên như ông hằng mơ ước mà lúc sinh thời ông chưa thực hiên được.
Đến từ giả ông lần cuối ở nhà quàn, Edward đã xúc động nói lên niềm thương tiếc của mình đối với người bạn quý, tâm đầu ý hợp, mà mãi cho đến cuối đời ông mới tìm gặp được, một người bạn đã làm ông thay đổi cách nhìn đời, sống có bao dung, độ luợng, thương yêu, và hy vọng.
Sau khi ông mất, Tommy, người phụ tá cuả ông, cũng làm theo di chúc, hỏa thiêu, cho tro cốt của ông vào trong một hộp thiếc tương tự như của Carter và đặt song song với cái hộp của Carter trong mộ đá trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn.
Chuyện phim không có những tình tiết phức tạp, nhưng qua những mẫu đối thoại giữa hai người bạn già, bệnh hoạn, và đang cận kề cái chết, đôi lúc cũng có những câu, những ý làm cho người xem trầm ngâm, tự vấn. Ví dụ như khi hai người ngối trên đỉnh Kim Tự Tháp ở Ai Cập, Carter đã kể câu chuyện theo truyền thuyết Ai Cập là khi lên trước cửa Thiên Đường, mỗi linh hồn sẽ được hỏi hai câu:
(1) Trong cuộc sống bạn có tìm thấy niềm vui không?
(2) Cuộc đời bạn có đem lại niềm vui cho người khác không? Chính những cơ hội như thế này đã ít nhiều giúp Edward nghiệm xét lại đời mình để tự đánh giá xem mình đã thực sự sống như thế nào. Hay khi Edward nói ông không tin vào Thượng Đế, không tin có một đời sau, ‘Chúng ta sống, rồi chúng ta chết, bánh xe vẫn quay, vẫn quay’, phản ứng của Carter vẫn chừng mực, từ tốn, không tranh cải. Hay khi nêu lên câu hỏi ‘Nếu bạn có thể biết mình còn bao nhiêu thời gian để sống trên cuộc đời này, bạn có muốn biết không?’ Có hoặc không, và tại sao muốn, tại sao không? Cứ như vậy trong suốt cuộc hành trình, họ đi với nhau, chuyện trò tâm sự vơí nhau, càng ngày càng hiểu nhau hơn, học hỏi nhau qua từng khám phá nhỏ, để rồi nhích lại gần nhau hơn, không còn là hai người xa lạ nữa.
Qua câu chuyện của đời họ, người xem nếu muốn cũng sẽ có thể tự đặt cho mình những vấn nạn cụ thể. Nhìn hai con bệnh ung thư đầu cạo trọc, vết mỗ trên người còn dấu chỉ khâu, thân xác gắn liền với ống dài, ống ngắn, đau đớn, vật vã, đôi lúc run lên bần bật, hay vừa cố gắng đưa một chút thức ăn vào bụng đã vội vã phóng vào phòng vệ sinh, không ai mà không ái ngại, động lòng trắc ẩn. Đặt trường hợp chính mình ở vào cương vị của họ, mình sẽ ứng xử ra sao đây? Sẽ tiếp tục phấn đấu đến cùng hay đầu hàng số mệnh? Sẽ quyết định yêu cầu các bác sỹ chăm sóc tiếp tục cố gắng để may ra còn phép lạ hay dặn dò trước là khi đã đi vào hôn mê, không còn tự chủ được nữa, thì thôi, khỏi cần đến hệ thống kéo dài sự sống nữa?
Một vấn đề khác được nêu lên trong phim là cách giải quyết hậu sự.
Rời khỏi Taj Mahal, một ngôi lăng tráng lệ bằng cẩm thạch trắng ở Agra, Ấn Độ, do chính vua Shah Jahan xây cho hoàng hậu yêu quý của mình vào thế kỷ XVII, hai người bạn già lại có dịp cân nhắc hơn thiệt về vấn đề hậu sự. Hỏa táng hay địa táng? Hay ướp xác trong băng (freezing)? Quyết định lựa chọn nào cũng phải phát xuất từ chính mình.
Quan hệ vợ chồng giữa Virginia và Carter cũng có vấn đề. Trong vai trò người vợ, Virginia có tất cả những đức tính tiêu biểu của một người vợ hiền, thương yêu, chăm sóc chồng hết mực. Chỉ có điều đôi khi chính vì lòng thương yêu ấy mà Virginia có vẻ độc đoán, cái gì cũng muốn làm theo ý mình. Thái độ của Virginia còn phản ánh tính chiếm hữu quyết liệt, muốn giữ Carter cho mình mà thôi, cho nên đã không còn chỗ trống nào cho bạn bè. Trong khi đó, theo lời tâm sự với Edward, Carter cho biết là sau khi cô gái út Rachel lên đại học, không còn những buổi tối bận rộn giúp con làm bài nữa, Carter bổng nhận thấy trong tâm tư mình có một khoảng trống, như thể là một cái gì đó đã mất đi mà chưa gọi tên được sau bao nhiêu năm chung sống với nhau . Cũng vì lý do đó mà khi Edward đưa đề nghị, thay vì để cho những ám ảnh tiêu cực hay những tình cảm phiền muộn, đầy thương xót thân phận dày vò tâm trí mình trong những ngày bệnh hoạn, chờ chết, hãy cùng Edward lên đường thực hiện những gì ghi trên ‘The Bucket List’ kẻo không còn mấy thời gian nữa, Carter mới hăm hở nhận lời.
Tình cha con cũng là một phần trong kết cấu của chuyện phim. Edward có một người con gái tên Emily. Theo lời kể của Edward thì Emily yêu một người mà Edward không đồng ý, vì cho rằng đây là một người bất xứng. Sau khi lấy nhau, người này nhiều lần đánh đập Emily. Edward biết được cho nên đã thuê người ‘khử’ tên này, không phải là giết mà làm cho tên này biến mất, không dám quay trở về với Emily nữa. Từ đó cha con xa nhau, Emily thề sẽ không gặp lại cha mình nữa. Nghe xong chuyện này, Carter thêm vào danh sách câu ‘Get back in touch’, nghĩa là ‘Bắt liên lạc lại.’ Edward nhất quyết đòi xóa bỏ điều này, nhưng đến gần cuối phim khán giả sẽ thấy ảnh hưởng của Carter khi mục kích cảnh cha con Edward làm lành lại với nhau. Bài học là ngay cả trong quan hệ cha-con phải biết dẹp tự ái và mở lòng ra trước, phải dang tay ra mới có thể đón nhận người khác đến với mình.
Hình ảnh cuối phim về hai cái hộp nhỏ đựng tro cốt của hai người bạn nằm gần nhau trên đỉnh núi cao đầy tuyết phủ cũng làm cho người xem khi ra về không khỏi trầm ngâm về lẽ sống, chết ở đời. Mọi khác biệt trên đời như giàu - nghèo, sang - hèn, cao - thấp, hay - dở, đến hồi kết cuộc cũng có nghĩa gì đâu. Tiền bạc, chức tước, danh vọng, quyền lực đến mấy đi nữa thì khi nằm xuống cũng chỉ hóa thân thành một nhúm tro. Thân tứ đại cũng đi vào lòng đất mẹ như một sự trở về với thiên nhiên, trả lại cho đời tất cả những gì mình đã vay mượn hay tích lũy trong suốt cuộc hành trình ngắn ngủi trên duơng thế.
Nếu ‘cuộc đời chỉ là một cuộc chơi’ như quan niệm của một nghệ sỹ (Đỗ Duy Ngọc) thì phim ‘The Bucket List’ đã cho thấy những trò chơi oái ăm mà con người có thể tưởng tượng được, để gọi là đã từng được sống hết mình, sống đầy đủ, sống trọn vẹn, không một chút ngần ngại, đắn đo, hối tiếc. Và những trò chơi có phần ngông cuối đời của hai người bạn già trong phim đã đem lại cho khán giả những giây phút giải trí thoải mái, và những câu hỏi khúc mắc không thể trốn tránh được về những ngày còn lại của một đời người.
Với kết thúc như trên của cuốn phim ‘The Bucket List’, người xem đã biết rõ danh sách của hai nhân vật chính. Thế còn mỗi người trong chúng ta? Có cần thực hiện một danh sách tương tự hay không? Và nếu cần mình sẽ viết những gì trên danh sách đó?
Nguyễn Văn Sở.
July 04, 2008.
=====
No comments:
Post a Comment