Chị Tôi Và Chuyện Người Cao Niên
Một hôm chị Anh gọi điện thoại bảo tôi:
- Ngày mai nếu cô rảnh, cô đi điền đơn xin housing với tôi.
Tôi với chị là hai chị em. Chị là con thứ ba, tôi thứ tám, út ít! Tuy là chị em ruột, nhưng chị lại kêu tôi bằng cô. Tôi cự nự, "Bộ tui là em chồng bà hay sao bà lại kêu tui bằng cô?", thì chị trả lời, " Gọi cô nghe nó trẻ. Gọi dì, nghe 'cụ' thấy mồ". Gần bảy chục, nhưng chị nhìn trẻ hơn tuổi rất nhiều. Có lẽ là do cái "gene" tốt của mẹ chúng tôi. Nghe nói đi điền đơn xin housing, tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, xin housing, mà xin cho ai?
- Cho tôi!
- Chị nói đùa! Ai cho chị đi housing? Bộ thằng Khanh, thằng Bách và con Yến nó hết chỗ ở rồi hay sao mà chị vô housing?
Chị thở dài:
- Cô à, ở với con cái lúc chúng có gia đình rồi nó phức tạp lắm. Ở với con gái thì ngại con rể, ở với con trai thì ngại con dâu. Cứ ở một mình như cô, lại khỏe !
Tôi dò hỏi:
- Bộ có đứa nào làm chị buồn chuyện gì hả?
Chị chép miệng:
- Cũng chẳng có chuyện gì ! Chưa có chuyện gì mà mình né trước thì hay hơn. Chờ đến lúc có chuyện thì tình cảm giữa mẹ con lại sứt mẻ.
Tôi cần nói chuyện với chị đễ tìm hiểu thêm những gì đang làm chị phiền lòng, nên mời chị:
- Chị sang em chơi, mình ăn trưa, rồi đi shopping.
Sau khi ăn uống, chị bảo tôi:
- Đừng đi shopping, ở nhà để giúp chị tìm chỗ ở nào vừa tiện đường xe bus, vừa tươm tất một chút.
- Hồi nào tới giờ cứ một chút chị nhảy lên xe, sao bây giờ lại muốn đi xe bus?
- Mình muốn ở riêng, thì phải liệu bề tiết kiệm. Ăn theo thuở, ở theo thì, cô quên à? Khi nào đi xa thì mình lái xe, khi nào đi gần thì xài xe bus.
Tôi nhìn thẳng vào mắt chị, hỏi một cách nghiêm trang:
- Chắc phải có chuyện gì giữa vợ chồng Yến và chị nên chị mới quyết định "ra riêng", nói cho em biết đi, rồi mình tính.
- Thật ra, chẳng có lời ra tiếng vào gì quan trọng, nhưng ở bên này, chúng nó "Mỹ hóa" hết rồi, hai thế hệ hai tư tưởng, mình bây giờ đã già, trở nên nhạy cảm và hay tủi thân, cho nên tránh sao được những điều trái lòng. Buồn mà không nói ra được, có khi lại sinh bệnh . Chị nghĩ, bây giờ chị cũng đã có tiền hưu, dù chẳng là bao, nhưng nếu xin được low-income housing thì cũng tạm qua ngày. Mình ở riêng, nhưng không xa xôi, khi nào nhớ thì về thăm con, thăm cháu. Mà lúc mình cần gì, tụi nó chạy đến cũng tiện.
Tôi hỏi:
- Chị nói vậy em thấy cũng có lý, nhưng chị đã bàn với tụi nó chưa?
- Chị nghĩ cô cứ giúp chị đến sở housing ghi waiting list trước, khi nào được chấp thuận thì cho tụi nó hay cũng được. Phải đặt ra sự đã rồi, chứ nói trước, lại bị ngăn cản thì chẳng ra đâu vào đâu.
Tôi nhớ cách đây ba hoặc bốn năm gì đó, đứa con trai đầu của chị là Khanh cưới vợ. Khoảng ba tháng sau, chị gọi tôi than phiền:
- Cô xem, mình vất vả vớichúng nó, lo cho chúng nó từng miếng ăn, từng giấc ngủ, bây giờ vừa có vợ, nó coi mình chẳng ra gì. Tôi nấu cơm, nó bảo từ nay mẹ giảm các món cá, vợ con không thích ăn cá nhiều. Tôi muốn nấu canh món nào đó, thì nó bảo mẹ xào đi, vì vợ con nó không thích ăn canh ! Có hôm vợ nó kho thịt, kho gì mà lạt như luộc, tôi bảo lần sau kho đậm hơn chút nữa. Hôm sau nó bảo tôi, " mẹ ráng chiều Jenny, mẹ ráng thương Jenny như em Yến, mẹ đừng chỉ trích nó." Tôi tức muốn chết, mình có la nó hồi nào! Chỉ bảo nó, mà nó nói là mình "criticize", thì ăn nói thế nào đây! Hồi xưa mình lấy chồng, chồng mình có dám che chống cho mình thứ thế không nào?
Tôi vội "vuốt giận" chị:
- Chị ơi, cứ suy mình suy ra, mình cũng đâu có yêu con dâu bằng con gái, phải không? Hơn nữa, chính mình ngày xưa cũng muốn chồng chiều, chồng binh mình đó thôi.
- Nhưng mà họ đâu có dám ra mặt bênh mình như chúng nó bây giờ! Mình đã bỏ công hầu hạ chúng nó, mà chúng nó còn ăn nói với mình như thế thì sao không giận. Mà còn chuyện này nữa, lúc tôi bảo thằng Khanh tôi cần tiền đi du lịch Âu Châu, thì con vợ nó hỏi tôi, " má cần bao nhiêu?" . Khi tôi nói tôi cần bốn ngàn, thêm một ngàn tiền bỏ túi xài vặt thì cái bản mặt nó xịu xuống. Chắc tối đó thằng chồng giải thích cho nó hay là trước đây tôi cho chồng nó mượn tiền để làm downpayment mua căn nhà này, khi nào có chuyện xài thì tôi lầy dần. Hôm sau, con vợ đưa cho tôi tấm check năm ngàn, nó ký tên, bảo tôi, "má, đây là năm ngàn như má muốn, nhưng tụi con chỉ ghi sổ trả má bốn ngàn rưởi. Tụi con tặng má năm trăm để má xài vặt".
Tôi nói cho xuôi chèo mát mái:
- Tụi nó cũng dễ thương, cũng biết biếu chị tiền xài đó!
Chị bỗng òa khòc:
- Cô không hiểu, cô đừng tưởng tôi vui sướng gì mà lấy tiền chúng nó cho. Ôi dào, sổ với sách, làm như tôi có thể gian lận được với chúng nó! Mình còn cho chúng nó cả cuộc đời mình mà, cô! Cô coi, bây giờ, thằng Khanh không dám quyết định gì mà không hỏi con vợ nó, dù chuyện đó chẳng dính líu gì tới vợ nó! Mà nó lại hỏi vợ nó ngay trước mắt tôi, thế có phải là nó hạ giá tôi trước mặt vợ nó, bắc cầu cho vợ nó lờn mặt, khi dể tôi không? Check gì đưa cho tôi, nó cũng để con vợ nó ký, làm như bây giờ nó không còn quyền hạn gì hết. Bây giờ tôi ra riêng, tôi đòi lại tiền cho mượn, cho chúng nó biết mặt!
Dạo đó, không biết tôi có làm chuyện sai lầm là dàn xếp cho chị ở lại với vợ chồng Khanh hay không bằng cách nói chuyện riêng với Khanh, và khuyên nó nên tế nhị hơn trong cách xử sự với mẹ và vợ mới. Chị tôi vượt biên sang Mỹ năm Khanh sáu tuổi, nó không hiểu nhiều về những phong tục và đời sống của thế hệ trước đó bên Việt Nam nên nhiều khi ăn nói cũng rất&Mỹ, và xử sự cũng rất Mỹ. Lúc Khanh chưa có vợ, thì giữa mẹ con, dù chuyện gì cũng dễ bỏ qua, chẳng có gì quan trọng. Nhưng từ ngày Khanh lấy vợ, chuyện trở nên rắc rối. Chị vẫn rầy la Khanh khi Khanh làm chị không vừa lòng, ngay cả khi có mặt vợ nó, vì chị cho rằng nó có lớn cỡ nào cũng là con chị. Mẹ thì có quyền la rầy con cái chứ! Nhưng Khanh bắt đầu cự lại mẹ, vì có thể nó "quê" với vợ , hoặc vợ nó rỉ tai, " you're a married man now, she can't treat you like a kid ". Sau khi nói chuyện với Khanh, tôi tìm cách thuyết phục chị theo gợi ý của nó:
- Chị à, chị giận mà đòi ra riêng, chứ em biết chị thương chúng nó lắm. Thôi, mới có con dâu đầu, chị cũng nên thư thả, chờ ít lâu nữa dọn ra cũng được. Mà theo chị nói, chị đâu có giận con dâu , chỉ chỉ giận con trai chị thôi mà! Để em bảo cho nó hiểu, mẹ con nương nhau mà sống như từ xưa tới giờ. Hơn nữa, tụi nó mới cưới, con vợ chưa ra trường, chị đòi một lúc cả trăm ngàn, tụi nó đào đâu ra trả cho chị?
Vậy là tạm yên một thời gian, mẹ con sống vui vẻ, tuy không bằng lòng, nhưng cũng bằng mặt. Khi đứa thứ hai là Bách cưới vợ, chuyện mẹ chồng nàng dâu và con trai không có gì đáng nói, vì tụi nó dọn sang tiểu bang khác có việc trả lương khá hơn bên Cali. Lúc này chị tôi đã học thêm "kinh nghiệm" để sống theo "thời đại nào, tư tưởng nấy" nên không thấy chị than phiền gì nhiều. Có lần, tôi ghẹo chị, " Chà, lúc này chị đã Mỹ hoá kha khá, em cũng mừng". Chị thở dài, "Ôi chao, nhắm mắt làm ngơ giả vờ không nghe không thấy cho nó xong chuyện. Nói lắm, mỏi miệng cô ơi!"
Lúc Yến lấy chồng, chị tôi vui lắm, vì hai đứa nó đều có việc làm nên mua nhà ở riêng, không phải va chạm mích lòng ai. Khi Yến sanh con, chị "move" qua ở với vợ chồng nó, làm "babysitter" nhưng không đòi trả lương, mỗi tuần năm ngày, vì cuối tuần tụi nó "tha", để mẹ được đi ra ngoài với bạn bè, chị em. Nay con của Yến đã được hai tuổi.
Và chị đang nhờ tôi dẫn đi xin housing. Lần này, tôi không thể bàn ra được nữa. Tôi nói:
- Lúc này cháu Alice đã lớn, vợ chồng nó đem gởi nhà trẻ được rồi. Lúc mới sanh nó còn nhỏ, đem đi ẵm về cũng tôi nghiệp. Chị giúp cho chúng nó nhiêu đó cũng đủ rồi.
Chị trầm ngầm:
- Mình ở đó mà chúng nó phải đem con đi gởi thì áy náy. Nhưng mà lúc này chị tự biết mình không được khỏe mạnh như mấy năm về trước. Giữ cháu cứ phải đứng lên ngồi xuống suốt ngày, mệt mỏi lắm rồi cô ạ! Đêm về mình mẩy đau như có ai đánh. Đã vậy, mỗi lần con bé nó có té ngã sơ sơ, tối về bố mẹ nó tỏ vẻ đau xót, mình cũng nhột . Con bé có đi lỏng, thì chúng nó cứ tra hỏi mình cho con nó ăn cái gì, ăn ra sao, nấu làm sao. Bực bội lằm. Con gái thì mình còn dễ ăn dễ nói, còn với con rể, nói ra thì chỉ sợ con gái nó bênh mình, đâm ra vợ chồng xích mích lẫn nhau, mất hạnh phúc.
May quá, ba tháng sau chị tôi được gọi đi nhận nhà. Chị báo tin cho các con. Phân trần, giải thích một hồi, rồi đứa nào cũng bằng lòng cho mẹ dọn riêng, sau khi đã tới xem địa điểm khu housing này. Chị được các con mua cho đầy đủ, nào là giường tủ, chăn mền, bàn ghế, đồ nấu bếp. Vì lương hưu của chị thấp, nên chị chỉ phải đóng tiền nhà mỗi tháng ba trăm, So với giá bình thường của căn hộ một buồng ngủ như vậy ỏ đây là chín trăm đồng. Chị ở lầu hai, có bao lơn nhìn ra courtyard. Thỉnh thoảng chị ra bao lơn ngắm trời, ngằm kẻ đi người lại quanh bể nước phun có trồng hoa bốn mùa. Vài tuần lễ đầu chị hơi buồn vì nhớ cháu, nhớ những sinh hoạt hằng ngày với các con. Nhưng sau này, chị bắt đầu có bạn, và nỗi buồn cũng nguôi dần.
Chung cư này dành cho những người từ 55 tuỗi đổ lên, nên rất yên lặng vì không có trẻ con, ngoại trừ những lúc khách khứa đến thăm. Mỗi ngày thứ sáu, chung cư tổ chức một buổi "happy hour" để cư dân có dịp gặp gỡ, làm quen, hoặc họp hành. Sau khi đến thăm chị nhiều lần, tôi được chị kể cho nhiều chuyện đang diễn ra trong cái cộng đồng "hưu trí ngưới Việt" trong mấy cái buildings này.
Theo chị biết, có khoảng bảy hộ người Việt ở đây. Hai hộ có đầy đủ "ông bà", ba hộ của ba ông, và hai hộ của hai bà độc thân. Hai hộ "ông bà" đã về hưu đều có con cái là bác sĩ, nha sĩ gì đó, nhưng kẻ thì có con dâu, người thì có con rể người Mỹ, nên các cụ ở riêng cho nó tiện cả đôi bề. Họ cũng có các con khác, nhưng đều ở những tiểu bang phía bắc, thơì tiết quá lạnh vào mùa đông, nên các cụ nhất định ở đây ở cho ấm áp . Trong ba ông "độc thân" kia, thì một ông ngoài sáu chục xuân xanh, li dị vợ, bị vợ bán nhà chia của vì cái tội léng phéng về Việt Nam đá gà móng đỏ. Các con về phe mẹ, không đứa nào chịu cho ông về ở chung. Bà mẹ tuyên bố "đứa nào cho ông ấy ở là nối giáo cho giặc, bà sẽ từ ngay ".
Cũng may cái chung cư này có một số phòng dành cho người "low income" ở, theo luật của tiểu bang, nên ông may phước, được ở chỗ khang trang mà trả tiền nhà rẻ như bèo. Ông ca tụng nước Mỹ nhân đạo, nhân quyền đủ thứ, nhưng mỗi năm ông về Việt Nam một lần, dù ông luôn miệng chê ở bên đó người ta thế này thế nọ. Một ông nữa khoảng dưới 60, goá vợ vài năm, được người ta mai mối cho một cô bên Việt Nam, và đang chuẫn bị đem cô sang. Ông bảo chị tôi ấy là ông làm phước, cưới cô mà chẳng lấy đồng nào, chỉ mong cô sang săn sóc ông những khi ông trở trời đau ốm. Khi nào cô đủ điêu kiện thì ông cho cô tự do. Ông định sẽ cho cô đi học nghề "nail", bao nhiêu tiền kiếm được, cô gủi về giúp đỡ gia đình, ông nuôi cô ăn uống .
Ông thứ ba, ông Thành, thì tôi nghiệp vô cùng. Năm nay ông đã gần bảy mươi mà bà vợ mới có năm mươi. Ngày xưa khi ông còn trẻ, còn làm quan trong quân đội thì chả có sự chênh lệch nào đáng nói. Sau khi thất trận, ông đi tù, lúc trở về ông hom hem, trông chẳng ra hình dáng gì (vợ ông nói vậy). Được sang Mỹ theo diện HO, bà như cá gặp nước. Bà thì càng ngày càng trẻ ra, trong khi ông cứ bệnh rề rề. Bà đi làm trong hãng kẹo bánh và thường đi về bất thường, it chịu đi đâu cùng ông, và đòi ông ngủ riêng phòng, bà than ông ngáy to quá, bà mất ngủ, đi làm dễ bị tại nạn. Ông tự hiểu, và tự rút lui, trả lại cho người, trả hết về người& May mắn thay, đơn xin "low income " của ông trúng giải, ông được "move" vào đây với những đồ đạc khiêm nhường.
Con cái ông sang sau đến muộn, chẳng còn thì giờ học lên cao cho ông hãnh diện , nên chọn nghề "nail" làm đà tiến thân. Mỗi đứa đi mỗi tiểu bang, nên ông cố thủ ở lại Cali cho ấm cái thân già bệnh hoạn . Ít lâu sau, ông nghe nói vợ ông theo một người đàn ông khác đi Las Vegas làm trong sòng bài. Ở trong chung cư, ông quen được bà Bích, là một trong hai bà "single" người Việt . Bà Bích kể chồng bà tuy đã trên sáu chục nhưng vẫn còn nhiều phong độ. Ông làm kỹ sư, bồ bịch với một cô thư ký người Mỹ trong sở của ông. Nàng thư ký mới có trên ba chục cái xuân xanh, nhưng đồng lương "high end" của ông đã làm cô quên cái tuổi "almost there " của ông. Ông xin bà ly dị và hứa sẽ săn sóc bà cho đến cuối đời. Ba đâu cần tiền của ông, vì các con bà thừa sức lo cho bà, nhưng bà dằn mặt ông cho bõ ghét, bà vô đây, bắt ông ký tiền nhà và điện nước cho bà mỗi tháng. Hằng ngày bà đến chùa làm công quả.
Thỉnh thoảng con cái cần, bà về nhà chúng làm babysitter mấy hôm. Gặp ông Thành trong một cuối tuần vào giờ happy hour, bà và ông ngồi kể chuyện đời. Đồng cảnh ngộ, kẻ bị chồng bỏ người bị vợ chê, họ thân nhau, một tình bạn trong trắng không giừơng chiếu. Bà rủ ông đi chùa, ông theo bà đi chùa . Ông muốn đi nhà thờ, bà theo ông đi nhà thờ,cho có bạn. Để ông khỏi vất vả nấu nướng, bà đề nghị họ chia tiền chợ. Bà nấu nướng, chợ búa, còn ông thì chăm lo mấy cây kiểng cho bà. Phòng ông, ông ở. Phòng bà, bà cư ngụ. Một buổi sáng, không thấy ông gọi điện thoại " báo cáo còn sống" như đã giao hẹn, bà gọi điện cho ông, mãi không thấy ông trả lời, bà bèn chạy sang mở cửa, thì ông đã ngủ một giấc ngàn năm từ lúc nào. Bà hoảng kinh kêu xuống lobby. Nửa giờ sau cảnh sát và nhà đòn đem ông đi. Bà đưa địa chỉ mấy đứa con ở xa của ông cho cảnh sát làm công viêc thông báo tin buồn. Bà tôi nghiệp cho ông, ra đi chẳng có ai bên mình, nhưng lại mừng là ông ra đi nhẹ nhàng, chắc không đau đớn gì đâu.
Người đàn bà ở một mình khác là bà Lộc. Bà Lộc lớn hơn chị tôi chừng hai tuỗi, dáng người tròn trịa, mang hơi hướng một mệnh phụ một thời đã qua. Bà Lộc cho hay chồng bà trước đây là một trung đòan trưởng. Bà và các con chạy thoát trên tàu Haỉ quận do người em ông làm hạm trưởng. Lúc đó ông còn đang cố gắng đem quân về Saìgon. Chưa về đến nơi thì bị tan hàng. Trong lúc hoảng loạn, ông đánh liều, rủ hai người bạn mua một cái ghe đuôi tôm, đổ đầy xăng, và cứ thế nhắm hướng ra khơi. Cuối cùng, ông cũng đoàn tụ được với vợ con ở Guam. Chẳng còn nỗi vui nào lớn bằng nỗi vui của gia đình ông lúc đó. Ông mới mất cách đây hơn một năm vì bệnh ung thư gan. Bà nhất định không chịu về ở chung với con cái. Bà bảo " Mình ăn riêng ở riêng quen rồi, bây giờ về với con cái, ngại lắm." Thật ra, thì bà ở riêng, vì bà thích chơi mạt chược. Ở chung với con cháu, bà không được tự do gầy sòng.
Chị tôi không biết chơi bất cứ thứ bài gì. Chị cũng không còn thích đi shopping nữa. Đi một chút đã kêu mỏi chân. Tôi bèn tập cho chị một thú vui mới: viết văn. Thú vui mới này bắt chị học xử dụng computer và đánh keyboard. Học xong rồi, chị viết văn thí ít, mà viết email thì nhiều. Lúc sau này còn google được mấy websites để đọc truỵên "free", xem phim "free" .
HUYỀN THOẠI
No comments:
Post a Comment