Monday, November 3, 2008

VUA SỞ MẤT CUNG

===


Cung Vương nước Sở đi săn, giữa đường đánh mất cung. Các quan theo hầu cố xin tìm cho được. Cung Vương nói: Thôi tìm làm gì nữa! Người nước Sở đánh mất cung, lại người nước Sở bắt được cung, đi đâu mà thiệt (Cổ Học Tinh Hoa).




Như thường tình, khi vua bị mất một món đồ, thì vua giận dữ, quát thét quan quân đi tìm kiếm, và trừng trị những kẻ có trách nhiệm giữ gìn đồ đạc của vua. Thường thường con người mất đi một sợi lông cũng làm ra to chuyện, nhất là khi họ có chút quyền lực trong tay.Thế mà vua Sở không giận dữ, lại có thái độ ôn hòa, bình tĩnh. Con người như vậy rất hiếm có ở trong cõi đời này.



Khi nghe truyện trên, chúng ta quả thật kinh phục tấm lòng bác ái của vua nước Sở. Sách Cổ Học Tinh Hoa có ghi lời bàn như sau:


Vua đánh mất cung, không nghe lời các quan bắt tìm cung, thế là có lòng thương dân, không muốn làm phiền đến dân. Vua lại nói một người nước Sở mất cung chịu thiệt, thì có một người nước Sở được cung có lợi, thế là đã có lòng muốn lợi cho dân cả một nước.Tuy nhiên, đức Khổng Tử thì lại có ý chê bai. Khi nghe chuyện trên, Ngài bảo: Đáng tiếc cho cái chí vua nước Sở không làm to hơn được nữa! Hà tất phải nói : “ Người nước Sở? ” Giá nói: “ người đánh mất cung, lại người nhặt được cung thì chẳng hơn ư?” (Thuyết Uyển)


Khổng Tử chê là hẹp, là vì vua Sở chỉ biết có người nước Sở lấy bờ cõi nước Sở mà làm giới hạn cho cái lòng nhân ái của mình. Cứ như ngài nói, mời thực rõ cái nghĩa bác ái, tức là cái lòng rộng yêu hết cả nhân loại, không phân di chủng hay ngoại quốc gì nữa. Cùng một ý với câu thầy Hạ Tử nhắc lời ngài mà đáp Tư Mã Ngưu rằng: “Người bốn bể đều là anh em cả”. Nói rộng ra: chỉ có lý vô phân biệt, trí vô phân biệt, vật ngã nhất thể thì mới hết sạch chướng ngại mà hoan hỉ vô cùng!




Theo thiển kiến, lời phê bình của đức Khổng là hơi quá đáng. Mỗi người trong đời đều có một vị trí, một vai trò, một địa vị. Cung vương là vua nước Sở cho nên Ngài quan tâm đến nước Sở, và đề cập đến nước Sở là đúng vai, trò, vị trí và giới hạn của Ngài. Còn Khổng tử là ông thầy của thiên hạ, lo việc thiên hạ ( tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) cho nên Ngài có thể nói đến thiên hạ mà không bị ai chê cười là vu khoát. Trái lại, nếu chúng ta chỉ là thường dân, chỉ là cha của mấy đứa trẻ thì chỉ nên lo chuyện gia đình, đừng đại ngôn, mặc dầu ta có quyền tự do ngôn luận bàn chuyện năm châu bốn bể!



Con người ở đời dù là thường dân hay vua chúa đa số tham lam, muốn tăng gia tài sản, muốn chiếm đoạt của cải của người khác. Tuy nhiên, bảo vệ tài sản của mình là một quyền lợi chính đáng. Luật pháp của nhà nước công minh là phải bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trong nước.




Tư tưởng của vua Sở là mang tính chất triết lý công bằng bác ái của Nho gia , Lão gia và Phật gia.Phật giáo đề cập đến vô phân biệt tâm. Ta nên có cái tâm rộng rãi, yêu hết chúng sinh, không phân biệt ta với người. Ông vua nước Sở phát biểu như vậy là ông không phân biệt vua và dân, coi mọi người trong nước Sở là bình đẳng, không có vua tôi, không có kẻ mất người được. Và chinh ông là bậc thánh , đã nhập Khổng Phật Lão vì ông được không vui, mất không buồn, luôn luôn an nhiên tự tại.



Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Ta cày cấy suốt năm, ta dệt vải suốt mùa, khi thâu hoạch, ta mang ra chợ bán nhưng bị mất tiền , có thể ta vô ý làm rơi hay bị quân gian móc túi, ta không thể thản nhiên mà bảo: "Người Sở mất tiền, người nước Sở được tiền, không đi đâu mà thiệt!"

Làm sao ta có thể an tâm khi ta không còn tiền bạc để trả tiền nhà, tiền điện nước và lo lương thực, quần áo cho vợ con ta ?


Khi quốc gia ta rơi vào tay bọn gian tham, tàn ác, chúng bán đất đai tổ tiên cho ngoại bang, cướp đoạt tài sản của nhân dân, ta lẽ nào ung dung mà bảo:


" Người nước Việt mất đất thì cũng có người Việt thêm vàng bạc, không đi đâu mà thiệt!"



Lại nữa, khi nước ta bị ngoại bang xâm lược, lẽ nào ta cười mà bảo" Người Việt mất đất thì người nước khác được đất, cũng là người với nhau, có sao đâu!"


Nếu lý luận như vậy là ta đã đi theo bọn bán nước hại dân!Người yêu nước, thương dân phải biết tranh đấu cho tổ quốc và nhân dân, không thể để cho nhân dân bị mất tự do dân chủ và bị tước đoạt đời sống.



Tuy nhiên, trường hợp kể trên là phạm vi nhỏ, là trường hợp đặc biệt. Cây cung chỉ là vật tầm thường cho nên vua Sở có thể bình tâm mà nói như thế. Nếu như nhà vua mất cây Thái A kiếm, hay viên ngọc bich Biện Hòa, hay vợ con bị người khác chiếm đoạt, giang san của Ngài bị người nước Sở chiếm mất và bản thân ngài phải lưu vong hay bi giam cầm, chắc ngài đã không bình thản mà nói về lẽ được mất như vậy!


==

No comments: