Wednesday, November 26, 2008

KHẢI CHÍNH * SĂN SÓC NHAU KHI CÒN SỐNG

===

Cần Thăm-Nom và Săn-Sóc Nhau Lúc Còn Sống
Khải-Chính Phạm Kim-Thư



==




Trong văn-chương Việt, bài thơ ‘Khóc Bạn’ của Nguyễn Khuyến đã lột được sự ân-cần và quí-mến bạn hết lòng trong khi bạn còn sống. Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê với tất-cả tâm-hồn và bằng tận-cùng của sự mến-thương luyến-tiếc: ‘Rượu ngon không có bạn hiền,/ Không mua không phải không tiền không mua./ Câu thơ nghĩ đắn-đo không viết,/ Viết đưa ai, ai biết mà đưa./ Giường kia treo những hững-hờ,/ Đàn kia gảy những ngẩn-ngơ tiếng đàn.’


Khóc như thế mới là khóc, thương như thế mới là thương! Khi sống chúng ta đối-đãi với nhau chân-tình và để ý săn-sóc nhau hết lòng thì khi bạn chết, việc khóc than, viếng đám ma, chia buồn, và an-ủi của chúng ta đối gia-đình của bạn mình mới có ý-nghĩa.



I. Sự Đời
Ngày nay, ở hải-ngoại này, có một số người vì bận-rộn với danh quyền lợi, họ đã để cho tình-cảm gia-đình và nghĩa bằng-hữu bị nguội-lạnh phai-mờ. Khi cha mẹ, anh em, và bạn-bè còn sống, họ chẳng chăm-nom thăm hỏi nhau mà còn lấy cớ này lý nọ để bào-chữa, chẳng hạn như: ‘bố tôi ghét tôi, mẹ tôi thiếu bổn-phận, anh tôi hư-hỏng, em tôi không nghe lời, bạn tôi ở xa quá, tôi bận-rộn mà lại ở xa họ quá, v.v. nên tôi không đến thăm họ được!’
Có những trường-hợp khi cha mẹ già yếu, con cái đã tìm cách đưa các cụ vào viện dưỡng-lão. Đây cũng là việc thông-thường ở Bắc-Mỹ này. Tuy-nhiên, trừ trường-hợp giữ các cụ ở nhà sẽ gây ra nguy-hiểm đến tính-mạng cho các cụ, cho gia-đình, và cho hàng-xóm thì không kể, nếu các cụ vẫn tỉnh-táo hay người nhà còn có thể trông-nom săn-sóc được mà đưa các cụ vào sống trong ‘nursing home’ thì thật tội-nghiệp cho các cụ.



Đã có những trường-hợp cha mẹ vì già yếu và bệnh-hoạn phải nằm trong nhà thương, con cái cả tuần mới tới thăm được một đôi lần. Các cụ nằm ‘chết khô’ không có người con nào ngó tới. Thế mà khi cha mẹ qua đời, con cái tổ-chức đám ma thật to, kẻ phúng người điếu nhộn-nhịp, khóc than kể-lể hết lời, mua loại hòm (săng) cho thật sang, xây mộ cho lớn, đắp bia cho đẹp, và làm lễ cầu-siêu cho linh-đình tốn đến cả mấy chục ngàn ‘đô-la.’ Có phải đây là cách để gột rửa sự tệ-bạc của mình đối với cha mẹ lúc còn sinh-tiền và che mắt thế-gian không?
Có trường-hợp, người đã chết được cả tháng trời mới thấy bản tin phân-ưu của bạn bè ở cùng một địa-phương xuất-hiện trên mặt một tuần-báo. Sự gần-gũi lui tới thăm nhau có thắm-thiết lúc còn sống không? Bản tin phân-ưu này có giá-trị gì ngoài sự mua danh lấy tiếng?


Có người khi còn sống bị ngay cả bạn thân của họ chê là kẻ có thủ-đoạn, thế mà khi chết, họ cũng được bè-bạn đăng lời phân-ưu. Vì ‘nghĩa tử là nghĩa tận,’ người ta thường tha-thứ và rộng-lượng với người chết nên cố nhờ đăng vài lời phân-ưu để được tiếng là cao-thượng. Đôi khi người ta đăng lời phân-ưu là để đạt một mục-đích khác nữa. Thật là một trò hề và giả đạo-đức!
Có người khó tính và chán-chường cho sự giả-dối của loại người nói ở trên đã thốt ra một câu thật chí-lý giống như lời Chúa Jesus đã viết trên cát trong truyện ‘Ném Đá’: ‘Bọn Giả-Dối!’



Ở Bắc-Mỹ này, tình gia-đình và bè-bạn không được thắm-thiết như ở Á-Đông ta nên người ta đã tự lo cho cái chết của họ một cách thật đầy-đủ, chẳng hạn như mua bảo-hiểm nhân thọ (Life Insurance) để khi chết gia-đình có tiền sinh sống và trang-trải ma-chay, nào đóng tiền trước cho nhà-quàn (funeral home) để họ lo đám ma của mình (prepaid funeral) mà khỏi cần nhờ đến ai. Thật là tiện-lợi hết chỗ nói.
Khi sống, người Bắc-Mỹ đã được hưởng mọi thứ tự-do thật xứng-đáng với nhân-phẩm con người. Khi chết họ cũng thoải-mái vì không phải lo cảnh ‘xẩy đàn tan nghé’ hay làm phiền-lụy ai.



Ngoài ra, vì người dân Bắc-Mỹ có đóng thuế và đóng tiền hưu nên chính-phủ có trách-nhiệm lo đám ma cho người dân. Chính vì thế, những người dân nghèo đã có cơ-quan xã-hội (social services) ở địa-phương lo đầy-đủ cả lúc sống cũng như khi chết. Khi nhà có người nằm xuống, nếu thân-nhân nộp đơn xin tiền trợ-cấp để lo đám tang thì cơ-quan xã-hội sẽ cấp cho họ một khoản tiền đủ để chi-dụng trong việc này.
Đối với những người có đi làm và có đóng tiền hưu thì khi chết họ được hưởng tiền tử-tuất, tối-đa khoảng 3 ngàn đồng tùy theo số năm đi làm và số tiền đóng cho quỹ hưu-trí. Tiền tử-tuất này do cơ-quan ‘National Health & Welfare, Income Security Programs’ cấp nếu thân-nhân hay người đại-diện nhà-quàn đứng tên xin.
Ở Bắc-Mỹ này không ai phải bó chiếu đem chôn một cách âm-thầm như người dân sống dưới chế độ Cộng-Sản tại Việt Nam. Mặc-dầu người dân được bọn Cộng-Sản tôn-vinh là ‘nhân-dân làm chủ,’ nhưng trong thực-tế, người dân bị bọn Việt-Cộng đối-xử rất tệ, thậm-chí không bằng con vật ở Bắc-Mỹ này.



II. Tại Sao Người Ta Phải Tổ-Chức Đám-Ma Cho Linh-Đình?




Có đám ma được gọi là quốc-táng do triều-đình hay chính-phủ đứng ra lo. Lá cờ quốc-gia được phủ lên quan-tài trong khi đưa đám. Đây là nghi-lễ chôn-cất của chính-phủ dành cho những người chết có công đánh trận hay tử-nạn trong khi phục-vụ quốc-gia. Ngoài ra, lá cờ của quốc-gia còn được kéo lên nửa chừng cột cờ ở khắp nơi trong nước, gọi là cờ rũ hay cờ tang. Đây là biểu-hiệu để tang người quá-cố đã có công đối với dân-tộc.



Có đám ma làm theo nghi-lễ tôn-giáo hay phong-tục cổ-truyền để tôn-vinh người chết về công-lao của họ đối với đạo-pháp và dân-tộc.
Có đám ma được tổ-chức linh-đình và trọng-thể do dân-chúng và các đoàn-thể đứng ra tổ-chức để tỏ lòng nhớ ơn người chết đã vì họ mà hy-sinh, và luôn thể để biểu-dương thế-lực phản-đối nhà cầm quyền đương-thời đã gây ra cái chết này.
Có những đám ma rất linh-đình do thân-nhân, bằng-hữu, và những người mến-mộ tổ-chức dành cho nhà báo, kịch-sĩ, ca-sĩ, nhà thơ, nhà văn, họa-sĩ, cầu-thủ, võ-sĩ, và nhà giáo, v.v. Trong đám ma này người ta đọc điếu-văn (bài văn đọc trong đám tang để tỏ lòng nhớ ơn và thương-tiếc người quá-cố) phát-biểu những kỷ-niệm đã có với người chết, và nói lên những công-đức của người quá-cố trong lúc còn sinh-tiền, v.v.
Sau đám ma, người ta còn tổ-chức các buổi cầu-nguyện và các buổi tưởng-niệm để vinh-danh công-đức người quá-cố cho mọi người lấy đó làm gương.



Có những đám ma của loại người giầu có để khoe của, khoe danh, khoe sang vì quen biết các ông to bà lớn, và để dễ-dàng cho con cháu sinh sống và làm ăn sau này.
III. Tại Sao Người Ta Hay Tỏ Ra Quan-Tâm và Ân-Cần Đối Với Một Người Khi Họ Sắp Chết và Sau Khi Họ Chết Hơn Lúc Còn Sống.
Thường thì vào dịp Tết, lúc năm cùng tháng tận, người ta hay rộng-lượng với nhau. Họ bỏ đi các dị-biệt (different) cùng các xích-mích đã có để cùng nhau tổ-chức Tết để đón mừng xuân và hy-vọng một tương-lai tốt-đẹp hơn trong năm mới. Cũng trong chiều-hướng này, khi biết tin thân-nhân và bạn-bè hấp-hối hay đã qua đời mà trước đó có khi cả hằng năm chẳng bao giờ họ liên-lạc với nhau, người ta nghĩ rằng lúc này họ nên bỏ ra chút thì-giờ để đến thăm người hấp-hối, nhìn mặt người chết một lần chót, hay gửi đăng đôi lời chia buồn trên báo-chí để chuộc lại thái-độ lạnh-nhạt trước kia. Đây là một cử-chỉ đẹp, biết ăn-năn hối-cải, và độ-lượng nhưng ý-nghĩa chẳng có bao nhiêu vì lúc sống đã chẳng ra gì thì còn kể chi khi đã chết.



Có trường-hợp người ta đi phúng-điếu là để trả nợ vì trước đây người mà nay qua đời hay bà con của người này đã đi phúng-điếu thân-nhân của họ. Trong một số trường-hợp khác, có những người cùng làm chung một sở hay ở cùng một nơi với nhau; khi ở cơ-quan hay hàng-xóm có người qua-đời, bạn-bè và người hàng-xóm rủ họ đi phúng-điếu thì họ đi, chứ chưa chắc họ thực-sự muốn đi. Danh-sách những người đăng trong mục tin phân-ưu cũng vậy; có nhiều trường-hợp, bạn-bè hay tòa-soạn tưởng mình chơi thân với người quá-cố nên họ tự-động thêm tên mình vào.
Một số người đã đối-đãi tệ-hại với bạn-bè, họ tưởng rằng nói vài lời an-ủi với người hấp-hối coi như chuộc lại cả một thời-gian dài không một lần thăm viếng hỏi-han. Họ đến phúng-điếu và chia buồn với tang-quyến chỉ là tỏ thiện-chí làm lành và gột-rửa sự lạnh-nhạt hay hiềm-khích với gia-đình người quá-cố trước đây. Đây cũng là một việc tốt nhưng chưa đủ.


Có nhiều trường-hợp, con cái tệ-bạc với cha mẹ và đối với cha mẹ không ra gì, nhưng khi cha mẹ sắp qua đời, họ quây-quần bên giường bệnh lúc cha mẹ hấp-hối để tỏ ra mình lo-lắng và thương-tiếc cha mẹ một cách tự-nhiên phát-sinh tự đáy lòng. Ngoài ra, họ còn quây-quần bên giường bệnh lúc cha mẹ hấp-hối với mục-đích để xem cha mẹ có dặn-dò (trối) cho mình tiền của gì không.
Những người con có hiếu thường tổ-chức đám ma cho cha mẹ rất linh-đình cốt để tỏ lòng hiếu-kính một cách chân-tình. Nhưng cũng có trường-hợp, các con làm đám tang cho cha mẹ một cách linh-đình để gột-rửa sự bạc-bẽo của họ đối với cha mẹ trước đây.
Đối với những người đến phúng-điếu, có nhiều trường-hợp người ta đến phúng-điếu chia buồn với tấm-lòng thành. Thái-độ của họ nói lên tấm-lòng sẵn-sàng giúp-đỡ cho tang-gia bất-cứ lúc nào và bất-cứ cái gì khi cần đến. Đời vẫn có những người tốt thực-sự và vô vị-lợi. Có người đến phúng-điếu vì họ đã từng ngưỡng-mộ và tôn-kính người quá-cố mà không có dịp nào được gặp tận mặt hay nói trực-tiếp được một lời trong lúc người ấy còn sống. Có trường-hợp, người ta thân nhau nhưng lười liên-lạc nên khi nghe tin nhau bị bệnh hay qua đời họ đã cố-gắng đến an-ủi hay chia buồn.
Một số người thân nhau, họ không để ý đến nhau khi còn sống và cho đây là sự bình-thường. Trường-hợp này cũng giống như người có tự-do sẵn rồi thì không thấy tự-do là quan-trọng. Đến khi mất tự-do, họ mới thấy tự-do là quí. Đối với mười ngón tay của ta, khi bình-thường ta không thấy ngón nào là ngón quan-trọng. Nếu vì lý-do gì mà bị cụt đi một ngón, ta mới thấy thiếu-thốn và bất-tiện như thế nào. Chính vì lý-do này người ta mới ân-cần thăm nhau khi bị bệnh, hay thương-tiếc nhau vô-cùng khi đã mất nhau.



Nói chung, đám ma có linh-đình hay không, lễ cầu-siêu có lớn hay không, và phần mộ có to và đẹp-đẽ hay không, tất-cả đều dành cho người sống và đều làm rạng-rỡ cho người còn sống. Chết là hết. Sau này có mâm cao cỗ đầy hay không cũng chỉ là dành cho người sống. Việc đối-đãi với nhau khi còn sống mới là quan-trong. Cần đùm-bọc thương-yêu và săn-sóc nhau lúc sống chứ đừng để đến khi thân-nhân hay bằng-hữu chết mới tỏ lòng thương-tiếc.
Nhiều người tin rằng cần tụng-niệm Phật A-Di-Đà để cầu xin vãng-sanh (qua kiếp trần-gian) về cõi Tây-Phương Cực-Lạc. Thật ra Cõi Tây-Phương Cực-Lạc đã ở tại trong lòng mình. Không có đất Phật ở đâu bên ngoài. Lục Tổ Huệ-Năng đã dạy: ‘Kẻ mê-muội thì niệm Phật cầu vãng-sanh về cõi bên kia, người tỉnh-ngộ chỉ làm cho tâm mình được thanh-tịnh. Người phàm-phu không hiểu rõ tánh Phật của mình, chẳng biết rằng Tịnh-Thổ hay Tịnh-Độ, tức là đất Phật, đã có sẵn nơi tâm mình và ngay tại nơi mình đang ở, nên cứ lo cầu Đông nguyện Tây. Còn người đã giác-ngộ rồi thì biết rằng đâu đâu cũng là Tịnh-Thổ, tức là chỗ nào cũng có Phật ở đó cả.’ Con người khi còn sống nên giữ tâm mình cho thanh-tịnh để biết bổn-tâm nhận rõ bổn-tánh thì sẽ giác-ngộ thành Phật, chẳng cần phải cầu vãng-sanh làm gì vì lòng ta là đất của Phật rồi.
Hãy trân-trọng thời-gian được sống gần nhau, hãy tu-tâm dưỡng-tánh khi mình còn sống chứ đừng cầu vãng-sanh về ‘cõi Tây Phương Cực Lạc.’



IV. Quan-Niệm Của Một Số Người Về Việc Ma-Chay
Chính vì thấy sự phiền-hà khi thân-nhân phải tổ-chức đám ma mà rất nhiều người khi sắp chết họ đã trối lại là không nên làm đám ma linh-đình, miễn phúng-điếu, miễn thăm-viếng. Họ không muốn làm phiền ai và chỉ yêu-cầu thân-nhân làm đám ma thật đơn-giản mà thôi.



Một số người thì chú-trọng vào việc ăn-ở tốt với nhau lúc còn sống, sẵn-sàng giúp-đỡ nhau, và sẵn-sàng lo sống chết cho nhau trong mọi hoàn-cảnh. Sống sao cho tình-nghĩa vẹn-toàn để khi không còn có nhau nữa, họ không có gì phải hối-tiếc. Đám ma lớn nhỏ không thành vấn-đề nữa. Phúng-điếu hay không cũng vậy. Họ không vì người đã chết mà làm phiền-hà người khác hay để cho người ta kiếm ăn trên xác chết của mình. Một số người khác tự lo trước cho cái chết của mình để khi nằm xuống họ không làm phiền người nhà.
Có những người, vì lợi-ích chung của nhân-loại, họ đã ký giấy hiến thân-xác mình sau khi chết cho các cơ-quan nghiên-cứu để làm phương-tiện cho sinh-viên trường thuốc học-hỏi.

Ma-chay trong trường-hợp này không thành vấn-đề nữa. Không còn phải sợ cảnh ‘ma chê cưới trách.’ Đây là một hành-động thật là cao-thượng và vị-tha. Thật đáng được thán-phục! Có những người thực-tế hơn đã làm điếu-văn cho cha mẹ, vợ chồng, hay bạn-bè ngay khi những người này còn sống (sinh-điếu). Làm ‘sinh-điếu’ kiểu này thật là có ý-nghĩa vì khi còn sống mà được nghe thân-nhân hay bằng-hữu khóc mình, ta mới thấy cảm-động và thú-vị vô-cùng. Có những nhà thơ đã làm điếu-văn khóc vợ lúc vợ còn đang chung sống với mình. Sau khi nghe bài sinh-điếu, có bà đã khóc mùi-mẫn vì sung-sướng. Thật là cảm-động một cách chân-thành đầy ý-nghĩa và tuyệt-vời.




V. Kết-Luận
Nếu khi chúng ta còn sống mà không thăm-nom và săn-sóc nhau thì những hành-động làm ma-chay (lễ tống-táng người chết) cho linh-đình, phúng-điếu, và phân-ưu dành cho nhau khi có người qua đời, tuy có cần-thiết, nhưng vẫn mang tính-cách lừa-dối người và lừa-dối chính bản-thân ta, nó không có một chút ý-nghĩa nào cả.
Hãy thăm-nom, săn-sóc, và giúp-đỡ nhau lúc còn sống mới thật là có ý-nghĩa và hữu-ích. Có như thế thì việc làm ma-chay, phúng-điếu, và phân-ưu mới có ý-nghĩa. Chết là hết. Ta nên nhớ rằng tất-cả những gì người sống làm cho thân-nhân hay bạn-bè đã qua đời chỉ vì những người còn sống và giúp cho những người sống yên lòng mà thôi.
Tuy-nhiên, ta vẫn phải làm đám tang cho người qua đời, nhưng chỉ nên làm giản-tiện và làm những gì cần-thiết mà thôi.


*


Khải-Chính Phạm Kim-Thư :
Xin nghe bản nhạc "Nếu Yêu Tôi" qua giọng hát Khánh Ly:



==




===

No comments: