===
The Socio-cultural Contacts and Frictions in VN between the two World Wars
Prof. LE MONG NGUYEN
An act promulgated by the President of France on Feb. 23, 2005 indicated that certain teaching curriculums have to include the recognition of the educating role of the French in the colonial times. This applies to the case of Vietnam between the two World Wars that the cultural contacts and frictions were arisen to the degree of social upheaval. The following forces had interacted in that period:
- The new force of Western culture and intellectuals who praised the French Revolution of 1789 (with such values as freedom, equality, fraternity, democracy) encountered the values of Confucianism, Buddhism and Taoism, i.e., traditional values. The conflicts between the two cultures were rigid and gradually the new concepts and principles of freedom and democracy penetrated into certain components who later ignited the revolutions in the 1930s and 1940s, and finally led to the Dien Bien Phu Battle which terminated the French colonial regime in VN, with the Geneva Peace Accords signed by France and Vietnam on July 20, 1954.
- The tragedy of that period in VN was the two communities (French and Vietnamese) having to cohabit in an unstable atmosphere; in which the transformation of the society from the old values to new standards and a modern world was very miserable! The traditional values of an old society encountered with the new values of a modern society were something that were unimaginable to many people at the time. But that was not the whole thing. The industrialization at the end of the first World War had created two classes of people: the proletariat and bourgois. The old system: intellectuals, peasants, manufacturers, merchants turned upside down. As the bourgois and rich farmers gathered in the Indochinese Constitutionalist Party which cooperated with Premier Nguyen Phan Long and the middle class intellectuals, in such parties as Vietnam National Party ( VNQDD), New Viet Revolution Party (TVCMD) etc., had little roots in the masses; therefore, the Indochinese Communist Party -- disguised under name "Viet Minh" (VNDLDMH) -- manipulated the populist movements and used wicked plots to kill the genuine patriots, to finally lead to the general up-rising in August 1945 and forced King Bao Dai to abdicate his throne. That step was the first one that led to the Resistance War 1946-1954 and the Dien Bien Phu Battle which ended the French colonial regime.
=====
Chung đụng văn hóa xã hội tại Việt Nam trong thời kỳ giữa hai cuộc đại chiến*
Lê Mộng Nguyên
Kính thưa quí vị,
Các bạn thân mến,
Thừa cơ hội một đạo luật được Tổng thống Pháp ban hành ngày 23 tháng 02-2005 có điều 4 nói về các chương trình học hiệu phải đặc biệt thừa nhận vai trò giáo hóa của hiện diện Pháp quốc ở hải ngoại…, tôi xin nhắc lại quí đồng hương quốc nội và hải ngoại một thời đại đảo điên vào thập niên 30 - giữa hai thế chiến - mà xã hội Việt Nam thấm nhuần triết lý Khổng, Phật và Lão (với những giá trị cổ truyền) phải chống đối với cải tân của Âu Tây do nước Pháp đem lại cho dân bản xứ. Sự đụng chạm giữa hai nền văn hóa Á Âu có ảnh hưởng mạnh trong giới trí thức thuộc thế hệ mới, không ngần ngại tán dương Cách Mạng Pháp 1789 (đề cao phẩm cách con người, tự do, bình đẳng, kháng cự áp bức…) và tư tưởng nhân dân chống bạo quyền của Thế Kỷ Ánh Sáng (Siècle des Lumières). Như vậy Pháp quốc, dù muốn dù không, đã du nhập vào thuộc địa Việt Nam những quan niệm về quyền tự do của mỗi người và quyền tự quyết của mỗi dân tộc, mà một ngày sau sẽ là nguyên nhân dấy loạn của dân bản xứ quyết tâm chống bạo tàn, hồi phục tự do độc lập cho nước nhà.
Cuộc xung đột giữa hai nền văn hóa Á Âu được giải quyết bằng sự thoái lui của thực dân Pháp, sau Điện Biên Phủ (tháng 05) và hiệp định Genève ký kết ngày 20 tháng 07-1954. Thật đúng như Giáo sư Claude-Albert Colliard đã viết (Libertés publiques, Paris 1959, tr.11) : « Khi nói đến ảnh tượng Pháp gieo rắc tư tưởng, tất nhiên ta nghĩ đến tư tưởng tự do…», và kết luận : « Những định thức tự do này trên một mặt khác, đã đặt một vấn đề khá nghịch thường : một vấn đề chính trị của nước Pháp trên hoàn cầu : nước Pháp đã có thể gieo rắc những ý tưởng tự do mà nay đi ngược lại chống quyền lợi của mình, chẳng hạn về mặt thuộc địa ».
Tôi sẽ lược qua trong thuyết trình hôm nay, cái bi kịch của hai cộng đồng Pháp Việt phải sống chung cùng một xã hội vừa được (dù muốn dù không) tiếp xúc với văn hóa Âu Tây, nghĩa là trong một bầu không khí không an ổn, có thể nói là căng thẳng cho đến mức tuyệt độ, vào một giai đoạn quyết định của lịch sử dân tộc Việt Nam giữa hai thế chiến. Tôi sẽ nhấn mạnh sự biến hóa của xã hội nước ta từ cổ truyền đến cải tân, rất thê thảm vì thế hệ xưa quen với kiểu sống thủ cựu, xung đột ngay với phần tử tinh nhuệ mới, đam mê tư tưởng Voltaire, Rousseau, Montesquieu và nhiệt liệt tán phục bài học Cách Mạng Pháp 1789. Như Đào Duy Anh đã tiên đoán khi ông viết trong Tựa sách Việt Nam Văn Hóa Sử Cương , ngày 14 tháng 08 năm 1938 : « Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương. Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy. Nhưng muốn giải quyết thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy, tức một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới ».
Nước thuộc địa bị ảnh hưởng Âu Tây rất nhanh chóng bởi một công nghiệp hóa kịch liệt - kiểu tư bản - mà chúng ta thấy trên lãnh thổ Việt Nam vào cuối thế chiến thứ nhất (1914-1918). Tập trung công nghệ này là nguồn gốc hiện hình của những giai cấp Việt Nam mới : vô sản và trưởng giả. Do đó, các hệ thống cũ : Sĩ, Nông, Công, Thương, đều bị đảo lộn ; cá nhân được giải thoát ràng buộc khuôn khổ của gia đình cũng như cộng đồng thôn xóm, nhưng thân phận con người không nhờ thế mà trở nên thoải mái hơn xưa, bởi vì việc xử dụng máy móc không chỉ có những phần lợi ích… Tuy nhiên, giai cấp trưởng giả hữu chủ, điền chủ và tài chánh mà tiêu biểu là Đảng Lập Hiến Nam Kỳ (Parti Constitutionnaliste Cochinchinois) do Bùi Quang Chiêu sáng lập năm 1923 với cộng tác chặt chẽ của Nguyễn Phan Long, cả hai là địa chủ giàu có, cho nên không muốn làm cách mạng. Tại sao ? Bởi vì nếu họ trở thành triệu phú như vậy là nhờ nguồn gốc khai phá thuộc địa. Đảng Lập Hiến Nam Kỳ chấp nhận hiện diện Pháp trên đất Việt và lợi ích của thực dân. Giai cấp này xưng tụng chủ nghĩa quốc gia cách chỉnh tiến dần đến giải phóng nước nhà trong tương lai. Đảng Lập Hiến không đòi hỏi ban hành lập tức một Hiến Pháp. Thỉnh cầu của Đảng lúc bấy giờ - nói tóm - là xin Pháp quốc hải ngoại để dành cho trưởng giả điền địa và tài chánh một số ghế quan trọng trong Hội Đồng Thuộc Địa (Conseil colonial) và nhiều phương tiện bành trướng ngành thương mại.
Trong lúc ấy, hạng trung lưu trí thức thấm nhuần tư tưởng Âu Tây (petite bougeoisie intellectuelle occidentalisée) - phần tử tinh nhuệ mới - muốn kết hợp (nếu có thể) với toàn thể những kẻ vô sản, với mục đích tranh đấu ngay cho độc lập nước nhà (Tân Việt Cách Mệnh Đảng, Việt Nam Quốc Dân Đảng). Song các phong trào quốc gia cách mạng này (thuộc trung lưu trưởng giả), phải thất bại vì không có nguồn gốc trong quần chúng. Trái lại, những phong trào nhân dân (mouvements populaires) được vận dụng ráo riết trong khuôn khổ cựu Đông Dương Cộng Sản Đảng, dưới giả dạng Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt là « Việt Minh ») sẽ có kết quả. Sau khi diệt trừ một phần chí sĩ ái quốc chân chính (quốc gia), Việt Minh sửa soạn, và chuẩn bị một cách phương pháp, đặng dọn đường cho cuộc Tổng Khởi Nghĩa Tháng 08-1945, nhờ nhiều sự biến liên tiếp rất thuận tiện : Nhật làm đảo chính đuổi Pháp ra khỏi Đông Dương (ngày 09 th.03), Nhật đầu hàng ngày 15 th.08 sau Hiroshima (06 th.08) và Nagasaki (09 th.08), cuối cùng là vua Bảo Đại bị VM ép buộc phải thoái vị ngày 25 th.08-1945. Thật ra : bản chất nguồn gốc cuộc giải phóng này vẫn nằm trong thành hình của một phần tử tinh nhuệ mới (thuộc trung lưu trí thức Âu Tây hóa), đã giữ một vai trò ưu tiên (bởi vì hấp thụ nền văn hóa cải tân) trong khởi công giải thoát chính trị và xã hội của dân tộc Việt, bên cạnh và chung sức với những tầng lớp đang lên của thợ thuyền nông dân và kỹ nghệ. Sự gặp gỡ của hai nền văn hóa Á Âu là một bài học bổ ích cho dân tộc Việt Nam.
Văn Hóa là gì ? Văn hóa của một nước có thể định nghĩa là : tất cả những hình thức được hấp thụ về cư xử của những người dân trong xã hội mà họ sinh trưởng ; văn hóa biểu lộ (bề ngoài) bằng cách thức sống, thói thường và nghi thức, liên quan nghệ thuật và tư tưởng, và trau giồi (bề trong) bởi giáo dục và kinh nghiệm xử thế làm cho họ có một sức tri giác về triết lý và tôn giáo của thế gian… Văn hóa là những cái gì còn lại lúc ta đã quên hết tất cả, như Édouard Herriot đã nói : « La culture c’est ce qui reste quand on a tout oublié ». Văn hóa là mọi phương diện trí thức của một quốc gia văn minh.
Nước Việt Nam giữa hai thế chiến, về mặt này không được Âu Tây hóa một cách vô hại ! Nhưng với nhiều hạnh phúc, hạng thượng lưu trí thức (élite intellectuelle) đã lợi dụng cơ hội này để giải thoát dân ta ra khỏi vòng Pháp thuộc. Mặc dầu chuyển động chính trị, và qua bao cuộc thăng trầm trong lịch sử, người Việt Nam vẫn thấm nhuần triết lý Khổng như người Tàu đã để lại và ngoài ra còn tiếp tục thực hành những nghi lễ tôn giáo thuộc đạo Phật cũng như Đạo giáo (taọsme). Nho giáo và Đạo giáo, cũng như Phật giáo là nguồn gốc của những học thuyết ngoại đạo (doctrines areligieuses), mục đích không phải tôn sùng một thần thánh mà chỉ giảng dạy cho loài người những con đường đức hạnh. Chữ quân tử (hiền minh) thật đúng là định nghĩa của ba học thuyết này.
Học thuyết của Lão tử làm nổi bật những quan niệm Trống Không, Vô Hình và Bất tác dụng. Như vậy, người quân tử không làm xáo lộn động tác của vạn vật, bởi vì bất cứ hành vi nào cũng xui giục ngay một phản ứng, với nhiều kết quả tai hại. Đó là một thái độ an nhàn, vô vi (inaction), thần diệu, làm cho người quân tử được hòa nhịp với thiên nhiên. Hơn nữa, quan niệm Trống Không, như tác giả Kaltenmark (Lao-Tseu et le Taọsme, trong « Maỵtres Spirituels », Ed. du Seuil 1965) đã viết : « … rất hiệu quả bởi vì nó có thể – tương tự cái bễ (thổi lò) - sản xuất hơi bao giờ và mấy cũng được ». Ở nước ta, triết lý này được xem như một tôn giáo, nhưng vì trong thực hành có tinh thần ảo thuật, « đạo» này đã mau biến hóa thành phép phù thủy, lên đồng.
Phật giáo có ảnh hưởng sâu xa trong văn hóa Việt từ ngàn xưa : Chia ra ba nhánh ngay khi Phật (đồng thời với Khổng và Lão, sinh vào khoảng 560 trước Thiên Chúa), vừa mất lúc 80 tuổi : Tiểu thừa (Hinayana), Đại thừa (Mahayana) và Phật giáo áp dụng ở Tây Tạng và Mông Cổ (Véhicule tantrique – Vajrayana). Đại thừa được tu hành ở Trung quốc, Triều tiên, Nhật bản và Việt Nam. Tuy nhiên, Tiểu thừa vẫn còn ứng dụng ở những vùng biên giới Việt Miên. Một điểm chung giữa Tiểu và Đại thừa : Phật giáo là một vô thần đạo và bất khả tri luận (agnostique : chủ trương rằng trí người không thể biết được tuyệt đối, huyền học - métaphysique - không thể làm thí nghiệm). Hạnh phúc vĩnh cửu chỉ do chính cá nhân thực hiện một mình (không có sự can thiệp của thần linh), nhờ trầm tư mặc tưởng mà người ta gọi là thiền (méditation) đặng đạt được cái trạng thái không dục vọng và không hiềm kỵ (oán hận), có nghĩa là thanh lãng, yên tịnh, êm đềm.
« Là một dân tộc thấm nhuần văn hóa và văn minh Tàu tự ngàn xưa, người An Nam đã sống gần 20 thế kỷ trong vùng ảnh hưởng của Tàu, lúc thì dưới sự lệ thuộc chính trị, lúc thì độc lập, nhưng bao giờ cũng bị ảnh hưởng trí thức và luân lý của nước này » (trích Phạm Quỳnh trong Nouveaux essais franco-annamites, Huế 1938, tr.2). Hiển nhiên nước ta đã hưởng thụ của Tàu một di sản văn hóa đặc tính, sâu mạnh : Nho giáo ( chữ nho - chữ của người Tàu - là chữ ta, quốc ngữ lại gọi là tiếng nôm ), nhất là về mặt tinh thần, đạo đức. Văn chương nước ta « đã chịu đựng hơn nghìn năm sự ép uổng của hình thức và nghi thức trong giáo huấn cổ truyền, và bị hạn chế cùng kiểm soát qua những cuộc thi cạnh tranh dùng toàn chữ Hán » (Nguyễn Văn Huyên, La civilisation annamite, Hà Nội 1944, tr. 273).
Trung trực với vua, hiếu thảo với cha mẹ, vợ phải trung thành với chồng, tận tình giữa bạn hữu…, đó là những điều giảng dạy của Khổng tử, nền tảng cho giáo dục nước Nam phong kiến, mà Phạm Quỳnh đã chỉ trích : « Không một cửa mở vào đời sống và thực tế, toàn là hình thức, tự hình giáo dục (verbalisme), hùng biện, văn chương » (xem sách nói trên, tr. 10). Cá nhân xem như không có, vì phải nhường chỗ cho gia đình, thôn xóm mà họ nằm trong khuôn khổ định trước. Cựu quốc An Nam là một « thế giới » hư ảo, chống khoa học. Nho giáo về mặt này có lẽ đã làm hại tương lai của một dân tộc bằng cách ngăn cản mỗi một cá nhân được ý thức về những quyền lợi căn bản quan trọng nhất của chính mình. Một nhà thuyết trình năm 1949 tại Sài Gòn, ông Đoàn Quan Tấn đã nói lên : « Trước đô hộ Pháp, văn minh Việt Nam là một văn minh của bổn phận » (L’évolution de la civilisation vietnamienne et le problème franco-vietnamien, Sài Gòn 1949). Nước Việt Nam – duới khía cạnh này – và trước khi bị Pháp chiếm đóng, là một « xã hội kín » (société close) theo dụng ngữ của Bergson trong « Hai nguồn gốc của luân lý và tôn giáo » (Les deux sources de la morale et de la religion). « Một xã hội riêng biệt, theo André Hauriou (Démocraties et forces religieuses, Paris 1958, tr. 147)… mà trong đó các thành viên tương thân tương trợ lẫn nhau, dửng dưng đối với kẻ ở ngoài, song lúc nào cũng sẵn sàng tự bảo vệ trước và chống những tham vọng của nhóm khác, nhiều lúc không ngần ngại khởi sự khởi công. Cái xã hội kín này có một luân lý và một tôn giáo, mà chức vụ cốt yếu là gìn giữ liên hợp giữa các đoàn viên ».
Sự đụng chạm giữa hai nền văn hóa, giữa hai nền văn minh mà tất cả đều chia rẽ… làm rung chuyển nền tảng của đế quốc An Nam. Bởi vì xâm lược Pháp không chỉ có mục đích truất phế các hoàng đế phản nghịch để thay thế bằng những kẻ tận tâm phục vụ thực dân, mà còn muốn và nhất là « …thay thế văn hóa cổ truyền giữ kỹ từ xưa đến nay bằng một thứ bậc xã hội mới và một văn minh khác biệt, với nguồn gốc lấy tự khoa học Pháp để thay thế văn chương Tàu » (Paul Mus, Problèmes de l’Indochine contemporaine, tr. 4).
Với nhận xét này, nhà xã hội học Paul Mus muốn cắt nghĩa tại sao cuộc chống đối Pháp lại rất mãnh liệt trong giới trí thức quan lại môn đồ Nho giáo – trong những năm đầu chiếm đóng nước Nam. Theo tác giả nói trên, đó là một « chủ nghĩa quốc gia kiến trúc xã hội » (nationalisme de structure) mà chìa khóa do các cụ kiến thức ngày xưa nắm chặt, cương quyết xua đuổi can thiệp Tây phương vào quốc sự chúng ta… Sự căng thẳng giữa hai bên đạt mức tuyệt điểm trong thập niên đầu của xâm lược thực dân : 1858 với Đà Nẳng cựu Tourane, rồi đến lượt Sài Gòn năm 1859. Trên mảnh đất Đông Nam Á bị thôn tính, sự giao thiệp của xã hội này với xã hội khác, giữa thực dân và bản xứ, bắt đầu… Song « những tập đoàn này là những tập đoàn chia biệt, đối lập với nhau, bởi nhiều điều kiện ăn ở khác nhau ; họ không ở cùng một khí hậu, cũng như không cùng một khoảng đất, họ cũng không phải là những tập đoàn sống cùng một xứ sở… » (René Maunier, Cours d’Économie et législation coloniales, Paris 1941-1942). Xã hội An Nam vào cuối thế kỷ 19 là một xã hội sống bằng cách « tự uốn nắn mình ở trong và xây tường bao vây như những đô thị Trung Hoa không chịu giao tiếp với Ma Quỉ Âu Tây (les Diables d’Occident), không biết và không muốn biết rằng ở bên kia đại dương có những gì, và chỉ tự cho mình là « đức hạnh của nhân loại » (la vertu de l’humanité) Cf. Les humanités extrême-orientales et occidentales en Indochine, Bulletin de l’instruction publique, sept.-oct.-nov. 1928).
Nước Việt Nam giữa hai thế chiến (1919-1939) sẽ sống trong một bầu không khí cách mạng chống thực dân, với ngọn đuốc sáng soi của những người đã hấp thụ những bài học của Pháp - tổ quốc nhân quyền, về ước vọng chính đáng của một dân tộc muốn hồi phục độc lập và tự do. Trong lúc phong trào chủ nghĩa thủ cựu (mouvement traditionaliste) vừa tiêu tán, những phong trào nhân dân (mouvements populaires) dưới sự dẫn đạo của trung lưu trưởng giả trí thức mới ra đời, bắt đầu giữ một vai trò ưu tiên trong màn kịch chính trị Việt Nam. Ta có thể nói - một cách không quá đáng - rằng văn hóa Âu Tây có một ảnh hưởng sâu đậm trong định thức chủ nghĩa quốc gia và những quan niệm giai cấp xã hội ở nước ta sau thế chiến 1914-1918.
Sự đụng chạm giữa hai nền văn hóa và nói một cách tổng quát giữa hai nền văn minh, có kết quả lành mạnh, vì đưa đến giải phóng các dân tộc thuộc địa. Từ Đại Học Hà Nội đến Trường Cao Đẳng Chính Trị ở Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông - Trung Hoa) và qua nơi phát nguyên cách mạng Nghệ Tịnh (Bắc Việt), phần tử trí thức tinh nhuệ mới đã ý thức sứ mệnh của mình là hướng dẫn quần chúng cần lao đi tới một cuộc sống xứng đáng của con người. Ta có thể kết luận – như Philippe Devillers, tác giả sách Sử ký Việt Nam từ 1940 đến 1952 (Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, Paris 1952) đã viết : « Chủ nghĩa quốc gia Việt Nam có thể xem như là kết quả tốt đẹp nhất mà nước Pháp đã đem lại cho Việt Nam, một kết quả mà nước Pháp có nhiều lý lẽ nhất để hãnh diện ».
Xin cảm ơn quí vị.
BRUXELLES, ngày 30 th.08-2008
Lê Mộng Nguyên
________________________________________________________
* Thuyết trình của Gs Lê Mộng Nguyên sáng thứ bảy 30 th.08-2008 trong khuôn khổ «Ngày gặp gỡ văn hóa thường niên Việt Nam Hải Ngoại » tại Bruxelles (Bỉ)từ chiều thứ sáu 29 tháng 08 năm 2008 đến sáng thứ hai ngày 01 tháng 09 năm 2008
* * *
No comments:
Post a Comment