Tình Yêu-Tình Cha Con - Đạo Đức Của Người Cộng Sản Phan Lạc Tuyên
ĐOÀN DỰ ghi chép
THUA QUÝ BẠN, như quý bạn đã biết, Đoàn Dự tôi thuờng tránh, không thích nói tới bất cứ cái gì có dính dáng tới chính trị. Bởi vì, ở truờng hợp tôi rất khó, hễ nói sơ xuất, bên ấy không bằng lòng cũng chết, bên này không bằng lòng cũng chết, chẳng thà đừng nói còn hơn. Thế nhưng tôi lại thích kể với quý bạn những chuyện có thật. Mà, những chuyện có thật thì các nhân vật của nó cũng có thật, tránh sao cho khỏi đụng chạm? Tôi lấy ví dụ, câu chuyện tình yêu của cô gái Kampuchia này, cô ta có thật, nguời cô ta yêu là “ông thầy” Phan Lạc Tuyên cũng có thật.
Muốn nói thật về Phan Lạc Tuyên rất khó, dễ bị chuyện này chuyện khác như chơi. Tôi đa định lờ đi, nói sơ sơ thôi. Nhưng đã kể chuyện thì phải có đầu có cuối. Thôi thì tôi…uống thuốc liều, cứ kể thật rõ về ông Phan Lạc Tuyên với mối tình của cô gái Kampuchia Trinh Mây rồi ai muốn nghĩ sao thì nghĩ, nếu tôi trình bầy có điều gì khiến bên này hay bên ấy không bằng lòng, xin hãy thông cảm cho tôi là được. Bây giờ tôi xin bắt đầu…
Thân thế Phan Lạc Tuyên
Phan Lạc Tuyên sinh năm 1928, là hậu duệ đới thứ 13 của họ Phan cự phách ở làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Năm 1951, đang học dở dang trường Luật tại Hà Nội, Phan Lạc Tuyên được gọi vào danh sách đào tạo Sĩ quan trừ bị khoá 1 của Quân đội Quốc gia Việt Nam (lúc này đang chiến tranh Việt-Pháp, QGVN dưới quyền Pháp và Quốc trưởng BảoĐại), chung khoá với một loạt những vị sau này sẽ là các tướng lãnh tên tuổi của quân đội VNCH, như Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Đức Thắng, Bùi Đinh Đạm, Nguyễn Bảo Trị, Chung Tấn Cang, Lê Nguyên Khang…vv.
Tới đầu năm 1960, do BS Trần Kim Tuyến giới thiệu, Phan Lạc Tuyên được Tổng thống Ngô Đình Diệm cho mời vào trong dinh với ý định “coi mặt” để cử giữ chức Tiểu khu trướng kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Dương chỉ mới có nguời tạm quyền. Nhiều người nói rằng do thấy Phan Lạc Tuyên mắt lé (sự thực là chỉ hơi lưỡng nhãn bất đồng thôi chứ không đến nỗi lé), ông Diệmcho rằng nguời mắt lé tính không trung thực nên đổi ý. Nhưng cũng có người nói chính Phan Lạc Tuyên từ chối chức vụ tỉnh trưởng do ghét chế độ Ngô Đình Diệm. Thay vào đó, ông Diệm chỉ định Tuyên làm Chỉ huy phó Liên đoàn Biệt động quân, một binh chúng vừa mới thành lập, con cưng của chế độ, dưới quyền của Thiếu tá Chi huy trưởng Lữ Đinh Sơn. Doanh trại của Liên đoàn đóng tại Sa Mát gần biên giới Campuchia, thuộc tỉnh Tây Ninh.
Vào lúc 0 giờ ngày 11-11-1960, tại doanh trại ở biên giới, Đại úy Chỉ huy phó Phan Lạc Tuyên ra lệnh cho thuộc hạ bắt giữ Thiếu tá Chỉ huy trưởng Lữ Đinh Son, giành quyền kiểm soát toàn bộ 12 đại đội của Liên đoàn Biệt động quân, chỉ để 2 đại đội ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ canh phòng, còn Phan Lạc Tuyên thì chỉ huy 10 đại đội và 12 khẩu đại bác từ Tây Ninh kéo về Sài Gòn, cùng Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Chỉ huy truởng Lữ đoàn Nhảy dù, và Trung tá Vương Văn Đông, giảng viên Truờng Đại học Quân sự, tiến hành đảo chính TT Ngô Đinh Diệm, một vị Tổng thống cũng có phần nào giống như các ông, rất nặng tinh thần quốc gia dân tộc.
Tuy cùng mưu đồ đại sự nhưng ba người khởi xướng lại không đồng nhất với nhau cả về mục đích lẫn phương pháp.
1- Nguyễn Chánh Thi thì quá lỗ mãng, võ biền, chỉ muốn gây binh biến để loại bỏ một số bộ phận mà ông ta ghét cay ghét đắng trong chính phủ và quân đội. Ý thức chính trị của Nguyễn Chánh Thi rất mù mờ.
2- Vương Văn Đông thì ngược lại, tuy không có lấy một người lính thuộc quyền làm thực lực nhưng lại quá nhiều mưu mô và tham vọng chính trị. Ông ta đang thậm thụt liên lạc với một số những tay Phòng Nhì Pháp cũ như Quách Sến, Nhữ Đinh Lan lưu vong tại Campuchia (lúc ấy thuờng gọi là Căm-Bốt, hoặc Cao Miên theo tiếng Việt). Đầu óc thân Pháp của Vương Văn Đông vẫn còn nặng nề, mơ tưởng tái lập ảnh hưởng chính trị của Pháp trên đất miền Nam.
3-Phan Lạc Tuyên thì thừa nhiệt tình, thực tâm muốn chấm dứt quyền lực của một chế độ mà ông ta phật ý, song cũng chưa hình dung ra được sẽ thay chế độ đó bằng cái gì.
Cả 3 vị lãnh đạo cuộc đảo chính đều không có chút ý thức nào về việc “chăm dân, trị quốc” nếu lật đổ được anh em ông Diệm .
Lẽ ra cuộc binh biến chỉ nổ ra sau 0 giờ ngày 12-11-1960, chậm hơn so với thực tế một ngày. Nhưng vì không có quân trong tay, sợ mất vai trò lãnh đạo sau khi đảo chánh thành công, do đóVương Văn Đông cố tình phát động binh biến truớc 24 giờ, sau đó mới báo cho Nguyễn Chánh Thi biết để đặt kẻ đồng mưu trước việc đã rồi. Mục đích của Đông là tạo cơ hội để giành quyền bầy binh khiển tướng, tự nâng cao vai trò của mình.
Vì bị động nên các đơn vị tham gia đảo chánh thi hành không đồng bộ. Mãi đến trưa ngày 11-11, mục tiêu quan trọng nhất là Dinh Độc Lập (dinh cũ, chưa bị hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử bỏ bom năm 1962) vẫn chưa bị chiếm. Bên trong hàng rào Dinh Độc Lập, sức kháng cự của Lữ đoàn liên minh phòng vệ tổng thống phủ vẫn còn rất mạnh.
Từ sân Bộ Tổng tham mưu, 12 khẩu đại bác 105 ly của Phan Lạc Tuyên đã nhắm hướng Dinh Độc Lập, lấy sẵn tọa độ, sẵn sàng trút sấm sét giã nát lực lượng phòng thủ trong Dinh nếu Đại tá Nguyễn Chánh Thi ra lệnh. Nhưng miệng lưỡi khôn ngoan của Trung tá Đông đã thuyết phục được Thi bãi bỏ lệnh xạ kích, vì: “Tổng thống đã xin điều đình, ta phải tin”. Thay vào đó, hai ông Thi và Đông quay sang chuẩn bị họp báo, ra tuyên ngôn…cùng các “chính khách” Phan QuangĐán, Phan Khắc Sửu, Luật sư Hoàng Cơ Thuỵ, Linh mục Hồ Văn Vui... nên bỏ lỡ cơ hội.
Bằng hệ thống điện đài cực mạnh trong Dinh Độc Lập, Tổng thống Ngô Đình Diệm có thời giờ liên lạc, gọi các tuớng lãnh trung thành đem quân về tiếp cứu. Trong khi các ông Thi, Đông, Tuyên tin tưởng vào lời hứa đầu hàng của Tổng thống, vẫn loay hoay thương thuyết cả ngày trời với ông Võ Văn Hải, bí thư riêng của ông Diệm về cách thức chuyển giao quyền lực tại Bộ Tổng tham mưu, hai ông Diệm, Nhu sẽ lưu vong ra sao..vv.., thì khuya ngày 11-11, ba bề bốn bên, quân “cứu giá” đã ùn ùn kéo về Sài Gòn.
1- Sư đoàn 7 của Tướng Huỳnh Văn Cao từ Biên Hoà vào.
2- Sư đoàn 13 của Đại tá Trần Thiện Khiêm từ Mỹ Tho lên.
3- Sư đoàn 5 của Đại tá Nguyễn Văn Thiệu từ Bảo Lộc xuống...
Trong nội đô, một loạt các đơn vị khác như Lữ đoàn Thiết giáp của tướng Lê Nguyên Khang từ Gò Vấp, lực luợng hải quân của đề đốc Chung Tấn Cang ở Bến Bạch Đằng cũng đang rục rịch tấn công vào cạnh sườn quân đảo chính.
Hành sự như một tay tập sự, ông Nguyễn Chánh Thi phạm thêm một sai lầm khác là không cho quân đảo chánh chiếm Đai Phát thanh, cắt dây điện thoại. Đúng 1 giờ trưa ngày 12-11, đài công khai phát lời hiệu triệu của Tổng thống Diệm, tiếp tục kêu gọi các đơn vị đưa quân về Sài Gòn dẹp loạn.
Biết thất bại đã gần kề, hai ông Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông cho bắt Trung tướng Tư lệnh Biệt khu Thủ đô Thái Quang Hoàng, ném lên xe Jeep, phóng ra phi trường Tân Sơn Nhất, đẩy lên một chiếc máy bay DC4, ép buộc Đại uý Phan Phụng Tiên phải cầm lái rồi bay thẳng sang Phnôm Pênh xin tị nạn chính trị.
Về phần Đại uý Phan Lạc Tuyên, mới đầu Tuyên định liều mạng đánh một trận cuối cùng. Nhưng một số sĩ quan thuộc quyền xúm vào can ngăn khiến ông thay đổi ý định. Cùng với Trung úy Ân, Hạ si Thúc và một người lính, vị đại uý đảo chánh bất thành này dùng xe Jeep chạy về Tây Ninh.
Tại cửa khẩu Sa Mát phía bên Việt Nam, Phan Lạc Tuyên đưa thẻ Chỉ huy phó Biệt Động Quân,đánh lừa cho những người lính gác sơ hở, giúp Hạ sĩ Thúc có cơ hội vọt lên, tung gãy chiếc barrière chắn đường, phóng chiếc xe Jeep trên đó có 4 tay đào tẩu chạy thẳng sang đất Căm-Bốt, bắt đầu cuộc sống lưu vong.
Sau khi thẩm vấn, nhà chức trách Cao Miên đưa nhóm của Phan Lạc Tuyên về trại tị nạn Mônivông ở Phnôm Pênh. Hai ông Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông đào tẩu bằng máy bay đã tới trước, cũng ở trại này. Tuy nhiên, những mâu thuẫn sâu sắc về quan điểm và những bất mãn, đổ tội lẫn nhau khiến ba kẻ lãnh đạo đảo chánh tách riêng mỗi nguời một nơi, không thèm nhìn mặt nhau. Mỗi người trong số họ lại tiếp tục theo đuổi ý định riêng, có quan điểm chính trị riêng.
Nắm được tư tuởng lung lay, “lập trường không phải lập truờng” của Phan Lạc Tuyên và các đàn em này đã là “cựu” Biệt Động quân, CS bèn liên lạc, lôi kéo. Một cuộc gặp gỡ bí mật đã diễn ra tại toà soạn báo Trung Lập, một tờ báo do “Mặt trận Giải phóng miền Nam” thành lập, tại số 380 đường Mônivông. Ở đây, Phan Lạc Tuyên được các ông Trần Văn Kiêm (chủ bút), Hai Lý (đại diện ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam) và Nguyễn Thế Thịnh (công nhân in) tiếpđón. Sau buổi tiếp xúc, Phan Lạc Tuyên đã nhận lời giữ liên lạc với ban Binh vận Trung ương Cục.
Ít lâu sau, phía Campuchia tách những nguời tị nạn thành 3 nhóm, cho đi 3 trại khác nhau tuỳ theo tư tưởng chính trị của họ. Nhóm của Phan Lạc Tuyên và các đàn em cựu Biệt động quân ở trong trại Tung Miênchay, nguyên trước đây là một chuồng ngựa cũ của Pháp. Thông qua Sa Biêng, một lính gác người Miên gốc Việt, sách báo, tài liệu của CS đã được chuyển vào trong trại cho nhóm của Tuyên. Từ sự thuyết phục của Phan Lạc Tuyên, các Trung úy Ân, Trung uý Hồ Công Minh, Thiếu úy Thái Trần Trọng Nghiã, Hạ sĩ Thúc và một số người khác đã đồng lòng cùng Tuyên theo về với “Mặt trận Giải phóng”.
Tháng 3 - 1962, tất cả mọi người tị nạn chính trị đều được phép ra khỏi trại, tự do kiếm việc làm trong thành phố Phnôm Pênh, chỉ mỗi tháng phải đến trình diện nhà chức trách địa phương một lần. Nhờ vốn tiếng Pháp và khả năng viết báo, Phan Lạc Tuyên xin được một chân trong ban biên tập tờ La Dépêche Du Cambodge (Điện Báo Campuchia) do Châu Seng, Bộ trưởng Thông tin sáng lập.
Biết tính nết ngang ngược, coi trời bằng vung của Phan Lạc Tuyên, ông Bộ trưởng kiêm Chủ bút luôn luôn nhắc nhở: “Viết gì cũng được nhưng đừng có quá khích. Ông Diệm cho mật vụ qua ném lựu đạn vô toà soạn thì chết đấy”.
Phan Lạc Tuyên nguyên là một nhà thơ (bài Tình Quê Hương do Nhạc sĩ Đan Thọ phổ nhạc từ năm 1953 hết sức nổi tiếng, ai cũng thuộc lòng vài câu:”Anh về qua xóm nhỏ. Em chờ dưới bóng dừa. Nắng chiều lên mái tóc. Tình quê hương đơn sơ…”).
Nhờ sự giới thiệu của ông Châu Seng, ít lâu sau, Phan tạc Tuyên vừa làm báo vừa được mời dạy môn Văn chương Pháp tại Lycée Anna Kout do Hoàng thân Virya, cậu ruột của ông hoàng Shihanouk làm Hiệu trưởng. Từ đó, một nữ sinh học trò của Tuyên, thuộc một gia đinh quý phái, có cảm tình với “thầy”…
Cô gái Campuchia
(Hình 2: hình Kathy Trinh Mây)
Tên nàng là Katherin Trinh Mây, thường gọi là Kathy, nữ sinh năm cuối trung học. Mẹ gốc Hoa lai Việt. Bố là người Campuchia hiện đang giữ chức Giám đốc Sở Y tế Thủ đô Phnôm Pênh. Kathy thừa hưởng được cả nét duyên dáng của mẹ lẫn sự thông minh, học thức của bố. Ngay chính bản thân cô cũng thành thạo 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Hoa, Pháp, Miên. Ngoài ra, Kathy lại là hoa khôi của trường Anna Kout.
Xuất thân quý phái, được cưng chiều và ưa mơ mộng, Kathy tỏ ra đặc biệt quan tâm đến “người hùng sa cơ lỡ bước” Việt Nam của mình. “Thầy” giỏi tiếng Pháp, lại là nhà thơ, những giờ dạy văn chương lãng mạn Pháp đã gieo vào lòng cô gái thông minh không thua gì thầy những giấc mơ bay bổng.
Thật ra, lúc ấy tuy mới 33 tuổi – cái tuổi các cô gái rất thích – nhưng Phan Lạc Tuyên đã có một người vợ chính thức cưới từ năm 1953 ở ngoài Bắc và có 3 con gái với bà này (Phuong Lan, Bạch Tuyết, Hoàng Yến). Sau khi vào Nam, là trung uý QĐVNCH, ông lấy thêm một bà khác tên Bùi Thị Nga, giáo viên tiểu học và có với bà này 2 con, 1 trai 1 gái (Phan Quốc Hung, Phan Thị Hoài Hà), tất cả đều sống ở khu Ông Tạ. (Trước năm 75, bà Bùi Thị Nga bị bệnh tâm thần,được đưa vào Dưỡng trí viện Biên Hoà, nay đã qua đời). Kathy không cần biết đến những chuyện đó, cô không cần hỏi ông “thầy” đã có vợ con hay chưa.
“Thầy” ở một mình trong căn gác trọ. Thỉnh thoảng Kathy lại mượn cớ đến nhờ thầy giảng giùm một đoạn văn Pháp, giải thích giúp một vài thành ngữ khó, sau đó cô giúp thầy thu dọn nhà cửa, giặt ủi quần áo, những công việc mà ở nhà chẳng bao giờ cô phải mó tay vào.
Còn khi đi học, Kathy thường làm như tình cờ, lái chiếc xe hơi riêng của mình đi qua nhà thầy để“thầy” đi nhờ. Mỗi lần như thế cô thường nhường tay lái cho thầy còn mình thì ngồi bên cạnh. Những ngày nghỉ lễ cô hay mời thầy đến nhà mình ở số 17 đuờng Yukanthor, ở chơi ăn cơm, chuyện trò với cha mẹ.
Ông Giám đốc Sở Y tế Phnôm Pênh cha của Kathy vốn là nguời có quốc tịch Pháp nên ghét ông Diệm. Phan Lạc Tuyên chống ông Diệm, điều này khiến ông càng quý mến “Mr. Le professeur Tuyên” hơn.
Kathy đã được Tuyên tâm sự về việc theo CS, cô cho biết cô sẵn sàng từ bỏ đời sống nhung lụa để đi theo “thầy” đến bất cứ nơi nào, kể cả sang Việt Nam mà cô chỉ nghe nói chứ chưa hề biết.
Tháng 7 năm 1963, Kathy đã thi đậu vào Đại học Y khoa Phnôm Pênh, nhóm cựu Biệt động quân Tuyên, Ân, Thúc, Minh… nhận được chỉ thị của Trung ương Cục ra lệnh rời đất Campuchia để về miền Nam nhận công tác do “Mặt Trận” giao phó.
Chuyến đi phải tuyệt đối giữ bí mật, không được tiết lộ ngay cả với những người thân thiết nhất, bởi vì lúc ấy chính phủ Nam Vang đang nghiêm cấm các hoạt động chính trị, hễ lộ ra là sẽ bị kẹt lại. Phan Lạc Tuyên mới theo về với “cách mạng”, muốn lập công nên càng ra sức giữ gìn hơn. Ông lặng lẽ dứt áo ra đi, không tiết lộ cho Katherin được biết. Kỷ niệm duy nhất mà ông đem theo là tấm hình Kathy chụp nghiêng, gương mặt xinh xắn, tươi cười (xin xem hình).
Sang tới căn cứ ở Tây Ninh, mọi người được phân tán ra, sau đó Phan Lạc Tuyên nhận được chỉ thị theo giao liên vượt Trường Sơn, ra Bắc, tham gia các hoạt động binh vận miền Nam, hô hào giải phóng.
Năm 1971, Ba Lan cho học bổng, không mấy người đi vì họ ít biết tiếng Pháp hoặc tiếng Ba Lan (Ba Lan không nói tiếng Nga), Phan Lạc Tuyên bèn xin đi.
Sau 3 năm ở Ba Lan và đã trở về Hà Nội được hơn 1 năm, tới ngày “giải phóng” 30-4-1975, Phan Lạc Tuyên tự động vào Sài Gòn rất sớm, không có phân phối công tác của cơ quan nào cả và ở luôn trong Nam, phất phơ bằng nghề dạy Phật học tại các chùa, không có cơ quan công tác chính thức. (PL Tuyên không được vào đảng).
Trong thời gian ở trong Nam, Phan Lạc Tuyên có biết đôi chút tin tức về Kathrin, người con gái Campuchia thông minh và giàu tình cảm đó: Sau khi Tuyên đi, Katherin thương nhớ, chờ đợi. Tuyên vẫn bặt tin. Đợi chờ không nổi, cô được cha mẹ cho sang Pháp du học, tốt nghiệp bác si Y khoa tại Pháp rồi lấy chồng nguời Pháp gốc Campuchia cũng là bác sĩ. Tin tức đến với Tuyên chỉ có bấy nhiêu, không hơn.
Sự thật, đối với Phan Lạc Tuyên, Katherin chỉ như một kỷ niệm đẹp vậy thôi. Bởi vì như trên đã nói, trước khi di cư vào Nam Tuyên đã có một người vợ và có với bà này 3 con. Rồi trong khi còn là sĩ quan QĐVNCH, tuy có vợ đấy nhưng Tuyên lấy thêm bà Bùi Thị Nga và có với bà này 2 con. Ra ngoài Bắc, Tuyên lấy bà Đỗ Thị Hồng Phấn, cán bộ y tế (y tá trong cơ quan nhà nuớc), có thêm 2 con với bà này, ấy là chưa kể các mối tình “lặt vặt” khác.
Ta hãy nghe lời bà Hồng Phấn nói với Tuyên khi, sau 30-4-75, Tuyên muốn bà đi với mình vào trong Nam: “Tôi khổ quá ông Tuyên ơi! Ông là cái thứ tiểu tư sản, lại ngụy quân cũ! Đảng muốn tôi lấy ông để cảm hoá ông. Nào ngờ ông vẫn tính dê như quỷ, đi đến đâu là dính đàn bà đến đấy. Mà bây giờ lại có 2 vợ trong ấy rồi, cả một đống con. Tôi theo ông vào Nam tôi xấu hổ với bạn bè tôi lắm. Bạn tôi đứa nào lấy chồng tập kết ra Bắc bây giờ gia đình trong Nam viết thư ra cũng nhà cao cửa rộng chờ đón! Thôi tôi bỏ ông, tôi ở lại Hà Nội!”. (Theo lời kể của bà Thu Khanh, cô giáo, vợ của Cố Thi sĩ Đại uý QLVNCH Phan Lạc Giang Đông em ruột Phan Lạc Tuyên, đi cải tạo 13 năm rưỡi, sang Mỹ năm 1994 theo diện HO, mất năm 2001 tại Mỹ). Như vậy chúng ta thấy tình yêu của Phan Lạc Tuyên đối với cô gái Campuchia chưa chắc đã phải là một mối tình tha thiết như cô đối với ông.
Năm 1980, sau khi đã định cư lâu dài ở phường 18, quận Tân Bình, Sài Gòn, một hôm Phan Lạc Tuyên tình cờ gặp một phụ nữ người Hoa cùng ở cùng phường, cho biết bà là bà con với bên nhà chồng của người chị cả của cô gái Campuchia tên Trinh Mây. Người chị cả này hiện ở Gò Vấp, sắp đi với chồng sang Pháp. Phan Lạc Tuyên giật mình ngạc nhiên, bèn xin địa chỉ rồi lên Gò Vấp tìm kiếm. Cuối cùng Tuyên đã gặp được bà chị cả đó. Cũng may, chỉ hai bữa nữa bà sẽ lên máy bay sang Pháp.
Người chị tiếp đải Tuyên rất tử tế. Bà vừa chậm nuớc mắt vừa sụt sùi khóc và kể cho Tuyên nghe bằng thứ tiếng ngòng ngọng của nguời Campuchia nói tiếng Việt nhưng rất rành rẽ nghe tiếng Việt…
Sau khi Tuyên đi, Katherin đến căn gác trọ. Cô thấy vắng tanh và không hiểu tại sao anh ra đi như vậy mà không một lời từ giã. Nhưng cô không trách anh vì đoán phải có lý do nào đó quan trọng nên anh mới giữ bí mật đến thế. Dù đau đớn, cô vẫn tin sẽ có ngày anh trở lại. Cô khóc một mình rồi nhặt nhạnh các giấy tờ, khung ảnh mà anh để lại, đem về cất giữ, nâng niu như những kỷ vật.
Cô học hết năm thứ 3 Đại học Y khoa Phnôm Pênh thì được cha mẹ cho sang Pháp du học, tiếp tục ngành Y. Đến tháng 2 năm 1965, báo chí đảng Cộng sản Pháp đăng tin Hội nghị Nhân dân Đông Dương sẽ đuợc tổ chức tại thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia. Cô mừng như bắt được vàng khi coi danh sách đoàn đại biểu MTGPMN tham dự hội nghị có tên Phan Lạc Tuyên. Ngay lập tức cô gác việc học sang một bên, mua vé máy bay bay về Phnôm Pênh với hy vọng gặp được ông “thầy” mà cô yêu thương tha thiết.
Suốt mấy hôm liền, sáng nào Kathy cũng ôm một bó hoa tươi đứng chờ bên lề đường trước cổng của nơi diễn ra hội nghị. Nhưng nguyên tắc của các đoàn đại biểu hết sức nghiêm ngặt. Mỗi sáng, xe đến đón tận cửa khách sạn nơi các đại biểu ở. Đưa đến hội nghị xe cũng đậu sát bậc thềm trước phòng tiền sảnh. Khi trả các đại biểu về khách sạn cũng vậy, hết sức kỷ luật. Ngoài ra, các đại biểu – nhất là đoàn Việt Nam - tuyệt đối không được quyền có bất cứ một cuộc tiếp xúc riêng tư nào khác. Do đó, Kathy không gặp được Phan Lạc Tuyên, cô chán nản trở lại Pháp.
Sau khi đã tốt nghiệp bác sĩ y khoa, tuổi cũng đã lớn, không thể chờ đợi được nữa, Kathy lập gia đình với một bạn đồng nghiệp cùng quốc tịch Pháp gốc Campuchia nhưng đã ra trường trước nàng nhiều năm và đã đậu xong tiến sĩ y khoa. Nhân cha của Katherin làm giám đốc Sở Y tế Phnôm Pênh nay đà hưu trí, hai người bàn nhau trở về Campuchia, làm bác sĩ giải phẫu trong Bệnh viện Pnôm Pênh. Họ sinh đuợc một con gái.
Tháng 4-1975, Khmer Đỏ tiến vào “giải phóng” Phnôm Pênh. Dân chúng vui mừng hớn hở đem biểu ngữ, cờ quạt ra đón. Nhưng chỉ 3 hôm sau, Pôn Pốt theo lệnh của Trung Quốc, đuổi hết dân chúng ra khỏi thành phố và bắt đầu tiêu diệt. Họ giết dân bằng súng ống, xẻng cuốc hay bất cứ cái gì mà họ có thể đập vỡ sọ được. Gia đinh Katherin Trinh Mây đều chết hết trong nạn diệt chủng tàn bạo và ngu xuẩn đó, kể cả đứa con gái mới lên 2 tuổi của vợ chồng Trinh Mây. Chỉ riêng bà chị cả – tức người đang nói chuyện với Phan Lạc Tuyên – là sống sót. Bà lấy chồng người Hoa, gia đình nhà chồng làm nghề buôn bán ở bên Việt Nam, lúc ấy bà đang ở Việt Nam nên thoát chết. Bà không ngờ có dịp được kể lại mọi chuyện với Phan Lạc Tuyên, người mà bà biết là em gái bà đã yêu thương tha thiết. Lúc ấy, năm 1980, Tuyên 52 tuổi.
Bà Thu Khanh kể về Phan Lạc Tuyên
Cũng như Phan Lạc Giang Đông (tên thật, không phải bút hiệu), Phan Lạc Tuyên là một nhà thơ. Tâm hồn các nhà thơ thì thường phóng khoáng, rất đẹp. Nhưng riêng Phan Lạc Tuyên, không phóng khoáng, không đẹp. Chúng ta hãy nghe bà Thu Khanh, vợ của Phan Lạc Giang Đông, tức em dâu Phan Lạc Tuyên, nhà ở khu Ông Tạ, hiện nay đang ở bên Mỹ, thuật lại trên Internet những ngày đầu trở về của anh ruột chồng:
“Vào tháng 8 năm 1975 - nghiã là sau 30/4/75 ít tháng thì nguời anh chồng tôi là Phan Lạc Tuyên trở về Sài Gòn. Tuyên mặc quần áo bộ đội, đi dép râu, đội nón cối, vai đeo ba lô, tay dắt đứa con trai nhỏ 6 tuổi tên là Phan Đỗ Trí (con của vợ lấy ở ngoài Bắc ).
Hôm đó bố chồng tôi đã được báo trước nên cụ ngồi ở nhà cả ngày để chờ. Quả thật làm cha mẹ ai mà không mừng rỡ khi con cái xa cách bao nhiêu năm nay trở về, nên tâm sự cha chồng tôi cũng thế. Cụ rưng rưng lệ, ôm lấy PL Tuyên và ôm đứa cháu nội nay mới 6 tuổi.
Kế đó là chú Tùng, người chú rể, nhà ở đối diện với cổng nhà tôi ở khu Ông Tạ. Chú nghe thấy tiếng reo mừng nên chạy qua, ôm lấy PL Tuyên mà hôn thắm thiết vào hai bên má. Tôi rất ngạc nhiên vì chú hôn đúng mốt xã hội chủ nghia chiếu trên ti vi gần đây. Hiện chú đang được làm tổ trưởng dân phố.
Sau khi hàn huyên và dẫn Tuyên đi thăm Bà trẻ (vợ kế của bố chồng tôi) ở Vuờn Soài, có cửa tiệm buôn bán vàng bạc, và thăm một ông chú cũng ở Ông Tạ, nhà cao cửa rộng, cũng có cửa tiệm buôn bán vàng bạc. Ăn cơm xong, bố chồng tôi bảo Phan Lạc Tuyên: “Đây là khu Công giáo, anh ở không được đâu, người ta ghét anh lắm. Anh đi với bố sang nhà chú Tư, bên ấy rộng rãi, sang trọng, có tiền có bạc, có người hầu hạ, bố con anh ăn uống đầy đủ và an ninh hơn”.
PL Tuyên suy nghĩ một lát rồi đứng lên đeo ba lô và dẫn con đi theo ông cụ.
Tới khoảng 10 giờ đêm bố chồng tôi mới trở về nhà, nét mặt cụ rất tươi vui….
Hơn một tháng tôi không gặp PL Tuyên trở lại. Bỗng một hôm, sáng sớm Chủ nhật, tôi được con gái của PL Tuyên đua mẩu giấy, trong đó PL Tuyên ghi: “Thím Giang, tôi mời thím đúng 9 giờ sáng nay phải đến nhà ông Tú Tài để có cuộc họp quan trọng. Thím phải đúng giờ và không được vắng mặt”.
Tôi rất ngạc nhiên nhưng cũng đến đúng giờ. Khi bước vào cửa, tôi được chỉ lên trên lầu.
Cái lầu 3 của nhà ông Tú Tài (em ruột cụ Phan Vọng Húc, bố chồng tôi), có một chiếc bàn dài, kê ghế hai bên. Mọi người đã đông đủ, một bên là cụ Phan Vọng Húc, Bà trẻ, đến hai cô con gái Bà trẻ. Một bên là các con Phan Lạc Tuyên, gồm: Phan Thị Phuong Lan , Phan Thị Bạch Tuyết , Phan Thị Hoài Hà, Phan Quốc Hung. Có một chỗ trống ở đầu ghế dài này là chỗ giành cho tôi ngồi.
Hai đầu bàn thì chỉ có một cái ghế dựa trống. Còn Phan Lạc Tuyên đứng. Tôi buớc vào chỗ xong, quả thật tôi nín thở - Không hiểu điều gì sẽ xảy ra! Chắc chắn không phải là một cuộc họp mặt vui vẻ!
Dăm bảy phút trôi qua mà sao nghe lâu và nặng nề quá! Phút chờ đợi đã tới.
Ông Tú Tài đã từ lầu dưới đi lên, bước vào! Ông là chú của chồng tôi nên tôi chào: “Thưa chú!”, còn thì không ai chào cả!
Phan Lạc Tuyên tay kéo ghế dựa, chỉ ông Tu Tài: “Mời ông ngồi đây!” rồi lên tiếng ngay và nói liên tu:
“Thưa ông Tu Tài! Tôi xin lỗi, ông và tôi trong xã hội mới không ngồi chung một chiếu. Ông chiếu khác, tôi chiếu khác. Do đó hôm nay, sau một tháng mười ngày tôi và hai con tôi ăn ở tại nhà ông là để xác định rõ ràng chúng ta không thể ngồi cùng một chiếu! Vở kịch của chúng ta đến đây đã chấm dứt. Nay, truớc sự hiện diện của bố tôi: cụ Phan Vọng Húc, mẹ kế tôi và thím Giang Đông, tôi tuyên bố trả lại tiền ăn một tháng mười ngày - đúng theo tiêu chuẩn xã hội chủ nghia - là 15 kí gạo.Và tôi dọn ra khỏi nhà ông. Bạch Tuyết! Đem gạo ra đây trả cho ông Tu Tài!”.
Ông Tu nhìn túi gạo để ngay truớc mặt rồi nói:
“Thưa bác Sếp (bố chồng tôi trước 1954 làm trưởng phòng Địa Chánh nên mọi người gọi là cụ Sếp) và thưa anh Tuyên, chú nghĩ anh về là chú mừng và nhất là anh lại đậu tiến sĩ về khoa khảo cổ, nên khi chú nghe tin bác Sếp và anh nói muốn tạm thời ở nhà chú thì chú mừng rỡ nhận lời ngay. Chú cũng có ý muốn gần anh để lúc rảnh sẽ trao đổi với anh đôi điều về sách vở, thơ phú. Nào ngờ vì lý do gì, anh giận chú mà bỏ đi đột ngột và trả chú 15 kí gạo thế này. Quả thật chú cũng chỉ thuê riêng một người để hầu hạ anh và hai cháu thôi chứ chú cũng biết trong xã hội mới đâu có quyền thuê người ở để hầu hạ mình như truớc.
Cách mạng về thì chú cũng chấp hành ngay mọi việc mà! Nay giá anh cho chú một cục đá khảo cổ để chú làm kỷ niệm chứ gạo thì tuy nhà ai cũng khó khăn nhưng chú còn lo được, còn cái tình chú cháu khó kiếm lại được! Chú hiểu thân phận chú không cùng một chiếu với anh thì dù nhà nước muốn xử thế nào chú cũng chấp nhận chứ không dám nhờ anh che chở. Kể cả các em đi cải tạo cũng phó mặc cho số trời! Chưa bao giờ chú nói nhờ vả hoặc xin xỏ anh một điều gì cả”.
Ông Tu Tài nói xong, Phan Lạc Tuyên tuyên bố: “Giải tán!”. - Tất cả mọi người ra về”.
Đấy là đoạn mở màn, bây giờ chúng ta xem một đoạn khác của bà Thu Khanh:
“Sau ngày đánh tư sản thì tới ngày cho kê khai nhà cửa, ai diện nào bị đi kinh tế mới, ai được hợp thức hoá nhà và cho chuyển hộ khẩu...vv.
Tôi ở chung hộ khẩu với gia đinh nhà chồng từ khi lấy Giang Đông. Nay Tuyên muốn tôi phải tách hộ khẩu vì không muốn có trong hộ khẩu vợ con của một thằng em là sĩ quan ngụy đang đi cải tạo.
Tuyên mời bố chồng tôi ra làm việc. Đầu tiên, cụ được lệnh mở cái rương kê duới gầm bàn thờ. Tuyên lục lọi trong đó, bắt được lá đơn cụ viết gửi cho cảnh sát quận Tân Bình với nội dung nhờ cảnh sát đưa chị Bùi Thị Nga vào Duỡng trí viện Biên Hoà vì chị bị tâm thần, cứ gọi tên các vị lãnh đạo quốc gia ra mà chửi.
Đọc đơn đó Tuyên đã nổi sùng nhưng vẫn lục tiếp và lôi ra tấm hình cụ Húc chụp chung với hai nguời Mỹ. Hai người này vốn là cố vấn Văn hóa, xin chụp chung vì cụ là nhà nghiên cứu, có tên trong ban Tu Thu và Dịch thuật, đã được Giải thưởng Văn học - Dịch thuật với cuốn sách cụ dịch có tên “Phan Trần trá hôn”. Và Tuyên tiếp tục lôi ra một cái hộp đựng huy chương với lá cờ Vàng của VNCH, hình của Phó tổng thống Trần Văn Hương đang bắt tay và trao giải thưởng. Rồi hết, không còn gì khác.
Tuyên mặt đỏ phừng phừng, chỉ vào mặt bố chồng tôi, la:
“Ông là thằng phản động! Ông không xứng đáng vơi tôi một tí nào cả! Trong khi tôi đi kháng chiến thì ông ở nhà làm đơn cho cảnh sát bỏ tù vợ tôi - bỏ tù vợ một thằng Cộng sản! Đây là lá đơn chính chữ ông viết!”.
Cụ Húc phân bua :
“Vợ anh điên thật nhưng bắt vào trại tâm thần thì ở nhà không ai đưa đi được. Vì người điên khoẻ lắm, thầy phải làm đơn để cảnh sát họ đưa đi -Đi chữa bệnh chứ có đi tù đâu!”.
Tuyên giơ tấm hình:
“Cái này ông còn chối cãi được không? Ông liên lạc với CIA, chụp chung hình với CIA!”.
Cụ Húc giải thích:
“Thầy đâu có làm gì với CIA! Họ là cơ quan Văn hoá”.
“Hừ! Văn Hoá ! Ngành nào cũng là CIA hết! Này thì giải thưởng Văn Chương! Này thì huy chương! Này cờ quạt…”.
Tuyên ném các thứ xuống đất, lấy chân đi lên. Ông cụ lại nói gần như khóc:
“Thôi anh à, dù sao thì thầy cũng chịu ơn của chính phủ miền Nam. Anh cho phép thầy nhặt lá cờ lên, thắp một nén nhang rồi thầy giao nhà cửa cho anh. Anh là con cả, trưởng tộc, thờ cúng tổ tiên kế thầy!”.
Cụ Húc lom khom nhặt lá cờ. Tuyên giật ngược lại dí xuống đất:
“Để cho ông thắp nhang thôi!”.
Thắp nhang và vái mấy vái xong, cụ hốt hoảng ra về Cống Bà Xếp, ở với người vợ sau cùng là Bà Tu Cao với đứa con gái nhỏ tên là Hải, cưới sau ngày bà mẹ ruột chồng tôi mất để hầu hạ cụ.
Hai gian nhà cụ Húc được khoá trái lại, giao chìa khoá cho Tuyên. Tuyên đề trước cửa: “Cấm mở! Cấm bọn phản động tụ họp cúng giỗ, ăn nhậu!”.
Một tuần sau ông cụ đau. Tôi lên Cống Bà Xếp thăm. Cụ không dậy được. Tôi hỏi cụ: “Thầy có làm sổ gia đình không? Con sẽ hợp thức nhà và xin tách hộ khẩu”.
Cụ nói:
“Thằng Tuyên nó không còn tính người. Hôm qua nó mời cậu lên và nó sai cô Tổng (em ruột cụ, cô của Giang Đông) nhổ nước miếng và chỉ vào mặt thầy, chửi: “Anh là đồ chó!”. Tại nó muốn thầy phải xác nhận phần nhà thầy cho con là của thầy rồi làm giấy tờ cho nó luôn, thầy trả lời thầy không thể làm như thế vì không có nhà con sẽ phải đi kinh tế mới. Lúc Giang Đông về cũng phải đi kinh tế mới theo con. Bởi vậy nên thằng Tuyên tức, bắt cô Tổng nhổ vào mặt và chửi thầy!”.
Tôi nói:
“Cách đây ba bữa anh Tuyên cũng bảo con phải chửi thầy nhưng con không chửi. Con nói con là con nhà có giáo dục, hễ con mà chửi là bố mẹ con sẽ từ con ngay. Hơn nữa con là cô giáo, học trò ở khắp quanh đây, nếu con mất dạy như thế thì phụ huynh sẽ làm đơn đề nghị cho con nghỉ việc lập tức. Anh Tuyên bảo nếu vậy thì thằng Giang Đông cứ tiếp tục ở trong trại cải tạo. Ý anh ấy muốn thầy ghét con, không ký tên cho con nhà rồi anh ấy chiếm luôn”.
Ông cụ nói:
“Thôi con cứ về lo sang tên và làm hộ khẩu mới đi. Thầy không cho nó chiếm căn nhà thầy cho con đâu”.
Bà Thu Khanh còn viết nhiều nữa nhưng thôi, bấy nhiêu đủ rồi, tôi không trích thêm. Điều tôi muốn kể với quý bạn là năm 2008, Phan Lạc Tuyên 80 tuổi, ông lấy một cô nghe nói là sinh viên, chưa đầy 30 tuổi. Còn hiện nay, 2010, ông 82 tuổi, đang “tu” trong chùa Diệu Giác ở phường 13 quận Gò Vấp, chỗ đường No Trang Long giáp với đường Phan Văn Trị.
Quý bạn hỏi một nguời 80 tuổi, có tài gì mà lấy được một cô chưa tới 30 tuổi? Được quá đi ấy chứ! Phan Lạc Tuyên có nhiều nhà, ông ta bán đi, có vài trăm cây vàng trong túi thì muốn lấy người bao nhiêu tuổi mà chả được! Chỉ có điều, nếu bị cô ta móc hết tiền thì…đi ở chùa!http://www.thoibao.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1092:qthi-sq-va-co-gai-kampuchea&catid=17:chuyen-ben-nha&Itemid=36
No comments:
Post a Comment