RFA phỏng vấn nhà văn Trần Mạnh Hảo: Tôi yêu tổ quốc tôi mà bị bắt
Audio:
/amthanh/RFA230108_VietHung&TranManhHao.mp3
Việt Hùng: Thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nguyên do nào mà nhà thơ lại cho rằng ‘tôi yêu tổ quốc tôi mà tôi bị bắt’ ạ?
Một nhà nước mang tiếng là nhà nước của nhân dân, bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước mà lại bắt những người biểu tình chống ngoại xâm thì nó biểu hiện một điều khủng khiếp nhất trong lịch sử dân tộc. Không có ai đi đàn áp nhân dân mình chỉ vì nhân dân mình yêu nước. Tôi lấy làm lạ cái nhà nước này. Họ đứng về phía TQ hay đứng về phía tổ quốc nhân dân Việt Nam? Tôi không thể hiểu được.
Cho nên tôi xúc động tôi viết bài thơ ‘Tôi yêu tổ quốc tôi mà tôi bị bắt’. Đấy là nguyên nhân của bài thơ – tôi viết trong xúc động, khoảng 10 phút là xong. Việt Hùng: Ông nói rằng ông viết bài thơ này trong xúc động. Văn nghệ sĩ đành rằng phải có cảm xúc thì mới sáng tác, nhưng sáng tác của nhà thơ có vẻ mang màu sắc sách động. Trần Mạnh Hảo: Không, tôi không sách động dư luận. Bởi vì sách động là một cái gì nó không đúng, không hay. Nhưng một con người được quyền phẫn nộ chứ, thấy cái sai thì phẫn nộ thấy cái đúng thì bảo vệ.
Yêu cái đúng như lẽ phải, mà yêu đến tận cùng và phẫn nộ đến tận cùng thì không thể sách động được. Văn nghệ, nghệ thuật là truyền cảm, mình chuyền lửa của mình vào cho người ta thông qua ngôn từ, thơ ca và người ta cũng xúc động như mình. Truyền cảm cái lẽ phải, cái chân chính không thể gọi là sách động được. Việt Hùng: Nhưng trong những bài học về lịch sử hẳn là ông còn nhớ ‘yêu ai thì bảo là yêu, ghét ai thì bảo là ghét’ của nhà thơ Phùng Quán cũng đã từng nhận lãnh những hậu quả? Trần Mạnh Hảo: Vâng, tôi còn nhớ. Bởi vì kể từ thời ông Phùng Quán đến bây giờ, bản chất sự việc nó cũng không thay đổi mấy, nó chỉ thay đổi hình thức, xử lý các vụ việc thôi. Bởi vì là một con người, chưa nói là một trí thức, một nhà văn, một người cầm bút thì tôi phải được quyền nói lên sự thật.
Nói lên sự thật là quyền thiêng liêng của con người. Ở trong hiến pháp của nước CHXHCNVN năm 1992 đã cho tôi tất cả những quyền, quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do tư tưởng, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do biểu tình. Đã gọi là quyền thì không phải đi xin. Tại sao chúng ta có cái quyền hiến pháp quy định mà phải đi xin biểu tình, không có thì bắt là làm sao.
Trong hiến pháp thì nói là công dân được quyền đi biểu tình, thế tôi đi biểu tình thì làm sao lại bắt tôi? Tôi làm đúng hiến pháp mà. Đã gọi là quyền thì không phải xin, hiến pháp cho cái quyền sống, sống là ăn là thở. Thế thì mỗi lần tôi thở, tôi ăn thì phải xin phép công an à? Hiến pháp cho tôi quyền được mưu cầu hạnh phúc. Mưu cầu hạnh phúc là tôi tìm sung sướng, tìm hạnh phúc, mỗi một lần tôi hạnh phúc với vợ tôi, xin lỗi anh nói trắng ra là mỗi lần… tụi này phải xin phép công an à? Đã gọi là quyền thì tại sao phải đi xin, quyền của tôi được như vậy.
Thế thì bây giờ đòi cái quyền thì tôi phải đi xin à? Quyền tự do tư tưởng, tôi thấy điều này đúng tôi nói đúng, điều này sai tôi nói sai. Nhưng khốn nạn thay ở đất nước Việt Nam sự giả dối đang thống trị dân tộc, đang thống trị đất nước. Đấy là bi kịch đau khổ nhất của dân tộc ta. Việt Hùng: Thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo, phải chăng là từ những bức xúc của cá nhân mà nhà thơ lại gieo những vần: Có nơi đâu trên thế giới này như Việt Nam hôm nay Yêu nước là tội ác biểu tình chống ngoại xâm bị “Nhà Nước” bắt ?
Tại sao cụm từ “Nhà Nước” nhà thơ lại để trong ngoặc kép là thế nào? Trần Mạnh Hảo: Nhà nước này không phải do dân bầu lên. Nhà nước này do mấy ông cộng sản tự lên rồi ổng lãnh đạo đất nước, ổng làm giả ra cái chuyện nhân dân bầu. Có ai bầu ông Nông Đức Mạnh làm tổng bí thư đâu? Các ổng đưa lên đấy chứ. Xong rồi mấy ông làm giả ra cái quốc hội, tức là quốc hội của đảng không phải của dân.
Cái nhà nước ấy là cái nhà nước bất hợp pháp, cái nhà nước không do nhân dân bầu ra, nhà nước của mấy ông này. Việt Hùng: Không ít các bạn trẻ ở Việt Nam thường nói ‘yêu nước không có nghĩa là yêu chủ nghĩa xã hội’, và bây giờ ngày hôm nay thì ông lại nói ‘Tôi yêu tổ quốc tôi mà tôi bị bắt’. Phải chăng đó là câu trả lời với những điều bức xúc của giới trẻ, hay cái này chỉ là bức xúc của cá nhân ông? Trần Mạnh Hảo: Tổ quốc tôi là tổ quốc tôi, tổ quốc không dính dáng gì đến chủ nghĩa xã hội cả.
Nhà cầm quyền Việt Nam đồng nghĩa tổ quốc Việt Nam với chủ nghĩa xã hội là một sự đánh tráo, một sự đánh tráo khủng khiếp. Bởi vì tất cả những người mà họ chống cộng sản họ bị bắt đều bị qui cho là chống tổ quốc cả. Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài không hề chống tổ quốc, họ yêu tổ quốc mình tận cùng. Họ chống lại những người cầm quyền, những người dùng lý thuyết sai lầm, lý thuyết đã bị vức vào xọt rác áp dụng lên dân tộc 60 năm nay.
Làm dân tộc khốn khổ. Chủ nghĩa xã hội mà đồng nghĩa với tổ quốc, đồng nghĩa chủ nghĩa xã hội, đồng nghĩa đảng cộng sản với tổ quốc là một sự đánh tráo khủng khiếp. Việt Hùng: Để như một lời cuối cùng với quý thính giả của đài cả trong và ngoài nước, chúng tôi xin mời nhà thơ Trần Mạnh Hảo trình bày tới quý vị thính giả. Trần Mạnh Hảo: Tôi xin đọc bài thơ.
( Kính tặng nữ đạo diễn điện ảnh Song Chi, nhà văn nữ Trang Hạ và anh chị em từng bị “ Công an Nhà Nước ta” bắt vì yêu nước vô tổ chức, dám biểu tình chống Trung Quốc chiếm Trường Sa, Hoàng Sa)
Những ngày này Tổ Quốc là cá nằm trên thớt
Tổ Quốc là con giun đang bị xéo quằn
giặc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa Biển Đông bị bóp cổ
Sóng bạc đầu nhe nanh sư tử biển đập nát bờ
Hồng Hà, Cửu Long giãy giụa thở ra máu
Tuổi trẻ mít -tinh đả đảo Trung Quốc xâm lược !
Sông Bạch Đằng tràn lên phố biểu tình
Sông Bạch Đằng bị bắt
ải Chi Lăng theo tuổi trẻ xuống đường
ải Chi Lăng bị bắt
gò Đống Đa nơi giặc vùi xương
sẽ bị bắt nếu biểu tình chống giặc !
Có nơi đâu trên thế giới này như Việt Nam
hôm nay Yêu nước là tội ác
biểu tình chống ngoại xâm bị “Nhà Nước” bắt ?
Các anh hùng dân tộc ơi !
Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ơi !
nếu sống lại, các Ngài sẽ bị bắt !
ai cho phép các Ngài đánh giặc phương Bắc ?
sao vua Trung Hoa lại chiếm nước Trung Hoa :
“ Bên kia biên giới là nhà
Bên đây biên giới cũng là quê hương !”
Thơ Tố Hữu năm nào từng xóa dấu biên cương !
Đường ra biển dân tộc ta đang bị tắc
Phải giành lại Hoàng Sa từ anh bạn Thiên triều
tôi yêu Tổ Quốc tôi mà tôi bị bắt !
Tổ Quốc yêu Người phải lấy máu mà yêu !
T.M.H. Sài Gòn 20-01-2008
THÙNG RỖNG KÊU TO
TNc: Tôi nhận được bài viết này của nhà thơ Trần Mạnh Hảo để đưa lên trannhuong.com. Việc thảo luận giữa văn nhân về văn chương là chuyện thường nhật nên chúng tôi cho bài lên và không nhất thiết là quan điểm của bản web...
Trong bài phát biểu cảm tưởng sau khi nhận giải A cuộc thi thơ ( và văn) của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội trong ngày lễ trao giải 04-02-2010, ông Nguyễn Linh Khiếu - tiến sĩ triết học Marx –Lenin chuyên về định hướng xã hội chủ nghĩa đang công tác tại tạp chí Cộng Sản, đã hùng hồn tuyên bố như sau :
“…Làm nghề báo, tôi có dịp đến mọi miền đất nước. Tôi đã đến và xúc động với các chiến sỹ biên phòng Mèo Vạc, Đồng Văn, đến những bến cảng Năm Căn, Cam Ranh đến những chứng tích Sơn Mỹ, thành cổ Quang Trị, Đồng Lộc, Khe Sanh, Nghĩa trang Trường Sơn... và những bài thơ đã ra đời từ chính cảm xúc chân thành trong các chuyến đi đó. Khi đã đến đó rồi thì không nhà thơ nào có thể viết những câu thơ nhạt nhẽo, không được phép viết những câu thơ dở. Chỉ có kẻ vô phúc mới thấy những câu thơ viết về máu và cái chết là dở.
Tôi là một nhà thơ chuyên nghiệp. Hai chục năm qua tôi luôn được đánh giá là một trong những nhà thơ tiên phong cách tân và đổi mới thơ ca quyết liệt và đã đạt những thành tựu cách tân được ghi nhận. Hoa Mộc miên biên giới, Mưa rơi dọc Cam Ranh, Những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở Sơn Mỹ là những bài thơ mới nhất, hay nhất của tôi viết về người lính, chiến tranh cách mạng và tình yêu Tổ quốc. Trao giải cho các bài thơ này của tôi, Tạp chí Văn nghệ quân đội không chỉ trao giải cho những bài thơ hay viết về người lính, chiến tranh cách mạng và tình yêu Tổ quốc mà còn trao giải cho xu hướng đổi mới và cách tân thơ Việt Nam gắn liền với những vấn đề trong đại của Tổ quốc, dân tộc và thời đại. Ở góc độ này, cuộc thi đã rất thành công khi góp phần khẳng định và cổ vũ những giá trị văn hóa mới của dân tộc và thời đại…
nguồn: http://vanchuongviet.org
Chúng tôi rất lấy làm lạ, một vị tiến sĩ triết học Marx –Lenin như ông Linh Khiếu mà không hiểu được một vấn đề cơ bản của sáng tạo văn nghệ : muốn có được tác phẩm giá trị cần phải có tài năng. Ông Khiếu đã tước bỏ yếu tố căn bản nhất để sáng tạo ra một bài thơ hay, một cái truyện ngắn hay, một bức tranh, bản nhạc hay là vấn đề tài năng của người nghệ sĩ. Ông Linh Khiếu tuyệt đối hóa yếu tố tâm huyết là yếu tố duy nhất tạo ra giá trị nghệ thuật, nên ông mới dám nói rằng, chỉ cần đến những nơi gian khổ nhất, hi sinh nhất của người lính, bất cứ nhà thơ nào cũng cho ra được tác phẩm hay : “ Khi đã đến đó rồi thì không nhà thơ nào có thể viết những câu thơ nhạt nhẽo, không được phép viết những câu thơ dở. Chỉ có kẻ vô phúc mới thấy những câu thơ viết về máu và cái chết là dở”…
Ông Linh Khiếu đưa ra luận điểm:
phàm những ai đến chỗ sống chết của bộ đội để làm thơ, để viết truyện thì tất tất đều hay ho cả, tuyệt đối không có thơ dở ở chốn thiêng liêng này để biện minh cho việc làm ra những bài thơ dở của ông. Ông Khiếu còn thòng một câu lên án kẻ nào dám chê thơ viết ở biên giới của ông dở là kẻ vô phúc. Bởi vì chúng tôi (TMH) vừa viết bài chê chùm thơ ông Linh Khiếu và bài thơ dài của ông Nguyễn Thanh Mừng nhận được giải A của tạp chí VNQĐ là những bài thơ rất dở trong bài : “Khi thơ dở lên ngôi” đã in trên hàng chục website.
Tất nhiên, mấy chữ “kẻ vô phúc” này ông Khiếu dùng để mắng chúng tôi
Ở chỗ này, tiến sĩ triết học Mác-xít Linh Khiếu dường như chưa qua lớp vỡ lòng chủ nghĩa Mác nên mới dám truất quyền phê bình của mọi người trước những bài thơ “độc quyền hay” của ông; rằng ai dám phê bình những câu thơ viết về máu, viết về cái chết của ông và các ông đều là những kẻ vô phúc. Nếu ông tiến sĩ Mác –xít này đã qua lớp mẫu giáo chủ nghĩa Mác, chắc hẳn ông đã biết phê bình, phê phán, phản biện, đối lập, tranh luận, biện luận là những vũ khí triết học căn bản của các nhà khai sáng ra chủ nghĩa cộng sản.
Khi ông Khiếu cho mình và những nhà thơ nào đến với nơi hi sinh sống chết của người lính được độc quyền làm thơ hay, không còn khả năng làm thơ dở, đồng thời ông nhân danh máu và cái chết để cấm ai dám phê bình món thơ hay này của các ông, rõ ràng ông Linh Khiếu chưa một ngày học về môn mỹ học Mác-Xít.
Cho phép tôi được hoài nghi cái học vị tiến sĩ triết học của ông không biết là học thật hay học giả ? Nếu chỉ lấy món “duy tâm huyết” ra mà định giá trị của thơ, thì hàng vạn chiến sĩ đang ở ngoài biên giới, hải đảo đã từng làm thơ trên các tờ báo tường đại đội, hẳn còn tâm huyết bằng trăm lần ông Khiếu cưỡi ngựa xem máu và xem cưỡi ngựa xem cái chết ?
Theo lập luận của ông Linh Khiếu thì chắc hàng nghìn nhà thơ chiến sĩ trong đội hình đại đội kia đã trở thành các thi hào thi bá hết !
Viết ra mấy câu văn đơn giản như thế mà ông tiến sĩ triết học Linh Khiếu đã phạm những sai lầm căn bản về quan niệm thẩm mỹ mà một học sinh lớp bảy đã không được quyền sai phạm như trên, đặng ông mở hết công suất kiêu căng ra mà ca ngợi mình làm người đọc đến phát ngượng. Trong lịch sử văn học nước nhà và thế giới, chưa từng có “nhà thơ” nào dám huyênh hoang phách lối, kiêu ngạo đến phát cuồng như ông nhà thơ “độc quyền làm thơ hay” này : “ Hai chục năm qua tôi luôn được đánh giá là một nhà thơ tiên phong cách tân và đổi mới thơ ca quyết liệt và đã đạt được những thành tựu cách tân được ghi nhận. Hoa mộc miên biên giới, Mưa rơi dọc Cam Ranh, Những thiếu nữ đứng khóc ở Sơn Mỹ là những bài thơ mới nhất hay nhất của tôi viết về người lính….Trao giải cho các bài thơ này của tôi, TC.VNQĐ không chỉ trao giải cho những bài thơ hay viết về người lính….mà còn trao giải cho xu hướng đổi mới cách tân thơ Việt Nam gắn với những vấn đề trọng đại của Tổ quốc, dân tộc và thời đại…”
Xin chào nhà cách tân thơ hiện đại Việt Nam Nguyễn Linh Khiếu. Chúng tôi xin in kèm hai bài thơ được giải A của ông Linh Khiếu dưới bài viết này để quý độc giả tỏ tường nhà cách tân thơ Việt Nam đang đưa thơ xuống vực thẳm của sự dở hay lên đỉnh cao chói lọi của sự hay ho ? Riêng bài thơ “Mưa rơi dọc Cam Ranh” của ông Khiếu ( cùng được giải A) dù chúng tôi đã dùng công cụ tìm kiếm cũng không thấy bài thơ này lên mạng. Chắc website VNQĐ vì thực hiện lời dạy của ông bà ta : “Đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy điệm” chăng ?
Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du với kiệt tác thi ca Truyện Kiều thiên tài đến thế mà vẫn hết sức khiêm tốn khi nói về tác phẩm của mình : “ Lời quê góp nhặt dông dài / Mua vui cũng được một vài trống canh”. Nay ông tiến sĩ triết học định hướng xã hội chủ nghĩa Nguyễn Linh Khiếu mới viết được mấy bài thơ dở mà dám vỗ ngực khoe khoang mình là nhà cách tân thơ hiện đại Việt Nam thì quả là ông có vấn đề thần kinh bị bệnh hoang tưởng, hay bệnh vĩ cuồng ? Đúng là “thùng rỗng kiêu to”…
Sài Gòn ngày 22-02-2010 ( mùng chín tết Canh Dần khai bút)
T.M.H.
HAI BÀI THƠ ĐƯỢC GIẢI A
Những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở Sơn Mỹ
Nguyễn Linh Khiếu
một sớm mai miền Trung thanh bình
cây cối tốt tươi đang mùa đơm hoa kết trái
tôi thấy những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích Sơn Mỹ
nước mắt ròng ròng tội nghiệp họ níu díu ôm nhau
những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích Sơn Mỹ
những da trắng da vàng da đen da đỏ
họ đến từ đâu trên trái đất này
có ai người Mỹ người Pháp người Nhật người Tàu và người Hàn Quốc
chiến tranh để lại đất này biết bao chứng tích đau thương
buổi sáng một dải miền Trung nắng gió thanh bình
những thiếu nữ ngoại quốc ôm nhau thảm thiết
nơi đây một buổi sáng lính Mỹ đã tàn sát 504 người dân vô tội
xác của họ vẫn nằm rải rác quanh đây
hồn của họ vẫn xếp hàng quanh chứng tích
mắt của những người bị giết vẫn nhìn ta im lìm
những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích Sơn Mỹ
có ai là người Mỹ người Pháp người Nhật người Tàu và người Hàn Quốc
còn khóc được nghĩa là còn trong sạch
nước mắt có ngăn được tội ác
nước mắt có xoa dịu những chứng tích đau thương.
Quảng Ngãi, 22. 12. 2005
HOA MỘC MIÊN BIÊN GIỚI
chẳng hiểu sao lần nào qua biên giới
hoa mộc miên cũng rực đỏ triền sông rực đỏ vách núi rực đỏ tâm can
mộc miên đỏ một trời biên viễn
như máu tươi ròng rã ngàn năm
dưới gốc mộc miên người lính biên phòng cùng ta nâng chén
người xa nhà rượu ngô như lửa đêm đông
thanh vắng vẳng tiếng hoa tầm tã
khuya khoắt bóng ai rình rập dưới triền sông
có ai trồng mộc miên biên giới
hay biên cương cây tìm đến mọc lên
hoa cứ máu tươi suốt ngàn năm tê tái
cây cứ sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương.
Hà Giang, 27. 2. 2009
Nguồn: http://trannhuong.com/news_detail/3925/THÙNG-RỖNG-KÊU-TO
No comments:
Post a Comment