Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-09-27
Chỉ còn ít hôm nữa, Hà Nội chính thức khai hội ‘1000 năm Thăng Long’. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không tán thành cách thức chuẩn bị và tổ chức lễ hội mà cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra.
Một trong những ý kiến mới nhất về việc tổ chức mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long là của một nhà bất đồng chính kiến được nhiều người biết đến lâu nay, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, trong bức thư gửi chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đề ngày 25 tháng 9.
Có còn hơn không!
Gia Minh hỏi chuyện Tiến sĩ Hà Sĩ Phu về nội dung mà ông đưa ra trong bức thư vừa nói. Trước hết ông cho biết vì sao đến nay ông mới viết thư đó:
Bây giờ chúng tôi mới biết rõ cái chương trình cụ thể của nhà nước trong 10 ngày, từ mùng 1 cho đến mùng 10. Trước đây thì chỉ nghe chứ không có văn bản, nên không biết rõ cụ thể để mà mình có ý kiến. Thứ hai nữa là đã gần đến ngày rồi mà mọi chương trình như thế thì đáng tủi nhục cho dân tộc mình quá, cho nên bọn tôi thấy là phải lên tiếng thôi, với tư cách công dân phải can thiệp vào chuyện này thôi. Tôi thấy là đến bước cuối cùng, đến những ngày không thể chịu nhục được nữa...
Gia Minh: Thưa, thư thì đã gửi đi nhưng rồi thì cũng như lâu nay, rất ít khi văn phòng của Chủ Tịch Nước có trả lời, vậy thì có trả lời thư của ông không ạ?
TS Hà Sĩ Phu: Chúng tôi biết chứ ạ. Trước hết chúng tôi cho rằng khả năng các ông ấy biến đổi được theo ý kiến của dân thì chắc chắn một trăm phần trăm là không rồi, nên chúng tôi không hề có ảo tưởng rằng mình can thiệp mà Đảng và Nhà Nước sẽ thay đổi theo ý kiến của dân. Điều đó tuyệt đối chúng tôi không bao giờ hy vọng.
Tất nhiên rằng ý của mình muốn mười phần, những người khác thì không nói, nhưng trong cái việc này nó liên quan đến quốc thể cho nên các ổng điều chỉnh bớt đi được tí nào thì đỡ nhục cho đất nước chừng ấy.
TS Hà Sĩ Phu
Nhưng nó có hai khả năng, khả năng thứ nhất mà còn khả dĩ tốt một chút là khi thấy dân chúng với giới trí thức mà có phản ứng rõ rệt thì các ông ấy có điều chỉnh phần nào. Thế thì cũng có anh em bảo điều chỉnh chút ít thì có giá trị gì? Tôi bảo "Không! Rất quan trọng! Bởi vì rằng là khác cái quan niệm về quốc thể của mình, ví dụ trong bài diễn văn có những câu quá nịnh Tàu thế thì do đọc được những bài như của chúng tôi thì các ông ấy chỉnh bớt đi một ít thì cũng đỡ nhục cho đất nước".
Tất nhiên rằng ý của mình muốn mười phần, những người khác thì không nói, nhưng trong cái việc này nó liên quan đến quốc thể cho nên các ổng điều chỉnh bớt đi được tí nào thì đỡ nhục cho đất nước chừng ấy. Vậy cái khả năng các ổng điều chỉnh ít nhiều do sợ cái tội lỗi đối với lịch sử thì tôi nghĩ rằng ít cũng tốt hơn không.
Cái khả năng thứ hai là khả năng các ông ấy vẫn giữ nguyên như cũ, tức là chẳng chấp nhận gì ý kiến của nhân dân, của trí thức cả, thì trong trường hợp đó những ý kiến của chúng tôi cũng có tác dụng. Tức là để ghi dấu rằng lúc ấy giới trí thức đã có ý kiến rồi, lưu lại bằng những văn bản rồi, mà các ông vẫn không chấp nhận, thì các tội lỗi của các ông ấy đối với lịch sử nó có đối chứng hẳn hoi, chứ không thể nói rằng "Ừ thì chúng tôi tưởng rằng nhân dân đều đồng thuận cả cho nên chúng tôi làm, chẳng thấy ý kiến gì phản đối".
Cho nên tôi nghĩ rằng ngay cả trường hợp xấu, tức là các ông ấy hoàn toàn giữ cái chương trình cũ, không điều chỉnh chút nào, thì chúng tôi nghĩ rằng sự lên tiếng vẫn có một ý nghĩa nào đó.
Sự trùng hợp khó hiểu
Gia Minh: Thưa ông, trong điều thứ nhất mà ông đã đề nghị, đó là vấn đề thời điểm tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long, từ ngày 1 cho đến ngày 10, nó có những sự trùng hợp, và trước đây cũng có những ý kiến dựa theo cứ liệu lịch sử thì thời điểm dời đô thì không phải là vào tháng này. Xin ông trình bày cho quý thính giả biết cơ sở lịch sử đó một chút, được không ạ?
TS Hà Sĩ Phu: Các nhà sử học cũng đã nghiên cứu thì có thể là chưa thống nhất với nhau cái ngày cụ thể để lấy đó làm ngày dời đô, nhưng mà những ý kiến này là thống nhất, tức cái việc thảo ra Chiếu Dời Đô là phải làm sớm ngay từ đầu của năm 2010, quá trình tiến hành thì cùng lắm là đến tháng 7 là công cuộc cơ bản đã xong, thì không có lý gì mà kéo sang đến tháng 10. Cho nên cái ngày cụ thể thì để dành cho các nhà sử học lên tiếng chính thức, nhưng mà chúng ta có một cứ liệu để nói một cách dứt khoát rằng không có cách gì để kéo sang đến tháng 10 cả. Điều đó là chắc chắn rồi.
Thế thì đã không lấy được cái ngày thảo Chiếu Dời Đô, đã không lấy được ngày khởi sự tức là coi như ngày động thổ, mà bây giờ người ta giả thiết cho là việc chuyển đô từ Hoa Lư ra Thăng Long chắc phải đi bằng đường thủy, thế thì không có lý gì mà sang tháng 10 cả, không có một biện minh gì cho cái ngày của tháng 10 cả. Nếu không trúng hai cái ngày đó rồi thì anh có thể lấy một ngày nào đó theo tham khảo ý kiến các nhà sử học, chứ tại sao tự nhiên lại lấy ngày 1 tháng 10 là ngày Quốc khánh Trung Quốc thì thật là vô lý.
Đó là chưa kể trong nhân dân người ta bảo là không có vô tình đâu, các ông ấy muốn như thế đấy. Nhưng mà dù sao trong cái thư của tôi gởi cho Chủ tịch nước thì mình cũng chưa có căn cứ gì để mình nói rằng đây là cái sự chủ động của các ông ấy, cho nên mình chỉ nói rằng là can ngăn, nếu mà chẳng may lấy phải một sự trùng hợp như thế thì cũng phải bỏ.
Cái ngày tổ chức đại lễ của mình, ngày đầu trùng vào (ngày Quốc khánh của) anh Đại Lục, ngày cuối lại trùng vào (ngày Quốc khánh của) anh Đài Loan.
TS Hà Sĩ Phu
Thế nhưng lại còn có một sự trùng hợp khổ nữa là cái ngày kết thức, là ngày 10 tháng 10. Cái ngày đó các ông ấy có thể biện minh rằng đó là cái ngày giải phóng thủ đô, thế nhưng mà như tôi đã nói ở trong bài đó, tức là dù có cái ý nghĩa đó nhưng cái ngày đó đúng là trùng hợp với ngày Song Thập là ngày Quốc khánh của Trung Hoa Dân Quốc, thì mình cũng phải tránh ra, chứ ai lại đằng này cả ngày đầu lẫn ngày cuối đều trùng hợp vào ngày của Trung Quốc cả.
Trong khi chúng ta đã biết rằng trong cái việc gọi là xâm lấn Việt Nam thì Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc tuy rằng đối lập với nhau về ý thức hệ nhưng họ lại thống nhất với nhau trong quan điểm dân tộc của họ để họ xâm lấn nước mình. Thế thì trong việc này thì hai anh Đại Lục với lại Đài Loan đó là một. Cái ngày tổ chức đại lễ của mình, ngày đầu trùng vào (ngày Quốc khánh của) anh Đại Lục, ngày cuối lại trùng vào (ngày Quốc khánh của) anh Đài Loan. Thế thì không thể giải thích được! Cho nên tôi thấy không có người Việt Nam nào lại chịu nổi một sự sắp xếp như vậy.
No comments:
Post a Comment