Ngày xưa còn truyền lại một lời than van của cô gái nhà quê:
Mệ ơi! Ông Chánh đòi hầu
Ông Phó đòi vợ, nhận cao trầu nơi mô
Trầu vốn là món hàng đầu tay của anh em Nguyễn Nhạc xuất thân buôn trầu nguồn, lên xứ mọi mua trầu về bán lại cho dân miền xuôi. Sau đó Nhạc được cân nhắc lên làm biện lại, một chức tuần cai ở phủ huyện, chuyên coi về việc tuần phòng và thu thuế. Vì đã làm tuần biện, nên người đuơng thời gọi là biện Nhạc. Theo Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm viết trong Quốc văn Ðời Tây Sơn thì lúc khởi nghĩa năm Tân Mão 1771 ở thượng đạo ấp Tây sơn, Nguyễn Nhạc có một tên phó tướng tên là Tứ Linh, quân lính của tướng này được gọi là quân Tứ Linh. Nhưng theo tôi thì là cờ của vườn trầu Hốc môn, Bà Ðiểm bây giờ.
Những vườn trầu này danh tiếng đệ nhất miền Nam, lá trầu có thứ xanh, có thứ vàng, thuở xưa tổ tiên ta gọi là Blầu, Blù, về sau biến đổi thanh âm thành Tlầu, Tlù, rồi lần lần đổi ra thành Trầu, Trù. Nhưng người Trung hoa chính thống, vốn không dùng trầu cau như người Nam Á - Australio-Asiatiques - đã phiên âm na ná hai chữ Blầu, Blù thành Phù Lưu, mà họ đọc là Pù Lu, rồi sau cùng rút lại còn chữ Phù là trầu, phù viên là vườn trầu.Về danh từ Blàu, trong quyển tự vị Việt-Bồ - La Dictionnarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của Alexandre de Rhodes, Roma 1651, nơi trang 41, cột B, có ghi như sau: Blàu: bétel: quoÇam folium indicumin modum haederae quod continuo in fignum benevolen. Tây Sơn thêu hoặc viết hai chữ Tứ Linh bằng chữ Nho.
Ðến năm Mậu Tuất 1778 thì Nguyễn Nhạc lên ngôi, xưng Ðế, mở kỷ nguyên Thái Ðức. Suốt 8 năm ấy, Nhạc cử binh đánh cựu Nguyễn, chống binh Trịnh, phải động viên rất nhiều trong dân gian. Thành ra trong dân gian mới phát xuất những ca dao nỉ non than khóc:
Tiếng ai than khóc nỉ non
Là vợ chú lính trèo hòn Cù Mông
Ðến tháng 7 năm bính Ngọ (1786) thì công chúa Ngọc Hân, con gái thứ 21 của vua Lê Hiến tông (1740-1786) bấy giờ mới được 16 tuổi, vâng lệnh vua cha kết duyên với Nguyễn Huệ (Ðức Lệnh hay là Ðức ông). Cuộc cưới gả này vì không có chuẩn bị trước, lại thêm Nam Bắc đôi đàng, xa xôi nghìn dặm cho nên nhân sĩ Nguyễn Thời Thấu mới cảm đề thời sự mà làm một bài thơ, trong đó có mấy câu như sau:
Ngựa thồ thay mối xích thằng
Ông Tơ, Bà Nguyệt, dẫu dằng chẳng ra
Một ngày một vắng quê nhà
Sáng từng từng nhớ, tối tà tà trông...
Trước đó 4 năm, vào tháng 10 năm Nhâm Dần, 1782, Nguyễn Hữu Chỉnh đang làm Hữu Tham quận ở Nghệ An thì ở kinh đô Thăng Long có việc quân Tam Phủ nổi loạn. Chỉnh sợ vạ lây, phải đem cả gia đình vào Qui nhơn, đầu quân anh em nhà Tây Sơn. Năm Bính Ngọ, 1786, Ðức Lệnh Nguyễn Huệ cùng Chỉnh đem quân ra Bắc Hà, diệt Trịnh phò Lê, rồi bỏ Chỉnh ở lại Bắc vì e ngại kinh luân, thao lược và mưu mô của Chỉnh. Sau đó, Chỉnh về lưu trấn ở Nghệ an, được vua Lê Chiêu Thống (1787-1789) vời về kinh hộ vệ và phong tước Bằng Quận công, tung hoành như con chim bằng, cho nên người đời lúc bấy giờ cũng gọi Chỉnh là con sáo.
Chỉnh tự đặt mình vào chức vụ của Trịnh, lập trại quân Vũ thanh, lập thế tử cho con là Nguyễn Hữu Dụ, rồi sai sứ bộ Trần công Sán vượt sông Gianh vào đòi đất Nghệ an, vốn là quê hương của dòng dõi Tây Sơn, họ Hồ (cha là Hồ Phi Phúc, mẹ Nguyễn thị Ðồng lúc vào ẩn tránh ở Qui nhơn mới đổi ra họ mẹ). Trước cảnh thay lòng đổi dạ của Nguyễn Hữu Chỉnh đối với Bắc bình vương Nguyễn Huệ, người Bắc Hà đương thời đặt câu ca để chế giễu:
Ai đem con sáo sang sông
Nên chi con sáo xổ lồng sáo bay
Nay tính lại thì triều đại Tây sơn, kể từ khi dấy nghiệp (1789) cho tới khi diệt vong (1802), được chia ra hai đời vua: Nhạc-Huệ-Lữ và Quang Toản (Cảnh Thịnh), cộng được 14 năm, sau khi phải đương đầu với nhiều địch thủ hùng mạnh như cựu Nguyễn, vua Lê, chúa Trịnh và quân Mãn Thanh, cho nên trong dân gian lúc ấy có truyền tụng hai câu:
Ðầu cha lấy làm chân con
Mười bốn năm tròn hết số thời thôi
Cha nhỏ đầu con nhỏ chân
Ðến năm Nhâm Tuất thì chân chẳng còn
Nếu chúng ta chiết tự những chữ chính yếu trong hai câu này thì chúng ta sẽ thấy: chữ Quang trong hiệu của cha là Quang Trung cho chữ tiểu là nhỏ ở trên đầu; còn chữ Cảnh trong hiệu của con là Cảnh Thịnh cũng có chữ tiểu là nhỏ ở dưới chân. Tính từ năm Kỷ Dậu 1789 là năm Lê mất, vua Quang Trung mới thật sự trị vì, đến năm Nhâm Tuất 1802 là năm nhà Tây Sơn bị diệt thì vừa đúng 14 năm.
Những ca dao trên đọc lên như là sấm ký, sấm ngữ, thường thường xuất hiện trước khi xảy ra sự việc, như là lời tiên tri của thần linh, để cho dân gian kiểm điểm mỗi khi ứng nghiệm. Và bây giờ chúng ta đương nhiên bước vào lãnh vực sấm ký có liên hệ đến nhà Tây Sơn.
Trong sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1494-1595), câu sấm đầu tiên có nói tới nhà Tây Sơn là:
Hà thời biện lại vi vương
Thử thời Bắc tận Nam trường xuất bôn
Thời nào mà có biện lại, tuần biện, thừa biện làm nên bậc đế vương trong lịch sử nước ta? Chỉ có thời Tây Sơn mà thôi: Nguyễn Nhạc từng làm thừa biện ở huyện Vân đồn, tỉnh Qui nhơn, sau xưng là Tây Sơn vương, mở đầu niên hiệu Thái Ðức, lúc bấy giờ chẳng những phía Bắc Lê Trịnh phải dứt mà phía Nam cựu Nguyễn cũng phải tìm đường mà chạy.
Lại thêm tám câu này trong sấm trạng:
Chim Bằng cất cánh về đâu
Chết tại trên đầu hai chữ Quận công
Bao giờ trúc mọc sang sông
Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non Tây
Ðoài cung một sớm đổi thay
Chân cung sau cũng sa ngay chẳng còn
Ðầu cha lộn xuống chân con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi
Những câu này được giải thích và hiểu như sau: Nguyễn Hữu Chỉnh thường tự ví mình với chim Bằng sau khi được vua Lê chiêu Thống phong chức Ðại Tư Ðồ, Bằng Trung Quận công, Chỉnh thừa thế lộng hành. Vua Quang Trung ở Huế bèn cử tướng Vũ văn Nhậm ra Bắc hạch tội bắt giết chết Nguyễn Hữu Chỉnh. Vua Lê Chiêu Thống cầu cứu nước Tàu. Vua Tàu bèn cử Tôn Sĩ Nghị đem quân sang nước Nam. Muốn vào thành Thăng long Nghị phải bắc một cái cầu nổi bằng tre. Lúc bấy giờ Nguyễn Huệ mới xưng Quang Trung Hoàng đế (1788), tức tốc dẫn quân ra Bắc để đánh đuổi quân Tàu và thống nhất sơn hà lần đầu tiên, cùng một năm với cách mạng Pháp (1789). Vua nhà Thanh là Càn Long phong Nguyễn Huệ làm An Nam Quốc vương, nhờ tài ngoại giao của Ngô Thời Nhậm.
Ðoài cung là phương tây, trong kinh dịch nói là phần dưới, tức là ám chỉ Nguyễn Huệ thình lình bị chứng huyết vận, áp huyết đứt mạch máu trên đầu (hémorragie célébrale) mà chết vào năm 1792. Còn hai câu cuối cùng thì cũng như hai câu đã giải thích trong phần trước nói về đầu cha và chân con.
Nguyên xưa kia, vào giữa thế kỷ XVII, ông tổ bốn đời của các nhà lãnh tụ Tây sơn ở Nghệ an, đã bị chúa Nguyễn đày vào khai phá vùng An khê, tỉnh Bình định, cư trú nơi ấp Tây sơn nhất. Nơi đây là ngả ba giao tiếp giữa người Kinh và người Thượng (gồm có thiểu số Jarai và Chàm), và cũng là cái chợ trao đổi thực phẩm như gạo, bắp, muối, gạc nai, dầu, tô hạp, mật ong và trầu nguồn. Vì lẽ đó mà nhà nước có đặt sở tuần ty, trông coi việc thâu thuế, trách nhiệm luôn về an ninh trật tự.
Và Nguyễn Nhạc đã được nhà cầm quyền đương thời cử làm tuần ty, biện lại, có nhân viên thuộc hạ khá đông, vừa làm việc cho nhà nước vừa buôn bán làm ăn riêng cho mình. Rồi Nhạc đã dấy binh chống lại triều đình, sau khi đã chiêu tập binh mã khá đầy đủ
Nhận thấy núi non hiểm trở, Nhạc nảy ra ý chí hùng cứ một phương, phất cờ khởi nghĩa, và trên ngọn cờ có viết hai chữ Tứ Linh, bao gồm Long, Ly, Quy, Phượng.
Từ vùng núi về đồng bằng có Tây sơn hạ đạo, còn từ vùng núi đi ra Bắc, theo đường Trường sơn, thì có Tây sơn thượng đạo. Nguyễn Nhạc có lấy một người vợ lẻ gốc Bà nà, bà này đã góp công tiếp tế cho nghĩa quân. Ngày nay còn có miếu thờ Cô Hầu Bà nà, rất linh hiển. Còn Nguyễn Nhạc được người Thượng gọi là Pô Nhạc, Nguyễn Huệ được gọi là Pô Huệ. Chữ Pô này thường đưọc viết là Poh (đọc kéo dài ra như Pua) và cùng một nguồn gốc ngôn ngữ với chữ Bua là Vua của chúng ta, trong hệ thống ngôn ngữ Nam Á đã nói ở trên.
Ở phía trên đèo An khê ngày nay còn có hòn đá lớn và bằng phẳng, mà người Thượng gọi là Tơ Mo Poh Nhạc, có nghĩa là Hòn đá Vua Nhạc. Tương truyền ngày xưa Nguyễn Nhạc thường khi qua lại nơi này hay ngồi lại nghỉ chân trên tảng đá to lớn ấy. Ngày nay dân làng còn nhắc lại sự tích ấy với lòng cung kính một tảng đá mà họ cho là linh thiêng.
Từ căn cứ núi rừng ấy, Tây cơn đã hạ san năm 1771, mở cuộc trường chinh 14 năm trời (1771-1789), chiếm từng vùng, rồi thâu gồm cả nước lên ngôi cửu ngũ được 14 năm (1789-1802) thì mãn số đế nghiệp.
Trở lại sấm Trạng Trình, chúng ta thấy ghi mấy câu hình như có liên hệ thời sự hiện đại:
Cũng có kẻ trèo non lội suối,
Lánh mình vào ở nội Ngô Tề
Có thấy Nhân Thập đi về
Tả hữu phù trì, cây cỏ thành binh.
Theo tôi, hai câu đầu ám chỉ người di cư tỵ nạn cộng sản, gồm có những người trốn đi bằng đường bộ (việt nhân, land people) và những người vượt biển trên ghe thuyền (thuyền nhân, boat people). Họ trốn ra khỏi nước để trôi giạt vào các nước lân cận, hoặc được vớt chở đi cac nước xa xôi khắp năm châu. Còn hai câu sấm nối sau thì chúng ta có thể hiểu rằng sẽ có vị lãnh đạo, cứu tinh là Nhân Thập (có phải chữ Nhân cộng với chữ Thập thành chữ Ngọ chăng?). là nhân vật nào, đố ai mà biết! Câu cuối cùng Tả hữu phù trì, cây cỏ thành binh của sấm Trạng khiến tôi nhớ bài thơ cầu cơ năm 1975 của Thạch Hà và Minh Ðức, có đăng trong Việt nam Hải ngoại, San Diego, USA năm Kỷ Mùi 1979, như sau:
Tiếu khấp hưng vong thử tự tiền
Cửu niên bĩ cực đãi doanh niên
Hồng quân tà ố hà vô thức
Nhất tịch hà năng miễn đảo điên
Thảo mộc giai binh bình Việt quốc
Thịnh hưng nhi lai kiến thánh hiền
Thảm nhục thương tâm ai liệt sĩ
Khả tri minh chủ giá kim liên.
Bài này được Thạch Hà, Minh Ðức giải nghĩa như sau:
Cười khóc hưng vong là chuyện từ xưa nay vẫn có
Hãy đợi qua chín năm đến năm thứ mười
Ai mà không biết cộng sản là đáng ghét
Một đêm nào đó chúng nó không tránh được đảo điên
Khi đó thì cỏ cây sẽ là binh lính để bình định nước Việt
Mọi người sẽ hưng thịnh và gặp thánh hiền
Chỉ buồn cho các liệt sĩ đã chết vì nước từ trước
Và khi ấy có thể biết người minh chủ như đoá sen vàng.
Trong sấm Trạng Trình còn có hai câu này, thường được thiên hạ đem ra bàn luận:
Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn
Chúng ta thấy chữ cửu là 9 như trong bài thơ cầu cơ của Thanh Hà, Minh Ðức xin vua Nguyễn Huệ khi xưa. Số 9 đánh dấu một tiết đoạn trong cuộc tuần hoàn của vũ trụ, trong sự diễn tiến lịch sử của một dân tộc.Theo ông thầy thì cửu cửu là 9 lần 9 thành 81. Số này là thời kỳ đô hộ Pháp tính từ năm 1862 (hoà ước Nhâm Tuất) mất ba tỉnh miền Ðông Nam kỳ, tiếp đến năm 1867 thì mất luôn 3 tỉnh miền Tây, cho đến năm 1945 với cuộc đảo chính Nhật, mồng 9 tháng 3 dương lịch, và sự sụp đổ của nền đô hộ Pháp, đúng vào lúc Thanh minh thời tiết hoa tàn. Nhưng theo tôi, cửu cửu đây cũng có thể giải thích là cứ 9 năm thì xảy ra một sự việc lớn, ảnh hưởng đời sống quốc gia và tương lai dân tộc.
Nhìn lại lịch sử cận đại Việt nam từ đầu thế kỷ XX tới nay, chúng ta có thể ghi những thời điểm rất quan trọng sau đây:
1907: vua Thành Thái bị truất phế đày vào Nam
1916: vua Duy Tân khởi nghĩa thất bại, bị đày sang đảo Réunion, cùng với vua cha (Thành Thái)
1925: vua Khải Ðịnh mất, vua Bảo Ðại nối ngôi (2-1926)
1936: Phong trào Bình dân có nhiều cuộc biểu tình.
1945: Ðảo chính Nhật (9-3), Việt minh cướp chính quyền (23-8)
1954: Hiệp định Genève (20-7) phân ra Nam Bắc. Sấm Trạng: Trực đảo đương đầu mã vỹ - Hồ binh bát vạn nhập Tràng an
1963: đảo chính 1-11, lật đổ Ðệ nhất Cộng hòa, thành lập Ðệ nhị Cộng hoà
1972: Hoà đàm Ba lê kết thúc ngày 31-10, hiệp định ký ngày 21-7-73...
30-4-75 Bắc Việt xâm chiếm miền Nam, gây xáo trộn lớn ở Ðông dương.
1981: Cộng sản đưa miền Nam vào con đường phân hoá, bần cùng và bế tắc, thuyền nhân tràn ngập Ðông Nam Á
1990: Quốc tế xét lại toàn bộ các vấn đề Ðông dương và Ðông Nam Á trong chiều hướng thuận lợi cho Việt nam quốc gia, ứng nghiệm hai câu:
Thảo mộc giai binh bình Việt quốc
Thịnh hưng như lai kiến thánh hiền.
Lúc đó, cỏ cũng sẽ biến thành binh linh, hợp cùng hải ngoại hồi hương bình Việt nam, đem lại tự do và hạnh phúc cho trăm họ.
Thái Văn Kiểm
Ðặc san QUANG TRUNG TÂY SƠN Xuân Bính Tý 1996
No comments:
Post a Comment