Ở một khía cạnh quan trọng, chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào có vẻ thành công, khi nó, chí ít bây giờ, ngăn chặn được sự xuống cấp, hủy hoại trong quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ.
Đã chẳng có đột phá lớn nào mà cũng không có sự nồng ấm thực sự nào. Nhưng sau một năm với những động thái ngày một quả quyết và tham vọng hơn của Trung Quốc, vốn làm Washington cảnh giác và xa lánh nhiều hơn, thì nay các mối quan hệ dường như có cơ sở mang tính xây dựng nhiều hơn.
Tổng thống Barack Obama cố gắng đưa ra một số thông điệp cứng cỏi về các vấn đề nhân quyền và kinh tế, trong khi dành cho Chủ tịch Hồ sự tôn trọng mà các nhà lãnh đạo của Trung Quốc mong ước nhận được ở nước ngoài.
Ông Hồ Cẩm Đào cũng cẩn thận cố gắng làm cho người Mỹ yên tâm. Ông nói Trung Quốc tăng triển là tốt cho Hoa Kỳ, Bắc Kinh sẽ không tham gia vào bất cứ một cuộc chạy đua vũ trang hoặc đặt ra mối đe dọa quân sự nào.
Điều này thật tương phản tới mức trái ngược với giọng điệu gay gắt, đôi khi hết sức công kích mà Trung Quốc thường dùng để nói với Hoa Kỳ gần đây.
Sắc thái mới này đã được thể hiện rõ ràng trên mọi vấn đề đem ra bàn bạc, dù đó là việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, ông Obama gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma, giải Nobel Hòa bình, Google, hay vấn đề biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là biển Đông).
Và về phía Hoa Kỳ, Tổng thống Obama cũng cố gắng nhấn mạnh cách thức mà Washington có thể hưởng lợi từ một quan hệ mang tính hợp tác hơn là đối đầu với Bắc Kinh.
Quốc hội tràn đầy các tiếng nói chỉ trích Trung Quốc. Ông Obama đưa ra một đối trọng và một tình huống để Hoa Kỳ có thể nghênh đón sự 'lên ngôi' của Trung Quốc.
Trách nhiệm hơn
Một số vấn đề dường như đã được ổn thỏa bởi vì ưu tiên của Trung Quốc là đảm bảo sao cho chuyến thăm cấp nhà nước này diễn ra thành công bằng mọi giá. Trung Quốc không muốn có bất kỳ sự tranh cãi công khai hay sự mất mặt nào.
Vì vậy, giọng điệu này được duy trì một cách cẩn thận và quán triệt xuyên suốt.
Bắc Kinh cũng đã tìm cách giảm thiểu tối đa các khả năng gây ra xung đột, cọ xát ngay trước chuyến đi tới Washington. Ngân hàng Nhân dân TQ đã điều chỉnh và đẩy tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ lên mức cao kỷ lục trước chuyến thăm.
Bắc Kinh cũng bắt đầu gây áp lực với Bắc Hàn nhiều hơn và Chủ tịch Hồ đã được chuẩn bị để đề cập tới các vấn đề nhân quyền.
Sử dụng một số giọng điệu mềm mỏng hơn, theo tôi, là vì Trung Quốc có vẻ đang tiến hành các bước đi nhằm cải thiện khâu xử lý các mối quan hệ công chúng của nước này ở nước ngoài.
Tôi không nghĩ rằng đây là chuyện ngẫu nhiên khi mà Chủ tịch Hồ cố sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng hơn, trong khi cùng lúc Trung Quốc trả tiền cho các quảng cáo được phát trên các màn hình lớn ở khu Times Square tại New York.
Sức mạnh của quí vị tăng lên có nghĩa là quí vị phải gia tăng trách nhiệm trong hành động; nếu quí vị phớt lờ vấn đề thì quí vị sẽ phải trả giá vì đã không hành động
Thông điệp cho TQ
Nhưng thay đổi này cũng có thể là phản ánh một thực tế rằng nước Mỹ đã sẵn sàng tỏ ra thẳng thắn hơn với Bắc Kinh. Ví dụ tốt nhất của việc này là về vấn đề Bắc Triều Tiên.
Hoa Kỳ thực sự lo lắng về các nguy cơ từ chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, sự kết hợp giữa việc phát triển hỏa tiễn đặc biệt với các hành vi có tính hung hăng gần đây của quốc gia này. Đó là một vấn đề đang nổi lên từ góc nhìn của Washington.
Chính quyền Obama dường như cũng đã được chuẩn bị để nói với Trung Quốc một cách trực tiếp rằng nếu Bắc Kinh không giải quyết các mối đe dọa và sử dụng đòn bẩy của mình đối với Bắc Triều Tiên, thì nước Mỹ sẽ hành động.
Điều đó có nghĩa là một vị thế mạnh hơn của quân đội Mỹ ở Đông Á, vốn là điều mà Trung Quốc chắc chắn không muốn thấy.
Vì vậy, thông điệp cho Trung Quốc là như thế này: sức mạnh của quí vị tăng lên có nghĩa là quí vị phải gia tăng trách nhiệm trong hành động; nếu quí vị phớt lờ vấn đề thì quí vị sẽ phải trả giá vì đã không hành động.
Cách tiếp cận mới?
Điều thú vị ở đây là chúng ta đang chứng kiến sự chuyển biến trong tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Nếu Trung Quốc đang lên ngôi như một cường quốc bắt đầu chấp nhận một vai trò rộng lớn hơn, thì đó sẽ là kết quả chính của chuyến thăm cấp nhà nước này. Nhưng đây mới là sự khởi đầu.
Và có một điều đáng ghi nhớ là trong vấn đề này, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ không được tách biệt nhau quá. Cả hai từng nhất trí trước đây rằng Bắc Hàn là một mối lo lắng - nhưng lại không đồng ý về cách thức tốt nhất để đối phó với nó.
Và vẫn còn nhiều tranh chấp lớn khác giữa hai quốc gia như những vấn đề về chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc, tiếp cận vào thị trường của nước này, nạn ăn cắp tràn lan về sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc, Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan và hạn chế của Washington với xuất khẩu công nghệ cao cho Bắc Kinh v.v...
Vì vậy, đây rõ ràng không phải là một thượng đỉnh G2 và cũng không phải là chuyện quan hệ đối tác gần gũi và hợp tác giữa hai nền kinh tế thế giới lớn nhất.
Và chính quyền Obama có chiều hướng phải thận trọng, kiên nhẫn để chờ đợi xem những lời lẽ ấm áp của một nhà lãnh đạo Trung Quốc ở nước ngoài có được chuyển đổi thành bước tiếp cận mới từ chính Bắc Kinh hay không.
No comments:
Post a Comment