Trung Cộng: Đạo Đức Trên Bờ Vực Thẳm
Phương Tôn
www.khoahoc.net
Ngày hôm nay nhìn vào xã hội Trung công điều nhìn nhận trước tiên là kinh tế phát triển trên một nền tảng đạo đức suy đồi. Người ta không thể tìm thấy bốn nguyên tắc căn bản của Khổng Tử trong một xã hội chuộng vật chất tại đất nước này. Thực trạng cho thấy bên cạnh những tòa nhà chọc trời sáng bóng là những túi nấm được ngâm trong Formalin, thịt dồi tẩm thuốc trừ sâu Dichlorvos (DDVP), những con cá béo ngậy được nuôi bằng thuốc ngừa thai, những bao bột mì trộn lẫn cùng vôi bột xây cất cũng như không kể xiết những trường hợp thực phẩm nhiễm độc được tung ra thị trường. Người dân Tàu tự đầu độc lấy mình qua thực phẩm độc hại, qua môi trường ô nhiễm nhiều đến nỗi trong dân gian nẩy ra câu chuyện hài hước: “Mọi người bị rắn độc cắn đều tử nạn nhưng đặc biệt rắn độc cắn người Tàu thì rắn độc lại chết!“
Ngộ độc thực phẩm tại Trung công gây chú ý nhiều nhất trên thế giới nhưng một khi quan sát xã hội Trung quốc người ta sẽ dễ dàng nhận ra những hình ảnh gây sốc trong mọi lãnh vực khác, bất kể tầng lớp nào.
Một trường hợp được phát hiện vào năm 2007, hơn 300 lao công trong đó gồm nhiều trẻ em và người tàn tật bị bắt làm nô công trong một lò gạch ngói. Báo chí tại Âu châu làm ầm lên gọi đây là một "Xì-Căn Đan Nô Lệ Trung công". Kết quả điều tra cho thấy có nhiều cán bộ cao cấp tham gia vào vụ buôn người này. Dù rằng qua trường hợp này, nhà nước Trung công đã đưa ra "bộ luật hợp đồng lao động" nhưng Xì-Căn-Đan "người nô lệ tật nguyền" tại tỉnh Tân Cương được liệt vào một trong mười vụ án vi phạm luật lao động lớn nhất trong năm 2010. Dân Tàu tức giận lên án doanh nhân Tàu thiếu đạo đức cần thiết.
Mối quan hệ giữa người với người giờ đây chỉ còn dựa trên căn bản đồng tiền. Có thể có người cho rằng, chẳng qua chỉ là "cực đoan tuyên truyền chống Tàu" khi đưa tin người dân Tàu bây giờ tệ đến nỗi, đôi khi đi lạc muốn hỏi đường cũng phải "x"“ tiền mới được trả lời. Tiền là câu "chào hàng" đầu tiên khi muốn giúp người khác. Vào năm 2009, ba sinh viên bị thiệt mạng khi tìm cách cứu một đứa bé gặp nạn trên giòng sông Dương Tử. Dân chài tại vùng xảy ra tai nạn đòi phải đưa tiền mặt rồi họ mới chịu dong thuyền đi vớt xác ba thanh niên anh dũng hy sinh. Tai tiếng vụ việc nổ bùng lên, chính quyền địa phương bị áp lực bèn đưa ra một giải pháp buồn cười có một không hai: Thành lập đội thuyền chài cứu khẩn. Giá dịch vụ cứu người được nêu rõ thí dụ như ghi rõ giá dịch vụ vớt xác người!
Qua Xì-căn-Đan tập đoàn Siemens của Đức hối lộ tại Trung công, thế giới mới thật sự thấy được mối giao hảo "thân thiện" của các quan chức nước này. Sau khi vụ việc bị phơi bày ra ánh sáng, một giám đốc của Siemens cho biết, 90 phần trăm các doanh nghiệp trị giá năm tỷ Euro hàng năm của Siemens tại Trung quốc chỉ "chạy" được khi phải nhờ vào nhân vật thứ ba làm trung gian. Không có hối lộ, mọi việc coi như hỏng.
Từ năm 2000 đến 2005 đã xảy ra một Xì-Căn-Đan "ăn cắp trẻ con" có dính líu đến các quan chức thuộc vùng miền trung Trung công gây phẫn nộ tại quận Longhui thuộc tỉnh Hồ nam nhưng vụ việc bị nhà nước nhanh chóng cho "chìm xuồng". Qua "chính sách một con" hạn chế sinh sản, những gia đình vi phạm sinh quá một đứa con bị phạt tiền từ 320 đến 1070 Euro. Đây là số tiền quá lớn đối với những gia đình nghèo khổ tại đây do đó những ai không trả nỗi tiền phạt liền bị quan chức địa phương „tịch thu“ con rồi tống vào viện mồ côi. Theo kết quả điều tra, tạp chí "Caixin" cho biết, viện mồ côi Shaoyang trả 100 Euro cho mỗi đứa bé bị quan chức cướp đưa vào viện và sau đó bán cho người ngoại quốc nhận con nuôi với giá 2085 Euro.
Iris Lemanczyks qua cuốn "Shi Wu und die Kinderdiebe" (Shi Wu và Ăn cắp trẻ con) cho biết hàng năm tại Trung công có khoãng chừng 70 000 trẻ em bị cha mẹ bán hoặc bị bắt cóc bán làm đĩ điếm. Chủ mưu trong các băng đảng này được sự giúp sức của Cảnh sát tham nhũng.
Vào năm 2009 một vụ án hiếp dâm nữ học sinh dưới tuổi vị thành niên gây sôi nổi tại vùng Xishui thuộc tỉnh Quý Châu thuộc miền nam Trung công. Báo chí bị cấm đăng tải tin tức do có nhiều đảng viên đảng Cộng Sản Trung quốc tham gia vào băng đảng tổ chức bắt cóc, trấn ép nữ học sinh để hãm hiếp.
Đạo đức không những chỉ biến mất ở tầng lớp thấp mà ngày nay đạo đức cũng được xem là "hàng tuyệt chủng" trong giới trí thức ưu tú. Các bậc phụ huynh phải suy nghĩ nát óc để tìm một món quà tương xứng khi có cơ hội "được" tặng quà cho Thầy Cô giáo. Tờ New York Time đã từng đưa tin vụ thầy giáo tên Lý Quang, dạy tại làng Tân Kỳ thuộc tỉnh Cam Túc phía Tây Trung công trong vòng ba tháng cưỡng hiếp 26 nữ sinh lớp bốn và lớp năm do y phụ trách nhưng không em nào dám tố cáo vì sợ bị "thầy" cho điểm xấu. Trước đây Bác sĩ được tôn sùng như là "Thiên thần của bệnh nhân" thì nay trước khi được giải phẩu bệnh nhân phải đưa tiền "lót tay" trước cho Bác sĩ là chuyện "thường ngày ở huyện" tại Trung quốc.
Ngày nay Đạo đức là những gì được xem là xa xỉ phẩm tại một đất nước tự nhận là cái rốn của vũ trụ, là cái nôi văn hóa của thế giới, cống hiến cho nhân loại biết bao nhà tư tưởng lớn, triết gia tầm cỡ nhưng nay đời sống tinh thần dân Tàu lại đang chơi vơi trên bờ vực thẳm. Ai gây ra thảm trạng đạo đức suy đồi này?
Chỉ cần nhìn lại lịch sử cận đại kể từ ngày Mao nắm chính quyền cho đến ngày nay ắt hẳn người ta sẽ dễ dàng tìm thấy câu trả lời.
Phương Tôn
Tháng 5.2011
No comments:
Post a Comment