Friday, July 6, 2012

TIN BIỂN ĐÔNG


 

Thượng nghị sĩ Mỹ khẳng định mối quan tâm của Hoa Kỳ với Biển Đông

2012-06-28
Cuộc hội thảo về an ninh Biển Đông do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Hoa Kỳ CSIS tổ chức đã bước sang ngày thứ 2 vào hôm nay 28 tháng 6.
RFA
Thượng nghị sĩ Joe Lieberman phát biểu tại cuộc hội thảo về an ninh Biển Đông do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Hoa Kỳ CSIS tổ chức
Buổi sáng ngày thứ hai của hội thảo an ninh biển Đông được bắt đầu với bài phát biểu quan trọng của thượng nghị sĩ Joe Lieberman.
Trong bài phát biểu của mình, thượng nghị sĩ Lieberman khẳng định mối quan tâm của Hoa kỳ đối với khu vực châu  Á Thái Bình dương nói chung và biển Đông nói riêng:
“Chỉ vài năm trước đây, rất ít người ở Washington DC dành thời gian và chú ý đến biển Đông, nhưng giờ đây mọi việc đã khác. Hôm nay đã có một sự hiểu biết rộng khắp hơn trong lưỡng đảng, từ quốc hội đến chính phủ rằng Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia hết sức quan trọng tại biển Đông.
Việc những tranh chấp trong khu vực được giải quyết ra sao sẽ có ảnh hưởng về mặt chiến lược vượt qua bờ biển Đông đến nước Mỹ.”
Thượng nghị sĩ Lieberman cho rằng Mỹ đang có một cơ hội lịch sử để tham gia nhiều hơn vào khu vực Đông Nam Á về cả mặt chính trị và kinh tế. Chính vì vậy, Mỹ cần xây dựng, củng cố mối liên minh lâu dài với các nước trong khu vực.
Thượng nghị sĩ Lieberman cho biết mặc dù Mỹ không phải là một bên trực tiếp tham gia vào tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, nhưng hành vi của Trung Quốc tại khu vực này gây ảnh hưởng đến Hoa Kỳ:
“Biển Đông không phải là điểm chính trong quan hệ Mỹ Trung. Đó là quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, nhưng hành vi của Trung Quốc trên biển Đông sẽ có ảnh hưởng đến Mỹ và các nước khác trên thế giới. Cho nên xét về khía cạnh này. Cái gì xảy ra trên biển Đông cũng là mối quan tâm của tất cả mọi người trên thế giới.”
Thượng nghị sĩ Joe Lieberman cũng lên tiếng cho rằng những hành đọng của Trung Quốc gần đây đối với vấn đề biển Đông đang gây ra sự mất lòng tin của các nước trong khu vực, làm tăng thêm căng thẳng và đẩy các nước này phải tiến gần về phía Mỹ.
“Hoa Kỳ không có ý định kiềm chế Trung Quốc. Không có một nước nào trong khu vực phải cảm thấy phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhưng việc họ có cảm nhận như vậy hay không thì còn phụ thuộc vào hành xử của các nước lớn.
Tôi quan ngại về cách hành xử của Trung Quốc trên biển Đông. Tôi tin là nó đang đẩy khu vực vào một hướng đi sai và đưa ra một thông điệp không đáng khích lệ về một cường quốc Trung Quốc và cách hành xử của  Trung Quốc với các nước láng giềng.
Những đòi hỏi của Trung Quốc đang khiến các nước khác trong khu vực phải lo ngại và đẩy các nước như Việt Nam và Philippines vào thế phải gia tăng những đòi hỏi về chủ quyền của mình.”
Sau bài phát biểu của thượng nghị sĩ Joe Lieberman, các học giả quốc tế tiếp tục thảo luận về việc áp dụng luật quốc tế trong việc giải quyết và kiểm soát các tranh chấp.
Các học giả đều thống nhất sự cần thiết phải áp dụng công ước quốc tế về luật biển trong việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông.
Một trong những thắc mắc được đưa ra nhiều nhất trong cuộc thảo luận vào sáng ngày 28 tháng 6 chính là sự không rõ ràng của Trung quốc về đường lưỡi bò trên biển Đông.
Học giả Kuen-chen Fu, thuộc trường đại học Jiaotong Thượng Hải xác định đây là ranh giới xác định các quyền được đảm bảo cho Trung Quốc đối với vùng biển lịch sử này.
“Đường chữ U là đường ranh giới cho vùng biển lịch sử của Trung Quốc, nhưng đó không phải là vùng nội thủy, không phải là vùng lãnh hải hay bất cứ các vùng nước nào đã được quy định trong công ước về luật biển của quốc tế. Đó là đường mà được chính phủ Trung Quốc đánh dấu để chỉ ra rằng chúng tôi có quyền đảm bảo ở đó.
Chúng tôi không coi đó là vùng nội thủy hay vùng lãnh hải cho nên chưa bao giờ chúng ta có bất cứ vấn đề gì liên quan đến tự do hàng hải tại khu vực này. Nhưng vì đó là quyền được đảm bảo của Trung Quốc nên nó cần được ghi nhận trong Công ước quốc tế về luật biển.”
Tuy nhiên khi được hỏi về tính pháp lý của đường lưỡi bò này, học giả Trung Quốc đã không thể đưa ra được một câu trả lời cụ thể cần thiết.
Buổi hội thảo đã kết thúc với phần giải pháp và các đề xuất để thúc đẩy an ninh và hợp tác trong khu vực biển Đông.
Đây là năm thứ hai liên tiếp, Trung Tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế tổ chức hội thảo quốc tế về vấn đề biển Đông tại Washington DC.

 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-concern-southchinasea-dispute-vh-06282012160607.html

Biển Đông đầy biến động

2012-06-29
Nói biển Đông lại nổi sóng e không còn đúng nữa, vì trên thực tế đó đã là vùng biền động thường xuyên trên khía cạnh chính trị. Biến động mới nhất là Việt Nam phản đối Trung Quốc gọi thầu khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông.

Illustrated Wikipedia map
Vùng biển Thái Bình không yên bình

Không coi luật biển Việt Nam ra gì

Trung Quốc bác bỏ, nói sự phản đối đó vô hiệu. Trước lúc sự kiện này xảy tới, Trung Quốc đã phản đối Luật biển của Việt Nam vừa được quốc hội thông qua.  Tại sao Trung Quốc gọi thầu vào lúc này?
Đó là những lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ biển Việt Nam, trùng lên những lô từ 128 đến 132, và trùng từ lô 145 đến lô 156. Từ giới hạn đó vào Quảng Ngãi chỉ cách 76 hải lý, cách khu gần nhất ở Nha Trang là 60 hải lý.  Điểm gần nhất giữa Nha Trang và Phan Thiết có 57 hải lý và cách đảo Phú Quý 30 hải lý, theo như Tổng Giám Đốc PetroVietnam tuyên bố.overlapped-blocks
Việt Nam mạnh mẽ phản đối và kêu gọi các công ty ngoại quốc đừng tham gia đấu thầu, vì khu vực này đã được thăm dò và khai thác từ nhiều năm nay do PetroVietnam cùng các đối tác ngoại quốc là các Tập đoàn dầu khí gồm ONGC VIDESH của Ấn Độ, GAZPROM của Nga, và Exxon Mobil của Hoa Kỳ.
Trung Quốc gọi thầu có thể để trả đũa việc mà Trung Quốc đã phản đối là Luật Biển của Việt Nam được quốc hội thông qua hồi tuần trước. Trung Quốc muốn chứng tỏ Luật Biển của Việt Nam vô hiệu, Bắc Kinh không coi ra gì.

Tái khẳng định “Lưỡi Bò”

Có ý kiến khác hơn thế, cho rằng bằng cách gọi thầu như vậy, Trung Quốc vừa trả đũa vừa tái xác định chủ quyền lãnh hải theo đường Lưỡi Bò mà họ áp đặt.  CNOOC, tức Tập đoàn dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc, nói là 7 lô trong số 9 lô này nằm trong vùng trũng mà họ gọi Trung Kiến Nam và 2 lô nằm trong một phần của các vùng trũng Vạn An và Nam Vĩ Tây, cũng do Trung Quốc đặt tên.
Tuy nhiên đây cũng không phải là điều bất ngờ, mà Việt Nam có thể đã dự đoán trước sau gì Trung Quốc cũng làm như vậy, từ khi Bắc Kinh phản đối New Delhi về dự án hợp tác với Việt Nam ở hai lô 127, 128 mà sau cùng Ấn Độ đã bỏ.
Ấn Độ quả đã rời đi và phải trả cho PetroVietnam 15 triệu đô la đền lại hợp đồng, nhưng New Delhi tuyên bố rằng công ty Ấn Độ đã rời bỏ hoàn toàn vì lý do kỹ thuật.
Việc mời thầu của Trung Quốc ở 9 lô trùng lên hải phận đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ có triền vọng ra sao?

Ai vội bỏ thầu!

Có hy vọng là các công ty ngoại quốc sẽ tiếp tục khai thác, thăm dò ở những nơi đã có  hợp đồng, nhưng sẽ phải do dự, chần chừ, để chờ xem diễn tiến cuộc tranh chấp lãnh hải ra sao ở những nơi chưa ký hợp đồng, và cũng chờ xem thái độ của Hoa Kỳ , Nhật Bản, Ấn Độ như thế nào.
Là những công ty quốc tế già đời, họ chưa vội lao ngay vào chỉ vì mối lợi dầu khí.
Thứ nhất, nhiều công ty quốc tế chủ trương không làm ăn ở những nơi có tranh chấp. Và thứ nhì là nguồn dầu khí để thăm dò và khai thác không hề thiếu đối với họ.
Thêm vào đó các công ty phương Tây làm ăn còn có đạo đức chính trị, một phần nữa cũng có sự tham vấn với chính phủ của họ, mà người ta tin rằng những chính phủ này không bênh vực Trung Quốc.
indian-oil-rig 

Hoa Kỳ  và Nga từng tuyên bố họ có toàn quyền hợp tác kinh tế tại biển Đông, trong lãnh hải hợp pháp của các quốc gia liên quan. Các công ty đó sẽ quyết định hợp tác ở phần nào, với nước nào trong khu vực.
Ngoài ra, khu vực bị Trung Quốc gọi thầu đã có sẵn những phần diện tích mà các công ty Ấn Độ, Nga và Mỹ đã ký hợp đồng thăm dò - khai thác với Việt Nam. Total với BP chẳng lẽ tranh giành những lô dầu sát cạnh hay trùng hợp với GazProm, Exxon Mobil và ONGC?

Quyền tự do lưu thông

Trong những công ty quốc tế đó có Exxon Mobil của Mỹ. Hoa Kỳ không phê chuẩn Công ước Luật biển, Exxon Mobile có thể phán định phần nào thuộc về nước nào không?
Tuy không phê chuẩn Công Ước Luật biển nhưng Hoa Kỳ vẫn tôn trọng quan điểm của các quốc gia đối tác về lãnh hải và thềm lục địa. Song song với sự tôn trọng đó, Hoa Kỳ cũng giành quyền sử dụng hành lang đường biển dọc bờ biển mọi quốc gia trên khắp thế giới, trong những điều kiện không vi phạm luật biển quốc tế.
Ở biển Đông người ta thấy có lần Trung Quốc đã gây sự với máy bay thám sát của Hoa Kỳ hoạt động ở phía Nam đảo Hải Nam, chính vì Mỹ giành lấy quyền tự do lưu thông đó.
Biển Đông là hải lộ sinh tử của Trung Quốc cũng như của Nhật Bản và Hàn quốc ở Đông bắc Á.
Nhật, Hàn là hai đồng minh chí cốt,  hai cái chân đứng vững chắc của Hoa Kỳ ở Đông Á. Một phần lớn là vì yếu tố đó mà Mỹ thường nói hành lang thuỷ lộ biển Đông liên quan đến quyền lợi thiết yếu của họ .

Lưỡng đầu thọ địch?

Trong khi đó thì Philippines cùng Trung Quốc rút tàu ra khỏi Scarborough, và Manila lại khánh thành nhà trẻ trên đảo Thị Tứ mà họ đặt tên là Paga-sa. Phải chăng Việt Nam rơi vào thế “lưỡng đầu thọ địch”?
Thực ra Manila chẳng qua chỉ gỡ thể diện với người dân của họ trong lúc diễn ra cuộc đối đầu ở Scarborough, nơi mà hai bên bảo nhau kéo tàu ra khỏi vùng bãi cạn.
Thế “lưỡng đầu thọ địch”, có thể hình dung như uốn mình theo chữ S để tay với nắm Hoàng Sa, chân với giữ Trường Sa, thì Việt Nam đã phải gánh chịu từ khi Trung Quốc tấn công biên giới năm 1979 rồi công khai trở mặt áp bức trên biển Đông, chẳng phải chỉ vì mấy cái nhà trẻ của Philippines.
Đảo Thị Tứ là đảo lớn thứ nhì ở Trường Sa. Lớn nhất ở Trường Sa là đảo Ba Bình, cũng là tên của Việt Nam đặt, nhưng đã do Đài Loan chiếm đóng.  Đảo Thị Tứ trên bản đồ thế giới vẫn mang tên là Thitu Island, vì các nhà địa lý, hải hành quốc tế không biết viết dấu chữ Việt, chứng tỏ Việt Nam đã công bố chủ quyền nơi đó từ lâu.

 blue-ridge-flagship


Nhưng chủ quyền ở Trường Sa nói chung, thì trên thực tế Việt Nam chỉ giữ được những đảo, đá, bãi hiện đang chiếm giữ chứ không thể nào giữ được tất cả, vì nó quá xa Bà Rịa- Vũng Tàu,  trong khi Palawan của Philippines ở gần nó hơn.
Việt Nam ban hành Luật biển xác định chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa để rộng đường ăn nói trên trường quốc tế và đề cao tinh thần tuân thủ Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc. Nhưng Trung Quốc cứ gọi đó là sự vi phạm Bản Tuyên bố về Ứng xử và vi phạm các hiệp ước song phương về lãnh thổ, lãnh hải.
Thực ra, về lãnh hải, hai bên chỉ ký Hiệp ước phân định vịnh Bắc bộ, theo đó Việt Nam vì nguyên tắc quốc tế về đường trung tuyến giữa hai lãnh hải, đã phải nhường cho Trung Quốc một số diện tích kha khá. Lãnh hải biển Đông nơi có các lô dầu khí không nằm trong hiệp ước này.
Bản tuyên bố về Ứng xử thì chính Trung Quốc đã vi phạm trước cả Philippines lẫn Việt Nam bằng những hành vi gây căng thẳng như diễu tàu Ngư Chính, đánh cá ở sát bờ Philippines, bắt giữ trấn lột tàu cá Việt Nam, gọi thầu ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam… nhưng vẫn lu loa lên án, vu ngược cho láng giềng “16 chữ vàng”!

Dù sao chăng nữa…

Việt Nam còn có lợi thế được phương Tây ủng hộ. Trong khi Hoa Kỳ kiên quyết đặt chân đứng ở châu Á, Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta chẳng phải ngẫu nhiên đến thăm tàu Mỹ và đặt nhẹ bàn chân lên bãi cát trắng Cam Ranh, thì Trung Quốc khó lòng lấn chiếm vào hải phận miền Trung bằng kinh tế cũng như bằng vũ lực.
Nhưng dù sao chăng nữa, nai lưng gánh vác lấy nhiệm vụ của chính mình, Việt Nam phải thật cương quyết chống lấn chiếm và xâm thực cả trên biển lẫn trên đất, cả chính trị lẫn kinh tế, thì mới mong giữ được nước.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/an-unpeaceful-pacific-corner-06292012162355.html

 

  Trung Quốc khởi sự các cuộc tuần tra sẵn sàng tác chiến ở Biển Đông

CỠ CHỮ
Bộ Quốc phòng Trung Quốc loan báo Bắc Kinh đã bắt đầu các cuộc tuần tra sẵn sàng tác chiến trong vùng biển xung quanh nhóm các quần đảo có tranh chấp ở Biển Đông, một hành động mới nhất làm leo thang căng thẳng trong khu vực dồi dào tài nguyên này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 28/6, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Cảnh Nhạn Sinh, nhấn mạnh quân đội Trung Quốc đã thành lập một hệ thống tuần tiễu sẵn sàng tác chiến tại các vùng biển do Bắc Kinh quản lý nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh, và các quyền lợi quốc gia.

Trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đăng tải phát biểu của người phát ngôn Cảnh Nhạn Sinh nói rằng quyết tâm và ý chí của Bắc Kinh trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải quốc gia là kiên định và không gì lay chuyển được.

Những lời tuyên bố mạnh mẽ này được đưa ra đáp lại các cuộc tuần tiễu trên không của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa hồi giữa tháng này.

Hôm 15/6, Việt Nam loan báo Trung đoàn Không quân tiêm kích 940 lần đầu tiên đưa máy bay chiến đấu Su-27 ra tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Trường Sa.

Đáp câu hỏi rằng Trung Quốc phản ứng ra sao trước việc này, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói hành vi đơn phương của Việt Nam gây căng thẳng thêm tình hình tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời khẳng định rằng Bắc Kinh cương quyết phản đối mọi hành động quân sự khiêu khích.

Cũng liên quan đến tranh chấp Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 27/6 đã trao công hàm cho đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội chính thức phản đối việc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc rao mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí mà Hà Nội khẳng định nằm trong đặc khu kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam.

Nguồn: TWN / Reuters / Xinhua

http://www.voatiengviet.com/content/trung-quoc-khoi-su-cac-cuoc-tuan-tra-san-sang-tac-chien-o-bien-dong/1351705.html 

 

Trung Quốc phản đối Luật Biển Việt Nam vừa thông qua


Hải quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa
CỠ CHỮ
Trung Quốc ngày 21/6 lên tiếng cực lực phản đối Luật Biển Quốc hội Việt Nam thông qua cùng ngày khẳng định chủ quyền Việt Nam ở các quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa trên Biển Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân của Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Việt Nam, Nguyễn Văn Thơ, yêu cầu Hà Nội phải chỉnh sửa ngay lập tức vì luật mới của Việt Nam ‘vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc’ tại Biển Đông.

Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố phản đối chính thức, nói rằng bất kỳ nước nào tuyên bố chủ quyền tại Trường Sa-Hoàng Sa đều là hành động ‘bất hợp pháp và vô căn cứ’.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh Luật Biển của Việt Nam ‘vô giá trị, không có hiệu lực’ và Trung Quốc mạnh mẽ phản đối, kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình.

Vẫn theo lời ông Trương Chí Quân, hành động đơn phương của Việt Nam làm leo thang và phức tạp thêm tình hình, vi phạm sự đồng thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước cũng như tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Bắc Kinh đồng thời yêu cầu Hà Nội không gây phương hại cho mối quan hệ giữa hai nước và nền hòa bình, ổn định tại Biển Đông.

Cùng lúc đó, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, cũng lên tiếng với báo giới rằng Luật Biển Việt Nam bao gồm quy định về quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa là phi pháp và Hà Nội cần phải sửa chữa sai lầm này.

Theo Luật Biển được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 21/6 với trên 99% phiếu thuận, Trường Sa-Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và tất cả các tàu hải quân nước ngoài đi qua khu vực này phải thông báo cho chính quyền Việt Nam.

Nguồn: AP, Reuters, Xinhua

 

Nhân quyền và Biển Đông: Hai đề tài chính tại hội nghị bộ trưởng ASEAN ở Cam Bốt

Khối Asean đang chuẩn bị một bản Tuyên ngôn nhân quyền
Khối Asean đang chuẩn bị một bản Tuyên ngôn nhân quyền
DR

Thanh Phương
Trả lời báo chí hôm qua, 28/06/2012, tại Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết là trong số các vấn đề sẽ được thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN lần thứ 45 vào tháng Bẩy tới ở Phnom Penh, sẽ có dự thảo Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN.

Ủy ban liên chính phủ về nhân quyền của ASEAN đã đúc kết bản dự thảo Tuyên ngôn nhân quyền để đệ trình lên cuộc họp các Ngoại trưởng ở Phnom Penh. Hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, Cam Bốt muốn bản Tuyên ngôn nhân quyền được thông qua tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 tới.
Theo tờ Jakarta Post, Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN sẽ là một trong những văn kiện quan trọng nhất kể từ khi thông qua bản Hiến chương ASEAN năm 2007. Tuy nhiên, việc soạn thảo bản tuyên ngôn này đã bị chỉ trích do không có sự tham gia đóng góp của quần chúng, đặc biệt là của các tổ chức xã hội dân sự.
Cũng theo lời Ngoại trưởng Indonesia Marty, ngoài Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN, cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN vào tháng Bẩy cũng sẽ bàn về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ( COC ), để thay thế cho Bản tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông ( DOC ).
Ngoài ra, các Ngoại trưởng ASEAN sẽ thảo luận về những vấn đề khác, như Miến Điện, tình hình bán đảo Triều Tiên, bạo động leo thang tại Syria và những diễn biến mới ở Trung Đông.
Vào năm ngoái, các lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố Bali về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu. Ngoại trưởng Indonesia cho biết là tại cuộc họp ở Phnom Penh vào tháng Bẩy, họ sẽ vạch ra một kế hoạch hành động cho 10 năm tới.
Bài liên quan
ASEAN chuẩn bị cho ra đời bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền

Trung Quốc có thể lập cơ quan quân sự tại Tam Sa

Trung Quốc dựng cờ trên một trong hai kiến trúc mới xây trên một một đảo trong quần đảo Trường Sa
CỠ CHỮ
Quân đội Trung Quốc đang nghiên cứu việc thiết lập các cơ quan chỉ huy quân sự tại thành phố mới thành lập ở Biển Đông, Tam Sa. Đó là tuyên bố của phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc được báo chí nước này loan tải ngày 28/6.

Theo giới phân tích, đây là một chỉ dấu mạnh mẽ chứng tỏ quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải trước những hành động khiêu khích của các nước láng giềng.

Ông Trương Hải Văn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề về biển thuộc Cục hải dương quốc gia Trung Quốc, nói rằng Tam Sa có thể trở thành mục tiêu của một số nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và do đó sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh tại đây là cần thiết để bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc bao gồm quyền đánh bắt, nghiên cứu khoa học và phát triển các nguồn tài nguyên hàng hải.

Ông Trương cho biết sau khi thành lập Tam Sa, chính quyền địa phương sẽ đề ra một loạt các kế hoạch phát triển khu vực này, và vẫn theo lời ông, cần có sự bảo vệ của quân đội để thực thi các kế hoạch đó.

Thành phố Tam Sa được Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn thành lập ngày 21/6 để quản lý hành chính ba quần đảo ở Biển Đông bao gồm Trung Sa, và Tây Sa, Nam Sa - tức Hoàng Sa, Trường Sa theo cách gọi Việt Nam.

Việc làm này của Trung Quốc được xem như một hành động đáp trả trước việc Quốc hội Việt Nam trong cùng ngày 21/6 thông qua Luật Biển, qua đó nêu rõ Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Nguồn: Xinhua / China Daily
http://www.voatiengviet.com/content/trung-quoc-co-the-lap-co-quan-quan-su-tai-tam-sa/1351739.html



 


Nhà thầu Mỹ nhận tội giúp Trung Quốc chế tạo trực thăng tấn công

CỠ CHỮ
Một công ty con của công ty United Technologies ở Mỹ hôm thứ năm đã nhận tội đối với các cáo trạng hình sự cho rằng họ bán thiết bị cho Trung Quốc để giúp nước này chế tạo một loại máy bay trực thăng tấn công.

Bộ Tư pháp truy tố công ty Pratt & Whitney Canada, công ty con ở Canada của United Technologies, về tội vi phạm Luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí qua việc bán thiết bị mà Trung Quốc dùng cho loại trực thăng Z-10.

United Technologies, cùng với Pratt & Whitney Canada và một công ty con khác ở Mỹ, đã đồng ý nộp phạt cho chính phủ Mỹ hơn 75 triệu đô la như một phần của thỏa thuận nhận tội.

Một phần của khoản tiền phạt này là cho tội khai man với nhân viên chính phủ Mỹ. Các nhà thầu này nói rằng họ tưởng là họ giúp cho Trung Quốc chế tạo máy bay dân dụng.

Hoa Kỳ cấm các công ty bán thiết bị quân sự cho Trung Quốc kể từ khi xảy ra vụ thảm sát những người biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
http://www.voatiengviet.com/content/nha-thau-my-nhan-toi-giup-trung-quoc-che-tao-truc-thang-tan-cong/1351797.html 


 

Truyền thông TQ xạo tin về Biển Đông?

Cập nhật: 16:47 GMT - thứ sáu, 29 tháng 6, 2012
Bản đồ của PetroVietnam cho thấy chín lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu
Nhân dân Nhật báo phao tin có hãng dầu nước ngoài quan tâm tới chín lô ngoài khơi sát bờ biển Việt Nam nhưng đưa ra dẫn chứng về một vùng hoàn toàn khác trên Biển Đông.
Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc hôm 28/6 trích tin Nhân dân Nhật báo và nói:
"Sau khi Tổng công ty Dầu mỏ Hải dương Trung Quốc công bố mở thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí trên Nam Hải vào ngày 26/6, những doanh nghiệp hữu quan của quốc gia Đông Nam Á bày tỏ hứng thú về việc này.
"9 lô dầu khí ở độ sâu từ 300-4000 mét, tổng diện tích là [hơn] 160 nghìn...ki-lô-mét vuông."
Bấm Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc cũng nhắc tới phản đối của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị và nói người tương nhiệm phía Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố việc Trung Quốc mời thầu là "hành động doanh nghiệp bình thường, phù hợp với pháp luật Trung Quốc và thông lệ quốc tế hữu quan".
Bản tin được trích lại của Nhân dân Nhật báo dẫn nguồn tờ Philippine Daily Enquirer hôm 24/6 như để chứng minh cho việc có công ty nước ngoài quan tâm tới chín lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu.
Tuy nhiên Bấm bản tin của Philippine Daily Enquire nói về chuyện Công ty Dầu Philex của Philippine muốn hợp tác với Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc để khai thác khí đốt ở bãi mà họ gọi là Recto (Trung Quốc gọi là Lễ Lạc và Việt Nam gọi là Cỏ Rong).
Bãi Cỏ Rong nằm gần Philippine và cách rất xa chín lô dầu khí Trung Quốc mời thầu hôm 23/6.
Nhân dân Nhật báo cũng nói Công ty Dầu mỏ Quốc gia Thái Lan "có hứng thú" và "sẽ thảo luận tính khả thi về khai thác dầu mỏ trên vùng biển Nam Hải", tức Biển Đông.
Tuy nhiên BBC không thể kiểm chứng thông tin này.
Thông điệp trung ương
Việt Nam nói rằng chín lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu cách đảo Phú Quý 37 hải lý và cách Nha Trang 57 hải lý.
Người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói: "Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp.
"Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị."
Báo Bấm Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia nói rằng bước đi của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) là để xem họ có thể vươn xa tới đâu ở Biển Đông hơn là những toan tính thương mại thuần túy.
Laban Yu, người đứng đầu lĩnh vực nghiên cứu dầu khí của ngân hàng đầu tư Jefferies Hong Kong Ltd, nói:
"Chẳng có chuyện bất cứ công ty nước ngoài nào sẽ tới đó.
"Đây chỉ là cách chính quyền Trung ương dùng CNOOC để gửi thông điệp."
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/06/120629_china_south_china_sea.shtml


Việt Nam có mặt tại tập trận Rimpac

Cập nhật: 13:10 GMT - thứ sáu, 29 tháng 6, 2012
Tập trận Rimpac 2010
Việt Nam cử sáu sỹ quan "tham dự quan sát diễn tập quân y" trong khuôn khổ tập trận Rimpac 2012 của hải quân Hoa Kỳ.
Tin từ Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, nói nhận lời mời từ phía Mỹ, các sỹ quan này sẽ "tham dự quan sát hoạt động diễn tập quân y Vành đai Thái Bình Dương (Rimpac) từ ngày 16/7 đến 20/7 tại Hawaii".
Rất hãn hữu có việc kênh phát ngôn chính thống của Bộ Quốc phòng đưa thông tin về sự có mặt của đại diện quân đội Việt Nam trong các hoạt động tập trận quốc tế, cho dù chỉ giới hạn trong phạm vi quan sát diễn tập phi tác chiến và chỉ trong một thời hạn ngắn ngủi.
Nhiều lần giới chức quốc phòng Việt Nam khẳng định không tham gia tập trận quốc tế "dù ở mức quan sát viên".
Không rõ những diễn biến gần đây ở Biển Đông có liên quan gì tới việc này hay không.
Rimpac (the Rim of the Pacific Exercise) là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ những năm 1970.
Hoạt động này thường diễn ra vào khoảng tháng Sáu hoặc tháng Bảy tại Hawaii, do Hạm đội Thái Bình Dương thuộc hải quân Hoa Kỳ chủ trì và điều phối.
Thông thường, Mỹ mời quân đội các quốc gia đồng minh ở khu vực quanh Thái Bình Dương từ Thái Lan, Nam Hàn tới Chile, Peru tham gia.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có mặt với tư cách quan sát viên.

Tập trận lớn

Quy mô của các cuộc tập trận Rimpac các năm có khác nhau, nhưng Hoa Kỳ luôn giữ vai trò chủ lực với số quân tham gia lên tới hàng chục nghìn.
Trung Quốc không tham gia các hoạt động tập trận, mà chỉ có mặt với tư cách quan sát viên tại một số cuộc.
Tập trận Rimpac 2010 kéo dài tới một tháng, với 32 chiến hạm, 5 tàu ngầm, 170 chiến đấu cơ và 20.000 binh lính.
Rimpac 2012 dự tính còn lớn hơn, có 42 tàu chiến các loại, sáu tàu ngầm, 200 phi cơ và 25.000 lính từ 22 quốc gia.
Cuộc tập trận năm nay bắt đầu từ thứ Tư 27/6 và kéo dài tới 7/8.
Việt Nam có thể sẽ quan sát các hoạt động và trao đổi kinh nghiệm về y học biển, y học hàng không, chuyển thương đường không, tìm kiếm cứu nạn trên biển…
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/06/120629_rimpac_exercise.shtml

No comments: