' Bùi Văn Phú Cập nhật: 11:38 GMT - thứ bảy, 3 tháng 12, 2011
Cách đây hơn một năm, lần đầu gặp những tiếng “quê choa” và “Bọ Lập” tôi chẳng hiểu gì. Tìm đọc mới biết Bọ Lập là bút hiệu của nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Lập, gốc Quảng Bình và là chủ Blog Quê Choa.
Là một nhà văn có tiếng trong nước, thoạt đầu Bọ Lập nghi ngờ khả năng chuyển tải tư tưởng, thông tin cùng giao tiếp với độc giả qua bờ-lóc, sau thử mới biết sức lan tỏa của nó. Năm 2007 Bọ Lập mở Blog Quê Choa, hiện có rất nhiều độc giả và cộng tác viên. Đông bạn đọc viết còm nhưng vì có những ý kiến “phản động” nên chủ bờ-lóc đã đóng phần này từ nhiều tháng nay.
Một số bài trên Blog Quê Choa vừa được in trong tập tạp văn Nguyễn Quang Lập: Chuyện đời vớ vẩn[Nxb Văn Học 2011. 395 trang]. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên viết lời giới thiệu. Nội dung sách gồm 59 bài kí sự, hồi ức, giai thoại văn học và chút ít chính luận.
Những trang viết về Phùng Quán
Câu chuyện đầu tiên có tựa “Sự tích chiếc xe trâu của Phùng Quán” tạo ngay tò mò cho người đọc. Sáu trang sách mở ra với nhiều giai thoại văn học về thi sĩ Phùng Quán.
Xe trâu là xe đạp sản xuất ở Liên Xô ngày trước, rất cứng, tốt, tải được vài tạ hàng. Phùng Quán chỉ muốn có một đồng hồ báo thức Liên Xô để con gái đi học không bị muộn. Tình cờ tham gia thi viết về Lênin lại đạt giải nhất là chiếc xe đạp. Lúc đó Phùng Quán viết, nhờ chú em họ đứng tên nên câu chuyện trở nên lôi cuốn và vui theo văn phong Bọ Lập.
Qua chuyện kể độc giả còn biết tình tiết trong “Vượt Côn Đảo” và “Trường ca Võ Thị Sáu” tưởng như thực ngoài đời nhưng phần lớn do trí tưởng tượng của thi sĩ mà sau này một số văn nghệ sĩ cứ thế sao chép, viết nhạc như những điều có thật.
"Qua nhiều cuộc tình khác Bọ Lập kể lại, người đọc nhận ra yêu đương thời chuyên chính vô sản phải có sự chấp thuận của Đảng."
Giai thoại về Phùng Quán còn được kể trong vài chuyện nữa. Bài thơ “Lời mẹ dặn” nổi tiếng với câu “Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét” đưa đến biết bao hệ lụy. Nay độc giả biết được Trúc Chi, người kịch liệt đả kích Phùng Quán vì bài thơ, chính là Hoàng Văn Hoan.
Những chuyện tình của Phùng Quán được phơi ra có cuộc tình với Nhủ trong đội Chim hoà bình.
Qua nhiều cuộc tình khác Bọ Lập kể lại, người đọc nhận ra yêu đương thời chuyên chính vô sản phải có sự chấp thuận của Đảng. Ngoại tình là hủ hoá, ai phạm sẽ bị phê bình kiểm thảo rất nặng. Chính sách đó dẫn đến cái chết của 14 thành viên Đoàn Ca kịch Quảng Bình.
Hậu trường
Trong tạp văn, kinh nghiệm sáng tác và làm báo được ghi lại li chi. Đọc “Khách văn” sẽ thấy nỗi khổ của toà soạn khi chạm mặt với tác giả gửi bài. Họ đến toà soạn chờ đợi một câu trả lời. Biên tập viên được mời đi ăn cơm, đi uống cà-phê. Bài không thể đăng không dám nói thẳng mà hứa cho qua chuyện. Có tác giả tưởng bài sẽ được đăng, sẽ có tiền nhuận bút nên cứ tiêu trước hết cả tiền về xe.
“Nổ và nổ, he he” minh họa một bản tính - theo ngôn ngữ bình thường là “khoác lác” hay “ba sạo” - được tác giả nhắc đến như thói xấu của người Việt. Từ số in 5 trăm thành 5 nghìn, từ nhà thơ lên thi sĩ rồi lên luôn hàng thi bá.
Trong “Ối tiền ơi!” tác giả nhận định người Việt không thành thật. Nghệ sĩ tham tiền, giả dối. Những nhận xét có thể gây sốc nhưng có lẽ là nhiều điều thật ngoài xã hội.
Thiếu suy luận, kém hiểu biết khoa học là cái yếu khác của dân Việt. “Có bệnh thì vái tứ phương” cho thấy người mình hay tin dị đoan, tin bói, tin thày lang vườn để rồi tiền mất tật mang. Sau khi bị tai nạn năm 2001, tác giả lúc đầu cũng dùng thuốc vườn, sau bỏ và tìm cách trị liệu khoa học nên phục hồi khả năng đi đứng được nhiều.
Chiến tranh
Sự việc Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông làm nhiều trí thức bức xúc. Bọ Lập có nhắc qua trong sách, không nhiều và mạnh như trên Blog Quê Choa. Có thể vì thế mà bờ-lóc của ông đôi lúc bị tường lửa.
Trần Tiến là nhạc sĩ, nhưng ít ai biết thời học sinh ông giỏi toán nhất miền Bắc. Tác giả của nhiều tình ca để đời, thời chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 1979 ông sáng tác bài “Những đôi mắt như hình viên đạn” rất xung.
Nghe Trần Tiến hát lại ca khúc đó, Bọ Lập ghi chép như sau: “Anh đột ngột dừng lại giữa chừng, ngồi rũ ra không nói gì. Rất lâu sau anh ngước lên rưng rưng nhìn mình, nói Biển Đông đang nổi sóng mà tao già mất rồi mày ạ. Khốn thế.” Câu nói ấy phải chăng ẩn ý an phận của một nghệ sĩ có tiếng của Việt Nam?
Đọc Bọ Lập, hình ảnh chiến tranh ẩn hiện nhưng không nặng tính căm thù. Sơ tán. Hầm trú. Bom đạn tàn phá quê hương Quảng Bình giết chết nhiều dân lành trong đó có cô bé Hà, có đôi anh chị Trung và Thu. Đọc qua không khỏi rưng rưng lòng.
Bên cạnh tang thương, qua cách nhìn của tác giả những sản phẩm chiến tranh của Mỹ nhiều lúc cũng đem lại niềm vui cho dân làng. Những chiếc dù trái sáng dân quê giành nhau vì đó là thứ vải tốt nhất, đẹp nhất thời bấy giờ. Hay chuyện bắt phi công Mỹ với món quà thưởng rất lớn.
Giọng văn Bọ Lập rất hàm tiếu. “Đời yếm” viết về chiếc coọc-sê khiến người đọc không nhịn cười được. Phụ nữ Quảng Bình dùng nịt ngực chi mô mà cứng và nhọn. Hết chiến tranh người dân quê ông mới được rờ đến chiếc nịt ngực của phụ nữ miền Nam làm bằng mút, êm ái biết bao.
Đời thường
"... đọc tạp văn để thấy bóng hình nhiều văn thi nhạc sĩ, để gặp kẻ nhậu, người say, thấy thày cô cũ, làng xóm xưa, thấy tuổi thơ thời chiến tranh, trai gái thời bao cấp, thấy đời sống ngày nay qua một cách nhìn hết sức bén nhạy, dí dỏm."
Về đời sống xã hội, chuyện kinh tế chuyển từ bao cấp qua thị trường khiến giới nhà văn, nhà báo cũng nhảy ra làm ăn cá thể, kẻ thành người bại, từ nuôi ốc bươu vàng, chế bia Vạn Hạnh sang nuôi yến, trong đó có Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên.
Đọc tạp văn độc giả biết được trong giới văn thi sĩ nổi tiếng ai có tật nói rất dài, rất dai và nhiều chuyện về đại hội nhà văn Việt Nam. Bọ Lập châm biếm các cụ Vũ Đình Liên, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Trung Thông nhưng chắc không ai giận.
Hoàng Phủ Ngọc Tường được nhắc đến nhiều vì từ anh Bọ Lập học được biết bao điều về văn chương, về cách ứng xử từ những ngày làm văn hoá ở Bình Trị Thiên. Anh Tường ở đâu Tết Mậu Thân? Theo Bọ Lập, lúc đó nhà văn vẫn còn trong rừng, lời nói của anh được thu trước để phát trên đài. Vì rất thân với nhau nên bệnh tình, đời sống sinh lí của anh Tường cũng được tác giả hé mở.
Chuyện đời vớ vẩn, như nhận định của Phan Xuân Nguyên không thể coi là vớ vẩn. Nhà phê bình văn học đã viết trong lời giới thiệu: “Hãy cứ đọc cuốn sách như chứng tích của một thời đã qua và đang qua, của một người và của nhiều người…”.
Thật thế, đọc tạp văn để thấy bóng hình nhiều văn thi nhạc sĩ, để gặp kẻ nhậu, người say, thấy thày cô cũ, làng xóm xưa, thấy tuổi thơ thời chiến tranh, trai gái thời bao cấp, thấy đời sống ngày nay qua một cách nhìn hết sức bén nhạy, dí dỏm.
Hầu hết những câu chuyện đều lôi cuốn. Một vài chỗ biên tập không kĩ nên có đoạn trùng lập nguyên văn, như khi kể về chiếu rượu trong “Chơi thơ” và “Chuyện buồn đau một thuở”. Ngày Tết của thằng Tý mù ở làng Đông và sự việc khi còn bé tác giả được gặp ca sĩ Ái Vân cũng bị lập lại.
Ngoài sự hấp dẫn qua giọng văn kể chuyện vui và chậm rãi, Bọ Lập còn mang vào văn chương nhiều phương ngữ Quảng Bình và tiếng cười trong cách viết. Khi “hề hề”, “khì khì”, “he he”, khi “hi hi”, “hè hè”. Có lúc “cười sật sật”, “cười cái hậc”.
Văn chương Bọ Lập luôn làm người đọc phải tủm tỉm cười.
Tác giả hiện dạy học và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco. Bài viết thể hiện cách nhìn của riêng ông.
2011-12-02
Chiều mùng 2 tháng 12, công an Quảng Nam đã ập vào hành hung gia đình blogger Huỳnh Thục Vy tại Tam Kỳ, Quảng Nam.
Đánh đập, bắt người
Công an đọc lệnh phạt vi phạm hành chính với những khoản tiền phạt rất nặng, tịch thu đồ đạc mà không lập biên bản, và bắt đi anh họ cuả Huỳnh Thục Vy là Huỳnh Ngọc Lễ.
Thanh Quang điện thoại cho blogger Huỳnh Thục Vy để tìm hiểu về tình cảnh này, và được Huỳnh Thục Vy kể lại như sau:
Lúc chiều khoảng 3 giờ thì khoảng một trăm công an, 50 công an tràn vào nhà, 50 công an chốt tất cả các ngả đường giống như là lần trước vào ngày 8 tháng 11, thì con mới lấy máy ảnh ra định quay phim chụp hình để làm bằng chứng cho sự khủng bố của họ, nhưng con mới vừa rút máy quay phim ra thì 2 công an nữ đã vật tay con ra phía sau, rồi 2 công an nam chạy vô lấy máy ảnh của con mà rồi còn đánh con nữa, đánh vào tay vào chân con nữa. Người ta đánh con rất là đau và con chưa bao giờ tiếp xúc với công an theo cái kiểu người ta thô bạo đến như vậy. Lần trước ngày 8 tháng 11 thì người ta có vẻ bình thường, ôn hòa, không có vấn đề gì: người ta để cho mình quay phim chụp hình bình thường.
Thanh Quang : Theo Huỳnh Thục Vy thì tại sao lần này họ lại nặng tay như vậy ?
Huỳnh Thục Vy : Dạ. Có lẽ là do con quay phim chụp hình đưa lên mạng nhiều quá nên người ta cảm thấy nhục nhã với người dân hay sao đó nên lần này người ta bố ráp người ta làm rất là kinh khủng. Người ta nói chỉ cần rút điện thoại ra là người ta tịch thu, cuối cùng thì người ta tịch thu của nhà con tới 6 cái điện thoại.
Thanh Quang : Chúng tôi được biết là người anh họ của cô, tức là con của bác cô tên Huỳnh Ngọc Lễ đã bị bắt trong vụ này, thì tình trạng của anh Lễ như thế nào ạ?
Huỳnh Thục Vy : Tình hình của anh ấy bây giờ rất là khẩn cấp, tại vì con không biết bây giờ ra sao. Gia đình con rất là lo lắng vì không biết bây giờ anh ấy ở đâu nữa. Người ta bắt anh ấy đi mất luôn. Sáng mai mới đi tìm người, mới đi hỏi thăm coi bị nhốt ở đâu, chớ con cũng không biết bây giờ anh ấy như thế nào. Gia đình rất là lo lắng!
Thanh Quang : Thế thì tình trạng cha của cô là anh Huỳnh Ngọc Tuấn và em của cô là Huỳnh Trọng Hiếu hiện giờ ra sao?
Huỳnh Thục Vy : Dạ. Cả nhà con hiện tại vẫn được bình an tuy là người ta vào người ta có đánh đập, người ta đánh, người ta khóa tay lại phía sau người ta đánh, tại vì người ta rất đông người, chú ạ. Nhà con chỉ có 2 cô, có ba với con, với Hiếu, mà trong khi họ cả mấy chục người, cả trăm người, người ta làm mình rất là hoảng sợ. Bây giờ người con tay chân bầm hết. Họ xé cả áo đến rạch toạc áo của cô và áo của con, áo của em trai con nữa.
Nhưng mà dù cho tất cả những việc đó thì nhà con vẫn vững tâm, chỉ có một điều rất là lo lắng cho anh Huỳnh Ngọc Lễ. Con mong là RFA có thể đưa tin về anh Huỳnh Ngọc Lễ để anh ấy được bảo vệ, tại vì công an vu cho anh ấy là “chống người thi hành công vụ”, tại vì có hai công an nữ xông vào đánh con nên anh ấy mới vì bảo vệ cho con mà xông vào can ngăn thì mấy người công an mới xông vào bắt anh ấy đi, tại vì họ vu cáo anh ấy là “chống người thi hành công vụ”. Hôm trước anh ấy đã giúp gia đình con chụp hình về vụ ngày 8 tháng 11 thì anh ấy cũng mặc áo No-U, áo chống đường lưỡi bò, hôm nay anh ấy cũng mặc áo No-U giống như người đi biểu tình vậy cho nên người ta ghét vì mặc áo đó nên người ta đã bắt đi với vu cáo là “chống người thi hành công vụ” .
Thanh Quang : Thế công an vào nhà cô lần này thì họ cho biết lý do là gì?
Huỳnh Thục Vy : Dạ. Người ta vào nhà người ta đọc 3 quyết định xử phạt ba con là 100 triệu, con là 85 triệu, em trai con là Huỳnh Trọng Hiếu cũng 85 triệu. Người ta nói là sau khoảng 10 ngày, trong thời gian 10 ngày phải đi nộp tiền vào kho bạc nhà nước, nếu không thì sẽ bị cưỡng chế.
Tịch thu tài sản
Thanh Quang : Cô và người thân sẽ ứng phó ra sao trước sự cưỡng chế như vậy ?
Huỳnh Thục Vy : Dạ. Gia đình con đang rất là lo lắng, không biết biện pháp cưỡng chế của họ là gì đây. Chắc là họ sẽ niêm nhà, tịch thu hết nhà, tịch thu hết dụng cụ, đồ đạc trong nhà con, mà thực ra nhà con bây giờ có còn gì để họ tịch thu đâu! Máy tính thì người ta đã tịch thu rồi. Con không biết nhưng mà hai cô con lúc chiều khi người ta ra về hết rồi thì lục tủ tiền thì thấy tiền mất hết. Cả mười ngày nay thì có đồng bào cô chú bác ở hải ngoại gửi về được 3 ngàn đô, thời gian này nhà con cất trong tủ mà chiều nay khi họ về rồi, mở ra thì thấy không còn tiền đâu, chú ạ, rất là lo lắng, rất là căm phẫn.
Thanh Quang : Tất cả những gì họ tịch thu như vậy là họ có giấy tờ, họ có biên bản đúng thủ tục hay không?
Con rất là lo lắng tại vì mình không có gì làm bằng chứng để chứng tỏ sự khủng bố của người ta đối với gia đình con. Con không chụp được một bức hình nào luôn, tại vì người ta tịch thu hết điện thoại và máy ảnh của con, tại vì người ta đánh con rất là đau cho nên con cũng sợ.
Thanh Quang : Nói chung thì cô có nhận xét tổng quát như thế nào về hành động vừa rồi của công an?
Huỳnh Thục Vy : Con thấy việc đưa 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho 3 cha con của con thì chỉ cần một người của xã của phường đến đưa là được rồi, hay là gửi qua đường bưu điện cũng ổn rồi, chớ không cần phải một trăm người ập vào nhà như vậy. Người ta ập vào nhà như vậy thì mục tiêu thứ nhứt là để khủng bố tinh thần gia đình con, làm cho gia đình con bấn loạn hết cả, rồi người ta vào người ta đánh đập mình, người ta lợi dụng tình thế khẩn cấp người ta cướp hết tiền bạc của mình nữa.
Thứ hai, người ta xông vào nhiều người như vậy để cho thấy lực lượng hùng hậu của họ, chứng tỏ sức mạnh của họ đối với người dân ở khắp vùng này để làm cho người dân sợ hãi qua cái gương của 3 cha con của con mà im hơi lặng tiếng, không dám nói gì cả.
Khủng bố tinh thần
Thanh Quang : Hiện giờ thì công an như thế nào? Họ có còn bao vây chung quanh nhà hay là như thế nào?
Huỳnh Thục Vy : Dạ. Cách nhà con khoảng 500 mét thì có mấy quán cà phê để các người trẻ đánh bi-da đó chú ạ, người ta trực ở đó, mấy công an trẻ trực ở đó, người ta đánh bi-da, người ta uống cà phê, rồi còn xe cảnh sát thì hú còi thỉnh thoảng chạy qua chạy lại trước nhà con hoài mà thôi.
Thanh Quang : Nhân đây Huỳnh Thục Vy có muốn lên tiếng gì với công luận hay không?
Huỳnh Thục Vy : Dạ. Con cảm ơn Đài đã cho con được lên tiếng với thính giả của Đài Á Châu Tự Do, con rất là mừng. Nhân đây con xin mọi người giúp đỡ cho gia đình con về phương tiện truyền thông và vận động dư luận quốc tế, vận động các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế như RSF để công luận quốc tế bảo vệ cho gia đình con, vì trong tình trạng này con không biết là người ta sẽ tiếp tục giở thủ đoạn gì tiếp theo đối với gia đình con nữa. Gia đình con rất là lo lắng, mà cái lo lắng nhiều nhất vẫn là lo lắng cho anh Huỳnh Ngọc Lễ.
Xin mọi người lên tiếng can thiệp để bảo vệ cho trường hợp anh Huỳnh Ngọc Lễ tại vì anh ấy chỉ mặc áo No-U và can thiệp vào việc của gia đình con mà người ta ghét nên người ta chụp mũ là “chống người thi hành công vụ” rồi người ta bắt đi mất, gia đình không biết tung tích anh ấy gì cả. Con mong vì gia đình con một phần mà vì anh Huỳnh Ngọc Lễ là phần quan trọng hơn, xin mọi người giúp lên tiếng để bảo vệ anh Huỳnh Ngọc Lễ ạ.
Thanh Quang : Cảm ơn Huỳnh Thục Vy rất nhiều.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/qn-police-crackdown-tvy-tq-12022011213933.html
No comments:
Post a Comment