Nhân chuyến công du Miến Điện của Ngoại trưởng Mỹ, nhật báo Pháp Le Figaro vào hôm nay đã chú trọng đến không khí căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vừa qua, mà tờ báo cho là : «Washington và Bắc Kinh trong tư thế sẵn sàng ‘rút gươm’», tựa lớn ở trang quốc tế. Tờ báo chú thích : Hoa Kỳ đã thắng một trận đánh trong cuộc chiến giành ảnh hường trong khu vực.
Tác giả bài báo Arnaud de La Grange, nhìn thấy là Trung Quốc vẫn còn vật vã sau khi bị trúng ‘cơn sốt châu Á’ của tổng thống Mỹ Obama. Bắc Kinh cảm thấy mình bị Washington thách thức và sỉ nhục ngay trong ‘sân nhà’, trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương mà một số người muốn biến thành vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Le Figaro liệt kê một số việc làm của Mỹ bị cho là thách thức : Tổng thống Mỹ không chỉ trịnh trọng tuyên bố là Mỹ ‘vẫn ở lại trong vùng’ mà ông còn ào ạt tung ra một loạt hành động cụ thể: Thông báo thành lập một căn cứ thủy quân lục chiến ở Úc, nêu lên vấn đề tranh chấp Biển Đông trong chương trình nghị sự Hội nghị Đông Á, bất chấp những lời phản đối của Trung Quốc.
Trước đó, tại Hội nghị APEC, Hoa Kỳ đã thúc đẩy việc thành lập vùng tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, mà Trung Quốc không được mời, và giờ đây là chuyến công du Miến Điện của ngoại trưởng Hillary Clinton, mà Bắc Kinh xem như là nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Sau một thời gian bị bất ngờ, Le Figaro cho là Bắc Kinh bắt đầu phản ứng. Động thái làm tờ báo ngạc nhiên và cho là hiếm thấy, đến từ bộ Quốc phòng Trung Quốc vào hôm qua, khi bộ này chỉ trích ‘tâm lý chiến tranh lạnh’ của Mỹ liên quan đến căn cứ quân sự ở Úc. Một viên tướng Trung Quốc tố cáo ý muốn ‘bao vây Trung Quốc’ của Washington, và đánh giá đó là một sai lầm chiến lược nguy hại.
Le Figaro phân tích là trước đây Bắc Kinh từng xem sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan như là một động thái vây quanh Trung Quốc, triển khai quân ở phiá Tây để bổ xung cho lực lượng Mỹ ở phiá Đông, tức là ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Le Figaro nhắc lại là vừa qua thì Hoa Kỳ đã thu hút được sự đồng tình, ủng hộ của phần lớn các quốc gia Đông Nam Á, kể cả Việt Nam.
Trong cuộc chiến giành ảnh hưởng này, Le Figaro cho là các nhà bình luận ở Hồng Kông và cả ở Trung Quốc, đều đánh giá là Mỹ đã thắng trên mặt trận ngoại giao mới này, cho dù như một giáo sư đại học Thượng Hải đã cảnh cáo là « người Trung Quốc kiên nhẫn hơn một chính quyền Mỹ. Lần này Trung Quốc thua, nhưng 10 năm sau thì Hoa Kỳ sẽ thua ».
Hiện nay, theo giới chuyên gia, ngoài các tuyên bố tức giận, Trung Quốc sẽ không hành động gấp rút, một mặt là để không tạo cảm giác là họ vừa bị một cái tát nghiêm trọng và một mặt khác là vì Trung Quốc cũng bước vào ‘năm bầu cử’, với việc thay đổi lãnh đạo năm 2012, và những xáo trộn lớn trên chính trường quốc tế không có lợi. Có điều như một giáo sư đại học Bắc Kinh nhận định : Chủ tịch Hồ Cẩm Đào « đang chiụ sức ép chưa từng thấy về chính sách đối ngoại».
Le Figaro còn nêu một số bình luận khác nữa, cho là cuộc đọ sức mới này có lợi cho cả hai nước vì nó làm hài lòng dư luận hai bên, và mặt khác giúp hai nước tránh được một cuộc chiến tranh thương mại quá đà, sau cuộc bỏ phiếu trừng phạt của Quốc hội Mỹ trên vấn đề đồng yuan.
Phải chăng Miến Điện đã thực sự mở cửa ?
Quốc gia châu Á được chú ý nhất hiện nay là Miến Điện. Những động thái cởi mở chính trị vừa qua của chính quyền dân sự tại quốc gia này đã gây ngạc nhiên vả dẫn đến kết quả không ai dám nghĩ đến trước đây : Chuyến viếng thăm của một ngoại trưởng Mỹ. Tuy hoan nghênh sự thay đổi nhanh chóng trong không đầy một năm của chính quyền dân sự được thành lập sau cuộc bầu cử, nhưng người dân Miến Điện cũng như các nhà quan sát và báo giới vẫn thận trọng.
Libération phản ánh suy nghĩ chung này trong bài báo tựa đề : «Tiến trình tan băng mong manh tại Miến Điện». Theo tờ báo, sự kiện Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Naypyidaw vào hôm qua đã chứng thực cho tiến trình mở cửa chính trị tương đối của chế độ Miến Điện, nhưng chưa xoá tan được các mối hoài nghi.
Tác giả bài báo công nhận : Nếu nói đây là một chuyến viếng thăm lịch sử thì không ngoa chút nào. Từ năm 1955 đến nay, Washington chưa bao giờ gởi người lãnh đạo ngành ngoại giao của mình đến một quốc gia mà chế độ, chỉ mới cách đây không lâu, còn xem chính quyền Mỹ là ‘Quỷ Satan’ của chế độ thực dân mới, đã cùng với Châu Âu trừng phạt Miến Điện.
Nhưng với những dấu hiệu mở cửa ngày càng nhiều của chính quyền mới, thì hai bên đã xích lại gần nhau. Libération nhắc lại : Hành động mở cửa của Miến Điện quả là là chưa từng thấy từ sau cuộc đảo chinh của các tướng lãnh năm 1962. Tờ báo liệt kê hàng loạt cải tổ mà không ai dám nghĩ đến cách đây một năm thôi : quyền tự do lập hội, lập công đoàn, quyền đình công, biểu tình, giảm kiẻm duyệt báo chí..., kêu gọi các nhà đối lập lưu vong trở về nước..v.v..
Đối với các quan sát viên lạc quan, như một nhà ngoại giao Pháp, Jean Hourcade, làm việc tại Yangon từ 2000 đến 2005, thì chính quyền Miến Điện đã hiểu là không thể nào tồn tại mãi mãi mà không biển chuyển, và họ khó mà quay ngược lại phiá sau, sau tất cả những gì đã thông báo. Còn một nhà ngoại giao Mỹ thì đánh giá tình hình thận trọng hơn, cho là « quá khứ của lãnh đạo Miến Điện làm cho người ta khó tin tưởng họ hoàn toàn đối với tương lai ». Nhưng nhà ngoại giao này đồng thời cũng phải công nhận là tân chính quyền Miến Điện đã làm được một số việc tích cực.
Libération trích dẫn Bertil Lintner, một nhà báo chuyên trách khu vực. Ông cũng tỏ ra không mấy tin tưởng, cho là những cải tổ đã được thông báo chỉ là việc ‘tô son trát phấn’. Ông lo ngại là cho dù chính quyền đã cho phép đối lập, các hiệp hội, công đoàn, báo giới nói lên tiếng nói của mình, nhưng nếu họ bị đánh giá là đi quá xa thì đàn áp sẽ diễn ra ngay. Còn đối với bà Aung San Suu Kyi, nếu bà còn không bị lãnh đạo Miến Điện cô lập, thì họ đã sử dụng bà để được quốc tế công nhận, bãi bỏ trừng phạt và viện trợ trở lại. Chính quyền Miến Điện đã giành được thành công đầu tiên khi được giao phó chiếc ghế chủ tịch ASEAN năm 2014.
Tuy nhiên, thái độ cởi mở của lãnh đạo Miến Điện hiện nay cũng được nhìn qua một lăng kính khác. Libération trích một nhà ngoại giao người Pháp khác, nhìn thấy tác động của Mùa Xuân Ả Rập mà theo nhân vật này, « đã đóng một vai trò thúc đẩy cải tổ nhanh chóng », để giải thích sự thay đổi tại Miến Điện. Theo quan sát viên này, lãnh đạo mới lên nắm quyền thuộc thế hệ trẻ hơn chế độ cũ, và họ mong muốn đổi mới. Vả lại mong muốn của họ trùng lập với mong muốn của giới tài phiệt đã thừa hưởng thành quả chính sách tư hữu hóa nhưng lại phải chiụ trừng phạt kinh tế của quốc tế.
Ngoài những lý do trên Libération còn nhìn thấy là Miến Điện muốn thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, người láng giềng hùng mạnh và tham ăn. Tờ báo trích báo Trung Quốc, tờ Hoàn cầu thời báo( Global Times), đã cho là Bắc Kinh không thấy trở ngại gì trong việc Miến Điện tìm cách cải thiện quan hệ với phương Tây khi mà quyền lợi của Trung Quốc không bị ‘chà đạp’. Mối nghi ngờ đối với thực tâm cải tổ của chính quyền Miến Điện cũng được báo Le Figaro nêu bật trong hàng tựa : Bà Clinton trắc nghiệm việc mở cửa của Miến Điện.
Mở đầu bài viết, tác giả Florence Compain nhắc lại câu nói của một nhà đối lập Miến Điện lưu vong ở Thái Lan từng nói với nhà báo Le Figaro, là « Thương lượng với tướng lãnh Miến Điện không khác gì gảy đàn tai trâu ». Nhà báo này cho là ngoại trưởng Clinton đến Miến Điện với hy vọng khuyến khích thay đổi. Nhưng trước tiên bà phải cố trả lời câu hỏi đang ám ảnh cả nước :" thông báo đổi mới ngoạn mục của chính quyền chỉ là một chiếc áo màu mè, hay là thể hiện ý muốn thay đổi sâu sắc".
Le Figaro nhắc lại lời của ngoại trưởng Mỹ hôm qua là bà muốn trắc nghiệm ý định của chế độ Miến Điện và sẽ thúc giục việc thả 1.600 tù nhân chính trị cũng như giải quyết tranh chấp với các nhóm dân tộc thiểu số một cách hòa bình.
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Pakistan
Cũng liên quan đến châu Á, Libération nêu bật tình hình quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Pakistan, một đồng minh thân thiết trước đây, nhưng giờ thì lại ‘kháng cự lại Mỹ’, tít trang thế giới. Libération trở lại sự kiện là để phản đối vụ oanh kích của NATO ở vùng bộ tộc làm 24 lính Pakistan thiệt mạng, thứ bảy vừa qua, Pakistan đã quyết định không tham dự cuộc họp về Afghanistan tổ chức ngày 5/12 tại Đức.
Pakistan đóng một vai trò then chốt trong cái gọi là ‘Trò chơi lớn’ chung quanh Afghanistan và là đối tác không thế thiếu vắng trong mọi giải pháp thương lượng. cho nên nếu Pakistan không đến họp ở Bonn, nhằm xem xét khả năng trợ giúp dài hạn của cộng đồng quốc tế cho Afghanistan, thì xem như là cuộc họp không còn ý nghiã gì nữa. Hội nghị tại Đức chuẩn bị đón 91 phái đoàn, và Hoa Kỳ hôm qua vẫn cố thuyết phục Pakistan bỏ quyết định tẩy cây hội nghị, nhưng dường như là đã hoài công. Islamabad vẫn chưa từ bỏ ý định của mình. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã lấy làm tiếc về sự cố và hứa cho mở điều tra nhanh chóng. Có điều là Hoa Kỳ không lên tiếng xin lỗi, một cử chỉ mà giới phân tích Pakistan cho là cần thiết để chính quyền Islamabad quyết định tham gia cuộc họp tại Đức.
Theo Libération, chính quyền Pakistan không chỉ tẩy chay cuộc họp, mà còn ngăn chặn con đường bộ chuyển hàng tiếp tế cho lực lượng NATO ở Afghanistan, chứng tỏ rằng người đồng minh này vẫn còn trong cơn thịnh nộ. Tuy nhiên giới quan sát cho là Pakistan có thể sẽ bỏ ý định tẩy chay của mình. Trong cuộc họp sắp tới đây vấn đề căn cứ Mỹ tại Afghanistan sẽ được đưa ra bàn thảo, do đó Pakistan sẽ muốn biết thêm về ý định của ông Obama. Libération theo dõi báo chí Pakistan đã thấy là dường như Thủ tướng Gilani đã hé mở một cánh cửa trong cuộc đọ sức hiện nay : ông đưa ra điều kiện tham gia hội nghị là Hoa Kỳ cam kết không tiến hành các chiến dịch tấn công trên đất nước của ông.
http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20111201-washington-va-bac-kinh-gom-nhau-tai-chau-a
Tình huống thuận lợi cho Việt Nam
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ngày 19/11/2011, vấn đề Biển Đông đã lại được ‘quốc tế hóa’, dưới sự thúc đẩy của Mỹ, và bất chấp thái độ phản đối của Trung Quốc. Theo phân tích của Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales), đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt Việt Nam, vốn đang bị Bắc Kinh lấn lướt. đây là một xu thế có lợi, cần phải khéo léo tranh thủ.
« Tôi không muốn thảo luận vấn đề đó tại Hội nghị Thượng đỉnh. Tuy nhiên, một vài lãnh đạo đã nêu tên Trung Quốc trong vấn đề đó. Không đáp trả những gì ta nhận thì thật là bất lịch sự ». Đây là lời công nhận của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo với Tân Hoa Xã về sự kiện vấn đề Biển Đông đã được nêu bật tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ngày 19/11/2011 ở Bali (Indonesia).
Đối với Bắc Kinh, việc hồ sơ Biển Đông được quốc tế hóa tại một diễn đàn tập hợp 18 nước, trong đó có mặt hầu như tất cả các cường quốc, có thể được xem là một thất bại vì lẽ cho đến nay, Trung Quốc luôn luôn phản đối khả năng quốc tế nhòm ngó vào tranh chấp vùng biển giữa họ với các nước nhỏ trong khu vực.
Ngược lại, đối với Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với Tổng Thống Barack Obama, vốn đã kiên quyết nêu bật vấn đề ‘an ninh hàng hải’ trong vùng Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đầu tiên mà ông tham dự, đây là một thành công rõ rệt.
Cũng như vậy, đối với các quốc gia ASEAN, từ Việt Nam, Philippines, cho đến Malaysia, Brunei, đang phải đối phó với đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở vùng Biển Đông, việc hồ sơ này được quốc tế hóa cho phép họ giảm bớt được sức ép của Trung Quốc, vốn chỉ muốn giải quyết vấn đề một cách song phương với từng nước để dễ bề thao túng.
Bắc Kinh bị đẩy vào thế thủ tại Bali trên hồ sơ Biển Đông
Điều đã được tất cả các quan sát viên công nhận là tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Bali, riêng trên hồ sơ Biển Đông, Bắc Kinh hoàn toàn bi đẩy vào thế thủ. Lời cảnh cáo do chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra chống lại việc nêu vấn đề Biển Đông ra trước hội nghị Đông Á, cho rằng đấy không phải là một diễn đàn thích hợp, hầu như chẳng được ai lắng nghe. Lời đe dọa là các ‘thế lực bên ngoài’ – ám chỉ Mỹ - không nên viện cớ xen vào Biển Đông cũng không có tác dụng.
Thậm chí ngoài Tổng Thống Mỹ và nhiều lãnh đạo ASEAN, còn có cả Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh lẫn Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda gợi lên vấn đề Biển Đông, một cách thẳng thừng như ông Singh trong cuộc gặp đồng nhiệm Trung Quốc, hay một cách gián tiếp như ông Noda khi ông thúc đẩy vấn đề bảo đảm ‘an ninh hàng hải’ trong hội nghị với các lãnh đạo ASEAN. Phải nói thêm là tại Bali, khái niệm « an ninh hàng hải » luôn luôn được hiểu là « hồ sơ Biển Đông ».
Thế thủ mà Trung Quốc bị đẩy vào ở Bali còn phản ánh qua một sự kiện rất nhỏ : Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã từng dự trù một cuộc họp báo vào trưa ngày 19/11. Lời mời đã được thông báo cho các phóng viên có mặt ở Bali. Thế nhưng sau đó cuộc họp báo đã bị hủy bỏ.
Ngay cả ngón đòn kinh tế mà Bắc Kinh thường dùng để chiêu dụ các nước ASEAN cũng có dấu hiệu không thu hút nhiều sự chú ý. Ngân khoản 10 tỷ đô la hỗ trợ cho ASEAN mà Trung Quốc loan báo ngay tại hội nghị Bali, hầu như không mấy được quan tâm, nhất là khi vào cùng một thời điểm, Thủ tướng Nhật Bản cho biết là Tokyo cam kết chi ra khoảng 26 tỷ đô la để giúp khối Đông Nam Á cải thiện hạ tầng cơ sở.
16 nước đề cập đến Biển Đông, ngoại trừ Cam Bốt và Miến Điện
Trong toàn cảnh như trên, vấn đề Biển Đông đã được nêu bật như thế nào tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ngày 19/11 vừa qua ở Bali. Lẽ dĩ nhiên là các trao đổi giữa các lãnh đạo không hề được công bố chính thức. Tuy nhiên, trên chuyến bay về Mỹ, một quan chức Hoa Kỳ cao cấp, có mặt tại hội nghị đã kể lại cho các nhà báo Mỹ tháp tùng theo Tổng thống Obama diễn tiến cuộc tranh luận.
Theo lời kể được ghi lại trên trang Web của Nhà Trắng, trong cuộc họp gần 2 tiếng đồng hồ, có tất cả 16 lãnh đạo, trong đó có Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề cập trực tiếp hay gián tiếp đến vấn đề Biển Đông. Thậm chí Ngoại trưởng Nga cũng lên tiếng. Duy chỉ có các lãnh đạo Cam Bốt và Miến Điện là không nói đến vấn đề này.
Theo nguồn tin trên, Tổng thống Mỹ Obama không hề gọi là « vận động hành lang » để mớm ý cho các lãnh đạo khác, mà các vị này đã tự động phát biểu. Mở màn nói thẳng đến tranh chấp Biển Đông là Thủ tướng Singapore, Tổng thống Philippines và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, tiếp theo là đại diện của Malaysia, Thái Lan, Úc, Ấn Độ, Nga và Indonesia.
Theo lời kể lại của quan chức Mỹ, thì các lãnh đạo này đều nhấn mạnh trở lại rằng các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phải được giải quyết một cách đa phương. Chỉ sau khi các nhà lãnh đạo khác đã lên tiếng thì Tổng thống Mỹ Obama mới phát biểu, tuyên bố ủng hộ quan điểm của những người nói trước.
Tổng thống Mỹ lập luận rằng : « Dù chúng tôi không phải là một nguyên đơn trong vụ tranh chấp Biển Đông, dù chúng tôi không bênh vực bên nào, chúng tôi có lợi ích mạnh mẽ trong việc duy trì an ninh hàng hải nói chung, và trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông nói riêng – với tư cách là một cường quốc thường trú tại Thái Bình Dương, một quốc gia hàng hải, một quốc gia thương mại, và một nước bảo đảm cho nền an ninh trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương ».
Chỉ sau khi ông Obama nói xong thì Thủ tướng Ôn Gia Bảo mới trả lời. Theo lời quan chức chính phủ Mỹ kể lại vụ việc, ông Ôn Gia Bảo chỉ nhắc lại lời phản đối rằng Hội nghị thượng đỉnh Đông Á không phải là nơi để thảo luận về vấn đề Biển Đông, và khẳng định rằng Trung Quốc đi bỏ nhiều công sức để đảm bảo sao cho các tuyến hàng hải được an toàn và tự do.
Đối với viên chức Mỹ, phản ứng Thủ tướng Trung Quốc đáng chú ý ở lời lẽ hòa hoãn, không tràng giang đại hải hay dùng đến những công thức quyết đoán thường thấy nơi các lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt khi họ công khai phát biểu.
Tuy nhiên, theo nguồn tin này, điều thú vị không phải những gì ông Ôn Gia Bảo nói ra, mà là những gì ông không nói, ví dụ như ông không nhắc lại quan điểm tranh chấp phải được giải quyết song phương. Phải nói ngay là thiếu sót kể trên trong tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc tại Bali đã được hãng tin chính thức Tân Hoa Xã bổ khuyết sau đó, khi họ cho biết là ông Ôn Gia Bảo đã tái khẳng định lập trường của Trung Quốc. Chi tiết này cho thấy là dù không được Thủ tướng của họ nói ra Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Trung Quốc vẫn chống lại một giải pháp đa phương cho tranh chấp Biển Đông.
Sau hết, Tổng thống Indonesia, trong tư cách chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á Bali, một lần nữa đã lấy lại micro để tổng kết như sâu : "Tôi có thể mô tả cuộc thảo luận ngày hôm nay là tất cả chúng ta đã bàn thảo về Biển Đông một cách rất xây dựng", và ông cho rằng tất cả các lãnh đạo đã chứng tỏ là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á có thể giúp cho bộ quy tắc ứng xử (về Biển Đông) được tiến triển.
Tóm lại, có thể nói rằng là tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á Bali, vấn đề Biển Đông đã lại được ‘quốc tế hóa’, dưới sự thúc đẩy của Mỹ, và bất chấp thái độ phản đối của Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer : Xu thế quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông có lợi cho Việt Nam
Tác động của tình hình này có thể là gì ? Liệu có thể buộc Trung Quốc thay đổi lập trường hay không ? Vốn đã từng tranh thủ vai trò chủ tịch ASEAN của mình vào năm ngoái để thúc đẩy việc quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông, Việt Nam có thể làm gì để tranh thủ được chuyển biến tích cực tại Bali ? Đây là một số vấn đề mà Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales), đã sẵn lòng phân tích trong phần trả lời phỏng vấn dành riêng cho ban Việt ngữ RFI.
RFI : Vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa tại Thượng đỉnh Đông Á bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Ảnh hưởng sẽ như thế nào ?
THAYER : Khi Chủ tịch ASEAN, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), ông tóm lược nội dung thảo luận bằng cách ghi nhận rằng các vấn đề an ninh hàng hải là một đề mục thích hợp với chương trình nghị sự của hội nghị.
Trong số 18 thành viên của Hội nghị thượng đỉnh, 16 nước đã nêu lên vấn đề này. Trung Quốc nằm trong số 16 nước đó và lập luận rằng Cấp cao Đông Á không phải là một diễn đàn thích hợp.
Thượng đỉnh Đông Á đã không đề xuất bất kỳ hành động nào (liên quan đến Biển Đông). Nhưng rõ ràng là trước phản ứng đồng thuận trong khu vực, vốn cho rằng vấn đề an ninh hàng hải – tức là Biển Đông – thuộc diện được quan tâm rộng rãi, Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh lập trường của họ, vốn chỉ nhấn mạnh trên đàm phán song phương.
Vấn đề Biển Đông sẽ được nêu lên trong ba diễn đàn riêng biệt :
1/ Các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc sẽ thảo luận về các biện pháp cần ưu tiên tiến hành khi họ thực hiện bản Hướng dẫn Thực hiện DOC đã đồng ý vào tháng Bảy 2011. Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc họp của một nhóm làm việc vào năm tới.
2/ Hội nghị quan chức cấp cao của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +) đã nhất trí về các điều khoản tham chiếu cho Nhóm Chuyên gia Hỗn hợp thuộc tổ Công tác về An ninh Hàng hải (Joint Expert Working Group on Maritime Security). Nhóm này do Australia và Malaysia đồng chủ trì. Vấn đề là khi nhóm họp lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2010, ADMM + đã đồng ý gặp nhau ba năm một lần. Cuộc họp sắp tới do đó chỉ diễn ra vào năm 2013. Tháng Mười vừa qua, Hội nghị quan chức cấp cao của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng đã đồng ý thu ngắn thời gian giữa hai cuộc họp ADMM + thành hai năm, nhưng chỉ sau hội nghị lần thứ hai vào năm 2013 mà thôi.
Tuy nhiên, từ nay đến đó, kết quả công việc của Nhóm Chuyên gia Hàng hải (Maritime Expert Working Group) có thể được báo cáo lên cho Hội nghị Quan chức Cấp cao của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +).
3/ Các vấn đề an ninh hàng hải có thể được nêu ra trước Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN ARF nhóm họp hàng năm và cuộc họp giữa kỳ của Nhóm phụ trách an ninh trên biển (Inter-Sessional Group on Maritime Security). Không một nhóm nào trong số các này có quyền quyết định.
Chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc : nhân tố khuấy động Biển Đông
RFI : Tại Thượng đỉnh Đông Á, Trung Quốc như bị đẩy vào thế thủ, với tuyên bố chừng mực của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Có thể giải thích sao về động thái này ? Phải chăng đó chỉ là một bước lùi chiến thuật hay là Trung Quốc thực sự đang xem xét lại chiến lược của họ trước sự kiện họ bị hầu như tất cả mọi người phản đối ?
THAYER : Trung Quốc đã nhìn thấy là hơn 14 năm cố gắng phát huy "khái niệm an ninh mới" và chính sách an ninh đa phương của họ bị tổn thương nặng nề vì khu vực đã phản ứng chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông trong những năm gần đây, và nhất là trong năm 2011.
Các dấu hiệu cho thấy là hầu hết các sự cố trong vùng Biển Đông đều xuất phát từ sự cạnh tranh giữa các cơ quan dân sự hữu trách ở các cấp độ khác nhau của chính phủ, cộng với các chính quyền địa phương và các công ty dầu hỏa của Trung Quốc.
Khi nhận thức được đầy đủ về các tổn hại đã gây ra, Bắc Kinh đã nhanh chóng làm dịu tình hình. Trung Quốc thỏa thuận với các thành viên ASEAN trên bản Hướng dẫn Thực hiện DOC. Trung Quốc tiếp đón Tổng thống Philippines Aquino và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Trung Quốc bị buộc phải phản ứng một cách khá nhẹ nhàng bởi vì hành động của họ đã thúc đẩy các nước trong khu vực quay sang tìm kiếm sự đảm bảo từ Hoa Kỳ, và đã khiến các cường quốc lớn trong vùng - Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ - phản ứng lại một cách cứng rắn hơn.
Hiện nay, trong bối cảnh sắp đến Đại hội thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với việc chuyển giao quyền lực trong giới lãnh đạo, đã xuất hiện mối lo ngại là xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan tại Trung Quốc có thể lấn lướt đường lối ngoại giao thận trọng, và lại làm tăng căng thẳng trong vùng Biển Đông.
Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ "quyền lịch sử" và "chủ quyền không thể chối cãi" của họ trên 80% vùng Biển Đông. Khi chủ nghĩa dân tộc thái quá kết hợp với đà tăng cường quân sự và những mối bức xúc về sự toàn vẹn lãnh thổ, hệ quả sẽ là một yếu tố không ổn định cho an ninh khu vực.
RFI : Làm thế nào để giải thích sự thành công của Mỹ và Tổng Thống Barack Obama lần này ? Liệu thành công đó có kéo dài hay không ?
THAYER : Tổng thống Obama đã tích lũy được một số thành công. Chính quyền của ông đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN, và bổ nhiệm một đại diện thường trực bên cạnh Ban Thư ký ASEAN. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đáp ứng những mối quan ngại của các nước Đông Nam Á trên lục địa bằng cách tung ra Sáng kiến Hạ Mekong (Lower Mekong Initiative). Bà cũng là người thường xuyên lui tới khu vực và đã tham dự tất cả các cuộc họp ARF. Tổng thống Obama đã đề nghị và được thu nhận làm thành viên Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, và ông đồng thời đã chủ trì 3 cuộc họp thượng đỉnh với ASEAN.
Mỹ dường như đã giải quyết được vấn đề hóc búa là Miến Điện bằng cách cử Ngoại trưởng Clinton đến tận nơi để đánh giá các cải cách chính trị tích cực gần đây tại Miến Điện. Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ không còn mâu thuẫn với các nước thành viên ASEAN, vốn đã công nhận tính chính đáng của tân chính phủ Miến Điện. Chính tình hình Miến Điện đã phá hoại các nỗ lực của cựu Tổng thống Bush, muốn triệu tập một cuộc họp giữa các lãnh đạo ASEAN và Mỹ tại trang trại của ông ở Crawford, Texas. Khi Hoa Kỳ cho biết là Miến Điện sẽ không được hoan nghênh, ASEAN đã từ chối tham dự.
Tổng thống Obama cũng đã đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ đổi mới cam kết dấn thân vào khu vực. Ngân sách quốc phòng cho vùng châu Á-Thái Bình Dương sẽ được bảo vệ, không bị việc cắt giảm ngân sách quốc phòng Mỹ ảnh hưởng. Hoa Kỳ cũng đã tiến hành một số bước khác như đưa loại tàu chiến mới Littoral Combat Ships qua đồn trú tại Singapore, và khởi động kế hoạch đưa Thủy quân lục chiến Mỹ đến các cơ sở huấn luyện gần Darwin ở miền bắc Úc.
Quan trọng nhất là Tổng thống Obama đã khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, và nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ muốn Trung Quốc cùng tham gia.
Trên hồ sơ Biển Đông, Obama đã không cường điệu vai trò của Mỹ. Hoa Kỳ không bênh vực bên nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhưng không tán đồng việc sử dụng võ lực và đe dọa dùng võ lực. Mỹ ủng hộ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, bao gồm quyền tự do và an toàn qua lại trên biển và trên không. Mọi nước đều phụ thuộc vào điều kiện tiên quyết là hàng xuất và nhập khẩu phải được lưu thông an toàn trên Biển Đông.
Cần phải tìm giải pháp cho tình hình ASEAN bị chia rẽ
RFI : Việt Nam có thể hưởng được những lợi ích gì từ kết quả này ?
THAYER : Việt Nam đã nhận thức được rằng chiến lược ba hướng - (1) đấu tranh và hợp tác với các nước lớn, (2) làm bản lề giữa Bắc Kinh và Washington, và (3) chính sách đối ngoại đa phương – đã giúp họ huy động được sự hỗ trợ từ bên ngoài trong giao thiệp với Trung Quốc. Việt Nam cũng đã học được rằng cách thúc đẩy tốt nhất lợi ích của mình là để cho Philippines tiến công trên vấn đề Biển Đông.
Về đấu tranh và hợp tác, Việt Nam đã học được cách đứng lên chống lại Trung Quốc, rồi sau đó tìm kiếm sự hợp tác để tránh không cho vấn đề Biển Đông thống trị các mối quan hệ song phương. Kháng lại Trung Quốc cũng bao gồm việc tăng cường năng năng lực hải quân và không quân còn khiêm tốn bằng chiến lược chống tiếp cận anti-access/area-denial riêng của mình.
Với tư cách là bản lề giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam có thể xoáy trên các lợi ích cụ thể của Trung Quốc và Hoa Kỳ để thu lợi cho mình. Không ai có thể buộc Việt Nam nghiêng hẳn về phía này hay phía kia.
Còn chính sách ngoại giao đa phương cho phép Việt Nam lôi kéo thêm các nước khác vào cuộc : Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Pháp, Vương quốc Anh.
Việt Nam cũng đã nhận thức được rằng khối ASEAN bị chia rẽ. Cam Bốt và Miến Điện rõ ràng là không bao giờ nêu lên vấn đề an ninh hàng hải hoặc các vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn đa quốc gia. Một số quốc gia ASEAN muốn để cho Việt Nam và Philippines một mình tiến vào hang hùm và đừng lôi kéo họ vào một cuộc xung đột với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là bất kỳ một bộ luật ứng xử nào giữa các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc đều sẽ không có uy lực.
Trong thực tế, áp lực của Trung Quốc đã ngăn không cho ASEAN tiến tới một lập trường chung. Đây là một tình trạng đáng buồn vào lúc các nước Đông Nam Á đang hướng tới việc tuyên bố mình là Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Một bộ luật ứng xử cho toàn bộ vùng biển Đông Nam Á
RFI : Việt Nam có thể làm gì để tranh thủ được xu hướng tích cực tại Thượng đỉnh Đông Á ?
THAYER : Dù về cơ bản Biển Đông là một vấn đề giữa Trung Quốc và 4 nước Đông Nam Á, thế nhưng Philippines và Việt Nam lại đang ở phía tiền tuyến trong việc đối phó với Trung Quốc. Trong khi đó thì Malaysia và Brunei lại tìm cách tránh can dự trực tiếp. Việt Nam phải dành nhiều công sức để thay đổi cách tiếp cận của các thành viên ASEAN đối với Trung Quốc. Việt Nam cần thúc đẩy một bộ luật ứng xử cho toàn bộ vùng biển Đông Nam Á (Code of Conduct for Southeast Asia’s Maritime Domain).
Phương pháp đó sẽ nhằm mục tiêu chỉnh đốn ngôi nhà ASEAN bằng cách giải quyết các vấn đề hàng hải khác nhau giữa các nước Đông Nam Á sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Thái Lan và Cam Bốt vẫn chưa giải quyết được tranh chấp tài nguyên trong Vịnh Thái Lan. Trong thực tế, Thái Lan đã rút khỏi một thỏa thuận trước đây khi đụng độ đã nổ ra trên biên giới đất liền. Indonesia có ranh giới trên biển chưa được giải quyết với các nước láng giềng. Cả Philippines và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông. Một số đòi hỏi này đã dựa trên những đường cơ sở phóng đại.
Tóm lại, an ninh của toàn vùng biển Đông Nam Á - không chỉ đơn thuần là Biển Đông - phải được xử lý một cách toàn diện. Tất cả các thành viên ASEAN cần làm việc để giải quyết tranh chấp theo quy định của luật pháp quốc tế. Một bộ Quy tắc ứng xử cho toàn bộ vùng biển Đông Nam Á có thể bao hàm một nghị định thư cho phép bên ngoài tham gia và chấp nhận các quy định của văn kiện này. Một cách tiếp cận như vậy sẽ tăng cường sự thống nhất và gắn kết của ASEAN, cũng như khả năng đối phó với Trung Quốc.
RFI : Thành thật cảm ơn Giáo sư Carl Thayer
No comments:
Post a Comment