Sunday, December 25, 2011

LÊ NGỌC THỐNG * BIỂN ĐÔNG BIỂN LỬA?



KHI NÀO BIỂN ĐÔNG SẼ THÀNH BIỂN LỬA?

Lê Ngọc Thống

Tình hình tranh chấp trên Biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa được Trung Quốc thể hiện với một quan điểm cực đoan, rằng “chủ quyền ở biển NamTrung Hoa là không thể chối cãi; lợi ích cốt lõi”… Họ hành động rất “quả quyết”; “sẵn sàng dùng vũ lực, quyết không ngồi nhìn”… Trung Quốc thậm chí chỉ coi Trường Sa là khu vực có tranh chấp chứ tuyệt nhiên không đả động gì đến Hoàng Sa. Họ coi như Hoàng Sa mà họ lợi dụng thời cơ đánh chiếm được năm 1974 từ chế độ Việt Nam cộng hòa là “miễn bàn”. Thái độ nước mạnh, nước lớn như vậy khiến cho các nước trong khu vực lo lắng, bất an. Biển Đông – Chính xác hơn là Biển Đông Nam Á trở thành điểm nóng trên thế giới. Việt Nam, nếu như trước đây vì lý do gì đó còn né tránh một số vấn đề thì nay thẳng thắn tuyên bố: Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974 của chế độ VNCH nay Việt Nam sẽ đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình (tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội ngày 25/11/2011). Như vậy trên khu vực tranh chấp hình thành 2 quan điểm trái ngược: Giải quyết tranh chấp bằng hòa bình và giải quyết tranh chấp bằng vũ lực(chiến tranh). Dư luận tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới lo ngại. Vấn đề giờ đây không phải là liệu có xảy ra xung đột hay không mà là khi nào thì xảy ra đột.

Nếu như hòa bình, bảo vệ và gìn giữ khó khăn như thế nào thì mở đầu chiến tranh và kết thúc nó phức tạp, mạo hiểm như thế ấy. Nhiều yếu tố tác động đã khiến cho nhiều cuộc chiến tranh khi gây ra thì chủ quan, duy ý chí nên hùng hổ, háo hức thắng lợi, nhưng khi kết thúc thì hoặc là chui vào ống đồng mà trốn như Thoát Hoan của Nguyên Mông tiến hành gây chiến với Việt Nam sau khi vó ngựa đã đè bẹp, xéo nát Trung Hoa đại lục; hoặc như Nhật Bản, Đức trong thế chiến lần thứ 2 phải đặt bút ký đầu hàng mà hậu quả còn khủng khiếp đến tận bây giờ. Như vậy có thể nói mở đầu một cuộc chiến dễ dàng hay khó khăn tùy thuộc quốc gia gây chiến nhưng kết thúc chiến tranh đó như thế nào thì không hoàn toàn tùy thuộc. Có lẽ chính điều này đã làm cho các quốc gia trên thế giới mà có ý đồ gây chiến tranh hết sức cẩn trọng.

Gần đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu có đăng bài “Thời cơ dùng vũ lực ở Nam Hải (Biển Đông) đã chín muồi” của ông Long Đạo-Phân tích gia chiến lược của tổ chức phi chính phủ Quỹ năng lượng Trung Quốc và cũng là chuyên gia của Trung tâm an ninh phi truyền thống và phát triển hòa bình của Đại học Triết Giang.(Nói chung Thời báo Hoàn Cầu đăng rất nhiều bài hô hào chiến tranh, hiếu chiến. Chính phủ Trung Quốc nói đó không phải là quan điểm của họ. Tất nhiên là vậy. Đó chỉ là diễn đàn, sân chơi cho những vị tướng hiếu chiến đã nghỉ hưu, “những học giả lú lẫn, những thanh niên phẫn khích (hơi một ý là la hét om xòm, thực ra là vô dụng)” như Đại tá Đới Húc và nhà báo Tôn Dũng của Trung Quốc chỉ mặt mà thôi). Tuy nhiên, riêng bài này thì hoàn thiện hơn với 3 tiêu chí đề ra được toan tính rõ ràng, đó là: Mở đầu cuộc chiến; quy mô và kết thúc cuộc chiến. Mở đầu cuộc chiến thì là do “Việt Nam xâm lược, chiếm đảo của Trung Quốc…”. Phần quy mô, theo ông ta thì “ thế năng chiến tranh trên biển Đông rất lớn nên đánh một trận nhỏ (mục tiêu đương nhiên là Trường Sa và khu vực dầu khí của Việt Nam) để không có trận lớn…”. Phần kết thúc cuộc chiến thì “giống như cuộc chiến mà Nga tiến hành năm 2008, thế giới có sốc tý chút nhưng cũng qua khi mọi việc đã rồi…”. Giới quân sự tinh anh của Trung Quốc – Hậu duệ của Tôn Tử với học thuyết quân sự nổi tiếng: Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng, chắc chắn coi ông này cũng giống như tác giả của tiểu thuyết “kiếm hiệp cổ trang” na ná như “tân cổ giao duyên” bên Việt Nam mà thôi. Vì sao? Vì, nếu được như thế, có vẻ như rất “nhân văn”, thì xảy ra lâu rồi, nhưng thực tế chưa xảy ra như thế.

Trong chiến tranh hiện đại, chiến tranh với vũ khí công nghệ cao (VKCNC) thì đông không phải là mạnh. VKCNC và chiến thuật liên quan ràng buộc, chi phối với nhau rất chặt chẽ:

Thứ nhất: Những vấn đề nào, mục tiêu nào mà VKCNC đảm bảo uy hiếp trực tiếp thì yếu tố chiến thuật được thăng hoa hoặc ít nhất cũng sẽ được triển khai. Đây là điều kiện cần cho quốc gia đi xâm lược. Lấy Trường Sa làm giả định cho Mỹ tấn công đánh chiếm:

Đối với Mỹ, với bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới bao gồm cả đảo trên đại dương thì không có khái niệm gần hay xa mà đều nằm trong tầm hỏa lực của các vũ khí trang bị Mỹ hết. Trường Sa lúc đó gần Mỹ hơn gần với đất liền Việt Nam (vì sao thì ta quá thừa biết). Do đó, về lý thuyết, sự chi viện cho Trường Sa của đất liền là vô cùng khó khăn, khả năng bị phong tỏa là hoàn toàn. Việt Nam chỉ có thể gây thiệt hại cho Mỹ mà không chắc giữ được đảo trong thời gian ngắn. Như vậy, với khả năng công nghệ cho phép Mỹ có thể lựa chọn chiến thuật tối ưu để tác chiến và Mỹ có thể sử dụng mọi phương tiện, vũ khí trang bị để tác chiến theo yêu cầu của chiến thuật đề ra. (Cũng may là Mỹ không có ý tưởng và không cần tấn công chiếm Trường Sa. Điều này chỉ là của các nước “láng giềng” trong khu vực với nhau thôi).

Thứ hai: Những vấn đề nào, mục tiêu nào mà VKCNC còn hạn chế, không uy hiếp được thì bế tắc về chiến thuật. Chẳng hạn với các nước khác kể cả Trung Quốc thì Trường Sa không phải là gần. Ít nhất máy bay chiến đấu của họ không thể chiếm lĩnh vùng trời khu vực Trường Sa. Trong hải chiến hiện đại thì cả 3 vùng đều xảy ra tác chiến (3 trong 1), đó là: vùng trời, mặt biển và lòng biển, trong đó vùng trời quan trọng nhất. Thế nhưng khi vùng trời bị đối phương khống chế hoàn toàn mà mình “bất khả kháng” thì không thể có ý tưởng để triến khai chiến thuật. Lúc này công nghệ (không có tàu sân bay; khả năng hoạt động dài ngày trên biển; khả năng áp chế điện tử vô hiệu hóa tên lửa, vân vân và vân vân…) không hỗ trợ gì cho chiến thuật. Chiến thuật không thể làm được điều gì có thể thay thế “chiếm lĩnh vùng trời”, không thể “bốc” Trường Sa đặt cách đất liền của họ chừng trăm hải lý để cho các loại máy bay, các tàu đổ bộ loại nhỏ tốc độ cao…của họ tác chiến dễ dàng thì coi như bế tắc. Khi chiến thuật bế tắc, nghĩa là không biết đánh cách nào thì mục tiêu được coi như tạm thời bất khả xâm phạm. Việt Nam dù có chiến thuật độc đáo gì đi chăng nữa cũng không thể tấn công tàu sân bay Mỹ ở tây Thái Bình Dương được. Có thể nói, nếu như còn có khái niệm ”xa, gần” đối với mục tiêu quân sự nào đó thì quốc gia đó chưa thể muốn là được.

Tuy nhiên, điều này không phải là đúng cho tất cả cho đôi bên – xâm lược và bị xâm lược. Vẫn còn “cửa hẹp” (chỉ) dành cho những quốc gia bị xâm lược tự tin, quyết tâm giáng trả để bảo vệ Tổ Quốc trước đối phương giàu có, khoa học công nghệ vượt trội. Đó là: Có những điều, mục tiêu mà VKCNC còn hạn chế, không uy hiếp được thì chiến thuật vẫn có thể làm được.

Bao nhiêu tàu chiến Mỹ ở Cửa Việt, cảng Sài Gòn…thậm chí máy bay B52 ở căn cứ Utapao (Thái Lan) vẫn bị tiêu diệt không phải bởi Hải quân, Không quân Việt Nam mà bằng chiến thuật Đặc công.

Chiến thuật “bám lấy thắt lưng địch mà đánh” ít nhất cũng làm cho quân Giải phóng không bị tiêu diệt trước hỏa lực khủng khiếp của quân đội Mỹ.

Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tên lửa phòng không Việt Nam bị nhiễu từ máy bay B52 làm mù hoàn toàn. Hai ngày đầu hàng trăm quả tên lửa bay vào khoảng không, hiệu suất chiến đấu gần như số 0. Nhưng khi áp dụng chiến thuật mới thì…một ngày trung bình hơn 2 chiếc pháo đài bay rụng khiến Nhà Trắng chịu không nổi phải dừng chiến dịch. Xem ra Việt Nam đã quá quen đi cái “cửa hẹp” này dù không thích và chẳng muốn. Là một nước nghèo thì Việt Nam không những phải quen đi mà còn phải sẵn sàng chuẩn bị những thứ cần thiết phục vụ cho việc đi qua cái “cửa hẹp” này dễ dàng thuận lợi, làm sao “nhắm mắt cũng đi qua được” mới tự tin chiến thắng.

Trên Biển Đông, bất cứ cuộc xung đột nào cũng đều biến thành cuộc chiến tranh lớn khó kiểm soát, đặc biệt là Trường Sa của Việt Nam. Tấn công đánh chiếm Trường Sa không có gì là khó khăn nếu như cắt đứt mọi chi viện của đất liền, ai cũng biết thế. Nhưng muốn cắt đứt mọi chi viện của đất liền thì quy mô không thể gọi là xung đột hạn chế nữa. Đụng đến Trường Sa của Việt Nam, đối phương bắt buộc phải chấp nhận một cuộc chiến tranh tổng lực của dân tộc Việt Nam, quân đội NDVN. Vì vậy, gây xung đột là gây chiến tranh. Nếu xét về mặt quân sự thuần túy thì thỏa mãn điều kiện cần như đã nói trên thôi, chưa nói lên được điều gì. Khả năng đương đầu, giáng trả của đối phương như thế nào mới là điều kiện đủ.

Các quốc gia muốn đánh chiếm Trường Sa của Việt Nam liệu đã đủ điều kiện, khả năng như đã nói ở trên chưa?

Mới đây, ông Hồ Cẩm Đào – Chủ tịch nước Trung Hoa đã thúc giục lực lượng hải quân phát huy truyền thống của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), “đẩy mạnh việc chuyển đổi và hiện đại hóa hải quân một cách vững chắc và tăng cường chuẩn bị cho chiến tranh, để bảo vệ an ninh quốc gia cũng như hòa bình thế giới”. Phát biểu của người đứng đầu Nhà nước, Đảng và Quân đội Trung Quốc trước tình hình căng thẳng trong khu vực và sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương khiến chúng ta cảnh giác và suy nghĩ. Phải chăng đó là sự khiêm tốn quá mức về thế và lực của Hải quân Trung Quốc trên biển? Phải chăng Hải quân Trung Quốc cần có thời gian và những việc phải làm để thực sự là hải quân nước xanh? Và khi sự chuẩn bị đã xong thì chiến tranh chỉ là vấn đề thời gian?

Vậy khi nào thì sẽ xảy ra chiến tranh giữa các nước “láng giềng” trong khu vực với nhau do tranh chấp Biển Đông? Trước hết phải khẳng định rằng nếu Biển Đông bị một nước nào khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của cả khu vực. Còn nước nào kiểm soát được quần đảo Trường Sa thì sẽ khống chế được Biển Đông. Vì vậy Trường sa chắc chắn là điểm quyết chiến chiến lược của đôi bên - xâm lược và bị xâm lược. Trường Sa không còn là mục tiêu giả định nữa mà là thật, đầu tiên của cuộc tấn công xâm lược.

Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Trường Sa gần Việt Nam, nằm trong tầm hoạt động của không quân Việt Nam và xa các nước khác trong khu vực tới mức mà ngay cả lực lượng không quân hiện đại của Trung Quốc cũng cực kỳ khó khăn khi tác chiến ở đó. Chừng nào hải quân, không quân của các nước trong khu vực không coi Trường Sa là XA và Quân đội Việt Nam “giẫm chân tại chỗ” thì cuộc chiến sẽ xảy ra. Bây giờ Trường Sa của Việt Nam giống như chùm nho chín mọng trong chuyện ngụ ngôn “Con cáo và chùm nho” của Ê-Dốp. “Nho đang còn xanh lắm, chắc chắn thế nào cũng chua”.

Gây chiến tranh bởi những “cái đầu nóng” - hung hăng, ngạo mạn… là triệu chứng căn bệnh chủ quan duy ý chí, và “trái tim lạnh”- phi nghĩa, chiến đấu không mục đích lý tưởng, bạc nhược với một quốc gia có “cái đầu lạnh” - tỉnh táo, tự tin và “trái tim nóng” - quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… thì cơ may chiến thắng rất thấp, chỉ không thắng cũng đủ để kết thúc một triều đại thậm chí một chế độ. Hòa bình, hữu nghị vẫn là tất cả.

Lê Ngọc Thống

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 17-12-11

No comments: