Sunday, December 11, 2011

ĐỖ XUÂN TÊ * BÙI TÍN


ĐỖ XUÂN TÊ
Nhân đọc bài thơ Bùi Tín & Hoa Xuyên Tuyết của Phạm Đức Nhì

Nhà văn Bùi Tín

Nói cho ngay, trước 75 tôi có trực diện Bùi Tín khi ông là thành viên của phái đoàn quân sự bốn bên, phe Bắc Việt, trong vài cuộc họp báo tại Trại Đa-vít trong Tân sơn Nhất (Sài-gòn), rồi duyên nợ thế nào tôi ‘gắn bó’ khá nhiều với ông trước khi ông đào thoát ra hải ngoại.

Sự ‘quen’ vừa tình cờ do chúng tôi đều là những người gốc lính, ít nhiều có công tác trong lãnh vực tư tưởng của hai phía, nhưng tôi chú ý đến nhân vật này vì những năm cuối đời ông đã có sự cảnh tỉnh tư duy, chia tay với quá khứ, gây tác động mạnh đến dư luận quần chúng trong ngoài nước không hẳn trên lãnh vực văn hóa tư tưởng mà lan sang cả ý thức chính trị, đời sống xã hội khoảng nhiều năm trở lại đây.

Tôi sẽ lướt qua khuôn mặt ông trong cách nhìn của một người trước sau chưa bao giờ cùng chiến tuyến, nhưng trong chừng mực nào đó khác với nội dung bài thơ của tác giả Phạm đức Nhi , tôi có đặt cảm tính cá nhân khi viết về ông với ý hướng trân trọng.

Trường hợp tôi cũng có vài cá biệt là có giọng đọc tốt, lại có thời làm công tác chữ nghĩa trong quân đội miền nam, nên khi vào trại cải tạo tôi được anh em chọn là người chuyên đọc báo cho Tổ, rồi đưa đẩy thế nào tôi trở thành người có thâm niên cao nhất nước về thành tích đọc báo Đảng đều đặn hằng đêm trên mười năm.

Lẽ ra thâm niên còn kéo dài hơn, nhưng hai năm cuối trước khi được tha tôi bị ngưng làm cái loa cho tổ vì đôi mắt bị lão hóa không có cặp kính lão nên chịu thua. Chính nhờ cái duyên ‘ngồi đồng’ này mà tôi càng ‘quen’ ông Bùi Tín, trùng hợp với thời điểm ông được làm Phó tổng biên tập, người gác cổng cho tờ báo đảng Nhân Dân.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông này sinh động đa dạng khác xa những đồng nghiệp cùng cấp cùng thời. Quần chúng đều biết ông là con cưng của chế độ, hưởng nhiều bổng lộc và nếu kể số lần được xuất ngoại công tác vừa tháp tùng cấp lớn cỡ Võ tướng, vừa tham dự tham quan hội thảo về chiến tranh tại các nước anh em, các nước tư bản, thì phải nói Bùi Tín đi nhiều hơn một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Tôi không biết nhiều về ông trước khi có hiệp định đình chiến bốn bên ký tại Paris. Chỉ từ khi ông được bổ sung vào thành phần phái đoàn quân sự bốn bên phe Bắc Việt từ sau 73 thì khuôn mặt Bùi Tín (lúc đó là trung tá) luôn được giới anh em chúng tôi, những sĩ quan miền nam được giao công tác trao trả tù binh và điều tra những vi phạm của các bên về ngưng bắn theo sát.

Dù cũng mặc đồ bộ đội với chiếc nón cối, nhưng Bùi Tín có vóc dáng và lối ăn nói khác với cán bộ ở rừng, có trình độ học vấn và ngoại ngữ, tiếng Pháp là căn bản, tiếng Anh chắc tự học ngầm, tôi đoán vậy khi thấy ông trao đổi với thành viên phái đoàn Mỹ.

Giọng nói còn mang âm sắc Huế, về sau mới biết ông là con cụ Bùi Bằng Đoàn, có một thời làm thương thư bộ Hình trong triều đình Huế, sau được làm chủ tịch quốc hội của VNDCCH. Võ đông Giang lúc đó tuy là trưởng đoàn Bắc Việt, nhưng thực chất Bùi Tín là ‘linh hồn’ của phái bộ này. So với những bộ mặt khó ưa của các thành viên khác, Bùi Tín có thái độ khá thân thiện tuy vẫn giữ một khoảng cách nào đó với anh em chúng tôi.

Thế rồi đột nhiên một phe bị bức tử, chúng tôi là kẻ ngã ngựa, danh ông lại nổi như cồn khi chính ông ngồi trên chiếc xe tăng của Nga tiến vào dinh Độc Lập xế trưa 30 tháng tư. Có người nói ông đã ở trại Đa-vít vài năm nên thông thuộc địa bàn thành phố, sự có mặt của ông trên chiếc tăng chẳng qua như người quen đường biết lối vào dinh.

Ngẫu nhiên ông lại có cấp bậc cao nhất và trở thành người đại diện cho kẻ chiến thắng nhận bàn giao từ tay Dương văn Minh, với câu nói xuất thần vô cùng kiêu ngạo làm bẽ mặt bộ xậu chủ bại miền nam, ‘các ông là kẻ bại trận, chỉ có chuyện đầu hàng, không có chuyện bàn giao ở đây’.Tên tuổi Bùi Tín và đường hoạn lộ của ông thênh thang từ đây.

Tôi mất dấu tích về ông cho đến khi ra Bắc năm 76. Tình cờ khi đọc báo cho Tổ, mới biết lúc này ông là cây viết chủ lực cho tờ Nhân Dân, với bút hiệu Thành Tín, chủ yếu viết các bài chính luận cho tờ báo Đảng. Đáng chú ý là cán bộ quản giao dặn riêng tôi không được quên đọc các bài của Thành Tín và không nên đọc sau cùng, chắc họ cũng biết mấy bài loại này dễ buồn ngủ.

Nhớ lại không hiểu Bùi Tín hằn học điều gì mà ngòi bút của ông chuyên đánh các thế lực phản động, các tàn dư Mỹ ngụy, không tiếc lời dè bỉu lên án những người thuộc chế độ cũ, chưa kể lối viết một chiều ca ngợi chế độ, lãnh đạo của đảng, tâng bốc CNXH và phe ta, mà hàng chục năm sau khi đọc lại chắc ông cũng tự thấy xấu hổ.

Trước mắt, ông được trả công bằng chức Phó tổng biên tập, sau kiêm thêm tổng biên tập Nhân dân chủ nhật, chưa kể thăng quan tiến chức, xuất ngoại liên tục và hồi Võ tướng còn quyền, ông được xem như người thân trong gia đình. Mặc dầu kính trọng ông, tôi vẫn đồng cảm với mấy câu thơ của Phạm Đức Nhi,

rồi suốt mười lăm năm
làm thằng Cuội
nói dối
có môn bài
được phi cơ tàu thủy xe hơi
đưa đi khắp nơi
bịp lừa thiên hạ

Nhưng thời nào cũng vậy, những kẻ hăng nhất lại là những kẻ trở cờ nhanh nhất khi thời cơ đến. Ngày ấy đã đến, trùng hợp với lúc chúng tôi xổ lồng thì cũng là lúc Bùi Tín xa bay. Nhân được cử đi dự lễ kỷ niệm trăm năm tờ báo của Đảng cộng sản Pháp, Bùi Tín đã để lại ‘con tim’ tại thủ đô Paris, ly dị nhân thân với chế độ và quân đội, dần dà trở thành nhà báo của phe mà ông không tiếc lời chửi rủa những thập niên trước đó.

Tôi có đọc hai cuốn sách ông viết vào thời điểm sau này, Hoa Xuyên Tuyết Mặt Thật, như một lời tự thuật bộc lộ nội tình sân khấu của chế độ mà ông từng hết lòng phục vụ. Sách và các bài viết bổ sung của ông có giá trị và tiếng vang nhất định, chủ yếu vì ông là người của nội phủ thông qua lối viết khả tín của cây bút tài hoa chuyên nghiệp khi biết quay về theo tiếng gọi của lương tri.

Ấn tượng nhất là sau ba mươi ba năm nhìn lại, con người Bùi Tín đã dũng cảm nhìn nhận tự hổ thẹn từng ‘cao ngạo, vô duyên, vớ vẩn lạc điệu, lầm lạc, ngộ nhận’ khi vào dinh Độc Lập, rồi cũng với giọng đanh thép ông ‘sẵn sàng nói to cho mọi người rõ: đất nước Việt nam sau ngày 30-4 không hề được giải phóng, không hề được thống nhất’, cùng kêu gọi các bạn bè đồng chí của mình ‘hãy cùng mọi người Việt nam đấu tranh cho một Tổ Quốc VN thật sự độc lập và tự do’(trích lời ông viết 28-4-08).

Viết đến đây tôi lại nhớ Nguyễn Khải, hai con người, hai hướng đi, một đi xa về cõi vĩnh hằng, một ở lại kinh đô ánh sáng, nhưng họ cùng nhìn về một phía – phía của sự thật.

Chí ít lúc cuối đời họ có sự cảnh tỉnh tư duy, dám chối bỏ mình, bỏ lại đàng sau những huân chương, phần thưởng, những danh vị hão huyền, dám lên án các điều ác, hoặc dường như ác của một thời họ hết lòng bênh vực để cảnh báo cho các thế hệ kế tiếp đừng đi vào sai lầm quá khứ.

Đấy chính là cái ‘dũng’ của những con người hậu-Nguyễn Khải, hậu-Bùi Tín nếu có thời bị coi là ‘hèn’ là khiếp nhược như nhiều người cùng thời, thì chẳng phải là quá trễ khi họ tự khẳng định mình để thực sự quay về với thiên chức của ngòi bút.

Đỗ Xuân Tê
(viết riêng cho Thư viện Sáng Tạo)

No comments: