Michael Bristow
BBC News, Trung Quốc
Cuộc biểu tình ở một ngôi làng tỉnh Quảng Đông đã tạo ra các dòng tin lớn toàn thế giới, nhưng những vấn đề căn bản của cuộc tranh chấp thật phổ biến.
Mỗi năm, Trung Quốc gặp hàng chục ngàn "sự kiện quần chúng" - danh từ mà chính phủ sử dụng để mô tả các vụ lộn xộn, biểu tình và đình công.
Nhiều vụ liên quan quyền sử dụng đất. Người dân làng thường tố cáo quan chức lấy đất mà không đền bù hợp lý.
Nhưng tham nhũng trong chính quyền địa phương - một vấn đề mà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc sẵn sàng thừa nhận - chỉ là một phần vấn đề.
Luật bất động sản của Trung Quốc cũng có vẻ gây ra xung đột vì luật tước đoạt quyền của người nông dân được kiểm soát vùng đất canh tác.
Nếu xảy ra bất đồng, dễ dàng có những cuộc biểu tình giận dữ do dân làng tổ chức vì cảm thấy không còn lựa chọn nào khác.
Đụng độ giữa người dân và giới chức tại làng Ô Khảm vì quyền sử dụng đất là một tranh chấp phổ biến.
Một số người tin rằng vấn đề chính là sở hữu đất đai của tư nhân không được thừa nhận ở Trung Quốc.
Eva Pils, giảng dạy ở Chinese University of Hong Kong, nói việc này khiến chính quyền địa phương có quá nhiều quyền hành.
"Điều này có thể dẫn tới tham nhũng và lạm dụng quyền lực", bà Pils nói.
Một vấn đề nữa là mức bồi thường cho nông dân thì dựa trên số tiền mà một nông dân kiếm được từ đất - chứ không phải từ giá trị cao hơn khi giới chức bán đất.
Bà Pils nói một số nhà nghiên cứu Trung Quốc ước tính dân làng có khi chỉ được 5% giá trị đất khi bồi thường.
Các kinh tế gia ước đoán số tiền từ việc bán đất có thể chiếm đến một phần ba ngân sách địa phương.
Một số chính quyền địa phương, như ở Thành Đô, đã bắt đầu chương trình cho nông dân thêm quyền pháp lý đối với đất canh tác.
Nông dân sẽ hưởng lợi nếu đất của họ bị thu để phát triển.
Bộ đất đai của Trung Quốc tin rằng điều này là một phần quan trọng cho việc bảo vệ quyền của nông dân.
Theo Tân Hoa Xã, bộ này phát hiện 37,000 trường hợp sử dụng đất sai mục đích trong chín tháng đầu năm nay.
Nhưng vì sao rất nhiều tranh chấp đất đai lại dẫn tới xung đột với chính quyền?
Câu trả lời có thể nằm ở quyết tâm duy trì ổn định xã hội bằng cách đàn áp bất kỳ ai có thể đe dọa.
Đảng Cộng sản tin rằng đây là công cụ then chốt để duy trì quyền lực.
Yu Jianrong, một nhà nghiên cứu nông thôn hàng đầu, nói trong nhiều trường hợp, điều này có nghĩa là "biểu lộ bình thường của ý chí dân chúng bị gọi là hành vi phi pháp".
Những nông dân than vãn về việc mất đất thường chẳng được chính quyền, tòa án hay công an thương sót và đôi khi còn bị tố cáo là gây rối.
Trong những hoàn cảnh như vậy, dễ hiểu là những tranh cãi nhỏ vì đất có thể nhanh chóng trở thành mất kiểm soát.
Không rõ thực tế có bao nhiêu "sự kiện quần chúng" xảy ra ở Trung Quốc mỗi năm vì chính phủ miễn cưỡng khi phải công bố số liệu.
Một phúc trình của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc năm nay dẫn ra số liệu tối đa 60,000 vụ một năm, nhưng đó chỉ là số liệu từ 1993 đến 2003.
Nhiều học giả khác của Trung Quốc cho rằng năm ngoái có khi có đến 180,000 vụ.
Dù con số thực là bao nhiêu, rõ ràng việc chính phủ không muốn công bố chứng tỏ số lượng hẳn phải cao ngất ngưởng.
No comments:
Post a Comment