Sunday, May 3, 2009

BBC* TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN


Thác Cam Ly- Da Lạt

TIN BBC

Tướng Việt Nam bức xúc với dự án bauxite

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên từng là cựu tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - Nguồn www.vnn.vn
Nguyên Ủy viên BCT, thứ trưởng QP, tướng Đồng Sĩ Nguyên bức xúc với dự án bauxite ở Tây Nguyên.
Vừa có thêm vị tướng Việt Nam bày tỏ bức xúc với dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.


Trong bài viết mới nhất đăng trên báo điện tử Vietnamnet, trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, cựu tư lệnh đường Hồ Chí Minh nhấn mạnh vì Tây Nguyên là "yếu huyệt", cho nên ông không muốn thấy "bất kỳ nước nào vào Tây Nguyên."
Bài viết của tướng Đồng Sĩ Nguyên có tính cách kỷ niệm ngày 30/4.
Mang tựa đề "Nghĩ về sức mạnh cộng hưởng của dân tộc," cựu Ủy viên bộ Chính trị, kiêm thứ trưởng Quốc phòng nhắc đến sự hy sinh vô điều kiện của người dân trong những năm chiến tranh là yếu tố quyết định để Việt Nam thắng trận.
Trong thời bình, theo ông lãnh đạo cần phải cố gắng nhiều hơn, và "phải rất gương mẫu, nói đi đôi với làm" vì người dân dễ so sánh, "xã hội dễ phân tâm."

Là người giữ chức tư lệnh binh đoàn Trường Sơn trong thời gian lâu nhất, (1967-1975) tướng Đồng Sĩ Nguyên được coi là một trong những người có công hình thành tuyến đường Hồ Chí Minh, một phương tiện thiết yếu để miền Bắc vận chuyển vũ khí và quân lính vào chiến trường miền Nam.
Theo ông, Việt Nam phải "mất nhiều xương máu" mới giành lại được Tây Nguyên, nơi có con đường mòn chiến lược ông gọi là "huyền thoại" chạy qua.
"Trong thời chiến và cả sau này cũng vậy, địa chiến lược, địa quân sự Tây Nguyên cũng luôn là yếu huyệt, vì thế làm gì ở Tây Nguyên cũng phải rất cẩn trọng," vị trung tướng, nguyên thứ trưởng Quốc phòng viết.
Do có vị trí quan trọng như vậy, ông Đồng Sĩ Nguyên không muốn thấy nước bất kỳ nước nào vào Tây Nguyên.
Theo ông, "xây dựng Tây Nguyên phải do chính bàn tay người Việt làm."
Thất nghiệp
Bài viết của tướng Đồng Sĩ Nguyên không có câu chữ nào nhắc đến từ bauxite. Nhưng toàn bài là sự trăn trở và bức xúc của vị tướng hồi hưu đối với kế hoạch khai thác bauxite của chính phủ tại Tây Nguyên.
Bức xúc về lao động đơn giản nước ngoài hiện diện tại Việt Nam, khi trong nước hiện giờ, theo ông có tới "gần một triệu người thất nghiệp."
"Tại sao có chuyện dự án nước ngoài thắng thầu và đưa lao động phổ thông [của] nước họ vào làm việc ngang nhiên tại Việt Nam, kể cả trường hợp không có giấy phép lao động?"
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên lo ngại thất nghiệp trong nước gia tăng khi nhà thầu nước ngoài tự ý đưa công nhân nước họ vào thực hiện dự án.
Ông muốn chuyện này phải chấm dứt.
"Vì tình trạng thất nghiệp của giai cấp công nhân Việt Nam, không thể làm ngơ chuyện này."
Ông tỏ ý quan ngại khi lợi ích quốc gia không được lãnh đạo ngày nay đặt lên hàng đầu.
Ông viết: "Phát triển đất nước rất cần có chiến lược bình tĩnh, khôn ngoan và phải theo quy hoạch, không phải mạnh ai người ấy làm,"
"Đầu tư gì, đầu tư ở đâu, đầu tư như thế nào Chính phủ phải lựa chọn trên nguyên tắc ‘lợi ích quốc gia trên hết."
Một vị tướng khác tại Việt Nam, tướng Võ Nguyên Giáp, cũng đã nhiều lần bày tỏ bức xúc trước việc chính phủ triển khai dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Hai tháng trước tướng Giáp đã gửi thư tới thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị dừng triển khai dự án bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ.


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090503_dongsinguyen.shtml

==
Về Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên -
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (sinh 1/3/1923), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị (1986 – 1991), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 - Đường Trường Sơn huyền thoại (1967 – 1976), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam (1966) kiêm Chủ nhiệm Hậu cần tiền phương, nguyên Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung và Hạ Lào, nguyên Chính ủy Quân khu 4, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Việt Minh kiêm Chỉ huy trưởng Bộ đội Quảng Bình, nguyên Đại Biểu Quốc hội khóa 1.
Huân chương Sao vàng (Huân chương cao quý nhất của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) , Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huân huy chương khác.
Là một trong hai vị tướng được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng (1974) (vị tướng còn lại là Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Ông cũng là vị Tư lệnh lâu năm nhất của Đường Trường Sơn lịch sử từ năm 1967 đến năm 1976 trong đó thời kì từ 1967 đến 1972 là thời kì chống lại chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mĩ lúc ác liệt nhất nhằm đảm bảo chi viện cho miền Nam và 1973 đến 1976 là thời kì kết thúc chiến tranh lúc Đường Trường Sơn phải đảm bảo vận chuyển một khối lượng lớn người và của phục vụ cho trận chiến cuối cùng.. Là một người luôn được giao những nhiệm vụ quan trọng vào những thời điểm quan trọng. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách Tổng cục Xây dựng Kinh tế Quân đội rồi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng vào thời điểm Việt Nam sau chiến tranh. Năm 1979, khi chiến tranh Biên giới phía Bắc xảy ra ông được gọi lại Quân đội giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô – trái tim thân yêu của Tổ quốc.

Ông là một trong các vị tướng của Việt Nam được cả thế giới biết nhiều đến vì tên tuổi của ông luôn gắn liền với Đường Trường Sơn huyền thoại.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, tên thật là Nguyễn Văn Đồng (chứ không phải là Nguyễn Sĩ Đồng) hay còn gọi là Nguyễn Hữu Vũ sinh tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sinh ra trong một gia đình khá giả, cho nên lúc còn nhỏ ông được học cả chữ Quốc ngữ, chữ Hán và cả cả tiếng Pháp.

Sáu tuổi bắt đầu đến trường. Bảy tuổi học chữ Hán rồi học chữ quốc ngữ hết bậc tiểu học ở trường huyện, lên tỉnh học tư thục. Là một người có lòng yêu nước, sớm tiếp thu tư tưởng Cách mạng, cho nên khi đang học năm thứ 3 bậc Thành trung tại trường Xanh Ma-ri ở Thị xã Đồng Hới ông bị thực dân Pháp truy nã vì những hoạt động ‘’chống đối’’ và được Xứ ủy Trung Kỳ tổ chức thoát ly sang Thái Lan. Ở Thái Lan, ông tích cực tham gia phong trào của Việt Kiều yêu nước Thái Lào. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939.

Năm 1944, trước tình thế cách mạng mới, phát xít Nhật tấn công Pháp ở Đông Duơng, ông trở về nước hoạt động bí mật phụ trách phủ ủy Quảng Trạch, chủ nhiệm Báo Hồng Lạc và xây dựng Chiến khu Trung Thuần. Trong thời gian này ông còn tham gia huấn luyện quân sự chuẩn bị cho cách mạng tháng tám.

Sau cách mạng tháng tám 1945, ông giữ chức Bí thư huyện ủy Quảng Trạch kiêm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình. Tháng 6 năm 1946, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa 1 Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Toàn quốc kháng chiến, ông được phân công làm Chính trị viên kiêm Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Quảng Bình. Thời kì này, Quảng Bình là một địa bàn lực lượng của ta tương đối yếu lại xa Trung ương vị trí lại nằm giữa khu 4 và khu 5, thực dân Pháp ra sức bình định. Bên cạnh những hoạt động quân sự, thực dân Pháp còn sử dụng lại chiêu bài Đạo thiên chúa, trước kia người Pháp sử dụng rất thành công khiến triều đình nhà Nguyễn phải đầu hàng dâng đất. Thông qua tên phản động tay sai Cơ đội lốt Đạo thiên chúa, lợi dụng sự cả tin và sự nghèo khó của người dân Quảng Bình (thế mới có câu Theo đạo có gạo mà ăn), thực dân Pháp đã tạo ra được một đội ngũ chỉ điểm, tay sai. Kháng chiến chống Pháp trên địa bàn Quảng Bình vì thế hết sức khó khăn. Năm 1948, ông đã táo gan chỉ huy vào tận sào huyệt diệt gọn đầu sỏ nhóm phản động này. Sau trận đánh này ông bị thực dân Pháp truy lùng hết sức gắt gao. Ông đổi tên thành Nguyễn Hữu Vũ.

Năm 1950, ông được điều lên Việt Bắc tham gia lớp học trung cao Quân sự rồi được điều về Bộ Tổng tham mưu.

Năm 1953, để phục vụ cho Chiến dịch Đông Xuân (1953-1954) đại đoàn 325 phối hợp với bộ đội Itsala (Nhân dân) Lào tiến công giải phóng đến tận ba biên giới, đây là chiến trường hết sức quan trọng của khu 5 vì nó bảo đảm sự nối liền của ba nước trên bán đảo Đông Dương. Để đảm bảo chắc thắng hướng chiến lược, Tổng tư lệnh cử đoàn phái viên thị sát chiến dịch do ông đại diện Bộ tổng tham mưu phụ trách. Với phong cách sâu sát, cẩn thận của mình, ông đã trực tiếp đến từng tiểu đoàn, đại đội hỏa lực xem xét, chấn chỉnh…Thắng lợi của chiến dịch này góp phần không nhỏ vào Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Sau năm 1954, ông trở về Bộ tổng tham mưu, phụ trách Cục Động viên dân quân. Năm 1961, ông được cử sang Trung Quốc học Trường cao cấp Quân sự Bắc Kinh. Năm 1964 về nước ông được cử giữ chứ Phó Tổng tham mưu trưởng.

Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất 1965, ông được cử vào làm Quân khu 4 làm Chính ủy Quân khu. Sau đó, được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung và Hạ Lào. Cuối năm này ông bị thương và phải về Hà Nội điều trị.

Đầu năm 1966, ông được cử giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Hậu cần tiền phương thực hiện nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường của ta và hai nước Lào và Cam-pu-chia ở phạm vi Nam Đông Dương.

Vào thời điểm Mỹ tập trung đánh phá mạnh đường chiến lược Trường Sơn, nhằm cắt đứt con đường huyết mạch Bắc Nam, để đối phó với âm mưu và thủ thuật chiến tranh mới của đế quốc Mỹ bảo đảm liên tục chi viện Bắc Nam, ông được cử vào làm Tư lệnh Đường Trường Sơn cho đến năm 1976. Bộ đội Trường Sơn thời kì này dưới sự lãnh đạo của ông đã làm thất bại âm mưu lập hàng rào điện tử Mắc-ma-na-ma (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời kì đó), thất bại chiến tranh phá hoại đồng thời góp phần đánh bại các âm mưu lấn chiếm bảo vệ vững chắc con căn cứ hậu cần tiền phương của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách Tổng cục xây dựng kinh tế tham gia khắc phục hậu quả của chiến tranh phát triển kinh tế đất nước. Tiếp sau đó, ông được chuyển sang ngạch dân sự lần lượt giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông có những góp phần không nhỏ trong việc khôi phục và phát triển giao thông vận tải Việt Nam sau thời chiến (đường xá, cầu cống…).

Chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, năm 1979, ông được điều lại Quân đội giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV.

Năm 1982, ông là Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị khóa V. Từ năm 1986 đến năm 1991, thời kì Đổi mới, ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Năm 1992, ông thôi các chức vụ trong Đảng và Chính phủ và được giao làm Đặc phái viên Chính phủ đặc trách chương trình 327 về Phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Rồi là Cố vấn đặc biệt của Chính phủ tham gia ban chỉ đạo nhà nước về Đường Trường Sơn thời kì đổi mới.

Đồng Sĩ Nguyên là cái tên của ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho. Là cái tên tạo lên tên tuổi của ông, là cái tên luôn gắn liền với con đường lịch sử Trường Sơn và cũng là cái tên được cả thế giới biết đến. Và họ Đồng cũng được ông cùng con cháu giữ cho đến hiện nay và sau này. Đồng Sĩ Nguyên là biệt hiệu của Tiến sĩ Đệ tam cập giáp Đồng Doãn Giai (năm thi 1763), là một vị quan xuất thân từ quan văn nhưng ngài lại được cử sang giữ chức võ và được điều lên làm Đốc đồng Lạng Sơn (tương đương tỉnh đội trưởng bây giờ) – trấn thủ một địa bàn biên giới quan trọng. Ngài đã anh dũng hy sinh khi đem quân cản bước tiến của quân xâm lược phương Bắc. Tên ngài hiện được khắc trong bia Tiến sĩ ở Văn Miếu và ngài có một Nghè thờ tại quê nhà Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên. Nghè của ngài được đặt trong cụm di tích 27/7 – nơi mà năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lấy ngày 27/7 là ngày thương binh liệt sĩ. Cụm di tích này gồm nghè thờ ngài, Công chúa họ Ngô người đã có công cùng chồng khai phá ra mảnh đất này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các anh hùng liệt sĩ. Đây cũng là An toàn khu kháng chiến và cũng là nơi mà Bác Hồ làm việc trong một thời gian. Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy cái tên Đồng Sĩ Nguyên đặt tên cho ông để nhắc đến việc chuyển ông từ ‘’nghiệp văn’’ sang ‘’nghiệp võ’’.

Ông là một con người của những ý tưởng không ngừng, người ta gọi ông là ông Nhất dạ sinh bá kế, trong suốt thời kì giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt Đường Trường Sơn, khi không quân Mỹ phát hiện ra cung đường vận chuyển này để đánh phá thì ông kịp thời chỉ đạo vận chuyển trên cung đường khác hay xây dựng cung đường khác…Đường Trường Sơn thực sự trở thành một ‘’ trận đồ bát quái xuyên rừng rậm’’ (Theo giới truyền thông phương Tây) đối với không quân Mỹ, với hai trục chính là Đường Trường Sơn Đông rồi Đường Trường Sơn Tây và hàng loạt các cung đường trách bom, đường cua, hệ thống đường xương cá…

Điều khiển con đường Trường Sơn với chiều dài 1000 cây số, như một mê cung, cùng với một lượng lớn bộ đội và Thanh niên xung phong (có lúc lên tới trên 10 vạn), trang thiết bị chiến tranh, hệ thống thông tin và ống dẫn dầu Bắc Nam…Đòi hỏi ở vị Tư lệnh một tầm quản lí, chỉ huy, phối hợp tốt và đặc biệt có sự hiểu biết rộng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt trong thời chiến, trước những thời cơ đòi hỏi người chỉ huy những quyết định chính xác, dứt khoát và nhất quán. Cũng chính về những phẩm chất này cùng những kinh nghiệm về xây dựng đường Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ mà sau ngày đất nước thống nhất ông lại được cử làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng rồi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải rồi bây giờ khi đã ngoài 80 tuổi là Đặc phái viên của Chính phụ phụ trách Đường Trường Sơn công nghiệp hóa.. Những đóng góp của ông vào việc phục hồi, xây dựng, kiến thiết hệ thống cơ sở hạ tầng nứoc ta sau thời chiến là không nhỏ.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên
img


Cũng có người nói ông là người bảo thủ, điều đó không đúng. Là một người quả quyết, và táo bạo dám nghĩ dám làm, ông đưa ra ý kiến, ý tưởng của mình và bảo vệ nó đến cùng bới chúng là đúng đắn. Hãy thử xem những quyết định của ông khi điều hành Đường Trường Sơn, hay những quyết định chính xác khi phá tan hàng rào điện tử Măc-ma-ra-ma, hay sự đúng đắn về việc xây dựng cầu Chương Dương bằng sắt phế liệu, thu gom từ dân, một cây cầu do kĩ sư Việt Nam làm từ khâu thiết kế đến khâu thì công. Một công việc mà lúc ông đề xuất ra nhiều người bảo là viển vông và cho rằng ông bảo thủ cái ý kiến viển vông của mình khi tiến hành xây dựng cầu. Và thực tế hoạt động của cầu Chương Dương cho đến này là một minh chứng hùng hồn về việc ông đúng. Hay trong thời kì đổi mới, Hải Phòng là đơn vị đi đầu ở nước ta trong việc đổi mới những vấn đề như : khóan trong nông nghiệp, bỏ tem phiếu, xóa bỏ chế độ bán gia cầm, lợn cho nông dân…Ông cũng là một trong những lãnh đạo cao cấp đầu tiên ủng hộ, bật đèn xanh cho sự đổi mới này.

Bạn bè và cấp dưới ai cũng thừa nhận Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là một con người của hành động, con người của thực tiễn, ông ít lí luận, không ưa hình thức và đã nói là làm không thích dài dòng và ông ít nói. Sống theo diễn biến khách quan, hành động phù hợp theo điều kiện chủ quan và hết sức cẩn thận. Nếu bạn muốn tìm một ai đó để trình bày những ý tưởng, ý kiến của mình thì một trong những người thích hợp là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Khi bạn trình bày ông ngồi im lặng lắng nghe không ngắt giữa chừng, không xen ngang. Nếu bạn đúng thì ông sẽ chỉ bảo là ‘’cứ làm đi’’ nếu sai thì sẽ nói cho bạn biết vì sao ông không đồng tình…

Là người có dán người cao to, cái bụng ‘’phệ’’, nhìn khuôn mặt ông nhiều người nghĩ ông lạnh lùng nhưng ông lại là một người rất quan tâm đến người khác. Quan tâm bằng hành động cụ thể chứ không phải lời nói. Quan tâm đến người dân miền núi trên đường Trường Sơn thời chiến thậm chí quả bồ kết cho nữ thanh niên xung phong thời chiến đến việc dựng vợ, gả chồng, cất nhà hay làm kinh tế của cấp dưới trong thời bình, có việc gì họ cũng mời, cũng hỏi ý kiến ông, cũng cho người đón ông. Ông luôn là tư lệnh kính mến của họ trong thời chiến cũng như thời bình.

Hãy nhớ rằng khi ông ‘’khịt, khịt mũi’’ là khi ông muốn nói điều gì đó, hay là lúc ông đưa ra ý kiến của mình. /.
http://www.tranvuongviet.net/home/detail.php?module=sell&iSell=3615
http://ykienblog.wordpress.com/2009/05/02/c%E1%BB%B1u-trung-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-d%E1%BB%93ng-si-nguyen-nghi-v%E1%BB%81-s%E1%BB%A9c-m%E1%BA%A1nh-c%E1%BB%99ng-h%C6%B0%E1%BB%9Fng-c%E1%BB%A7a-dan-t%E1%BB%99c/

=

No comments: