Monday, October 24, 2011

KIỀU PHONG * CHÂN DUNG BÁC HỒ



Chân Dung Bác Hồ
của Kiều Phong
tặng Lôi Tam và anh em Nhân Văn

PHẦN V

Những anh thân cộng thường nhận định: Hồ là một người quốc gia, mãi sau mới thành cộng sản. Những ông quốc gia ngây thơ cũng phụ họa: Hồ khéo giấu cái đuôi cộng sản trong suốt thời gian kháng chiến, sau này mới lộ ra. Nhưng theo chính lời bác thì cờ liềm búa, bản chất tay sai đắc lực của Nga đã được bác trương lên ngay từ những ngày đầu. Trang 76 bác kể:

“Trong thời kỳ đầu, phong trào lan rộng và ăn sâu... Trong những tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nhân dân Việt Nam đã lật đổ chế độ cai trị của Pháp và phong kiến và lập chính quyền Xô Viết. Họ tuyên bố độc lập và thi hành tự do dân chủ. Những ủy ban xã, ủy ban huyện được dựng nên”.Như thế, vừa chiếm được vài nơi, bác đã áp dụng ngay cách cai trị, tổ chức kiểu Liên Xô, nghĩa là đúng sách vở của quan thầy. Bao nhiêu bài bản học được từ Nga (trong những khoảng thời gian "biến mất" , "mất tích" v.v...) được đem ra dùng cả.Ấy thế nhưng khi bọn đế quốc kết tội những con người chủ trương "lập chính quyền Xô Viết" ở Nghệ Tĩnh ấy là cộng sản, là đàn em Nga thì bác lại không chịu. Ngay ở trang sau (trang 77) bác hậm hực viết:


“Bọn đế quốc bịa đặt rằng những người cách mạng đó là tay sai của Đệ tam quốc tế, của Liên xô... Đế quốc Anh cho rằng ông Nguyễn là tay sai của Liên xô.”

Hai chữ "bịa đặt" ở đây bật lên cái ý phủ nhận một điều xấu xa người ta gán cho mình. Thế mới lạ. Mặc dầu bác giẫy nẩy lên, chối cho bằng được cái mác Cộng sản, cái tội làm đầy tớ Nga, chính phủ Anh vẫn biết rõ hành tung và chủ trương của bác. Thế là "ông Nguyễn" bị phú lít Anh tóm cổ nhốt ở Hương Cảng.

Chưa Bao Giờ Sướng Thế

Từ trang 77 đến trang 84, bác Hồ mô tả những chuyện bị giam giữ, bị đưa ra tòa xử rồi được tha. Và, ngộ nghĩnh vô cùng, cả đoạn văn ấy là một bài dài ca ngợi nền tư pháp của đế quốc Anh. Lúc bị giam ở xà lim (được coi là thời kỳ tù đày ghê gớm nhất) bác bị ăn uống khổ sở như sau:

“Mỗi ngày hai lần, chúng cho ông ăn cơm gạo xấy và mắm thối. Mỗi tuần hai lần, chúng cho ông ăn thịt bò cơm trắng. Thật là một bữa tiệc sang!” (trang 78)

Gạo xấy, mắm thối nhà tù bình thường nào cũng có. Chỉ dưới chế độ Cộng sản thì sinh viên các trường cải tạo mới có nhiều ngày ngồi mơ ước được chút mắm thối, chút gạo xấy mà cũng... không có, phải nhai đỡ bo bo. Thế nhưng xà lim bác ở cứ một tuần hai lần thực đơn lại có khoản "cơm trắng với thịt bò". Đem chuyện ấy ra kể khổ, bác không sợ nhân dân miền Bắc sinh ra mơ ước được làm tù nhân ở Hương cảng sao?


Đấy là vụ ăn uống, giờ đến vụ hỏi cung.

Xưa này, chuyện tra vấn, hỏi cung vẫn là chuyện đáng sợ đối với tất cả tù nhân. Người ta truyền tụng những hình thức tra tấn dã man của thực dân: đi tầu bay, tầu ngầm, quay điện, kìm kẹp v.v... thế mà bác Hồ lại khoái được đi hỏi cung mới lạ. Bác là người gan dạ phi thường, mình đồng da sắt, coi thường mọi trò tra tấn, khinh bỉ những cực hình chăng? Hãy nghe bác giải thích:


“Những buổi bị đưa đi hỏi cung là những lúc nghỉ ngơi khoái nhất ở trong tù. Một là được ra khỏi xà lim một lúc, cái xà lim nghẹt thở, tối om và hôi hám. Hai là vì bọn trùm mật thám thường hỏi cung ông, mời ông hút thuốc lá Anh” (trang 79)

Hóa ra nhà cách mạng vô sản không bị đánh đấm gì, lại còn được phì phèo thuốc lá thơm, nên thích bị hỏi cung quá xá. Nhưng "đi hỏi cung" cũng chưa sướng bằng đau ốm. Khi tù nhân Nguyễn Ái Quốc ể mình, tụi cai tù đế quốc Ăng lê thực dân thâm độc lập tức cho đi nằm bệnh viện. Và ông Nguyễn lại khoe nhắng lên:

“Ông có được cái giường tốt và được ăn cơm tây. Ông nói: "Cả đời chưa bao giờ Nguyễn được ăn uống sung sướng như thế này" ” (trang 82)


Thú thật một lời khoe phản động đầy tính cách tuyên truyền chống phá cách mạng vô sản, sỉ nhục nặng nề đàn anh Liên xô. Cho đến lúc này thì đời ông Nguyễn đã dài rồi, đã năm lần bảy lượt ông đến nước quan thầy để chầu chực hoặc học tập. Liên xô nuôi nấng, chiêu đãi ông dữ lắm. Vậy mà, chưa có khi nào đồng chí "Nguyễn" được "ăn uống sung sướng" bằng lúc là một tù nhân của Ăng lê. Xã hội gương mẫu, thiên đường Liên xô đãi khách không tử tế hậu hĩnh bằng chế độ thực dân cư sử với... tù. Nếu chính bác chẳng khai ra thì mấy ai biết được cái chỗ hay ho ấy .

Lòng tốt của thực dân Anh chưa ngừng ở đây. Họ còn cử một luật sư tài ba là Loseby ra cãi cho bác. Và vì Ăng lê không có cái món tòa án nhân dân nên dù bác Hồ là một tên Cộng sản chính hiệu, một tên tay sai trung thành của Nga, bác vẫn được xử là... vô tội. Ông chánh án chỉ yêu cầu phạm nhân phải rời khỏi Hương cảng. Luật sư Loseby vẫn không chịu, cãi cho bác trắng án rồi ông ta còn muốn bác không bị đuổi khỏi Hương cảng. Ông chống án lên tới tòa án của Hoàng đế Anh ở Luân đôn. Và cuối cùng ông ta thành công, bác Hồ reo lên: “Thế là ông Nguyễn thắng lợi” (trang 84)

Bác đã có công trạng gì trong vụ "thắng lợi" này? Cơm trắng thịt bò hai tuần một lần là công của nhà tù Anh. Bác được nằm nhà thương, được ăn những bữa "sướng nhất đời" là nhờ ông luật sư người Anh, nhờ chế độ đối xử với tù nhân của Anh. Bác được tha bổng là nhờ tòa án Ăng lê không giống tòa án nhân dân, nhờ ông luật sư người Anh lỗi lạc. Bác chỉ có công may mắn được ở tù dưới chế độ thực dân Anh! Thế thôi. Hàng triệu tù nhân của những nhà tù do chính bác dựng nên sau này không có anh nào may mắn, tốt phước như thế. Nhiều kẻ chắc đã sống sót, sống dai hơn nếu gặp lũ cai tù tử tế bằng một phần trăm, một phần ngàn cai tù Ăng lê thực dân, đế quốc.


Cũng trong đoạn hồi ký về những ngày lêu bêu ở Tầu, ta hay gặp những câu văn mô tả thừa thãi, vô duyên. Một thí dụ nằm ở trang 84: “Ông Nguyễn trốn đi, đóng vai một nhà buôn to Trung quốc. Từ Hương cảng đến nhà một người bạn thân của ông Lô-đơ-bai ở một thành phố khác. Ở đây ông Nguyễn sống như một nhà giầu đi nghỉ. Ông đi dạo trong rừng, đi thăm các chùa. Ông làm quen với các người văn nghệ. Ông viết bài cho những tờ báo địa phương, bằng tiếng Anh và tiếng Trung quốc, ký tên khác nhau. Ông thường tập thể dục để lấy lại sức.”

Câu cuối vừa lạc lõng vừa dài dòng. Vẽ ra hình ảnh một ông Nguyễn cải trang, hành tung bí mật, mô tả ông đi dạo, thăm chùa, làm quen với văn nghệ sĩ, viết báo... là đủ rồi, chuyện tập thể thao thì cũng như vụ ăn uống, tắm giặt, đi cầu . Độc giả đâu cần những chi tiết ấy. Chuyện kể vô duyên mà lời kể thì thừa. Mục đích của tập thể dục đâu có bí hiểm gì mà phải giải thích. Nói ông thường tập thể dục là đủ, cần gì phải "để cho nó khoẻ" hay "để lấy lại sức". Cứ cái đà lèm bèm ấy, tinh thần mô tả ấy, bác phải viết thêm: hàng tuần ông tắm vài lần cho nó sạch, mỗi sáng ông đi cầu để tránh bệnh táo bón, khi đi tè ông vẩy rất kỷ để khỏi ướt quần v.v... Đã thế, cái việc bỗng dưng kể là bác thường tập thể dục vào thời kỳ đặc biệt này khiến người đọc đâm ngờ: chắc trước đó bác lười, chả tập tành gì, giờ mới thể thao chút đỉnh, phải vội khoe .


Từ trang 87, bác mô tả tình hình Việt Nam, những hoạt động của đảng Cộng sản sau khi đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ. Bác nhận trọng trách sang Tầu cầu viện. Vì:

“Đến lúc cần tranh thủ thêm sự giúp đỡ của Đồng minh. Đồng minh gần nhất và có quan hệ nhất đến việc chống Nhật ở Việt Nam là Trung quốc. Vì vậy, phải tìm đến Trung quốc. Trong những người cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn là người hiểu biết Trung quốc và người Trung quốc hơn hết. Vì vậy mọi người đồng thanh cử ông Nguyễn đi Trung quốc. Đi bộ đến Trùng Khánh không phải là một việc dễ dàng. Nhưng ông Nguyễn nhận lời ra đi” (trang 90)


Chà! Khúc này ly kỳ rùng rợn đây. Không cần bị bác hối thúc, độc giả vẫn bắt đầu cảm thấy hồi hộp. Bác là tay "bí mật" có hạng. Hồi còn vị thành niên, chỉ mới sửa soạn đi làm bồi tầu, bác đã bí mật. Khi lên tầu sang Nga, cả ông thuyền trưởng lẫn thủy thủ đoàn đều biết, bác vẫn cương quyết "bí mật". Phen này, nhận công tác xuất ngoại cầu viện, cứu nước, bác bí mật phải biết.


Quả nhiên, trước khi lên đường, bác ra chiêu, trổ tài gián điệp, qua mặt phe địch vù vù: “Để đánh lạc hướng bọn mật thám ông Nguyễn lấy tên là Hồ Chí Minh.” (trang 90)

Độc giả chưng hửng. Có vậy thôi sao? Từ chuyện gián điệp nghiêm chỉnh trong binh thư Đông Tây đến những cuốn tiểu thuyết James Bond, người ta ít gặp một phương pháp "đánh lạc hướng" nào giản dị như vậy: đổi tên. Kẻ chưa từng bị nghi ngờ, theo dõi có thể làm trò ấy được. Bác thì ngụy trang, thay hình đổi dạng, vẻ mặt bôi râu... chưa chắc đã lừa được bọn mật thám. Vả lại chúng nó chỉ theo dõi bác thôi chứ có chận bác lại để hỏi tên đâu mà hòng đem tên mới ra "đánh lạc hướng". Vì khả năng "bí mật" chỉ là những trò vớ vẩn như thế nên: “Đi liền mười đêm và năm ngày, cụ Hồ đến một thị trấn Trung quốc, chưa kịp nghỉ chân thì ngày hôm đó cụ bị bắt.” (trang 90)


Chắc tụi tình báo Tầu, khả năng tình báo kém, chưa biết ông Nguyễn đã có tên mới, nên không bị "lạc hướng" cứ vồ đại. Và cụ Hồ bị tóm cổ hơi sớm.


Ôi! Đức Phật Tổ!

Lúc mới bị cùm, bác cũng quậy dữ lắm: “Quốc Dân Đảng giam cụ vào nhà lao C.H.S. hơn hai tuần, ngày mang gông, đêm cùm chân. Cụ quen huyện trưởng, trước kia đã gặp nhau ở Q.L. nhưng huyện trưởng từ chối không gặp cụ . Cụ gửi điện cho những nhà cầm quyền cao cấp, không thấy trả lời” (trang 90)


Hóa ra cái anh đồng minh mà bác đang hí hửng tính cầu viện lại chơi bác một vố nặng. Còn chế độ tù đầy của Trung quốc thì khỏi nói, vồ được cụ Hồ là nó cho cụ "ngày mang gông, đêm cùm chân" liền một khi, đâu có như tụi thực dân Anh, cử cả một luật sư lỗi lạc ra cãi cho cụ, lúc cụ ốm lại cho đi nằm nhà thương ăn những bữa ngon nhớ đời v.v...

Bác rên rỉ về những chuyện cực khổ trong tù như sau: “Cái làm cho cụ khổ nhất là ghẻ và rận. Cụ bị ghẻ khắp người, đầy cả cánh tay và bàn tay. Không phải là một thứ mà là hai thứ ghẻ: ghẻ ruồi ngứa và lở, còn rận thì vô số. Không có cách gì trừ tiệt được rận. Ở đâu cũng có: trong quần áo, trong chăn chiếu, trong ván nằm. Rận và rệp tranh nhau hành hạ những người tù. Đêm đến họ bị một kẻ thù đáng sợ nữa là muỗi.” (trang 92)

Tưởng gì. Ở tù mà chỉ có vụ ghẻ lở, muỗi, rệp, nằm gần cầu tiêu... thì thường thôi. Bác rên xiết quá có thể làm cho những ông tù cải tạo cười vỡ bụng. Học viên cải tạo của bác đâu có sung sướng thế. Họ còn bị bắt buộc lao động cật lực trong khi bụng đói kinh niên. Nhà tù của bác có nhiều món ăn chơi độc địa hơn nhiều.Khi bị giải đến Liễu Châu, bác được đối xử tử tế hơn: “Từ Quế Lâm người ta giải cụ đi Liễu Châu, giam vào nhà giam quân sự. Ở đây cụ được hưởng "chế độ chính trị". Có đủ cơm ăn, mười lăm phút buổi sáng để đi ỉa, có người gác. Không bị gông, không bị xích. Thỉnh thoảng Cụ có thể đọc một tờ báo hoặc một quyển sách. Một hôm Cục trưởng Cục chính trị đến bắt cóc ở trong phòng người khác. Ông này hạ lệnh người gác cho phép cụ đi dạo nửa giờ trong sân nhỏ, cắt tóc cho cụ và cho cụ tắm nước nóng.” (trang 93)


Đến đây, bác cảm khái quá, sướng quá, bác đột ngột reo lên: “Đức Phật tổ đại từ đại bi, tốt biết bao! Mấy hôm sau ghẻ lặn gần một nửa!” (trang 93)

Được tắm nước nóng một phát, bác sướng thấy... Đức Phật tổ, nên lại quên béng mất chú Trần Dân Tiên. Mặt nạ Trần Dân Tiên rớt mất tiêu hồi nào bác không hay. Độc giả đảng trí nhất, ít chịu suy nghĩ nhất, đến lúc này cũng thấy ngay Trần Dân Tiên chính là bác. Văn nô nào kể chuyện bác mà lại dám tự tiện hô hoán một câu lạng quạng như thế! Được anh cai tù cho tắm nước nóng một phát kêu rầm “đại từ bi, tốt biết bao”. Nhét vào miệng bác một lời rên sướng tỉ như thế để chọc quê, để làm giảm uy tín của bác à?

Cái anh đã cho bác tắm nước nóng một phát để đời này mới là quân độc địa. Cùm kẹp, tù đầy khiến bác bị ghẻ lở, đói rét chỉ tăng uy tín bác. Làm cho bác, hàng chục năm sau, còn phải thảng thốt la lên trong sách “đại từ bi, tốt biết bao” mới thật là hại đời tư của bác. Nó tố cáo rằng nhà cách mạng vô sản, con người được nhiều kẻ tôn xưng là vĩ nhân ấy cũng khốn đốn vì cái xác phàm.

Bác có một bộ thần kinh bằng thép, một ý chí sắt đá, luôn luôn bình thản coi thường cái đau của thể xác, nhưng là nỗi đau thể xác của... những đứa khác thôi. Con dân bác bị tù đầy, đấu tố; đàn bà, trẻ nít tan xương nát thịt vì không thích Cộng sản, bác tỉnh bơ. Hết thế hệ này đến thế hệ kia cháy ngùn ngụt trong lò chiến tranh, bác tỉnh bơ. Nhưng khi thân xác bác thèm thuốc, bác ngồi thắc thỏm cầu nguyện được "bị thẩm vấn" đều đều (để được hút thuốc thơm Ăng lê), không lý gì tới mối nguy sơ sẩy tiết lộ những điều có hại cho các đồng chí. Khi thân xác bác thèm tắm mà bỗng được cho tắm, thì dù kẻ cho chính là cai tù, bác vẫn kêu tới cả "Đức Phật tổ" để ca ngợi sự tốt bụng của nó! Thân xác vừa được vuốt ve là ý chí lạng quạng, phát ngôn bừa bãi, mê sảng ngay, chẳng còn ra cái thể thống gì.

Từ trang 110, bác Hồ kể chuyện thời làm chủ tịch. Sau một thời gian dài chiến đấu gian khổ, bác rời hang Pắc Bó về Hà Nội hưởng thành quả chiến thắng, trổ tài cai trị dân. Đến đây thì cái máy "tự ca tụng" của bác đã chạy đều, dù là "người vô cùng khiêm tốn" bác cũng cứ đành phải nhũn nhặn công nhận rằng mình đúng là vị thánh, không còn gì phải nghi ngờ nữa. Nhưng trong lúc bịa ra vài mẩu chuyện để tự nâng bi, nhà sáng tạo Hồ chí Minh lại sản xuất được những lời phét lác rất tiếu lâm.

Bác Hồ Cho Áo

Nguyên văn lời bác kể:

“Ngày 2-9-1945. Ngày chính phủ Hồ chí Minh ra mắt nhân dân. Hồ chủ tịch sửa soạn đi dự lễ. Cụ Hồ chợt thấy mình không có quần áo. Về việc quần áo có hai chuyện đáng kể:

Vừa mới ở rừng về đến Hà Nội, một võ quan ngoại quốc đến chào Hồ chủ tịch, võ quan này bận quần ka-ki và áo bằng vải dù. Võ quan thú thật là không có áo nào khác. Lập tức chủ tịch cởi áo khoác ngoài và biếu người võ quan ấy. Thấy người này cảm động và băn khoăn không muốn nhận chiếc áo. Chủ tịch cười nói: "Chúng ta quen biết nhau không nên khách khí. Anh nhận đi. Tôi còn một cái áo nữa", và người võ quan ra đi với bộ quần áo đầy đủ, còn chủ tịch thì suốt ngày mặc áo sơ-mi .


Trong rừng, Hồ chủ tịch cũng như các chiến sĩ du kích, ai cũng quen bận quần đùi và ở trần. Về đến Hà Nội, Hồ chủ tịch cũng giữ nguyên bộ quần áo khi ở trong rừng.” (trang 111)

Bộ quần áo của bác khi ở trong rừng là bộ nào, gồm những món gì, không thấy nói . Độc giả chỉ có một cách hiểu là bác "như các chiến sĩ du kích" cũng: "bận quần đùi và ở trần".

Về Hà Nội, Hồ chủ tịch "giữ nguyên bộ quần áo khi ở trong rừng" nghĩa là chủ tịch vẫn chơi một quả quần đùi và ở trần. Thế nhưng ông Chủ tịch chỉ có mỗi cái quần đùi trên người lại biểu diễn được một màn từ thiện, nhường cơm xẻ áo rất ảo thuật. Thấy ông võ quan ngoại quốc nghèo khổ rách rưới quá, chỉ có cái áo bằng vải dù, Chủ tịch thương lắm. Và ông chủ tịch giầu lòng nhân, dù đang cởi trần vần cứ... cởi áo khoác ngoài ra biếu ông võ quan như thường! Đang ở trần trùng trục mà lại cởi được áo khoác ngoài đã siêu. Nhưng bác Hồ còn siêu hơn, cho áo khoác ngoài đi rồi, bác không trở lại tình cảnh ở trần mà lại "suốt ngày mặc áo sơ-mi".

Thương thay! Câu chuyện cho áo của bác mới chào đời ở cuối trang 110 thì vừa đến giữa trang 111 đã bị tác giả giết chết thẳng cẳng, hưởng dương được đúng 21 dòng.

Chuyện cho áo có thể thật vì mấy anh cộng sản rất ưa nặng phần trình diễn những trò như thế. Nhưng khi được kể lại nó hóa ra chuyện tiếu lâm, chỉ vì bác tham quá. Bác muốn được tiếng có lòng nhân đồng thời lại muốn mọi người tin là bác đã chịu đựng gian khổ, nghèo đói như mấy anh du kích: Ở rừng chuyên trị quần đùi mà về tới Hà Nội rồi vẫn không khác lúc ở rừng. Tham thì thâm! Vì mải mê vồ tất cả những cái tốt đẹp về mình, bác tự du mình vào hoàn cảnh ngặt nghèo: Đang ở trần mà vẫn cứ phải cởi áo khoác ngoài cho bằng được!


Nhà Báo Nâng Bi

Về ngày ra mắt đồng bào, bác Hồ tự nâng bi như sau:

“Một vị Chủ tịch đã trăm lần thay đổi tên, làm mười hai nghề khác nhau, bị tù nhiều lần, một lần bị kết án tử hình, một lần có tin là chết - nhân dân chờ đợi được thấy, không những là vị Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng Hòa mới, mà còn là vị Chủ tịch khác thường.” (trang 111)


Bác đã là vị chủ tịch đầu tiên thì lấy đâu ra các chủ tịch khác để so sánh xem bác là loại thường hay khác thường. Hay bác tính tự ca mình là Chủ tịch "phi thường" nhưng chọn lộn chữ? Những thành tích của Chủ tịch như "bị kết án tử hình, bị tù nhiều lần" đáng khoe ra. Nhưng cái màn đổi tên, làm nhiều nghề thì có gì ghê gớm, phi thường đâu. Bọn trộm cướp, tà gian đổi tên như máy, đổi nhiều hơn bác. Bác lưu lạc năm bảy nước mà làm có 12 nghề là yếu. Kiều Phong bôn ba có mỗi nước Mỹ mà đã quất đủ 14 nghề rồi, so với đồng bào tị nạn thì con số 14 cũng xoàng. Việc đổi tên đổi nghề xoành xoạch đâu có phải là những thành tích phi thường, làm cho ngài chủ tịch thêm vĩ đại.


Tuy nhiên, tự nâng bi đến khúc này, bác có vẻ hả hê. Lần đầu tiên, bác cho phép một văn nô xiá vào nâng bi tiếp. Thật là một biến cố trọng đại, một vinh dự lớn cho anh văn nô. Con người có may mắn kỳ diệu, được chia xẻ công tác nâng bi với bác là ai? Độc giả không được biết. Bác đâu có thèm nêu tên hắn ra. Bác chỉ viết:


“Đây là một nhà báo kể lại cảm tưởng của mình sau buổi mít tinh.” (trang 111)

"Nhà báo" này được bác chọn là phải vì "cảm tưởng" của anh ta quanh quẩn hơi nhiều ở những lời tâng bốc bác lên tới mây xanh. Nhưng đặc biệt, anh nhà báo này có một lối nâng bi khá giống bác. Căn cứ trên những sự kiện vớ vẩn, anh ta hô lên những lời "hót" rất bất ngờ:

“Từ xa tôi thấy Chủ tịch Hồ chí Minh. Chủ tịch đội mũ vải đã ngả mầu vàng vì mưa gió, đi một đôi dép cao su, mặc một bộ quần áo ka-ki. Khi chủ tịch bắt đầu đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, giọng sang sảng của Chủ tịch còn nhắc lại rừng núi xa xăm, chiến tranh du kích. Đọc một đoạn và giữa những tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô nhiệt liệt. Chủ tịch nói:

"Tôi nói đồng bào nghe rõ không ?"


Câu hỏi giản đơn này làm tiêu tan tất cả những cái gì còn xa cách giữa Chủ tịch và nhân dân, và làm thành một mối tình thắm thiết kết chặt lãnh tụ và quần chúng. Với câu hỏi lạ lùng này không một ai ngờ Chủ tịch Hồ chí Minh đã trừ bỏ tất cả lễ tiết tất cả hình thức. Chủ tịch trở thành "Cha Hồ" của dân tộc Việt Nam .


"Tôi nói đồng bào nghe rõ không ?", tất cả quần chúng cảm thấy sâu sắc lòng thương yêu của một người Cha, của chủ tịch Hồ chí Minh đối với quần chúng, với nhân dân.” (trang 113-114)

Trước hết hãy bàn về câu hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

Anh "nhà báo" kêu rằng "câu hỏi lạ lùng, không một ai ngờ". Lạ lùng, không ai ngờ được thật, vì một diễn giả thường chỉ đặt câu hỏi như thế khi thấy mặt khán giả nghệt ra, không hiểu, không nghe rõ mình nói gì. Còn bác Hồ thì hỏi câu ấy "giữa những tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô nhiệt liệt". Bác đọc xong một đoạn, khán giả phải hiểu, phải chịu lắm mới vỗ tay, hoan hô. Được mọi người hoan hô mà lại gân cổ hỏi: “Nghe tôi có rõ không” thì ngu quá. Hỏi thế có khác gì chửi khán giả hoan hô, vỗ tay một cách mù quáng, không nghe không hiểu mẹ gì cũng cứ vỗ tay bừa. Bác đặt câu hỏi đã vô duyên, không đúng chỗ mà anh nhà báo diễn lời bác để tâng bốc còn lãng nhách, vô duyên hơn.


Chỉ hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” mà “làm thành một mối tình thắm thiết kết chặt lãnh tụ và quần chúng”... trở thành "cha Hồ" của dân tộc Việt Nam... làm cho “tất cả quần chúng cảm thấy sâu sắc lòng thương yêu ...”. Mẹ kiếp! Thế thì những cán bộ hạng bét, những ca sĩ mầm non, những anh bán thuốc ê giữa chợ, và hàng triệu diễn giả tầm thường trên đời đều có thể trở thành "cha già dân tộc, thương yêu quần chúng sâu sắc" nếu họ lên diễn đàn với một cái micro tồi. Máy khuếch âm rè rè, tiếng nói lúc có lúc không... cam đoan anh diễn giả sẽ lớn tiếng hỏi một câu giống hệt như bác, dù chẳng hề "thương dân sâu sắc". Bác chỉ xì ra một câu hỏi tầm thường mà anh nhà báo đã suýt xoa, ca tụng bằng đủ lời dị hợm, lố lăng. Xem cách nâng bi của anh này sao mà giống bác quá. Hay là anh nhà báo kia chẳng phải xa lạ mà chính là chú... Trần Dân Tiên?

Sáu Vấn Đề Cấp Bách

Ngày 3 tháng 9, Hồ chí Minh họp hội đồng chính phủ lần đầu tiên. Tường thuật về buổi họp, Trần Dân Tiên cho thấy chỉ có một mình bác nói, đưa ra kế hoạch, hội đồng có thảo luận hăng say cũng chỉ là để hoàn toàn đồng ý với Chủ tịch. Các bộ trưởng tán thành vội vàng quá nên ý kiến của bác được giữ nguyên con, tha hồ lộn xộn, lảm nhảm. Bác nêu ra các vấn đề "cấp bách" đánh số cẩn thận từ 1 tới 6.

Vấn đề thứ sáu (Tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết) đáng lẽ phải nằm trong vấn đề thứ ba (Thực hiện dân chủ) thì bác tách ra làm hai. Vấn đề thứ tư, thứ năm thì hoàn toàn lộn xộn, bát nháo. Nguyên văn:


“Vấn đề thứ tư: Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bác là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm liêm, chính.

Vấn đề thứ năm: Thuế thân, thuế chợ, thuế đò là một lối bóc lột vô nhân đạo. Tôi đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế ấy. Cuối cùng tôi đề nghị tuyệt đối cấm hút thuốc phiện” (trang 116).


Chuyện cấm hút thuốc phiện phải nằm trong "vấn đề thứ tư", ngay sau khi bác tố thực dân đầu độc dân ta bằng rượu và thuốc phiện. Vấn đề thứ năm đang nói chuyện thuế, tự nhiên lại phang ngay ra cái khoản cấm thuốc phiện, lộn xộn quá. Lúc đó bác chưa dùng những chữ "tàn tích do thực dân để lại" nhưng tinh thần đỗ thừa đã cao. Bác bảo thực dân hủ hóa làm cho dân ta "gian giảo". Nhưng trong số những người Việt gian giảo, bác và cán bộ Vẹm của bác tài nghệ ở mức thượng thừa, gian khiếp lắm. Cũng bị thực dân hủ hóa chăng?

Bác muốn mở chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân, nhưng đòi dạy dân phải cần, kiệm, liêm, chính. Dân đang đói nhăn răng, chả cần ai dạy cũng cần kiệm. Bác muốn dạy dân hai đức tính ấy, thôi thì cũng được đi. Những cái khoản liêm chính thì phải dân cho các quan lớn, quan bé cán bộ của bác chứ. Dân chúng có quyền hành chức tước gì mà sợ họ không liêm không chính.


Cái khoản "vấn đề thứ năm" mới khiếp: Bác ban lệnh miễn thuế. Thực dân bày ra không biết bao nhiêu thứ thuế độc ác, bác lại chỉ bỏ có ba: Thuế thân, thuế chợ, thuế đò. Có nhân dân nào chết vì thuế chợ thuế đò đâu. Bác thực tình không biết đến những "lối bóc lột vô nhân đạo" khác của thực dân? Hay bác biết, nhưng kín đáo giữ lại, chỉ tha cho nhân dân vài món thuế vớ vẩn, có số thâu yếu kém nhất để làm cảnh.



Chân Dung Bác Hồ
của Kiều Phong
tặng Lôi Tam và anh em Nhân Văn

Phần 6


Con người độc tài, độc tôn hết cỡ này lại còn ham được tiếng là có tinh thần... dân chủ. Bác nhất định tổ chức tổng tuyển cử. Trò chơi ấy nhân dân chết vô số, bác vẫn cứ làm. Bác mô tả:

“Ở miền Nam Trung bộ, cuộc tuyển cử tiến hành dưới bom đạn của Pháp. Chiến sĩ du kích một tay cầm súng một tay cầm lá phiếu. Ở Saigon và Chợ Lớn và các vùng tạm bị chiếm, cuộc tuyển cử tiến hành bí mật. Ban đêm những thanh niên nam nữ xung phong đi bí mật từ nhà này sang nhà khác, giấu kín thùng phiếu dưới áo. Tám mươi hai phần trăm cử tri ở Saigon và Chợ Lớn đã bỏ phiếu. Nhưng bốn mươi nhăm thanh niên xung phong đã bị địch bắt và bắt chết. Thật là một cuộc tuyển cử đẫm máu, rất anh dũng” (trang 123).

Chính nhân dân và cán bộ đã làm hư bác. Bác nói cái gì nhân dân cũng hoan hô nhiệt liệt. Bác đưa ra kế hoạch nào Hội đồng chính phủ cũng "hoàn toàn đồng ý", riết rồi bác nói phét càng ngày càng tồi, kể cho độc giản nghe những câu chuyện rất rác tai. Cái thùng phiếu to bằng cỡ nào mà thanh niên nam nữ xung phong đòi "dấu kín dưới áo"? Nó bằng cái hộp quẹt chắc? Có lẽ một số thanh niên xung phong bị bắn chết thật vì họ bị thực dân tưởng lầm là bọn... ăn trộm. Ban đêm, thấy có kẻ ôm trước bụng một vật lù lù, lấm lét, trốn tránh trong các góc phố tối, thực dân tưởng gặp bọn đạo chích phải vồ. Với cái trò ôm thùng phiếu, đợi đêm tối mới bí mật di chuyển từ nhà nọ sang nhà kia thì các cô các cậu đi được mấy nhà?

Thế mà bác khoe “tám mươi hai phần trăm cử tri ở Saigon và Chợ Lớn đã bỏ phiếu”
Nhân dân ngoài việc liều chết bỏ phiếu, còn được bác khen là sáng suốt, "rất thông minh". Bác kể:

“Bản dự án hiến pháp được thảo ra cẩn thận và phát rộng rãi để nhân dân có thể nghiên cứu phê bình và góp ý kiến. Ở trong thành phố và nông thôn tổ chức những cuộc hội họp để giải thích cho nhân dân chọn người ứng cử và tổ chức bầu cử như thế nào? Trước tuyển cử có người nghi ngờ, họ nói "Nhân dân còn dốt, chưa biết dùng quyền dân chủ. Bọn đầu cơ sẽ lợi dụng. Cuộc tuyển cử sẽ thất bại" Có một lòng tin tưởng vô hạn ở nhân dân, Hồ chủ tịch nói: "Nhân dân rất thông minh. Họ sẽ biết dùng lá phiếu của họ, tổng tuyển cử sẽ thành công!" Kết quả đã chứng minh lời Hồ chủ tịch là đúng.” (trang 122)

Kết quả ra sao? Nhân dân đã làm gì, đạt được thành tích hay ho nào để chứng tỏ xứng đáng với lời bác khen là thông minh, sáng suốt? Đây là câu trả lời:

“Nhiều địa phương yêu cầu Hồ chủ tịch ra ứng cử ở địa phương mình. Nhiều địa phương khác yêu cầu Hồ chủ tịch có quyền là nghị viên không cần tham gia ứng cử” (trang 122)

Những nhân dân coi bác như thánh như thần, đòi cho bác khỏi ứng cử cũng trúng, có được bác khen "sáng suốt, thông minh" cũng là phải quá.



Bầu Cử Dân Chủ

Có một chi tiết khá vui trong trò chơi bầu cử của bác: Vì nổi sùng với đảng phái của các ông Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, bác vô tình tự tố cáo mình là tổ chức bầu cử gian. Bác kể:

“Bọn phản động như đảng phái Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam được Quốc Dân Đảng Trung Quốc giúp đỡ, âm mưu phá hoại tổng tuyển cử.
... Hồ chủ tịch đã tìm ra một giải pháp: nhường cho Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam bảy mươi ghế” (trang 120)

Tổ chức bầu cử, thể hiện dân chủ mà lại biết chắc tất cả các ghế trong quốc hội là của mình, muốn nhường bao nhiêu ghế cho phe nào cũng được! Kết quả bầu cử đã được xếp đặt, tính toán trước. Những ghế trong quốc hội do bác phân phát, những tên tuổi đắc cử do bác định đoạt, chọn sẵn cả... thế thì bày đặt ra cái vụ bỏ phiếu làm gì cho mấy cô cậu thanh niên xung phong dại dột chết oan. Tuồng dân chủ bác giả vờ làm. Nhân dân sáng suốt thì bị chết thật. Cuối cùng họ chỉ được nghe bác bốc nhẳng một câu: “Thật là một cuộc tuyển cử đẫm máu, rất anh dũng”

Thấy máu xương nhân dân đổ ra cho một trò bịp của mình, con người "thương dân sâu sắc" ấy không hề có một lời ân hận, xót xa! Đâu phải sau này Hồ mới trở nên độc địa. Lúc mới nắm quyền cai trị, con người ấy đã sẵn sàng vì cái danh hão mà nhẫn tâm đẩy dân chúng vào chỗ chết.

Càng đến cuối sách thì bác càng mở máy tự tâng bốc, vội vàng, cuống quít như đứa trẻ thổi bong bóng, sợ mình ngưng lại thì bóng xẹp. Đây là những dòng nâng bi đưa bác lên đỉnh cao:

“Nhiều nhà báo và nhiều người bạn ngoại quốc rất lấy làm ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị cha già Hồ chí Minh. Nhưng đối với chúng ta, người Việt Nam thì rất dễ hiểu: Hồ chủ tịch được nhân dân yêu mến là do lòng yêu nước yêu nhân dân của Hồ chủ tịch.” (trang 138)

“...Chủ tịch đã từng chịu đựng khổ sở vất vả không thể tưởng tượng được trong suốt thời kỳ hoạt động bí mật. Chủ tịch đã bị đủ mọi thứ dụ dỗ. Nhưng chủ tịch đã dũng cảm và kiêu quyến vượt qua mọi khó khăn” (trang 139)

“...Nhân dân Việt Nam muôn người như một, nghe theo lời Hồ chủ tịch, vì họ hoàn toàn tin tưởng ở Hồ chủ tịch, họ hoàn toàn kính yêu Hồ chủ tịch. Không có gì so sánh được với lòng dân Việt Nam kính mến tin tưởng lãnh tụ Hồ chí Minh.” (trang 138)

“...Hồ chủ tịch được nhân dân yêu mến là do lòng hy sinh và lòng nhân từ của người. Đúng như lời nói của Mặc Tử, nhà triết học Trung quốc đời xưa: Nếu có lợi cho thiên hạ thì mình bị mài mòn từ gót đến đầu cũng vui lòng” (trang 139-140)

“...Chủ tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân.” (trang 140)

“...Chính sách của Hồ chủ tịch và của chính phủ rất giản đơn và rõ ràng. Hồ chủ tịch nói với nhân dân:
"Kháng chiến, kháng chiến trường kỳ. Kháng chiến nữa. Kháng chiến đến cùng. Kháng chiến cho đến khi nước Việt Nam giành được thống nhất và độc lập!” (trang 138)

“Đối với nhi đồng tên bác Hồ như là một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn” (trang 141)

“Một vài chuyện nhỏ kể dưới đây cũng đã tỏ lòng kính mến của nhân dân Việt Nam đối với bác Hồ. Một bức ảnh nhỏ của Người ở Hà Nội có đồng bào mua tới giá một trăm ba mươi vạn đồng. Ở Nam bộ một chiến sĩ du kích họa sĩ bị thương ở chiến trường, trong khi chờ đợi cứu thương đến, đã lấy máu mình vẽ lên áo ảnh Hồ chủ tịch. ...Những chuyện như trên còn nhiều, kể không hết được. Thanh niên, nhi đồng các nước bạn cũng thường gửi thư thăm hỏi bác Hồ. Nhân dân gọi Chủ tịch là Cha già của dân tộc.” (trang 142)



Hoàn Toàn Tin Tưởng

Trước hết, hãy xét về những điểm vui vui trong bài ca tự hót của bác.

Bác khoe cái khẩu hiệu: “Kháng chiến, kháng chiến trường kỳ. Kháng chiến nữa...” là giản đơn và rõ ràng. Rõ ràng thì tạm được. Nhưng giản đơn ở chỗ nào? Nó rườm rà như lời một người mắc bệnh nói lắp đãng trí. Đã "kháng chiến tới cùng" thì cần phải "kháng chiến trường kỳ". Đã "kháng chiến cho đến khi nước Việt Nam giành được thống nhất và độc lập" là đủ quá rồi, là tốp được rồi, sao lại phải "kháng chiến nữa". Cái khẩu hiệu có mấy dòng mà lủng củng, lảng cảng những chữ, những ý lập đi lập lại... Thế mà lại cứ say sưa tự khen là "giản đơn".

Nhưng văn chương chữ nghĩa của bác, ta đã thưởng thức rồi. Tinh thần khoái những màn cải lương, gián điệp rẻ tiền của bác, ta cũng đã biết rồi. Hãy nói về những chuyện quan trọng, nghiêm chỉnh hơn. Nghiêm chỉnh mà xét thì thấy bác là anh chàng phét lác bị tổ trác hơi nhiều. Bác tự tố cáo, tự lột mặt nạ đều đều suốt chiều dài cuốn sách. Có thật là: "Nhân dân Việt Nam muôn người như một... HOÀN TOÀN TIN TƯỞNG ở Hồ chủ tịch, HOÀN TOÀN KÍNH YÊU Hồ chủ tịch" hay chăng?

Không cần tra cứu sách vở, tìm nhân chứng, cứ đọc chính những dòng bác viết ra sẽ biết sự thật về lời huyênh hoang ấy. Trang 126, Hồ kể về vụ ký hiệp định 6 tháng 3 và phản ứng của nhân dân.

Nội dung cái hiệp định mà Chủ tịch long trọng ký kết với Sainteny, đại diện Pháp, gồm có những điều khoản hay ho như sau: Việt Nam thừa nhận những quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam (toàn những đặc quyền, đặc lợi rất thực dân) - Việt Nam cho phép mười lăm nghìn lính Pháp đổ bộ ở Bắc bộ và Trung bộ để thay thế quân của Tưởng Giới Thạch - Đặc biệt là Việt Nam thừa nhận ở trong khối liên hiệp Pháp!

Nhân dân nghĩ sao về việc làm của bác? Hãy nghe chính lời bác mô tả:

“Đây là một lúc khá khó khăn cho Hồ chủ tịch. Báo chí của Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Hải Thần công kích Chủ tịch kịch liệt, vu cáo Chủ tịch đã để cho Pháp mua chuộc” (trang 126)

Còn "vu cáo" vào cái khổ nào nữa: Nếu không bị mua chuộc thì chắc chắn bác đã bị Pháp lừa.

(Qua những lời hậm hực cay cú của bác, chúng ta lại thấy rõ một điều: Các nhà cách mạng Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam là những người sáng suốt. Họ trông thấy tất cả những âm mưu sâu độc của thực dân, họ thấy người lãnh đạo Hồ chí Minh đang đi lạc đường)

Đâu phải chỉ có nhóm ông Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam sáng suốt, công kích chủ tịch kịch liệt. Dân chúng cũng phản đối ào ào. Bác viết: “Nhân dân không bằng lòng...” nhưng lại giải thích ngay “...vì họ căm thù sâu sắc bọn Pháp thực dân”

Nhân dân nào "muôn người như một, hoàn toàn tin tưởng ở Hồ chủ tịch"? Còn nhân dân nào thì "không bằng lòng" vì việc ký kết bậy bạ của bác? Hay nước Việt có tới hai cái "toàn thể nhân dân"

Báo chí của các ông Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần công kích bác thế nào, bác không nói rõ chi tiết, chỉ kêu là "kịch liệt". Nhân dân biểu lộ sự "không bằng lòng" bằng cách nào, bằng lời lẽ chê bác ra sao, bác cũng lờ đi Nhưng xem lời biện minh của bác, ta có thể đoán được một phần. Ít nhất, trong những lời chê bai, nhân dân đã phang cho bác một cái tội rất nặng: QUÂN BÁN NƯỚC!



Không Bao Giờ Bán Nước

Chắc vừa đau vừa teo, bác phải trần tình:

“Trước mặt đông đảo quần chúng, Hồ chủ tịch giải thích những nguyên nhân trong nước và ngoài nước bắt buộc phải ký hiệp định. Cuối cùng, Chủ tịch kết thúc bằng những lời cảm động: "Hồ chí Minh không và sẽ không bao giờ là một người bán nước” (trang 126)

Bác tự khen câu biện bạch của mình là những "lời cảm động". Nhưng nó không cảm động mấy, chỉ như là một lời chối tội mơ hồ. Kẻ vừa bị bắt quả tang ăn cắp, cũng có thể có những lời cảm động tương tự: "Tôi không và sẽ không bao giờ là một tên ăn cắp."

Kể ra nhân dân "HOÀN TOÀN KÍNH YÊU BÁC" cũng hơi nặng lời khi chửi bác là "quân bán nước". Nhưng họ phẫn nộ đúng vì sự nhầm lẫn của bác đã đưa họ vào chỗ chết, trong khi bác cứ hớn hở vì những trò vuốt ve của Pháp, cứ sướng mê tơi vì những vinh dự hão huyền Pháp ban cho. Những trò lật lọng phản trắc hiểm độc của thực dân, các ông Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần cùng nhân dân Việt Nam nhìn thấy trước thì bác phải đợi khá lâu sau khi ký hiệp ước mồng 6 tháng 3 mới thấy. Phải đợi thực dân tàn phá giết chóc dân ta tơi bời rồi bác mới chịu mở mắt ra. Bác kể:

“Quả thật, Cao uỷ Pháp đã không từ một hành động nào để phá hoại hiệp định mồng 6 tháng 3. Những hành động khiêu khích không những không đình chỉ mà còn tăng thêm. Và quân đội Pháp đổ bộ ở Trung bộ và Bắc bộ luôn kiếm cách gây những sự xung đột chống lại người Việt Nam. Những cuộc xung đột đổ máu đã xảy ra ngay ở Hà Nội. Về mặt kinh tế, đô đốc Đắc-giăng-li-ơ đã dùng thủ đoạn xảo quyệt. Y ra lệnh bỏ giấy bạc năm trăm đồng. Đây là một mánh khóe thực dân xảo trá đã làm cho hàng chục vạn gia đình Việt Nam và ngoại kiều bị phá sản.” (trang 127)

“...Một ngày sau khi chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp, đô đốc Đác giăng li ơ, cao ủy Pháp tổ chức chính phủ bù nhìn Nam Kỳ và tuyên bố "Nam kỳ tự trị". Vì chính sách gian dối ấy làm cho nhân dân phẫn uất, cho nên chiến tranh càng kịch liệt hơn ở Nam bộ và miền Nam Trung bộ. Máy bay Pháp bắn cháy nhiều làng mạc và bắn giết nhiều dân chúng. Khủng bố diễn ra khắp trong vùng quân đội Pháp chiếm đóng...” (trang 128)



Đi Tầu Chiến, Nghe Đại Bác

Vì bác thò tay vào ký hiệp định 6-3 mà nhân dân Việt Nam lâm cảnh khốn khổ như vậy, còn riêng phần bác thì được gì? Nhiều lắm. Toàn những trò đón rước long trọng làm bác phổng mũi, sướng tê người. Bác hớn hở khoe:

“Rồi cuộc gặp gỡ giữa Hồ chủ tịch và đô đốc Đắc-giăng-li-ơ tại vịnh Hạ Long với rất nhiều nghi thức long trọng, 21 phát đại bác chào khi Hồ chủ tịch đi, hạm đội Pháp duyệt binh v.v...” (trang 127)

Với nhân dân Việt, Thực dân Pháp làm cho "hàng chục vạn gia đình bị phá sản", "bắn cháy nhiều làng mạc, bắn giết nhiều dân chúng, khủng bố diễn ra khắp nơi"... Nhưng riêng bác chúng đưa ra vịnh Hạ Long, thụt cho nghe 21 phát đại bác, tổ chức diễn binh kèn trống um xùm, thế là bác chịu lắm, khoái tỉ lắm, khoái đến độ lúc viết hồi ký còn đem ra khoe.

Thực dân còn tặng bác những cú vuốt ve tối tân, ác liệt hơn. Chúng mời bác sang Pháp để vuốt tiếp. Và bác lại hớn hở khoe chuyến đi Pháp đầy vinh dự như sau:

“Ngày 31 tháng 5 năm 1946, Hồ chủ tịch cùng phái đoàn Việt Nam lên đường sang Paris. Phái đoàn này đáng lẽ do Nguyễn Tường Tam, bấy giờ là Bộ trưởng Ngoại giao lãnh đạo. Nhưng ngay hôm trước khi đi, Bộ trưởng Tam đã bỏ trốn...” (Nhờ ơn bác viết lại mà chúng ta lại được thấy nhà văn, nhà cách mạng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là một người sáng suốt, nhìn xa thấy rộng. Biết kẻ thù xảo trá và thâm độc thấy lãnh tụ u mê, chui đầu vào bẫy, ông can ngăn không được thì chức Bộ Trưởng Ngoại giao ông cũng không màng)

Đem được bác qua Pháp rồi, ở Việt Nam thực dân bắt đầu khủng bố, bắn giết. Trong khi ấy “Hồ chủ tịch đã đi thăm miền Nam và miền Bắc nước Pháp... Chủ tịch đã gặp nhiều người: chính trị, nhà trí thức, lãnh tụ kinh tế, lãnh tụ thợ thuyền, đại biểu phụ nữ, lãnh tụ thanh niên.” (trang 129)

Tóm tắt, nó cho bác đi ngược đi xuôi, lông bông từ Bắc chí Nam, gặp hết người này người nọ để câu giờ. Thê thảm nhất là cái khúc bác khoe được Pháp cho về nước bằng tầu chiến. Bác vênh váo kể:

“Phái đoàn Việt Nam về trước vài ngày, Chủ tịch về sau trên một chiếc tàu chiến Đuy-mông Đuyêc-vin (Dumont Durville) của Pháp. Cách đây trên ba mươi năm, Chủ tịch đi Pháp, làm phụ bếp trên một chiếc tàu buôn. Ngày nay chủ tịch đi trên một chiếc tàu chiến, là thượng khách của nước Pháp... Về đến Cam-ranh, đô đốc Đắc-giăng-li-ơ đón Hồ chủ tịch trên một chiếc tàu chiến khác. Cuộc gặp gỡ rất long trọng.” (trang 129)

Rõ ràng là bọn thực dân rất quỷ quái. Nó biết bác khoái những trò đón rước linh đình nên trình diễn toàn những thứ ác liệt cả. Bác sướng mê man cả người. Sợ dân Việt ngờ bác "tham vàng bỏ ngãi", bác vội trấn an:

“Tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng chủ tịch vẫn luôn luôn là người cách mạng trong sạch và hăng háị.Thái độ đối xử thành thật với mọi người và lòng yêu nhân loại vẫn không thay đổi.” (trang 129)

Bác làm như cái quả "đi tàu chiến" có thể làm thay đổi bác, biến bác thành một kẻ hết cách mạng, hết trong sạch, hết thành thật mà lại hết cả... yêu nhân loại nữa. Vì bác nhắc chuyện 30 năm trước, khoe rằng bây giờ mình vẫn thế, Kiều Phong đành phải vạch ra một chỗ khác nhau khá quan trọng: Ba mươi năm trước, cậu Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp cho một chiếc tàu buôn, cậu còn trong sạch và vô tội.

Những lỗi lầm của cậu lúc ấy chẳng qua chỉ cỡ vụ gọt măng tây láo lếu, làm thiệt hại nhà bếp. Bây giờ, lầm lỗi của bác gây đại họa cho cả dân tộc. Được ngồi trên tàu chiến long trọng quá, oai quá, bác quên bẵng mất số phận của nhân dân. Và lầm lỗi của bác lúc này đưa đến “hàng vạn người bị phá sản, nhiều người bị tàn sát, nhiều làng bị đốt phá”. Khác nhau ghê lắm.

Cái quả được đi tàu chiến, được thực dân thụt 21 phát đại bác làm ngài Chủ tịch ngất ngư hơi lâu, khoái tỉ đến mụ mẫm cả người hơi lâu. Cho nên, trong khi Pháp:

“...Cao ủy Pháp hứa hẹn sẽ thành thật chấp hành bản tạm ước. Nhưng trong khi đó y bí mật ra lệnh cho hải quân Pháp phong tỏa cửa bể Hải Phòng... Y ra lệnh bắn vào quần chúng ở Nha Trang trong cuộc mít tinh mừng ngày thi hành bản tạm ước. Y sửa soạn kế hoạch tấn công Hải Phòng và Lạng Sơn.” (trang 130)

Thì bác vẫn cứ đớ đẫn, ngơ ngẩn:

“Mặc dầu những hành động đối địch về phía Pháp, Hồ chủ tịch vẫn cương quyết giữ gìn hòa bình.” (trang 130)

Cho đến lúc:

“Nhưng thình lình thành phố Hải Phòng bị quân đội Pháp tấn công. Đấy là ngày 20-11-1946. Ngày hôm sau thực dân Pháp lại tấn công Lạng Sơn. Hải quân, không quân, lục quân Pháp đồng thời tàn sát ngót vạn đồng bào ở Hải Phòng. Đã mấy lần, chủ tịch gửi những bức điện văn cấp bách cho chính phủ, quốc hội và nhân dân Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh, song chính phủ Pháp không trả lời những lời kêu gọi của Hồ chủ tịch. (chỗ này không còn thấy Chủ tịch nhắc gì đến nhận xét của nhi đồng Nguyễn Tất Thành: người Pháp ở Pháp tốt hơn người Pháp ở Đông Dương). Trái lại, chính phủ Pháp gửi thêm viện binh. Nhiều quân đội nhảy dù và đội quân lê dương đổ bộ ở Hải Phòng, Đà Nẳng và Hà Nội.”

“...Hàng ngày, máy bay Pháp thị uy trên không phận Hà Nội, thậm chí lượn qua cả dinh Hồ chủ tịch. Binh lính Pháp tăng thêm khiêu khích. Ngày 17 tháng Chạp, lính Pháp dùng võ lực đòi chiếm trụ sở của Bộ tài chánh.” (trang 130 và 131)

Thư bác viết, Pháp không thèm trả lời. Hàng vạn đồng bào của bác bị quân Pháp tàn sát! Bác đau xót chưa? Bác nổi giận chưa? Chưa. Bác vẫn khăng khăng:

“Mặc dầu tất cả những việc đó, Hồ chủ tịch vẫn cố dàn xếp mọi việc một cách hòa bình.” (trang 131)

Làm chủ tịch nước mà mù quáng không thấy nổi sự thâm độc của kẻ thù, u mê vì mấy trò vuốt ve, vì những tuồng đón tiếp long trọng, nhưng bác vẫn tự thấy mình anh minh! Một tấc đất quê hương, tính mạng một người dân đáng lẽ nhà lãnh đạo phải tiếc, phải xót. Ở đây, quê hương bị tàn phá, hàng vạn người bị tàn sát, Chủ tịch vần chưa chịu mở mắt ra, còn khăng khăng tin tưởng vào lòng tốt của kẻ thù! Lúc ngồi ở vịnh Hạ Long, được kẻ thù thụt cho nghe 21 phát đại bác, sướng tê mê đến quên trời quên đất, dù sao cũng còn tha thứ được vì bác chưa biết tới cái vụ dân chúng bị tàn sát sau lưng mình. Nhưng bây giờ ngồi viết hồi ký, một đầu óc tăm tối nhất cũng thấy được sự việc thực dân cho bác đi tầu chiến, vuốt ve tâng bốc bác gắn liền với những chiến dịch đốt nhà, ném bom, tàn sát hàng vạn người Việt. Thế mà chủ tịch Hồ nhắc lại những trò "long trọng đón tiếp" của thực dân với tất cả nỗi hãnh diện hân hoan của một kẻ nghèo hèn đột ngột được phong quan tước. Tội nghiệp những người dân Việt thời đó. Nơi trang 130 bác khoe rằng:

“Trước khi đi Pháp, Hồ chủ tịch nhận được hàng vạn lá thứ khuyên chủ tịch đừng đi máy bay. Những bức thư này là của các hạng người đủ các tầng lớp, đủ các lứa tuổi”.

Vậy thì ít nhất đã có hàng vạn người Việt thuộc đủ các tầng lớp sáng suốt, biết rõ sự thâm độc của thực dân, lo âu cho tính mạng của bác. Nhưng tính mạng của họ thì chẳng được ai lo, họ không nhận được một lời khuyên nào về cách đối phó với súng đạn thực dân. Nhà họ cứ bị đốt, làng họ cứ bị tàn phá, họ cứ bị bắn giết trong khi Chủ tịch bận nghe 21 phát đại bác, bận đi tàu chiến Tây và bận "dàn xếp mọi việc một cách hòa bình".

“Chủ tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân”. Hãy bỏ qua những câu chuyện dại dột, lố bịch kể trên... chỉ cần nhìn lại chính cái giây phút bác ngồi nắn nót viết câu đó là thấy bác man trá chừng nào. Đất nước còn nghèo, nhân dân còn đói, chiến tranh còn khốc liệt... con người "chỉ nghĩ đến nhân dân" ấy lại còn tranh nghề của bọn văn nô, bỏ hết thời giờ tâm trí vào việc ngồi viết văn tự tâng bốc. Vào lúc người dân Việt đang thi đua gục ngã ở chiến trường theo sự hướng dẫn của chủ tịch thì vị "cha già dân tộc" cứ say sưa bận rộn với sự nghiệp tự nâng bi.

Có ông cha già nào trên đời lại nhố nhăng, vị kỷ và bất nhân đến thế!




Chân Dung BácHồ
của Kiều Phong
tặng Lôi Tam và anh em Nhân Văn

Phần 7


Truyền thống Việt bảo "nghĩa tử là nghĩa tận", nhưng vẫn chấp nhận rằng những con người độc địa thâm hiểm có thể bị cuốc mả, đào mồ. Kẻ đốt sách chôn học trò, dù chết đã nghìn năm vẫn không thoát bị nguyền rủa là bạo chúa. Vả lại, bác đâu có chịu chết. Trong khi ngồi hì hục viết sách tự tâng bốc, bác đã mưu toan muốn sống vinh quang đời đời. Và tinh thần bác còn đang sống hùng sống mạnh nơi đám thừa kế để tiếp tục dẫn dắt quê hương đất nước xuống vực thẳm.

Chuyện tự tâng bốc của bác chỉ là một trò lố lăng vô hại chăng?

Trò ấy quả có vẻ vô hại, nhưng con người ở vị thế lãnh đạo mà tự say mê đến thế thì cực kỳ nguy hiểm cho dân tộc. Kẻ tự kính phục thường ít khi thấy mình không sáng suốt và chẳng bao giờ chịu là mình cũng có thể sai lầm. Bác Hồ đủ tài để lôi cuốn xô đẩy một nửa dân Việt vào con đường chém giết nửa kia, nhưng bác lại không đủ khôn ngoan để tìm ra một con đường đúng. Nước Nga sau hơn nửa thế kỷ cách mạng vẫn chưa dám để người dân sống cho ra con người, bác Hồ cứ khăng khăng chọn nó làm mẫu mực. Con đường đẫm máu dẫn tới bờ vực, bác Hồ cứ phăng phăng dẫn các cháu đi. Có người nhấn mạnh đến những thành tích của Hồ để làm lễ tôn bác làm vĩ nhân: nào là bác có ý chí thống nhất đất nước, bác vận dụng được sức mạnh của hàng triệu người, bác được nhiều kẻ theo, tôn sùng như thần thánh, bác có tài lãnh đạo v.v...

Ôi chao! Mí mắt nhân loại cũng nặng lắm, nhiều khi phải tốn hàng triệu mạng người mới hé mở được những đôi mắt đang nhắm nghiền. Bác Hồ được nhiều người theo ư? Quỉ Sa Tăng cũng có đủ tín đồ để tạo thành sức mạnh gây khốn đốn cho các vị thánh. Bác lôi cuốn ư? Sự lôi cuốn của bác đâu qua mặt nổi Hitler, con người vận dụng được toàn thể sức mạnh dân Đức để làm điên đảo thế giới. Cứ gọi những kẻ ấy là các nhà lãnh đạo có tài, không sao, nhưng cái chỗ mà họ dẫn con người tới làm cho họ giống những tên điên, không dính dáng tí gì đến tước hiệu vĩ nhân cả. Bác có ý chí thống nhất đất nước ư? Quỷ Sa Tăng cũng rất quyết tâm thống nhất toàn thể thế giới trong lò lửa địa ngục vậy.



Bác Hồ Yêu Nhi Đồng

Lời tự tâng bốc nghe rác tai nhất của bác là mấy câu khoe: nhi đồng Việt Nam yêu bác Hồ mà bác Hồ cũng thương nhi đồng lắm lắm

“Đối với nhi đồng tên bác Hồ là như một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn”.

(Khoe như thế, bác tỏ ra chẳng hiểu mẹ gì về tâm lý nhi đồng, nhất là nhi đồng Việt Nam. Một ông nhóc đang giở chứng mà nghe nhắc tên mẹ hiền, tên bà nội, nó sẽ làm dữ hơn. Dọa trẻ, người ta nhắc tên "ông kẹ", ông "ngáo ộp". Nếu các bậc phụ huynh đã dùng tên bác thay thế cho những ông kẹ, ông ngáo ộp thì nhi đồng chỉ teo vì bác chứ yêu thương gì!) Trong câu khoe ngắn ngủi ấy, người đọc lại bắt gặp thói huênh hoang, lòng tham vô độ của bác: Đã đòi làm "cha già dân tộc" bây giờ bác lại muốn là "bà mẹ hiền của nhi đồng" rồi kiêm luôn vai trò nhà giáo dục siêu đẳng, chỉ xòe cái tên ra là trẻ hóa ngoan!

Thôi thì cũng không nên chơi khó bác quá, cứ giả vờ công nhận rằng nhi đồng yêu bác thật, nhưng còn phần bác đối với nhi đồng thì sao? Hãy bỏ qua những em bé bị hỏa tiễn của bác giết trong sân trường Cai Lậy ... Ta chỉ nói về thân phận những em bé được bác âu yếm xoa đầu, được bác cẩn thận định trước cho một tương lai, được bác săn cóc kỹ lưỡng bằng cả một kế hoạch qui mô.

Hãy nhớ lại câu chuyện hơn 20 năm trước.

Năm Mậu Thân, Hồ mở cuộc tổng tấn công miền Nam. Dĩ nhiên miền Nam bị tàn phá, thiệt hại nhiều nhưng đoàn quân nằm vùng của bác cũng bị tiêu diệt gần hết. Không thắng nổi sau cuộc "xả láng" bác bắt đầu chịu nói chuyện hòa bình, hội nghị. Nghe tin miền Bắc bỗng dưng "yêu hòa bình" không riêng gì người Việt, cả thế giới tự do đều mừng húm. Làm sao không vui cho được khi cuộc chiến đẫm máu ở Việt Nam có hy vọng sẽ chấm dứt.

Hồ chí Minh yêu hòa bình thật chăng? Cảnh người Việt chém giết người Việt dai dẳng suốt mấy thập niên đã làm bác mềm lòng, thương sót rồi chăng? Không có đâu. Trong Bắc bộ phủ, cái đầu óc "khôn ngoan, thiên tài" ấy lại sáng tạo ra một kế hoạch tài tình để sẵn sàng cho một cuộc chém giết mới, trong tương lai, khi tấn tuồng yêu hòa bình bác thủ diễn đã ru được thế giới ngủ ngon lành, bác Hồ lại ra tay.

Kế hoạch khôn ngoan của bác, kỳ này, nhằm khai thác tận tình sức lực và tính mạng của hàng trăm ngàn đứa trẻ con. Bác cho cán bộ bắt cóc trẻ em ở miền Nam, đưa ra Bắc huấn luyện, dạy dỗ, biến chúng thành những người lính cộng sản. Khi học tập xong, tốt nghiệp, các cháu chắc chắn sẽ được bác gửi trở lại miền Nam để bắn giết, trong khi đó, trước mắt thế giới, bác vẫn là người đang nỗ lực, tha thiết tìm hòa bình cho Việt Nam. Bài "Bắt Trẻ Đồng Xanh" của nhà văn Võ Phiến mô tả rất rõ về kế hoạch này: "Trong những ngày gần đây ai nấy chỉ những xôn xao về chuyện ngưng chiến: Bao lâu nữa nhỉ? Làm gì bây giờ?"

Trong lúc ấy nhóm lãnh đạo ở Hà Nội lặng lẽ lo công việc mai sau: tức một cuộc chiến tranh khác. Một cuộc chiến tranh quân sự hẳn hoi. Và họ tiến hành thực hiện chuẩn bị, ngoài sự chú ý của dư luận: các bình luận gia có tiếng, khét hay không khét, gần như không mảy may quan tâm đến chuyện ấy.

Cuộc bắn giết sắp tới giữa miền Nam và miền Bắc đã được cộng sản xếp đặt từ lúc này, cũng như cuộc bắn giết thê thảm mười năm qua được họ xếp đặt từ trước tháng 7-1954, trước ngày đình chiến theo hiệp định Geneve.

Thượng tuần tháng 7-68 một nhóm luật gia họp ở Grenoble buộc Hoa Kỳ vào tội gây chiến tại Việt Nam. Sau đó, nhóm luật gia tranh đấu chính trị Việt Nam họp tại Sài Gòn cãi lại: Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã thành lập từ năm 1958 và ra mắt ngày 20-12-1960, còn người lính Mỹ đầu tiên chỉ mới tử trận trên lãnh thổ miền Nam ngày 22-12- 61.

Người của luật pháp, họ cãi lý với nhau, họ bắt bẻ nhau như thế. Không hiểu sao họ chỉ nói tới Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Trước họ, nhiều người đã đi ngược lên tới Mặt trận Tổ quốc, và xa hơn Mặt trận Tổ quốc: tới cái nghị quyết của đảng Lao động đã đẻ ra Mặt trận này .

Mặt trận này, mặt trận nọ..., đó là những bằng chứng đã có tên gọi. Chờ cho cộng sản đặt tên rõ ràng các hoạt động của họ mới chịu cho rằng họ hoạt động tức là nghĩ tệ cho họ nhiều quá. Họ đâu có chậm chạp như vậy? Trước những hoạt động có tên gọi đã từng xảy ra nhiều hoạt động không tên gọi, và trước cả các hoạt động không tên là những toan tính xếp đặt kỹ càng. Khi họ nhận thấy không thể thanh toán cả nước Việt Nam một lần, mà phải chấp nhận điều đình với Pháp để giữ lấy nửa nước, thì họ đã đặt ra ngay vấn đề: còn lại nửa nước kia, phải giải quyết ra sao? Và họ đặt kế hoạch "giải quyết" cùng lúc với kế hoạch điều đình. Nghĩa là vào năm 1954, chứ không phải năm 1958.

Thật vậy, hiệp định đình chiến vừa ký kết, thì những điều khoản ngưng cuộc chiến tranh bấy giờ được họ thi hành đồng thời với những điều chuẩn bị cuộc chiến tranh sau. Đồng thời, không muộn hơn một ngày nào. Lúc ấy, chính quyền quốc gia lo đùm túm kéo nhau vào Nam, và tổ chức cuộc di cư cho đồng bào miền Bắc. Di cư là đi cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ: công chức già thì vào theo nhà nước để lãnh lương hưu, các cụ cố thì theo con cháu vào để được nuôi nấng và chết giữa đám con cháu v.v...

Cùng lúc ấy, cộng sản lo liệu công việc của họ có lớp lang:
- Vũ khí, họ chôn giấu lại một số ở miền Nam;
- Cán bộ và binh sĩ, họ chọn lựa một số cho ở lại: có hạng được bố trí để len lỏi vào các cơ quan quốc gia, có hạng trở về cuộc sống thường dân chờ thời co, có hạng đổi vùng để hoạt động, có hạng vừa lẩn trốn vừa bám lấy địa phương để hoạt động v.v...

Địa chủ phú nông, trót bị ngược đãi tù tội, đều được tha thứ, giải thích, dỗ dành để xóa bỏ hận thù. Những thành phân không dỗ dành được thì họ thủ tiêu, vì xét nguy hiểm đối với tính mạng những cán bộ nằm vùng của họ.

- Tập kết theo nguyên tắc: Đưa ra Bắc hạng trai trẻ có thẻ lám việc đắc lực và sản xuất giỏi cùng hạng có uy tín có khả năng; bỏ lại trong Nam hạng lão nhược có thể làm một gánh nặng cho quốc gia. Cố ý gây phân ly chia cách, làm thế nào để mọi gia đình đều có kẻ đi người ở.
- Gấp rút tạo thêm nhiều liên hệ giữa thành phần tập kết ra Bắc và dân chúng miền Nam: đặc biệt là tổ chức những đám cưới cấp tốc khiến cho háng chục vạn binh sĩ và cán bộ Việt cộng ra đi bỏ lại trong Nam bấy nhiêu cô vợ trẻ, có những cô chỉ ăn ở với chồng được đôi ba hôm.

Bấy nhiêu cô vợ trẻ và gấp đôi gấp ba chừng ấy cha mẹ già cùng cô cậu chú bác v.v... là một lực lượng đáng kể. Bằng chính sách tập kết và gây liên hệ này, cộng sản cưỡng bức một số người về sau phải làm nội tuyến cho chúng.

Ngay từ đầu, tình cảm của những người này đã hướng về Bắc, theo bóng kẻ thân yêu. Thái độ và hoàn cảnh éo le của họ khiến nhà chức trách địa phương lo ngại, đề phòng. Do đó, họ thành một khối người dần dà sống cách biệt, nếu không là đối lập với chính quyền miền Nam. Một vài trường hợp đối xử vụng về bị khai thác, một vào sự hiểu lầm bị xuyên tạc: thế là mâu thuẫn giữa hai bên trở thành trầm trọng. Rồi một ngày kia, chuyện được tính trước sẽ xẩy ra. Xin thử tưởng tượng: gia đình có đứa con hay người chồng ra Bắc năm 1954, hai năm sau, một đêm nào đó, có kẻ lạ mặt lẻn vào nhà, lén lút trao cho xem một lá thư và một tấm hình mới nhất của con hay của chồng từ Bắc mang vào, gia đình nọ làm sao nỡ tố giác kẻ lạ mặt, bù biết họ đang gây loạn. Đã không tố giác được, tất cả phải che giấu, nuôi dưỡng mối liên lạc. Từ việc này đến việc khác, gia đình nọ dần dần đi sâu vào sự cộng tác với tổ chức bí mật của đối phương, chịu mệnh lệnh của họ, rốt cuộc gia nhập hẳn vào hàng ngũ của họ.

Chính vì như thế mà thư từ hình bóng của cán binh tập kết có giá trị đặc biệt quan trọng: những năm 1956, 57, 58, cán bộ từ ngoài Bắc xâm nhập vào hoạt động, trong người họ bao giờ cũng mang theo một số thư từ, hình bóng của cán binh tập kết. Đó là lợi khí hết sức đắc dụng giúp họ đặt các cơ sở quần chúng đầu tiên. Gây được cơ sở quần chúng, vận động được sự đóng góp số lương thực tiền bạc cần thiết để nuôi quân rồi, bấy giờ các lực lượng vũ trang tại chỗ bắt đầu được thành lập, các lực lượng vũ trang ngoài Bắc kéo vào. Sau đó mới có cái Mặt trận giải phóng ra đời.

Như vậy, cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu từ những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ sau việc chính quyền Sài Gòn từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu từ ngày khai sanh mặt trận nọ mặt trận kia. Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng. Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể, do trưởng cơ quan trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những kẻ ngã gục vào 1958, 1959, mà là những cô gái tức khắc biến thành góa bụa từ 1954.

Dân chúng miền Nam ai nấy đều biết những bận rộn tới tấp, những công việc bề bộn ngổn ngang mà nhà cầm quyền cộng sản hồi ấy phải làm cho kịp trước khi rút ra Bắc. Trong hoàn cảnh rộng ràng bấy giờ, nếu không vì lý do quan trọng, chắc chắn đảng và nhà nước cộng sản hồi ấy không đến nỗi quá sốt sắng lo cưới vợ cho cán binh như thế. Chắc chắn dù tìm trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào của bất cứ dân tộc nào, cũng hiếm thấy một trường hợp chính phủ lo vợ túi bụi đến chừng ấy.

Cũng như hiện nay, trong giai đoạn ác liệt sau cùng của chiến cuộc tại miền Nam này, nếu không vì lý do quan trọng, đảng và nhà nước cộng sản nhất định không bao giờ khổ công gom góp thiếu nhi ở đây đưa ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc, trong những điều kiện di chuyển nguy hiểm đến nỗi cả các binh sĩ khỏe mạnh của họ cũng phải hao mòn suy kiệt dọc đường.

Đưa thiếu nhi miền Nam ra Bắc, không phải cộng sản nhằm làm nhẹ gánh nặng nuôi dưỡng, giúp các ông tổng trưởng kinh tế hoặc xã hội của chúng ta. Mọi người đều rõ, tại Bắc Việt và Trung cộng, người ta tiết giảm sinh sản rất gắt gao: họ hạn chế hôn nhân, hạn chế luyến ái. Đưa thiếu nhi miền Nam ra Bắc, cũng không phải cộng sản nhằm giúp tổng trưởng giáo dục của chúng ta một tay để giải quyết nạn thiếu trường ở trong này.

Trong giới quan sát nhiều kẻ bảo rằng Bắc Việt kiệt quệ rồi, không đủ sức kéo dài chiến tranh nữa, họ bối rối lắm, luống cuống lắm. Dù không tin vào nhận định ấy, ít ra cũng phải chịu rằng lúc này họ bận trăm công ngàn việc, nếu chuyện bắt trẻ miền Nam không có một tầm quan trọng đặc biệt thì họ không hơi đâu nghĩ đến. Đàng này họ đang ra sức thực hiện một kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt, người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi trên toàn quốc Việt Nam Cộng Hòa, từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum, đến Mỹ Tho, Cà Mâu, người ta gặp những toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Cam Bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ chí Minh, nghĩa là bằng mọi phương tiện, một cách gấp gáp.

Họ bổ xung quân số đó chăng? Không đâu. Trẻ bị bắt có hạng mới tám chín tuổi. Trong những trường hợp khẩn cấp, họ có thể tạm sử dụng một số trẻ con bắt được ngay tại địa phương; chứ thành lập những đơn vị con nít như thế để dùng ngay vào chiến cuộc này là chuyện điên rồ. Không phải bổ xung quân số đưa vào chiến cuộc đang kết thúc đâu, mà là họ đang tổ chức chiến cuộc mai sau đấy.

Đem chút ít kinh nghiệm về lần trước để suy nghiệm về lần này, chúng ta thấy trước dăm ba điều họ sẽ làm sau khi thỏa ước ngưng chiến được ký kết:

- Họ sẽ bỏ lại miền Nam tất cả những thương phế binh, những cán bộ lâm nạn, tàn tật, v.v... Mang mỗi phần tử vô dụng như thế về Bắc chỉ gây thêm xúc động tâm lý trong quần chúng ngoài ấy; để hạng ấy ở lại, họ tạo thêm gánh nặng cho kinh tế miền Nam;
- Lúc cuộc "chiến tranh chính trị" mà các nhà lãnh đạo miền Nam vẫn nói được bắt đầu, thì bao nhiêu ức vạn gia đình có con cháu ra Bắc (và những cô gái có chồng lính cưới vội cưới vàng trước khi về Bắc nữa) hóa ra những thành phần mà chánh quyền không sao lôi kéo tranh thủ nổi. Lòng họ hướng về những con tin ở ngoài Bắc, phân nửa sinh mạng họ do nhà đương cuộc miền Bắc định đoạt. Thái độ của họ khiến nhà chức trách địa phương có thể phạm vào vài biện pháp kỳ thị vụng về: thế là phát sinh mâu thuẫn, bất mãn, chống đối, v.v...

Một ngày nào đó, những cán bộ từ Bắc lại lén lút xâm nhập, mang theo thư từ của con, của chồng họ: họ mừng như mở cờ trong bụng. Họ bắt tay cộng tác với những cán bộ nọ, cùng nhau hoạt động để tạo điều kiện cho chồng con sớm trở về ồ ạt theo những đơn vị Nam xâm v.v... Cán binh gốc người miền Nam đưa ra Bắc, rồi lại phải trở vào có nhiều cái lợi: khi được lệnh vào Nam hoạt động, họ mừng rỡ vì có cơ hội về quê; họ ra đi lặng lẽ, không có bà con thân thuộc ở Bắc nên không gây xao xuyến gì trong dân chúng, vừa giữ được yếu tố bí mật vừa tránh được tác động tâm lý bất lợi: họ lại được mong chờ đón đợi ở miền Nam; và họ thông thạo am hiểu về dân tình cùng địa thế miền Nam.

Như thế, chủ trương bắt đám trẻ em ở miền đồng bằng Nam Việt bát ngát, phì nhiêu đem ra xứ Bắc đông người đất hẹp, nhà cầm quyền Hà Nội chính đang bắt đầu chiến cuộc mai sau ngay từ lúc này, lúc mà chúng ta còn đang xôn xao mong ước ngừng chỉ chiến cuộc hiện tại. Nói họ bắt đầu lúc này cũng chưa đúng: thực ra các tài liệu về "vấn đề gửi các cháu ra miền Bắc" đã được phổ biến trong hàng ngũ cộng sản từ tháng 4-68, và thúc dục thực hiện trước mùa mưa năm nay. Tháng 4-68, tức là liền ngay sau khi tổng thống Mỹ mở miệng thốt ra vài dấu hiệu tỏ ý xuống thang chiến tranh để đi tới điều đình.

Điều đình để nghỉ ngơi, đối với Mỹ và chúng ta là thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Điều đình đối với cộng sản là bỏ cuộc nửa chừng, là đành không ăn được keo này. Thua keo này họ bày liền keo khác ngay, vì ngưng chiến thế này, theo họ, là một sự dở dang, là chưa hoàn tất công việc. "Thế này rồi thôi luôn hả? Nói thế mà nghe được! Sao có thể quan niệm một cách giải quyết giản đơn, vô duyên đến thế?".

Ý tưởng về ngưng chiến của chúng ta dính liền với một mơ ước xây dựng: bao nhiêu tỷ bạc cho miền Nam, bao nhiêu tỷ bạc cho miền Bắc, trao đổi kinh tế ra sao, trao đổi văn hóa thế nào v.v... Ý tưởng về ngưng chiến của cộng sản dính liền với một kế hoạch tấn công quân sư... Và những nạn nhân đầu tiên của trận chiến tương lai là những đứa bé con và bố mẹ chúng đã chịu đau thương từ sáu tháng qua rồi. Trận chiến tranh tương lai đã chọn nạn nhân của nó trong đám trẻ thơ, đàn bà miền Nam, để biến họ thành con côi vợ góa. Xong rồi. Việc đã bắt đầu từ nửa năm nay rồi.

Trước một đối thủ như thế, thái độ của những chính khách Việt Mỹ hàng ngày đấm ngực đồm độp, băn khoăn, tự trách mình cái lỗi không kết thúc được chiến cuộc, thái độ ấy ngây ngô đã đành. Thái độ của những người hớn hở với một kế hoạch kinh tế hậu chiến nào đó, nghĩ cho cùng cũng mỉa mai tội nghiệp: liệu rồi hưởng được mấy năm hòa bình trước mắt mà hí hửng tính chuyện xây dựng, mà mơ ước cảnh thịnh vượng? Rồi đến thái độ của những kẻ nhìn xa để báo động về một cuộc chiến tranh chính trị: bảo rằng đối phương rồi đây chỉ có hoạt động chính trị, như vậy không khác gì chỉ vào con cọp mà gọi là con chó. Gần như tự lừa mình, như giúp địch ngụy trang.

Dù cho chỉ có chiến tranh chính trị với nhau, đố ai, đố đảng phái nào, liên minh nào, phong trào nào của chúng ta mà thuyết phục được mấy vạn ông bà cha mẹ có con cháu ở Bắc, mấy vạn góa phụ có chồng ở Bắc, thuyết phục được họ thành thực theo ta? Chỉ nắm lấy chừng ấy vạn người, cộng sản Bắc Việt đã có trong tay một lực lượng to lớn hơn mọi đoàn thể chính trị của chúng ta . lực lượng nằm ngay trong lòng quần chúng ta, hàng ngũ ta mà hoạt đô.ng. Ấy là chỉ so sánh về lượng. Mặt khác, trong số các đoàn viên phong trào quốc gia, đảng viên quốc gia, v.v... hạng thực sự nhiệt thành vì lý tưởng được bao nhiêu ? Và riêng trong hạng nhiệt thành có được bao nhiêu kẻ mà lòng thiết tha đối với lý tưởng có thể mạnh hơn lòng thiết tha đối với chồng con của những phần tử bị cộng sản lợi dụng kia?

Dù chỉ có đấu tranh chính trị với nhau thôi, chúng ta đã bất lợi như thế. Huống chi đó chỉ là hành vi tốt lành lương thiện mà ta gán cho đối phương. Còn họ, nếu vạn nhất trong thời gian năm bảy năm sắp tới mà đất nước này thoát khỏi một trận chiến tranh nữa, thì đó là ý trời, không phải là ý của họ đâu. Ý của họ, nó tàn nhẫn đến nỗi chúng ta không dự liệu tới, không tưởng tượng được. Đó là chỗ nhược của ta.

Năm 1954, sau chín năm ê chề mòn mỏi vì chiến tranh, thấy hòa bình ai nấy nhẹ nhõm; nếu có kẻ nào lúc đó mà xếp đặt một cuộc tàn sát nữa, kẻ ấy tất ban đồng dạ sắt. Thì Hồ Chí Minh đã xếp đặt cuộc tàn sát ngay vào thời kỳ ấy.

Năm 1968, sau hăm ba năm chiến tranh thảm khốc, nghe nói hòa bình mọi người mừng rơn. Nghĩ tới hàng triệu người đã bỏ thây trong thời gian qua, ai cũng tưởng làm người Việt Nam mà có kẻ dám để ý nghĩ mon men đến chiến tranh nữa, kẻ ấy thật mặt dầy mày dạn, tán tận lương tâm. Thì Hồ Chí Minh đang xếp đặt thêm một cuộc chiến tranh.

Vậy mà ông ta vẫn an nhiên hưởng sự trọng vọng của bao nhiêu người, kể cả người Việt Nam! Cho hay cái sản phẩm quái dị của thế kỷ văn minh này là tuyên truyền chính trị, nó có một ma lực mê hoặc phi thường. Không phải thứ tuyên truyền yếu ớt vận dụng một cách khó khăn trong khung cảnh các nước tự do, mà là thứ tuyên truyền một chiều, qui mô, toàn diện, có thể sử dụng các quyền lợi kinh tế hỗ trợ cho nó như ở tại các quốc gia độc tài: Nga xô, Trung cộng, Bắc Việt, Đức quốc xã v.v...

Và Hồ Chí Minh không phải chỉ được thứ tuyên truyền ấy xóa cho mình cái chân tướng hiếu sát phi nhân. Ông ta còn hóa thành thiên tài lỗi lạc dưới mắt nhiều người vì đã tổ chức giặc giã trong một phần tư thế kỷ để giành nửa nước, trong khi tại khắp các nước Á Phi, những lãnh tụ bất tài nhất cũng dần dần thu hồi được độc lập toàn vẹn cho quốc gia họ với những tổn thất nhẹ hơn nhiều. Ông ta còn hóa thành chính trị gia khôn ngoan, thành "cha già dân tộc" dưới mắt nhiều người, trong khi ở các xứ khác cũng lâm vào tình trạng lưỡng phân không có chính quyền nào nỡ giải quyết tình trạng một cách vô hiệu mà bất nhân đến thế, trải bao nhiêu năm cứ nhất mực khăng khăng chủ trương hết cuộc tàn sát này đến tàn sát nọ, không một mảy may sờn lòng xúc cảm trước cảnh chết chóc thê thảm làm cho cả nhân loại đều ái ngại.

Người như thế, không biết lòng dạ ra sao, tim óc ra sao. Bảo rằng cùng trong một người, vừa chứa đầy những kế hoạch xua ngay đồng bào mình vào chiến tranh liên tiếp vừa có chỗ cho tình yêu thương đồng bào, thật không thể hiểu thấu.

Những lời trên đây không được nhã nhặn. Quả thật không nhã nhặn. Và kẻ viết ra phải lấy làm ngượng về lời lẽ mình. Nhưng khi mình là dân một nước đã trải qua bao nhiêu năm khói lửa, rồi lại trông thấy trước mắt một viễn tượng đầy máu me, khi ấy nói về kẻ gây thảm họa thật khó giữ lòng bình thản để nói lời tao nhã.

Có thể nào không giận? Ông ta bảo phải đeo đuổi cuộc tàn sát nọ là vì nguyện vọng dân tộc?

Trời, dân tộc này ai cũng xưng biết rõ vanh vách nguyện vọng, ai cũng đòi hành động nhân danh nguyện vọng dân; có điều mỗi người nêu lên một nguyện vọng khác nhau, hoàn toàn khác nhau, lắm khi mâu thuẫn nhau. Đâu là nguyện vọng đích thực, để hồi sau phân giải. Cái chắc chắn là dân tộc này không hề nằng nặc thiết tha với cộng sản đến nỗi chịu chết năm ba thế hệ liên tiếp để rước kỳ được chế độ ấy về. Vả ông ta chừng ấy tuổi tác rồi, tai nghe mắt thấy đã nhiều, từng trải việc đời đã nhiều, ông ta đâu còn ngây thơ mà quáng mắt vì những danh từ khoác lác, những hứa hẹn hão huyền xa xôi của một chủ thuyết. Ông ta hẳn thừa rõ những gì đê tiện xấu xa xảy ra phía sau các khẩu hiệu tuyên truyền, thừa rõ con đường từ Hung-gia-lợi, Lỗ-ma-ni tiến đến dân chủ và hạnh phúc, phải xa hơn con đường từ Thụy-sĩ, Phần-lan.

Mà dù cho ông ta có không nghĩ như thế, cho rằng Tiệp Khắc sung sướng và tự do hơn Thụy Điển đi chăng nữa, thì sự hơn thua chút ít cũng không đến nỗi bắt phải đổi lấy bằng ba bốn cuộc chiến tranh trong đôi ba mươi năm liền. Đáng lẽ ông ta để cho dân tộc nhỏ bé đã chịu quá nhiều đọa đầy vì ngoại thuộc này được yên thân để làm ăn, để sống cho ra sống trong ít lâu.

Đã không vì nguyện vọng, quyền lợi dân tộc, ông ta hành động vì lẽ đảng ông ta nhất định phải thắng các đảng khác, vì lẽ người như ông ta không chịu thất bại nửa đường?

Chừng ấy tuổi tác rồi, lẽ nào vì tranh thua, mà ông mạnh tay sát hại đồng bào không xót thương đến thế ? Người ta có thể vì tức khí, nóng giận mà tàn nhẫn, vung tay quá đà. Đó là chuyện nhất thời. Còn ông, hăm ba năm rồi, ông dai dẳng quá.

Vì cuồng tín chăng? Vì tự ái chăng? Vì cái gì ông ta cũng đáng trách đáng giận quá.

Nhưng trong vấn đề này, trách móc với giận hờn đâu có ăn thua gì. Một biểu thị tình cảm thật vu vơ, vô hiệu. Ăn thua chỉ có chiến lược thâm hiểm, hành động thích hợp. Lời nói dù nhã hay bất nhã rồi sẽ bay đi theo mây gió. Chỉ có hành động mới sửa đổi được tình thế. Mà hành động thì rồi chắc chắn ở phía bên này thoạt tiên ai nấy sẽ nhảy lên mừng hòa bình, rồi tiếp đó sẽ bất đồng cãi cọ nhau ỏm tỏi về chuyện xây dựng, sẽ tranh nhau làm ăn tới tấp. Cùng lắm, lâu lâu sẽ có người sáng suốt nhắc khẽ đến chiến tranh chính trị. Thế thôi.

Trong lúc ấy Bắc Việt lặng lẽ điều khiển cán bộ của họ ở trong này âm thầm nhen nhóm cơ sở. Rồi đôi ba năm sau, một ngày nào đó xét thấy thuận tiện, họ cho lệnh bùng nổ. Thế là chiến tranh tái diễn.

Chiến tranh tái diễn: mọi người trên thế giới đang sống an lành bỗng bị quấy rầy, bị ảnh hưởng, có một số bị lôi cuốn vào cuộc chiến, lấy làm lo ngại, bực mình, quay đầu về cái xứ lắm chuyện này nhìn bằng cái nhìn xoi mói, nghiêm khắc, trách vấn: Rầy rà thật! Ra cái xứ ấy tệ thật, tự xử không nên thân. Loạn lạc này đích thị do độc tài, tham nhũng, bất công, kỳ thị tôn giáo v.v... khiến dân chúng nổi lên chống chế độ. Dung dưỡng những chính quyền, những chế độ như thế chỉ tổ tai hại v.v...

Chiến tranh ác liệt thêm: lương tâm nhân loại bị xúc phạm, các nhà triết học gọi nhau họp ở Thụy Điển, các luật gia rủ nhau họp ở Grenoble, v.v... trịnh trọng suy tư, trịnh trọng bàn cãi, rồi lên án, kết tội, v.v... Trong khi ấy các lãnh tụ Hà Nội họ chỉ cần khéo che miệng nín cười. Đó là điều quan trọng: họ không được phép cười. Họ không được phép chế giễu lương tâm và trí thông minh của loài người. Họ không được vô lễ; họ chỉ được tiếp tục đánh thật mạnh.

Cứ thế cho đến khi hoặc chúng ta chịu không nổi những đòn đánh từ bên ngoài và những đằn xóc từ bên trong, chúng ta bỏ cuộc và cộng sản tiến đến Cà Mau, hoặc bên phía chúng ta cùng đồng minh có những kẻ thật chì; cộng sản liệu ăn không nổi, thế là lại điều đình và lại xếp đặt một kế hoạch khác. Như vậy không biết đến bao giờ.

Còn ba mươi năm nữa, chúng ta bước sang thế kỷ XXI. Nhiều người xem như bước sang một kỷ nguyên mới, một nền văn minh mới: con người sẽ không chỉ biết có quả đất, nhiều quốc gia sẽ tiến đến nền kinh tế kỹ nghệ hậu . Đó chưa hẳn là cực lạc. nhưng cũng là cái gì vượt xa tình trạng hiện tại. Thiên hạ nô nức đua nhau tiến đến mặt trăng, đến kinh tế kỹ nghệ, đâu như thể cá vượt Vũ môn.

Riêng dân tộc chúng ta, ba mươi năm nữa e vẫn còn đánh nhau, nửa nước túm lấy nửa nước dìm nhau trong bể máu. Các dân tộc, bất cứ da đen hay da đỏ, đều có thể nô nức, hy vọng ở thế kỷ XXI . Riêng chúng ta, chúng ta chỉ còn có mỗi một điều để đón đợi: là hết chiến cuộc này đến chiến cuộc khác, nếu Hà Nội không từ bỏ quyết tâm của họ. Và cho đến bây giờ, họ chưa có dấu hiệu từ bỏ.

Hỡi các em bé của đồng bằng Nam Việt xanh ngát bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng Việt Bắc! Riêng về phần mình, các em đã chịu côi cút ngay từ lúc này; còn đất nước thì sẽ vì những chuyến ra đi của các em mà lâm vào cảnh đau thương bất tận. Tai họa hiện xảy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở. Đã sáu tháng qua rồi. Dù người ta có thôi dài cổ ngóng về Ba-lê, đề nghị cách cứu em, thì cũng đã muộn. Nhưng đâu có ai chịu thôi ngóng chờ? Và trong không khí thấp thỏm chờ đợi hòa bình, ngay ngày báo chí chỉ những rập rình từng thoáng tin ngưng oanh tạc, tôi hướng về các em những ý nghĩ vô cùng buồn thảm, đen tối .
Đó là số phận những em bé được cái đầu óc lắm mưu nhiều kế của bác chiếu cố, được bàn tay đẫm máu của bác vuốt tóc, xoa đầu. Muốn biết nỗi đau đớn của những người bị mất con, muốn đo lường mức tàn nhẫn độc ác của bác, hãy đi hỏi những bậc cha mẹ có con bị bắt cóc hay mất tích.

Tội nghiệp những em bé chín mười tuổi ở miền Nam, những bóng dáng xinh đẹp Thượng Đế sinh ra để tung tăng trên những cánh đồng xanh thơm ngát và an bình. Bé gái đang chiều chiều phụ mẹ nấu bếp, chăn đàn gà, nuôi con heo. Bé trai đang vác cần câu, xách giỏ hớn hở theo cha vào sông lạch tìm con tôm, con cá. Đột nhiên chúng biến mất. Vào lúc cha mẹ chúng nhếch nhác khóc lóc chạy khắp làng trên, xóm dưới tìm con thì chúng bước thấp bước cao chập chờn trong rừng sâu, trên đường ra Bắc. Rồi chúng biến thành công cụ gây chiến của bác.

Ít năm sau, bác trả về cho những ông cha bà mẹ khốn khổ ấy một thanh, thiếu niên bị quỷ ám, trong cái linh hồn vô tội lúc bị bắt cóc giờ chỉ đầy ắp những căm thù, những khao khát muốn chém, muốn giết. Cha mẹ nào nỡ tố cáo con dù biết trong cái xác do mình đẻ ra kia đã chứa một linh hồn quỷ. Và những đứa trẻ ấy, theo đúng lời bác dậy, cứ nỗ lực phá cho tan nát vùng đất tự do cuối cùng của cha mẹ ông bà, xóm giềng.

Lũ trẻ đồng xanh miền Bắc đâu có may mắn gì hơn. Không cần một kế hoạch qui mô, quỉ quái, từ Bắc bộ phủ, bác chỉ quơ nhẹ tay là tóm cổ được hết. Chỉ khác, khi đi ngược chiều với lũ trẻ miền Nam trên đường mòn cũng mang tên bác, trẻ đồng xanh miền Bắc nay đã cứng cáp, vững vàng, đã biết bắn giết chẳng ghê tay.

Trên cổ đám trẻ đồng xanh của cả hai miền, bác đóng cho những cái gông giống hệt nhau. Gông nào gông nấy to tổ chảng, nặng chình chịch, nhưng lại có những tên hoa lá cành: giải phóng đất nước, chống Mỹ diệt Ngụy, trường kỳ kháng chiến cứu nước v.v... Và dù đi xuôi hay đi ngược phần lớn các em cùng gặp gỡ ở một tương lai: phơi thây chiến địa để lót đường cho một anh già độc ác, mù quáng, tự ái lẩm cẩm ở Bắc bộ phủ có thể đặt bàn thờ Lê Nin trên khắp hai miền đất nước.

"Tương lai trẻ em", "Tương lai dân tộc" thường là những món hay được các nhà cách mạng nhân danh để nêu cao chính nghĩa. Người ta chịu gian khổ, chiến đầu, hy sinh chỉ vì muốn các thế hệ sau khá hơn, xã hội tương lai sáng sủa hơn. Nhưng bác Hồ càng chiến đấu hung hãn càng đưa đất nước vào con đường mạt rệp. Những em bé chết trong sân trường Cai Lậy trước 75 đã muôn phần hạnh phúc hơn những đứa bé tắt thở trên vỉa hè Sài Gòn, dưới mái lều vùng kinh tế mới hiện giờ... Bởi vì khi nhắm mắt lìa đời, chúng không bị bỏ đói.

Hàng vạn đồng bào Việt Nam bị phá sản hoặc bị thực dân tàn sát (trong khi bác ngồi khoái tỉ trên tàu chiến Tây, hay đê mê nghe thụt hai mươi mốt phát đại bác ở vịnh Hạ Long) sẵn sàng tha thứ cho bác, hàng trăm ngàn người chết thảm trong kỳ cải cách ruộng đất sẵn sàng tha thứ cho bác, những trẻ đồng xanh của hai miền Việt Nam sẵn sàng hy sinh cho bác, cả quê hương Việt Nam sẵn sàng chịu tàn phá điêu linh vài thập niên v.v... nếu cái chỗ bác muốn đưa đất nước đến là một chỗ khấm khá, nếu bác tạo cho trẻ thơ Việt Nam một cuộc đời no đủ, tiến bộ và hạnh phúc hơn.

Nhưng quê hương đất nước, trẻ em Việt Nam giờ này ra sao thì cả thế giới biết rồi. Chế độ cộng sản, cái chế độ mà bác đã trả giá bằng núi xương sông máu để rước về cho dân tộc hay ho cỡ nào thì cả thế giới cũng biết rồi. Nhân dân ngày đêm cầu nguyện, mơ ước được sống trong cái thế giới mà bác đã bắt họ căm thù, xua họ đi đập phá trước đây. Trong những dinh thự dành cho giai cấp vua quan mới chỉ thấy những khuôn mặt già nua, mù quáng, cuồng tín, bất tài trong việc mưu cầu phúc lợi, nhưng nham hiểm, độc ác trong việc cùm đầu, xiết cổ nhân dân. Hết thập niên này qua thập niên khác, các đấng cộng sản chúa, cộng sản theo đuôi đua nhau ba hoa, khoác lác đủ điều ... cuối cùng tất cả chỉ nói được một câu thực có ý nghĩa, thực đúng là: "Chúng tớ đã sai lầm!".

Sai lầm rồi sao? Lầm đến độ tiêu tùng hàng triệu mạng, tan nát cả quê hương, kẻ lầm lẫn có liêm sỉ chắc phải tự treo cổ, hèn nhất thì cũng rời khỏi vai trò lãnh đạo. Nhưng chế độ cộng sản, những anh tự xưng là "cha già dân tộc" cứ tha hồ lầm, tha hồ sai trật... và rồi bình thản tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ dân tộc, tiếp tục lãnh đạo. Mảnh giang sơn gấm vóc tiền nhân để lại, cuộc đời của hàng triệu con người rút cục giống như những con chuột, con ếch trong phòng thí nghiệm, bị dùng để thử thuốc cai trị mới của bác, của đảng.

Những em bé đói cơm, thiếu sữa ngồi khóc sụt sùi trong những gia đình tóc tang, chia lìa trên một quê hương nghèo đói, điêu tàn là tác phẩm của bác, là sự nghiệp của bác. Sự nghiệp ấy được hoàn thành nhờ sinh mạng của hàng triệu người, nhờ biết bao trẻ đồng xanh chết bụi, chết bờ. Muốn biết bác đã làm hại quê hương, dân tộc đến cỡ nào hãy so sánh những đứa trẻ ở miền tự do với những đứa trẻ đang nằm trong vòng tay nuôi dưỡng của vị "cha già dân tộc" và bè lũ.

Dưới chế độ ù lì, thiếu sinh khí hơn cả cái xác ướp của bác, những trẻ em Việt Nam vốn tốt tươi, sáng láng đang bị bỏ đói, từ thân xác đến trí tuệ đều èo uột, thiếu dinh dưỡng. Có những em bé vốn dĩ thông minh, chỉ vì ăn không đủ no mặc không đủ ấm, phải tự phát triển khả năng xảo quyệt, gian trá để sống còn và trở thành những đứa bé tục tằn, độc ác. Trong khi đó, những em bé thoát được đến vùng đất tự do bên ngoài quê hương đang đứng ngang hàng cùng trẻ em khắp thế giới. Các em khỏe mạnh, đẹp đẽ và thông minh, hiên ngang đóng góp cho sự tiến bộ, sự phồn thịnh, và cho hạnh phúc của loài người. Cỏ cây không mọc được trên vùng đất gốc nguồn. Mầm xanh của dân tộc chỉ mạnh mẽ, tốt tươi, vươn mình lớn dậy ở những nơi... bên ngoài quê hương!

Thành tích của bác Hồ đâu phải chỉ là một triệu mạng người trong quá khứ. Bàn tay tàn sát của bác thật sự đã vươn tới những thế hệ mai sau, gây thương tổn cho dân tộc không biết tới bao giờ! Mai đây, có thể lũ hậu duệ của bác sẽ noi gương quan thầy, sẽ vẽ lại chân dung thực của bác với đầy đủ sừng, mỏ nanh vuốt. Như Stalin rớt từ ngôi vị cha già dân tộc xuống vị trí một tên cuồng sát. Như Mao Trạch Đông hết là ông thánh toàn hảo mà đã hiện nguyên hình là một lãnh tụ đầy lỗi lầm. Những mặt nạ thánh thiện lần lượt được lột khỏi mặt mấy xác chết của những đại đồng chí khát máu, độc tài. Có thể Hà Nội sẽ cất bác đi cho đỡ xấu hổ.

Trong trường hợp ấy, cuốn sách tự nâng bi với mặt nạ Trần Dân Tiên cần được lưu trữ song song với cuốn sách này. Sách bác Hồ và sách Kiều Phong phải đi đủ cặp, phải trường tồn như nhau. Thứ nhất là để mua vui và cho bác tí công lao. Sau hơn một phần tư thế kỷ gieo rắc tiếng khóc than trên khắp đất nước, ít nhất cũng có lúc bác làm được một cử chỉ đẹp: viết sách tặng cho chúng ta một trận cười Thứ nhì là để gửi lại cho những thế hệ sau một vài kinh nghiệm: trong hàng ngũ quỷ xanh, quỷ đỏ vây quanh loài người, nguy hiểm độc hại nhất vẫn là những con quỷ tưởng mình đang làm công việc của Thiên thần.



Bác Cũng Có Công

Từ đầu tới cuối sách chỉ toàn vạch ra những chỗ nhố nhăng lố bịch của bác, thế nào Kiều Phong cũng bị bọn văn nô nhâu nhâu chê là thiếu vô tư, công bằng. Để tỏ rõ phong thái đường hoàng, đại lượng của một người Quốc Gia chân chính, Kiều Phong công khai dõng dạc xác nhận rằng bác Hồ có tới hai công trình, sự nghiệp rất ích lợi và xây dựng. Vâng, xét lại toàn bộ sự nghiệp bác, Kiều Phong hoan hỉ thấy rằng có tới hai lần bác đã làm được những việc thực sự có ích cho đời:

Vụ thứ nhất là vào một ngày mưa gió bão bùng, sợ chủ đói, bác kéo lê những rổ rau trên sàn tàu, tự du mình vào cái thế suýt bị sóng cuốn chết mất xác. Dù rằng vì vận nước Việt không khá, bác sống sót. Nhưng cái công bác xém trừ khử được một tên quốc tặc, cũng đáng được ghi nhận.

Vụ thứ hai là bác ngồi hì hục viết cuốn hồi ký tự nâng bi này, trình làng một bản tự khai, tự thú đầu đủ chi tiết để Kiều Phong có dịp lập bản án, thẳng cánh tống giam kẻ hại nước, tàn dân vào vĩnh cửu.

San Diego, 2-1989
Kiều Phong


No comments: