Monday, October 24, 2011

KÝ NGUYỄN THỊ VĨNH PHƯỚC

HÈ THƯƠNG NHỚ -
Nguyễn Thị Vĩnh Phước
Câu tin nhắn đầy thương mến của cô Giáng Hương đến với tôi khi tàng phượng vĩ trước sân vườn nhà trổ đầy hoa thắm đỏ một góc trời. Lòng bồi hồi suy nghĩ thật nhiều về ngày hội trường 20/6/2010 sắp đến, tôi hình dung ra những khuôn mặt bạn bè một thuở, ba mươi mấy năm rồi nhỉ? Bây giờ các bạn cũ thế nào? Khi chia tay nhau, chúng mình còn là các cô học trò lớp 9, còn bây giờ… Liệu khi gặp mặt, mình có còn nhận ra nhau không nhỉ?

Được về quê cũ, được gặp gỡ bạn bè một thời cắp sách là điều tôi từng ao ước. Đôi khi tôi nghĩ hãy cứ làm những gì mình mong muốn, vì cuộc đời chẳng biết ra sao ngày mai. Một ngày mai có thể rất gần ta sẽ về với hư vô; tất cả nhớ nhung, tiếc nuối chỉ còn là hư ảo… Và thế là ba chị em Nguyễn Hoàng của nhà tôi: Nho, Liên Hưng, Vĩnh Phước cùng con gái út Khánh Quỳnh thực hiện một chuyến về quê trên chuyến tàu nhanh Nam - Bắc.

Trải qua mười mấy tiếng đồng hồ để vượt trên ngàn cây số, cuối cùng tàu cũng dừng lại mấy phút ở ga Đông Hà. Ôi! Quảng Trị quê hương đây rồi. Người thân chúng tôi gặp đầu tiên ở quê nhà là chị Việt Hương và chị Lan. Thật cảm động, hai chị đã thức trắng đêm để chờ tàu đến. Vừa gặp hai chị, tôi đã nhận ra liền dù đã ba mươi tám năm cách biệt.

Này nhé: chị Việt Hương vẫn tiếng nói nhanh nhanh, với đôi mắt có chút gì xa vắng và nụ cười dễ mến của mùa đông xưa; mùa đông khi tôi còn học lớp Năm trường Nữ Quảng Trị. Tôi còn nhớ ngày ấy nghe chị Liên Hưng méc hôm qua chị ghé nhà bạn nghe nhạc hay quá. Thế là chị em tôi bàn nhau, lén người lớn trong nhà, "tự thị" lấy mền trùm chiếc máy casette lại, rồi hai đứa ôm cái máy to đùng lùng bùng trong chiếc áo mưa qua nhà chị Việt Hương để thu âm những bài hát yêu thích.


Đến nơi, tôi thật sự mê mẩn khi nghe những âm thanh tuyệt vời phát ra từ giàn Akai của nhà chị. Với chị Lan tôi cũng chẳng thể nào quên được, ngày ấy chị Lan thường cùng chị Nguyệt Mỹ đến nhà tôi thủ thỉ trò chuyện cùng chị Liên Hưng. Tôi thích nhìn đôi mắt tuyệt vời và làn môi hồng tự nhiên của chị. Bây giờ dù đã qua tuổi ngũ tuần nhưng vóc dáng chị vẫn thon thả, vẫn nét mặt thanh tú với đôi mắt nhung chấp chới hàng mi cong vút như thuở nào.

Niềm vui hội ngộ là bất tận! Sau những tiếng alô, chiều đó chúng tôi đã gặp nhau. Hoà cùng với anh Lộc (phu quân Hoà); Bạch Yến và Lê Nga đến khách sạn đón hai mẹ con tôi xuống phố Đông Hà. Tôi thật xúc động khi gặp các bạn, bao kỷ niệm xưa của một thời áo trắng học trò dồn nén trong miền ký ức chợt như oà vỡ. Chúng tôi hỏi thăm nhau về gia đình của mỗi đứa rồi trao đổi thông tin về những bạn học ngày xưa. Tôi được biết tin về một số bạn ít ỏi như Lê Sinh hiện đang ở Gò Vấp (Saigon); Lương, Trâm, Ngọc Ánh, Ngọt ở Quảng Trị. Còn một số bạn không tin tức như Tuyết Mai, Mỹ Liên, Lập, Bốn, Lý, Thanh Sơn, Phan Vĩnh, Anh Nga, Thạnh, Phan Mỹ, …

Các bạn đang ở đâu? Sao không về gặp nhau dù chỉ một lần? Chúng tôi cũng thật ngậm ngùi khi nhắc đến Bích Nhạn và Lê Táo. Nhạn ơi! Táo ơi! Bạn mãi mãi ở lại tuổi mười sáu với áo lụa phơi buồn sân gió xưa chứ không ngày một già đi như những người đang ngồi đây tiếc thương các bạn. Chúng tôi cũng nhắc lại quý Thầy Cô và những kỷ niệm không bao giờ quên.


Chúng tôi nhớ thầy Nguyễn Đức Liệu với những giờ dạy Văn học tuyệt vời. Bây giờ thầy không còn nữa nhưng cứ mỗi lần hát những bài không tên của Vũ Thành An là chúng tôi lại nhớ đến Thầy. Tôi nhắc chuyện năm tôi làm lớp trưởng 6/13. Một lần Lê Sinh trực giữ khăn lau bảng mà hắn quên, thế là tôi cấp tốc chở hắn về nhà lấy. Sợ trễ giờ vào lớp nên tôi đạp rất nhanh, thế là chàng gió đùa dai hất tung vạt áo dài của hắn vướng vào sên xe đạp mà hai đứa không hay biết. Khi đến lớp nhìn lại mới ôi thôi rồi cái áo dài xoa Pháp mới may.

Tôi lúi húi tìm mọi cách để gỡ vạt áo cho bạn mà gỡ mấy cũng không ra làm Sinh cứ đứng dùng dằng bên xe đạp. Khi đó thầy Văn Chương đi tới, thấy vậy thầy vào văn phòng lấy kéo ra cắt ngang vạt áo dài mới giải phóng Sinh khỏi chiếc xe đạp. Phần sợ mẹ mắng con gái con đứa vô ý, phần tiếc cái áo dài mới, Sinh đứng khóc ròng. Thầy thế, thầy rút ví lấy tờ giấy bạc 500 đồng nói “Em cầm về may áo khác đi học nhé!”
Thế là bé Sinh lời rồi. Các bạn trong lớp cười to khi biết chuyện. Cảm động làm sao nghĩa cử một vị thầy! Ngày ấy có lần Thầy đến lớp với chiếc áo trận còn vương mùi thuốc súng của chiến trận Hạ Lào. Ôi! Những câu chuyện bi tráng của một phóng viên chiến trường đã từng chắp cánh mơ mộng cho lũ học trò nhỏ một thời... Thầy Cô ơi! Chúng em tri ân biết bao khi ôn các kỷ niệm về quý Thầy, quý Cô trường Nguyễn Hoàng đã tận tâm dạy dỗ, truyền đạt kiến thức cho chúng em bằng tất cả sự nhiệt tình sư phạm và lòng thương mến. Dù bước đường mang hai chữ Nguyễn Hoàng đã dừng lại bao nhiêu năm trước, song những kiến thức và tình cảm mà chúng em đã tiếp nhận từ Thầy Cô thì mãi song hành cùng học trò trên khắp nẻo đường đời, để chúng em luôn tự hào mình là học trò trường Nguyễn Hoàng - Quảng Trị.
Mấy đứa bạn cũ ngồi bên nhau với lòng ngỗn ngang trăm mối. Vui - buồn - nhớ - tiếc… Mới đó mà … bây giờ đứa nào cũng "lên chức" cả rồi, cũng cháu nội, cháu ngoại ... Mái tóc huyền xưa đã có sợi pha sương, vết hằn năm tháng ẩn dấu trên môi mắt và trong mỗi nụ cười vương vấn nét ưu tư… Các bạn thân yêu ơi! Lòng tôi hằng mong ước bọn mình dù mỗi đứa một phương trời nhưng trong tận đáy lòng hãy luôn nhớ về nhau nhé! Khi nhắc đến tên những bạn không liên lạc được, bất chợt mắt đứa nào cũng chùng xuống một nỗi u hoài.
Qua nỗi niềm tâm sự tôi được biết cuộc sống hiện tại của các bạn. Tuy chúng ta bây giờ mỗi người một môi trường sống khác nhau nhưng rất mừng là chúng mình đều đã an cư lạc nghiệp. Chúng ta đã có một gia đình có thể gọi là yên ổn dù qua bao năm lăn lộn kiếm sống, lắm lúc các bạn cũng như mình đã từng bước trên những con đường gập ghềnh đầy sóng gió. Thương lắm Bạch Yến khi nghe bạn nói: Yến thích nhất câu hát của TCS “ xin cho tôi nguyên vẹn hình hài”.


Yến ơi! Mình thấy Yến vẫn còn đẹp lắm, chị LH còn khen Yến có vóc dáng người mẫu nữa đó. Đừng buồn và tủi phận nữa nghe bạn thương. Với Lê Nga, vẫn khuôn mặt dễ mến, nụ cười tươi tắn và giọng hát làm xao động lòng người như thuở nào dù bạn đã ở vào lứa tuổi thiên tri mệnh. Còn Hoà, gặp lại bạn sau bao năm xa cách, mình thấy bạn có khác xưa đó nghe. Hoà của ngày xưa hay nói hay cười; còn bây giờ bạn chững chạc hẳn.

Hoà ơi! Mình mừng cho bạn, trong nhóm mình thì Hòa (có lẽ) là người may mắn nhất. Suốt cuộc hành trình trên đường đời, bên cạnh Hoà luôn có người đàn anh đồng môn Nguyễn Hoàng - người bạn đời lý tưởng - đã cùng bạn đồng hành, cùng chia bùi xẻ ngọt và luôn là chỗ dựa vững chắc để bạn vững bước về bờ bến của yêu thương.
Qua bao ngày trông ngóng, chừ ngày hội trường cũng đến.Sáng ngày 20/6/2010, nhóm cựu nữ sinh Nguyễn Hoàng chúng tôi cùng cô giáo cũ Giáng Hương - người về từ cao nguyên như chúng tôi gọi cô - lên xe rời Đông Hà để về Quảng Trị góp mặt trong buổi hội trường. Và con gái Út Quỳnh được phân một vai rất chi là quan trọng: Vai phó nhòm. Dưới những tàng cây mới trên sân trường cũ, bạn bè chúng tôi xách ghế ngồi sát bên nhau để hàn huyên tâm sự rồi cùng ôm nhau ghi hình kỷ niệm. Con gái Khánh Quỳnh của tôi là một phó nhòm nhiệt tình, bé luôn tay bấm máy ghi lại những tấm ảnh lưu niệm của mẹ và các dì đến quên cả lau mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt dưới cái nắng hè của quê hương mà lần đầu trong đời bé mới gặp. Cô Giáng Hương của chúng tôi hôm nay thật trẻ.
Nhìn cô tha thướt trong tà áo dài màu xanh như làm dịu bớt cái nắng gay gắt mùa hạ, những ai không biết cứ nghĩ cô là một "đứa" trong nhóm học trò chúng tôi. Còn lũ học trò cũ của cô thì khỏi nói: hết nhóm này giành thì nhóm khác tranh cô để chụp hình; để trò chuyện và cả để hỏi "Cô còn nhớ em không?" Vui thiệt! Giữa ngàn người đông vui, khoá 66 - 73 của chị Nho trông thật hoành tráng, các anh các chị dắt díu nhau đi tìm bạn chuyện trò rôm rả như sống lại tuổi thơ. Nhưng theo tôi, có lẽ khoá 69 - 75 của chị Liên Hưng là vui nhất vì có nhiều bạn cũ về dự hội trường. Những bạn thân một thuở học trò của chị Liên Hưng như chị Loan, chị Hữu, chị Lan, chị Việt Hương, ... luôn ngồi với nhau và họ không hề quên cô em út nầy - nhất là chị Hữu - thương ơi là thương!
Các anh chị ấy bên nhau khóc rồi cười, cười rồi khóc và tranh nhau nói làm rộn cả một góc sân trường. Theo tôi biết thì họ cũng thường gặp gỡ và liên lạc với nhau - dù mỗi người một nơi; còn những người mới gặp lại lần đầu thì thật là cảm động, họ ôm nhau khóc không cần giữ ý làm tôi cũng rơi nước mắt theo... Khoá 71 - 75 chúng tôi ngó tới ngó lui chỉ vỏn vẹn vài đứa thân quen. Thật buồn khi nhóm bạn cùng khoá về họp mặt chẳng được bao nhiêu. Gặp Ngọc Ánh và Ngọt tôi nhận ra ngay vì các bạn ít khác xưa, nhưng khi gặp Lương và Trâm thì nếu Lê Nga không nhắc tôi khó mà nhận ra.


Lương ôm chầm lấy tôi bảo: “Vĩnh Phước ơi! Mi nhớ tau không chơ tau nhớ mi lắm. Bức thư viết bằng mực đỏ mi gởi tau vẫn còn cất để khi mô buồn đem ra đọc đó.” Tôi xúc động nhìn Lương không nói nên lời. Lương đây sao? Lương của một thời lả lướt với mái tóc bồng uốn ngang vai ôm gọn khuôn mặt bầu bĩnh, khả ái ngày xưa… Và Trâm với đôi mắt vời vợi, với má lúm đồng tiền xinh xắn cho bao chàng đòi mua vẫn còn đó, nhưng nụ cười thiên thần của bạn đâu rồi?...
Lương ơi! Trâm ơi! Các bạn của tôi ơi! Nét hồn nhiên và từng ánh mắt trong veo như ngọc của chúng ta phải chăng đã bị mài mòn vì cát bụi thời gian? Thôi kệ! Được gặp nhau đây là quý lắm rồi bạn nhỉ! Mấy đứa lăng xăng ghi số điện thoại của nhau để mai này khi xa ngái nhớ bạn vẫn nghe được tiếng nhau dù không thấy mặt, để không còn lạc nhau nữa trong chuổi ngày còn lại trên cõi đời nầy.


Buổi họp trường qua mau nhưng dư âm tiếng nói bạn bè như còn vọng mãi trong tôi. Thương lắm các bạn của tôi ơi! Về lại Đông Hà, được theo bạn dạo thăm phố phường tôi như thấy mình đi lạc vào nơi chốn nào xa lạ. Ôi! Đông Hà thay đổi nhiều quá! Đường sá rộng rãi, nhà cửa thiết kế thật khang trang, bề thế. Những quán dừng chân sang trọng và thanh nhã. Anh Lộc vừa lái xe từ từ vừa thuyết minh từng con đường xưa và nay cho tôi biết.
Đâu rồi đường lên nhà chị An Lành ở Phường 1 Tiểu khu 5 của cái thời thị tứ ra Đông Hà? Đâu rồi những con đường đất đỏ uốn quanh và những đồi đất hoang vu đầy mảnh pháo? Tất cả các con đường bây giờ đều được rải nhựa láng bóng hào hoa. Đông Hà đang từng bước hoá thân vào cuộc sống văn minh thời hiện đại. Mừng cho một quê hương thay da đổi thịt nhưng cũng không tránh được chút ngậm ngùi khi nhớ đến cảnh cũ người xưa.Theo kế hoạch đã định, những ngày sau đó chị em tôi về làng viếng mộ ba cùng những người thân và thăm bà con nội ngoại.


Lần nầy tôi có chủ ý đem con gái cưng về thăm cho cháu biết quê hương xứ sở và mồ mả tổ tiên. Dù Út Quỳnh có máu say sóng nên rất sợ đi xe nhưng mẹ và dì đi tới đâu là Út đều theo tới đó. Mà cũng không sao đâu! Dì LH luôn "thủ" cho Út những viên thuốc chống say sóng "xịn" - 1 viên/24 giờ mà. Còn đi xe bác Lộc thì luôn ưu tiên cho bé ngồi ghế trước, bác còn hạ cửa kính và tắt luôn máy lạnh nữa chứ. Thỉnh thoảng bác Lộc lại hỏi: “Con mệt không để bác dừng xe?”, đó cũng là một liều thuốc chống say sóng công hiệu đấy nhỉ?Về Quảng Trị, xe qua từng con phố chầm chậm để cho chị em tôi hồi tưởng tuổi thơ. Này là đường Trần Hưng Đạo mỗi mùa mưa đến chị Liên Hưng hoặc chị Nho thường tới tận cổng trường đón tôi về kẻo sợ em bị ướt mưa và vấp té.

Này đây đường Quang Trung thân yêu ngày hai buổi chị em tôi đi về phải rẻ vào lối nhỏ trước trường Téréxa, ngang qua hồ rau muống trước nhà thờ Họ Lê. Nhưng đâu rồi đường Hồ Đắc Hanh? Đâu rồi đường Lê Huấn? Đâu rồi những con đường thân thuộc nhất của lứa tuổi Nguyễn Hoàng năm lớp 6 niên khoá 71- 72 ngày ấy. Xe qua tất cả những con đường phố thị, có những con đường mang tên lạ, có những con đường mới mở; nhưng sao trong tâm trí tôi cứ vang lên tên con đường ngày cũ.

Những con đường thân thương thuở nào đối với tôi rất dài, mỗi lần đi học từ nhà đến trường sao xa quá? Thế mà bây giờ tôi cảm thấy như rất ngắn, phải chăng vì tuổi đời hay vì chặng đường ba mươi mấy năm tôi đã đi qua? Phố nhỏ Quảng Trị ngày nào của tôi giờ đây cũng nhiều thay đổi. Con đường xưa, bờ hồ cũ hình như rộng hơn, làn nước trong xanh mát soi bóng Cổ Thành uy nghi tôn kính. Tường thành được đắp cao kiên cố, thỉnh thoảng một vài khúc thành xưa còn sót lại loang lổ vết đạn làm tôi chạnh lòng nhớ đến mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan.
Tôi đã đến thăm khu sinh thái Tích Tường - nơi những năm tháng xưa tôi đã cùng bạn bè tham gia xây dựng công trình thuỷ lợi Nam Sông Thạch Hãn. Ngày ấy nơi đây là một vùng đất hoang sơ đầy lau lách, chúng tôi từng sống theo tiếng kẻng của Đại đội đắp Trấm: kẻng tập họp, kẻng làm việc, kẻng báo giờ ăn, kẻng đi ngủ, kẻng thức dậy, ... Sau mỗi ngày đào lỗ, đặt và châm ngòi cho bộc phá nổ vang trời như muốn rung chuyển cả núi rừng, bọn tôi gánh từng gánh đá bước chông chênh trên sườn đồi, nạo vét lòng mương và đắp từng bờ đê dài hun hút. Đêm về ôm nhau khóc không ra tiếng vì nhớ mạ, nhớ nhà và nhớ những bữa cơm gia đình. Giờ đây cùng con gái, tôi đứng bên gốc bạch đàn trên bờ thuỷ lợi nhìn dòng nước lặng lờ trôi, thương quá những ngày gian nan vất vả của một thời tuổi trẻ. Thương quá những người như tôi một thời vừa bỏ cây viết đã vội cầm cây cuốc khi nước nhà vừa ra khỏi chiến tranh.
Và thương quá những bàn chân rướm máu, những bàn tay phồng rộp, những khuôn mặt thiếu đói và mất ngủ ngày ấy để có một Tích Tường hấp dẫn du khách ngày nay... Ba mươi năm trước, khi rời quê hương lòng tôi buồn vô hạn khi nhìn những dòng sông cạn nguồn đầy rác rưởi. Ba mươi năm sau tôi trở về lòng bỗng thấy vui khi gặp lại giòng nước trong xanh ngày thơ ấu. Sông Thạch Hãn mùa hè mà vẫn ăm ắp nước, còn Vĩnh Định của quê tôi cũng đã được khơi nguồn nên giòng chảy xao xác đôi bờ như nỗi mừng hội ngộ cố nhân. Ôi!


Những con sông quê tôi! Những con sông không bao giờ già cho dù đời sông trải qua bao thiên biến vạn hóa của thế gian. Ngày nào giòng nước trong kia còn luân chuyển thì lòng người xa xứ còn mơ ngày trở về thăm lại bến sông xưa.Rồi cũng đến ngày tôi rời quê để trở về vùng đất miền Nam xa ngái - nơi gia đình tôi lập nghiệp để con cháu đời sau nhận nơi ấy làm quê hương; nơi tôi có một mái nhà ấm cúng giữa khu vườn rộng đầy hoa trái bốn mùa tươi tốt; nơi con cháu tôi có cuộc sống đầy đủ và được học hành đến nơi đến chốn; nơi có những đôi mắt ngây thơ và giọng nói ngọt ngào dễ thương Nam bộ của lũ học trò đang chờ mong gặp lại tôi trong năm học mới...
Mà sao trong tôi cứ vấn vương hoài dòng sông; con đò; cái nắng hạ trong gió Lào rát bỏng và cả những con đường lầy lội trong mưa phùn gió bấc của một miền quê ba mươi năm trước?
Quê hương ơi! Quảng Trị ơi! Mùa hè đã qua rồi mà dư âm vẫn đầy ăm ắp trong nỗi nhớ.Thương lắm những người thân nơi quê xa! Thương lắm những bạn bè dấu ái cũ! Thương lắm Đông Hà những chiều hội ngộ bên nhau.
Xin hẹn nhé. Tôi sẽ trở về thăm lại tất cả.Một ngày không xa...

Nguyễn Thị Vĩnh Phước
Tân Thành, ngày 10/8/2010
http://vovanhoaqt.vnweblogs.com/post/10775/275668

No comments: