Friday, October 21, 2011

VIỆT NAM & THẾ GIỚI





Phản ứng dư luận về chuyến đi Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng
Gia Minh, biên tập viên RFA

2011-10-16

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn vừa kết thúc chuyến viếng thăm Trung Quốc từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 10 vừa qua.

Screen captured China Central TV

TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh hôm 11 tháng 10 năm 2011.

Một số văn kiện ký kết giữa hai nước trong chuyến thăm này khiến dư luận tỏ ý bất đồng.

Truyền thông Việt Nam loan tải khá chi tiết từng ngày chuyến công du đầu tiên Trung Quốc trong cương vị tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam của ông Nguyễn Phú Trọng.

Đi sai nước cờ

Ngay trong ngày đầu tiên, Thông tấn xã Việt Nam loan tin tổng bí thư Việt Nam và chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện, trong đó có văn kiện thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai phía.

Sáu nguyên tắc được nêu ra trong đó vẫn theo phương châm 16 chữ vàng lâu nay là ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai’ và tinh thần bốn tốt ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’.

Luật sư Vũ Đức Khanh, một người gốc Việt từ Canada, lâu nay theo sát và tích cực vận động cho một số sự việc tại Việt Nam như vụ việc của tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, có ý kiến về thỏa thuận đó như sau:

truong-tan-sang-indian-pm-12oct2011-250.jpg
Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang (T) bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Manmmohan Singh khi ông sang thăm New Delhi vào ngày 12 Tháng 10 năm 2011. AFP photo.
“Việc ký kết thỏa thuận sáu điểm để giải quyết vấn đề Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Hoa, Việt Nam đã đi sai một nước cờ trên chính trường thế giới. Việt Nam hiểu rõ Trung Quốc đang muốn gì, cũng như các phía có tranh chấp muốn gì, đồng thời cả những quốc gia có quyền lợi trên khu vực Biển Đông họ muốn gì.

Việc Việt Nam xé lẻ đi với Trung Quốc trong chiến lược giải quyết vấn đề thông qua con đường song phương, Việt Nam bị lọt vào chính sách của Trung Quốc, đẩy Việt Nam vào thế mà những người bạn cũ cũng như bạn mới của Việt Nam, những đối tác của Việt Nam trong khối Đông Nam Á đặt lại vấn đề : Việt Nam đang muốn gì.

Thực sự chính phủ Việt Nam có muốn giải quyết vấn đề trên bình diện đa phương như chính phủ Việt Nam nói hay không, hay Việt Nam chỉ muốn dùng các thế lực cũng như các đối tác, bạn bè trong khu vực để có những thỏa thuận với phía Trung Quốc.

Tôi thật sự rất tíếc khi Việt Nam có động thái như thế. Giữa lúc ông Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh để giải quyết vấn đề đó, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi Ấn Độ để chuẩn bị các bước cho Ấn Độ khai thác dầu khí tại Việt Nam. Những động thái đó cho thấy không hiểu Việt Nam đang muốn gì. Tôi không nghĩ chính phủ Việt Nam tiếp tục muốn đu dây trong vấn đề này, nhưng chính phủ Việt Nam có bước đi hoàn toàn sai lầm trong vấn đề đó.”

Tôi không nghĩ chính phủ Việt Nam tiếp tục muốn đu dây trong vấn đề này, nhưng chính phủ Việt Nam có bước đi hoàn toàn sai lầm trong vấn đề đó.

LS Vũ Đức Khanh

Thông cáo chung kết thúc chuyến công du của tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang Trung Quốc, nêu rõ lại những văn kiện được ký kết trong thời gian từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 10. Đó là các văn kiện:

- “Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc (2011-2015)”

- “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế - thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 2012 - 2016”

- “Thỏa thuận trao đổi giáo dục 2011 - 2015 giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”

- “Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc về sửa đổi Hiệp định vận tải ôtô giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc”

- “Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc về thực hiện Hiệp định vận tải ôtô giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc”

- “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Nhập nhằng

nguyen-phu-trong-china-250.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang duyệt hàng quân danh dự. Screen cap. China Central TV.
Một ngày trước khi thông cáo chung được đưa ra, trên các trang mạng xuất hiện bài viết của Blogger Mẹ Nấm nêu thắc mắc về trách nhiệm của quốc hội nước CHXHCNVN đối với văn kiện ‘thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước’ vừa nêu.

Blogger Mẹ Nấm nêu ra điều 84 Hiến pháp nước CHXHCNVN về nhiệm vụ và quyền hạn của quốc hội và thắc mắc điều này được áp dụng và tuân thủ thế nào trong tiến trình dẫn đến ký kết đó. Rồi thắc mắc trong những văn kiện vừa được liệt kê ra đâu là văn kiện hợp tác giữa hai đảng và đâu là văn kiện hợp tác giữa hai nước, rồi ai là người ký kết.

Luật sư Lê Trần Luật từ thành phố Hồ Chí Minh đưa ra một số trình bày liên quan việc ký kết các thỏa thuận ở cấp quốc gia.

Ông cũng nói đến vai trò của quốc hội trong việc phê chuẩn, thông qua các văn bản được nguyên thủ quốc gia ký kết với nước ngoài.

Dư luận lâu nay vẫn nói đến sự nhập nhằng giữa vai trò của Đảng và Nhà Nước tại một quốc gia như Việt Nam. Việc ký kết các thỏa thuận giữa hai phía Việt Nam và Trung Quốc vừa qua khiến người dân quan tâm như blogger Mẹ Nấm phải thắc mắc về vai trò của chính phủ và Đảng như vừa nêu

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/reaction-to-vn-gen-secreta-cn-visit-gminh-10162011140116.html

Bản thông cáo chung của VN và TQ"
RFA 15.10.2011

Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đã hoàn tất chuyến viếng thăm Trung Quốc với bản thông cáo chung được phổ biến ở Bắc Kinh sáng nay.

Bản thông cáo chung nói rằng chuyến thăm thành công tốt đẹp, thúc đẩy mạnh quan hệ giữa hai đảng, giúp 2 quốc gia phát triển ổn định, ảnh hưởng tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Bản thông cáo chung cũng đưa ra 6 điểm mà 2 đảng sẽ cùng thực hiện để phát triển hữu nghị, trong đó có cả cam kết tiếp tục tổ chức đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng quốc phòng, thúc đẩy lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai bộ quốc phòng, đào tạo cán bộ, sĩ quan trẻ, tiếp tục tổ chức tuần tra chung giữa hải quân 2 nước trong Vịnh Bắc Bộ, và sửa soạn cho những chương trình tuần tra chung trên đất liền khi điều kiện cho phép.

Về vấn đề biển Đông, bản thông cáo chung nói rằng 2 bên đã trao đổi quan điểm, thẳng thắn trình bày về những vấn đề trên biển, đồng ý với giải pháp đàm phán và hiệp thương để giải quyết tranh chấp, gìn giữ hòa bình, ổn định. Bản thông cáo chung nói rõ những điều này phù hợp với lợi ích căn bản của cả 2 nước và nguyện vọng của người dân.

Thông cáo chung cũng nói là trước khi giải quyết dứt điểm về tranh chấp trên biển, hai quốc gia sẽ giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không có những hành động làm phức tạp hóa hay mở rộng thêm tranh chấp, và không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ giữa 2 đảng và 2 quốc gia.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-party-chief-concludes-china-visit-
10152011095212.html


Lương không đủ sống giáo viên mầm non nghỉ việc
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011-10-18

VN Express online mới đưa tin cho hay, từ đầu năm đến giờ hàng trăm giáo viên mầm non thành phố Hồ Chí Minh nghỉ việc vì lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình, cộng với công việc quá tải, khiến họ nản lòng, bỏ cuộc, nghỉ dạy.

Source pgdomon.edu.vn

Các em lớp học mầm non đang nghe cô kể chuyện.

Làm gì với 15 ngàn đồng ngày

Các giáo viên cho biết với đồng lương trung bình hàng tháng cầm tay là trên dưới 500 ngàn đồng, sau khi trừ các phần đóng góp gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quỹ công đoàn, tất cả cộng lại, hết trên 30%. Mỗi ngày công của một giáo viên mầm non chỉ được chừng 15 ngàn đồng, mà phải đứng lớp hai buổi, sáng chiều.
Theo số liệu của Sở Giáo dục, Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh thì hiện nay thành phố có gần 300 ngàn trẻ em, riêng mầm non có 9 ngàn lớp, với tối đa 11 ngàn giáo viên, tính trung bình chỉ có hơn một giáo viên cho một lớp học.
Mỗi ngày công của một giáo viên mầm non chỉ được chừng 15 ngàn đồng, mà phải đứng lớp hai buổi, sáng chiều.
Ngoài ra, ngành giáo dục mầm non hiện còn thiếu trên 7200 bảo mẫu. Trước hoàn cảnh sinh hoạt khó khăn, đồng lương không đủ sống, ngày càng có nhiều giáo viên, cán bộ quản lý trường mầm non xin nghỉ việc.
Cô Thanh Loan, giáo viên phục vụ tại một trường mầm non ở Tân Định nói lên nỗi khó khăn trong cuộc sống của bản thân cô, cũng như của các đồng nghiệp:
“Đồng lương cố gói ghém đủ thôi chứ không có dư, vì không có cách nào làm thêm, các giáo viên mầm non cũng phải đi học ngoài giờ làm việc, trình độ này, trình độ kia, theo như họ muốn, dù có gia đình, có con. Chỉ làm giờ hành chành, không thể làm thêm nên đồng lương không đủ chi tiêu, không đủ sống, nhiều người xin nghỉ đi tìm việc khác, kiếm đồng lương khá hơn. Lương thấp là chuyện mà nhiều cô giáo mầm non đều than như vậy.”
Ngoài chế độ tiền lương quá thấp, cũng có trường hợp các giáo viên mầm non, sau hai buổi đứng lớp, mỗi tối còn phải quay lại trường, trao dồi thêm nghiệp vụ chuyên môn từ 7 giờ đến 9 giờ, ba, bốn đêm trong tuần.
“Học thêm là vì trình độ đào tạo hồi xưa không bằng bây giờ, nay phải có bằng cấp đó mới được tiếp tục dạy và nâng đồng lương lên, nên phải ráng đi học, dù lớn tuổi, học khó hơn trước, nhưng đó là chuyện bắt buộc, để nâng cao trình độ.”
Trong giờ ăn ở trường mầm non công lập, mỗi cô giáo phải chăm chừng 20-30 cháu. Photo: Tiến Dũng.
Trong giờ ăn ở trường mầm non công lập, mỗi cô giáo phải chăm chừng 20-30 cháu. Photo: Tiến Dũng.
Việc các giáo viên mầm non đồng lọat nghỉ dạy không chỉ diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh mà còn là chuyện phổ biến ở các địa phương khác. Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên ở Hà Nội kể lại:
“Cũng như thế cách đây một tháng, hơn 800 giáo viên mầm non ở Thanh Hóa cũng tính bỏ việc, tất cả đều xuất phát từ nguyên nhân lương rất là thấp, trung bình chỉ 800 trăm nghìn một tháng.
Giáo viên chỉ bám vào lương đó là tội lỗi đối với gia đình, với con cái, vì không đủ lo ăn, lo mặc, do đó họ buộc phải bỏ việc, điều đó phản ánh mặt tiêu cực, mặt trái trong giáo dục, đào tạo, trong việc sử dụng người, lâu nay.
Thầy Đỗ Việt Khoa
Ngay ở địa phương tôi là ngoại vi Hà Nội, giáo viên tiểu học đi dạy thuê , hợp đồng ngoài bên chế cũng chỉ được 800 nghìn đồng. Số lương do hiệu trưởng các trường trả, rất thấp, mức lương đó chỉ tương đương với 33, 35 đô la, một tháng thì không thể sống được, trong điều kiện hiện nay. Giáo viên chỉ bám vào lương đó là tội lỗi đối với gia đình, với con cái, vì không đủ lo ăn, lo mặc, do đó họ buộc phải bỏ việc, điều đó phản ánh mặt tiêu cực, mặt trái trong giáo dục, đào tạo, trong việc sử dụng người, lâu nay.”

Nhà giáo chịu quá nhiều thiệt thòi

Thầy Khoa cảm thông với sự thiệt thòi mà các giáo viên mầm non phải chấp nhận do ảnh hưởng của nguyên tắc quản lý chế độ lương bổng ở cấp làng xã:
“Cái khu vực mầm non, về chính sách giải quyết cho các giáo viên từ lâu nay là giao về cấp xã, cấp phường, trích trả lương cho họ bằng thóc, gần đây thì trả bằng tiền, với mức rất rẻ chứ không phải trả lương từ ngân sách.”
Việc trả lương cho giáo viên mầm non bằng lương thực được VN Express xác nhận, khi nói đến trường hợp cô Bùi Thị Luyến, người có 29 năm dạy học ở trường mầm non Mậu Lâm, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong hòan cảnh khó khăn của đất nước, cô và các đồng nghiệp phải nhận từ 3 đến 4 kg gạo mỗi tháng. Do lạm phát tăng, vật giá leo thang từng ngày, nhưng lương giáo viên mầm non chỉ được trên 500 ngàn đồng, một tháng, mà không có sự hỗ trợ nào khác, nên gần 40 giáo viên mầm non đã nghỉ dạy, đúng vào ngày khai giảng niên học mới.
Trả lời câu hỏi làm sao có thể khắc phục chuyện giáo viên mầm non đồng loạt thôi việc, thầy giáo Đỗ Việt Khoa nói lên suy nghỉ của mình:
Giáo viên bỏ việc nhiều, hiện đang là vấn đề phổ biến trong xã hội, báo chí đã nêu nhiều rồi, theo quan điểm của tôi, trước hết là về phía chính quyền, thì cần đưa lực lượng giáo viên này vào biên chế, tăng lương đủ sống cho giáo viên để họ yên tâm công tác, vì bậc mầm non rất là quan trọng
Thầy Đỗ Việt Khoa
“Giáo viên bỏ việc nhiều, hiện đang là vấn đề phổ biến trong xã hội, báo chí đã nêu nhiều rồi, theo quan điểm của tôi, trước hết là về phía chính quyền, thì cần đưa lực lượng giáo viên này vào biên chế, tăng lương đủ sống cho giáo viên để họ yên tâm công tác, vì bậc mầm non rất là quan trọng, với vài trăm ngàn đồng một tháng, không thể sống được, họ sẽ ra đi hết. Phải tinh lọc biên chế cho đủ số lượng người, thông báo cho lực lượng giáo viên biết là chúng tôi chỉ dùng ngần ấy người thôi, để những người còn lại chủ động tìm việc làm khác cho phù hợp, không nên để cho người ta hy vọng vào biên chế, chờ hàng chục năm, mãi không vào biên chế được.
Về phía thầy, cô giáo thì cũng chú ý là hiện nay ngành giáo dục trên cả nước, về cơ ban đã đủ giáo viên, nếu người ta hứa hẹn hợp đồng, mà sau vài năm vẫn không đáp ứng được, tức là thừa giáo viên thì cũng nên dũng cảm dừng việc dạy học, đi tìm việc khác, đó là kỷ năng sống của con người, cần phải tích cực, chứ không đợi mãi.
Nhà nước tiếp tục đào tạo, nhiều hơn nhu cầu, tốt nghiệp xong không xin được việc, có những giáo viên tốt nghiệp đại học, bây giờ về đi chăn trâu, giúp gia đình, báo vừa đăng ở Nghệ An, có rất nhiều trường hợp như thế.
Thầy Đỗ Việt Khoa
Nhà nước tiếp tục đào tạo, nhiều hơn nhu cầu, tốt nghiệp xong không xin được việc, có những giáo viên tốt nghiệp đại học, bây giờ về đi chăn trâu, giúp gia đình, báo vừa đăng ở Nghệ An, có rất nhiều trường hợp như thế. Cần có nhiều lực lượng góp phần vào thì mới chấm dứt được tình trạng đó.”
Một thực tế khác cũng được bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nêu lên với báo chí, sau khi bà đi khảo sát các trường mầm non, thì thấy các cô giáo có trình độ đại học, cao đẳng phải làm công việc dọn dẹp, lau chùi nhà vệ sinh. Bà yêu cầu ngành giáo dục, đào tạo sớm xem xét lại cách trí nhân sự cho hợp lý.
Tuy nhiên, vướng mắt quan trọng nhất vẫn là vấn đề cải tiến lương bổng, giúp cho giáo viên tạm đủ sống, trang trải mọi chi phí trong sinh hoạt gia đình hàng ngày, khiến họ yên tâm lo việc giảng dạy, là một nan đề không biết đến khi nào mới có đáp số.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hundred-kinterg-teach-quit-job-10182011070418.html




Quân đội tăng vai trò ở Trung Quốc?
Cập nhật: 11:55 GMT - thứ ba, 18 tháng 10, 2011
Hải quân Trung Quốc ở Thượng Hải

Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc hội nghị thường niên về nhân sự hôm thứ Ba 18/10, với dự đoán phe quân đội sẽ giành ảnh hưởng lớn hơn trên chính trường.

Giới quan sát tại Bắc Kinh nói điều này cũng có nghĩa Bắc Kinh có khả năng sẽ đối đầu nhiều hơn với Hoa Kỳ và các nước láng giềng.

Khai mạc hôm 15/10, đây là hội nghị trung ương quan trọng cuối cùng trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thay đổi lãnh đạo vào năm tới.

Sau Đại hội Đảng năm 2012, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được trông đợi sẽ thôi chức vụ, tiếp đó là Thủ tướng Ôn Gia Bảo và nội các của ông.

Hãng thông tấn Hoa Kỳ Associated Press vừa có bài phân tích rằng quân đội Trung Quốc đang ngày càng nổi lên trong bối cảnh nước này tăng cường hội nhập về kinh tế và ngoại giao với các nước trên thế giới.

Một số tướng lĩnh và giới chiến lược quân sự đã thường xuyên xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc, nhất là các báo mang xu hướng dân tộc chủ nghĩa, và không ngần ngại kêu gọi lập trường cứng rắn hơn đối với các nước khác.

Sự có mặt của Quân Giải phóng trong các sứ vụ bảo vệ công dân nước này tại các vùng chiến sự như Libya, được tuyên truyền rộng rãi trên báo chí.

Hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Trung Quốc, với 400 đại biểu, về danh chính ngôn thuận là tập trung vào các vấn đề văn hóa xã hội.

Thế nhưng dư luận nói chung cho rằng, đằng sau hậu trường là cuộc đấu tranh nội bộ để tìm người thay thế lớp lãnh đạo Đảng sẽ từ nhiệm vào năm 2012.

Quyền lực vô biên

Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa (PLA) có thời từng thống lĩnh ban lãnh đạo Trung Quốc và nắm quyền quản lý từ nhà máy đến nông trang trong thời kỳ sau Cách mạng Văn hóa hồi đầu những năm 1970.

Sau sự kiện Thiên An Môn, khi quân đội được điều vào đàn áp cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 1989, Đảng Cộng sản mỗi năm lại tăng ngân sách quốc phòng một nhiều.

Ngân sách năm nay là 91,5 tỷ đôla Mỹ, chỉ kém có mỗi Hoa Kỳ.

Kết quả là quân đội Trung Quốc với 2,3 triệu thành viên đang phát triển vượt bậc, giành tiếng nói trọng lượng hơn trong các lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt

Giới tướng lĩnh được cho là có quan điểm cứng rắn

Ông Joseph Cheng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc hiện đại tại Đại học Hong Kong được hãng AP dẫn lời nói: "Chắc chắn là vị thế của quân đội đang ngày càng được đẩy mạnh nhờ xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở trong nước, cũng như điều kiện tài chính được cải thiện".

Thành phần Trung ương Đảng Trung Quốc nay có tới 18% là các tướng lĩnh quân đội.

PLA cũng chiếm tỷ lệ nhân sự áp đảo tại các tổ chức như Quốc hội.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người giữ chức Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc gần một chục năm nay, trong những năm đầu tiên nắm quyền lãnh đạo đã tìm cách tranh thủ ủng hộ của phe quân đội thông qua việc bổ nhiệm các tướng lĩnh thân cận với ông vào Quân ủy Trung ương gồm 11 vị.

Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người được trông đợi sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào, còn có quan hệ chặt chẽ hơn với Quân Giải phóng.

Hồi mới khởi nghiệp, ông Tập đã từng làm thư ký riêng cho một vị tướng kỳ cựu là Cảnh Tiên, người có thời giữ chức bộ trưởng quốc phòng.

Cho tới nay, Quân Giải phóng chủ yếu chỉ sử dụng quyền lực chính trị để tăng thêm ngân sách hoạt động và bảo đảm các lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu như thúc đẩy thống nhất Đài Loan.

Thế nhưng đang có kêu gọi quân đội Trung Quốc cần dẹp đi các mối quan tâm có tính chất "quan liêu" để vươn lên thành một quyền lực mới có tầm ảnh hưởng quyết định đối với nền chính trị Trung Quốc cũng như sự chuyển giao lãnh đạo hiện thời.

Nhìn từ quan điểm của các nước láng giềng, thì chính sách đối ngoại của quân đội Trung Quốc sẽ là điều cần theo dõi nhất.

Liệu chính sách này có trở nên cứng rắn hay phiêu lưu hơn hay không?

Dân tộc chủ nghĩa

"Chắc chắn là vị thế của quân đội đang ngày càng được đẩy mạnh nhờ xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở trong nước, cũng như điều kiện tài chính được cải thiện"

Joseph Cheng, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại, Hong Kong

Thời gian gần đây, thái độ mạnh bạo, thậm chí là hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến các quốc gia xung quanh như Việt Nam, Philippines và các nước Asean khác phải dè chừng.

Trung Quốc cũng tỏ ra không khoan nhượng trong cách hành xử với Nhật Bản, trong chủ đề hạt nhân Bắc Hàn và trong quan hệ với đối thủ hàng đầu là Hoa Kỳ.

Trong khi giới tướng lĩnh thành viên Quân ủy Trung ương nói chung kín tiếng, đang có một tầng lớp sỹ quan mới, những người được cho là có dòng dõi lãnh đạo, tỏ ra mạnh mẽ và lớn tiếng hơn.

Trong số đó có Lưu Nguyên, con trai ông Lưu Thiếu Kỳ, cựu lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tướng Lưu Nguyên đã nhiều lần đăng đàn phát biểu cổ súy cho một xu hướng dân tộc chủ nghĩa được quân sự hóa mới, không khoan nhượng với các giá trị phương Tây.

Còn có thể kể tới nhiều tướng lĩnh khác, như Lưu Minh Phúc, nay là giáo sư Học viện Quốc phòng. Ông Lưu, trong cuốn sách 'Ước mơ Trung Quốc' ra năm 2009, đã kêu gọi thay đổi trật tự thế giới mà Mỹ thống lĩnh hiện thời để thay thế bằng Trung Quốc.

Ông Lưu viết: "Nếu như Trung Quốc trong thế kỷ 21 không thể vươn lên vị trí hàng đầu, không thể trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, thì sẽ bị bỏ rơi và tiêu diệt".

Việc chính giới Trung Quốc, kể cả các nhân vật được cho là trung dung ôn hòa như Thứ trưởng Ngoại giao Thôi Thiên Khải, cũng bắt đầu đồng tình ca ngợi các phát biểu dân tộc chủ nghĩa của phe quân đội, người ta đang tự hỏi, chính sách đối ngoại trong thời gian tới sẽ là như thế nào.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/10/111018_china_military_politics.shtml


No comments: