Friday, October 28, 2011

SỔ TAY TƯỞNG NĂNG TIẾN


Điếu Cày Giữa Buổi Giao Thời

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Fri, 10/28/2011 – 08:32
Ở Việt Nam, những quyền căn bản của con người như quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền tự do ngôn luận… đều được hiến pháp thừa nhận (cho có lệ) nhưng chưa bao giờ được thực thi. Tệ trạng này đã được hầu hết mọi người chấp nhận, hay cam chịu, từ hơn nửa thế kỷ nay.
Điếu Cày không thuộc vào số đông vừa kể. Ông và một số bằng hữu đã công nhiên thực hiện quyền công dân của mình, bằng nhiều phương cách. Hành động của họ bị coi là “khiêu khích” vì đã làm mất sự “ổn định xã hội,” theo quan điểm của những người cầm quyền ở Việt Nam.

Tôi vốn lo xa, và đôi khi, xa quá. Đã có lúc, tôi đề nghị kiếp sau, nếu có dịp gặp lại nhau, chúng ta nên bỏ cái lối chào hỏi (xã giao) hiện nay đi. Nghe nhà quê chết mẹ:

“Xin được vô phép hỏi thăm, anh chị từ đâu đến?”
“Thưa bà, bà thuộc quốc tịch nào thế ạ?”
“Còn ông, quê quán ở đâu?”
Kể từ khi chúng ta có mặt trên quả đất này, hình dạng của những lục địa đã nhiều lần thay đổi, nói chi tới mấy chuyện lẻ tẻ, nhỏ nhặt (và lặt vặt) cỡ như biên giới của những quốc gia. Bởi thế, những câu trả lời cũng như những câu hỏi (vớ vẩn) vừa nêu đều có vẻ hơi… ngớ ngẩn:
“Thưa tôi người Chiêm Thành, còn cô bạn gái của tôi đây người Chân Lạp.”
“Còn tôi là công dân thành Nhã Điển (Athens) ạ.”
Đối đáp như thế, nghe mất… sướng! Hẹp hòi, và nặng tính chất địa phương, thấy rõ. Đã vậy, nó còn có thể khiến người đối thoại bối rối. Chiêm Thành, Chân Lạp, Nhã Điển… đều thuộc những nền văn minh đã lụi tàn, hay bị hủy diệt từ lâu.
Bởi vậy, tôi xin có ý kiến là chúng ta nên chào hỏi nhau theo cách khác – bỏ hẳn mọi ý niệm liên quan đến không gian đi, cho nó thoáng:
“Xin được vô phép hỏi thăm, bà thuộc niên đại nào thế ạ?”
“Thưa cô, cô có thể vui lòng cho biết, thời đại của cô tên chi không?”
“Thưa, tôi sống vào thời Băng Hà.”
“Còn em thì sinh vào thời Đồ Đá Cũ.”
“Chúng em cũng thế nhưng hơi lui về phía sau một tí, giai đoạn Trung Thạch Khí đấy ạ.”
“Dạ cháu thì sinh sau đẻ muộn hơn nhiều, cháu là người thời Trung Cổ.”

Gần gũi hơn, chúng ta dám có dịp ngồi nhậu (sương sương) vài ly và bàn chuyện nghệ thuật với Leonardo da Vinci, hay Michelangelo Buonarroti của thời Phục Hưng. Gần hơn nữa, bạn có thể chitchat hay tếch tiết hay tranh luận với những người bạn thuộc thời đại Thông Tin.

Nhân loại, tất nhiên, không phải lúc nào cũng vui vẻ nắm tay nhau (cười ha hả) nhẩy cà tưng cà tưng – nhịp nhàng – qua từng thời đại. Theo ước tính của Survival International, hiện nay chỉ riêng ở Brazil và Peru, đã có đến hơn 50 bộ lạc (trong số hàng trăm, rải rác khắp nơi trên thế giới) vẫn đang sinh sống ở giai đoạn văn minh của Thời Săn Bắt.
Ảnh một bộ lạc ở Nam Mỹ: Gleison Miranda,
Funai, AP. Nguồn:BBC

Có những nơi heo hút quá, ánh sáng văn minh không soi rọi tới nên con người bị cô lập và trở nên… lạc hậu. Cũng có những nơi mà cư dân (rất có thể) vì cảm thấy đời sống “văn minh hiện đại” không thích hợp mấy với “tạng” của họ, nên từ chối tham dự cuộc chơi. Ở vài nơi khác, người ta nhất định ngoảnh mặt với tất cả những sinh hoạt chung (của đa phần nhân loại) hoặc tỏ ra dị ứng với mọi sự đổi thay, chỉ vì sợ thiệt thòi đến… quyền lợi cá nhân hay phe nhóm của mình!

Tôi hay hình dung ra cảnh một thằng cha đầu bù tóc rối, tay cầm một cái chầy hay cái vồ gì đó, đang tha thẩn giữa rừng, bỗng hớn hở và hăm hở, tồng ngồng chạy tuột vào hang, ôm chầm lấy vợ,… nói không kịp thở:
“Honey à…”
“Dạ, em đây anh…”
“Nổi lửa lên liền đi, nướng bậy cái gì đó để nhậu lai rai nha… Anh sẽ hú anh Tư với anh Năm qua uống (chơi) vài xị để ăn mừng…”
Con mẻ, thất vọng ra mặt, cố nén thở dài nhưng bẳn gắt thấy rõ:
“Trời, tưởng gì chớ lại bầy chuyện nhậu nữa hả! Sao cứ nhậu liền liền vậy kìa? Ðêm qua mấy ông mới xỉn gần chết, ói mửa tùm lum, hang động còn hôi rình đây nè!”
“Thì hôm qua là happy birthday của em, mình cũng phải này nọ chút đỉnh (với người ta) cho nó vui chớ. Bữa nay là chuyện khác, quan trọng hơn nhiều.”
“Chuyện gì mà dữ thần vậy cà?”
“Mình biết sao không? Anh mới gặp ông Tám ở ngoài bìa rừng á, thằng chả cho hay bắt đầu từ 12 giờ khuya đêm nay là toàn thể nhân loại sẽ bước qua một thời đại mới – tới thời Đồ Đồng rồi đó nha.”
“Ý trời đất quỷ thần thiên địa ơi! Như vậy là chết (bà) tui rồi. Cái cối đá, cái ghế đá, cái giường đá, cái bàn đá, cái gối đá… mới mua tuần rồi, toàn là đồ xịn và đồ hiệu, không sale một cắc, mắc thấy mẹ luôn. Vậy mà hết đêm nay là kể như sẽ demoder ráo trọi. Qua thời Đồ Đồng thì đồ đá rớt giá là cái chắc. Tui thiệt hại cả triệu Mỹ kim tới nơi chớ đâu phải ít, vui vẻ gì mà mấy ông đòi nhậu nhẹt ăn mừng? Dẹp, dẹp hết…!”
Ở bình diện quốc gia, không ít những vị Lãnh Tụ Anh Minh, những Người Cầm Lái Vĩ Đại … của cả một dân tộc cũng có lối ứng xử thô lỗ hoặc bầy tỏ một thái độ (rất) nặc nô tương tự – khi quyền lợi của họ bị đụng chạm vì sự đổi thay của thế thời.

Vào những năm cuối của thế kỷ trước, chủ bút tạp chí Thế Kỷ 21, tạp chí xuất bản phát hành từ miền Nam, California, đã có nhận xét như sau:

Tiến bộ là đi ngược lại quyền lợi của giai cấp nắm quyền, tình trạng này đang diễn ra tại Việt Nam. Có gần hai triệu đảng viên và những người cộng tác với họ chia nhau các chức vụ và bổng lộc từ trên xuống dưới. Nếu kinh tế tư doanh phát đạt thì hệ thống phân phối ảnh hưởng và lợi lộc đó bị thiệt hại. Nếu nhiều công ty tư doanh đi vào thị trường thì một hãng độc quyền là ‘công ty Đảng’ sẽ không cạnh tranh nổi. Nhiều ý kiến mới được nói, được nghe thì ‘Giáo hội Ðảng’ sẽ mất thiêng. Vì vậy họ gọi quá trình đó là ‘diễn biến hòa bình’, phải ngăn ngừa và tiêu diệt!”
(Vương Hữu Bột, “Trở ngại của tiến bộ”, Thế Kỷ 21, tháng 6 năm 98)
Vào thời điểm này ở Việt Nam chưa có những nhân vật đấu tranh đòi hỏi cải cách, và đông đảo những blogger như hiện nay. Đây là những tác nhân đang làm suy yếu vai trò độc quyền thông tin của nhà nước. Họ cũng đang tạo ra được những đối lực đáng kể – theo như nhận xét của một nhân vật vừa vượt thoát khỏi xứ sở này:

“Nhưng tiếng nói của các blogger … đã thực sự trở thành một luồng thông tin phản biện đa dạng, nhanh nhạy, sắc sảo, phản ánh muôn mặt đời sống chính trị xã hội văn hóa của Việt Nam. Và trong nhiều trường hợp, tiếng nói của họ thực sự có sức mạnh đến nỗi nhà nước Việt Nam buộc lòng phải thay đổi, chỉnh sửa một số vụ việc cụ thể... Cho đến giờ phút này, thời điểm của năm 2010, giới blogger Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về sự phát triển cũng như những gì mình đã, đang và sẽ đóng góp cho quá trình dân chủ hóa Việt Nam. (Câu chuyện của blogger Điếu Cày. Song Chi – RFA’s log).

Biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa Trường Sa 19.1.2008.

Từ trái qua phải: Song Chi, Phương Thi, Trăng Đêm, Điếu Cày, Huỳnh Công Thuận,
Bùi Chát, Đông A SG. Nguồn ảnh: Diễn Đàn Thế Kỷ 21.

Trước tình trạng đó, nhà đương cuộc Hà Nội đã có những phản ứng rất vụng về và thô lỗ. Xin đơn cử một thí dụ về trường hợp của một công dân Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hải – người đã bị áp bức và bắt giam từ nhiều năm nay.

Ông Hải là một blogger, thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, với bút danh Điếu Cày, bị bắt vào ngày 19 tháng 4 năm 2008. Lý do (chính) vì đã kêu gọi và tham dự biểu tình, để phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ở Việt Nam, những quyền căn bản của con người như quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền tự do ngôn luận… đều được hiến pháp thừa nhận (cho có lệ) nhưng chưa bao giờ được thực thi. Tệ trạng này đã được hầu hết mọi người chấp nhận, hay cam chịu, từ hơn nửa thế kỷ nay.

Điếu Cày không thuộc vào số đông vừa kể. Ông và một số bằng hữu đã công nhiên thực hiện quyền công dân của mình, bằng nhiều phương cách. Hành động của họ bị coi là “khiêu khích” vì đã làm mất sự “ổn định xã hội,” theo quan điểm của những người cầm quyền ở Việt Nam.
Do đó, Điếu Cầy đã bị bắt giam. Sau khi mãn hạn tù, thay vì được phóng thích, ông bị đưa đi dấu kín ở một nơi. Đúng một năm sau, kể từ khiblogger Điếu Cày bịtiếp tục bị giam giữ trái phép – vào ngày 23 tháng 10 năm 2011 – người ta đọc được những lời “tha thiết kêu gọi” như sau trên trang Dân Làm Báo:

“… nhiều anh chị em blogger trong nước đã khởi xướng việc vận động gửi thư cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (*) yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho công dân, cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày.

Dân Làm Báo mong bạn bè trong thôn góp phần vào nỗ lực này để tranh đấu đòi lại tự do cho anh Điếu Cày bằng cách tham gia vào danh sách những người đứng tên trong thư. Xin các bạn gửi họ tên, địa chỉ, điện thoại về hộp thư mothermushroom@gmail.com.

Nguồn ảnh: Thăng Tiến

Theo ngôn ngữ hàn lâm thì ông Nguyễn Hoàng Hải là một nạn nhân giữa buổi giao thời: thời Thông Tin versus thời Cách Mạng. Còn theo như cách nói của thường dân thì Hải Điếu Cày là nạn nhân của một thời đại mới: Thời đại Bất Nhân, hay còn gọi một cách bỗ bã hơn là thời Đồ Đểu!

Tưởng Năng Tiến

(*) Thư ngỏ gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, về việc bắt giam trái phép công dân Nguyễn Văn Hải

Kính gửi: Ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

V/v: về vấn đề bắt giam trái phép công dân Nguyễn Văn Hải.

Kính thưa ông,

Chúng tôi, những công dân Việt Nam cùng ký tên dưới đây, gửi thư này đến ông vì muốn ông quan tâm và can thiệp trong cương vị Chủ tịch nước đối với tình trạng giam giữ trái phép một công dân yêu nước.

Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, một cựu chiến binh Quân Đội Nhân Dân Việt Nam bị công an tiếp tục giam giữ trái pháp luật đã tròn một năm, sau khi ông đã mãn hạn 30 tháng tù giam về tội danh “trốn thuế” vào ngày 19/10/2010.

Cho dù bản chất của việc kết án xuất phát từ những bất đồng quan điểm của ngành Công an đối với những nỗ lực kiên cường của ông Nguyễn Văn Hải khi ông đồng hành cùng nguyện vọng của dân tộc để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam,

Cho dù việc bản án 30 tháng tù giam mà ông Nguyễn Văn Hải thọ lãnh là vắng bóng công lý,

Nhưng ông Hải đã thi hành đúng thời hạn mà bản án đã dành cho ông.

Do đó, việc tiếp tục giam giữ công dân Nguyễn Văn Hải không có phán xét của tòa án, không một thông tin gì về ông đến thân nhân, và cũng không một tuyên bố chính thức gì về những quy trình pháp luật sẽ áp dụng cho ông Hải là một hành động vi hiến, phạm pháp, vô nhân đạo và không tôn trọng quyền công dân.

Thưa ông,

Theo đúng nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền, Chủ tịch nước là người giữ vai trò điều hành đất nước cao nhất. Phải có con người mới có quốc gia, và tự do là vốn quý nhất của một con người. Do đó, trường hợp của công dân Nguyễn Văn Hải có thể được xem là một vấn đề rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến những chính sách nội an cũng như đối ngoại của văn phòng Chủ tịch nước vì đã tạo ra một vết nhơ tồi tệ của cả hệ thống pháp lý Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng tinh thần “thượng tôn pháp luật” mà Việt Nam ta đang cố gắng theo đuổi.

Ông đã từng khẳng định rằng: “Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp (luật quốc nội và luật quốc tế)…”

Vậy, nếu “cơ sở quan trọng là luật pháp” không được tôn trọng cho một công dân Việt Nam thì chính quyền Việt Nam do ông ở địa vị cao nhất lãnh đạo, làm sao có thể dùng nền tảng luật pháp để giải quyết chuyện to lớn hơn là giữ vững độc lập chủ quyền?

Quan trọng hơn là nếu không tẩy sạch được những vết nhơ của nền luật pháp quốc gia thì làm sao ông có thể gầy dựng lại niềm tin của nhân dân vào một nền pháp lý công minh để có thể đồng lòng và đồng hành cùng người Chủ tịch nước giải quyết “độc lập chủ quyền”, loại trừ “bầy sâu tham nhũng” như trong các tuyên bố của ông?

Với những lý do trên và với sự tin tưởng rằng vai trò Chủ tịch nước phải độc lập với những quyền lực chính trị khác, nghĩa vụ và trách nhiệm của ông đối với hơn 90 triệu công dân đứng trên mọi trách nhiệm khác của ông, chúng tôi tin rằng ông sẽ có những quan tâm và biện pháp thích đáng để chấn chỉnh lại những sai trái, tái tạo niềm tin từ nhân dân mà chính nhiều viên chức các cấp của ông phải công nhận là đã và đang khủng hoảng trầm trọng.

Chúng tôi, những công dân Việt Nam hy vọng rằng ông Chủ tịch nước với tuyên bố khẳng định chủ quyền của đất nước, với hành động cụ thể là cam kết hợp tác khai thác dầu khí với Ấn Độ trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, sẽ bắt đầu bằng một quyết định nhỏ và dễ nhất trong thẩm quyền của Chủ tịch nước: trả tự do ngay lập tức cho công dân, cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Nguyễn Văn Hải.

Những tuyên bố và hành động của ông sẽ có ảnh hưởng lớn lao đến tương lai và vận mệnh của đất nước và vì thế đòi hỏi thời gian, ý chí và quan trọng hơn hết là thái độ nhất quán, trước sau như một, cũng như tinh thần thật lòng đặt Tổ Quốc lên trên hết.

Trân trọng gửi đến ông lời chúc sức khoẻ và quyết tâm cùng với nhân dân diệt trừ “bầy sâu tham nhũng”, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam và đặt Tổ quốc lên trên hết.

Trân trọng,

No comments: