Monday, November 22, 2010

BS.HỒ VĂN CHÂM * TRUNG BỘ



Tản Mạn Về
Miền Trung Trung Bộ

BS. HỒ Văn Châm

Nước Việt chiều ngang thì hẹp mà chiều dọc thì dài, thường được phân biệt làm ba miền bắc, trung, nam (1). Về đại thể, ba miền hợp thành một quốc gia thuần nhất về rất nhiều phương diện, nhưng mỗi miền vẫn có một số sắc thái riêng, từ hình thể núi sông, khí hậu nóng lạnh, cho đến tâm tính và hành trạng của con người. Các nhà địa lý phương Tây thường ví von nước Việt như chiếc đòn gánh gánh hai thúng lúa.

Còn chuyện dân gian thì kể rằng có ba người đàn ông cùng chèo một chiếc thuyền ra biển đánh cá, tung lưới thì lưới vướng đáy biển không kéo lên được; người thứ nhất nhảy xuống lặn ngụp một hồi không gỡ được lưới ra nhưng khi ngoi lên mặt nước lại tươi cười suýt xoa: Nước mát quá!; người thứ hai tiếp theo lặn ngụp một hồi cũng không gỡ được lưới, leo trở lên thuyền ngồi lầm lì không nói không rằng, được hỏi thấy gì ở bên dưới thì xẵng giọng trả lời:Xuống dưới thì biết!; người thứ ba liền nhảy xuống cũng lặn ngụp một hồi và cũng không gỡ được lưới ra nhưng khi vừa ngoi lên chưa kịp bám vào mạn thuyền thì đã chửi thề om xòm: Đ. má! Gai không hà!.

Ba miền bắc, trung, nam là Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, trước kia còn có các tên gọi
khác là Bắc Kỳ, Bắc Việt, Bắc Phần; Trung Kỳ, Trung Việt, Trung Phần; Nam Kỳ, Nam Việt,
Nam Phần. Ngoại trừ dưới thời Pháp thuộc (2), khi mà Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ là ba phân hạt chính trị và hành chánh khác nhau với ba thủ phủ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, còn thông thường, ranh giới địa lý giữa ba miền chẳng có gì là rõ rệt. Tỉnh Thanh Hóa nằm ở cực bắc Trung Bộ nhưng là hình ảnh thu nhỏ của Bắc Bộ với đầy đủ ba miền thượng du, trung du và đồng bằng.

Tỉnh Thuận Hải nằm ở cực nam Trung Bộ nhưng về tất cả mọi mặt từ cấu tạo địa lý đến sinhhoạt xã hội đều y hệt miền đông Nam Bộ. Bởi vậy, cuối thế kỷ 19, Triều đình Huế trong thế yếu đã phải ký hòa ước Harmand năm 1884 cắt Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh nhập vào Bắc Kỳ, cắt Bình Thuận nhập vào Nam Kỳ, khiến cho công luận xôn xao làm nẩy sinh nhiều cuộc nổi dậy khắp nước và cuộc binh biến ở Kinh Kỳ đánh úp đạo quân trú phòng của Thống tướng De Courcy vào giữa năm 1885. Người Pháp qua Hòa ước Patenôtre lại chịu trả Thanh Nghệ Tĩnh và Bình Thuận cho Trung Kỳ.

Thời kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa thuộc Khu IV nhưng lại là hậu cứ của Khu III, tuy vậy, cả hai quân khu không khu nào thừa nhận Thanh Hóa là thành phần chủ lực của mình. Thanh Hóa Khu IV tống ra, Khu III đá vàoỂ. Nói cho ngay, Thanh Hóa ngày xưa là quận Cửu Chân, bao gồm cả tỉnh Ninh Bình, vốn khác biệt với quận Giao Chỉ là Bắc Bộ ngày nay, và lại càng khác biệt không những với quận Nhật Nam là Trung Trung Bộ mà cả với Nghệ Tĩnh mà nhà Tấn tách ra để lập thành quận Cửu Đức. Chỉ từ khi Gia Long thiết lập Tòa Tổng Trấn Bắc Thành, chia trấn Thanh Hoa làm hai theo rặng núi Tam Điệp, Thanh Hoa Ngoại Trấn (Minh Mạng đổi làm Ninh Bình) thuộc Bắc Thành, và Thanh Hoa Nội Trấn (Thanh Hóa) thuộc Trực Kỳ, Thanh Hóa mới trở thành tỉnh địa đầu của miền Trung.

Về phần tỉnh Bình Thuận ở cực nam Trung Bộ, sách Trung Quốc thuở xưa có đề cập đến nước Xích Thổ bao gồm cả vùng Bình Thuận, Bà Rịa và Lâm Đồng vốn là địa bàn sinh hoạt của người Mạ và người Stieng. Về sau, bị người Chiêm và người Khmer từ hai phía đánh ép lại, người Mạ và người Stieng rút lên Lâm Đồng, để cho Bình Thuận trở thành bộ phận cực nam của Chiêm Thành. Gia Long lấy đất từ huyện Long Khánh tỉnh Biên Hòa trở vào để lập Tòa Tổng Trấn Gia Định, còn tỉnh Bình Thuận thì cho thuộc về Trực Kỳ, và từ đó Bình Thuận trở thành tỉnh địa đầu của miền Trung.Tuy thời Cộng Hòa, huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận được tách ra để lập tỉnh Bình Tuy thuộc Nam Phần, nhưng sau ngày 30-4-1975, huyện Hàm Tân lại được trả về cho Bình Thuận để cùng với Ninh Thuận lập ra tỉnh mới Thuận Hải.

Chẳng những ranh giới địa lý giữa ba miền không có gì rõ rệt mà tâm tính và sinh hoạt của cư dân ở hai vùng địa đầu của miền Trung cũng không khác biệt với hai miền Nam Bắc kế cận. Thật vậy, người Thanh Hóa tuy gọi cô bằng o, và không phân biệt dấu hỏi dấu ngã ở phần đất phía tây quốc lộ I, nhưng cũng lanh lợi, hoạt bát, khôn khéo, và buôn bán giỏi không khác gì người Bắc. Còn người Thuận Hải thì tuy cũng có nơi dùng các từ ôông mệ, mi tau, nhưng nói chung người Bình Thuận nói oánh thay vì đánh, giọng nói và phong cách phát biểu tâm tình sôi nổi và thẳng thắn không khác gì người Nam. Cái lối lầm lì chẳng nói chẳng rằng của người đánh cá trong câu chuyện dân gian kể ở đầu bài không thể tìm thấy ở phía bắc đèo Ngang và ở phía nam đèo Cả. Nói khác đi, những nét đặc thù của miền Trung chỉ được tìm thấy đầy đủ và rõ rệt ở miền Trung Trung Bộ, từ Quảng Bình đến Phú Yên.

Miền Trung Trung Bộ đi vào chính sử với danh xưng Nhật Nam vào năm 111 trước
Công nguyên đời Tây Hán. Năm đó, Hán Vũ Đế sai Lộ Bác Đức đem quân đánh diệt nước Nam Việt, rồi thừa thắng chiếm luôn đảo Hải Nam, gộp tất cả lại thành Giao Chỉ Bộ, chia làm 9 quận: Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai và Đạm Nhĩ (3). Quận Nhật Nam lúc bấy giờ chạy dài từ đèo Ngang đến đèo Cả, và được chia làm 5 huyện: Lư Dung (Quảng Bình), Tỵ Cảnh (Quảng Trị), Tây Quyển (Thừa Thiên), Tượng Lâm (Quảng Nam) và Châu Ngô (Bình Phú). Quận lỵ đóng ở huyện Tây Quyển, phía bắc thành phố Huế ngày nay. Sử cũ nước ta đưa miền Trung Trung Bộ vào chính sử lùi xa vào trước thời điểm này, thường nhắc nhở đến danh xưng Việt Thường, cho rằng Việt Thường có từ thời Hùng Vương. Theo sử cũ, Việt Thường là một trong 15 bộ của nước Văn Lang (4), và nằm ở vị trí bắc bộ Quận Nhật Nam đời Hán.

Nhưng điều ức đoán này của sử cũ nước ta là hồ đồ, không có cơ sở khoa học, nghĩa là chẳng có chút giá trị thuyết phục nào cả. Các danh xưng Việt Thường, Cửu Đức, Vũ Ninh, Hoài Hoan v.v. của 15 bộ nước Văn Lang đều là từ ngữ Hán, mà thời Hùng Vương, dân ta đâu đã chịu ảnh hưởng của người Tàu, dân ta đâu đã biết dùng Hán tự để đặt tên người, tên xứ. Danh xưng của 15 bộ nước Văn Lang chẳng qua là tên châu, tên quận của đời sau, sử cũ đã chép lại và gán cho các phân hạt hành chánh tưởng tượng của nước Văn Lang thời Hùng Vương. Mà ngay cả cái quốc hiệu Văn Lang cũng là một mối ngờ lớn về sự chính xác.


Thực vậy, vào thời Hùng Vương, lúc nhà Tần chưa đem quân vào đất Lục Lương, lập ra các quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng quận, thì người Tàu thường gọi Quảng Đông là Âu Việt, Quảng Tây là Tây Âu, Việt Nam là Lạc Việt. Từ thuở các vua Hùng mở nước cho đến khi Thục Phán nổi lên từ Tây Âu đánh bại vua Hùng cuối cùng và kiêm tính Lạc Việt để lập ra nước Âu Lạc vào năm 257 trước Công nguyrên thì người Tàu gọi xứ này là Môn Lang (Làng của người Môn). Trong quá trình tiến hóa của Hoa ngữ, đến thời Hán Đường, người Tàu đọc môn là văn, cũng như ngày nay, người Tàu lại đọc văn thành wen (uân).

Mà Hán tự lại là thứ chữ tượng hình, không phải là thứ chữ ký âm, cho nên dù đọc là môn, là văn hay là wen thì chữ cũng viết y hệt nhau. Dân ta tiếp thụ Hán tự vào thời Hán Đường, khi mà chữ môn đã được đọc là văn, cho nên Môn Lang trở thành Văn Lang trong sử sách nước ta.

Việc người Tàu trước thời Tần Thủy Hoàng gọi địa bàn sinh hoạt của cư dân Bách Việt là Môn lang (làng của người Môn) phù hợp với các kiến giải nhân chủng học cận đại cho rằng người Môn ở Nam Á (người Indonesian) bị người Aryens đánh đuổi nên tràn qua Đông Dương và Hoa Nam rồi về sau Hán hóa mà trở thành người Tiều, người Quảng, người Việt v.v., chỉ rơi rớt các phần tử rút vào rừng sâu là còn giữ nguyên bản sắc mà điển hình là người Mường ở bắc bộ Đông Dương. Người Tây Âu và người Lạc Việt thời bấy giờ (người Môn) ở trần, đóng khố, nên trong văn thư gửi Hán Văn Đế, Triệu Vũ Vương đã nói dân Âu Lạc là dân trần truồng (5). Gần đây, Hoàng Văn Chí, vốn là dân Thanh Hóa chính gốc, đã viết rằng dân Mường Thanh Hóa ngày nay vẫn tự xưng: Tôi là người Môn, tôi là người Mọi .


Miền Trung Trung Bộ buổi đầu chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc ít hơn so với
các miền khác. Thật vậy, quá trình Hán hóa của Hoa Nam và bắc bộ Đông Dương tiến triển theo những mức độ khác nhau, càng xuống phía nam chừng nào thì càng yếu đi và chậm lại. Quận Nam Hải đã bắt đầu Hán hóa sớm từ thời Nhâm Ngao, khi nhà Tần cung cấp một vạn năm nghìn gái Hoa Bắc cho đạo quân Tần chiếm đóng Nam Hải. Quận Nam Hải cũng Hán hóa sâu đậm và trọn vẹn vì từ thời đó cho đến nay, quận Nam Hải vĩnh viễn bị người Tàu đô hộ, lần lượt trở thành một châu (Quảng châu), rồi một tỉnh (Quảng Đông) của Trung Quốc. Các quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam giao tiếp với văn hóa Hán tộc sau khi Triệu Đà chiếm Âu Lạc, và thực sự bắt đầu Hán hóa khi nhà Hán gộp tất cả vào Giao Chỉ Bộ vào năm 111 trước Công nguyên.

Nhưng các quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, sau nhiều lần nổi dậy thất bại, cuối cùng đã thoát được vòng lệ thuộc người Tàu. Hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân bị đô hộ 1049 năm, đến năm 938 sau Công nguyên đời Tống Thái Tổ thì Đinh Bộ Lĩnh nổi lên từ huyện Gia Viễn, dựng cờ tự chủ, lập nên nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình).

Quận Nhật Nam ở xa hơn nên chỉ bị đô hộ 303 năm, đến năm 192 sau Công nguyên đời Hán Hiến Đế thì Khu Liên nổi lên ở huyện Tượng Lâm (6), dựng cờ tự chủ, lập nên nước Lâm Ấp, đóng đô ở Trà Kiệu (Quảng Nam). Mức độ Hán hóa khác biệt giữa Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam không đơn thuần chỉ vì thời gian Bắc thuộc dài ngắn khác nhau mà còn vì lý do là sau khi độc lập, Giao Chỉ và Cửu Chân (Đại Cồ Việt, Đại Việt) tự nguyện tiếp tục tiếp thụ văn hóa Trung Hoa, còn Nhật Nam (Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành) thì trở lại với văn hóa Ấn Độ.

Hai hướng đi riêng rẽ này trãi qua một thời gian dài 1279 năm, và chấm dứt lúc toàn bộ Nhật Nam vĩnh viễn thống nhất trở lại với Giao Chỉ, Cửu Chân vào năm 1471 đời Lê Thánh Tông. Miền Trung Trung Bộ lại cùng với Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp thụ văn hóa Trung Hoa.

Miền Trung Trung Bộ là quận Nhật Nam đời Hán, điều đó đã được chính sử ghi chép rõ ràng. Nhưng miền Trung Trung Bộ còn có một danh xưng khác xưa hơn: miền Trung Trung Bộ là bộ Việt Thường nước Văn Lang (Môn Lang) đời Hùng Vương. Tuy điều này chỉ là truyền thuyết, không dựa vào những chứng tích xác tín của khoa khảo cổ, nhưng đã có những cơ sở vững chắc và dồi dào về mặt lịch sử, văn học và chính trị. Sử cũ nước ta chép rằng Việt Thường là một trong 15 bộ của nước Văn Lang, ở vào vị trí vùng Bình Trị Thiên ngày nay (7).

Mặt khác, trong văn học nước ta và văn học Trung Quốc thì nhan nhãn những sáo ngữ Ngựa Hồ trông gió Bắc, Chim Việt đậu cành Nam (Hồ mã tê Bắc phong, Việt điểu sào Nam chi). Chim Việt là chim của xứ Việt Thường. Sử cũ nước Tàu chép rằng vào đời Chu Thành vương, sứ bộ xứ Việt Thường đem cống chim trĩ trắng, chim nhớ quê hương miền nam nên cứ tìm cành nam mà đậu. Sử cũ nước Tàu còn chép thêm rằng sứ giả xứ Việt Thường nói thứ tiếng phải qua 12 lần trung gian phiên dịch mới hiểu được, rằng Triều đình nhà Chu (Chu Công Đán) tặng sứ bộ Việt thường xe chỉ nam để sứ bộ tiện tìm đường về xứ v.v.

Thật ra thì cho tới nay cũng chưa có sách vở nào khẳng định cái xứ Việt Thường đem cống chim trĩ trắng cho nhà Chu nằm vào cương vực nước ta ngày nay. Sách xưa của Tàu (thiên Vũ Cống) nói rằng xứ Việt Thường ở phía nam đất Giao Chỉ, nhưng danh xưng Giao Chỉ chép trong sách xưa của Tàu là để chỉ vùng đất có giao long (cá sấu) (8), tức là vùng đất ở giữa các hồ Động Đình và Phiên Dương, chứ không phải là Giao Chỉ Bộ đời Hán. Mặt khác, một vài nhà khảo cổ người Pháp thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội cho rằng Việt Thường là nước Xa Lý xưa kia ở trong cương vực tỉnh Vân Nam ngày nay (9).


Vậy chỉ có điều chắc chắn là xứ Việt Thường đó ở về phương nam, trong vùng cư trú của chủng tộc Bách Việt. Còn khẳng định rằng xứ Việt Thường đó là bắc bộ quận Nhật Nam đời Hán thì là một việc làm có phần vội vã. Hơn nữa, nếu Việt Thường là một bộ của nước Văn Lang thì thử hỏi tương quan giữa bộ Việt Thường và nhà nước trung ương Văn Lang như thế nào mà địa phương Việt Thường lại tự tiện đem chim trĩ trắng trực tiếp giao thiệp với nước ngoài. Tuy vậy, vẫn có sự mặc nhiên công nhận những dữ kiện lịch sử và chính trị khẳng định miền Trung Trung Bộ xưa kia là xứ Việt Thường, cả về phía chính giới Việt Nam lẫn về phía chính giới Trung Quốc.

Thật vậy, sau khi lên ngôi vua, cùng trong năm 1802, Gia Long trước sau liên tiếp cử Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định cầm đầu 2 sứ bộ sang Tàu cầu phong. Trong biểu tấu, Gia Long xin nhà Thanh cho đặt tên nước là Nam Việt, lấy lý do là đã thống nhất An Nam và Việt Thường làm một mối. An Nam là Đàng Ngoài, từ Bắc Bộ tới Hà Tĩnh. Việt Thường là Đàng Trong, từ Quảng Bình tới Nam Bộ. Triều Đình nhà Thanh họp bàn, không mảy may thắc mắc về danh xưng Việt Thường, nghĩa là mặc nhiên nhận rằng Việt Thường là phần đất phía nam Đèo Ngang, mà chỉ thắc mắc về danh xưng Nam Việt, nghi ngại Gia Long nhắc nhở đến nước cũ của Triệu Đà với ý đồ xin trả lại đất Lưỡng Quảng.

Vì vậy, thay vì Nam Việt, nhà Thanh đổi ngược lại là Việt Nam, phong cho Gia Long tước vị Việt Nam Quốc Vương, vẫn với ý nghĩa là đã thống nhất An Nam và Việt Thường làm một mối. Với việc tấn phong này, cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc đều dùng danh xưng Việt Thường để chỉ phần đất phía nam Đèo Ngang, chủ yếu là miền Trung Trung Bộ.


Về danh xưng An Nam cũng có nhiều điều đáng bàn. An Nam là tên nước ta, do người Tàu đặt ra. Trước thời Gia Long triều Nguyễn, vua nước ta các triều Lý, Trần, Hồ và Hậu Lê được vua Tàu tấn phong là An Nam Quốc Vương (3,4). Các vua triều Mạc chỉ được phong An Nam Đô Thống Sứ. Sách giáo khoa môn sử cấp phổ thông của Trung Quốc hiện nay ghi Năm 1885 An Nam mất , hàm ý năm 1885, Trung Quốc phải ký Hòa ước Thiên Tân nhìn nhận quyền của nước Pháp bảo hộ nước ta.

Nhiều người nghĩ rằng danh xưng An Nam người Tàu dùng để chỉ nước ta bắt nguồn từ danh xưng An Nam Đô Hộ Phủ của thời nước ta thuộc nhà Đường.Người nước ta không thích hai tiếng An Nam, nghĩ rằng từ ngữ này ngụ ý khinh miệt. Sự thực thì vào thời nhà Đường, những vùng xung yếu ở biên cương được giao phó cho tướng võ cai trị, châu được cải thành đô hộ phủ, thứ sử được thay thế bằng tiết độ sứ, giống như ngày nay có chế độ quân quản vậy. Trở lại việc cải cách châu quận nước ta vào thời Bắc thuộc thì thấy rõ. Đời Tây Hán lập Giao Chỉ Bộ. Qua đời Đông Hán thì Giao Chỉ Bộ đổi thành Giao Châu. Đời Đông Ngô thì Giao Châu được chia làm hai: phần phía bắc là Quảng Châu, phần phía nam là Giao Châu. Lúc bấy giờ, huyện Tượng Lâm đã nổi lên độc lập, trở thành nước Lâm Ấp.

Năm 248 sau Công nguyên, quân Lâm Ấp đánh chiếm thành Khu Túc của quận Nhật Nam và cướp phá hai quận Cửu Chân và Giao Chỉ, san bằng hai quận thành này thành bình địa. Ngô chúa Tôn Quyền sai Lục Dận đem đại binh sang ứng phó, Lâm Ấp mới lui binh, nhưng vẫn giữ thành Khu Túc (6). Từ đó trở đi, quân Lâm Ấp và quân Giao Quảng của Trung Quốc đánh nhau liên miên, chủ yếu là trên phần đất bắc bộ quận Nhật Nam, trong bốn thế kỷ, khi thắng khi bại, khi thì quân Lâm Ấp của Phạm Văn chiếm đất đến đèo Ngang, khi thì quân của Đàn Hòa Chi nhà Tống kéo vào chiếm thành Trà Kiệu và quân của Lưu Phương nhà Tùy chiếm đất đến mũi Diều (còn gọi là mũi Nậy, người Pháp gọi là cap Varella), lại có khi hai bên giảng hòa, lấy bến Ôn Công (mũi Chân Mây ở cực nam Thừa Thiên) làm ranh giới (6).

Để ứng phó với tình hình căng thẳng như vậy, nhà Tấn lập thêm quận Cửu Đức (Nghệ Tĩnh) và huyện Thọ Lãnh (huyện Phú Lộc ở nam Thừa Thiên), và nhà Tùy đặt lại các quận Tỵ Cảnh (Quảng Bình, Bắc Quảng Trị), Hải Âm (Quảng Trị, Thừa Thiên) và Lâm Ấp (Quảng Nam, Bình Định).


Đến khi nhà Đường thay nhà Tùy thì vua Lâm Ấp là Phạm Phạn Chí nổi lên chiếm lại toàn bộ đất Nhật Nam cũ, tức là miền Trung Trung Bộ ngày nay, từ đèo Ngang đến mũi Diều. Để củng cố biên phương, nhà Đường đổi Giao Châu thành An Nam Đô Hộ Phủ, đặt chức Lĩnh Nam Tiết Độ Sứ để phòng chống Nam Chiếu và Lâm Ấp, cũng như đã đổi Lương Châu thành An Tây Đô Hộ Phủ và đặt chức Tây Lương Tiết Độ Sứ để phòng chống rợ Khương vậy, chứ tuyệt nhiên chẳng có hậu ý gì.

Hơn nữa, từ ngữ An Nam đã được người Tàu sử dụng từ trước để chỉ miền đất phía nam Trung Quốc, chứ đâu phải bắt đầu từ đời Đường. Thực vậy, Ngô chúa Tôn Quyền đã phong Lục Dận làm Giao Châu Thứ Sử, An Nam Hiệu Úy ngay sau khi quân Lâm Ấp xâm phạm Giao Châu vào năm 248, nghĩa là trước khi nhà Đường đặt phủ An Nam Đô Hộ bốn năm trăm năm.

Nhà Tề thời Nam Bắc triều cũng đã phong cho vua Lâm Ấp là Phạm Chư Nông tước vị An Nam Tướng Quân Lâm Ấp Vương vào năm 492, nghĩa là trước khi nhà Đường đặt phủ An Nam Đô Hộ trên dưới ba trăm năm. Suy diễn rằng danh xưng An Nam bắt nguồn từ An Nam Đô Hộ Phủ và trách cứ nhà Đường sử dụng từ ngữ An Nam với hàm ý khinh miệt là không đúng. Nếu có những người Tàu tỏ ra cao ngạo là vì thời Bắc thuộc đa số dân ta tiêu cực, cam phận làm nô lệ, hoặc về sau này, tuy đã giành lại quyền tự chủ nhưng tỏ ra quá hâm mộ văn hóa Trung Quốc, chứ nào có liên can gì đến hai tiếng An Nam.


Miền Trung Trung Bộ là đất hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam đời Hậu Lê. Khi nhà
Mạc cướp ngôi nhà Lê, một cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim chạy sang Lào tìm một người tông thất nhà Lê tôn lên ngôi vua rồi kéo quân về chiếm lại Thanh Hoa, tạo ra cuộc diện phân tranh Nam Bắc Triều. Bắc Triều là nhà Mạc từ Sơn Nam trở ra, Nam Triều là nhà Lê Trung Hưng từ Thanh Hoa trở vào.

Sau khi Nguyễn Kim bị người hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, binh quyền Nam Triều về tay người con rể là Trịnh Kiểm. Hai con trai của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng có ý lấy lại binh quyền nên Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết, Nguyễn Hoàng phải giả điên. Về sau, Nguyễn Hoàng theo kế của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân, có nghĩa là một dãy Hoành sơn, dung thân muôn đời, nên xin đi trấn thủ Thuận Hóa là vùng đất ở phía nam Hoành sơn. Trịnh Kiểm nghĩ rằng Thuận Hóa xa xôi, rừng thiêng nước độc, lại còn dư đảng nhà Mạc, Nguyễn Hoàng vào đó trước sau cũng chết, nên thuận cho đi. Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, lập kế giết được tướng nhà Mạc là Lập Bạo, vỗ yên trăm họ, ít lâu sau lại kiêm lĩnh Trấn Thủ Quảng Nam, mở mang Thuận Quảng thành một xứ giàu có an lạc, dân tình thuần hậu, ngoài đường không ai nhặt của rơi, ban đêm không nhà nào cài cửa.

Đến đời con là Nguyễn Phúc Nguyên, quân lương sung mãn, tướng sĩ một lòng, họ Nguyễn ra mặt chống đối họ Trịnh, gây ra cuộc diện phân tranh Đàng Trong Đàng Ngoài. Từ đó, miền Trung Trung Bộ chuyển mình, từ vai trò xung kích của căn cứ địa Thăng Long trong sự nghiệp nam tiến của dân tộc ta, trở thành điểm trung tâm xuất phát các chiến dịch mở nước vĩ đại về phương nam và phương tây, thậm chí cả về phương đông, mà các triều đại trước không triều đại nào sánh kịp.


Các chúa Nguyễn rồi đến các vua Nguyễn qui thuận các tàn dư Chiêm Thành ở Nam Trung Bộ, khai khẩn Thủy Chân Lạp, kiêm tính Hà Tiên, bảo hộ Cao Miên rồi thiết lập Trấn Tây Thành, tiến lên Tây Nguyên khai hóa Thủy Xá Hỏa Xá, vượt Trường Sơn bảo hộ Vạn Tượng, thiết lập các phủ huyện Hạ Lào, vượt biển Đông cắm mốc chủ quyền và khai thác hải sản trên quần đảo Hoàng Sa. Cho đến cuối thế kỷ 19, khi người Pháp đánh chiếm nước ta làm thuộc địa, quan dân, tướng sĩ miền Trung Trung Bộ là thành phần chủ lực của lực lượng dân tộc đã mở rộng lãnh thổ nước ta lớn gấp ba lần trước kia trong vòng chưa đến ba trăm năm.


Thời Pháp thuộc, người Pháp gọi chung dân ta từ Nam Quan cho đến Cà Mau là người An Nam (Annamite). Ngoài ra, người Pháp còn dùng danh từ Tonkinois để gọi những người chánh quán Bắc Kỳ và danh từ Cochinchinois để gọi những người chánh quán Nam Kỳ.

Riêng đối với người Trung Kỳ, chánh quán từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, thì người Pháp vẫn gọi họ là Annamite. Cũng cùng là người An Nam, tức là người Việt Nam, mà người Pháp phân biệt ra Tonkinois, Annamite với Cochinchinois, là vì sau khi chiếm nước ta, người Pháp không những ấy hết đất đai của ta ở phía tây kênh Vĩnh Tế trả lại cho Cao Miên, ở phía tây núi Trường Sơn nhập vào Lào, mà còn chia cắt phần còn lại của nước ta làm ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, và Nam Kỳ.

Người Pháp gọi Bắc Kỳ là Tonkin, Nam Kỳ là Cochinchine, và lập lờ dùng cái tên cũ An Nam của người Tàu đặt ra trước kia để gọi Trung Kỳ. Sở dĩ như vậy là vì người Pháp thi hành triệt để chính sách chia để trị đối với Việt Nam, làm cho người Việt Nam chia rẽ nhau, chống đối nhau, thù ghét nhau, một chính sách thâm độc mà Jules Harmand đã nói rõ trong một công hàm gửi về Bộ Ngoại giao Pháp ngày 15-07-1885, nhấn mạnh chủ điểm:Mục đích của tôi là phá cho tan vỡ khối gắn liền của An Nam, chia cắt nó ra từng mảnh nhỏ, rời ra, để không bao giờ nó có thể tập họp được lực lượng chống lại chúng ta (10).

Trong khuôn khổ chính sách chia rẽ đó, người Pháp âm thầm làm cho mọi người tin rằng người Việt Nam ở ba miền trung nam bắc không cùng chung chủng tộc, rằng người Trung Kỳ mới là người An Nam chính gốc, Annamite de pur sang, còn người Bắc Kỳ là dân Tàu lai, và người Nam Kỳ là dân hỗn chủng tứ xứ. Thật là hồ đồ và cực kỳ phản động! Mặt khác, người Pháp ra mặt nâng đỡ người Nam Kỳ, cho họ hưởng nhiều đặc quyền chính trị hơn người Bắc và Trung Kỳ, đồng thời công khai kỳ thị người Trung Kỳ, giới hạn tối đa các quyền lợi pháp định của người Trung Kỳ qua trung gian bộ máy quan lại nhà nước bù nhìn Nam Triều.

Khi thành lập trường đào tạo sĩ quan ở Tông và ban hành qui chế sĩ quan bản xứ, Toàn Quyền Đông Dương ký nghị định ghi rõ cấp bậc cao nhất dành cho người Nam Kỳ là Đại tá, cho người Bắc Kỳ là Thiếu tá, còn người Trung Kỳ tối đa chỉ được thăng Trung úy.

Cũng cần lưu ý là các danh từ Tonkin và Cochinchine không phải mới ra đời cuối thế kỷ 19, khi người Pháp đến đặt nền đô hộ và lập ra xứ Đông Dương thuộc Pháp (Indochine francaise) với 5 thành viên Tonkin, Annam, Cochinchine, Cambodge và Laos, mà đã có từ những ngày xa xưa, lùi lại mấy thế kỷ về trước, khi người Tây Dương bắt đầu đến Viễn Đông buôn bán và truyền đạo. Lúc bấy giờ nước ta đang ở tình trạng nam bắc phân tranh, chúa Trịnh cai trị Đàng Ngoài, từ Bắc Bộ đến sông Gianh, và chúa Nguyễn cai trị Đàng Trong, từ sông Gianh đến Nam Bộ.

Thủ phủ Đàng Ngoài là Đông Kinh (Hà Nội) nên người Tây Dương gọi Đàng Ngoài là Vương quốc Đông Kinh (Royaume de Tonkin). Tuy thủ phủ Đàng Trong là Phú Xuân (Huế) nhưng thuyền bè Tây Dương thuận đường thường thường năng ghé Hội An ở Quảng Nam hơn nên người Tây Dương gọi Đàng Trong là Vương Quốc Quảng Nam (Royaume de Quang Nam). Lại thêm Đàng Trong ở giữa đường từ Cochin (miền đông Ấn Độ) đến Trung Quốc (Chine) nên người Tây Dương còn gọi Đàng Trong là Cochinchine. Còn Nam Bộ ngày nay ì ở vùng châu thổ Mékong đất thấp nên lúc bấy giờ người Tây Dương gọi là Basse Cochinchine. Chỉ đến thời Pháp thuộc lập ra Indochine francaise thì Basse Cochinchine mới trở thành Cochinchine.

Miền Trung Trung Bộ, từ Quảng Bình đến Phú Yên, vào những năm 1945-1946, là Đệ Thất Khu Bộ của Quốc Dân Đảng Việt Nam (11). Quốc Dân Đảng Việt Nam là liên minh kết hợp 3 đảng phái quốc gia chống Pháp: Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học, Đại Việt Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh, và Đại Việt Dân Chính Đảng của Nguyễn Tường Tam.Nguyễn Thái Học đã vĩnh viễn đi vào lịch sử vàng son của dân tộc từ năm 1930 tại Yên Bái.

Người đại diện của Việt Nam Quốc Dân Đảng bấy giờ ngồi chung với Trương Tử Anh và Nguyễn Tường Tam là Vũ Hồng Khanh, Chủ nhiệm Hải Ngoại Chấp Hành Ủy Viên Hội của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Côn Minh. Quốc Dân Đảng Việt Nam chính thức hình thành từ tháng 5 năm 1945 tại Trùng Khánh, nhưng mãi đến ngày 15-12-1945 mới sinh hoạt công khai tại Hà Nội, trụ sở của Trung Ương Đảng Bộ đặt ở trường Tiểu học Đỗ Hữu Vị, và sau ngày 13-07-1946 thì dời về số 83 phố Hàng Đẫy. Dưới Trung Ương Đảng Bộ là các Khu Bộ: Bắc Việt có 5 Khu Bộ, Thanh Nghệ Tĩnh là Đệ Lục Khu Bộ, từ đèo Ngang đến đèo Cả là Đệ Thất Khu Bộ, phía nam đèo Cả và Nam Bộ có 3 Khu Bộ.

Nhìn chung, các Khu Bộ miền Bắc nặng về quân sự, phần đông đảng viên là từ Trung Quốc kéo về, thiên về đường lối bạo lực vũ trang để chiếm đóng lãnh thổ và cướp đoạt chính quyền hơn là nhẫn nại đấu tranh chính trị để tranh thủ nhân tâm và củng cố cơ sở hạ tầng. Các Khu Bộ miền Nam còn non trẻ, hầu hết cán bộ nòng cốt là nhóm sĩ quan Lạc Triệu của Đại Việt Quốc Dân Đảng theo Phạm Cao Hùng (Triệu Giang) vào tăng cường. Rút lại, chỉ có Đệ Lục và Đệ Thất Khu Bộ là vững vàng về ý thức chính trị và tổ chức cơ sở. Tại Thanh Hóa, Quốc Dân Đảng Việt Nam xây dựng chiến khu Gi Linh Bái Thượng thành một căn cứ vững chãi.

Tại Huế, nơi đặt trụ sở Đệ Thất Khu Bộ, Bửu Hiệp đã khéo léo lãnh đạo đảng viên đặt quyền lợi quốc gia trên tỵ hiềm đảng phái, hàng ngày cắt cử Nguyễn Trung Thuyết và Ngô Văn Hân vào Đại Nội họp bàn với Tố Hữu để giải quyết các vụ xung đột phe phái. Tại Quảng Nam, Trương Phước Tường, Phan Bá Lân, Hoàng Tăng (Hoàng Bình), Phan Ngô, Huỳnh Hòa, Nguyễn Đình Thiệp, từ cuối năm 1945, đã xây dựng nhiều cơ sở quần chúng vững mạnh. Bởi vậy, ở miền Trung Trung Bộ, chính quyền tuy nằm trong tay Việt Minh nhưng lòng dân thì hơn phân nửa theo về Quốc Dân Đảng Việt Nam.

Cánh tay của Đệ Thất Khu Bộ còn vươn dài ra tới Hà Nội. Đệ Thất Khu Bộ tổ chức một trung tâm huấn luyện tại số 9 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội, do Phan Kích Nam (Phan Xuân Thiện) phụ trách, để cung ứng cán bộ trung cấp cho Trung Ương và cho các Khu Bộ bạn. Sau khi hiệp định sơ bộ ngày 06-03-1946 được Hồ Chí Minh và Jean Sainteny ký kết, dư luận trong nước xôn xao, tờ Thiết Thực của nhóm Ngũ Xã và các tờ Việt Nam, Chính Nghĩa, Sao Trắng của Quốc Dân Đảng Việt Nam không tiếc lời công kích Việt Minh bán rẻ đất nước cho thực dân. Mặc dù Lê Khang (Lê Văn Ninh) và Trần Văn Giàu trong ban liên kiểm đi khắp nơi dàn xếp, ''Việt Quốc Lê Văn Ninh, Việt Minh Trần Văn Giàu'', mâu thuẫn giữa Việt Minh và Quốc Dân Đảng mỗi ngày một lớn.

Cuối cùng, Việt Minh trở mặt bày ra các vụ phố Ôn Như Hầu và cầu Chiêm Sơn để lấy cớ truy lùng và tiêu diệt cán bộ Quốc Dân Đảng Việt Nam (12). Trong các vụ thảm sát này, Đệ Thất Khu Bộ ở miền Trung Trung Bộ bị thiệt hại nhiều nhất. Trương Phước Tường bị bắt từ mồng ba Tết 1946 và bị thủ tiêu năm 1947 tại lao xá Nghi Hạ, huyện Quế Sơn. Phan Kích Nam bị bắt tại trụ sở phố Ôn Như Hầu sáng 13-07-1946 rồi bị giết cùng với Lê Khang ở bãi cỏ bên hông đề lao Phú Thọ đầu năm 1947. Nguyễn Trung Thuyết bị bắt tại nhà Bửu Hiệp một buổi trưa cuối tháng 10-1946 và bị chết ở lao xá Đồng Hới cuối năm đó. Ngô Văn Hân bị bắt ở Bàu Vá và bị xử bắn ở Nam Đông, ngoại ô thành phố Huế, vào khoảng năm 1950.

Cũng cùng thời gian đó, ngày 29-11-1950, Bửu Hiệp bị ám sát tại nhà riêng ở Gia Hội. Tại Quảng Nam, các cán bộ Quốc Dân Đảng nòng cốt bị giam ở Nghi Hạ hoặc Trà Linh, đều thuộc huyện Quế Sơn, chết dần mòn vì bệnh tật và suy dinh dưỡng, ai sống sót thì cũng bị thủ tiêu vào đầu năm 1947, Trăng hai tròn xác chết đã năm thây, mượn đất Trà Linh chôn sấp ngữa; Chiếu một manh kẹp tre thêm bảy tấm, gọi hồn Tổ Quốc chứng ngay gian. Nói chung tại miền Trung Trung Bộ, ngoại trừ một số ít như Phan Quang Bổng ở Quảng Ngãi, Tạ Chương Phùng, Tạ Chí Diệp ở Bình Định, may mắn kịp thời chạy thoát, các đảng viên nòng cốt khác của Quốc Dân Đảng Việt Nam đều lần lượt sa lưới cộng sản và bị sát hại.

Từ năm 1945, Việt Minh cũng chia nước ta thành nhiều khu. Miền Trung Trung Bộ, nửa phần phía bắc thuộc Khu Bốn, nửa phần phía nam là Khu Năm. Hiệp định sơ bộ ngày 06-03-1946 cho Pháp đem quân chiếm đóng Huế và Đà Nẵng, và từ các cứ điểm đó, lúc chiến tranh bột phát vào cuối năm 1946, quân Pháp đánh bung ra, phía bắc tới Đồng Hới, phía nam tới Tam Kỳ. Khi chính quyền Bảo Đại được thiết lập ở miền Trung vào năm 1948 thì chỉ có đoạn giữa mà thôi, còn hai đầu thì phần lớn vẫn là Khu Bốn và Khu Năm của Việt Minh, khiến người ta liên tưởng tới tình trạng miền Trung Trung Bộ của thế kỷ trước:
Gẫm xem thế sự thêm rầu,
Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi.

Sau hiệp nghị Genève năm 1954, đất nước chia hai, Quảng Bình và phần đất phía bắc vĩ tuyến 17 trở lại thuộc Khu Bốn, còn Quảng Trị và Thừa Thiên thì Việt Cộng tổ chức thành Đặc Khu Trị Thiên. Phần đất phía nam Hải Vân đối với Việt Cộng vẫn là Khu Năm như cũ. Phía Việt Nam Cộng Hòa thì về mặt hành chánh, phần đất Trung Bộ phía nam vĩ tuyến 17 (Trung Phần) được chia làm Trung Nguyên và Cao Nguyên, về mặt quân sự thì tổ chức thành Quân Khu I và Quân Khu II. Sau năm 1963, các tòa Đại Biểu Chính Phủ Trung Nguyên và Cao Nguyên được bãi bỏ, Quân Khu đổi thành Vùng Chiến Thuật kiêm quản cả hành chánh lẫn quân sự.

Ngày nay, miền Trung Trung Bộ có 7 tỉnh và 1 thành phố thuộc Trung Ương: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Miền Trung Trung Bộ là xứ đá trọi cây cằn, một bên là núi cao rừng cả, một bên là biển rộng vũng sâu, lại thêm khí hậu khắc nghiệt, quanh năm nắng lửa mưa dầu, làm ăn cật lực vẫn không đủ sống, do đó, người dân miền Trung Trung Bộ chăm làm chứ không ham nói, kiên nhẫn đến độ gan lì, không nề hà công việc gian khổ, quyết tâm cao, lập chí lớn, giữ vững khí tiết, và bất khuất trước quân thù. Ngay từ buổi đầu trở về với cội nguồn dân tộc, miền Trung Trung Bộ đã cung ứng cho đất nước những con người như Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị, là linh hồn của cuộc kháng chiến đời Hậu Trần, khiến tướng nhà Minh là Trương Phụ phải mở miệng thề độc:Ta sống phen này là ở Hóa Châu,ta chết phen này cũng ở Hóa Châu .

Những khi đất nước lâm cảnh qua phân, dù ở bên này hay ở bên kia chiến tuyến, người dân miền Trung Trung Bộ luôn luôn đảm trách công việc đứng mũi chịu sào, xưa kia thì Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, gần đây thì Ngô Đình Diệm, Lê Duẫn, Trương Tử Anh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Ngô Đình Nhu.

Trung liệt, tiết tháo, thà bị giết chết chứ không chịu đầu hàng, hay tự sát không để thân lọt vào tay quân thù, xưa kia thì Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Thái Phiên, Lê Trung Đình, gần đây thì Đinh Phu nhân, Ấu Triệu, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai. Nêu cao khí phách sĩ phu, xưa kia thì Nguyễn Lộ Trạch, Phan Chu Trinh, Trần Cao Vân, gần đây thì Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng, Tạ Chương Phùng, Phùng Quán. Giới tu hành gốc gác miền Trung Trung Bộ cũng không hiếm những nhân vật kiệt xuất, ưỡn thân đón lấy đầu sóng ngọn gió để che đỡ cho giáo đồ, Lê Hữu Từ, Thích Tịnh Khiết, Thích Trí Thủ, Nguyễn Kim Điền, Thích Huyền Quang, Nguyễn Văn Thuận, Thích Trí Tựu, Nguyễn Văn Lý. Miền Trung Trung Bộ có cái trí dũng của con người lại thêm cái hiểm trở của núi sông.

Nguyễn Hoàng lúc lâm chung đã dặn bảo con nối nghiệp là Nguyễn Phúc Nguyên rằng: Đất Thuận Quảng, phía bắc có Hoành sơn, phía nam có Hải Vân sơn và Thạch Bi sơn, địa thế hiểm trở, là nơi để cho anh hùng dụng võ, vậy con phải thương yêu sĩ tốt, vỗ yên trăm họ, để xây dựng sự nghiệp muôn đời . Núi thì cao, sông thì sâu, Núi Truồi ai đắp mà cao, Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu , lại thêm những cảnh trí trữ tình điểm xuyết, Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử, Gái trông chồng lên đứng núi Vọng Phu, miền Trung Trung Bộ quả là nơi địa linh nhân kiệt.

Tháng 9 năm 2001
Chú giải:

(1) Nhượng Tống. Cảm đề lịch sử:
Ba xứ non sông một giải liền,
Máu đào, xương trắng điểm tô nên.
Cơ trời dù đổi trò tang hải,
Mặt đất chưa tàn nghiệp tổ tiên.
Có nước có dân đừng rẻ rúng,
Muốn còn muốn sống phải đua chen.
Giật mình nhớ chuyện nghìn năm cũ,
Chiêm, Lạp xưa kia vốn chẳng hèn.

(2) Nguyễn Thế Anh. Việt Nam Thời Pháp Đô Hộ. Lửa Thiêng. 1970. Sài Gòn. VN.
(3) Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Tân Việt. 1964. Sài Gòn, VN.
(4) Phạm Văn Sơn. Việt Sử Tân Biên. Thư Lâm Ấn Thư Quán. 1960. Sài Gòn, VN.
(5) Tư Mã Thiên. Sử Ký. Thư Nam Việt Vương Triệu Đà gửi Hán Văn Đế.
(6) Phan Khoang. Việt Sử Xứ Đàng Trong. Xuân Thu. Houston, TX, USA.
(7) 15 Bộ của nước Văn Lang:
1. Văn Lang (Bạch Hạc, Vĩnh Yên)
2. Châu Diên (Sơn Tây)
3. Phúc Lộc (Trung châu)
4. Tân Hưng (Hưng Hóa, Tuyên Quang)
5. Vũ Định (Thái Nguyên)
6. Vũ Ninh (Bắc Ninh)
7. Lục Hải (Lạng Sơn)
8. Ninh Hải (Quảng Yên)
9. Dương Tuyền (Hải Dương)
10.Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng yên, Nam Định)
11.Cửu Chân (Thanh Hóa)
12.Hoài Hoan (Bắc Nghệ An)
13.Cửu Đức (Nam Nghệ An, Hà Tĩnh)
14.Việt Thường (Bình Trị Thiên)
15.Bình Văn (?)

(8) Trần Kinh Hòa. Khảo về danh xưng Giao Chỉ. Tạp chí Đại Học. 1960. Huế, VN.
(9) B.E.F.E.O Tome 8. Les barbares du Yun-Nan. 1908. Hà Nội, VN.
(10) Nguyễn Xuân Thọ. Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam. Mekong 1994. Santa Anna, CA, USA.
(11) Hoàng Văn Đào. Việt Nam Quốc Dân Đảng. Khai Trí. 1964. Sài Gòn, VN.
(12) Hồ Văn Châm. Câu chuyện xoay quanh lá cờ. Tạp chí Cách Mạng số 6, tháng 2-1997. Houston, TX, USA.

No comments: