Sunday, November 7, 2010

DƯƠNG THU HƯƠNG * NHÀ BÁO HÀ NỘI & NÔNG DÂN





NHÀ BÁO HÀ NỘI & NÔNG DÂN

Dương Thu Hương



Khoảng ba giờ sáng, tiếng còi xe lửa từ ga Hàng Cỏ vọng tới, Linh bừng tỉnh. Cô vươn vai. Cánh tay chạm vào bộ ngực trần ấm nóng của Nguyên. Giật mình, người đàn bà ngồi nhổm dậy. Nguyên ngủ say, tóc xoã trên gối. Hơi thở anh phảng phất mùi thuốc lá rẻ tiền. Bao giờ, anh cũng tiết kiệm dành dụm cho vợ con. Linh nhớ lại mọi chuyện và nỗi hổ thẹn khiến cô nóng ran người. Mình đã chung đụng với Nguyên không vì tình yêu mà bởi thói quen. Một phút buông thả trong bóng tối. Chỉ có những con thú mới tìm đến với nhau vì tiếng kêu khác giống và chỉ những kẻ ngu muội mới cúi đầu tuân thủ thói quen và những ước lệ...

Khi Nguyên thức dậy, anh thấy vợ ngồi vò võ trong ánh chập choạng của rạng đông. Cô nhìn anh với cặp mắt thâm quầng. Nguyên thông minh, anh hiểu tất cả :

- Anh xin lỗi em.
Cô không đáp.
Anh ôm gối trở lại giường mình. Nhưng đôi mắt trống rỗng và nhức nhối của Linh vẫn đuổi theo anh. Nguyên tìm bao thuốc rồi trở lại ngồi bên vợ, với chiếc gạt tàn bằng vỏ ốc:

- Nếu em muốn, anh sẽ không bao giờ tới gần em.
Anh nói.
Linh dường như chẳng chú ý tới lời nói của anh, cô thì thầm :
- Em khinh anh. Bây giờ, em khinh cả chính mình.
- Đừng nói thế. Chẳng có gì nghiêm trọng như em tưởng. Em là người đàn bà quá giàu suy tưởng và khe khắt.
- Đúng. Với mọi người chẳng có gì là nghiêm trọng.

Linh biết chồng nói chính xác: Chẳng có gì nghiêm trọng thật. Khu nhà này ai cũng kính trọng Nguyên. Một trí thức trẻ giàu hiểu biết, sống nghiêm túc và độ lượng với mọi người. Một người chồng yêu vợ thắm thiết và một người cha mẫu mực. Anh đã dẫm chân lên cái bục dành cho những người có uy tín trong xã hội quá sớm so với tuổi của anh... Có lẽ, mình là một người đàn bà quá quắt. Có lẽ, cuộc đời thật bao hàm nhiều bóng tối và bụi bặm hơn ta tưởng. Một thành phố biển chẳng hạn... những con đường sạch sẽ rợp bóng dương, những kiốt bán đồ lưu niệm, con tàu và những bầy chim trên mặt nước màu lam... Nhưng nếu ta trở lại nơi ấy vào lúc mùa nghỉ mát đã qua. Ta đã thấy trên cảng lớp nước đầy rác rến lẫn váng dầu. Những bãi cát nhớt nhát rong biển và vây cá. Mùi tanh chài lưới và mùi hôi những con tàu cọ rửa bốc lên... Hãy tha thứ cho Nguyên...




Người đàn bà nhìn chồng. Anh đang châm thuốc. Mấy nếp nhăn nhỏ hằn trên trán. Vài hạt gầu trắng rơi trên vai. Một người đàn ông thật sự sống vì công việc. Nhưng công việc ấy để làm gì? Linh lại thấy nỗi uất tức dâng tới cổ khi cô nghĩ tới những bài báo dối trá của anh. Anh thông minh nhưng không đủ lòng can đảm để sống đúng với mong muốn của mình.

Anh đã thoả hiệp để kiếm được một chỗ đứng vững vàng trong xã hội và thu về những mối lợi cho bản thân. Căn phòng này, những bông cẩm chướng rực rỡ trong bình pha lê. Tấm thảm len nổi những bông hồng lớn. Những đồ gỗ bóng lộn kia... Các tiện nghi... Và cả tấm áo ngủ sang trọng cô đang mặc trên người. Được những thứ sang trọng ấy, anh đã đánh mất vầng hào quang ngày trước.

Linh thuộc lớp người sinh ra sau cách mạng, và ngọn gió của nó đã thấm đãm tâm hồn cô, những ý tưởng tốt đẹp của nó đã thống trị tinh thần cô từ thời thơ ấu, không một dao động nào của đời sống có thể dập xoá được. Bản tính quyết liệt và trung thực, cô không chấp nhận sự thoả hiệp. Mặc dù, về phương diện lý trí, cô đã thấy những phức tạp của cuộc sống sinh tồn và tha thứ cho Nguyên, nhưng trong tâm linh, làn ánh sáng rực rỡ của những ý tưởng thời niên thiếu đốt anh thành tro tàn dĩ vãng. Tình yêu của cô với anh đã chết, không thể vãn hồi.

- Em sẽ đi khỏi đây.
Linh nói, sau hồi lâu im lặng.
- Anh xin em. Chúng ta cần phải giữ gìn danh dự cho chính mình và cho bé Hương Ly. Anh thề rằng anh sẽ không đụng tới một sợi tóc em khi nào em chưa cho phép.
- Nhưng em không muốn nhìn bộ mặt của một người dối trá.
- Linh này, có lẽ với những người đàn bà khác, sự trung thực tối cao mà họ cần có ở người chồng là trung thực với tình yêu. Anh trung thành với em ngay cả trong ý nghĩ. Chẳng lẽ điều ấy không đủ cho em...

- Nhưng anh đã không trung thành với chính phẩm giá của mình. Em không thể yêu một người đã đánh mất phẩm giá...
- Em khắc nghiệt quá. Em tưởng rằng anh không nghĩ ngợi, không cay đắng vì điều đó sao?... Đã nhiều lần... và nhất là chuyến đi miền Trung vừa rồi. Khi anh nhìn những người đàn bà gày gò xanh xao vờ cào cỏ ruộng khoai để các phóng viên thu hình ruột anh thắt lại. Là đàn ông, không lẽ anh lại khóc. Anh đuổi cậu nhiếp ảnh đi, tới bên một bà già hỏi :

- Bác cào cỏ khoai của đội hay của nhà?
Bà ta quay lại, gượng mặt võ vàng lầm lụi:
- Khoai nào của bầy tui? Của hợp tác bên tê.
Anh lại hỏi:
- Sao các bác lại tới đây cào cỏ?
Bà ta ném cây cuốc xuống, ngồi thở hổn hển và đáp:

- Mấy ông lãnh đạo xã bảo tới đây làm cho báo chí chụp phim. Ruộng bầy tui nứt thụt ống chân, có giọt nước mô mà trồng khoai cấy lúa. Hai tháng nay nỏ có hột cơm vào bụng. Bữa diếp nghe có đoàn các chú về, hợp tác lên huyện xin nếp về chia cho mỗi nhà hai cân với ba lạng thịt heo... Nói xong, bà ta lau mồ hôi giục: "Chú có hình nhanh lên cho bầy tui về. Nhọc quá". Lúc đó, anh không nghĩ được gì hết. Mắt anh nhoè đi. Anh định bảo những người đàn bà tội nghiệp ấy về nhà. Nhưng vừa định mở miệng, một trở lực âm thầm đã buộc anh phải ngừng lại. Rồi ý thức của một viên chức buộc anh gọi cậu nhiếp ảnh kia trở lại chụp hình.


Cậu ta thì thào: "Dân đói quá anh ạ. Em không dám ghi hình rõ phải làm mờ đi. Tại sao người ta lại bảo mình rằng huyện này làm ăn tấn tới lắm?..." Anh không trả lời cậu ta nhưng anh biết rõ bí thư huyện là một kẻ dốt nát. Do một vài thành tích, nói đúng hơn là may mắn, ông ta được cất nhắc từ một xã phía bắc lên vũ đài chính trị. Ở đó, ông ta tự thấy mình là một vĩ nhân, có sứ mạng dẫn dắt dân chúng làm cách mạng triệt để. Và ông ta quyết biến huyện của mình thành ngọn hải đăng của toàn quốc!...

- Tại sao người ta lại tin dùng một kẻ dốt nát và hám danh như thế?

- Sự cất nhắc người này, tấn phong người kia nhiều khi phụ thuộc vào hàng loạt những yếu tố ngẫu nhiên mà ta không giải thích được. Em đừng ngắt lời, anh sẽ kể tiếp nhân vật đó. Với ảo vọng trở thành ngọn cờ đầu cho cả nước, ông ta bắt tay vào thực hiện hàng loạt các công trình cải tạo sản xuất, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, quy hoạch lại ruộng đồng và các công trình kiến thiết cơ bản. Việc cấu trúc nền kinh tế bao giờ cũng là việc hệ trọng nhất của một xứ sở hay một quốc gia. Lẽ ra, nó phải được giao cho những bộ óc vĩ đại, đầy đủ kiến thức khoa học và kinh nghiệm xã hội. Nhưng ông bí thư huyện uỷ kia chỉ mới học qua bậc tiểu học.

Với một kiến thức như thế, lẽ ra ông ấy chỉ nên làm thủ lĩnh một gia đình gồm một bà vợ và bảy tám đứa con, thiết lập nền kinh tế trên hai mẫu ruộng với vài sào vườn chứ không thể tổ chức đời sống cho hàng triệu con người trên một địa dư phức tạp. Tham vọng lớn, quyền hành trong tay, đương nhiên ông ta sẽ đưa ra những công trình phiêu lưu, những kế hoạch cảm ính không có cơ sở khoa học bảo đảm. Ông ta bắt dân chặt rừng thông để trồng lúa. Nới xưa kia trồng lúa ông buộc họ trồng mầu. Năm vạn người được huy động làm một công trình thuỷ lợi mà sau đó những cánh đồng thuần hoá trở thành khô cạn, đất nứt lọt chân trâu. Những cánh đồng khác lại chìm trong nước úng. Thật là khủng khiếp khi tham vọng và quyền lực được đặt vào một bộ óc tối tăm. Lúc đó sự tàn phá sẽ xảy ra, trên một bề rộng và trong một chiều sâu mà sự huỷ diệt của đạn bom cũng không sánh nổi.

- Nhưng nếu ông ta là người trung thực? Có thể tha thứ cho một kẻ thành thực nhưng ngu dốt chứ?

- Cái đó tuỳ em... Nhưng nếu như người ta luôn luôn tha thứ cho những người tốt bụng và làm hỏng việc thì kết cục xã hội sẽ tàn lụi. Còn vị bí thư huyện này thì không thành thực lắm đâu. Một người thành thực không thể nghĩ ra cái mẹo phát gạo nếp với thịt lợn cho dân trước khi các đoàn khách trung ương về. Mùi xôi và mùi thịt sẽ đánh lừa cấp trên và làm hoa mắt đám cán bộ tuyên truyền. Đấy là cái mánh của dân tiểu thương.

- Thế những người làm báo? Chẳng lẽ họ dễ bị lừa đến thế?

- Chẳng có ai bị lừa cả. Người ta nhìn thấy ngay sự thật. Nhưng có một sự thật mạnh mẽ hơn chế ngự họ: Ấy là cỗ máy đã vận hành, đừng dại dột mà cản lại nó. Em đã đi xe, em biết, Má phanh và dây phanh là hai thứ luôn luôn phải thay vì hao mòn hư hại. Công việc cũng thế thôi. Khi tổng biên tập báo gọi anh tới và bảo rằng: Huyên Y khálắm, lá cờ đầu của phong trào. Cậu hãy tới tìm hiểu và viết ngay một bài báo cho kịp đăng số đầu tháng. Nhanh chân lên kẻo các báo khác chớp mất thời cơ. Nghe đâu Hội đồng Bộ trưởng đã có quyết định tăng huân chương cho họ rồi đấy... Sau khi nhận một cái lệnh như thế, anh lên đường.

Và rồi anh chứng nghiệm cái sự thực cay đắng kia. Nhưng anh chỉ nhận biết chứ chưa thể nắm được toàn bộ các cứ liệu xác thực về nó. Mà người ta cũng không bao giờ muốn anh nắm được các cứ liệu về sự thất bại tồi tệ của chính họ. Liệu anh có dám tự biến mình thành viên đá ném vào cỗ xư đang chạy kia không?... Nó sẽ nghiền nát anh như chơi. Mà người ghét bỏ anh trước tiên có khi lại chính là ông tổng biên tập thân thiết ấy.

Ông ta đang muốn báo có những cơ hội tốt để cấp trên chú ý và gây được tiếng vang. Giờ, anh lật lại vấn đề, phủ nhận một sự thực đã được công bố, khẳng định những xét đoán của cá nhân anh... Việc đó hoàn toàn giống việc ta tự biến mình thành viên đá nhảy vào cỗ xe: Cho dù xe có thể chạy chậm đi chút ít, số phận viên đá sẽ thế thôi: hoặc nát vụn hoặc vỡ thành dăm bảy mảnh...

- Anh đã chọn phương án ít hiểm nguy nhất với mình. Chính thế những hiểm nguy và đau khổ đã dồn xuống vai những người nông dân héo hắt kia. Ở một vùng xa xôi thế, khi những người có trách nhiệm hiểu ra sự thực, bao nhiêu thất thiệt sẽ xảy ra.

- Đấy là điều đáng tiếc, nhưng không ai tránh được.

- Ở nơi nào còn những trí thức tồi tệ như anh, ở đó còn tội ác. Có lẽ, nếu anh ngu dại hơn người ta còn có thể ta thứ cho anh được. Nhưng anh tinh khôn quá, sâu sắc quá. Anh giống một tên tội phạm giết người không phải vì mắc bệnh thần kinh, không phải vì trạng thái thương tổn của tâm linh mà vì y có ý thức cặn kẽ về việc phải làm.

- Em điên đấy à? Sao lại hét lên thế?... Em phải hiểu rằng giả sử anh làm ngược lại cái guồng quay đang chuyển động cũng không có một hiệu quả gì hết. Đó là sự thực vô cùng đơn giản mà em không chịu hiểu.

- Nhưng đã bao giờ có giả sử đó đâu.
Linh vẫn khăng khăng hét lên như vậy, hai má đỏ bừng. Nguyên thở dài, hạ giọng:

- Anh chỉ là một hạt cát, Linh ạ. Nếu độc thân, anh có thể liều lĩnh. Nhưng đã có em và có con...
- Em không ăn miếng cơm của anh nữa. Em sẽ đi khỏi đây ngay bây giờ...
Cô vùng đứng lên. Nguyên đứng lên theo, với vẻ tuyệt vọng:
- Anh nghĩ rằng anh nói với em tất cả mọi chuyện để...
- Anh nhầm...

Cô mở tủ, lấy quần áo xếp vào chiếc va ly nhỏ mà bà dì đã mua cho cô hồi được tin cô trúng tuyển vào Trường Đại học. Đã mấy năm nay, chiếc va ly đó dùng chứa những thứ đồ cũ không dùng tới: Chiếc màn cá nhân. Tấm vỏ chăn hoa thời nữ sinh và những tấm áo ngắn cũn cỡn cô còn giữ làm kỷ niệm. Linh mở nắp valy, mùi băng phiến bay lên lẫn mùi ngái của quần áo cũ. Cô tần ngần lật từng thứ lên xem.

Nguyên đứng ở góc phòng, liên tục rít thuộc. Tay anh run bắn. Anh không dám nhìn Linh. Gió lùa vào phòng, thổi tàn thuốc rơi xuống nền đá lát. Mấy bông cẩm chướng rụng đầy mặt bàn. Có đến tuần lễ nay Linh không thay hoa. Cô là linh hồn của gian phòng này. Cô là linh hồn của chính anh. Nếu cô ra đi, cuộc sống thức của anh cũng sẽ đi theo. Nhưng làm sao níu kéo được?

Trich BÊN KIA BỜ ẢO VỌNG của Dương Thu Hương
http://www.wattpad.com/405040-b%C3%AAn-kia-b%E1%BB%9D-%E1%BA%A3o-v%E1%BB%8Dng-truy%E1%BB%87n-ng%E1%BA%AFn

No comments: