Monday, November 15, 2010

TIN TỔNG HỢP * MỸ & THẾ GIỚI






TIN RFI *
Từ Ấn Độ đến Úc, Hoa Kỳ bày thế cờ châu Á Thái Bình Dương
Tổng thống Obama nói chuyện với binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc ngày 11/11/2010.
Tổng thống Obama nói chuyện với binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc ngày 11/11/2010.
Reuters
Tú Anh

Trong vòng công du 9 ngày tại châu Á, bắt đầu từ ngày 7/11/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ đi thăm 4 nước là Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo giải thích của Washington, lãnh đạo Hoa Kỳ chỉ ghé qua « các nước dân chủ » chứ không có ý tránh né Trung Quốc. Vào lúc Tổng thống Mỹ đặt chân đến Ấn Độ, một phái đoàn chính phủ Mỹ rất hùng hậu bay đến Úc và ký hiệp ước tăng cường hợp tác quốc phòng và kêu gọi Trung Quốc phải ứng xử như một cường quốc có trách nhiệm.

Theo giới phân tích, những sự kiện kể trên không hẳn là ngẫu nhiên.Đúng là trên đường đi dự hội nghị G20 tại Hàn Quốc và APEC tại Nhật Bản, Tổng thống Obama nhân tiện ghé Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất địa cầu mà từ ngày đắc cử ông chưa đến. Còn Indonesia là nơi « Barry » sống 4 năm lúc còn thơ ấu. Tuy nhiên cả 4 quốc gia kể trên đều có hai mẫu số chung : trái với Trung Quốc, đây là những nước theo chế độ dân chủ và có cùng vấn đề trước tham vọng của Trung Quốc.

Tại New Delhi, Tổng thống Mỹ đã có những động thái thắt chặt quan hệ với Ấn Độ mà ông gọi là « một cường quốc thế giới » và là một đồng minh tự nhiên của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Ông Obama tuyên bố ủng hộ Ấn Độ ứng cử làm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an nới rộng.

Quan hệ Mỹ - Ấn, khá lạnh nhạt trong thời chiến tranh lạnh, đã được hai Tổng thống Mỹ là Bill Clinton và George W. Bush liên tiếp nỗ lực cải thiện, với đỉnh điểm là hợp tác hạt nhân dân sự.

Theo AFP, giới chuyên gia địa lý chính trị thẩm định là Washington ủng hộ Ấn trên các lãnh vực kinh tế và ngoại giao trong chiều hướng New Delhi là một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

Nhất cử nhất động của Tổng thống Mỹ tại Ấn không tránh khỏi được Bắc Kinh phân tích kỹ lưỡng trước cuộc gặp tay đôi Obama-Hồ Cẩm Đào bên lề G20 tại Seoul.

Sau Ấn Độ, Tổng thống Mỹ đến Indonesia. Ngoài vấn đề tình cảm gắn bó lúc tuổi thơ, quần đảo Nam Dương là một chặng viếng thăm quan trọng vì có tính chiến lược. Phụ tá cố vấn an ninh Tổng thống, ông Ben Rhodes nhận định là với vị thế là một chế độ dân chủ có số tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới, một cường quốc kinh tế của Đông Nam Á, Indonesia giữ vai trò đồng minh càng ngày càng cần thiết đối với Mỹ trong khu vực châu Á và trên thế giới.

Song song với chuyến viếng thăm châu Á của chủ nhân Nhà Trắng, một phái đoàn ngoại giao, quân sự Mỹ gồm Ngoại trưởng Hillary Clinton đang công du trong vùng, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Đô đốc Michael Mullen , Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, đến nước Úc, cường quốc khu vực ở phía Nam Thái Bình Dương.

Qua thông cáo chung, Mỹ - Úc ký nhiều hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự, thảo luận về nỗ lực giúp các đối tác trong vùng về “an ninh hàng hải”.

Theo AFP, vụ va chạm tại Senkaku/ Điếu Ngư hồi đầu tháng 9 và thái độ độc đoán của Trung Quốc tại Biển Đông làm cho các nước trong vùng và Hoa Kỳ vô cùng quan ngại.

Trong cuộc họp thường niên Mỹ - Úc tại Melburn, hai nước cùng kêu gọi Trung Quốc hành xử như một “cường quốc có trách nhiệm”. Bộ trưởng Robert Gates tuyên bố thêm là Hoa Kỳ dự kiến tăng cường hiện diện quân sự tại Á châu.

Để tìm hiểu thêm ván cờ địa lý chính trị của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương , mục tiêu và đối tượng của Washington, RFI Việt Ngữ đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20101111-tu-an-do-den-uc-hoa-ky-bay-the-co-chau-a-thai-binh-duong



Việt Nam làm bạn với thế giới (và Mỹ) để đối phó với Trung Quốc


Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đón chào Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tai Hà Nội ngày 30/10/2010
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đón chào Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tai Hà Nội ngày 30/10/2010
REUTERS/Damir Sagolj
Trọng Nghĩa

Bị Trung Quốc thúc ép quá đáng, Việt Nam đã củng cố quan hệ với các cường quốc có trọng lượng, đặc biệt là với Hoa Kỳ. Mục tiêu là để tìm đồng minh đối phó với đà bành trướng của Bắc Kinh, bảo vệ chủ quyền của mình. Trong bài "Trong một bước ngoặt lịch sử, Việt Nam liệt Trung Quốc vào diện đối thủ" (In historic turn, Vietnam casts China as opponent), nhà báo John Pomfret của nhật báo Mỹ The Washington Post ngày 30/10/2010 đã phân tích chuyển hướng ngoại giao của Việt Nam trong thời gian gần đây.

Cách đây ba tuần, một cuộc triển lãm đã mở ra tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Dọc theo một bên tường của một căn phòng dài là vật kỷ niệm 25 năm cuộc chiến chống Mỹ và Pháp của Việt Nam. Các bức thư xin đầu hàng, các câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh, lựu đạn và súng AK-47 chạy dài dọc theo một bên tường. Phần này hoàn toàn không có gì mới lạ.

Thế nhưng ở phía tường bên kia, Viện Bảo tàng Lịch sử đã thực sự làm nên lịch sử. Trên tường, người ta đã treo dao găm, tranh vẽ và những câu trích dẫn liên quan đến cuộc đấu tranh của Việt Nam với một đối thủ khác : đế quốc Trung Hoa. Các trận đánh vào những năm 1077, 1258, và thế kỷ 14 và 18 đã được minh họa một cách chi li.

Thông tin đáng phiền cho Bắc Kinh

Đưa Trung Quốc lên ngang hàng với "kẻ xâm lược phương Tây" đánh dấu một bước đột phá tâm lý đối với quân đội Việt Nam, đồng thời là một thông tin đáng phiền cho Bắc Kinh.

Trong nhiều năm trời, Trung Quốc đã cố gắng gầy dựng một mối quan hệ đặc biệt với chính quyền Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên sự vươn lên của Trung Quốc - và thái độ ngày càng hung hăng đối với Việt Nam - đã gióng lên tiếng chuông báo động nơi giới lãnh đạo của đất nước 90 triệu dân này, thúc đẩy họ nhìn người láng giềng một cách khác đi. Bắc Kinh có nguy cơ bị mất đi tư thế một đối tác cộng sản anh em đối với Việt Nam, để bị đẩy trở lại vị trí lâu năm trước đây của họ : đế chế phương Bắc đã từng nhào nặn và dày vò Việt Nam trong nhiều thế kỷ.

Thay đổi về nhận thức nói trên đã chuyển Việt Nam vào một hướng đi khác thường : đó là làm bạn với thế giới để có hàng rào chống lại Trung Quốc. Và nổi bật trong số bạn tri kỷ mới của Việt Nam lại là Hoa Kỳ, vốn cũng rất muốn tìm đối tác giúp mình đối phó với Bắc Kinh.

"Có thêm một người bạn mới luôn luôn là điều tốt", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn. "Thậm chí lại còn tốt hơn khi người bạn đó từng là kẻ thù của mình."

Biểu hiện về mối quan hệ thân hữu Mỹ-Việt đã được phô bày hôm 29/10/2010 khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton đến Hà Nội trong chuyến công du Việt Nam thứ hai của bà trong vòng bốn tháng. Không đầy ba tuần trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates cũng đã có mặt ở đây.

Vào tháng 08/2010, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tham gia cuộc đối thoại an ninh đầu tiên của họ với đối tác Việt Nam tại Hà Nội. Ba chiếc tàu Hải quân Hoa Kỳ cũng đã đến Việt Nam trong năm qua. Hơn 30 sĩ quan Việt Nam đang theo học tại các học viện quân sự Mỹ.

« Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam để kềm chế đà bành trướng của Trung Quốc » và « bây giờ họ phát huy quan hệ hữu nghị với Việt Nam... cũng để kềm hãm sự vươn lên của Trung Quốc ». Đây là nhận định của một cựu quan chức cao cấp Việt Nam không được quyền nói chuyện với phóng viên báo chí.

Việt Nam và Hoa Kỳ đang hoàn chỉnh một thỏa thuận cho phép Việt Nam thủ đắc công nghệ năng lượng hạt nhân của Mỹ. Theo các quan chức Việt Nam, điều đó có thể giúp Hà Nội chấm dứt sự lệ thuộc vào nguồn điện từ Trung Quốc. Cùng lúc, các quan chức quốc phòng Việt Nam cho biết họ rất muốn mua công nghệ quân sự Mỹ, trong đó có thiết bị sonar để theo dõi các tàu ngầm của Trung Quốc. Hà Nội cũng tham gia các cuộc đàm phán để có phụ tùng cho kho máy bay trực thăng Mỹ UH-1 Iroquois, một biểu tượng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Và bất chấp áp lực từ Trung Quốc, ba công ty dầu của Mỹ đang tiến hành thăm dò ngoài khơi trong vùng biển của Việt Nam.

Lợi ích chiến lược chung

Chuyên công du Việt Nam trong hai ngày của bà Clinton đánh dấu sự kiện lần đầu tiên Hoa Kỳ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á - một diễn đàn hàng năm của các nước lớn trong khu vực. Trong thực tế, chính Việt Nam đã mở cửa cho Hoa Kỳ gia nhập.

« Người Việt Nam rất phấn khởi trong việc thắt chặt quan hệ đối tác với chúng ta » Bà Clinton đã nhận xét như trên vào tuần trước trong một cuộc trò chuyện với nhà sử học Michael Beschloss. " Việt Nam là địa bàn xẩy ra một cuộc chiến tranh làm cho hàng chục ngàn người Mỹ và người Việt bị thiệt mạng, bị tàn phế và bị thương. Tác động cuộc chiến đó được cảm nhận rất sâu đậm ở Mỹ và ở Việt Nam. Thế mà người Việt và người Mỹ hiện đang làm ăn với nhau, đang làm ngoại giao với nhau, đang cùng chung quan điểm trong một số vấn đề khu vực, toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm ».

« Chúng ta cần để chiến tranh lại cho các nhà văn », Bảo Ninh, tác giả một cuốn tiểu thuyết ray rứt về cuộc chiến tranh Việt Nam mang tựa đề "Nỗi buồn chiến tranh", đã nói như trên. Bên cạnh đó, theo Bảo Ninh, một người từng là bộ đội trong thời chiến tranh, thì Mỹ rất được người Việt ưa chuộng : « Ngay cả thế hệ của tôi cũng thích người Mỹ hơn. Nếu tổ chức bầu phiếu trong quân đội, thì họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho Mỹ ».

Đảm bảo sao cho Trung Quốc không thống trị Biển Đông

Một trong những quan điểm chung giữa hai nước là đảm bảo sao cho Trung Quốc không thống trị Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rông 1 triệu dặm vuông bao gồm cả khu vực bao la của đại dương cách vùng cực nam của Trung Quốc đến 1.000 dặm. Trung Quốc đã phái tàu tuần tra hàng hải lớn nhất thế giới xuống khu vực để xách nhiễu ngư dân và các toán thăm dò dầu khí của Việt Nam.

Vào tháng bảy vừa qua, sau khi tham vấn với phía Việt Nam, bà Clinton đề cập đến vấn đề này tại một cuộc họp của các quốc gia Đông Nam Á tại Hà Nội, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển và kêu gọi mở đàm phán đa phương. 11 quốc gia khác đã theo gương của Hoa Kỳ. Bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc, Dương Khiết Trì, đã rời cuộc họp với thái độ rõ ràng là bị chấn động, để rồi sau đó quay lại, chỉ để nhắc nhở các quốc gia khác rằng họ là nước nhỏ còn Trung Quốc là nước lớn.

Một lợi ích chung khác sẽ được nêu bật ngày 30/10/2010 khi bà Clinton chủ trì một cuộc họp của nhóm Sáng kiến Hạ nguồn sông Mêkông (Loower Mekong Initiative) do Mỹ thành lập. Mục tiêu một phần là để thúc đẩy Bắc Kinh giới hạn số lượng đập nước xây dựng trên thượng nguồn sông Mêkông trên lãnh thổ Trung Quốc.

Vào tuần trước, mực nước sông Mêkông đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử, và các nhà phân tích tại Việt Nam đổ lỗi cho các con đập, các công trình thủy lợi, các dự án thủy điện tại Trung Quốc.

Quan hệ tỏa rộng

Chiến dịch quyến rũ ngoại giao của Việt Nam không chỉ giới hạn vào Hoa Kỳ. Hà Nội cũng đã tăng cường quan hệ với Maxkơva, người bảo trợ cũ của mình, và vào năm ngoái đã ký hợp đồng mua sáu chiếc tàu ngầm hạng Kilo.

Một đối thủ khác của Trung Quốc là Ấn Độ, cũng đang đàm phán để giúp Việt Nam nâng cấp đội chiến đấu cơ MiG-21 của mình. Pháp, nước từng đô hộ Việt Nam, đang xem xét việc bán tàu chiến cho Hà Nội. Việt Nam cũng đã tìm đến các cường quốc châu Á, như Hàn Quốc và Nhật Bản, và đã bỏ yêu cầu visa nhập cảnh cho công dân các nước này cách đây 5 năm.

« Việt Nam đang cố tìm cách nói với Trung Quốc rằng "Chúng tôi đã có những người bạn hùng mạnh".» Nayan Chanda, tác giả quyển "Anh em thù địch" (Brother Enemy), công trình nghiên cứu kinh điển về quan hệ Việt-Trung, đã nói như trên. « Thế nhưng đó là một trò chơi rất tế nhị ».

Vẫn tránh không nói đến cuộc xung đột Việt-Trung đẫm máu năm 1979

Thật vậy, ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam vẫn mạnh mẽ. Cải cách kinh tế của Việt Nam - được gọi là đổi mới - đã lấy cảm hứng từ Trung Quốc, và các lực lượng an ninh Việt Nam đã học được rất nhiều từ đối tác Trung Quốc về cách duy trì chế độ độc đảng. Như vậy, Hà Nội cẩn thận tránh làm phiền Bắc Kinh, hoặc không làm phiền quá nhiều. Tại Viện Bảo tàng Quân đội Việt Nam chẳng hạn, có một cuộc chiến không hề được nhắc đến : đó là cuộc xung đột biên giới đẫm máu Việt Nam - Trung Quốc vào năm 1979.

Giới kiểm duyệt Việt Nam cũng thường xuyên cấm loan tin tức chống Trung Quốc. Hôm 28/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra lệnh cho Vietnamnet, tờ báo trên mạng hàng đầu của Việt Nam, là phải rút một bài viết dự đoán rằng các nước Đông Nam Á sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc trên vấn đề tranh chấp vùng biển và những vấn đề khác.

Tuy nhiên, một số tin khác lại được cho qua, như các bài báo tuần này nói về phong trào kiến nghị có bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu. Bà Bình là cựu phó chủ tịch nước Việt Nam và đại diện cho Việt Cộng tại hòa đàm Paris. Kiến nghị chống lại một đề án đầu tư lớn của Trung Quốc khai thác mỏ bauxite trên vùng cao nguyên Việt Nam.

« Chúng tôi đã phải sống bên cạnh Trung Quốc trong 4.000 năm. Chúng tôi không thể nhổ cọc, chuyển đi nơi khác ». Bà Phạm Chi Lan, một nhà kinh tế cấp cao có ký kiến nghị, đã nói như vậy. "Để tồn tại, tuy nhiên, chúng tôi cần bạn bè."

tags: Biển Đông - Chuyên mục trên mạng - Hoa Kỳ - Ngoại giao - Quốc phòng - Trung Quốc - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20101030-viet-nam-lam-ban-voi-the-gioi-va-my-de-doi-pho-voi-trung-quoc

No comments: